Saturday, 13 January 2018

Thơ Xuân Ý NGA: Ai Lo Cùng tôi? - Nghiên cứu lịch sử & tranh thơ: BẢO TRÂM

Thơ Xuân Ý NGA
Nghiên cứu lịch sử & tranh thơ: BẢO TRÂM
Tranh, ảnh: AYD, A.C.La, NGUYỄN HỮU NHẬT
Thơ:  Ý Nga > Phổ nhạc & trình bày: NHÓM DÂN CHỦ CA




ÔI CHAO!
Diện đồ tươm tất sáng trưng
Chúng mình ra phố tưng bừng đèn hoa
Tháng này hết Tết người ta
Nhưng mai sắp nở vàng hoa bên Nhà.
*
Mình đi bưu điện trước nha
Quà Xuân Chiến Sĩ lơ là được đâu
(Ngày xưa Người Lính đi đầu
An dân, kiến quốc, chẳng cầu lợi riêng
Hào hùng, gian khổ, truân chuyên
Mấy ai được sống an nhiên: tiền, quyền).
 
Bỏ thư an ủi Mẹ hiền,
Thư thăm anh, chị… cao nguyên đói nghèo
(Già còn trồng trọt, nuôi heo
Chỉ vì gốc lính, đói meo gia đình).
 
Xong rồi, đủng đỉnh, trùng trình*
Ghé mua quà cáp tạ tình thầy, cô
(Tuổi già ai cũng héo khô
Đớn đau nhìn cả cơ đồ tiêu tan).
 
Sẻ san đủ cảnh cơ hàn
Tự nhiên tắt ngúm hân hoan đầu ngày
Thôi! Về anh nhé! Hôm nay
Gói, chia bận rộn chân tay, quên buồn.
*
Đi ra hí hửng ngập hồn
Trở về sầu muộn, nhớ Nguồn.
Ôi chao…
Ý Nga, 9.1.2018
 
*TRÙNG TRÌNH: đủng đỉnh



AI LO CÙNG TÔI?
Niềm riêng sắc nhọn nỗi buồn
Nhớ Ba, thương Má lệ tuôn u hoài.
Niềm chung lo ngại một mai
Mất Nhà, dân tộc lạc loài về đâu?
Việt gian, Việt Cộng hai đầu
Dân tôi ở giữa nghẹn ngào niềm đau!
Xuân đầy Hán hóa sắc Tàu
Tết vơi tranh đấu, san hà đỏ tanh!
Ý Nga, 9.1.2018





NGƯỜI THƯƠNG BINH
*
Hồi hướng công đức cho bác TRẦN NGỌC ANH (Calgary, Canada)
*
Tết đưa nhung nhớ trở về
Gợi màu mai, cúc vàng quê mượt mà
Đưa hồn nhớ Mẹ, thương Cha
Những ngày êm ả ngọc ngà đầu năm.
 
Tết rồi! Phải nhớ hỏi thăm
Những Người Yêu Nước đang nằm Ngục Đen,
Những Thương Binh vốn chẳng hèn
Xông pha chiến trận, đáng khen dường nào!
 
Năm nào cũng nhớ gửi trao
Chút quà gói vạn ngọt ngào kính thương
Năm nay thêm chút bất thường
Phong bì phúng điếu thắp hương một người
Thân nhân nhờ chuyển về nơi
Khổ đau, khốn khó, tơi bời trời xa.
 
Chúc Anh mạnh khỏe tuổi già
Tân niên đất Tổ quê ta hết thù
Cùng dân phá Ngục Âm U
Giúp dân góp sức Cửa Tù phá tung
 
Cám ơn sĩ khí hào hùng
Danh thơm vẫn giữ hương chung: Cộng Hòa.
Ý Nga, 9.1.2018





AI HIỀN VỚI CỘNG SẢN?
*
Mồng 1 Tết đọc email của “thi sĩ” TL chỉ trích về những bài BIẾM THI CHÍNH TRỊ: “-Dữ quá nường ơi!”
*
Họ chê: “-Dữ quá nường ơi!”
Đêm về tự hỏi: hiền nơi đâu rồi?
*
Từ ngày hết cảnh chia đôi
Bắc vào từng lũ rỉa mồi dân Nam
Mẹ Quê xanh tái như chàm,
Bắc Nam thống nhất: biệt giam mọt cùm;
Trẻ thơ lếch thếch chết chùm
Chỉ vì đoàn, đảng-thối-ùm trung kiên.
 
Hiền đưa dân thoát: vượt biên!
Dữ theo, nộ khí xung thiên, giết người
Nào đâu chỉ chết con tôi,
Thuyền nhân bao kẻ chết, trồi biển đen!
*
Họ” này lạ lẫm, thân quen?
Chung dòng Âu-Lạc! Không khen mới kỳ!
Tưởng đâu Tết được lì xì
Không ngờ bút bén cười phì nhờ thơ.
*
Nhủ lòng quyết chẳng thờ ơ
Viết cho dân tộc, màu cờ đã yêu
Quê hương trong cảnh lửa thiêu
Hiền hòa như lụa phẳng phiu, sao còn?
*
Nén hương Mồng Một khóc con,
Mồng Hai nhớ Tết bồ hòn Mậu Thân
Một người di tản bốn lần*
Làm thơ chống Cộng sao vần hiền ngoan?

Ý Nga*28.1.2017.
---
*4 lần di tản
-Tết Mậu Thân 1968: Ngã Tư Bảy Hiền > Hòa Hưng,
-Cuối năm 1979: Sài Gòn > Thái
-Tháng 6.1980: Thái > Ý
-Tháng 6.2000: Ý > Canada





COI CHỪNG MỸ NHÂN KẾ!

Những gì đi lùi lại
Càng xa càng nhạt lần
Bạn cứ mê ngủ mãi
Ai đồng hành, ai thân?
 
Cây trổ hoa, nhả phấn
Trái, mới chín ngọt dần
Việt Nam sa chiến trận
Ngủ hoài sao giúp dân?
 
Chuyện phải làm vô tận!
Say “thương nữ, cung tần”*
Thấy gì dân khóc hận
Trong những tiếng cười rần?
 
Thương dân mình cùng quẫn
Xin giữ vững tinh thần
Chớ làm ngơ bất nhẫn
Ngủ vùi bên “giai nhân”
 
Ý Nga*10.8.2016
 
 
*THƯƠNG NỮ
“Thuyền đêm ghé bến Tần Hoài
Sương che mặt nước, trăng đầy bãi sông
Chẳng cần mệnh nước long đong
Ca nương còn hát bên sông miệt mài”
Trần Minh Hải dịch bài:
 
 
DẠ BẠC TẦN HOÀI*
“Yên lung hàn thủy nguyệt lung xa
Dạ bạc Tần Hoài tận tửu gia
Thương nữ bất tri vong quốc hận
Cách giang do xướng Hậu Đình Hoa”
Đỗ Mục.







From: Tram Bao 
Sent: Thu, Jan 4, 2018 6:47 pm
Subject: Bài nghiên cứu lịch sử
Mời chi xem bài nghiên cứu trong này.

Nghiên cứu lịch sử > Các bài nghiên cứu, biên khảo và dịch thuật các chủ đề về lịch sử


Ai Là Thân Phụ Ngài Nguyễn Kim?
thang long 2.jpg
Nghiên cứu của:
BẢO TRÂM
Ai là thân phụ ngài Nguyễn Kim? Đây là một nghi án lịch sử mà dòng họ Nguyễn Phước Tộc chưa có kết luận thống nhất, nên hiện nay mỗi Hội Đồng Trị Sự Nguyễn Phước Tộc từng địa phương theo một tài liệu khác nhau để ghi vào gia phả.
 Hội Đồng Nguyễn Phước Tộc Hải Ngoại ở Nam California, Hoa Kỳ ghi nhận Thân phụ Ngài Nguyễn Kim là ngài Nguyễn Hoằng Dụ, tức ngài Nguyễn Văn Lưu, Ông Nội ngài là ngài Nguyễn Văn Lang
Sách Nguyễn Phước Tộc Thế Phả do Hội Đồng Trị Sự Nguyễn Phúc Tộc Huế ấn hành năm 1995, trong phần Thủy Tổ phả ghi Thân phụ ngài Nguyễn Kim là Trừng Quốc Công Nguyễn Văn Lưu, Ông Nội Ngài là Phó Quốc Công Nguyễn Như Trác
Một số Hội Đồng Nguyễn Phước Tộc Hải Ngoại ở các tiểu bang khác lại chỉ ghi là Trừng Quốc công Nguyễn văn Lưu và vài nơi còn ghi chú rõ không phải là ngài Nguyễn Hoằng Dụ.
Để làm sáng tỏ phần nào về nghi án này, chúng ta thử tìm hiểu để so sánh
A . Những tài liệu xác nhận thân phụ ngài Nguyễn Kim là ngài Nguyễn Hoằng Dụ :
Đại Nam Thực Lục Tiền Biên của Quốc sử quán Triều Nguyễn ghi nhận về ngài Nguyễn Hoàng: «Ông nội là Trừng Quốc công, húy là [Dụ], lên 8 tuổi đã biết làm văn, 15 tuổi thông võ nghệ. Triều Hiển Tông nhà Lê, làm kinh lược sứ Đà Giang, đến khi Uy Mục vô đạo, về Tây Kinh giúp Lê Oanh khởi binh ở Thanh Hoá, mưu việc giữ  yên xã tắc. Khi Oanh lên làm vua (tức Tương Dực đế), được phong làm Thái phó Trừng Quốc công».
Việt Nam Sử Lược, Trần Trọng Kim. q ll, tr 120.
“Khi Mạc đăng Dung làm sự thoán-đoạt thì các quan cựu thần trốn-tránh đi cũng nhiều. Thủa ấy có người con ông Nguyễn hoằng Dụ, tên là Nguyễn Kim (hay là Nguyễn hoằng Kim) làm quan Hữu-vệ Điện-tiền Tướng-quân An-thanh-hầu, trốn sang Ai-lao.”
Cương Mục Tiết Yếu« Kỷ sửu, 1529, An Thành hầu Nguyễn Kim (con Nguyễn Hoằng Dụ, Thanh Hoa hữu vệ điện tiền tướng quân, triều ta tôn là Triệu Tổ hoàng đế) khởi binh ở Ai Lao ».
Phủ Biên Tạp Lục của Lê Quý Đôn nói về tổ tiên Nguyễn Kim (hay là Cam) như sau: “Con An-hòa-hầu là Nguyễn-Kim chức Hữu-vệ tướng quân An-thanh-hầu”
Sử gia Phan Khoang trong Việt Sử Xứ Đàng Trong«Con Nguyễn Hoằng Dụ là Nguyễn Kim, làm Hữu vệ điện tiền tướng quân, An Thành hầu. Ghi thêm trong phần chú thích: “Xem sách Việt Nam khai quốc chí truyện, thì ông Nguyễn Kim tức là ông Nguyễn Hoằng Kim, là con ông Nguyễn Hoằng Dụ, cháu ông Nguyễn Văn Lang, đều là quan nhà Lê cả.”
 Nguyễn Phước Tộc Giản Yếu của Ban Liên Lạc Nguyễn Phước Tộc tại Thành Phố HCM:
“ – Ông Nguyễn văn Lang sinh Nguyễn Hoằng Lựu (có tên là Hoằng Dụ) Thái phó Trừng quốc công, triều Lê chiêu Tông. – Ông Nguyễn Hoằng Lựu, sinh Nguyễn Kim và Nguyễn Tôn Thái”
Triều Nguyễn của Hội Đồng Hoàng Tộc Nguyễn Phuớc Hải Ngoại, 2009, ghi nhận Trừng quốc Công Nguyễn Hoằng Dụ tức ngài Nguyễn Văn Lưu sinh ngài Nguyễn Kim.
Đại Việt Sử Ký Toàn Thư của triều Lê-Trịnh, được soạn xong năm Chánh Hoà thứ 18, Đinh Sửu, 1697, đời vua Lê Hy Tông [1676-1704]  có đoạn nói: « Bấy giờ, bọn Thanh Hoa Hữu vệ điện tiền tướng quân An Thành hầu Nguyễn Kim (người Bái Trang, huyện Tống Sơn, có thuyết nói là con của Hoằng Dụ) dẫn con em chạy sang Ai Lao. »
Lịch triều Hiến Chương Loại Chí của Phan Huy Chú, 1821, tập 1 đoạn Phủ Hà Trung ghi: « …Gia Miên nghoại trang là đất tổ của các vua triều Nguyễn, từ tiên tổ là Nguyễn Đức Trung, làm chức Thái Úy, có con gái lấy Lê Thành Tông sinh ra Hiến Tông. Con trai là Nguyễn Văn Lang, giúp nhà Lê lập Dương Tực đế, được phong tước Vương, cháu là Hoàng Dụ, lại lập Chiêu Tông. Đến Triệu tổ [Nguyễn Kim] tôn lập Trang Tông, cớ nghiệp trung hưng nhà Lê gây dựng ra từ đấy… »    
Tiên Nguyên Toát yếu Phổ của Tôn Thất Hân, trong BAVH, năm 1920, rồi Constitution de la famille Impérialle của Tôn Thất Cẩn, năm 1942, hay Nguyễn Phước Tộc Giản Yếu của Tôn Nữ Cẩm Bàn, năm 1992 và mới nhất là Nguyễn Triều của Hội Đồng Hoàng Tộc Nguyễn Phước Hải Ngoại năm 2009, đều đã ghi lại giống nhau về chi tiết: « Triều vua Lê Tương Dực có Nghĩa Huân vương Nguyễn Văn Lang và con là Thái Phó Trừng Quốc công Nguyễn Hoằng Dụ (tức Nguyễn Lựu)…Đức Triệu Tổ Tịnh Hoàng đế Nguyễn Kim của chúng ta là con ngài Thái Phó Trừng Quốc công »…hoặc: « Ông Nguyễn Văn Lang sinh Nguyễn Hoằng Dụ (có tên là Nguyễn Hoằng Lựu), Thái Phó Trừng Quốc công, triều Lê Tương Dực. Ông Nguyễn Hoằng Dụ sinh ra Nguyễn Kim và Nguyễn Tôn Thái… » (Trích “Chúa Tiên Nguyễn Hoàng”, tác giả Hoàng Đình Hiếu)
 Kỷ Yếu Hội Thảo, Thanh Hóa năm 2009 trang 669 – 674 có ghi: Trừng Quốc công miếu là nơi thờ Nguyễn Hoằng Dụ, thân phụ Nguyễn Kim.
B. Những tài liệu xác nhận ngài Nguyễn Kim là anh/em của ngài Nguyễn Hoằng Dụ và là con của ngài Nguyễn Văn Lưu
Đại Việt Thông Sử của Lê Quý Đôn soạn năm Kỷ Tỵ, 1759: Vào năm 1529 « Hữu vệ Điện tiền Tướng quân An Thanh hầu Nguyễn Kim ở Thanh Hoa, là em Nguyễn Hoằng Dụ, một vị vốn có danh vọng, đem con em chạy sang nước Ai Lao, có chí mưu đồ khôi phục ». Trái với trong Phủ Biên Tạp Lục của chính Lê quý Đôn
Hoàng Tộc Lược Biên của Tôn Thất Cổn, 1943: “Ngày trước, Triều Nguyễn chúng ta là họ Nguyễn Văn. Xem như Ngài Trừng Quốc Công, thân sinh ra Đức Triệu Tổ Tịnh Hoàng Đế (Nguyễn Kim), huý là Nguyễn Văn Lưu
Nguyễn Phúc Tộc Thế Phả do Hội Đồng Trị Sự Nguyễn Phúc tộc Huế soạn năm 1995 cho biết ngài Nguyễn Kim là con đầu của Trừng Quốc công Nguyễn Văn Lựu. Ngài Nguyễn Văn Lựu là con của ngài Nguyễn Như Trác.
Trong Nhìn Lại Lịch Sử, 2003. TS Đinh Công Vĩ cho biết sau khi nghiên cứu 7 nguồn gia phả của Nguyễn Hữu Tộc phả, (Nguyễn Hữu là dòng con của hai người con của Ngài Nguyễn Hoàng, ở lại Thanh Hóa sau khi ngài Nguyễn Hoàng trở về Thuận Hóa năm 1600) được ghi nhận như sau,
                                        So với chính sử:
Nguyễn Công DuẫnNguyễn Công Duẫn
Nguyễn Như TrácNguyễn Đức Trung
Nguyễn Văn Lưu, Trừng Quốc CôngNguyễn Văn Lang, Nghĩa Quốc Công
Nguyễn Kim 
Nguyễn Hoằng Dụ, An Hòa Hầu, Trừng Quốc Công.
Nguyễn Kim
Tác giả Đinh Công Vĩ ghi nhận thêm: “Ở Triệu miếu (Huế) và Nguyên miếu (Gia Miêu ngoại trang) chỉ thờ Nguyễn Văn Lưu là cha đẻ thực của Nguyễn Kim mà không thờ Nguyễn Hoằng Dụ – cha Nguyễn Kim như sử chép. Mặt khác, mộ cha Hoằng Dụ là Nguyễn Văn Lang ở làng Tam Quy xã Hà Tân, Hà Trung, Thanh Hoá chỉ do con cháu chi 5, nay đã đổi ra họ Phạm Nguyễn trông nom, họ Nguyễn Phúc không có nhiệm vụ trông nom mộ Nguyễn Văn Lang. Trong các nguồn gia phả, có cuốn do Quỳnh Sơn hầu Nguyễn Lữ là em ruột Nguyễn Văn Lang soạn năm 1515, khi đó những người đang được đề cập còn sống.”
Theo thông tin từ đó, Hoàng Hậu Trường Lạc Nguyễn Thị Hằng là chị họ công thần Nguyễn Văn Lang thời vua Lê Tương Dực và ngài Nguyễn Kim là anh họ của ngài Nguyễn Hoằng Dụ.
Sau đây là các nguồn gia phả xác nhận thân phụ ngài Nguyễn Kim là ngài Nguyễn Văn Lưu, do Ông Nguyễn Hữu Kúc, hậu duệ ngài Ly Nhân Công Nguyễn Hán (con ngài Nguyễn Hoàng) cung cấp tài liệu như sau: (Chữ nghiêng là tài liệu của ông Nguyễn Hữu Kúc)
 1- Phả Công tính chính chi tại Quý hương Gia miêu ngoại trang
Phả này của chi họ Nguyễn Hữu tại Gia miêu ngày nay, phả ghi rõ: Hoằng Quốc công Nguyễn Công Duẩn sinh ra Phó Giám hầu Nguyễn Như Trác sinh ra Trừng Quốc Công Nguyễn Lưu sinh ra Triệu tổ Hoàng đế.
Một phả nữa cũng của một chi họ Nguyễn Hữu tại Gia miêu cũng ghi: Thái bảo Hoằng Quốc công Nguyễn Công Duẩn sinh ra Phó Giám hầu Nguyễn Như Trác sinh ra Trưởng nam Thái tể Trừng quốc công Nguyễn Văn Lưu thụy Chân Tâm sinh ra Trưởng nam Chiêu Huân công Nguyễn Kim.
Hai chi họ này đều là con cháu Lỵ Nhân công Nguyễn Hán, trước đây cùng là Công tính chính chi, sau này tách ra làm hai chi họ Nguyễn Hữu như ngày nay.
2- Nguyễn Gia phả ký
Chi họ này thuộc chi thứ 5 của con cháu cụ Nguyễn Công Duẩn. Chi họ này có Hộ bộ thượng thư Quỳnh sơn hầu Nguyễn Lữ viết phả vào năm Hồng Thuận thứ 6 [1514], truyền đến về sau này do con cháu là cụ Nguyễn Gia Ngô, hậu duệ của Nguyễn Gia Thiều tiếp tục viết vào năm 1830. Phả này có đặc biệt là các cụ đã đi các nơi để khảo cứu và ghi chép tổng hợp đủ thế thứ của 7 chi phái con cháu cụ Nguyễn công Duẩn. Phả này ghi: Tiên tổ: Hoằng Quận công húy Công Duẩn, là con trai thứ tư của cụ Chiêu Quang hầu……….sinh được 7 người con trai và 3 người con gái ….
Con trai thứ tư: Phó Giám hầu húy Như Trác…….sinh được 1 người con trai húy Như Lưu…….. Trưởng nam: Đăng quốc công húy Như Lưu……được bao phong là Tá quốc Trợ thuận Hiển trung Hoằng mô Phấn uy Dương dũng Cực phẩm Mậu tư Tuấn ký Tuấn vọng Huy vũ Chấn uy Trí dũng Vũ lược Thông minh Trợ thắng Phong công Vĩ tích Hoằng liệt Dự cửu Anh danh Tuy hòa Thái tể Quốc công, thụy Chân tâm ……sinh được hai người con trai (con trai cả húy Kim, con trai thứ húy Thái).
Trưởng nam: Thái sư Hưng Quốc công húy Kim, tước An Thanh hầu, phù Lê diệt Mạc Trung hưng Khởi nghĩa công thần, được phong Thái tể, Thượng phụ Thái sư Hưng Quốc công……..
3- Gia phả Đỗ đại tộc
Gia phả của họ Đỗ ở thôn Bồng Trung, xã Vĩnh Tân, huyện Vĩnh Lộc, Thanh hóa. Họ Đỗ thôn Bồng Trung này có mối quan hệ thông gia lâu dài và khăng khít với họ Nguyễn ở Gia miêu, Tống sơn. Quan hệ thông gia bắt đầu từ cụ Nguyễn Trừ (Sừ) kéo dài 7 thế hệ cho đến Lỵ Nhân công Nguyễn Hán. Phả ghi:
– Đỗ tướng công tự Viên Đạo…….con gái thứ tư là Đỗ thị Hạnh gả cho người huyện Tống Sơn, Gia miêu ngoại trang, Phó giám tặng Hiển Quốc công, tên thụy là Đức Khánh phủ quân [Nguyễn Như Trác ]..
 – Đặc tiến phụ quốc Thượng tướng quân, Tây quân đô đốc chính thống lĩnh Thần sắc quân kiêm Giám thần võ quân thự quản thập hiệu Phấn dực quân Đổng lý bình nhung quận công, tặng Thái úy Cảnh Quốc công, nay là Sơn Nam xứ- thành quần xã Đại vương, Đỗ tướng công, húy Nhuận, tên thụy Hoạch, tên chữ Viên Tính……….con gái thứ năm là Đỗ thị Đức lấy người huyện Tống sơn, Gia miêu ngoại trang, Thái tể Trừng Quốc công Nguyễn Văn Lựu……con gái thứ sáu là Đỗ thị Kính lấy người huyện Tống sơn- Gia miêu ngoại trang Hộ bộ thượng thư giữ chức Trưởng bộ sự Quỳnh Sơn hầu là Nguyễn Văn Lữ, tự là Tùng Sơn tiên sinh…
Ghi chú thêm: (của Bảo Trâm)
Theo gia phả Đỗ Đại Tộc:
 – Đỗ tướng công tự là Viên Đạo – con trưởng cụ Viên Thông, vợ là Trịnh thị, hiệu Từ Hành. Sinh được 5 người con…………..
……. Con trai thứ hai, cụ Viên Tính, tính mạng táo bạo……………”.
Như vậy, cụ Viên Tính là con trai thứ hai cụ Viên Đạo.
– Con gái thứ tư cụ Viên Đạo lấy ngài Như Trác nhưng phả không nói cụ bà họ Đỗ này có phải là thân mẫu của Trừng quốc công hay không?
– Bà Đỗ thị Đức – con gái thứ 5 của cụ Viên Tính, cháu nội cụ Viên Đạo – lấy Trừng quốc công nhưng không rõ bà có phải là Thân mẫu của Triệu tổ (Nguyễn Kim) không? Hay chỉ là Kế mẫu hoặc Thứ mẫu.
Theo như trên, ngài Nguyễn Văn Lưu kết hôn với con gái cụ Viên Tính tức là cháu gái gọi người dì ghẻ của ngài bằng cô ruột. (Hay chính là cháu ruột của Mẹ Ngài???)
4- Nơi thờ tự tại Nguyên miếu
Tại Nguyên miếu có miếu thờ Trừng Quốc công, thân phụ của Triệu tổ….
5- Ghi chép trong chính sử
Đại Nam Thực lục cũng ghi rõ Ông nội của Thái tổ là Trừng Quốc công.
6- Một số bản chính sử sai ở chỗ nào?
Một số bản chính sử chép về tổ tiên Nguyễn Kim như sau:
Nguyễn Công Duẩn sinh ra Nguyễn Đức Trung sinh ra Nguyễn Văn Lang sinh ra Nguyễn Hoằng Dụ sinh ra Nguyễn Kim.
Sự thật không phải như vậy, ta lấy ba chi là con trai cụ Nguyễn Công Duẩn có liên quan là chi 1, chi 4 và chi 5 để xem xét.
Gia phả của các chi con trai cụ Duẩn chép thế này:
Chi 1: Trinh Quốc công Nguyễn Đức Trung sinh được 6 trai là Vĩnh, Quảng, Độ, Chiêu, Hộ, Hòa. Không có ai là Nguyễn Văn Lang, Nguyễn Hoằng Dụ.
Chi 4: Phó Giám hầu Nguyễn Như Trác sinh ra Trừng Quốc công Nguyễn Văn Lưu; Trừng Quốc công Nguyễn Văn Lưu sinh ra Nguyễn Kim và Nguyễn Tông Thái.
Chi 5: Sảng Quốc công Nguyễn Văn Lỗ sinh 8 trai, Con cả là Nguyễn Văn Lang, con thứ 8 là Hộ bộ thượng thư Quỳnh sơn hầu Nguyễn Lữ.
Nguyễn Văn Lang sinh ra Hoằng Dụ, Hoằng Uy, Nguyễn Điển và Nguyễn Thị Thanh.
Hoằng Dụ sinh 5 trai là Thái, Tế, Tri, Công, Thi (không có ai là Kim).
Cụ Nguyễn Lữ viết phả vào năm 1514, Nguyễn Lữ là em ruột Nguyễn Văn Lang, là em con nhà chú đồng thời cụ Lưu và cụ Lữ hai anh em lại làm rể trong cùng 1 gia đình họ Đỗ, tất nhiên cụ Nguyễn Lữ phải biết rõ mối quan hệ anh em họ giữa Nguyễn Kim và Nguyễn Hoằng Dụ.
– Từ trước tới nay, họ Nguyễn Phước chưa bao giờ có trách nhiệm phải trông nom mộ cụ Nguyễn Văn Lang.
Hiện nay, cả 7 chi họ có tổ là 7 người con trai của cụ Nguyễn Công Duẩn đều biết rõ Tổ chi của mình, không thể có lẫn lộn.
– Nguyễn Hoằng Dụ làm quan triều Lê chỉ được phong đến tước An (Yên) Hòa hầu, chưa bao giờ được phong tước Trừng Quốc công.
Như vậy, từ các dẫn chứng và phân tích trên, Chúng ta khẳng định được Thân phụ của Triệu tổ là Thái tể Trừng quốc công Nguyễn Văn Lưu (có phả ghi là Nguyễn Lưu, Nguyễn Như Lưu, Lựu)
So Sánh hai nguồn tài liệu:
Qua hai nguồn tài liệu A và B chúng ta thử so sánh thời gian hai nhận vật Nguyễn Hoằng Dụ và Nguyễn Văn Lưu xuất hiện có gì đặc biệt để nhận ra hai ngài là ai.
Hầu như tất cả chính sử đều xác nhận Ngài Nguyễn Hoằng Dụ là thân phụ ngài Nguyễn Kim với những thời gian xuất hiện của ngài Nguyễn Hoằng Dụ rất rõ ràng, chính sử của triều Nguyễn Đại Nam Thực Lục Tiền Biên của Quốc sử quán Triều Nguyễn ghi nhận về ông nội ngài Nguyễn Hoàng, con ngài Nguyễn Kim như sau:  “Ông nội là Trừng Quốc công, húy là Dụ ».
Chúng ta cần chú ý thêm chi tiết là Quốc sử quán triều Nguyễn đã xác nhận như vậy và đồng thời Vua Gia Long và Vua Minh Mạng, là hai vua chỉ dụ Quốc Sử Giám soạn bộ Đại Nam Thực Lục, đồng thời chỉ dụ cho xây miếu thờ ngài Trừng Quốc công được gọi là Trừng Quốc Công Miếu, vậy chúng ta phải xác định đó là nơi thờ ngài Nguyễn Hoằng Dụ.
Trong cuộc hội thảo ở Thanh Hóa năm 2009 được ghi lại trong Kỷ Yếu Hội Thảo cũng ghi là Trừng Quốc công miếu là nơi thờ Nguyễn Hoằng Dụ, thân phụ Nguyễn Kim
 Xin nhắc lại để so sánh:
Trong chính sử ghi nhận về ngài Trừng Quốc Công Nguyễn Hoằng Dụ:
Hầu như tất cà sử sách đếu ghi nhận vào năm 1510, ngài Nguyễn Hoàng Dụ được vua Lê Tương Dực phong An Hòa Hầu, cùng ghi nhiều chi tiết ngài Nguyễn Hoằng Dụ đem quân đánh giăc Trần Cảo để giúp vua Lê Tương Dực vào những năm 1510 đến 1518 là năm được ghi nhận ngài mất tích
Đại Nam Thực Lục Tiền Biên của Quốc sử quán Triều Nguyễn xác nhận về ngài Nguyễn Hoàng: «Ông nội là Trừng Quốc công, húy là Dụ, lên 8 tuổi đã biết làm văn, 15 tuổi thông võ nghệ. Triều Hiển Tông nhà Lê, làm kinh lược sứ Đà Giang, đến khi Uy Mục vô đạo, về Tây Kinh giúp Lê Oanh khởi binh ở Thanh Hoá, mưu việc giữ yên xã tắc. Khi Oanh lên làm vua (tức Tương Dực đế), được phong làm Thái phó Trừng Quốc công ».
Bảy nguồn gia phả của Tộc Nguyễn Hữu và sách Nguyễn Phước Tộc Thế phả của Hội Đồng Nguyễn Phước Tộc Huế, ghi nhận về ngài Nguyễn Văn Lưu không khác gì chi tiết đã được chính sử ghi nhận về ngài Nguyễn Hoằng Dụ như sau:
“Ngài giữ chức Kinh Lược Sử Đà Giang dưới triều vua Lê Hiến Tông (1497 -1504). Đến đời vua Tương Dực, (1509-1516), biến loạn nổi lên khắp nơi, giặc Trần Cao chiếm lấy Đông Đô. Ngài phải đem quân từ Thanh Hóa ra, chiếm lại Đông Đô rồi rước vua Tương Dực về. Ngài được phong làm Thái Tể Trừng Quốc Công,” 
Phổ hệ họ Nguyễn Cửu do ông Nguyễn Cửu Kiều mang từ Bắc theo vào Nam, được dịch và viết ra Quốc ngữ năm 1994 có đoạn cũng tương tự như sau:
“Phó Giám quận công Nguyễn Như Trác sinh: Thái phó Trừng quốc công (gia phong) Thất Đạo Đại Vương Nguyễn Lưu (thụy Chơn Tâm)
Ông từ nhỏ đọc sách. Tám tuổi đã làm văn, mười lăm tuổi võ nghệ đã nhuần nhuyễn. Triều Lê Hiến Tông, lấy thế nhà giữ nuôi binh lính, làm quan chức Kinh lược sứ ở Đà giang. Sau dấy binh ở Thanh hóa rước lập Tương Dực đế có công, làm quan đến chức Thái phó, được phong Trừng Quốc công lại gia phong Thất Đạo Đại Vương. Sinh hai con trai. Con Trưởng tức Triệu Tổ Tịnh Hoàng Đế của triều đại hiện nay, húy Kim. Con thứ hai: Thái phó Ng.Thái.” 
Vậy ra có hai người đều là hậu duệ của ngài Nguyễn Công Duẩn được mô tả giống nhau “lên 8 tuổi đã biết làm văn, 15 tuổi thông võ nghệ. Triều Hiển Tông nhà Lê, làm kinh lược sứ Đà Giang », Cả hai đều đem quân đi đánh Trần Cảo để cứu vua Lê Tương Đực cùng thời kỳ, nhưng chính sử lại không hề biết tới Trừng Quốc Công Nguyễn Văn Lưu. Nhưng ghi rất rõ vị đó là Ngài Nguyễn Hoằng Dụ, An Hòa Hầu và sau này triều Nguyễn cũng xác nhận đó là Trừng Quốc Công và xây miếu thờ. Xin xác nhận lại lần nữa, Trừng Quốc Công Miếu do triều Nguyễn xây để thờ ngài Nguyễn Hoằng Dụ.
Đã được phong tới chức Trừng Quốc Công trong một giai đoạn nhiều biến động, thì phải có công trạng, nhưng tất cả sử cổ đều không có một chữ nào nhắc tới tên của ngài Nguyễn văn Lưu. Rõ ràng là trong thời kỳ này không có Trừng Quốc Công Nguyễn Văn Lưu, nhưng chỉ có một Trừng Quốc Công là ngài Nguyễn Hoằng Dụ.
Xét về các lăng mếu hiện nay ở Thanh Hóa, chúng ta cũng có thể bổ túc sự chính xác cho kết luận này. Hiện chỉ có mộ ngài Nguyễn Văn Lang và Trừng Quốc Công Miếu được ghi là ngài Nguyễn Văn Lưu, không có mộ nào ghi tên ngài Nguyễn Hoằng Dụ, nhưng theo Chính sử nhà Nguyễn thì ta biết là Trừng Quốc Công Miếu để thờ ngài Nguyễn Hoàng Dụ.
TS Đinh Công Vỹ xác nhận Trừng Quốc Công miếu chỉ để thờ Ngài Nguyễn Văn Lưu mà không thờ ngài Nguyễn Hoằng Dụ là sai với ý của Vua Gia Long và Vua Minh Mạng khi chỉ dụ xây đền thờ Trừng Quốc Công. Bia truớc miếu hiện tại chi ghi tên ngài Nguyễn Văn Lưu là do sau này mới làm lại, chứ không phải là bia nguyên thủy được làm từ khi mới xây Trừng Quốc Công miếu. Ai đã sửa chi tiết này, trộm nghĩ vẫn cần làm sáng tỏ.
TS Đinh Công Vĩ còn xác nhận mộ ngài Nguyễn văn Lang và cũng xác nhận thêm chi này đã đổi sang họ Phạm Nguyễn. Lý do nào đổi? Việc đổi họ này có quan trọng và liên quan tới việc viết ra 7 cuốn gia phả kia không? Vì thời điểm này Mạc Đăng Dung đang đuổi tận giết tuyệt dòng họ ngài Nguyễn văn Lang và Nguyễn Hoằng Dụ, ngay cả đào mộ ngài Nguyễn văn Lang đem đốt.
Biết đâu vì sợ sẽ bị truy sát mà tất cả hậu duệ của họ Nguyễn Tống Sơn đã viết ra như thế, phải đưa ra một lý lịch khác để bảo vệ ngài Nguyễn Kim, những gia phả nói trên mang một bí ẩn sâu xa vể thân thế của ngài Nguyễn Kim, vì lúc đó Ngài Nguyễn Kim chưa thoát khỏi móng vuốt của Mặc Đăng Dung, còn phải ẩn tích trước khi có thể đủ sức kéo quân qua Ai Lao. Nếu trong thời gian từ năm 1515 đến năm 1529, suốt mười bốn (14) năm đó, không có một kế hoạch tinh vi và thâm chí hoang đường để bảo vệ, ngài Nguyễn Kim đã không thể sống sót.
Các gia phả đó đều có ý biến đổi thân thế ngài Nguyễn Hoằng Dụ thành Ngài Nguyễn Văn Lưu, nhất là gia phả do cụ Nguyễn Lữ viết ra đúng vào năm 1514, Ngài Nguyễn Lữ lại bỏ công đi đến để xem xét gia phả từng chi, lại càng có ý nghĩa liên quan tới vấn đề sinh tử này.
Ngoài ra xét theo Gia Phả Đỗ Đại Tộc, (mục 3- bên trên) chúng ta thấy có nhiều chi tiết đáng ngờ, không phải là cách lập một gia phả đúng, vì đọc kỷ thì hình như Ngài Nguyễn Văn Lưu lấy cháu ruột của Mẹ ngài làm vợ. Trong gia phả Đỗ Đại Tộc chỉ ghi tên một người vợ của cha ngài là em cụ Viên Tính… theo cách ghi này thì là phải Mẹ của Ngài Nguyễn Văn Lưu…. Nhưng sau đó lại ghi Vợ ngài Nguyễn Văn Lưu là con ngài Viên Tính…. Có gì không đúng ở đây. Vì vậy càng giúp cho tôi tin ở cho giả thuyết nói trên của tôi.
Vì vậy, chúng ta có thể tạm kết luận Ngài Nguyễn Hoằng Dụ, chính là ngài Nguyễn Văn Lưu.
Tuy vậy, vẫn còn hai khúc mắc cần giải quyết, hai thắc mắc này có thể có liên quan tới 7 ngưồn gia phả nêu trên.
Đó là xét kỷ hơn theo tuổi tác thì ngài Nguyễn Kim sinh năm 1468, ngài Nguyễn Hoằng Dụ sinh năm nào không rõ, nhưng mất tích từ 1518. Năm 1510, ngài Nguyễn Hoàng Dụ còn theo cha là Ngài Nguyển văn Lang giúp vua Lê Tương Dục lật đổ vua Lê Uy Mục.
Năm 1510 Ngài Nguyễn Kim đã 42 tuổi thì Ngài Nguyễn Hoằng Dụ, nếu là thân phụ của ngài Nguyễn Kim, ít nhất phải là 60, Ngài Nguyễn Văn Lang phải chừng 78. Nếu tính đến 18 tuổi là có con. Nhưng trong sử không hề gọi Ngài Nguyễn văn Lang vào năm 1510 là lão tướng, cũng không thể mô tả một lão tướng như sau:
“Văn Lang là người thông thao lược, giỏi binh pháp, khéo xem xét thiên thời, sức khoẻ có thể bắt được hổ. Bấy giờ (1510) Văn Lang đem bọn Chế Mạn làm nô lệ người Chiêm cùng Vũ Bá, Vũ Tiếp và người ba phủ nổi nghĩa quân ở thành Tây Đô, đem quân giữ ở cửa biển Thần Phù (Đại Việt Sử Ký Toàn Thư)”
Vậy vào năm 1510 cả hai cha con Ngài Nguyễn Văn Lang phải nhỏ tuổi hơn nhiều, ngài Nguyễn Hoằng Dụ không thể nào lớn tuổi như là thân phụ của Ngài Nguyễn Kim được.
Ngoài ra trong các tài liệu cổ, không tìm thấy chứng cớ Ngài Nguyễn Hoằng Dụ được phong Trừng Quốc Công lúc nào mà chỉ được phong tới An Hòa Hầu. Chỉ khi tra cứu bản dịch cuốn “Đại Nam Thực Lục Tiền Biên” của Quốc sử quán Triều Nguyễn sau này ghi nhận về ông nội ngài Nguyễn Hoàng, con ngài Nguyễn Kim như sau: «Ông nội là Trừng Quốc công, [húy là Dụ]» Sách do Quốc Tử Giám, triều Nguyễn biên soạn trong nhiều năm bởi nhiều sử gia cũng như những vị có uy tín, mặc dù không ghi rõ xuất xứ các tin tức trong đó, nhưng chắc chắn đã được nghiên cứu cẩn thận trước khi khẳng định một chi tiết nào.
Mới đây tôi nhận thêm tài liệu do ông Nguyễn Hữu Kúc, hậu duệ của ngài Lỵ Nhân Công, hiện ở Hà Nội, một bản sao bản chữ Hán đoạn trong nghi vấn 2) nói trên trong sách Đại Nam Thực Lục Tìền Biên. Trong đoạn chữ Hán đó chỉ bao gồm câu được dịch như sau: «Ông nội là Trừng Quốc Công, húy là » sau chữ “là”… bỏ trống. Qua quan sát bản chữ Hán và bản dịch, tôi nhận ra chữ [Dụ] do người dịch thêm vào. Chi tiết này đúng vì những chữ để giữa hai dấu [ ] luôn luôn ám chỉ chữ đó do người dịch thêm vào. Tuy nhiên việc này càng tạo thêm nghi vấn, vì không có lý nào những sử gia triều Nguyễn biên soạn Đại Nam Thực Lục trong nhiều năm mà có thể viết cẩu thả như thế. Bản chữ Hán có hai chữ “húy là” mà sau đó lại bỏ trống lại là điều khó hiểu… Các sử gia không ai viết như thế. Bản chữ Hán này hiện do thư viện Viện Hán Học Hà Nội lưu giữ.
Nhưng dù cho Đại Nam Thực Lục chỉ ghi Trừng Quốc Công, mà không ghi rõ Nguyễn Hoằng Dụ, thì chúng ta vẫn nhận ra là thời kỳ 1510 đến 1518 không thể có hai người cùng trong dòng họ Nguyễn Gia Miêu từng “….Đến đời vua Tương Dực, (1509-1516), biến loạn nổi lên khắp nơi, giặc Trần Cao chiếm lấy Đông Đô. Ngài phải đem quân từ Thanh Hóa ra, chiếm lại Đông Đô rồi rước vua Tương Dực về…..” như đã ghi trong chánh sữ về ngài Nguyễn Hoằng Dụ và cũng trong Đại Nam Thực Lục về Trừng Quốc Công. Và đồng thời cũng giống như TS Đinh Công Vỹ và hậu duệ ngài Lỵ Nhân Công, ông Nguyễn Hữu Kúc mô tả ngài Nguyễn Văn Lưu theo 7 nguồn gia phả mới được phát hiện sau 1975.
Tuy nhiên nếu chấp nhận giả thuyết tôi nêu ra, là để bảo vệ ngài Nguyễn Kim, mà 7 chi họ, do cụ Nguyễn Lữ chủ trì đã viết ra 7 gia phả nói trên, chứ các gia phả đó không đúng thực tế. Cũng do từ đó mà chính sử không hề biết tới ngài Nguyễn Văn Lưu. Nếu chấp nhận vậy thì tất cả chi tiết mâu thuẩn nói trên đều được giải quyết.
Cuối cùng vẫn có thể xác nhận ngài Nguyễn Văn Lưu chính là ngài Nguyễn Hoàng Dụ
Hiện nay mỗi Hội Đồng Nguyễn Phước Tộc từng địa phương theo nhiều nguồn tài liệu trái ngược nhau để ghi trong gia phả của mình. Điều này càng làm rối rắm thêm cho đời sau khi muốn nghiên cứu về tộc họ Nguyễn Phước.
Xin quý bậc trưởng thượng và bà con trong dòng họ lưu tâm đến vấn đề này, nghiên cứu thêm
Bảo Trâm, Minnesota.
 
Tài liệu tham Khảo
Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, (1697) Triều Lê-Trịnh, Lê Văn Hưu, Ngô Sĩ Liên…. Bản dịch Viện Khoa Học Xã Hội Việt Nam. 1985-1992
Đại Việt Thông Sử, (1759) Lê Quý Đôn. Bản dịch Lê Mạnh Liêu, (1973) Bộ Văn Hóa Giáo Dục và Thanh Niên, Sài Gòn
Phủ Biên Tạp Lục, Lê Quý Đôn, Triều Lê Trịnh, bản dịch Ngô Lập Chí, 1959
Đại Nam Thực Lục Tiền Biên, (1821-1909) Quốc sử quán Triều Nguyễn, bản dịch Viện Sử Học Hà Nội 1961-1978
Lịch triều Hiến Chương Loại Chí của Phan Huy Chú, 1824. Bản dịch: Viện Sử học Hà Nội 1960
Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục. (1856-1884) Chính sử của nhà Nguyễn do Quốc Tử Giám soạn. Bản dịch của Viện Sử Học Hà Nội 1998
Cương Mục Tiết Yếu, (1905) Đặng Xuân Bảng (1828-1910) Bản dịch, viện Nghiên Cứu Hán Nôm Hà Nội 2000
Việt Nam Sử Lược, (1919) Trần Trọng Kim. Bản dịch của Trung tâm Học Liệu. Bộ Giáo Dục Sài Gòn
Hoàng Tộc Lược Biên, (1943) Tôn Thất Cổn.
Việt Sử Xứ Đàng Trong, (1969) Phan Khoang, Nhà Sách Khai Trí, Sài Gòn
Nguyễn Phước Tộc Giản Yếu, (1992) Ban Liên Lạc Nguyễn Phước Tộc tại Thành Phố Sài Gòn,
Nguyễn Phúc Tộc Thế Phả (1995) Hội Đồng Trị Sự Nguyễn Phúc Tộc Huế. 1995
 Nhìn lại lịch sử, (2003) Tác giả KS Phan Duy Kha, TS Lã  Duy Lan, TSĐinh Công Vĩ.  Nhà xuất bản Văn Hóa Thông Tin Hà Nội
Triều Nguyễn (2009), Hội Đồng Hoàng Tộc Nguyễn Phuớc Hải Ngoại, (2013) Nhà sử học Hoàng Đinh Hiều
Website Wikipedia: Các phần liên quan tới nhà Nguyễn:
Website Nguyễn Phước Tộchttp://nguyenphuoctoc.info/
Website Phú Lương Cônghttp://www.phuluongcong.com/

Phụ bản tài liệu do ông Nguyễn Hữu Kúc, hậu duệ của ngài Lỵ Nhân Công, hiện ở Hà Nội, một bản sao bản chữ Hán đoạn trong nghi vấn 2) nói trên, trong sách Đại Nam Thực Lục Tìền Biên. Trong đoạn chữ Hán đó chỉ bao gồm câu được dịch như sau: « Ông nội là Trừng Quốc Công, húy là » sau chữ  bỏ trống.
gia pha nguyen toc.png
Một phần bản chữ Hán của gia phả Nguyễn Hữu Tộc
gia pha nguyen toc 2gia pha nguyen toc 3
 Phần Phụ Lục
THỦY TỔ PHẢ
Phụ mẫu thân sinh của Nguyễn Thước. (không rõ họ tên)
Nguyễn Thước, Gia tướng của An Nam Tiết Độ Sứ
Nguyễn Bặc (924 – 979), Thái Tể Định Quốc Công, triều vua Đinh Tiên Hoàng
Nguyễn Đê (? – ?), Đô Hiệu Kiểm, cuối triều Đinh, năm 1009 tôn Lý Công Uẩn lên làm vua
Nguyễn Viễn (? – ?), Tả Tướng Quốc, triều Lý Thánh Tông và Lý Nhân Tông
Nguyễn Phụng (? – 1150), Tả Đô Đốc, triều Lý Anh Tông
Nguyễn Nộn (? – 1229), Hoài Đạo Hiếu Vũ Vương, đời vua Lý Huệ Tông sau được Trần Thù Độ cắt đất phong Vương
Nguyễn Thế Tứ (? – ?) Đô hiệu Kiểm, triều Trần Thài Tông
Nguyễn Nạp Hòa (? – 1377), Bình Man Đại Tướng Quân triều vua Trần Duệ Tông
Nguyễn Công Luật (? – 1388), Hữu Hiệu Điểm, triều vua Trần Duệ Tông và Trần Phế Đế
Nguyễn Minh Du (1340 – 1390), Du Cần Công, triều vua Trần Phế Đế
Nguyễn Biện (? – ?), Phụ Đạo Huệ Quốc Công theo nhà Hậu Trần chống Trần Quý Ly, đời Giản Định Đề và Trùng Quang Đế
Nguyễn Chiếm (? – ?), Quản Nội, cùng cha là Nguyễn Biện theo nhà Hậu Trần
Nguyễn Sữ (? – ?), Chiêu Quang Hầu, theo nhà Hậu Trần như hai đời trước, sau vua Lê Hiển Tông truy phong
Nguyễn Công Duẫn (? – ?), Hoằng Quốc Công, theo Bình Định Vương khởi nghĩa
Nguyễn Đức Trung (? -?) Trình Quốc Công, triều vua Lê Thánh Tông
Nguyễn Văn Lang (? – 1513), Nghĩa Huân Vương, giúp vua Lê Tương Dực lật đổ Lê Uy Mục.
Trừng Quốc Công Nguyễn Hoằng Dụ, hay Nguyễn Hoằng Lựu, Nguyễn Văn Lưu (? – ?) Triều vua Lê Tương Dực và Lê Chiêu Tông
An Thành Hầu Nguyễn Kim (Cam) và Nguyễn Tôn Thái
Trong Nhìn Lại Lịch Sử, 2003. TS Đinh Công Vĩ cho biết sau khi nghiên cứu 7 nguồn gia phả của Nguyễn Hữu Tộc phả, được ghi nhận như sau: (1)
 So với chính sử
(1)(2)
1-Nguyễn Công Duẫn1-Nguyễn Công Duẫn
2-Nguyễn Như Trác2-Nguyễn Đức Trung
3-Nguyễn Văn Lưu, Trừng Quốc Công3-Nguyễn Văn Lang, Nghĩa Quốc Công
4-Nguyễn Kim4-Nguyễn Hoằng Dụ, An Hòa Hầu, Trừng Quốc Công
5-Nguyễn Kim
Một vài nghi vấn:
Thủy tổ từ Ngài Nguyễn Bặc tới Ngài Nguyễn Phụng có mấy đời, những ai?
Theo nhiều tài liệu thì có
– Nguyễn Bặc(924 – 979)
– Nguyện Đệ(đời Lê Long Đỉnh và đời Lý Công Uẫn)
– Nguyễn Viễn(? – ?)
– Nguyễn Phụng(? – 1150)
– Nguyễn Nộn(? – 1229)
Từ Ngài Nguyễn Đệ được phỏng chừng sinh năm 955, nếu tính trể nhất tới năm 40 tuổi ngài mới sinh con thì ngài Nguyễn Viễn sinh năm 995 và cũng tính như thế, ngài Nguyễn Phụng sinh năm 1035. Ngài Nguyễn Phụng mất năm 1150 (đúng với sự kiện lịch sử Đổ Anh Vũ, ngài bị giết) thì ngài thọ tới 115 tuổi, điều này không hợp lý.
Như vậy, nếu ngài Nguyễn Viễn là con ngài Nguyễn Đệ thì phải cách hai hoặc ba đời mới đến ngài Nguyễn Phụng. Còn nếu ngài Nguyễn Viễn đúng là phụ thân ngài Nguyễn Phụng thì ngài Nguyễn Viễn phải cách ngài Nguyễn Đệ hai hoặc ba đời.
Trường hợp ngài Nguyễn Phụng và Nguyễn Nộn cũng như vậy.
Về ngài Nguyễn Nộn, theo một số gia phả họ Nguyễn, ngài Nguyễn Nộn là cháu 5 đời của ngài Nguyễn Bặc, nhưng có tài liệu khác, trong đó có Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục, gần như là chính sử của nhà Nguyễn lại xác nhận ngài Nguyễn Nộn là người làng Phù Minh, huyện Tiên Du (nay là huyện Gia Lâm, Hà Nội), thì ngài Nguyễn Nộn không thể là đời sau của ngài Nguyễn Bặc hay con ngài Nguyễn Phụng được. Vì sau khi ngài Nguyễn Bặc bị hại, phu nhân cùng với hai con là Nguyễn Đệ và Nguyễn Đạt chạy về lánh nạn ở Gia Miêu (Tống Sơn, Thanh Hóa) và từ đó truyền đến đời ngài Nguyễn Phụng.