Saturday, 15 September 2018

Chuyện “Cái Nòn” - Nguyễn Ngọc Chính

Tựa đề câu chuyện “Cái Nòn” tôi không đánh máy sai chính tả mà lấy từ một đoản văn của nhà báo Bùi Bảo Trúc [1]. Ông đã qua đời năm 2016 tại Hoa Kỳ và bài viết “Cái Nòn” nằm trong cuốn sách “Thư gửi bạn ta Chuyện Thật Mà Như Đùa”, gồm 86 chuyện cực ngắn do nhà xuất bản Vietstream phát hành tháng 12/2016 tại Hoa Kỳ.

Mới đọc tựa đề chuyện “Cái Nòn” (viết vào tháng 12/2015) người ta không khỏi thắc mắc:“Cái nòn là cái gì? Tại sao lại có tên “Cái Nòn”? Ngay câu đầu truyện, ta có thể hiểu được thâm ý của tác giả:

“Vào internet đọc báo ở trong nước tôi ghét nhất là những bức hình trên báo chụp những người đàn ông đội những cái nón cối màu cứt ngựa”.

À… như vậy là Bùi Bảo Trúc rất “dị ứng” với cái nón cối… nhưng mãi đến đoạn kết mới hiểu lý do tại sao tác giả gọi là “Cái Nòn” chứ không phải là “Cái Nón”. Ông kể lại sự tích một hôm trời mưa nặng hạt, bác Hồ xuống thăm “cơ sở” và nhà thơ “bình dân” Bút Tre [2] kể lại:  

“Chị Định đón bác dưới mưa
Chị sợ bác ướt, chị đưa cán nòn…”

Sách của Bùi Bảo Trúc

“Cái Nòn” của Bút Tre là vậy! Và “Cái Nòn” của Bùi Bảo Trúc cũng xuất xứ từ đấy. Tuy nhiên, đối với nhà văn Nguyễn Bá Chổi, cái nón cối lại mang “nhiều ấn tượng nhất” trong số nhiều loại nón như mũ phớt, mũ lưỡi trai, mũ nồi, mũ rừng, mũ nhựa, mũ sắt và… mũ “bảo hiểm” mà ngày xưa còn có tên “mũ an toàn” (safety helmet). Tác giả tâm sự:

“Ngày ấy, sau Chiến Thắng Điện Biên Phủ một thời gian không lâu, quê tôi, làng Yên Phú bên bờ Sông La, lần đầu tiên đón tiếp các chú Bộ đội Cụ Hồ về đóng quân tại nhà dân. Đó cũng là lần đầu tiên tôi được thấy tận mắt cái nón cối.

“Chiến thắng Điện Biên, Bộ đội ta kéo quân trở về, giữa mùa hoa nở”. Nghe các chú ấy hát, tôi hình dung những cái nón cối nhấp nhô trên đường phố Hà Nội giữa tiếng reo hò của đồng bào Thủ Đô, thấy oai phong lẫm liệt hùng tráng làm sao; bây giờ hồi tưởng laị cảm xúc lúc ấy, và để diễn tả cho chính xác hơn, chắc phải mượn mấy chữ của Công tử Hà Đông [biệt hiệu của nhà văn Hoàng Hải Thủy – Chú thích của NNC], “cảm khái cách gì”.

“Tình yêu nón cối” của tôi đã không qua mắt mẹ tôì dù bà luôn đi sớm về tối với đôi quang gánh trên vai lo việc buôn bán nơi chợ bên kia sông,và bà đã đi chợ Huyện sắm cho hai anh em tôi mỗi đứa một cái nón Cối và một đôi dép Lốp (sau này được biết còn gọi là dép Bình Trị Thiên hay dép Râu). Cái món thời trang quý hiếm này, hai anh em tôi may mắn có sớm nhất trong làng khiến những đứa khác trầm trồ càng làm tôi hãnh diện, và thích đi đó đây ngoài... đường.

“Nhưng rồi ngày vui qua mau. Làng bỗng xuất hiện một tốp người lạ cũng đội nón Cối mang dép râu, quần áo màu nâu và vai mang cái xắc cốt dây dài thượt... và không lâu sau đó dân làng người nhìn nhau xa lạ, kẻ nói nhau xầm xì, và những cuộc đấu tố... Bữa ăn cơm phải đóng kín cửa và nghe mẹ dặn "nay con phải gọi cá bằng cà, và thịt bằng dưa. Nhớ nha con, không thì chết cả nhà".

(hết trích)

Bộ đội cụ Hồ và chiếc nón cối

Nhân Nguyễn Bá Chổi có nhắc đến “Công tử Hà Đông” tức nhà văn Hoàng Hải Thủy nên cũng cần nói thêm đôi điều. Bài viết “Giải pháp Bảo Đại” trên trang mạng “Hoàng Hải Thủy a.k Công tử Hà Đông” (https://hoanghaithuy.wordpress.com/2008/03/11/gi%E1%BA%A3i-phap-b%E1%BA%A3o-d%E1%BA%A1i/) có đăng một bức hình với caption “Vua Bảo Đại xuất hiện trong một nghi lễ chính thức với quan chức Pháp năm 1930”, Hoàng Hải Thủy xác định “là không đúng”. Tác giả viết:

“Vua Bảo Đại chỉ về nước chính thức làm Vua năm 1934. Tôi đăng ảnh xưa này để quí vị thấy cái Nón Cối – Quan Tây gọi là – casque colonial – cát cô-lô-nhần, được các quí quan Đại Pháp đội vào nước ta từ những năm 1880, 1890. Ông Tây, bà Đầm từ giã 3 nước Đông Pháp, Nón Cối của quí quan Đại Pháp ở lại với người An-nam Bắc Kỳ mãi cho đến nay. Người Quốc Gia Việt Nam Cộng Hòa không dùng Nón Cối. Chủ Tịt Hồ chí Minh đáng được chính phủ Pháp ghi công là “người có công bảo tồn Nón Cối, di sản Văn Minh Phú-lăng-sa ở Đông Dương.”

Nhà văn Hoàng Hải Thủy phản bác chú thích của tấm hình này

Nhà văn Bùi Bảo Trúc cũng đã xác định về lai lịch của chiếc nón cối trong bài viết “Cái Nòn” đã dẫn:

“Những chiếc mũ cối ấy lại có nguồn gốc rất thực dân. Chính người Pháp đã đem nó vào Việt Nam. Nó được làm bằng bấc nên nó còn được gọi là mũ liège. Nó nhẹ, không giữ nóng nên rất thích hợp cho các vùng nhiệt đới.

“Ở Ấn Độ, ở Phi châu, ở Đông Nam Á nó đều có mặt. Kiểu có thể hơi khác nhau nhưng chung chung thì nó vẫn giống nhau. Bác sĩ Schweitzer đội nó ở rừng già Phi châu, toàn quyền Doumer đội nó trong bức ảnh chụp chung với vua Khải Định, phó vương Mountbatten ở Ấn Độ… và tôi cũng bị bắt đội nó trong mấy năm tiểu học. Có thể vì thế mà tôi thù ghét nó suốt bao nhiêu năm nay”

(hết trích)

Bác sĩ Albert Schweitzer và chiếc nón thuộc địa tại Phi châu (hình chụp năm 1933)

Cái nón cối xuất hiện tại Việt Nam thời xa xưa có mầu trắng hay mày vàng nhạt. Hình như nó mang những cái tên như “mũ muồng”, “mũ thuộc địa” thường thấy trên đầu mấy anh Tây thực dân mặc quần “short” áo “chemise” tay ngắn. Người ta cũng thấy những học sinh thời thuộc địa mặc quần áo dài chân mang “sandale” hay “pantoufle” trắng đội thêm chiếc nón muồng trên đầu.

Những người già trong làng Phương Trung kể lại: Ngay từ những năm đầu thế kỷ XX, người Pháp đã phát hiện lưu vực ven sông Luộc, nhất là vùng đất xã Hồng Nam, Hoàng Hanh, Phương Chiểu có điều kiện thổ nhưỡng rất phù hợp với việc trồng cây muồng. Cũng từ việc phát hiện đó mà nơi đây đã hình thành nên vùng thâm canh cây muồng và sản xuất mũ muồng bán cho “quan Tây” và lính Pháp thời bấy giờ.

Một cơ sở sản xuất “mũ muồng”, thôn Phương Trung, xã Phương Chiểu, Tiên Lữ, đạt sản lượng trên 4 vạn cốt mũ mỗi năm

***

Trên đây là những “chuyện xưa, tích cũ” còn chuyện mới nhất bây giờ là niên khóa 2017-2018 trường Trung học Phổ thông Thanh Chương 3 tại Nghệ An đồng loạt đội nón cối trong ngày khai giảng. Theo báo chí, “… Từ ý tưởng học môn Quốc phòng phải đội mũ cối, sáng 5/9, học sinh trường THPT Thanh Chương 3 mặc quần áo chỉnh tề, đội mũ cối dự lễ khai giảng năm học mới”.

Cũng theo báo “lề phải”, ý tưởng này được Đoàn trường đưa ra từ hai năm trước. Đây là lần thứ hai trường tổ chức khai giảng bằng cách cho học sinh đội mũ cối. Thầy Nguyễn Nhật Đức, Bí thư đoàn trường, chia sẻ: "Năm trước, học sinh có đội nhưng chỉ được gần 30% học sinh hưởng ứng". Theo thầy Đức, việc đội mũ cối vừa tạo ra nét riêng, học sinh được che nắng, mưa, đảm bảo sức khỏe.

Thầy Phan Bá Tiến - Hiệu trưởng trường THPT Thanh Chương 3 - cho biết khi Đoàn trường đề xuất ý tưởng này, ban giám hiệu hưởng ứng nhiệt tình. Nhà trường đánh giá cao những ý tưởng mà Đoàn trường đề ra.

Ngày khai giảng niên học 2017-2018 tại Nghệ An

Xin miễn bình luận thêm về sự kiện này. Nghĩ sao còn tùy chính kiến của mỗi người nhưng tác giả bài viết này chỉ xin một câu kết như sau:

“Từ chuyện “cái nòn” sang đến chuyện “cái nón” quả thật có nhiều ý nghĩa. Lịch sử của cái nón cối cũng khiến người đọc phải suy nghĩ. Và cuối cùng, chuyện học sinh đội mũ cối đi khai giảng niên học thật “ly kỳ”, ngoài sức tưởng tượng của nhiều người. Hóa ra chuyện “cái nòn” ngày nào đành thua chuyện “cái nón cối” đi vào trường học ngày nay!”.


***

Chú thích:

[1] Trong “tiểu sử tự thuật” Bùi Bảo Trúc lúc còn sinh thời viết về mình có đoạn:

“Bùi Bảo Trúc sinh năm 1944 ở miền Bắc nhưng chỉ ở Hà Nội có đúng 10 năm đầu. Sống ở miền Nam nhiều hơn miền Bắc, và sống ở ngoài Việt Nam lâu hơn là sống ở trong nước. Dậy học ở Sài Gòn rồi cho một community college ở Washington DC.

“Làm phát ngôn viên cho chính phủ Việt Nam Cộng Hòa trước năm 1975 rồi làm cho đài phát thanh Tiếng Nói Hoa Kỳ (VOA) trong hơn 20 năm cho đến khi về hưu. Viết cho một số báo chí Việt ngữ ở hải ngoại như đã gắn bó với nghề cầm bút từ thời còn đi du học và sau khi về nước. Dính cả với truyền thanh và truyền hình Việt Nam ở nước ngoài. Cũng đã làm truyền hình ở Sài Gòn hồi năm 1968”

(hết trích)

[2] Phải nói thêm cho rõ, thơ Bút Tre là loại thơ bình dân xuất xứ từ miền Bắc với phong cách thơ mang một sắc thái lạ: “cưỡng từ đổi nghĩa, sửa dấu ép vần” lại thêm đặc điểm thường hay dùng lối “cắt tên, xuống dòng” gây ngộ nhận và thích thú cho người đọc. Tham khảo thêm về Bút Tre tại http://chinhhoiuc.blogspot.com/2012/10/but-tre-va-truong-phai-tho-binh-dan.html