Các bạn "Hiền" Chu Văn An thân mến,
Trước hết xin thưa với các bạn "Hiền" là khi viết bài này tôi chỉ có mục đích nói chung chung (general speaking) chứ không hề muốn "nói xiên, nói xẹo" bạn nào.
Vì tình "đồng ngông (cuồng), đồng phá (phách)" của thời tinh nghịch tuổi thơ dưới cùng mái trường CVA yêu dấu, cũng như tình "đồng nhóm, đồng đảng" khi cùng hè nhau đi "choảng" bọn "Sở Thú" Trần Quốc Toản (ai bảo bọn nó, lợi dụng gần trường, dám "cua" các em Trưng Vương "Thảo Cầm Viên" "thơm như muối mít" của các chàng CVA "hào hoa, phong nhã" chúng mình, "choảng" là đúng rồi còn than chi nữa hỡi các bạn TQT), xin các bạn "Hiền" thông cảm bỏ qua nếu có sự "trùng hợp ngẫu nhiên", ngoài ý muốn, những gì tôi viết ra đây lại na ná giống như trường hợp của bạn.
********************
Q: Who is this? - A: Dũng “Đen”
Chau ôi! Bi chừ Mi vẫn còn nhiều “Răng” rứa, đằng sau lại còn hai “đào nhí” “tóc vàng, tóc đen”
Tôi và vài tên "tinh quái" cũng đã từng bị Thầy phạt, Trường kêu phụ huynh tới "mắng vốn" về tội "cậu con trai cưng" phá hoại dụng cụ nhà Trường, vì cái tội dám xé bàn (bàn quá cũ, mặt bàn tróc ra từng mảnh, ôi xé thật dễ dàng làm sao) để làm đao, kiếm choảng nhau "chí choé", cứ như là "Anh Hùng Xạ Điêu" Quách Tĩnh đấu với Dương Khang. Về nhà bị ông "Bô" xài cho một mách.🙄😌
Rồi khi dọn về trường chính gần nhà Thờ Ngã Sáu, cũng chẳng thiếu những lúc "vui như Tết". Như hè nhau bê dấu chiếc xe hơi con cóc (của Thầy Trần Đức An, Giáo sư Triết Học?), đậu sau nhà Thờ. Riêng tôi "thuổng" được cái ống nhòm (binoculars) nhà binh của ông "Bô", trốn lớp ra nhà thờ "nhòm quanh, ngó quẩn" bị cụ Dự bắt được tịch thu. Sau cụ Dự lại dùng chính cái ống nhòm đó để rình bắt những tên trốn học ra sân nhà Thờ "hóng mát". Đúng là "gậy ông lại đập lưng ông"
Hàng ngày mới ”sáng tinh sương” chịu khó thức dậy, cùng với Trị “Lùn”, Hùng “Sếu”, Đoàn Long..., “gò lưng, chổng mông” phóng xe Đạp tới hồ bơi”Thăng Long” tại “Đa Kao, Tân Định” để tập bơi.“Bơi ít, dỡn nhiều”, rốt cuộc“tên nào tên nấy” chỉ biết bơi “chó” mà thôi. Bơi xong lại “mông chổng, lưng gò” "phi nước đại" về “Ngã Sáu, Chợ Lớn” cho kịp vào Trường. Ôi ước chi có thể "vượt ngược thời gian", trở về “những ngày niên thiếu” của” tuổi học trò” thì “tuyệt diệu biết bao”.
Các bạn còn nhớ Biến Cố 1963? Sau ngày 24/8/1963, học sinh CVA cũng tham gia bãi khóa, trong lớp hò hét, chọi gạch, quăng bàn, thẩy ghế xuống đường, mặc dầu chẳng biết "chính trị, chính em" là gì, cứ thấy được nghỉ học, la hò là khoái. "Vui đâu chẳng được bao lâu", kết quả bị Cảnh Sát Dã Chiến hốt hết, thẩy lên xe "cây", đem về nhốt tại Tổng Nha Cảnh Sảt Đô Thành. Báo hại các ông "Bô" bà "Bô" lo sót vó, "tìm đường chạy chọt", bảo lãnh các "Quý Tử" ra tù.
Tư Liệu: - Sau ngày 24/8/1963, các phân khoa đại học và các trường trung học lớn tại Sài Gòn đều bị cảnh sát phong toả. Sinh viên và học sinh bãi khóa, vận động các giáo sư từ chức. Học sinh các trường trung học công lập Gia Long, Trưng Vương và Võ Trường Toản tổ chức meeting tại sân trường. Học sinh trường Chu Văn An xô xát với cảnh sát. Khoảng 2.000 học sinh trung học tại Sài Gòn bị bắt. Số sinh viên và học sinh bị bắt quá nhiều đến không đủ chỗ giam trong các trại Cảnh Sát nên phải tống lên xe "GMC" chở về giam ở "Trung Tâm Huấn luyện Quang Trung".
Rồi đến đợt các học sinh Trung Học đi học "Nghĩa Vụ Quân Sự" tại Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung do Thủ Tướng Nguyễn Cao Kỳ tổ chức. Học sinh CVA cũng mặc quân phục, đi ắc ê, bắn súng Carbin "ì, oành" ra rít. Dù chỉ đi vài tuần, nhưng cuối tuần cấm trại cũng buồn như ai. Kinh nghiệm đầu đời cho thời gian thực thụ gia nhập quân ngũ sau này. "Buồn ơi chào mi"
Chu Văn An Trường Cũ Thân Yêu
Nhà Thờ Ngã Sáu Sài Gòn
Công viên Nhà Thờ Ngã Sáu, trước trường CVA, cô quạnh quanh năm, ve sầu não nùng réo rắt, là nơi chúng ta tụ họp trước giờ vào lớp, lúc nghỉ giải lao cũng như sau giờ tan học. Nơi có quán nước mà bà chủ lúc nào cũng la lối và có hai cô "con gái nhà ai, coi cũng xinh xinh". Có những chàng vào đây gần như lúc nào cũng “cho ly đá chanh” và lúc nào hai cô cũng miệng cười chúm chím rồi nhỏ nhẹ “biết rồi, khổ quá, nói mãi anh ơi". Có những lúc "tụm năm, túm ba" nói chuyện cuộc đời lính tráng đến nơi, lòng bâng khuâng lo nghĩ.
Cũng nơi công viên nầy, vào một chiều, chắc là Mùa Xuân năm 1966, có khoảng một chục nữ sinh áo dài trắng, quần dài trắng "thướt tha, yểu điệu", tự giới thiệu là Học Sinh Trung Học Thủ Thừa, Long An lên đây bán "Ðặc San Trung Học Thủ Thừa" cho các anh Chu Văn An. Bán ở đâu không bán lại bán nhằm chỗ "anh hùng tứ chiếng" thì “các cô từ chết tới bị thương” mà thôi. "Thân gái dặm trường" từ một quận "nhà quê xa lơ, xa lắc" mà dám vào "hang cọp chốn Thành Ðô", đây lại là tụ điểm của những “Anh Hùng Lương Sơn Bạc” Chu Văn An thì các cô khác chi “hoa lạc giữa rừng gươm”. Các cô chỉ "lạng, lách, né, tránh" cho khỏi "đụng qua đụng lại" với các anh "mua thì không mua" mà nhiệt tình muốn "xáp lá cà" cũng đủ “mệt đứt hơi” rồi, còn đâu mà "mời mọc bán hàng". Túng thế, các cô Nữ Sinh Trung Học Thủ Thừa “cám ơn các anh”, chạy lấy thân "bán sống, bán chết" và thề không bao giờ quay lại, 'ra đi không hẹn ngay về". Có cô chạy hốt hoảng làm sao, một chiếc guốc tuột ra khỏi "chưn" mà không dám "quây" trở lại nhặt về.
Ghi chú: Đoạn trên lấy ý từ bài của anh NGUYỄN THỪA BÌNH.
Lại Đức Hùng, Lại Đức Tíến ở sau nhà mình trong Cư Xá Sĩ Quan Chí Hoà. "Nhớ thời niên thiếu, rưng rưng giọt sầu"
*****************
Nay tới chủ đề thứ hai, nếu bạn nào, khi đọc bài này, nghĩ rằng tôi "viết xiên, viết xỏ, viết dọc, viết ngang", đang tức bực sẵn, lại không sẵn bà xã bên cạnh để "giận lây, gây gỗ", cũng như nhà không nuôichó, nuôi mèo để có thể "mắng chó, chửi mèo", thì xin cứ gõ bàn phím email rầy la cho "dịu cơn, hạ hoả". Bổn toạ sẵng sàng "cúi đầu nhận lỗi, miệng cười mỉm chi"
Khi lớn tuổi và về hưu đa số mọi người hàng ngày vì không có nhiều việc để làm, có quá nhiều thời gian rảnh rỗi nên sinh ra nhàm chán (boring).
Ban ngày "đi qua đi lại", "hết ngồi lại nằm", lên "Ing Tờ Nét" đọc riết cũng nhàm, mỏi mắt lại nằm xuống ngủ lơ mơ, "ngủ gà ngủ vịt" cho đến hết ngày. Tối đến lại sinh khó ngủ, trằn trọc "lăn qua, lộn lại", xuống giường "uống nước, đi tiểu liên miên", làm bà xã "không ngủ được để sáng mai giậy sớm đi làm" bực mình hất lăn xuống đất, đành ôm chăn gối ra phòng khách bật TV lên coi cho tới khi "gà gáy canh Năm". Cứ như vậy "ngày này qua tháng nọ".
Nếu bà Xã cũng về hưu thì "chồng sao, vợ vậy", lâu ngày "boring" cũng đâm gắt gỏng, "khó tính, khó nết" cho "đồng vợ, đồng chồng, cãi nhau chí choé". Cứ có một chút "không vừa lòng nhau" là cụ ông, cụ bà "cãi qua, cãi lại, cãi tới, cãi lui", "cãi nhau ỏm tỏi ", "ăn thua bằng được", "ăn miếng, trả miếng" "không ai thua ai". "Nói cho công bằng" cái tật "cãi to, nói lớn" đôi khi cũng chỉ vì "tuổi già, nghễnh ngãng sinh tật nói to" mà thôi, chứ đâu có ai muốn "khua mõ cả làng", "xấu con hổ cháu", "hàng xóm chê cười".
Tôi nhớ lại lúc còn đi làm, có lúc cãi nhau với boss, giận quá nói to. Chủ nói "Tommy! Why did you yell at me?". Biết mình có lỗi vì đã la lối om xòm, một điều chủ Mỹ rất kỵ, nhưng vẫn tỉnh bơ "Sorry! Boss, I'm an old people. And you know, old people talking loudly because they have hearing loss and I don't wear hearing aids yet". Chủ chỉ biết cười xoà. Từ đó tha hồ la lớn cho bõ tức, "I am old! Boss", âu đó cũng là cái lợi của "tuổi sắp về hưu".
- Cũng có người về hưu đâm ra lười "tắm rửa, gội đầu", "thay quần, thay áo". Bà xã chê "mùi hôi như cú" thì lại "ný nuận" có đi đâu mà phải tắm rửa thay quần, thay áo cho "mất công, mất sức, mất thì giờ". Lâu ngày bà Xã ngửi quen, không còn "thấy hôi, thấy hám" gì nữa. Đây cũng là đặc ân của Tạo Hoá ban cho người già vì theo khoa học khảo cứu thì nếu mũi phải ngửi mãi một mùi trong thời gian dài, thần kinh khứu giác sẽ không còn nhận ra mùi đó nữa. People exposed to the same odor for a long time may nolonger notice the odor, even if it is unpleasant. For example, people who work with compost or garbage may not notice the smell after a while.
Chỉ khổ cho lỗ mũi của con cháu tới thăm. Nhưng cũng tốt thôi vì con cháu sẽ tha hồ giúp Bọ, Mệ giặt dũ "quần áo chăn màn" để trả ơn "Bọ, Mệ sinh thành".
- Các cụ khi lớn tuổi, "ăn không ngon, ngủ không yên", "đau mình, nhức mẩy", "ba cao, một thấp" đâm ra mê bác sĩ, thuốc men. Đi Bác Sĩ thì kể ra "tràng giang, đại hải" cả trăm triệu chứng, mười phần thì cũng tới tám phần là tưởng tượng đâu đâu, bê nặng đau nhức bắp thịt, vì không tập thể dục, bắp thịt yếu đi thì cứ đòi bác sĩ cho thuốc phong thấp rheumatism. Có cụ thì kể quá lên triệu chứng của mình "cho Bác Sĩ thương", Bác Sĩ mà "thương" dựa theo các lời cụ kể mà kê toa thì thật là "vỡ nợ".
Thuốc lĩnh về nhiều đến nỗi khó lòng nhớ được tên và cách sử dụng mà bác sĩ dặn mỗi ngày, trong khi trí nhớ ngày một suy giảm. Kết quả là đôi khi các cụ uống lẫn lộn, nhầm "thứ nọ sang thứ kia" thật là nguy hiểm.
Để uống đúng thuốc, trị đúng bệnh, trước hết các cụ cần bỏ thói quen “sính thuốc”. Đừng quá lo cho sức khỏe và “tưởng tượng” ra bệnh mình đang mắc. Quản lý thuốc một cách “khoa học”: Để tránh nhầm lẫn, nên làm những hộp riêng đựng thuộc uống hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng, nhờ người thân nghi rõ cách dùng, liều lượng, thời gian uống vào giờ nào, thể hiện bằng màu sắc cho dễ nhớ càng tốt. Đặt thuốc ở nơi cố định.
- Càng lớn tuổi thì trí nhớ càng giảm đi, đó là "quy luật đất trời", nhưng nhiều cụ nhất định không cho là mình "dễ quên, kém nhớ", như con "Đà Điểu vùi đầu xuống cát", ai mà nói tới là trở nên "dỗi hờn, chu tréo". "Ôi chau,Tau có quên mô, chừ Mi quên thì có".
Mảnh kim loại không dùng đến thì sẽ bị han rỉ. Do vậy, các cụ cần phải làm cho trí tuệ được vận động bằng những cách giải trí như giải ô chữ, sudoku, chơi “cờ tướng, cờ người”, tham gia các trò chơi “đố mẹo, tay đôi” với bà Xã, chơi đàn, đi sinh hoạt tại các câu lạc để bộ đọc sách, vắt óc để tìm ra những ý tứ, những vần điệu cho một bài thơ "Con cóc”, "Tự ro" chẳng hạn như:
"Thơ thẩn, thẩn thơ, thơ lại thẩn
Hết nằm lại dậy, hết dậy lại nằm
Đi tới, đi lui. Lui lại tới
Làm sao qua được hết đêm, hết ngày"
- "Già rồi còn tập thể dục làm gì̀", các cụ thường hay nói thế. Dậy sớm để tập luyện ngày càng trở nên khó khăn hơn theo tuổi tác và đòi hỏi phải có quyết tâm vì người cao tuổi thường hay có tâm lý buông xuôi, “đến đâu hay đến đó”.
Do đó cơ thể ngày một yếu đi, càng ngại vận động, khiến các cụ càng ngày càng trở nên lười biếng, tay chân nhão nhoẹt, bụng to. Cháu, chắt ngây thơ nói "Grandpa is pregnant" "Ông Nội có bầu".
“Bắp thịt, xương cốt” yếu dần, có nguy cơ ngã gẫy “chân, tay, xương hông, xương chậu”, “bó bột, ngồi xe lăn”, bà Xã “đẩy tới, đẩy lui”, có khi lại phải bế lên lầu thì là “mất mặt bầu cua”.
Thực ra không thiếu những chương trình được soạn dành cho “người già” như chạy chậm (jogging), bơi lội, tập yoga, thái cực quyền rất nhẹ nhàng giúp cho cơ thể được cân bằng, giảm béo. Ít nhất người cao tuổi nên duy trì việc đi bộ hàng ngày với những khoảng xa thích hợp, hay chơi trò Đô Vật “vật lên, vật xuống” “vật tới, vật lui” “vật trên, vật dưới” với bà Xã, vừa khoẻ mình vừa làm bà Xã “hài lòng”. Những hoạt động ấy không chỉ liên quan đến thể lực mà còn duy trì được sự minh mẫn của trí tuệ, tránh mình khỏi bị lú lẫn “để đâu, quên đó”.
- Sau cùng nếu cụ nào ham mê “uống bia, uống rượu” “dô! dô! tối ngày”, thuốc lá phì phèo, cho là chẳng còn sống được bao lâu, “hưởng được chút nào hay chút ấy” thì xin vui lòng nhớ rằng “rượu, bia, thuốc lá” ở lứa tuổi nào cũng là độc hại, nhưng ở người lớn tuổi thì chúng đã trở thành nguyên nhân sinh bệnh. Các cụ hay dùng thuốc “tây” thì thuốc “tây” mà trộn hoà với rượu thì đâu còn là thuốc nữa. Chúng sẽ mất tác dụng, nếu không muốn nói là “phản tác dụng”. Nó có thể tạo ra những nguy cơ đốivới sức khỏe. Bệnh gì đã mai phục trong người, thì thuốc và rượu sẽ làm nó “xuất đầu lộ diện” và hoành hành trở lại. Sống lâu tùy trời, nhưng đã còn sống thì phải khoẻ mạnh “thể xác lẫn tinh thần”, có vậy mới trọn hưởng được thời gian còn lại, đỡ khổ cho mình lại không làm phiền con cháu phải “săn sóc, thuốc thang”.
***************
Ôi! Cái “tuổi già” sao mà lắm chuyện, viết hoài không hết, viết riết rồi thành “ngồi lê đôi mách” như mấy bà “hàng tôm, hàng cá” ngoài chợ trong những lúc “ế thiu, ế chảy” không có khách hàng.
Vậy xin tạm “xếp bút nghiên, shut down vi tính”, hẹn lại bài sau – Nếu mình có quên thì cụ nào trí còn “sáng suốt, tinh ranh” vui lòng email nhắc nhỏm.
Thân chào
Lương phúc Thọ CVA65 (Thọ Già)
Đêm 18 tháng 01 năm 2018
Tái Bút. Viết trong một "đêm Đông lạnh lẽo, bà Xã xa nhà",
mất ngủ vì không được “đầu gối, tay ấp”, “thiếu người ấp hơi”