Wednesday, 17 June 2015

Thực tế về hợp tác Việt Nam - Trung Quốc - Gia Minh, biên tập viên RFA, Bangkok

Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang cúi chào tại buổi lễ chào đón khi ông đến thăm Trung Quốc tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh ngày 19 tháng 6 2013
Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang cúi chào tại buổi lễ chào đón khi ông đến thăm Trung Quốc tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh ngày 19 tháng 6 2013
 AFP
















Từ hôm nay 17 tháng 6 đến ngày 19 tháng 6, Việt Nam và Trung Quốc tiến hành phiên họp lần thứ 8 Ban Chỉ đạo Hợp tác Song phương tại Bắc Kinh.
Hợp tác đôi bên lâu nay có thực sự mang lại lợi ích như mong mỏi của nhiều người Việt Nam hay không?
Diễn tiến mới
Phó thủ tướng kiêm bộ trưởng ngoại giao Phạm Bình Minh của chính quyền Hà Nội dẫn đầu phái đoàn sang thủ đô Trung Quốc dự phiên họp. Lần họp này diễn ra chỉ một hôm sau khi Trung Quốc tuyên bố sắp sửa cải tạo xong các bãi đá ở khu vực quần đảo Trường Sa đang có tranh chấp tại Biển Đông.
Trung Quốc lặp lại rằng những đảo nhân tạo được hình thành sau khi bồi đắp cải tạo mà nên sẽ giúp cho công tác tìm kiếm- cứu nạn hàng hải, cứu trợ thiên tai, bảo vệ môi trường, hổ trợ tàu thuyền cũng như có những mục tiêu quân sự.
Dù Trung Quốc trấn an những công tác như vừa nêu sẽ không ảnh hưởng đến hoạt động hàng hải cũng như hàng không trong khu vực; nhưng Hoa Kỳ, nước từng có kêu gọi Trung Quốc ngưng hoạt động xây dựng đảo nhân tạo tại Trường Sa, tiếp tục bày tỏ quan ngại về kế hoạch xây dựng thêm nữa của Bắc Kinh, trong đó có việc xây dựng cho quốc phòng.
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nói thẳng rằng kế hoạch được công bố của Trung Quốc không góp phần giúp giảm căng thẳng, không hổ trợ đưa ra những giải pháp hòa bình và ngoại giao, cũng như không giúp tăng thêm gì cho những tuyên bố chủ quyền gây tranh cãi của Bắc Kinh cả.
Lợi thế bị bỏ mất
Những tuyên bố mới nhất của Hoa Kỳ, cũng như các quốc gia khác trong khu vực mà gần đây là của Malaysia, rồi Australia, ngay cả một số nước Châu Âu về hoạt động bồi đắp xây dựng đảo nhân tạo của Trung Quốc tại khu vực Trường Sa được cho là tiếng nói đồng thuận của thế giới trước hành động sai trái của Bắc Kinh.
Tôi thấy những nhà lãnh đạo của Việt Nam đúng ra thì phải coi đây là cơ hội (Philippines đưa TQ ra Tòa Trọng tài Quốc tế tại La Haye) để cùng với họ mà kiện Bắc Kinh; nhưng chỉ tiếc những người lãnh đạo Việt Nam đến bây giờ vẫn còn ‘u mê’
Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh
Tuy nhiên theo những người quan tâm đến mối quan hệ Việt- Trung thì chính quyền Hà Nội không tận dụng được lợi thế đó.
Tin tức cho biết vào đầu tháng 7 tới đây, Philippines sẽ đến Tòa Trọng tài Quốc tế tại La Haye để trình bày lập luận của họ khi đưa đường đứt khúc chín đoạn mà Trung Quốc vạch ra tại Biển Đông để tuyên bố chủ quyền.
Cho đến lúc này Hà Nội vẫn không làm được như Manila. Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, nguyên đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc trước đây nói về điều đó:
“ Tôi thấy những nhà lãnh đạo của Việt Nam đúng ra thì phải coi đây là cơ hội để cùng với họ mà kiện Bắc Kinh; nhưng chỉ tiếc những người lãnh đạo Việt Nam đến bây giờ vẫn còn ‘u mê’.”
Cảnh một vụ tàu TQ đâm tàu cá ngư dân Việt Nam
Cảnh nhiều tàu Trung Quốc vây ép tàu cá ngư dân Việt Nam ngay trên vùng biển Việt Nam vào những ngày đầu tháng 5.2014.(ảnh VOV)

Nhiều người Việt Nam trong cũng như ngoài nước hiện nay đều nói rằng họ thấy rõ ý đồ của Trung Quốc muốn chiếm nốt những đảo của Việt Nam tại Trường Sa như họ từng làm ở Hoàng Sa trước đây. Nhiều cuộc biểu tình đã nổ ra để nói lên ý chí đó nhưng rồi bị chính quyền dẹp mất.
Ông Nguyễn Khắc Mai, giám đốc Trung tâm Minh Triết Làm chủ Biển Đông, từ Hà Nội đưa ra đòi hỏi chính quyền Việt Nam hiện nay phải công khai cho dân chúng về chính sách, kế hoạch  trong vấn đề đấu tranh bảo vệ lãnh hải cũng như toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam:
“ Quốc hội cũng họp kín, ai biết nó là thế nào? Thái độ đối với vấn đề đó như thế nào, ( hãy) nói cho quốc dân rõ đi mà không dám nói. Tôi nói rằng đối sách với Tàu phải cao cường, và có khi phải bí mật về thủ đoạn; nhưng không có nghĩa bí mật thủ đoạn với giặc là bí mật chiến lược với dân. Phải nói cho rõ với dân về vấn đề này, chứ còn thủ đoạn với giặc thì phải giữ. Có thể đó là quyền của anh và tôi giao cho anh nhiệm vụ phải giữ thủ đoạn cho kín để làm việc, để tránh cái hại cho dân, cho nước. Nhưng phải công khai về chiến lược, đối sách với họ. Nói chung phải thế nào? Họ chiếm xong đảo rồi, họ lấp đảo rồi, họ xây căn cứ quân sự trên đó rồi mà chúng ta vẫn cứ ‘lui tới’ chỉ là mấy anh ở Bộ Ngoại giao gọi là phát ngôn thế thôi! Chưa có một hình thức mang tính chất pháp lý, pháp quyền nghiêm chỉnh của dân tộc, của chính phủ, của quốc hội để nói về vấn đề này!”
Vấn đế song phương là phía bên Trung Quốc lâu nay họ muốn ‘lùa mình vào rọ’. Lâu lâu họp nhưng không có ích lợi gì cả! Có vẻ hai bên làm việc với nhau, quan hệ đàng hoàng tử tế để nói với thế giới như thế
ông Nguyễn Khắc Mai
Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh cũng chỉ trích mạnh mẽ việc không để cho người dân biểu tỏ thái độ trước việc Trung Quốc có hành động xâm phạm lãnh hải, lãnh thổ của Việt Nam:
“ Có thể nói nhân dân Việt Nam biết rất rõ sự bành trướng của Đại Hán và cũng căm ghét bọn bành trướng đó. Nhưng thứ nhất họ bị bưng bít; thứ hai họ bị ép xuống, không cho biểu tình! Những người lãnh đạo của mình không cho chứ mà để cho biểu tình thì cả dân Việt Nam biểu tình chống Đại Hán.”
Thực tế ‘hợp tác’
Những người trí thức tại Việt Nam như ông Nguyễn Khắc Mai cho rằng Hà Nội đang ở thế quá yếu so với Bắc Kinh:
“ Vấn đế song phương là phía bên Trung Quốc lâu nay họ muốn ‘lùa mình vào rọ’. Lâu lâu họp nhưng không có ích lợi gì cả! Có vẻ hai bên làm việc với nhau, quan hệ đàng hoàng tử tế để nói với thế giới như thế. Nhưng thực ra họ làm gì: lấp xong đảo ‘ăn cướp’ của Việt Nam rồi!”
Hợp tác gì giữa con hổ với con hươu! Trung quốc thì họ ‘trăm mưu, ngàn kế’, hết đưa ra hữu nghị rồi 16 chữ …chỉ để lừa phỉnh người ta chứ họ có thực hiện bao giờ đâu!
Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh
Trong khi đó thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, người từng đảm nhận chức vụ đại sứ Việt Nam ở Bắc Kinh  từ năm 1974 đến năm 1987, nói rõ về mối quan hệ giữa hai phía như sau:
“ Hợp tác gì giữa con hổ với con hươu! Trung quốc thì họ ‘trăm mưu, ngàn kế’, hết đưa ra hữu nghị rồi 16 chữ …chỉ để lừa phỉnh người ta chứ họ có thực hiện bao giờ đâu! Bao giờ họ cũng có máu Đại Hán bành trướng thôi! Ăn được của người ta cái gì thì họ ăn cái đó chứ hợp tác gì đâu! Chẳng có thực chất gì đâu. Chẳng qua nhiều nhà lãnh đạo Việt Nam có thể nói chả tỉnh táo gì, cứ bị họ lừa, thua thiệt thôi chứ được gì!”
Sau lần Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào hoạt động sâu trong vùng kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam hồi giữa năm ngoái, ủy viên quốc vụ viện Trung Quốc sang Hà Nội gặp các cấp lãnh đạo chính quyền Hà Nội. Khi ông này về, truyền thông Trung Quốc loan tin nói ông Dương Khiết Trì sang để khuyến dụ ‘đứa con hoang’ trở về. Thông tin như thế về những vòng họp song phương Việt- Trung thường ít khi được truyền thông Việt Nam đưa một cách đầy đủ.
Trong khi đó, hiện nay theo những người thường xuyên theo dõi báo chí Trung Quốc như ông Nguyễn Khắc Mai thì có rất nhiều bài ‘mắng nhiếc’ Việt Nam mà không được cơ quan chức năng Hà Nội chuyển đến cho người dân.
Cả hai người như Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh và ông Nguyễn Khắc Mai đều nói rõ không tin tưởng vào sự hợp tác như lâu nay giữa Bắc Kinh và Hà Nội.