Năm 1966 đó, tôi dang làm việc yên ổn tại Sài gòn, thì gặp nạn. Vì đứa cháu nhỏ bảy tuổi, kêu tôi bằng cậu, yêu cầu dẫn đi xem cọp ở sở thú. Hai cậu cháu đang nhảy nhót vui cười, thì thằng cháu chỉ về phía trước mà nói lớn:
“Ông Huỳnh Quang, ông xếp của cậu, đang đi tới, đằng trước kia kìa”
Tôi thấy đúng là ông Tổng Giám Đốc của tôi đang đi với một cô gái trẻ. Cô nầy mặc váy cao, chân thon dài, ngực căng lớn. Hai người đang vui vẻ cười đùa. Bỗng ông Tổng Giám Đốc của tôi kéo cô gái núp vào gốc cây lớn, có lẽ ông sợ tôi thấy. Tôi kéo thằng cháu đi ngoặt qua ngõ khác để tránh cho ông xếp tôi đỡ ngỡ ngàng.
Nhưng thằng cháu cứ quay ngoắt lại, đưa tay chỉ vào gốc cây:
“Ông Huỳnh Quang ơi, cháu thấy ông rồi.”
Tôi hốt hoảng, kéo nó lại, và nói lớn như để cho ông Tổng Giám Đốc của tôi nghe, cho ông đỡ ngượng:
“Cháu lầm rồi, không phải ông ấy đâu.”
“Đúng ông ấy mà”
Một tuần sau, tôi được sự vụ lệnh thuyên chuyển ra miền Trung, về công trường xây cất một khu kỹ nghệ nằm gần miền núi ven Trường Sơn.
Mới ra thấu tỉnh nhỏ, là đã thấy nhớ và tiếc Sài Gòn đến ngẩn ngơ. Xe đón tôi từ phi trường về trụ sở nằm trên đường Độc Lập. Tôi lẩn thẩn bước đi, không cần biết đi đâu, cứ đi bộ mãi cho đến khi ngang qua trường Trung Học tỉnh lị, và chợt nhớ có mấy người bạn dạy ở đây, định ghé thăm chơi trước khi tôi đáp chuyến tàu hôm sau về khu kỹ nghệ đang xây cất. Chưa đến cổng trường, tôi đã bị một tà áo trắng cuốn hút theo và quên mất ý định thăm bạn. Tôi bị cú sét ái tình giáng xuống bất ngờ, tim đập hỗn loạn như sau mỗi đoạn đường chạy đua. Cô nữ sinh đó, áo trắng, quần trắng, tóc thả ngang vai, tay ôm cặp sách, đôi mắt thăm thẳm huyền bí trên khuôn mặt thon dịu hiền, có dáng dấp của tượng Đức Mẹ Maria. Tôi nghẹt thở, hoa mắt, luống cuống và thấy mình nhỏ lại, như đứa trẻ con khờ khạo, muốn cái gì đó, mà không biết phải làm gì. Tôi đâm ra rụt rè, sợ hãi. Cứ bị cuốn hút theo bước chân của cô nữ sinh. Đi theo, cách cô một quãng xa xa, không dám đến gần. Trong lòng cũng đầy cả lo sợ, sợ cô ấy biết được tôi đang theo bước. Tôi quay lui khi thấy cô về đến nhà. Tim tôi vẫn còn đập mạnh. Tôi vốn cù lần, xưa nay, trái tim chưa lần biết thổn thức trước nhan sắc và bóng dáng yêu kiều của nữ phái. Đây là lần đầu tiên trong đời thấy lửa lòng bốc cháy ngùn ngụt. Tâm thần thành mụ mẫm, ngẩn ngơ, dại khờ. Bóng dáng của chiếc áo dài trắng trước trường trung học bay phất phơ trong gió làm rộn rã niềm vui trong lòng. Tôi tạm quên nỗi buồn xa Sài gòn, và nghĩ rằng, biết đâu nhờ bị đổi đi xa mà tôi gặp được duyên may trong đời. Thì ra trong cái xui, thường có cái may tiếp đến. Nhưng khi đã biết đến mùi vị ái tình, thì cái thanh thản, thảnh thơi trong lòng cũng bắt đầu mất mát rất nhiều. Tôi quyết định, phải làm quen cho được cô gái bằng mọi giá.
aodaitrang
Tôi xin sở được nghỉ phép một tuần, để theo đuổi cái bóng hồng đã hớp mất hồn tôi. Ít nhất cũng phải làm quen cho được cô nữ sinh trước khi tôi đi vào miền Tây nhận nhiệm sở mới. Sáng hôm sau, tôi lấy hết can đảm, đến trước cổng nhà cô, canh giờ cô đi học. Đi qua đi lại mấy lần, dáo dác như kẻ trộm đạo. Bước chân tôi cũng ngượng ngập xấu hổ, lỏng chỏng, vô duyên. Tôi chưa từng mang mặt mo, không biết xấu hổ, đến chầu chực trước cổng trường nữ, như đám bạn bè cùng lứa tuổi khi còn là sinh viên. Lần đầu tiên đi canh đường đến trường của một cô gái, tôi tự thấy phẩm giá bị tổn thương rất nhiều, mặt tôi như dày thêm, chai cứng ra. Nhưng tiếng sét ái tình đã chiến thắng được cái rụt rè, tự ái, nhát sợ tiềm ẩn trong tôi. Một buổi canh đường vô ích, tôi không thấy cô nữ sinh ra khỏi nhà đi học. Tôi vội vã đi đến trường, cổng trường đã đóng kín. Tôi thơ thẩn đi lại vài vòng bên ngoài, nhác nhìn vào bên trong và mơ mộng, có lẽ giờ nầy nàng đang chăm chú nghe thầy giảng bài.
Trở lại trường trước giờ tan học, tôi sợ mấy ông bạn cũ hiện đang là giáo sư bắt gặp. Bây giờ, tôi chưa có nhiều thì giờ để thăm viếng bạn bè. Tôi cũng sợ các bạn hỏi tôi làm gì mà đứng nơi đây, khó trả lời và xấu hổ. Thơ thẩn như một kẻ vô tình. Tim tôi bỗng thót lên khi thấy tà áo trắng và bóng dáng nàng. Đúng rồi, nàng đang cười và nói chuyện với hai cô bạn khác. Cứ thế, tôi từ từ bước theo, tim đập thình thịch, và chợt nhớ ra, tôi chưa có kinh nghiệm làm quen với các cô gái bao giờ. Phải mở đầu ra sao đây? Làm quen giữa đường có sỗ sàng lắm không? Con gái nhà đàng hoàng có ai chịu quen con trai giữa đường?
Khi gần đến nhà, bạn bè nàng đã rẽ qua ngõ khác, chỉ còn một mình nàng, tôi hăng hái bước mau cho kịp, định bắt chuyện làm quen. Cổ tôi khô quánh, trí óc hoang mang, phải nói gì đây? Không lẽ nói “Tôi muốn làm quen với cô”. Sỗ sàng và nhạt nhẽo lắm không? Ai mà chịu nhận làm quen với một người lạ mà họ chưa biết, chưa gặp bao giờ. Hay là bắt chước người Tàu, hỏi cô đã ăn cơm chưa, vô duyên quá, mới đi học về mà hỏi đã ăn cơm chưa, vô lý. Hay là cứ nói thật rằng, tôi mới ở Sài Gòn ra, hôm qua gặp cô đi học về, thấy cô đẹp và duyên dáng quá, hôm nay tôi trở lại muốn làm quen, xin cô đừng sợ, tôi là người đàng hoàng. Nói thế cũng dài dòng quá, không đủ can đảm để nói cho hết, và có nói cũng ấp a ấp úng, không ai biết nói gì, mà tưởng đâu chọc ghẹo, thêm mất mặt, xấu hổ. Tôi vẫn bước mau tới, và chợt nhờ đến lời nói của một anh bạn cũ: “Ông vua thua thằng liều”.
Đời tôi chưa liều bao giờ. Bây giờ thì phải liều. Lấy hết can đảm, tôi bước nhanh hơn, định đi ngang hàng, và nói bất cứ câu gì tôi nói được ra khỏi cửa miệng. Có lẽ cô cũng chẳng giết chóc gì tôi, nếu có lỡ lời. Tim đập mạnh, trí óc mù cuồng, tay chân luống cuống, tôi bước mau. Chân tôi vướng vào một cái rễ cây nhô lên trên lề đường, tôi ngã chồm sấp tới phía trước. Kính văng ra khỏi mắt. Hai đầu gối đau điếng. Hai bàn tay chụp mạnh xuống đất như chụp ếch bà. Có lẽ nghe tiếng tôi ngã mạnh, nàng hốt hoảng quay lại, nhặt cái kính lên, đến đưa cho tôi, trong khi tôi còn đang nằm sấp, chưa dậy được. Tôi xấu hổ úp mặt xuống, không dám để cô nhìn thấy.
Giọng cô thanh tao, ngọt lịm:
“Cái kiếng của bác đây. Bác có sao không?”
“Không... không sao cả. Bình thường”
Tôi ngã nặng, và đau lắm, nhưng nói dối cho qua chuyện. Có lẽ nghe tôi bảo không can gì, nàng thong thả bước đi. Tôi lặng người, vì nàng kêu tôi bằng bác, tôi đã già đâu mà kêu bằng bác. Tiếng bác đó, làm tôi đau hơn nhiều lần những vết thương đang nhức nhối. Tôi run run cầm lấy cái kiếng, và cài lên mắt. Bao nhiêu dự định làm quen đều tan thành mây khói. Hai đầu gối tôi rách toác, máu chảy dầm dề. Xương đầu gối rêm buốt. Hai bàn tay trầy trụa, máu rướm. Quần áo tôi đầy bụi lấm nhếch nhác. Tôi ngồi bệt bên lề đường, nhăn nhó vì vết đau. Tôi tự rủa mình rằng, đáng kiếp, ai bảo đi theo gái làm chi. Thấy một chú bé đi ngang qua, tôi vọng hỏi:
“Nầy em. Em có biết chị nữ sinh áo quần trắng, vừa đi vào cái nhà có giàn hoa giấy đỏ đằng kia, tên là gì không?”
“Anh muốn hỏi chị Xuân Mai phải không? Chị ấy con bác Vũ.”
“Phải, cám ơn em.”
Tôi móc túi cho chú bé tiền, chú cười lắc đầu không nhận, bảo rằng ba mẹ cấm không cho nhận tiền của ai.
Tôi kêu chiếc xích lô định về khách sạn. Nhưng thấy hai đầu gối sưng tấy lên, lòi cả xương trắng bên trong, tôi nhờ chở đến bệnh viện để xin băng bó, và chích thuốc trừ phong uốn ván. Bị phong uốn ván mà chết, thì nhục lắm, mang tiếng chết vì đi tán gái, nghe không lọt tai. Xấu hổ. Tôi bỏ luôn ý định làm quen cô bé, ngày mai sẽ đến trụ sở, báo cho biết không cần nghỉ phép nữa, và sẽ lấy xe lửa vào nơi làm việc sớm.
Tôi được băng bó xong, đang chống cây gậy cáng náng, khệnh khạng đi ra cửa, thì gặp một bạn cũ, cùng ở chung cư xá Đại Học ngày trước. Bây giờ anh đang làm bác sĩ điều trị tại đây.
Chúng tôi vui mừng ôm nhau, anh hỏi:
“Ông làm gì nơi đây? Sao mà trầy trụa thương tích thế nầy?”
“Nói ra xấu hổ lắm ông ơi. Trời phạt tội đi theo gái, nên bắt chụp ếch. Không giập mặt, gãy răng là may lắm rồi.”
“Nói ra xấu hổ lắm ông ơi. Trời phạt tội đi theo gái, nên bắt chụp ếch. Không giập mặt, gãy răng là may lắm rồi.”
Anh bạn mời tôi về nhà. Ngồi trên xe, dọc đường, tôi kể chuyện đi theo cô nữ sinh. Anh không tin tôi đi theo gái. Anh tưởng tôi nói đùa, vì bạn bè biết tính nhau nhiều năm, trong thời còn sinh viên. Tôi nói số nhà, tên đường và tên cô gái, và tả cái giàn hoa giấy đỏ cho anh biết, để chứng minh lời tôi nói là thật.
Bỗng anh quành xe lại, quẹo hai ba lần, đến đúng trước nhà cô nữ sinh, có giàn bông giấy đỏ. Anh dừng lại và hỏi:
“Đúng nhà nầy không? Nhà bác Vũ làm việc ở khu Hỏa Xa đây. Con nhỏ Xuân Mai, tôi biết, nó còn nhỏ quá mà, mới học Đệ Tam. Thôi ông vào đây tôi giới thiệu cho. Khỏi đi theo tán tỉnh, nhọc công mà chưa chắc đã ra cơm cháo gì, lại té u đầu sứt trán.”
Tôi nghe mà hết hồn. Vội vã đáp:
“Áo quần nhếch nhác, tay chân băng bó, đi cáng náng như người đau bệnh kín, làm quen trong tình trạng nầy, xấu hổ lắm. Bây giờ mất đi cái dáng vẻ bên ngoài, mà dung nhan tiều tuỵ, không có lợi trong buổi gặp gỡ ban đầu. Thôi, ông cho tôi xin khi khác.”
Anh bạn cứ kéo tôi xuống xe, tôi trì lại hốt hoảng. Anh cười:
“Đâu cần cái vỏ bên ngoài. Không là gì cả, mà vẫn yêu thương nhau mới là quý, chứ yêu nhau vì cái bề ngoài, thì... thì....”
“Đâu cần cái vỏ bên ngoài. Không là gì cả, mà vẫn yêu thương nhau mới là quý, chứ yêu nhau vì cái bề ngoài, thì... thì....”
“Ông nói đúng, nhưng cái ấn tượng đầu tiên quan trọng lắm. Cái đó ảnh hưởng rất nhiều về sau”
Không ép tôi được, anh chở tôi về nhà chơi, ở lại ăn cơm tối. Vợ anh bạn nghe tôi bị sét ái tình đánh ngã, chị cười ngất và chế giễu tôi. Chị hứa sẽ xếp đặt với bố mẹ cô Xuân Mai cho “hai trẻ” được gặp nhau và tìm hiểu trong khuôn khổ lễ giáo. Tôi hẹn khi chân bớt đau, đi đứng bớt kỳ dị, sẽ xin gặp. Trong lòng tôi sung sướng, lâng lâng, cái cảm giác nhẹ nhàng, bay bổng, thứ cảm giác chưa hề có trong đời người. Đó là tình yêu, tình yêu đầu tiên của một người con trai.
Khi vợ chồng anh bạn báo cho biết bố mẹ cô nữ sinh sẵn sàng tiếp tôi, và cho phép cô con gái được tiếp xúc, gặp gỡ tìm hiểu, tôi mừng vui, ca hát luôn miệng. Anh chị bạn đã khen ngợi tôi hết lời, và nói thẳng với cha mẹ cô gái, là tôi bị cú sét ái tình phang trúng.
Ba hôm sau, bước chân của tôi đã bớt đau, nhưng dáng đi còn cứng ngắt như người máy. Tôi hớt tóc sạch sẽ, ăn bận đàng hoàng thanh nhã. Đúng là đi làm rể. Theo anh chị bạn vào nhà cô Xuân Mai. Bố mẹ cô tiếp tôi trong phòng khách. Ông bà hỏi dồn tôi như công an hỏi cung kẻ phạm pháp. Hỏi bố mẹ tôi làm gì, ở đâu, tên gì, nhà có bao nhiêu anh em, người nào làm gì, ở đâu. Hỏi tiếp, tôi đang làm nghề gì, bao nhiêu tuổi, lương bổng bao nhiêu. Những câu hỏi rất riêng tư, vật chất, và nếu không vì cái bóng dáng tà áo trắng thướt tha đang ám mù trong tâm trí, thì tôi chẳng bao giờ trả lời, mà còn cười khỉnh vào mặt. Khi trả lời, tôi phải khai gian một chút về lương bổng, rút bớt xuống, vì sợ ông bà không tin, và có thể cho rằng tôi khoe khoang khoác lác. Thường ngày thì tôi hiên ngang hùng dũng lắm, không ngán sợ ai cả, thế mà khi ngồi đây, tôi co rúm lại, chịu lép một bề, khép nép như một đứa bé. Tôi cũng tự ngượng với chính mình, nhưng không chủ động được. Sau khi lý lịch đã được kê khai đầy đủ, ông bà thoả mãn. Ông tằng hắng giọng và nói vọng vào bên trong:
“Xuân Mai ơi, sao không bưng trà ra mời khách!”
Nghe tiếng dạ nhẹ như hơi gió thoảng từ bên trong vọng ra, tim tôi đánh tưng bừng như muốn vỡ lồng ngực. Tôi cúi xuống, giấu một nụ cười sung sướng thoả mãn không cầm được. Tôi hồi hộp nghe bước chân nhẹ nhàng từ bên trong đi ra. Tôi chưa dám ngửng lên, cố ý để cho nàng được tự nhiên, và có thể nhìn thấy tôi lâu hơn mà không ngượng ngùng. Tôi nghe tiếng mẹ nàng nói rất tự nhiên:
“Con ngồi xuống ghế bên kia đi. Đây là em Xuân Mai, năm nay mười sáu tuổi. Học giỏi, hiền lành, chăm chỉ.”
“Con ngồi xuống ghế bên kia đi. Đây là em Xuân Mai, năm nay mười sáu tuổi. Học giỏi, hiền lành, chăm chỉ.”
Nghe lời giới thiệu, tôi ngửng lên nhìn về phía nàng, định cúi đầu chào theo phép lịch sự và kèm theo một nụ cười tha thiết. Nhưng tôi giật mình, chưng hửng, tối tăm mặt mũi. Bỡ ngỡ như từ cung trăng rơi xuống. Xuân Mai nầy, không phải là cô nữ sinh áo trắng mà tôi muốn làm quen. Tôi cũng dợm người dậy chào, nhưng kèm thêm tiếng thở dài áo não nhẹ nhàng tự nhiên mà tôi không cố ý. Tôi chợt hiểu, chú bé ngoài đường mấy hôm trước tưởng lầm, cho sai tên người tôi muốn hỏi. Sau một phút hoang mang, tôi chợt bình tỉnh lại. Trở lại một kẻ sáng suốt, tự nhiên và bình thường. Cô Xuân Mai nầy, có thể là chị hay em cô nữ sinh của tôi muốn làm quen. Vì không có tình ý gì, nên tôi quan sát cô Xuân Mai một cách tự nhiên. Cô nầy cũng đẹp, trắng trẻo, nét mặt sắc sảo, và ánh mắt có chút tinh nghịch. Dáng người cô nầy cao lớn hơn cái cô trong mộng của tôi.
Thế thì càng chết cho tôi nữa. Nếu cô nầy là chị, mới mười sáu tuổi, thì cô em cũng chỉ độ mười bốn mười lăm tuổi là cùng. Lẽ nào đi yêu một đứa bé con chưa sạch mũi nước? Có tội lỗi không. Có xấu hổ lắm không? Không trách chi cô bé gọi tôi bằng bác. Bố mẹ cô Xuân Mai và vợ chồng anh bạn tôi tế nhị rút lui, để cho “đôi trẻ” được tự nhiên nói chuyện. Nhờ không có tình ý gì nên tôi rất bình tĩnh, tự nhiên, xem cô bé như đứa em nhỏ. Ráng giữ lịch sự, cho tự ái cô không bị tổn thương, và cũng gắng đừng gây thêm hiểu lầm làm vẩn đục tâm hồn thơ ngây trong trắng. Cô bé học ban văn chương, chúng tôi nói chuyện thơ văn, chuyện học hành, chuyện tiểu thuyết. Có lẽ Xuân Mai cũng chưa biết chi nhiều, lắng nghe nhiều hơn nói. Ánh mắt cô rạng rỡ, chứa chan, làm tôi vui, và cao hứng, đọc cho cô nghe một bài thơ mà tôi ưa thích. Tôi không ngờ làm thế là vô tình nhóm lửa tình yêu trong lòng cô gái thơ ngây.
Khi Xuân Mai tiễn tôi ra cửa, tôi nhìn chợt vào bên trong, thoáng thấy nụ cười, khuôn mặt, và bóng dáng của người tôi mơ, tôi thở dài và tim đau nhói. Nàng phải ăn thêm mấy chục tạ gạo nữa mới đến tuổi trưởng thành đây? Thôi thì quên đi cho yên chuyện. Tôi có tâm hồn lãng mạn, nhưng không thích thói tình cảm trăng hoa vung vãi. Lần đầu tiên biết yêu, thì như yêu lầm chỗ, lầm người.
Tôi lấy tàu lửa về ngay nhiệm sở hôm sau, không nấn ná lại làm gì. Vô ích. Mọi sự xem như chuyện tào lao, dại khờ của tuổi trẻ. Những ngày cuối tuần, tôi thường về tỉnh lị chơi, đi thăm bạn bè, rủ nhau đi ăn, đi biển, nghe nhạc. Với gia đình Xuân Mai, tôi không chuồn liền, sợ họ nghĩ xấu cho tôi, và ngại nhất là làm tổn thương đến tự ái mong manh của cô gái đang tuổi học trò. Nên thỉnh thoảng tôi cũng ghé thăm, đem quà cáp tặng hai ông bà bố mẹ cô. Tôi định thưa dần số ngày thăm viếng, cho đến khi biệt luôn mà không ai thắc mắc, giận hờn. Trong lòng tôi, xem Xuân Mai như cô em gái nhỏ, hoàn toàn không có chút tình ý nào. Hình như bố mẹ Xuân Mai cảm được và nghiệm ra cái ý định ‘lui binh’ của tôi, qua số lần viếng thăm dài dần.
Một hôm ông bà khẩn khoản mời tôi ở lại ăn cơm tối, không từ chối được, tôi nhận lời. Trong bữa ăn, tôi ngồi bên cạnh Xuân Mai, và cô nữ sinh áo trắng mà tôi tương tư ngồi trước mặt. Tôi được giới thiệu rằng, nàng là chị của Xuân Mai, tên Mỹ Dung, đang học năm cuối Trung Học, sắp thi Tú Tài phần hai. Nghe thế, mặt tôi nóng bừng, dậy lên niềm vui. Vậy thì ít nhất cô nầy cũng đã mười tám tuổi, không phải là cô bé con mười bốn mười lăm, để tôi cảm thấy tội lỗi khi yêu. Lửa tình trong tim tôi bùng cháy trở lại, sôi nổi, náo nức như ngọn hoả sơn. Thỉnh thoảng tôi nhìn ngắm Mỹ Dung với ánh mắt si tình rất lộ liễu không giấu được. Xuân Mai vui vẻ, gắp thức ăn lia lịa vào chén tôi, chăm sóc tôi đặc biệt. Tôi không thể chơi trò gian lận, xin được giới thiệu cô em, mà lại mê mẩn cô chị. Ngồi trước mặt Mỹ Dung, cái ba hoa, cái tự nhiên của tôi bay biến đâu mất, tôi thành một gã vụng về, khù khờ, lúng túng. Không biết nói một câu gì để làm vừa lòng Mỹ Dung. Hình như Mỹ Dung cũng nhận ra cái vẻ khác thường của tôi, cái nhìn của nàng cũng lạ lắm, bí hiểm.
Tôi bị vướng vào cái thế kẹt không gỡ ra được. Không thể làm cái trò bỉ ổi săn đón cô chị, bỏ rơi cô em. Ai mà chấp nhận, chính tôi cũng không chấp nhận cho mình làm việc tồi tệ đó. Mà cả gia đình, ông bà Vũ và hai chị em cô, cũng không ai muốn, và dù có muốn, cũng không ai chịu. Trong cái tình thế khó xử tuyệt vọng đó, đáng ra tôi phải sáng suốt, để dứt khoát, sớm tránh xa hai chị em cô Xuân Mai, Mỹ Dung ra. Nhưng tình yêu như một kẻ hướng đạo mù, dẫn đắt cả những người sáng suốt nhất đi vào mê trận. Đúng là bị quỷ ám, tôi càng thường xuyên thăm viếng hai chị em Mỹ Dung, Xuân Mai nhiều hơn. Tặng quà đồng đều cho cả hai chị em, nào sách, truyện, nhạc, viết máy, đồng hồ, vài món trang sức nhỏ. Trong lòng tôi vui, thấy yêu đời. Tôi xem Mỹ Dung như một thần tượng thanh khiết, cao quý để tôn thờ, không phải như một người trần thế tục luỵ để ước mơ gần gũi, vuốt tóc, nắm tay. Tôn thờ thì cứ giấu kín trong lòng, đâu cần kẻ được tôn thờ biết, cứ đứng xa mà nhìn cũng đã thoả nguyện. Với Xuân Mai, tôi xem nàng như một người em gái, dịu dàng yêu thương, không bị vẩn đục bởi tình yêu trai gái.
Anh bạn bác sĩ bảo rằng, tôi tự lừa dối tôi, để tôn thờ cái tình yêu dâng hiến cho cô Mỹ Dung. Tình yêu tôi cũng là thứ tình do vật chất tạo nên, không phải tinh thần, chẳng có thanh khiết chi cả. Bởi nếu cô Mỹ Dung không có cái nhan sắc đó, không có cái thể xác đẹp đẽ đó, thì liệu tôi có đưa cô lên thần tượng để tôn thờ hay không. Nghe thì có lý, nhưng tôi vẫn cứ tôn thờ cái mối tình thiêng liêng lãng mạn trong tôi.
Tôi thường mượn xe của cơ quan chở hai chị em Mỹ Dung đi chơi, đi ăn. Khi thì đi chơi miền núi, khi ra biển, khi vào tỉnh lị Hội An ăn cao lầu. Có khi chạy xe ra đến phía Bắc đèo Hải Vân ăn cháo sò huyết. Mỗi lần đi ra ngoài, đều có Mỹ Dung đi theo, để canh giữ cô em. Có lẽ, nếu không có Mỹ Dung đi theo, thì tôi cũng không có hứng khởi để đi chơi riêng với Xuân Mai. Một hôm, chở hai chị em trở về từ Huế, buổi chiều chúng tôi ghé lại một quán nước bên đường, để ngắm bãi cát trắng phơi mình, chạy dài, và nói chuyện thơ văn mơ mộng.
Ngồi uống nước dừa trên cái bàn thấp. Bụng Xuân Mai sôi sục vang tiếng rột rạt ồn ào. Tiếng sôi bụng liên tiếp không ngừng. Tôi sợ nàng ngượng, nhìn lơ ra phía xa xăm, như đang mải mê ngắm đám mây chó nơi chân trời. Tiếp theo sau đó, là nhiều tràng xì hơi thành tiếng rin rít rất lộ liễu. Mặt Xuân Mai đỏ bừng vì xấu hổ. Mỹ Dung luống cuống rất tội nghiệp. Tôi lấy cái chìa khoá xe cạo xuống mặt bàn, tạo thành tiếng kêu, để đánh lảng cái âm thanh không mấy lịch sự trước đây. Mùi hôi nồng nặc bốc lên đến ngạt thở. Cả hai chị em cố làm ra vẻ bình thường, mà mũi của họ cũng hơi chun lại... Tôi làm như không biết gì cả, nhịn thở. Dù đã ngồi nghiêng mông trên ghế, mà Xuân Mai tạo thêm mấy loạt xì hơi réo rắt nữa. Bây giờ thì không thể giấu giếm, đánh trống lảng được nữa. Nhìn cái mặt xanh mét của Xuân Mai, nàng đang cố cầm giữ chống chỏi với cơn đau bụng, tôi dịu dàng, giả vờ nói:
“Anh cũng đau bụng lắm, chịu hết nổi nữa rồi. Thôi, chúng ta về mau. Ở đây dân chúng phóng uế ngoài bãi, không có nhà cầu.”
Tôi ra xe nổ máy, Xuân Mai vịn tay Mỹ Dung đi từng bước, rất khó nhọc. Xe đang chạy. Xuân Mai hít hà, và thét lên:
“Anh kiếm gấp cho em một bụi cây, và dừng xe lại”
Khi đến một nơi khá vắng vẻ, có mấy lùm cây, tôi dừng xe lại. Xuân Mai bỗng rùng mình, ôm bụng và nói hổn hển như người chết đang trối trăng:
“Không kịp nữa rồi.”
Nàng cúi xuống, ôm đầu khóc nức nở. Mùi hôi xông lên nồng nặc. Mỹ Dung thở dài và rơm rớm nước mắt theo cô em. Tôi an ủi:
“Không có gì quan trọng cả. Ai mà không có lúc đau ốm bất thần. Tất cả cũng lỗi tại anh, cho các cô ăn những món thiếu vệ sinh trên đường đi. Đừng bận tâm, về nhà thì xong cả.”
“Không kịp nữa rồi.”
Nàng cúi xuống, ôm đầu khóc nức nở. Mùi hôi xông lên nồng nặc. Mỹ Dung thở dài và rơm rớm nước mắt theo cô em. Tôi an ủi:
“Không có gì quan trọng cả. Ai mà không có lúc đau ốm bất thần. Tất cả cũng lỗi tại anh, cho các cô ăn những món thiếu vệ sinh trên đường đi. Đừng bận tâm, về nhà thì xong cả.”
Tôi mở máy xe, tăng tốc độ, chạy nhanh, mong sớm về đến nhà. Xuân Mai vẫn cong người lại, quằn quại vật vã chống trả với cơn đau bụng.
Tôi dừng xe lại bên đường, rút cái nón vải rộng vành trao cho Xuân Mai và dịu dàng nói:
"Em đừng ngại, lót cái nón nầy xuống ghế ngồi, rồi không cần nín nữa, cứ tự do xả ra cho đỡ khổ."
Xuân Mai tuân lời, và tôi nghe tiếng kêu phành phạch trên ghế ngồi của nàng. Mùi hôi hám càng bốc xông nồng. Vẻ mặt của Xuân Mai dần dần bớt nhăn nhó xanh xao, có sắc tươi trở lại rất mau. Tôi chuyển cần, sang số lái xe đi với tốc độ vừa phải, không gấp gáp nữa. Đưa hai chị em về đến nhà. Xuân Mai đi cà nhắc, khệnh khạng, cáng náng, vạt áo dài và quần trắng ướt nhẹp, hoen ố màu sắc vàng pha đen dơ dáy, trông thật tội nghiệp. Nàng vừa đi, vừa rên rỉ khóc lóc. Không còn một chút nào của hình dáng giai nhân mỹ lệ yêu kiều. Tôi đi rửa xe, khó nhọc lắm cũng không khử hết được mùi hôi trên ghế..
Buổi tối, sau khi ăn xong, tôi đến hỏi thăm sức khỏe của Xuân Mai và đem cho nàng mấy đóa hoa hồng kèm phong kẹo sô-cô-la. Nàng xấu hổ, vẫn không dám ra tiếp tôi. Mỹ Dung cho tôi biết Xuân Mai đã khỏe mạnh, không hề gì. Từ ngày đó, Xuân Mai tránh mặt tôi, dù tôi có nhiều lần nhắn lời an ủi. Thêm hai lần, tôi đến nhà thăm, Xuân Mai vẫn không dám gặp tôi, mà Mỹ Dung cũng chỉ ra rót nước mời, chào hỏi xong cũng rút lui về phía sau. Ngồi một mình, tôi chán nản ra về. Buổi đi chơi xa gặp chuyện không may đó, đã chấm dứt mối liên hệ của tôi với hai chị em nhà nầy. Tôi buồn, nhưng nghĩ rằng, e cũng là một giải quyết tốt đẹp cho tôi, để thoát ra khỏi cái vòng oan trái của mối tình không lối thoát.
Hơn một năm lăn lóc trên công trường xây dựng đầy nắng gió, bụi bặm, tôi được gọi về lại Sài Gòn. Tình cờ, tôi gặp Mỹ Dung tại phi trường, nàng cũng đi cùng một chuyến bay, vào Sài gòn học Đại Học. Tôi nhờ cô tiếp viên dàn xếp cho chúng tôi được ngồi gần nhau. Thì ra tình yêu trong lòng tôi vẫn chưa nguôi ngoai chút nào, chỉ chờ dịp là bùng sống dậy.
Mỹ Dung vui mừng rối tít, ánh mắt, nụ cười nàng chan chứa dịu dàng thân thiết. Có khi tôi nhắm mắt lại, tận hưởng cái hạnh phúc suốt mấy giờ bay, ngồi bên cái nhan sắc mà tôi ngưỡng mộ si mê. Mong sao máy bay bay mãi, đừng bao giờ đáp xuống. Và nếu có tai nạn, chết bên nhau, tôi cũng sung sướng, bằng lòng. Được chết chung một nấm mồ, lãng mạn biết bao. Cái nhan sắc mà tôi tôn thờ như thần thánh, làm tôi thành mù quáng u mê, quên cả mọi thứ khôn ngoan cần thiết. Câu chuyện hàn huyên giữa chúng tôi sôi nổi. Tôi chìm đắm trong tiếng nói ngọt ngào, lâng lâng trong ánh mắt, nụ cười duyên dáng của Mỹ Dung. Với tôi, như thế nầy đã là hạnh phúc dạt dào, tột đỉnh của tình yêu. Tình yêu lý tưởng, trong trắng thanh khiết, hiến dâng một chiều.
Mỹ Dung vui mừng rối tít, ánh mắt, nụ cười nàng chan chứa dịu dàng thân thiết. Có khi tôi nhắm mắt lại, tận hưởng cái hạnh phúc suốt mấy giờ bay, ngồi bên cái nhan sắc mà tôi ngưỡng mộ si mê. Mong sao máy bay bay mãi, đừng bao giờ đáp xuống. Và nếu có tai nạn, chết bên nhau, tôi cũng sung sướng, bằng lòng. Được chết chung một nấm mồ, lãng mạn biết bao. Cái nhan sắc mà tôi tôn thờ như thần thánh, làm tôi thành mù quáng u mê, quên cả mọi thứ khôn ngoan cần thiết. Câu chuyện hàn huyên giữa chúng tôi sôi nổi. Tôi chìm đắm trong tiếng nói ngọt ngào, lâng lâng trong ánh mắt, nụ cười duyên dáng của Mỹ Dung. Với tôi, như thế nầy đã là hạnh phúc dạt dào, tột đỉnh của tình yêu. Tình yêu lý tưởng, trong trắng thanh khiết, hiến dâng một chiều.
Mỹ Dung trọ học, ở cư xá nữ sinh viên. Mỗi Chủ Nhật, tôi đến thăm, đưa nàng đi ăn, đi xem chiếu bóng, và đưa về Thủ Đức, Lái Thiêu chơi. Thỉnh thoảng, cùng nhau đi phòng trà nghe các ca sĩ thời danh hát. Mỹ Dung và tôi xoắn xít bên nhau, tôi sống trong hạnh phúc tuyệt vời của tình yêu âm thầm, chưa tuyên bố công khai đó. Tôi ngại, không dám nói ra sự thực về tình yêu đã hiển nhiên, vì sợ mất mát. Mỹ Dung thì cũng không dám mở lời. Chúng tôi tránh, không bao giờ nhắc đến tên cô em Xuân Mai. Có lần, ngồi trong quán ăn, nghe bản nhạc tiếng Pháp nhè nhẹ ru đưa, lời nhạc vang vang: " Anh là của em, em là của anh, chúng ta có nhau trong cuộc đời nầy....." Mỹ Dung nhìn thẳng vào tôi với ánh mắt đầy nhắn nhủ, ý nghĩa, và cười duyên dáng thắm thiết trên môi. Tôi choáng ngợp trong ánh mắt đó.
Một ngày Chủ Nhật, tôi đưa Mỹ Dung đi ăn nem nướng ở Thủ Đức về, vòng qua ngã cầu Bình Lợi, vì uống nhiều nước, tôi dừng xe lại bên rừng cao su, vào một bụi cây phía trong xả nước thừa. Mỹ Dung ngồi đợi tôi trong xe. Khi tôi đi ra, nghe có tiếng sột soạt từ một bụi cây thấp. Mỹ Dung nhìn tôi và nói rất tự nhiên:
"Con chim gì mà xấu xí quá, mốc meo xơ xác"
"Con chim gì mà xấu xí quá, mốc meo xơ xác"
Tôi nghe mà ngạc nhiên, điếng hồn. Tưởng tai nghe lầm. Lẽ nào nàng đã thấy cái kín đáo của tôi, và chê? Sao Mỹ Dung có thể phát ra một câu trần tục, thiếu tế nhị vậy? Đàn ông còn chưa chê nhau như thế. Giữa trai gái, dù thân thiết đến đâu, cũng không thể đem cái đó ra mà cười đùa. Tôi liếc nhìn Mỹ Dung, trên mặt nàng không có nét đùa giỡn. Tôi giận sôi sục, không nói, gầm gầm lái xe đi trong im lặng... Có thể chê bất cứ chuyện gì, tôi đều bỏ qua, nhưng không thể chê cái đó. Làm sao biết được đẹp xấu mà so sánh, để chê khen? Đã thấy của ai, bao nhiêu người, bao nhiêu lần rồi?
Thần tượng sụp đổ trong tôi... Lẽ nào trong cái đầu duyên dáng mỹ miều kia lại chứa đựng toàn cả những điều trần tục xấu xa tầm thường nhất đó? Lòng tôi đau như cắt. Chết điếng. Đau không phải vì bị chê bai, mà đau vì thần tượng sụp đổ. Trên đường về, mặt tôi đanh cứng lại, im lặng hoàn toàn, và mầm khinh khi mọc rễ dài dần trong tôi. Trả Mỹ Dung về lại cư xá, tôi lạnh lùng lái xe đi. Cuộc tình chấm dứt từ đó.
Nhiều năm sau, tôi mới biết sự thực. Ngày đó, trong khi tôi vào rừng cao su tiểu tiện, thì Mỹ Dung thấy con chim cu đất trong bụi cây, một loại chim lông xám mốc meo xấu xí. Khi tôi đi ra, nàng phê bình về con chim trời, mà tôi tưởng nàng chê tôi. Khi biết chuyện, thì mọi sự đã lỡ làng. Giá như ngày đó, đừng quá lý tưởng về tình yêu, mà biết nói đùa một câu rằng, em thấy con chim nào, của ai, không xấu xí, chỉ cho anh xem với, thì có lẽ mọi sự đã đổi khác.
Nhiều năm sau, tôi mới biết sự thực. Ngày đó, trong khi tôi vào rừng cao su tiểu tiện, thì Mỹ Dung thấy con chim cu đất trong bụi cây, một loại chim lông xám mốc meo xấu xí. Khi tôi đi ra, nàng phê bình về con chim trời, mà tôi tưởng nàng chê tôi. Khi biết chuyện, thì mọi sự đã lỡ làng. Giá như ngày đó, đừng quá lý tưởng về tình yêu, mà biết nói đùa một câu rằng, em thấy con chim nào, của ai, không xấu xí, chỉ cho anh xem với, thì có lẽ mọi sự đã đổi khác.
Chuyện con chim cu đất ngày xưa, làm tôi có định kiến với tất cả mọi động vật có cánh lông vũ. Có lần đi cùng gia đình người bạn, ghé thăm một người bà con. Mới vào cửa, con chim két đã cất tiếng chào, và hót líu lo, ồn ào trong chiếc lồng, chị vợ bạn tôi nói lớn:
"Con chim của ông xã chị sao hùng dũng, màu mè đẹp quá. Con chim của nhà em ủ rủ, lông lá xác xơ, trông thật tội nghiệp"
Tôi cất tiếng cười to, làm chị giật mình, đỏ mặt xấu hổ, và phát tôi một cái đau điếng trên vai. Tim tôi bỗng đau nhói, thương tiếc mối tình xưa của tà áo trắng trước cổng trường Trung Học tỉnh lị . /.
Tràm Cà Mau