Sunday, 26 August 2018

Lối thoát nào khả thi cho Iran?

Kinh tế của Iran suy sụp từng ngày. Tiền tệ mất giá, dân chúng bất bình. Lệnh trừng phạt của Mỹ có hiệu lực kể từ ngày 07 tháng 08 năm 2018 càng làm tình hình xấu thêm. Tuy một số nhân vật quyền lực của chế độ, như tướng Qassem Soleimani, thách thức Mỹ tấn công nhưng theo giới phân tích, Teheran không còn giải pháp nào khác ngoài nhượng bộ ngoại giao, cam kết giảm căng thẳng trong khu vực, nhìn nhận sai lầm và sửa đổi chính sách kinh kế, vốn dành độc tôn cho vệ binh Hồi Giáo.

RFI đặt câu hỏi với giáo sư Pháp gốc Iran, Djamchid Assadi, đại học thương mại Dijon-Bourgogne :

Trước hết, một số biện pháp trừng phạt Iran, đình chỉ sau thỏa thuận hạt nhân 2015, đã được tái lập kể từ thứ hai 07/08. Hệ quả sẽ như thế nào cho nền kinh tế Iran?

Djamchid Assadi : Với những hệ quả không tốt. Trong số 4 biện pháp trừng phạt, 3 biện pháp tác động trực tiếp vào kinh tế. Thứ nhất là cấm Iran giao dịch bằng đôla. Điều này có nghĩa là nếu Iran luồn lách xuất khẩu được dầu hỏa, thì cũng không thể nhận tiền bằng đôla, đôla là ngoại tệ để thương lượng buôn bán trên thị trường dầu khí. Nhưng biện pháp thứ hai mới khắc nghiệt hơn nữa : cấm Iran đàm phán bằng kim bản vị, tức sử dụng vàng. Như thế, Iran không thể bán dầu khí đổi lấy đôla hay vàng.

Iran chỉ còn hai giải pháp khả thi : thứ nhất là bán dầu, nhưng không nhận tiền ngay lập tức. Nhưng do dầu hỏa là nguồn thu nhập chính của Iran, thì giải pháp này coi bộ không thuận tiện lắm. Còn lại giải pháp khả thi thứ hai là trao đổi mậu dịch : đưa dầu đổi hàng hóa. Vấn đề là giải pháp này không hấp dẫn bởi vì Iran gần như bị bắt buộc phải mua những loại hàng, mà đối tác muốn đưa thì đưa, không có cách nào thương lượng vì ở thế yếu. Cựu tổng thống Mamouud Ahmadinejad đã thử với Pakistan và Trung Quốc lối mậu dịch lấy dầu đổi hàng. Cuối cùng Iran nhận hàng sản xuất kém chất lượng của Trung Quốc và gạo mốc của Pakistan, gây ra một số vấn đề sức khỏe cho dân chúng.

Biện pháp trừng phạt thứ ba của Mỹ là cấm bán kim loại cần thiết cho công nghiệp xe hơi Iran. Kỹ nghệ xe hơi là hoạt động kinh tế đứng hạng ba sau dầu hỏa và xây dựng. Sản xuất công nghiệp suy thoái, thất nghiệp gia tăng, lạm phát phi mã sẽ đè nặng lên nền kinh tế Iran.

RFI : Tuy nhiên, kinh tế Iran đã bị một số tác động tiêu cực ngay trước khi lệnh trừng phạt có hiệu lực ?

Djamchid Assadi : Đúng vậy, bởi vì bạn hàng của Iran đã tiên liệu từ lâu, không đợi nước tới chân mới nhảy. Hệ quả sẽ được thấy rõ từ nay đến tháng 11 khi loạt cấm vận thứ hai được thi hành với những biện pháp nghiêm ngặt áp đặt đối với ngành dầu hỏa Iran. Cụ thể, công ty lọc dầu lớn nhất của Ấn Độ đã từ bỏ ý định mua dầu của Iran.

RFI : Đâu là phần thiệt hại do Mỹ trừng phạt và đâu là phần trách nhiệm do chế độ giáo quyền quản lý kém đưa đến tình trạng kinh tế thảm hại ngày nay ?

Djamchid Assadi : Chắc chắn là do quản lý kém. Kẻ nào cho phép đổi ngoại tệ với giá hời để nhập khẩu xe hơi đắt tiền ? Ai đã cho những người sống bằng tiền cho vay đặc quyền, biển thủ tiền công quỹ ? Nếu không phải là chính phủ và các cơ quan nhà nước, thì ai bật đèn xanh ký những hợp đồng khổng lồ với các công ty của lực lượng vệ binh cách mạng ? Nếu ngày nay Iran bị trừng phạt thì cũng vì chế độ giáo quyền quản lý kém chính sách đối ngoại. Tình hình kinh tế đã tồi tệ từ lâu trước khi các biện pháp trừng phạt rơi xuống. Với lệnh trừng phạt, tình hình sẽ xấu hơn trong tương lai. Dự phòng cũng như tranh đấu để Mỹ bỏ trừng phạt là thuộc bổn phận của chính quyền Iran.

Nhược điểm : thiếu viễn kiến

RFI : Như thế, vấn nạn của Iran không phải là kinh tế mà bắt nguồn từ chính trị ?

Djamchid Assadi : Chắc chắn như thế. Những nguyên nhân sâu xa làm cho Iran khốn đốn bắt nguồn từ kinh tế lẫn chính trị, vừa quốc gia lẫn quốc tế. Để thoát ngõ cụt, phải tìm những giải pháp phù hợp với thực tế.

Trên bình diện quốc gia, phải cởi trói kinh tế và trong sạch hóa kinh tế. Chuyện này đòi hỏi người lãnh đạo phải có nghị lực chính trị và một tầm nhìn rộng.
Trên lãnh vực quốc tế, chúng ta đang ở trong thời đại toàn cầu hóa, trong đó kinh tế chỉ phát triển, nếu có quan hệ và trao đổi với các nước ngoài. Thế mà Iran ngày nay đang lâm vào ngõ cụt, đó là vì chế độ gây căng thẳng trong khu vực và với thế giới. Xung đột đáng trách giữa hai hệ phái Shia-Sunni, căng thẳng với Israel và những nước khác nữa, không phải là cách thuận lợi cho trao đổi quốc tế. Ngày nào mà các mối căng thẳng này còn tồn tại thì kinh tế Iran buộc phải loanh quanh trong nước, sẽ không được nước ngoài bỏ vốn đầu tư. Không có đầu tư thì không thể vực dậy kinh tế.

Tổng thống Rohani từng tuyên bố hồi đầu nhiệm kỳ là Iran cần 180 tỷ đôla trong bốn năm để tạo công ăn việc làm cần thiết. Iran không có số tiền này mà phải mời đầu tư nước ngoài. Người nước ngoài nào bỏ tiền đầu tư vào Iran, nếu chính người Iran không bỏ tiền ra ?

RFI : Cũng để lách trừng phạt, chính quyền Iran thông báo một loại tiền ảo. Dự án này đã đi đến đâu hay thật sự chỉ là tuyên truyền ?

Djamchid Assadi : Đây là một dự án bất cập. Ông có nghĩ rằng Mỹ chỉ muốn trừng phạt một công ty làm ăn với chế độ Teheran và sẽ không làm được gì, nếu công ty này giao dịch bằng tiền ảo ? Tiền ảo không phải là giải pháp khả thi. Chính quyền Iran cũng tính đến chuyện thay thế đôla bằng đồng euro. Theo tôi, Iran không thể vừa than phiền tại sao bị trừng phạt vừa tiếp tục tạo căng thẳng với các láng giềng và cộng đồng quốc tế. Nếu đã chọn con đường đối đầu thì đừng trách tại sao bị trừng phạt.

RFI : Giới đầu tư quốc tế rút lui, đất nước bị khủng hoảng kinh tế và xã hội. Liệu chính quyền Iran sẽ đàm phán trở lại một hiệp định về hạt nhân như yêu cầu của Donald Trump hay không ?

Djamchid Assadi : Chính quyền Iran không có một con đường nào khác. Bản thân tôi, tôi không thích quyết định của tổng thống Mỹ, đơn phương rút nước Mỹ ra khỏi hiệp định hạt nhân 2015. Liên Hiệp Châu Âu không bỏ hiệp định, nhưng cũng đòi hỏi Iran những điều kiện tương tự như tổng thống Donald Trump. Một cách rõ ràng, Donald Trump muốn nói gì : « OK, chúng ta có thể tiếp tục giữ hiệp định hạt nhân, nhưng Mỹ không muốn Iran trang bị tên lửa để tiêu diệt Israel, chúng tôi không muốn chiến tranh mạng, không muốn Iran tấn công đồng minh của chúng tôi trong khu vực… ». Thế mà trong khu vực, nước Pháp có căn cứ quân sự ở Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, Hoa kỳ có căn cứ quân sự ở Ả Rập Xê Út. Do vậy, theo tôi, chế độ Hồi Giáo Iran không có một giải pháp nào khác ngoài giải pháp tôn trọng không những hiệp định hạt nhân, mà còn phải nhượng bộ trong chính sách đối ngoại.

RFI : Tương lai Iran sẽ ra sao ?

Djamchid Assadi : Không dám làm ông thầy bói tóan, tôi thấy Iran có thể chọn một trong hai thái độ này thôi : Một là chính quyền chấp thuận thi hành các yêu sách của cộng đồng quốc tế để hết bị trừng phạt. Hai là chính quyền đương cự lại và sẽ rơi vào tình trạng bế tắc kinh tế. Trong trường hợp thứ hai, sẽ khó tránh khỏi dân chúng ngày càng phẫn nộ và đưa đất nước vào vòng xóay cách mạng và trấn áp thô bạo.

Bi kịch của Iran : đơn độc

Phân tích trên đây của giáo sư Djamchid Assadi về nhược điểm của Iran dường như phản ánh quan điểm của thượng tầng lãnh đạo Iran cho dù lực lượng Vệ binh cách mạng, thành phần ưu quyền đặc lợi kiểm sóat kinh tế Iran, phủ nhận.
Một tuần sau khi lệnh trừng phạt bắt đầu có hiệu lực, giáo chủ Ali Khamenei công khai nhìn nhận « vấn đề của Iran » phát xuất từ quản lý kém cỏi chứ không phải chỉ vì áp lực của Mỹ. Trong thông điệp đọc tại Teheran, lãnh đạo tối cao Iran tuyên bố : « các chuyên gia kinh tế nghĩ rằng căn nguyên các vấn đề khó khăn của Iran phát xuất từ bên trong Iran chứ không phải do bên ngoài. Tôi không nói rằng trừng phạt không gây tác hại, nhưng cốt lõi vẫn là cách thức chúng ta xử lý ».

Phải chăng phe bảo thủ trong chế độ bắn tín hiệu « cảnh báo » cho tổng thống Rohani không được tiếp xúc với Donald Trump trong bối cảnh có tin đồn « thương lượng mật » ?

Tổng thống Rohani là « chốt an toàn » bảo vệ chế độ trong bối cảnh tình hình chính trị và kinh tế Iran đã căng thẳng đến cao độ như một « nồi áp suất ». Nếu nhân vật đại diện cho phe ôn hoà bị thất sủng, cả chế độ Iran sẽ lung lay, theo phân tích của một nhà ngoại giao tây phương tại Teheran.

Trong tuyên bố hôm thứ hai 13/08 trích dẫn bên trên, Ayatollah Khamenei còn khẳng định : không muốn chiến tranh nhưng cũng không đàm phán với Mỹ. Trong khi đó, bộ Quốc Phòng Iran loan báo hoàn thành tên lửa thế hệ mới « di động và chính xác ».

Vấn đề là trước áp lực thô bạo của tổng thống Donald Trump, Teheran dựa vào ai để đối phó ? Cô đơn, không bạn bè là bi kịch quốc gia của Iran.

Liên Hiệp Châu Âu gần như đã đầu hàng : Siemens, Damler-Mercedes, Airbus,Total,Renault, Peugeot … ngưng họat động tại Iran. Tiếp theo là đến lượt các ngân hàng. Chính quyền Nga tuy tuyên bố cường điệu « không để cho Mỹ bắt nạt Iran », nhưng tập đoàn sản xuất dầu khí lớn nhất của Nga, Lukoil, đã rút lui. Trung Quốc một mình không thể thay thế Nga và Liên Hiệp Châu Âu ủng hộ Iran, vì Bắc Kinh sợ mất thị trường Hoa Kỳ