Thursday, 16 January 2014

Việt Sử Hùng Ca - Phạm Khắc Trung (Chương 01)


GIỚI THIỆU

Lúc có kết quả đậu Tú Tài 2 xong lại cô đơn đâm buồn, bởi cô bồ và đám bạn thân của tôi rớt khóa 1, phải lo gạo bài để thi khóa 2, một mình lang thang không biết đi đâu mới mò vô tiệm sách tìm mua sách đọc qua ngày. Không biết ma đưa lối, quỷ dẫn đường thế nào mà tôi ôm về quyển Kinh Dịch của Ngô Tất Tố và quyển Thiền Luận của Suzuki do Tuệ Sỹ dịch. Quyển Thiền Luận tôi rán đọc được ít trang, khi học năm thứ 2 còn có dịp tung ra lòe thiên hạ được, chứ quyển Kinh Dịch thì phát kinh hồn vía.

Năm 1980 đi định cư ở Canada, mấy tháng sau bắt gặp danh mục sách do Đại Nam tái bản, tôi mừng quá mua vội quyển Kinh Dịch của Ngô Tất Tố về giấu trong hộc tủ để dành, sợ sau này không có, chứ lúc đó có rán đọc cũng không đủ sức lật nổi qua trang sau.

Đến năm 1992, khi đó thằng con trai tôi 6 tuổi, thông thường mỗi tối tôi ngồi đọc truyện cổ tích Việt Nam cho con nghe. Tối đó tôi đọc truyện An Dương Vương với Cổ Loa Thành, thằng con hứng thế nào lại đem hình Trống Đồng tôi treo ra hỏi. Thế là tôi hăng tiết vịt, ra kệ sách lấy quyển Sứ Điệp Trống Đồng của Kim Định tìm hình chỉ và giải thích cho con nghe. Đâu đó xong xuôi, thằng con lên giường ngủ ngon lành, không biết có “mơ làm người hùng Quang Trung” không thì không rõ, nhưng thằng cha thì trằn trọc không sao ngủ được. Tôi bị ám ảnh bởi hình cái Trống Đồng, sao nhìn như cái giếng? Rồi tôi liên tưởng đến lời thày Nguyễn Bát Tuấn dạy Hình Học lớp 11 khi xưa là, “Kỵ mã phối cạnh! Vừa phi ngựa vừa vẽ hình!” Đó là lý do khiến tôi nghĩ rằng những hoa văn khắc trên Trống Đồng là “ám ký” nên quyết tâm tìm hiểu.

Khổ nỗi, sách tiếng Việt nói về Trống Đồng không nhiều, tìm mỏi mắt cũng không thấy trên danh mục sách, mà hồi đó đâu đã có internet để tra tìm? Trong khi thành phố nơi tôi ở ít dân, sách trong thư viện không nhiều, và điều quan trọng là khả năng ngoại ngữ của tôi lại quá khiêm tốn, nên gặp nhiều khốn đốn, mà bản tính ương ngạnh lại không cho phép tôi bỏ cuộc dở chừng… Lúc đó tôi nghĩ tới biện pháp học chữ Hán để đọc sách Tàu, nhưng nhớ lại bài học lịch sử, mỗi khi qua đô hộ nước mình, bao giờ người Tàu cũng lo thu vét sách của nước Nam ta, vậy tài liệu chúng ghi đã chắc gì là sự thật?

Tôi xin mở ngoặc nói thêm chỗ này, nếu tôi chưa từng sống dưới chế độ cộng sản, chắc tôi không nghi ngờ chuyện cạo, xóa, bịa đặt lịch sử… Kinh nghiệm luôn có cái giá của nó, đắt rẻ thế nào tùy thuộc vào sự thâu lượm của từng người. Ông trời sinh ra tôi có bộ não trên trung bình, thích tò mò tìm hiểu mà lại làm biếng học và đọc sách, nhưng được cái đã đọc rồi thì nhớ, đã học rồi là khắc ghi lời thày giảng. Bởi thế nên tôi càng hoang mang với nghĩa bóng của câu trả lời trong bài ca theo lối hát phong tình là “Nước Tàu dệt gấm thêu hoa!” Ôi! Cái đất nước chỉ biết đặt điều, thêu dệt vẽ vời, và có biệt tài làm đồ nhái, đồ giả… Tôi biết đi đâu để tìm ra sự thật? Tìm đâu ra tài liệu chưa có hiệu đính của người Tàu?

Ngẫu nhiên tôi nhớ tới bài giảng về ý nghĩa những câu vè trong trò chơi “Ù Ập” của Giáo Sư Nguyễn Ngọc Bích trong giờ “Văn Minh Việt Nam” năm thứ 2 rằng:

“Châu chi rành rành,
Cái đinh nổ lửa
Con ngựa đứt cương
Ba Vương nhất Đế
Cấp kế đi tìm
Ú tim ù ập!”

Nhờ có sử sách ghi chép song hành, phần thì sự việc mới xảy ra gần đây (cuối thế kỷ 19), nên chúng ta còn hiểu được rằng câu đồng dao trên thuộc loại “Việt sử khẩu truyền” mang ý nghĩa là: “Bá cáo cùng chúng dân: Người Pháp đã chính thức mở màn cho công cuộc xâm lăng nước ta bằng những cuộc bắn phá dữ tợn bằng súng thần công vào cửa bể Đà Nẵng trong những năm 1856 và 1858. Trong khi đó, triều đình Huế bất lực, phải nhường 3 tỉnh miền Đông Nam Việt cho Pháp năm 1862, đến năm 1874 thì nhường nốt 3 tỉnh miền Tây Nam Việt, rồi đến mất chủ quyền ở Bắc Việt (thành Hà Nội 2 lần thất thủ) năm 1883. Sau khi vua Tự Đức băng hà (ngày 16 tháng 06 năm Quí Mùi, 1883), với dã tâm thiết lập nên một chính phủ bù nhìn để dễ dàng thao túng, chỉ trong vòng 1 năm, người Pháp đã liên tục truất phế 3 vua, lập hoàng tử thứ 26, con vua Thiệu Trị là Ưng Lịch, lúc đó mới 13 tuổi lên ngôi (1884), hiệu là Hàm Nghi. Trái với lòng mong đợi của người Pháp, dù còn nhỏ tuổi, vua Hàm Nghi vẫn nêu cao ý chí đấu tranh bất khuất của cha ông, đưa đến cuộc chính biến ngày 23 tháng 05 năm Ất Dậu (1885), kinh thành Huế thất thủ, vua Hàm Nghi xuất bôn, xuống chiếu Cần Vương, kêu gọi toàn dân trường kỳ kháng chiến, quyết tâm đánh đuổi giặc Pháp, giành lại độc lập chủ quyền cho quê hương. Bằng nhiều thủ đoạn, từ võ lực cho tới dụ dỗ, mua chuộc…, người Pháp vẫn chưa làm gì được. Cho đến đêm 01-11-1888, tên đội trưởng Trương Quang Ngọc toa rập với tên đội hạ giá là Nguyễn Đình Tĩnh làm phản, bắt vua Hàm Nghi đem nộp cho Pháp để lãnh thưởng, phong trào Cần Vương tan vỡ”.

Với vỏn vẹn 24 chữ mà tóm lược cả một giai đoạn lịch sử dài 32 năm, lại còn dựng thành một trò chơi cho trẻ nhỏ nô đùa để phổ biến. Với thời gian phôi phai, nếu không được giải thích tường tận, làm sao hiểu được những sự kiện lịch sử được chuyên chở trong 6 câu đồng dao đó? Tại sao cha ông mình phải vận tâm khổ sở đến thế?

Tôi trộm nghĩ rằng: Đã bao lần nước ta mất vào tay kẻ khác, nhà tan cửa nát, thân làm nô lệ! Lần nào đô hộ nước ta, quân Tàu cũng đều tìm cách tịch thu sách, cưỡng hại học trò, mong hủy diệt những trang sử oai hùng của dân tộc Việt, để những đứa con Việt lớn lên bơ vơ không có hồn nước mà dựa, sống thất tha thất thểu như kẻ vô hồn, tha hồ cho chúng tiêu diệt và đồng hóa… Nhưng tổ tiên ta không bao giờ chịu khuất phục, bằng mọi cách cố nuôi dưỡng cái hồn nước, dụng tâm dựng nên những câu đồng dao, những câu chuyện thuộc loại hoang đường để chuyên chở ý nghĩa lịch sử hầu qua mặt quân Tàu mà duy trì ngọn lửa thiêng của dân tộc, không để cho nó bị tắt lụm, chờ cơ hội bùng lên, thu giang sơn về một mối!

Một chút ánh sáng lóe lên trong đường hầm tăm tối. Tôi tìm được sự đồng tình của Vũ Quỳnh, khi ông cho rằng những truyện chép trong Lĩnh Nam Trích Quái là “Sử ở trong truyện”. Xin trích bài tựa Lĩnh Nam Trích Quái liệt truyện của Vũ Quỳnh ra đây:

"Quế Hải tuy ở cõi Lĩnh Nam, nhưng núi non kỳ lạ, đất đai linh thiêng, nhân dân anh hào, truyền tích thần kỳ, thường thường vẫn có.

Trước thời Xuân Thu, Chiến Quốc, cách thời thái cổ không xa, phong tục nước Nam còn giản dị, chưa có quốc sử để ghi chép cho nên nhiều truyện bị mất mát đi. May còn truyện nào không bị thất lạc thì riêng được dân gian truyền miệng. Về sau, qua các đời Lưỡng Hán, Tam Quốc, Ðông Tây Tấn đến Ðường, Tống, Nguyên, Minh mới có sử ghi chép các truyện như Lĩnh Nam chí, Giao Châu quảng ký, Giao Chỉ lược chí v.v... rành rành có thể tham khảo được. Nhưng nước Việt ta tự cổ vẫn là đất hoang dã cho nên việc ghi chép còn sơ lược.

Nước ta văn minh bắt đầu nổi lên từ đời Hùng Vương, tràn trề trong các đời Triệu, Ngô, Ðinh, Lê, Lý, Trần đến nay đã lan khắp nơi, cho nên việc ghi chép quốc sử được tường tận hơn. Những truyện chép ở đây là sử ở trong truyện chăng? Bắt đầu có từ thời nào? Tên họ người hoàn thành là gì đều không thấy ghi rõ. Viết ra đầu tiên là những bậc tài cao học rộng ở đời Lý, Trần. Còn những người nhuận sắc là các bậc quân tử bác nhã hiếu cổ ngày nay.

Kẻ ngu này xin nghiên cứu gốc ngọn, trần thuật lại mà suy xét cho sáng tỏ ý người viết truyện. Xem truyện họ Hồng Bàng thì hiểu rõ được lai do việc khai sáng ra nước Hoàng Việt. Truyện Dạ Thoa lược thuật về điểm manh nha của nước Chiêm Thành. Có truyện Bạch Trĩ chép sự tích họ Việt Thường. Có truyện Rùa Vàng chép sử vua An Dương Vương. Ðồ sính lễ quí nhất nước Nam không gì bằng trầu cau cũng lấy đó mà biểu dương nghĩa vợ chồng, tình huynh đệ. Nước Nam Việt về mùa hạ không gì quí bằng quả dưa hấu cũng dùng nó mà kể truyện tự cậy vật báu của mình, quên cả ơn chúa. Truyện Bánh Chưng khen lòng hiếu dưỡng, truyện Hà Ô Lôi răn thói dâm ô. Ðổng Thiên Vương phá giặc Ân, Lý Ông Trọng diệt hung nô, đủ biết nước Nam ta có người tài giỏi. Chử Ðồng Tử gá nghĩa cùng Tiên Dung, Thôi Vĩ tao phùng với tiên khách, cho nên, ơn đức có thể thấy vậy. Những truyện Ðạo Hạnh, Không Lộ khen việc báo được thù cha, các vị thần tăng ấy há có thể mai một sao? Những truyện Ngư Tinh, Hồ Tinh nêu rõ sức trừ yêu quái mà ơn đức Long Quân không thể quên được vậy! Hai Bà Trưng trung nghĩa khi chết thành thần minh, treo cờ mà biểu dương, ai dám nói không được? Thần Tản Viên linh thiêng trừ loài thủy tộc, nêu lên cho hiển hách, ai lại bảo không phải? Than ôi! Nam Chiếu là con cháu Triệu Vũ Ðế, nước mất lại biết phục thù; Man Nương là mẹ Mộc Phật, năm hạn làm được mưa rào; Tô Lịch là thần đất Long Ðỗ, Xương Cuồng là thân cây Chiên Ðàn, một đằng thì lập đàn tế lễ, dân được hưởng phúc, một đằng thì dùng trò vui mà trị, dân được thoát họa, việc tuy kỳ dị mà không quái đản, văn tuy thần bí mà không nhảm nhí, tuy có phần hoang đường mà tông tích vẫn có phần bằng cứ, há chẳng phải chỉ cốt khuyên điều thiện, răn điều ác, bỏ giả theo thật để khuyến khích phong tục mà thôi ư? So với sách "Sưu thần tự" của đời Tấn và sách "U quái lục" của đời Ðường thì cũng nhất trí vậy.

Than ôi! Lĩnh Nam liệt truyện há có phải chỉ riêng khắc vào đá viết vào tre mới là quí hơn ở bia miệng đâu? Từ đứa bé hoi sữa đến cụ già bạc tóc đều truyền tụng để tỏ lòng yêu dấu, để tỏ ý chê trách thì tất là có quan hệ đến cương thường, phong hóa, sẽ bổ ích há lại nhỏ bé ư?
 
Tháng hai năm Nhâm Tý, niên hiệu Hồng Ðức, kẻ ngu này mới bắt đầu chép được truyện cũ, ôm lấy mà đọc, không tránh khỏi chữ nọ xọ chữ kia. Thế là quên mình dốt nát, đem ra hiệu chính, xếp thành hai quyển, đặt tên là "Lĩnh Nam trích quái liệt truyện", cất ở trong nhà để tiện quan lãm. Còn như việc khảo chính, nhuận sắc, làm sáng truyện, gọt văn, chấp lời, rũa ý thì chư vị quân tử hiếu cổ sau đây há không có ai hay sao? Cho nên viết bài tựa này.

Tiết Trung Hòa,
mùa xuân năm Hồng Ðức thứ 23.                                                            
Vũ Quỳnh” (Ngưng trích)

Chúng ta luôn tự hào về cái lịch sử vẻ vang với hơn 4000 năm văn hiến của dân tộc. Mà vẻ vang thật! Với cái sức mạnh đồng hóa ghê gớm đến thế của giặc Bắc phương, tất cả các nước lớn bé khác của Việt tộc đều bị tiêu diệt và đồng hóa, duy có giống dân nhỏ bé Lạc Việt là còn đứng vững và trường tồn được đến ngày nay, tức là cái hồn Lạc Việt phải cứng bền như khối kim cương, cái ngọn lửa thiêng Lạc Việt phải âm ỉ cháy mãi không ngừng. Vậy thì những trang sử trong truyện đã từng hun đúc cái hồn nước ấy, đã từng nuôi dưỡng cái ngọn lửa thiêng ấy, phải có một ý nghĩa ngầm trọng đại nào đó, phải cao cả và khoa học lắm thì mới đủ sức xuyên thấu nổi cái sức mạnh đồng hóa đó mà trường tồn, chứ không thể tầm thường theo cái nghĩa đen hoang đường thiếu khoa học của cái truyện trăm trứng nở trăm con được. Tôi nghĩ, truyện Việt, cho dù có viết bằng chữ Hán đi nữa, thì chữ cũng chỉ là phần hình, tức là cái xác truyện; trong khi cái ý mới là phần khí, tức là cái hồn của truyện. Người Tàu dù có chiếm đoạt được tài liệu và sách vở của Việt Nam ta đi nữa, thì cũng không hiểu, chẳng khác nào chỉ chiếm được cái xác không, chứ hồn thì vẫn lưu luyến mà quấn quít ở phương Nam, như truyện Lý Ông Trọng nói vậy.

Vững tin là một chuyện, làm cách nào giải mã để tìm hiểu ý nghĩa lịch sử được gói ghém trong những câu truyện ấy mới là vấn đề? 

Tôi lại nhớ tới câu chuyện Trạng Lợn thế này (trích): “... Khi triều đình mở khoa thi, sĩ tử khắp nơi lũ lượt lều chõng, kéo nhau về kinh dự thí, dĩ nhiên là trong đó có thày khóa Chung. Trên đường đi dự thí, một hôm đi đến một đầu làng nọ, thấy tấm bia đề hai chữ "hạ mã" để nhắc nhở những người dùng ngựa phải xuống ngựa mà dắt bộ để tỏ lòng thành kính với vị thành hoàng trong làng. Hai chữ "hạ mã" khắc trên tấm bia đã có từ lâu, và mọi người đều chấp chỉ tuân hành theo cái "lệ làng" muôn thuở, chẳng dở hơi mà bận tâm thắc mắc. Thế nhưng đối với khóa Chung lại khác, không dễ dàng chấp nhận sự việc một cách tiêu cực theo cái lối học từ chương, khóa ta dùng ngay Hán tự mà chiết giải. "Hạ mã" tức là phải xuống ngựa, không được ngồi trên yên ngựa, nghĩa là "bất yên", mà chữ "bất yên" này lại đồng thanh với chữ "bất an" có nghĩa là không yên ổn, thế là thày khóa quyết định không vào làng, mà rủ các bạn đồng hành đánh vòng qua phía ngoài làng. Dù bấm bụng cười thầm anh bạn dốt đặc cán mai, nhưng họ cũng chìu ý mà làm một vòng du lịch quanh làng. Vừa đi được một quãng thì nghe tiếng hoan náo ầm ĩ, người trong làng kêu la cứu hỏa, một đám cháy xảy ra thiêu rụi gần nửa làng. Thế là các bạn đồng hành qua một phen hú vía, tự hổ thẹn vì đã coi thường khóa Chung...” (Ngưng trích)

Phải chăng chuyện Trạng Lợn nhằm lưu ý sự khác biệt giữa thanh âm và ý nghĩa của truyện Việt trong chữ Hán, tức cái hồn Việt mà ẩn trong xác Tàu? Đây, tôi xin dẫn giải lời giải thích của Lê Quí Đôn: "Trung quốc viết chữ, nghĩa lý ở chữ, không ở âm; nước ngoài chép âm, nghĩa lý ở âm, không ở chữ. Văn tự Trung Quốc từ chỗ trông thấy chữ mà sinh ra tưởng ngộ (nghĩ ra rồi hiểu), nếu tìm ở âm thì sai. Học thanh âm nước ngoài, thì từ chỗ nghe mà biết được nghĩa, nếu tìm ở chữ viết thì bế tắc" (Vân Ðài Loại Ngữ, Lê Quí Ðôn, Ðại Nam tái bản ở hải ngoại, trang 279, mục 17).

Đi được tới đây tôi đã thấy vui trong dạ, nghĩ biết đâu nhờ mình dốt, không biết nghĩa lý ở “chữ” (Hán), mà loay hoay tìm hiểu ý nghĩa ở “âm”, không chừng lại đúng nhịp? Cũng như câu chuyện Hiệp Khách Hành của Kim Dung: Thạch Phá Thiên giả (tên thật là Cẩu Tạp Chủng), bởi không biết đọc, nên chỉ căn cứ theo nét viết mà quơ kiếm lần theo, rốt cuộc lại luyện thành bí kíp võ công, trong khi những cao thủ tiền bối khác đã ở lâu trong thạch động nghiên cứu ý nghĩa lời viết miết mấy chục năm mà không đạt được…

Ai cũng biết ở quê Khổng Tử có ấp Trâu Sơn trong nước Lỗ. Còn đạo của Khổng Tử là gì thì ông tuyên bố rõ đó là đạo cổ, ông không sáng lập ra đạo mà chỉ truyền lại đạo cổ của người xưa mà thôi (ngô thuật nhi bất tác). Nếu hỏi đạo cổ ấy ở đâu thì ông hướng về phương Nam xá, như ông trả lời Tử Lộ hỏi về đức cường: “Khoan nhu dĩ giáo, bất báo vô đạo / Nam phương chi cường dã, quân tử cư chi”. Làm tôi liên tưởng đến truyện Man Nương (xin dài dòng trích ra đây):

“Thời Hiến Đế nhà Hán, quan Thái thú tên là Sĩ Nhiếp đắp thành ở phía Nam sông Bình Giang (nay là thành phía Nam sông Thiên Đức). Ở Phương Nam có một ngôi chùa gọi là chùa Phúc Nham, có một nhà sư từ phương Tây đến, hiệu là Già La Đồ Lê, trụ trì ở chùa ấy, hay làm phép đứng một chân; trai gái, già trẻ tín mộ, kính phụng tôn hiệu làm Tôn Sư, ai nấy đều cầu học đạo Phật.

Lúc bấy giờ có một người con gái tên là Man Nương, cha mẹ đều đã mất, nhà nghèo khổ nhưng cũng dốc lòng cầu đạo, chỉ vì nói ngọng, khó tụng kinh chung với mọi người nên thường ở sau bếp giã gạo nhặt rau, lo việc nấu thổi để cung dưỡng các sư trong chùa và học giả bốn phương đến học đạo.

Khoảng trời tháng năm, đêm lại ngắn ngủi, Man Nương vội vã lo thổi nấu cho xong. Nàng nấu đã xong xuôi, nhưng các sư còn tụng kinh chưa nghỉ để ăn cháo; Man Nương ngồi chờ, ngủ gật ở ngạch cửa không ngờ quên lửng nằm ngủ say. Đến khi tăng đồ tụng niệm xong, ai về phòng nấy thì Man Nương còn nằm ở cửa; nhà sư Đồ Lê bước ngang trên mình nàng, Man Nương hỗn nhiên tâm động, từ đó thụ thai. Trong khoảng được ba bốn tháng, Man Nương lấy làm xấu hổ bỏ đi, nhà sư Đồ Lê cũng tránh đi đến chùa ngã ba đầu sông mà ở.

Mãn nguyệt, Man Nương sinh được một đứa con gái và tìm nhà sư để giao lại. Đêm khuya, nhà sư Đồ Lê đến dưới cây đa ở ngã ba đầu sông mà đặt đứa con gái và nói:

− Ta gửi Phật tử này cho mày, mày giữ lấy, sau được thành Phật đạo.

Sư Đồ Lê và Man Nương từ biệt nhau mà đi. Đồ Lê cho nàng một chiếc gậy và bảo rằng:

− Ta cho em cái gậy này đem về, hễ gặp năm nào trời đại hạn thì lấy gậy vẩy vẩy dưới đất tự nhiên có nước chảy ra để cứu người ta.

Man Nương cầm gậy trở về, lại ở chùa như trước; gặp năm trời hạn, nàng lấy gậy vẩy trên đất, tự nhiên có nước suối chảy ra ào ào, dân chúng được nhờ vả rất nhiều.

Khi Man Nương đã hơn tám mươi tuổi thì bất đồ cây đa bị lật đổ trôi đến trước bến chùa, quanh quẩn ở đó không trôi đi; người ở đó đua nhau bổ củi thì búa rìu đều bị gãy mẻ hết; làng xóm rủ nhau ba trăm người đến kéo cũng không chuyển động.

Gặp Man Nương xuống bến rửa tay, nàng khẽ lấy tay kéo thử, cây lập tức chuyển động trôi vào, ai nấy kinh dị, vội bảo Man Nương kéo thẳng lên bờ, khiến thợ mộc trổ làm bốn pho tượng Phật; kịp lúc đẽo đến giữa cây, chỗ giấu người con gái thì chỗ ấy đã hóa thành một phiến đá rất cứng; người thợ đẽo đúng vào chỗ đó thì rìu búa mẻ hết, mới lấy phiến đá ném xuống giữa sông; phiến đá phóng xuất hào quang, giờ lâu mới chìm xuống nước; các người thợ đều chết hết. Mọi người đều xin nhờ Man Nương van vái mướn kẻ chài lặn xuống nước vớt lên, rước vào điện Phật, lấy vàng tô lên mà phụng thờ.

Sư Đồ Lê mới đặt tên cho bốn pho tượng Phật là: Pháp Văn, Pháp Vũ, Pháp Lôi và Pháp Điện. Già trẻ trai gái bốn phương thường nhóm họp ở chùa này chơi đùa ca múa, gọi là hội tắm Phật, đến nay đang còn vậy” (Ngưng trích)

Bản tính của Khổng Tử ưa trọng những điều lễ nghĩa, ngay từ thuở nhỏ khi chơi với trẻ cũng hay bày đồ cúng tế. Năm Ngài 19 tuổi thì thành gia thất, rồi ra nhận chức Ủy Lại, coi sự gạt thóc ở kho, sau lại làm Tư Chức Lại coi việc nuôi bò dê để dùng về việc cúng tế. Ngài rất chú ý về lễ nghi và những phép tắc của các đế vương đời trước, phàm ở đâu có việc gì quan hệ đến việc tế lễ là Ngài cũng đi xem xét rất tận tường, lý nào Ngài chẳng chú tâm quan sát tỷ mỉ những hình khắc nơi Trống Đồng, một cổ vật được dùng trong những khi tế lễ?

Nhà sư Già La Đồ Lê đến từ phương tây, ý chỉ sự đã thành đạt. Nhà sư lại “hay làm phép đứng một chân; trai gái, già trẻ tín mộ, kính phụng tôn hiệu làm Tôn sư”, ngầm chỉ kiểu đánh trống được chạm trên trống đồng, là để cái trống trên cọc cắm thông xuống đất, để trống được thông hội với đất với nước.

Thời Xuân Thu loạn lạc, đạo đế vương đời trước mờ tối, người đời say đắm đường công lợi, không ai thiết tưởng đến nhân đến nghĩa… Nhưng cũng vì thế cục biến loạn, dân tình điêu linh khốn khổ, kẻ sĩ mới lo tìm cách sửa đổi để cứu vớt thiên hạ, vậy nên nhiều học thuyết mới hưng thịnh lên.

Trong số những kẻ sĩ ấy có Khổng Tử, Ngài dốc lòng nghiên cứu và lĩnh hội được đạo lý cao thâm thầm chứa nơi Trống Đồng, rồi đem cái đạo cổ của thánh nhân ra mà truyền bá, lấy nhân lễ nghĩa trí mà dạy người, lấy cương thường mà hạn chế nhân dục để giữ trật tự trong xã hội được vững bền. Nhưng cũng chính vì đã lĩnh hội được đầy đủ ý nghĩa của Trống Đồng, thấu hiểu những hoài vọng và dụng tâm bao la của ông cha, cùng những mục đích và tôn chỉ của người xưa, mà Ngài không thể đường hoàng giải thích đạo cổ một cách tận tường rành rẽ, mà phải vận dụng tâm não để bóng bẩy truyền đạt ý của người xưa một cách kín đáo mà giữ gìn bí mật, tránh gây nguy hại cho cơ đồ của Tổ Tiên, nên mới nói rằng “vì nói ngọng, khó tụng kinh chung với mọi người…”

“Thức đêm mới thấy đêm dài!” Nhưng do lòng Ngài đang trĩu nặng ưu tư, tâm sự ngổn ngang canh cánh đáy lòng, chỉ sợ đêm chóng tàn, ngày sắp tới mà mình vẫn chưa làm được gì để chuẩn bị cho buổi sáng mai, nên thấy thời gian trôi qua vùn vụt. Ngài đã vội vã, cố bước những bước dài, mong sao cho đến được chót đoạn đường, Ngài nói: “Ngã phi sinh nhi tri chi giả dã, hiếu cổ, mẫn dĩ cầu chi giả dã: Ta không phải là người sinh ra đã biết, chỉ là người thích đạo của thánh hiền đời trước, cố sức mà cầu lấy được” (Thuật nhi, VII). Cũng vì cố sức cầu lấy được, nên phàm ở đâu có việc gì liên quan, là Ngài quyết đi xem xét cho tận tường. Ngài đến hỏi nhạc Trịnh Hoằng, hỏi lễ Lão Tử. Lão Tử đáp rằng: “Người quân tử gặp thời thì đi xe, không gặp thời thì đội nón lá và đi chân. Ta nghe: người buôn bán giỏi, khéo chứa của, coi như người không có gì; người quân tử có đức tốt, coi diện mạo như người ngu dại. Ông nên bỏ cái khí kiêu căng, cái lòng ham muốn, cùng cái sắc dục và dâm chí đi; những cái ấy đều vô ích cho ông”. Khổng Tử về bảo các đệ tử rằng: “Chim thì ta biết nó bay được, cá thì ta biết nó lội được, giống thú thì ta biết nó chạy được. Chạy, bay, lội, ta có thể chăng lưới mà bắt được, đến như con rồng thì ta không biết nó cỡi gió, cưỡi mây bay lên trời lúc nào. Hôm nay ta thấy Lão Tử như con rồng vậy (Ngô long nhật kiến Lão Tử, kỳ do long dã)”. Rồng là con vật trong tưởng tượng không có thật, người ta chỉ nghe nói thôi chứ chưa hề trông thấy tận mắt hình thù của con rồng ra sao cả. Khổng Tử ví Lão Tử như con rồng, là ý chê trách Lão Tử chỉ có danh chứ không thật. Tình trạng xã hội lúc bấy giờ rất rối loạn, thế sự điên đảo quá nỗi, lòng người ngao ngán, nên có người thì đề xướng cái chủ nghĩa yếm thế, bỏ việc đời phó mặc trời xanh, có người lại đi theo cái chủ nghĩa phá hoại, không thiết gì đến cương thường đạo lý nữa…

Lần sau cùng Ngài trở về nước Lỗ thì đã 68 tuổi, Ngài không cầu ra làm quan nữa mà ở nhà dạy học trò, để chuẩn bị cho các thế hệ sau, tiếp tục nối chí Ngài mà hoàn thành cái hoài bão cao cả của tiền nhân. Ngoài ra, Ngài còn san định lại các sách vở đời trước và làm sách Xuân Thu. Bốn pho tượng Phật: Pháp Văn = Kinh Thi, Pháp Vũ = Kinh Lễ, Pháp Lôi = Kinh Nhạc, Pháp Điện = Kinh Xuân Thu. Trong khi Kinh Dịch chính là phiến đá phóng xuất hào quang, quan trọng nhất nên phải ngụy trang làm sách bói toán (lấy vàng tô lên mà phụng thờ), để được kẻ thù bảo giữ, và tồn tại cho đến ngày nay: “Nhà Tần cách đời cổ chưa xa, nên sách Chu Dịch nhờ về bói toán mà không bị đốt” (Kinh Dịch, Ngô Tất Tố, trang 57). Tần Thủy Hoàng ra lệnh đốt hết các sách về triết học, văn học, sử học…, chỉ cho giữ những sách dạy nghề, mà môn bói thời đó là một nghề được trọng.

Hệ từ nói “Dịch để thông trí thiên hạ, để định nghiệp thiên hạ, để đoán sự nghi ngờ của thiên hạ” (Kinh Dịch, Ngô Tất Tố, trang 56). Đó là lý do tôi đã chọn quyển tài liệu cổ xưa nhất là Kinh Dịch để tham khảo, bộ sách do Ngô Tất Tố biên soạn được coi là dịch sát nghĩa, ít diễn giải nhất, ông nói rõ, chỗ nào tối nghĩa ông để y nguyên để đời sau tiếp tục nghiên cứu chứ ông không dám tự tiện. Dĩ nhiên, tôi tìm hiểu ý nghĩa ở “âm”, và chỉ căn cứ vào chú giải đầu tiên là Thập Dực (Mười Cánh), cũng gọi là Thập Truyện của Khổng Tử là: Thoán truyện, Tượng truyện, Văn ngôn, Hệ từ nhị truyện, Thuyết quái truyện, Tự quái và Tạp quái.

Tôi phân tích dựa trên tinh thần phá chấp, mạo hiểm “chấp nhận ra khơi trong điều kiện không có hải bàn”. Tôi sẽ không câu nệ bất cứ nguyên tắc nào khi giải thích, nghĩa là tôi hòa mình vào với “vô chiêu thức”, sẽ phản ứng tự nhiên tùy vào từng hoàn cảnh, theo đúng tinh thần mà Hệ từ dặn: “Ngửa xem, cúi xét, nghiệm gần, nghiệm xa” (Kinh Dịch, Ngô Tất Tố, trang 26).

Lại nữa, Thuyết quái nói: “Dịch tức là cách tính ngược” (Kinh Dịch, Ngô Tất Tố, trang 27), trùng hợp với những hình ảnh sinh hoạt ngược chiều kim đồng hồ trên mặt Trống Đồng, khiến tôi tinh nghịch, đọc Dịch theo nguyên tắc ngược: (1) đọc Hào từ trên xuống dưới, (2) đọc Quẻ từ 64 xuống 1, tức là đọc ngược từ ngọn xuống gốc.

Bài này viết bởi đứa học trò có tính khôi hài và tinh nghịch, được đào tạo từ nền giáo dục Nhân Bản dưới thời Đệ Nhất và Đệ Nhị Cộng Hòa. Nếu không được coi là một khám phá mới mẻ, ít ra cũng là câu chuyện giàu tưởng tượng, tôi xin ghi ơn quý thày cô đã dạy dỗ trong đời.

Chỉ vì một chút cơ duyên với sách đèn mà tôi đường đột làm một chuyện “động trời”, nên trong lòng rất sợ hãi. Vì sự hiểu biết non cạn, những điều tôi phân tích chỉ là thiển kiến cá nhân, có nhiều thiếu sót, kính mong quý bậc trưởng thượng rộng lòng chỉ bảo giúp cho.

Xin trân trọng biết ơn,

Phạm Khắc Trung
         -oOo-


(Còn tiếp)