Cũng gần cả mấy tháng nay suốt từ năm cũ sang năm mới, báo chí, truyền thông Nhật Bản cứ râm ran suốt về mấy “cha nội” sumo.... Mông Cổ. Cứ tưởng là chuyện “nhỏ như con thỏ”, nhưng không phải, nó lại là loại tin “hot” của giới truyền thông... giải trí, vì nó chạm đến tính... thần thánh “vua làng Yokozuna”, khiến bao nhiêu người dù không muốn quan tâm cũng phải ghé mắt. Mãi cho đến hôm nay (lúc viết bản tường trình này), mọi chuyện đã tạm gọi phân minh, nên mới có cơ hội báo cáo cùng các bạn ta. Chuyện bắt đầu ra sao và tạm kết thúc như thế nào xin mời quí vị từ từ mà đọc, đừng sốt ruột, đừng bắt ngang, chịu khó đọc đến cuối bài ..... rồi sẽ hiểu.
Trước hết “ta” hãy cùng nhau điểm qua lịch sử về sumo, và nó là cái quái gì khiến nhiều quan tâm như thế.
Sumo
Sumo
相撲 (Hán Việt là “tương bộc”) là môn đấu vật có truyền thống lâu đời của Nhật Bản, xuất hiện từ thế kỷ 6 và đã chính thức trở thành môn thể thao quốc gia (Kokugi (国技 - quốc kỹ) kể từ năm 1909.
Sàn đấu sumo nhìn từ trên
Nếu cái quạt mà ông trọng tài cầm mà cứ còn phe phẩy ở vị trí thẳng góc với khán giả đối diện thì 2 ông lực sĩ cứ vừa vỗ vào bụng phành phạch, vừa vỗ tay, nhẩn nha ra “ven biên” bốc một nắm muối hất tứ tung, rồi lại quay lại trước mặt trọng tài khom xuống, đứng lên ngồi xuống cả 2, 3 lần, cho đến khi cái quạt được xoay ngang đối diện với ống kính truyền hình trong tiếng la hò của khán giả có nghĩa là sắp đến giờ giao đấu. Sau vài màn tấn lên tấn xuống, “mặt nhìn mặt trừng nhau.... sôi gan không nói một câu”, thì bất ngờ hầu như cùng một lúc 2 ông lao vào nhau trong lúc miệng ông trọng tài liên tục “tuôn” ra những câu “thần chú” mà có cố gắng nghe cũng chả hiểu ông ta nói gì. Hai lực sĩ sẽ dùng cả hai tay hai chân để tát, vật, quật, đẩy, bưng, né... và cấm không được dùng tay đấm, chân đá, cho đến khi nào mà một phần hay toàn phần thân thể của ông nào đó bị chạm mặt đất hay bị đẩy văng ra khỏi ngoài vòng tròn trước là thua cuộc. Vô phước mà có ai ngồi gần đó không tránh kịp khi một “tảng” thịt khổng lồ ập đến thì chỉ còn cách gọi... “119” (xe cấp cứu). Nói thì nói thế tuy nhiên cho đến nay vẫn chưa có trường hợp “đáng tiếc” nào xảy ra vì thường những người ngồi xung quanh đều là lực sĩ, trọng tài “biên” vốn là những người lực lưỡng, “né” rất giỏi hoặc có những lời “khuyên” thật rõ ràng từ ban tổ chức.
Trọng tài sẽ chỉ cái quạt về bên người thắng và trao những phong bì đựng tiền thưởng của hội đoàn, người hâm mộ v.v... được bó lại thành từng bó cho người “hùng anh”, bọc phong bì dày cộm hay mỏng dính hoặc chả có phong bì nào tùy theo “chiếu trên” hay “chiếu dưới”.
Thực ra các động tác hút-phun “nước mạnh”, vỗ tay, vỗ bụng, “chim bay cò bay”, rải muối, nhìn nhau tóe lửa, các thế.... “ập” này đều có tên gọi và có ý nghĩa cả nhưng giải thích ra thì dài dòng lắm, xin lướt qua để tiếp tục nói về......
Đẳng cấp:
Theo thứ tự từ cao xuống thấp thì có Yokozuna, - Ozeki, - Sekiwake, - Komusubi, - Maegashira (gồm 5 cấp của nhóm Makuuchi) – Juryo là những lực sĩ chuyên nghiệp thuộc “chiếu trên” (gọi là Sekitori) được Hiệp Hội Sumo trả lương. Còn “chiếu dưới” là Makushita, Sandanme, Jonidan, Jonokuchi (dự bị) đang trong thời gian cố thắng nhiều bàn để được lên “chiếu trên”.
Đẳng cấp sumo
Điểm đặc biệt thú vị là so với các môn võ khác như restling, boxing, nhu đạo.... thì sumo không có quy định về sức nặng. Một lực sĩ Sumo có khi phải đối đầu với đối thủ nặng gấp rưỡi mình. Vì muốn trở thành sumo thì phải ăn nhiều cho to và béo. Thường thường món ăn của các ông là chanko nabe (lẩu hầm bà lằng có rau, thịt, cá v.v....) trong mỗi bữa ăn, một sumo có thể ăn 5 ký thịt và 10 bát cơm, khi mừng chiến thắng có thể tu một hơi 2 lít sake trong nháy mắt. Sức nặng của các ông này trung bình là từ 140 đến 220 ký, có ông đến 270 kg. Nhưng ngược lại, vợ ông nào ông nấy đều có cái dáng “em gầy như liễu trong thơ cổ” và đẹp tựa tiên nga cả. Thấy mà thèm.
Quây quần bên bàn ăn
--------------.
Nhưng kể từ sau năm 1992 - thời kỳ hưng thịnh của sumo đã chấm dứt, người yêu chuộng môn này giảm dần vì không thể cạnh tranh với các môn thể thao khác như túc cầu và yakyu, vì tinh thần của một lực sĩ sumo đã thay đổi từ “danh dự” sang “quyền lợi”, vì mất.... tự do. Khi đã được nhận vào một lò vật nào đó thì có rất ít thì giờ riêng cho chính mình và phải sinh hoạt theo một chương trình khắc khổ, chẳng hạn phải thức dậy từ 5 giờ sáng, lao vào “keiko” (稽古- tập luyện) ngay trong lúc bụng đói meo đến 11 giờ mới được ăn bữa đầu tiên.... Các lực sĩ vất vả “keiko” trên sàn tập dưới sự chỉ đạo nghiêm khắc của oyakata (chủ lò), còn dọn dẹp vệ sinh, giặt giũ, nấu cơm v.v.... thì dưới sự điều động triệt để của “okamisan - nữ tướng” (thường là vợ của chủ lò, phụ nữ duy nhất trong lò).
Những việc này đưa đến hậu quả là số người muốn trở thành lực sĩ sumo giảm đi rất nhiều, các lò đào tạo luôn ở trong tình trạng không đủ số võ sinh để mở lớp, có nhiều lò phải gộp lại hoặc phải đóng cửa. Bù đắp cho sự thiếu hụt này thì khuynh hướng lực sĩ đến từ nước ngoài như Mông Cổ, Nga, Bảo Gia Lợi, Ba Tây.... càng lúc càng tăng và người Nhật đã bắt đầu hát bài...“Từ đó em buồn” của cố nhạc sĩ....Trần Thiện Thanh..
Nỗi sầu.... Mông Cổ
4 Yokozuna gốc Mông cổ: Asashoryu - Hakuho – Harumafuji - Kakuryuriki
Từ ngày Wakanohana Masaru giải nghệ năm 2003, suốt mười mấy năm, không đào đâu ra một Yokozuma chính gốc Nhật. Cho đến cuối năm 2016, chỉ có 3 Yokozuna nhưng đều xuất thân từ Mông Cổ là Hakuho (thứ 69), Harumafuji (thứ 70) , Kakuryuriki (thứ 71) đó là chưa kể Asashoryu đã bị buộc giải nghệ vì “mất nết”. Bốn chàng này cứ thay phiên nhau vô địch, nhiều nhất là Hakuho (40 kỳ). Mỗi khi diễn hành trong chiến thắng thì hai bên đường dù chỉ “lác đác” vài lá cờ Mông Cổ, trông..... ngứa mắt không chịu được.
Cho đến một ngày sau 14 năm chờ đợi thì
Cho đến một ngày sau 14 năm chờ đợi thì
“Con tim đã tạm vui trở lại”
Tháng 1/2017, sumo Nhật mới lấy lại được “ngọn cờ”. Kisenosato Yutaka, người Nhật chính gốc 100% được trao chức vua làng thứ 72 (Yokozuna). Tin tức mà mọi người đã mỏi cổ trông chờ suốt 14 năm.
“Công khai, minh bạch, dõng dạc đường hoàng”, tại đền Minh Trị, chàng đã trình diện trước toàn dân với vài màn “múa lên múa xuống”.
Chàng năm nay 31 tuổi quê ở Ibaragi. Nói về quê của chàng, một học trò của người viết đã nói: “Quê tôi ở Ibaragi chả có gì đặc biệt, chỉ mới “nổi” gần đây vì có Kisenosato”.
Kisenosato trong nghi thức lên đai Yokozuna
Theo nguyên tắc thì phải vô địch 2 kỳ liên tiếp từ cấp Ozeki, ngoài ra còn phải được 2 phần 3 phiếu của hội đồng kiểm định thì mới được “đeo giây thừng”, biểu tượng của Yokozuna, vật biểu hiện cao nhất của sumo: “một chứng nhân của thần thánh”. Khó vô cùng, nhưng chàng cũng gặp may hay cũng có thể theo cách “khuyến khích” của hội đồng thẩm định. Đầu năm 2017, khi nắm chắc trong tay chức vô địch lần thứ nhất (13 thắng 1 thua) dù chưa hết mùa, ngày thứ 15 chàng gặp Yokozuna Hokuho và chàng đã thắng. Dù chưa liên tiếp vô địch 2 kỳ, nhưng 100% thành viên của Hội đồng thẩm định đã “đặc cách” trao ngay cho chàng “sợi dây thừng”. Cả nước vui mừng, cả làng ra đón, 5000 người đã tụ họp trước “lò” đón chàng trong chiến thắng.
Lội ngược dòng dù thương tích đầy mình, mùa sumo tháng 3 năm 2017 chàng lại “liên thắng” chấm dứt hẳn những lời bàn ra tán vào: “Hội Đồng Thẩm Định không công bình... chưa liên thắng 2 mùa liên tiếp mà đã được trao đai” hay “vì chàng là người Nhật nên có nhiều ưu tiên”..
Lần lãnh giải này, tuy chấn thương đầy mình, nhưng mặt vẫn lạnh như tiền khi nhận cúp, cuối cùng chàng đã òa khóc khi quốc ca Nhật Bản xướng lên. Chàng tâm sự: “có một sức mạnh vô hình khiến tôi chiến thắng”.
15 năm trước (2002), Kisenosato mới được bước lên võ đài giao đấu cùng với những “sư huynh” khác. Chàng từ từ lên hạng từ “juryo đến ozeki (11/2011)” mất cả 8 năm và đứng luôn tại chỗ mãi cho đến ngày được đeo dây thừng.
“dây thừng Yokozuna”
Năm 2003, số người “đăng ký” sumo từ 151 cứ từ từ tuột dốc, và “nước lạ” cứ thế là tràn vào, nhất là Mông Cổ khiến Hiệp Hội Sumo cứ phải liên tục tìm đối sách: giảm mức độ kiểm tra số tuổi, trước đây thì 23, nhưng sau đó thì 25, nhưng cũng chẳng có gì thay đổi mãi đến lúc Kisenosato “giáng thế”. Số trẻ “đăng lục” lại tăng vọt từ từ. Tháng 3/2017 đã có hơn 50 “trẻ” đã ra trường trong hàng trăm võ sĩ, hứa hẹn một tương lai tạm ngời sáng. Quả là hiệu ứng Kisenosato. Tưởng là dân xứ Phù Tang sẽ được hát bài “Buồn ơi xin chào mi”...... của cố nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9.
Nhưng....
Lại một chữ nhưng rất là “vô duyên”, sang đến mùa xuân sumo thì Kisenosato phải nghỉ giữa chừng vì thương tích quá nặng, ảnh hưởng từ lần vô địch trước. Người hâm mộ cảm thấy thất vọng những tưởng chàng sẽ liên thắng, Kisenosato mất hẳn “khoảng 608 là cờ”, biểu tượng số tiền thưởng khá lớn do 608 công ty đóng góp.
Bước sang sumo mùa hè thì buồn hơn nữa, 3 Yokozuna vắng bóng, trong đó có “niềm hãnh diện” Kisenosato vì dưỡng thương, chỉ có duy nhất Yokozuna Harumafuji (Mông Cổ) một mình một chợ. Mùa này không hào hứng lắm, chỉ là nơi để cấp dưới phô tài và Harumafuji gốc Mông Cổ lại vô địch lần thứ 9. Rồi tiếp đến mùa thu thì lại ông Mông Cổ Hakuho chiếm ngon lành chức vô địch lần thứ 40. Đúng là chuyện “chán như con gián”.
Và bây giờ mới gửi bạn ta câu chuyện về.....
Nỗi sầu..... nội bộ.
Và bây giờ mới gửi bạn ta câu chuyện về.....
Nỗi sầu..... nội bộ.
Tức là chuyện của các chú Mông Cổ “bụp” nhau, lây lan cả sang “nội bộ” Nhật Bản, khiến tin tức cứ dồn dập nghe riết muốn “khùng”. Sau khi chắt, lọc, loại hẳn tối đa những lời đồn vớ va vớ vẩn, những gì không cần thiết, xin được bắt đầu câu chuyện với những vai chính: Takanoiwa (nạn nhân), Yokozuna Hirumafuji (người bụp), Yokozuna Hakuho, Yokozuna Kakuryuriki (2 vua làng có mặt tại hiện trường), Takanohana (chủ lò của nạn nhân) và còn nữa.....
- Tháng 9 năm rồi (2017), trong một bữa nhậu tại Kinshicho (Tokyo), Takanoiwa (lò của Takanohana) có “lên mặt” với đàn em, trong đó có mấy đệ tử của vua làng Hakuho: “Tao đã thắng Hakuho và thời này không phải là thời tụi bay mà là thời của tụi tao”. Không biết kể lại như thế nào, đến tai vua làng Hakuho lại thành ra: “Thời này là của tụi mình, không phải là thời Hokuho nữa”. Thế là Hakuho sôi máu và để tâm từ đó.
- 25/10, khi cả nhóm sumo đi Jungyo (巡業) tại Tottori. Jungyo có nghĩa là đi biểu diễn các ngón nghề của sumo tại các “vùng sâu vùng xa”. Mọi người từ già tới trẻ có thể đối mặt trực tiếp với sumo thứ thiệt, tha hồ mà đẩy, xô, lui, nhấc.....Trong một năm, ngoài 5 giải đấu chính, hiệp hội Sumo còn phải tổ chức 6 lần “lưu diễn” để “gây quỹ” hoặc giới thiệu về sumo.
Sau khi “biểu diễn” xong, cả nhóm rủ nhau đi nhậu. Trong số đó có một nhóm khá đặc biệt mà 6 là Mông Cổ, gổm 3 vua làng là Yokozuna (Hakuho, Harumafuji, Kakuryuriki), TakanoIwa và 2 Mông Cổ chiếu dưới cùng 2 người Nhật. Có lẽ ấm ức chuyện bị nói sau lưng, Hakuho nhắc lại chuyện tháng 9 năm ngoái để “dạy dỗ” đàn em Takanoiwa. Vua làng Hamanofuji ngồi cạnh, nhưng không có ý kiến gì nhiều, lại có vẻ bênh Takanoiwa, chuyện tạm chấm dứt ở đó.
- Sang quán thứ hai, một tiệm Karaoke. Hakuho lại tiếp tục “dạy dỗ” đàn em Takanoiwa. Ngay lúc đó thì điện thoại rung bần bật, Takanoiwa lấy ra quẹt quẹt, thế là Hamanofuji ngồi bên cạnh nóng mặt, vì cho là Takanoiwa thất lễ trước vua làng Hakuho. Chàng bụp nạn nhân cả mấy chục cú vào mặt. Chưa đã, chàng cầm cả chai shampai trên bàn, nhưng trơn quá, chai rớt xuống đất, chàng tìm và thấy một cái remote đập liên tục thẳng vào đầu khiến nạn nhân máu chảy chan hòa trong sự im lặng “ghê rợn” của người ngồi xung quanh. Lúc đó Hakuho mới vào cuộc can ngăn và đưa nhau ra khỏi quán. Ngày hôm sau, nạn nhân gặp Harumafuji và xin lỗi. Mọi chuyện tưởng như tạm xong và nạn nhân vẫn tham dự bình thường ngày biểu diễn hôm sau 26/10).
Harumafuji: Khi vua làng nói chuyện mày làm gì vậy. Takanoiwa: Có line của “em” tới. Và thế là bụp ..... thôi.
- Khi trở lại lò, thì chủ lò Takanohana hỏi: chuyện gì mà chú mày phải băng đầu vậy. Nạn nhân đáp: dạ, té cầu thang. Tra hỏi một lúc thì nạn nhân thú thật: bị vua làng Harumafuji bụp. Thế là ngày 29/10, Chủ lò Takanohana liền xin giấy chứng thương và làm đơn thưa Harumafuji đã đánh đệ tử mình tại sở cảnh sát Tottori, tuy nhiên chủ lò Takanohana lại không báo cáo gì hết với Hiệp Hội Sumo về chuyện đã xảy ra dù trên nguyên tắc là phải báo cáo, vì chàng là xếp của chương trình “lưu diễn” này
Thầy: Takanohana mặt lạnh như tiền - Trò: Takanoiwa đang “khoe” chỗ bị bụp
- Ngày 2/11 thì chuyện đến tai Hiệp Hội Sumo. 4 tháng 11 thì báo chí hay tin và đăng loạn xà ngầu với rất nhiều thêu dệt. Nào là Harumafuji dùng chai bia, nào là Harumafuji quen thói say xỉn đánh người.
- Ngày 14/11, báo chí tìm đến tận lò của Harumafuji hỏi cho ra lẽ thì HarumaFuj thú thật: Tôi xin lỗi vì đã làm chuyện chả ra chi. Cả thầy trò của Harumafuji rủ nhau đến lò của nạn nhân để xin lỗi, nhưng chủ lò Takanohana vẫn làm ngơ không tiếp.
- Ngày 20-11, Cảnh sát Ibaragi hỏi Hiệp Hội Sumo: chuyện thế nào? Hiệp hội bẻn hỏi vua lò Takanohana và chàng bảo là không biết. Cảnh sát vào cuộc gọi tất cả 8 nhân chứng có mặt để điều tra và quyết định đưa chuyện này lên viện kiểm sát chờ ngày định tội.
- Hiệp Hội Sumo lẽ dĩ nhiên là có nhiệm vụ phải làm sáng tỏ mọi chuyện và hỏi hết những người có mặt, và yêu cầu cho hỏi nạn nhân Takanoiwa, nhưng chủ lò Takanohana nhất định không hợp tác, ngoại trừ câu trả lời duy nhất bằng FAX: chuyện đã có cảnh sát lo, tôi sẽ trình bày mọi chuyện sau khi cuộc điều tra chấm dứt. Năm lần bảy lượt, chủ tịch Hội Sumo trực tiếp điện thoại, hoặc cử người đến đưa văn thư yêu cầu Takanohana “hợp tác”, dù sau khi cảnh sát điều tra xong. Chàng vẫn im lặng.
Mãi cho đến hôm 19/12, chủ lò Takanohana mới đồng ý cho Hiệp Hội hỏi chuyện TakanoIwa.
- 20/12. Hiệp Hội Sumo họp báo. Trong một bản tường trình dài 15 trang, Hiệp Hội Sumo đã kể rõ từng chi tiết một, bên cạnh lại có một bản báo cáo của chủ lò Takanohana. Nội dung có vài điểm không giống nhau. Hỏi thì Takanohana vẫn lặng như tờ chỉ nói một câu: Cứ đọc bản báo cáo của tôi sẽ rõ. Chả ai hiểu rõ thế nào. Vô kế khả thi. Cuối cùng Hiệp Hội Sumo quyết định:
- Cảnh cáo và giảm lương 2 Yokozuna có mặt: Hakuho và Kakuryuriki vì đã không có can gián gì khi Harumafuji bụp TakanoIwa
- Khuyến cáo Harumafuji giải nghệ (thực sự đã xin giải nghệ hôm 23/11)
- Chủ lò của Harumafuji bị khuyến cáo xuống 2 bậc (trước đó cũng đã tự nguyện xin xuống cấp)
- 28/12, sau khi “hỏi cung” được chủ lò Takanohana, Hiệp Hội Sumo hỏi: “có ý kiến gì không? TakananoHana nói: “không”, “có ý định từ chức 理事(thành viên của Hiệp Hội sumo không”, Takanohana cũng :”NO”. Cuối cùng Hiệp Hội đề nghị giải nhiệm chức thành viên và giáng 2 cấp của Takanohana thành một ủy viên bình thường với 2 tội danh: không làm đúng nhiệm vụ của một thành viên hội đồng quản trị (jungyou bucho) và lặng im không hợp tác với Hiệp Hội để làm rõ nguyên nhân.
- 4/1 năm nay Hội đồng bình phán (cao nhất) trong giới sumo đồng ý với đề nghị của Hiệp Hội Sumo. Bà chủ tịch hội đồng Ikenobo đã có những phê phán Takanohana rất nghiêm khắc: Đạo Sumo bắt đầu bằng chữ “lễ” (礼) và chấm dứt cũng bằng chữ “lễ”. Cựu thành viên Hiệp Hội Takanohana đã thiếu đức tính. “lễ” trong cách cư xử và giải quyết vấn đề.
bà chủ tịch Akenobo
Cũng cùng ngày viện kiểm sát Tottori đã cảnh cáo và phạt Harumafuji về tội hành hung một số tiền là 500,000 yen.
Chuyện tạm là như thế cho đến ngày hôm nay. Không biết bên bị bụp có tính kế gì nữa hay không, chẳng hạn là đòi bồi thường về tinh thần bị.... tổn hại, chuyện phải nhập viện v.v... Thôi ta tạm gác “hồ sơ này qua một bên” chứ nói hoài cũng chỉ là chuyện “nói đi nói lại”
Cũng có lời giải thích: lý do khiến Takanohana im miệng “đối đầu” vì chàng có nhiều suy nghĩ khác hẳn với Hiệp Hội Sumo mà chàng cho là cũ kỹ, già nua, cần phải làm một cuộc “cách mạng”. Chuyện ai đúng, ai sai sẽ có rất nhiều cách nhìn. Tuy nhiên, có một điều mà ai cũng phải công nhận: muốn sửa hay muốn đồi gì cũng được, trước hết anh phải tuân theo những qui tắc của Hiệp Hội mà anh là một thành viên, chứ cứ “lặng yên không nói” thì bố ai mà biết được anh muốn gì. Dư luận chung có vẻ trách cứ chủ lò Takanohana trong cách “thanh lý” vấn đề, im lặng chưa chắc là..... vàng đâu nhé.
Dân số của Nhật là 127 triệu người và lịch sử của sumo đã có hơn 1500 năm, nhưng chỉ vỏn vẹn có 72 Yokuzuna (mà trong đó có 5 là Mông Cổ, và 2 là Hawai). Như đã thưa với bạn ta, chức danh Yokozuna là một biểu tượng của thần thánh, nên nó cao quí lắm. Bỏ cả tuổi thanh xuân gia nhập sumo, tập luyện để lên tới đỉnh Yokozuna là con đường chông gai đầy khắc nghiệt, cũng có thể là một chuyện hầu như ... ngoài tầm tay so với các môn thể thao khác.
Đối với quan niệm của người Nhật thì sumo là một môn võ cổ truyền có sắc thái đặc biệt của nền văn hóa thần đạo, còn với các chú Mông Cổ hay những người đến từ xứ khác thì sumo chỉ là một môn thể thao thuần túy như nhu đạo, Teakwondo... Tập luyện để “ra trường” thì khổ cực như nhau nhưng tinh thần của “nội” và “ngoại” thì lại khác hẳn nhau.
Trên đây chỉ là những ghi nhận tạm thời, muốn rõ hơn tinh thần của một võ sĩ sumo thứ thiệt, thì chắc cần phải có một bài viết khác, nên xin tạm chấm dứt câu chuyện ở đây vì bài viết đã quá dài. Sẽ trở lại chuyện này trong một ngày rất.... xa vì mất công lắm. Xin ngàn lần thông cảm.
Nói tóm lại thì “Nỗi sầu vẫn còn đó” nhưng “nội dung” thì từ “....Mông Cổ trở thành ....Nội Bộ” khiến “Dân tôi” vẫn còn phải hát bài: “Chiều buồn len lén tâm tư”..... cho đến khi Yokozuna Kisenosato Nhật rặc..... làm nên cơm cháo vào giải đầu mùa năm nay. Mong lắm.
Lời quê góp nhặt giông dài
Mua vui cũng được một vài trống canh.
Vũ Đăng Khuê
(1/2018)