Thursday, 16 January 2014

Phụ huynh cần biết khi cho con em đi học võ Từ VÕ ĐƯỜNG đến VÕ NGOÀI ĐƯỜNG - Bài viết của Vy-Hùng


Kể từ đầu thế kỷ 21, nhiều người Âu-Mỹ đã theo bước truyền thống yêu chuộng tập luyện võ thuật từ thuở nhỏ của người Á-châu. Họ đã chọn lựa,tìm tòi nhiều võ đường và gởi con cháu đến học hỏi những môn võ xuất phát từ Á châu – trong đó nổi bật nhất là những võ phái phổ thông của Nhật,Hàn,và Hoa. Riêng võ thuật Trung quốc sẽ đề cập từ Thiếu-Lâm đến một vài võ phái khác.

Từ khi người Nhật bại trận năm 1945 – họ đã quyết tâm “phục thù” bằng kiểu mới,đó là dùng văn hóa Nhật bản truyền bá ra ngoài – võ thuật cũng được xem là một phong tục tập quán có tính văn hóa tiêu biểu. Sự việc này khởi phát từ việc truyền dạy võ thuật Nhật cho những cá nhân (không phải là người Nhật) hay những lực lượng quân sự ngoại quốc trấn đóng ở các yếu địa trên đất nước phù tang. Có năm võ phái được thế giới hâm mộ,đua nhau học hỏi và truyền bá lại sau đó,là những Jiu-Jutsu (Nhu thuật),Karatedo (Không thủ đạo), Judo (Nhu đạo),Aikido (Hiệp khí đạo) và Kendo (Kiếm đạo).


Võ phái Jiu-Jutsu,là môn võ truyền thống ác liệt bí truyền,thuở xưa dạy cho những biệt kích dạ hành ẩn giả Ninja,đến năm 1868 mới ngưng, và chuyển sang một sinh hoạt công khai hóa: Dùng để huấn luyện cho quân đội Nhật hoàng cho đến năm 1945 và cho những cảnh sát giữ an ninh công cộng (sau 1945),khi người Nhật thua trận thời đệ nhị thế chiến của thế kỷ 20 vừa qua. Võ Nhu thuật của người Nhật,đã được một số lớn các nước Âu-Mỹ học hỏi tận tình,thêm thắt và chế biến cho thích nghi với địa phương các nước.Tuy nhiên ngoài tính phổ quát, Jiu-Jutsu còn là một môn võ đặc biệt huấn luyện kỹ năng cận chiến để sống còn dành cho những điệp viên,tình báo,quân sự và công an cảnh sát sở tại (lực lượng sau cùng là bộ máy đàn áp dân chúng của chính quyền).

Lịch sử Jiu-Jutsu trải dài suốt chiều dài Nhật sử. Khởi đi từ khi du nhập võ Thiếu-Lâm Trung quốc vào Nhật bản (gọi là Shorinji-Kempo), bởi các võ sư bên Trung Quốc tình nguyện ly hương hay bị lưu đày  (từ thời Tần-Thủy-Hoàng đến đời nhà Đường) hoặc được thuê dạy võ nghệ để chống lại kẻ thống trị của người Okinawa (đảo Xung-Thằng).Jiu-Jutsu còn có những thế tấn công và hóa giải khi bị ngã trên nền đất (vị trí nằm ngang),những cách thức chống trả khi bị đối phương đè – người Ba-Tây đã khai triển đặc biệt kỹ năng này,và áp dụng vào đả lôi đài võ giang hồ đánh lấy ăn (MMA-mixed martial art).


Võ phái Karatedo,xuất xứ từ Okinawa Nhật bản,được phát triển âm thầm từ nhu thuật và võ cổ truyền bản xứ để sáng tạo những chiêu thức gọn lẹ quyết liệt và hữu hiệu: Đánh nhau bằng tay không.Đa số các võ sư Karate đều khổ luyện công phá: Họ tập chặt,đấm,đá làm vỡ gạch đá bằng tay chân,những cú đấm đá cứng cáp nhanh nhẹn gây tử vong đối thủ.Thế kỷ 17,hoàng quân Nhật cai trị đảo Okinawa rất khắc nghiệt: Họ cấm sử dụng những vật dụng kim khí – mỗi một làng chỉ có một con dao làm bếp,được xích vào một giếng nước, ai muốn dùng phải xếp hàng.Vì đó dân làng nghĩ ra cách dùng những vật dụng trong nhà để làm vũ khí chống lại cường địch,thí dụ: cần xoay cối xay bột trở thành Tonfa (cảnh sát dùng ngày nay),hai thanh kẹp bó lúa trở thành vũ khí hung hiểm Nunchaku (lưỡng tiết côn),liềm nhỏ cắt lúa trở thành Kama,thanh chèo ghe,hai thanh gỗ ngắn dắt bên hông dùng làm nông cụ trở thành đôi Sai (sau mới làm bằng kim khí) dùng chống lại kiếm và khóa kẹp các vũ khí khác rất đắc dụng.Một số vũ khí khác cũng xuất phát từ những đồ nghề nhà nông đã trợ sức không ít cho võ thuật sử dụng tay không – từ đó võ phái Karate vang danh thiên hạ,nhiều nước nương theo căn bản này để lập thành nhiều võ phái khác như Tae-Kwon-Do (Thái-cực-đạo của người Đại Hàn), hay những bài quyền huê dạng đầy tính nghệ thuật ở Âu châu ngày nay.


Võ phái Judo,đã lựa lọc bỏ bớt những đòn thế ác liệt của nhu thuật,để chỉ còn lại những thế võ tự vệ hiền hòa,dĩ nhu chế cương – mượn sức mạnh của đối phương để quật ngã hắn.Judo phải tập luyện thuần thục về sự giữ thăng bằng (của mình) và làm mất thăng bằng đối thủ . Sự uyển chuyển của cành trúc nương theo sức nặng của tuyết phủ lên mà cong dịu lại để quật nhào tuyết xuống.Bản chất vốn hiền hậu và khéo léo,nên Nhu đạo đã được đưa vào những chương trình tranh giải thể thao quốc gia và quốc tế thế vận hội Olympic.


Võ phái Aikido,xuất xứ cải cách từ Aiki-jutsu (Hiệp khí nhu thuật),bỏ bớt những đòn chân (đá),và đặt căn bản chủ yếu vào kỹ thuật cầm nã thủ qua bẻ khớp,ấn, xoay vặn,véo,cắn,bấm,quật,khóa tay chân,…-Cầm nã thủ gốc từ chin-na,chi-sau của Thái cực quyền (Trung quốc)– võ phái chuyên về khí kết hợp với quyền cước nhu nhuyễn nương theo sức mạnh đối phương để phản công của Trương-Tam-Phong (tên thật là Trương-Quân-Bảo).Tuy mới xuất hiện vào những thập niên đầu của thế kỷ 20,nhưng Aikido (của Morihei-Ueshiba) đã sớm được hâm mộ nồng nhiệt và đã được quảng bá sâu rộng chưa từng thấy.Đòn thế hóa giải và phản công của Aikido rất gọn gàng,nhanh nhẹn và hữu hiệu,lại không kém phần đẹp mắt qua những thế khóa tay và quật ngã đối thủ. Bên xứ láng giềng của Nhật bản,Hàn quốc cũng có một môn võ tương tự,họ phát âm theo Hàn ngữ là Hapkido (võ Hapkido giống như Aikido,nhưng có thêm phần đá). Ngày nay, ngoài các lớp võ tự vệ cho đại chúng, Aikido Nhật bản còn được áp dụng và thao luyện cho các nhân viên bảo vệ,cảnh sát,quân đội - và võ Hapkido có lẽ thích hợp hơn cho việc huấn tập hữu hiệu các nhân sự kể trên…


Võ phái Kendo,còn gọi là Ken-Jutsu (Kiếm đạo,kiếm thuật Nhật),hành trình oai danh của kiếm sĩ Phù tang đã đi xuyên suốt chiều dài lịch sử - từ những chiến sĩ samurai cổ thời ở giai đoạn tiền trung cổ,đến thời đại 600 năm Ninja tung hoành, qua đến cuối thế kỷ 19, tận đến thời đại điện toán vi tính - môn Kendo vẫn được ngưỡng phục và nhiều người đua nhau học hỏi trau dồi, xem như một môn thể thao thanh nhã đào tạo nhân cách bất khuất và tự tín. Học Kendo có phần tốn kém hơn khi sắm sửa võ phục,những thanh kiếm gỗ Shinai và trường kiếm Katana (còn gọi là O-Dachi). Võ phái Kendo còn có một người anh em ruột khác là Iaido (của Minamoto,thế kỷ 16) tức kỹ thuật tuốt kiếm chém nhanh như chớp – không chần chờ thủ thế như Kendo đã ra đòn chậm hơn.

Ưu điểm của các võ phái Nhật bản (và Đại Hàn)là gọn gàng,quyết liệt,khoa học. Không huê dạng cầu kỳ như võ Thiếu-Lâm Trung quốc. Những bài quyền của Karate và Tae-Kwon-Do, là do kết hợp những động tác xoay của hông vai cổ tay khi tung quả đấm (hướng hạ,trung,thượng),tạo ra sức bật mạnh cho đòn đá xoay hông (trụ xuống và vặn hông,giống với thế ném Judo và xoay tròn Aikido), đây là sự thực tiễn không ai có thể phủ nhận tính hữu hiệu của Karate,TKD.

Trên hết mọi võ phái, sự thực dụng và hiệu quả tức khắc trong thuật cận chiến phải dành cho Nhu thuật. Ngày nay,những chương trình học võ tự vệ ngắn hạn hay để đào tạo cảnh sát quân đội, đều lấy Jiu-Jutsu làm chuẩn,làm mẫu mực huấn tập. Có thể tên gọi này đã thay đổi biến dạng theo từng địa phương (quốc tế),nhưng căn bản những đòn thế chống đỡ hay tấn công vẫn là những chiêu thức quen thuộc của Nhu thuật. Nói cách khác,Nhu thuật là nguồn cảm hứng cho những võ phái hậu duệ,nhờ tính thực dụng ngắn gọn.

Võ thuật Thiếu-Lâm Trung quốc – Sao Bắc Đẩu của Võ Học


Thiếu Lâm là tên gọi của hai ngôi chùa Phật giáo ở Trung quốc – ngôi chùa Thiếu Lâm thứ nhất hiện diện lâu đời từ ngàn năm trước,tọa lạc ở tỉnh Phúc Kiến,đã bị quân Mãn Thanh hỏa thiêu vào thế kỷ 18.Ngôi chùa Thiếu Lâm thứ hai, xây dựng năm 386 và cũng bị hỏa thiêu năm 534,tọa lạc ở tỉnh Hà-Nam.  Cả hai chùa Thiếu Lâm ở Phúc-Kiến và Hà-Nam,sau trận hỏa thiêu,đều được vua Càn-Long nhà Thanh cho trùng tu lại từ năm 1736 đến 1795.

Chùa Thiếu-Lâm ở Hà-Nam,chính là nơi Bồ-Đề-Đạt-Ma đã đến tu tịnh và viên tịch.Đó là một vị Lạt-Ma Phật giáo Ấn-Độ đã đến đấy vào khoảng năm 500 sau Công nguyên.Ngài dựa vào Yoga để hình thành Dịch-Cân-Kinh,một loạt bài thể dục thể thao của nhà Phật,mà tu sĩ cần tập luyện hàng ngày để chống lại những hao mòn mệt mỏi lúc tụng kinh hay tham thiền quá lâu.Từ những động tác thể dục thể thao đó,các tu sĩ sáng chế ra quyền pháp cho linh động hơn và kết hợp các đòn thế rời rạc rồi nhuận sắc thực dụng thành những bài quyền huê dạng.

Xin minh định một điểm quan yếu của võ phái Thiếu Lâm – là không phải đợi đến Bồ-Đề-Đạt-Ma xuất hiện,Trung quốc mới có võ Thiếu Lâm – mà đã từ lâu, ở thời đại của danh y Hoa-Đà (thời tam quốc Ngụy-Thục-Ngô,tranh dành suốt 97 năm liền – kể từ năm 184). Y sư Hoa-Đà chữa bệnh rất mát tay và vô cùng khoa học khi dạy những động tác thể dục cho bệnh nhân muốn mau chóng hồi sức,ngày nay ta gọi là physiotherapy (vật lý trị liệu).Hoa-Đà lấy ý từ những cử động rướn,các động tác của cầm thú (12 hai con),rồi lập thành những bài thao tác hiệu quả dựa trên y lý và y luận thể chất mỗi người mà xử lý thích nghi.Mười hai con thú nói trên,sau này được gạn lọc lại ít đi,và thêm thắt động tác huê dạng và dũng mãnh,để trở thành những bài quyền nổi tiếng,12 cầm thú là những:

Long (rồng),Hổ (cọp),Hầu (khỉ),Mã (ngựa),Đại bàng (chim ưng),Yến (chim én),Hạc, Phượng hoàng (chim phụng),Hùng (gấu),Quy (rùa),Kê (gà nhỏ),Xà (rắn), và Báo (beo).Mỗi võ phái hậu duệ của Thiếu-Lâm,đều chọn lựa lại những cầm thú kể trên,chẳng hạn võ phái Vịnh-Xuân trích ra 5 con vật tiêu biểu,võ phái Đường-Lang thì lấy thân pháp chính là Bọ ngựa (cào cào trời),Hầu quyền nhái dáng khỉ,Tửu quyền nhái dáng người say rượu - ngoài ra còn có những hình dạng bàn tay (binh khí thiên nhiên)xếp nắm sao cho tiêu biểu được một con vật nào đó,một loại binh khí nào đó – chẳng hạn: Nắm đấm là cừu núi (sơn dương),thế chào hay thế tấn công chống đỡ dạng chim ưng,bàn tay ngón thẳng dùng để chĩa gọi là đao thủ,chọc một ngón (nhất dương chỉ) hay hai ngón gọi là Tiên nhân chỉ lộ (ông tiên chỉ đường đi).Ngoài những tên gọi cầm thú,võ phái Thiếu-Lâm cũng có những bài quyền nhân bản như Thập-Bát-La-Hán-Quyền,Kim-Cang-quyền,Hồng quyền,Mai-Hoa-quyền,Âm-Dương quyền…và những thế đánh với binh khí gồm 18 loại,gọi là Thập-Bát-Ban võ nghệ (Kiếm,đao,thương,côn,v.v…).

Những chiêu thức và tên gọi các thế đánh của võ Thiếu-Lâm rất cầu kỳ,nặng phần “hù dọa”,gồm nhiều danh từ kêu mà rỗng – hoàn toàn khác với tên các đòn thế của võ Nhật và Hàn: Rất thực tiễn và hiểu ngay động tác phải làm sao.

Từ Dịch-Cân-Kinh (luân chuyển,di dịch,vượng gân kinh mạch),thu nạp khí trời làm năng lượng nuôi cơ thể và tâm thể (tinh thần)qua những bài thao tác thể dục thể thao.Ngoài những động tác thuần nhân bản,y sư Hoa-Đà còn có nhiều bài thực tiễn trị liệu dựa trên và bắt chước những động tác của các loại cầm thú : Hạc,Hổ,Báo,Gấu,Khỉ,Gà,Phượng,Công,Rắn,Trâu,SơnDương,Ưng,BọNgựa,…(hai bàn tay và thế tấn cũng được uyển chuyển tạo dạng để đúng với thế chi túc của từng loại cầm thú).Đến biến thành quyền cước võ học sau này,là cũng do nhu cầu của đời sống khiến phải xuất hiện,phải tiến thân bằng võ bị,phải biết võ nghệ để tự vệ sinh tồn,phải chống lại cường đồ đạo tặc,thú dữ (của các nhà sư trên đường hoằng dương đạo pháp),phải cứu người lâm nguy (của anh hùng hiệp nghĩa).

Rồi mặt trái của võ học phơi bày cho ta thấy những nét tủi nhục,tai hại và hổ thẹn, đó là: Dụng võ hiếp người, ỷ võ bắt nạt người,bọn cướp của giết người, bọn tổ chức phạm tội,thành phần bất hảo hoành hành bá đạo (ỷ đông hiếp yếu). Chúng là bọn cường hào ác bá,quan liêu, côn đồ, thảo khấu, lục lâm, sơn tặc,hải tặc,tin tặc, của thuở trước và cả thời nay (sẽ trở lại mục này ở những dòng sau).

Vết nứt trên độc bình cổ Võ Thiếu-Lâm


Đồ cổ bình cắm hoa,càng lâu đời,càng có nhiều giá trị hiếm quý.Nhưng nếu chẳng may,vì một lý do nào đó,độc bình cổ xuất hiện một vết nứt – thì giá trị chắc chắn sẽ không còn được quý trọng như trước.Đã từ lâu,những người dạy võ Thiếu-lâm ưa làm dáng phong cách danh giá cao quý (từ căn bản đã kém khiêm tốn),họ ưa chuộng phô trương thanh thế(Sơn-Đông mãi võ),nhưng lúc dạy lại ưa dấu nghề,cũng có thể sự hiểu biết của họ ít ỏi quá nên phải chắt chiu thôi.Một điểm đáng nói tới nữa của các võ sư là không ai phục ai (vốn có lòng đố kỵ nhau), ai cũng thà làm đầu gà hơn đít trâu,cái tự ngã là cái rún của vũ trụ…

Lịch sử Trung quốc đã bao phen biến động can qua,có lắm lúc bị ngoại tộc xâm lược hay đặt nền móng cai trị lâu dài như thời Nguyên,Mông,Mãn,và Nht. Ở nhiều giai đoạn nhiễu nhương và tràn ngập uất ức hận thù này – đa số những võ sư giỏi có cái ta quá lớn,hay ẩn dật buông bỏ thế sự.Tuy nhiên vẫn còn có một số rất ít người nặng lòng với đất nước,họ muốn qui tụ nhiều người yêu nước góp sức để làm cách mạng – nhưng thành quả cuối cùng lại còn tùy thuộc vào vận nước nổi trôi may rủi,chứ không phải nhờ vào một lý do nào khác.

Lấy thí dụ,thời Mãn-Thanh bị Anh-Pháp liên quân(năm 1860) xâu xé bức hiếp, trong nước bị đám lục lâm thảo khấu (và các quan lại) ở các địa phương gây bao nhiêu lầm than điêu đứng cho dân chúng. Vậy mà chúng ta chỉ thấy một vài anh tài xuất hiện như tôn sư Hoàng-Phi-Hùng ra mặt giúp dân và Thanh triều - bà Từ-Hy thái hậu lại chỉ tin HPH có đủ đảm lược và võ nghệ làm công chuyện đội đá vá trời này. Các võ sư khác thì : Họ rút lui vào bóng tối bỏ mặc thế sự, cá nhân tính quá lớn (tự phát,tự ý hành động),không biết nghe, không quen hòa khí nhẫn nhịn (đặt cá nhân trên tổ chức lãnh đạo), và quốc nhục đã đến với tổ quốc.

Một số lớn dân đâm ra nghiện ngập do người Anh đem nha phiến (năm 1755 đến 1810 - gọi là họa cù-túc) đầu độc,nhập cảng vào Trung quốc một số lượng vô cùng lớn. Thời điểm này,có một tôn sư khác là Hoắc-Nguyên-Giáp (trưởng tràng phái Tinh-Võ môn),cũng võ nghệ cao cường,cũng bị ám hại,cũng bị thách đấu liên miên (do những võ sư khác ganh tỵ đề nghị) – nhưng Hoắc sư phụ khổ sở hơn Hoàng sư phụ - vì Hoắc vốn là người cao ngạo,ỷ lại vào giỏi võ,đã gây ra không biết bao nhiêu là tai họa cho người khác,có người bị Hoắc đánh chết,có người bị Hoắc đánh tàn phế, có thời Hoắc sa cơn nghiện nha phiến trầm trọng, và cuối đời trong một trận thách đấu,Hoắc sư phụ bị một kẻ lạ đầu độc chết.

Đầu thế kỷ 20,Thanh triều sụp đổ,quyền lực chính trị tản mác chia cho năm phe bảy phái – cuối cùng là chiến tranh Quốc-Cộng chấm dứt vào năm 1949 . Đảng cộng sản của Mao-Trạch-Đông chiếm trọn lục địa.Tướng phe quốc gia là Tưởng-Giới-Thạch phải rút ra đảo Formose (đảo Đài-Loan Taiwan). Ở lục địa,họ Mao phát động “Cách mạng văn hóa/Bước nhảy vọt”(1959) đã giết gần bốn chục triệu nhân dân. Lúc bấy giờ,dân chúng buộc phải lên đường ly hương tìm đất sống nhiều vô số kể. Làn sóng di dân mang theo một số võ sư Trung quốc di tản qua các miền đông nam như: Phi,Hàn,Nhật,HK,Việt-Nam,Lào,Cao-Miên, Thái-Lan,Miến-Điện,Mã-Lai-Á,Singapore và Nam-Dương. Vốn liếng võ nghệ mà họ mang theo,khó có ai biết nhiều hay ít,nhưng phụ họa và thổi phồng lên là nhờ vay mượn vào huyền thoại các danh sư thuở trước. Sự khả tín hẳn là rất mong manh ! Bây giờ, bạn có thể đi dọc theo đoạn đường dài từ thành phố chính đến hai chùa Thiếu-Lâm (ở Phúc-Kiến hay Hà-Nam),thì sẽ nhận chân ra được sự đối xử (tốt hay tệ) với nhau giữa các võ đường - hay chỉ là “hàng thịt nguýt hàng cá”- danh từ kỵ tài (vì cùng nghề) có lẽ là thích hợp hơn cả.

Thế nào là võ phái chính thống chính tông

Từ chiếc nôi đầu tiên,nơi võ phái nào đó xuất hiện – nhiều người đến tìm tòi và học hỏi tận chốn ấy,thì gọi là học võ chính tông. Một thí dụ khác,Thiên-Chúa giáo chia làm ba nhánh khác nhau như: Chính thống giáo(Hy-Lạp),Vatican(Ý),và Anh giáo ở Anh quốc (đạo Hồi cũng xuất phát từ Thiên chúa giáo năm 600 sau cn) – như đã biết, ngài Jésus-Christ là người Do-Thái,chiếc nôi chính ở Israel… - qua nhiều thăng trầm hưng phế, đạo Chúa được truyền bá khắp nơi,và danh từ chính thống chỉ là một tên gọi không hơn không kém - không một ai có quyền nói tôi chính thống chính tông,vì một khi đã rời khỏi nơi gốc,di chuyển đến một nơi khác.Như vậy đã có sự khác biệt do thêm thắt,chế biến,bổ túc và sáng tạo vài nét riêng (đôi khi khác hẳn nơi chính tông,chính thống). Vậy những danh từ chính thống chính tông,được hiểu theo nghĩa dạy môn võ mang tên đó,theo cách của nơi xuất phát – khó có thể kiểm chứng được sự chính thống chính tông.

Một thí dụ khác cùng là môn võ Thiếu-Lâm,mà 2 võ đường ở cùng một vùng đã có hai đường hướng khác nhau (và không ai nhận mình dở hơn đàng kia,không nhận trình độ tương đương).Còn một căn bệnh rất nặng trong giới nghề võ,là không ai thấy mình dở - đa số là tự cao tự đại,làm dáng (võ đức hầu như không có), lại còn có kẻ ưa khoe khoang và xính chuyện sinh sự với người khác.


Diệp Vấn(1893-1972),đệ nhất danh sư Vịnh-Xuân quyền,từ lục địa di tản xuống Hồng-Kông đã đụng độ và nhận lời thách đấu của nhiều người,Diệp Vấn toàn thắng. Đến lúc Lý Tiểu Long (tên thật Lý Trấn Phiên – Bruce Lee 1940-1973) đến học nghề với ông – rồi trở lại Hoa-Kỳ,Lý Tiểu Long sao chép nguyên bản võ thuật của Vịnh Xuân quyền và đặt tên mới là Triệt Quyền đạo (Jeet-Kune-Do) chính hiệu.Diệp Vấn cảm thấy có chút buồn – trong quyển sách do con trai ông là võ sư Diệp-Chung (Yip-Chun),nơi trang 113 viết: Cha tôi (DV) không vui khi ai nói tới Lý Tiểu Long ở trước mặt ông ! (trích sách của Yip-Chun 1981”Wing-Tsun Dummy Techniques”, hình minh họa các thế đánh với mộc nhân là tôn sư Diệp-Vấn).


Võ thuật Thiếu-Lâm Trung quốc,đã được truyền bá sâu rộng trong quảng đại quần chúng,nhờ những đệ tử tục gia học ở chùa Thiếu-Lâm phổ biến sau khi xuống núi. Từ đó võ Thiếu-Lâm chia ra trăm nguồn chi nhánh, đã có 500 võ phái mô phỏng theo và đặt nhiều tên mới khác nhau (trường hợp Bruce-Lee ).

Thiên hạ công phu xuất Thiếu-Lâm,tất cả các võ phái từ căn bản đến những bài tập tiếp theo đều nương dựa vào võ gốc Thiếu-Lâm – căn bản đó là những:

TẤN PHÁP (Thế đứng): Đại loại có 12 thế tấn là những tấn nghỉ,nghiêm tấn, lập tấn,thượng bình tấn (mã bộ cao),trung bình tấn (mã bộ vừa),hạ bình tấn (mã bộ thấp của Võ Đang),cung tiễn tấn,đinh tấn,kim kê độc lập tấn (đứng trên một chân), trảo mã tấn (ngựa đưa móng ra phía trước),tọa tấn,xà tấn, tảo địa tấn (quét chân hay lúc chặt chân ngựa bằng trường đao),tấn quỳ khép chân hay mở rộng chân v.v…

Căn bản của tấn là chịu sức nặng của toàn thân,có thể chia đều cho 2 chân mỗi bên 50%(mã bộ),chân sau 75% chân trước 25% (đinh tấn) hoặc ngược lại, một chân chịu 100%(kim kê),v.v…tùy vào thay đổi thế đứng hợp với quyền cước mà thay đổi bộ pháp cho thực dụng. Tấn pháp và bộ pháp phải đồng chuyển đúng thời.

Sau Tấn Pháp (thế đứng),là những khai triển võ thuật tiệm tiến như sau:

BỘ PHÁP (Thân pháp sang quyền):Là sự di chuyển thân pháp lúc đi bài quyền (đấm đá,hay sử dụng binh khí) hay thực tập song hành các thế đối luyện quy ước (với 2 người),hoặc khi đánh võ tự do (trên võ đài hay đánh nhau ngoài đường): Bộ pháp phải tùy thời điểm mà uyển chuyển thật lanh lẹ,thích nghi,thủ thế hay phản công bằng quyền hay cước phải luôn giữ thăng bằng bộ pháp.Thực hành bộ pháp trên mọi tình huống và nơi chốn:Lên cao xuống thấp,bằng phẳng hay gồ ghề,trơn trượt hay bám rít,dễ lướt hay bị cản trở,rộng rãi hay chật hẹp,sáng sủa hay tối tăm,ngó trước ngó sau để bước tới hay thụt lùi,xác định vị trí để không bị đánh tập hậu,tìm ra sơ hở,v.v…Năm xưa,võ sinh đi bài quyền trên Mai-Hoa-Thung (cột trồng cách đất cao thấp,thưa gần) là cách tập rất đắc dụng cho bộ pháp uyển chuyển khéo léo và cách nhìn các vị trí cột thật chính xác.

QUYỀN PHÁP(Đòn tay): Các hình dạng nắm tay (đấm)hay xòe ra(chặt,chém), xếp ngón hay co ngón tay lại (cho giống với tay báo,cọp,gấu,ưng…),đánh bằng bả vai và đòn khuỷu tay(thúc,hắt,cắm chõ).Sự rướn bả vai, xoay cùi chõ,vặn cổ tay sẽ làm tăng sức lực của quyền pháp khởi phát. Đòn tay dùng khi tấn công, phản công,phòng thủ kín (hay hở cho thân trên) và chống đỡ gỡ gạt. Những võ phái gốc ở miền nam,thì sở trường đòn tay,quyền thủ pháp nhanh nhẹn vì môi trường sinh sống là vùng đồng bằng rộng lớn, làm lụng nhiều bằng tay. Những võ phái gốc ở miền bắc,thì sở trường đòn chân,bước và đá rất vững rất mạnh vì môi trường sinh sống là đồi núi đất đá gập ghềnh,ổ gà lỗ chỗ,lên cao xuống thấp…

CƯỚC PHÁP (Đòn chân): Từ lên gối (hay đá đầu gối) đến các thế đá đủ bốn hướng (ở ba tầm hạ trung thượng): Bằng chúm các ngón chân trước,cạnh bàn chân,lưng bàn chân, gót chân (đá tới trước hay giò lái),đá tảo địa (quét chân),đá bay (phi thân thối) bằng 1 hay 2 chân song song (song phi) hoặc đá tréo chân (kéo),đá kẹp hai chân để quật (của Vovinam), đá vòng cầu, đá dập(đá búa bổ), đá chéo,đá ngửa, đá liên hoàn, đến những cú đá đặc biệt nhanh,mạnh và đẹp mắt của môn võ Capoeira (gốc Phi châu, nay đã được cải cách thành những động tác khiêu vũ - vũ đạo).

Sử dụng cước pháp cần lưu ý: Khi đá biểu diễn thì nên đá cao,đá vòng cầu rộng, những lúc lên võ đài, hay đánh tự do trong võ đường hoặc đánh nhau ngoài đường thì chớ nên đá cao,mà phải đá nhanh từ tầm trung trở xuống là bảo đảm giữ được bộ pháp thăng bằng, lúc tung cú đá mà nhón gót thì sẽ bị trượt té,cũng coi chừng bị quét chân. Lúc đá phải xoay hông thì cú đá mới mạnh.

Dụng cước phải nhớ: Một cú đá của ta tung ra, là lúc đối phương đã thụi vào ta bốn quyền liên tiếp,nghĩa là quyền pháp nhanh hơn cước pháp.Trúng một cú đá,nặng bằng bốn quyền hợp lại, nghĩa là cước pháp mạnh hơn quyền pháp.

SONG THẾ ĐỐI LUYỆN: Là hai võ sinh đối mặt cùng tập luyện tấn công và phản công theo thứ tự lớp lang,quy ước trước. Niêm thủ (dán tay nhau)để đón đỡ đồng bộ theo hướng tấn công mà đợi lúc phản công hay mượn sức của đối thủ mà trả đòn quyền. Nếu là dụng cước thì phải uyển chuyển bộ pháp thích hợp (sang quyền),để tung cú đá đáp lễ với mức độ rủi ro thấp nhất (cho mình).

Song thế đối luyện,còn có hình thức khác gọi là đánh tự do – nghĩa là lúc tung cước hay ra quyền đều do ý tự phát của mỗi đấu thủ,không có sự báo trước đá thế này đấm thế nọ ! Đánh tự do thường thấy ở võ đài và võ ngoài đường.

BÀI QUYỀN: Là những chuyển đổi tấn pháp,bộ pháp kết hợp với các thế đấm thế đá rời rạc, đã được đúc kết lại theo thứ tự trước sau và … tưởng tượng ra một đối thủ để ứng dụng những chiêu thức đòn thế đó một cách triệt để. Bài quyền được phân chia ra nhiều trình độ khác nhau,tùy theo cấp bậc màu đai mà luyện tập từ dễ đến khó,từ đơn giản đến phức hợp. Bài quyền tiến thoái, tấn công và phản công tuần tự vào bốn hướng - mỗi bài quyền có từ vài chục động tác trở lên diễn biến liên tục không ngừng nghỉ cho đến khi chấm dứt.

Cũng có những võ phái không có bài quyền,chỉ có những chiêu thức hóa giải và những đòn thế phản công như : Nhu thuật,Nhu đạo,Hiệp-khí-nhu-thuật, Hiệp-khí đạo,Cung đạo,Đô vật (Sumo),Võ tự vệ,v.v…(những võ phái kể trên thường xem nhẹ phần cước,đôi chân gần như không dùng tới) – đây cũng là một nhược điểm lớn.

Những võ phái có bài quyền như: Thiếu-Lâm (và những võ phái khác mô phỏng) : Võ đang,Thái-cực,Quán-khí-đạo,Kempo,Karate,Tae-Kwon-do,Vovinam…,đa số các võ phái vừa kể đều có từ 8 đến 10 bài quyền (hay hơn), phân chia thành nhiều trình độ từ sơ đẳng đến cao đẳng (phân biệt bằng màu đai). Võ phái Vịnh-Xuân chỉ có 3 bài quyền Tiểu-Niệm-Đầu,Tầm-Kiều và Tiêu-Chỉ, tuy hơi ít, nhưng Vịnh-Xuân có những đòn niêm thủ rất hữu hiệu,và nhất là cách tập với mộc nhân thung là lối tập thần kỳ và lợi ích thực tiễn. Cũng nên biết, mộc nhân có đến 18 trụ (hình dạng khác nhau)có cái đơn giản cũng có cái cầu kỳ thừa thải vô ích. Bởi càng nhiều thì càng rối,đa dạng thì hoang mang,khinh xuất.

Lời dặn riêng khi muốn tập quyền Vịnh-Xuân: Nếu bạn muốn tự tập (tự học võ) với trụ mộc nhân (giá độ $800 đô) Vịnh-Xuân quyền,thì mua bộ một dĩa DVD của sifu Didier-Beddar (ở Pháp) hay bộ hai dĩa DVD của sifu Randy-Williams (ở Mỹ).Đây là hai cao thủ bậc nhất về kỹ thuật quyền Vịnh-Xuân thực tập với trụ mộc nhân. Bạn kiên trì theo dõi và tập thuần thục những kỹ thuật minh họa (của 2 sifu kể trên) thật kỷ lưỡng, cọng với lòng đam mê khổ luyện như Lý-Tiểu-Long.  Chúng tôi chắc chắn,một ngày không xa,bạn sẽ không thua một quyền thủ đai đen nào cả. Võ thuật quý ở thành quả thủ đắc (quý hồ tinh bất quý hồ đa),chứ màu đai và hàng chục bài quyền chỉ là sự trang trí cho đẹp cuộc đời mà thôi.

VÕ TỰ VỆ: Nếu có những học trình võ thuật dài hạn như của các tu sĩ chùa Thiếu-Lâm,Võ-Đang,Thái-Cực-Quyền (ở Trung quốc,HK,Đài-Loan), hay các viện võ học ở các thành phố lớn như Kodokan, Aikido,Karate,Tae-Kwon-Do,Hapkido… (ở Nhật và Hàn quốc) – thì cũng có những học trình võ thuật ngắn hạn, thường gọi là học võ tự vệ. Võ tự vệ là những đòn thế hóa giải ngắn và hữu hiệu để giải quyết ngay tình huống cấp bách của ta đang bị đe dọa hay đang bị kẻ xấu tấn công. Người Do-Thái (võ Krav-Maga) và người Nga nổi tiếng với võ tự vệ của họ: Võ tự vệ được phổ biến rộng rãi từ thường dân đến quân đội,công an cảnh sát. Những hóa giải và đòn thế cận chiến này, rất gần với Nhu-thuật Nhật bản và Hapkido Hàn quốc. Nếu bạn không có nhiều thời gian để theo học võ thuật dài hạn,thì nên ít nhất một lần trong đời theo học khóa ngắn hạn về võ tự vệ - nó sẽ giúp ích rất nhiều cho bạn,khi chung quanh chúng ta đã thấy nhản nhản bọn bất lương cặn bã,chỉ chực chờ cơ hội trộm cướp hay gây bao tội ác lớn nhỏ.

Từ võ đường đến võ đài

Để khuyến khích sự tập luyện võ thuật chuyên cần và thăng tiến.Các võ đường rất thường tổ chức những giải thể thao võ thuật, để các võ sĩ ứng viên có cơ hội gặp gỡ trau dồi,nghiên cứu những điều hay điểm dở giữa những bạn đồng môn (cùng võ phái) với các võ đường khác – cũng có khi tổ chức những giải võ thuật liên võ phái,không kể là môn phái nào,chủ trương đánh lấy ăn(như mma), hay đánh để so tài cao thấp võ nào hơn võ nào.

Trừ Boxing (Quyền Anh) với nhiều quy luật khắt khe – phần tranh tài võ thuật đả lôi đài đa số sử dụng võ tự do,chấp nhận nhiều đòn hơn Boxing (chỉ cấm móc mắt và cấm tấn công tử huyệt)-chẳng hạn không hạn chế đòn đá đòn quyền,nhất là phát huy tối đa uy lực của đòn gối và đòn chõ.

Võ tự do chỉ là tên gọi khi lên võ đài,những võ đường có các ứng viên đả lôi đài, đa số xuất thân từ các lò võ Thiếu-Lâm – sau này còn có thêm các võ phái khác tham dự vào như Bình Định,Vovinam,Karate,Tae-Kwon-Do,Kich-Boxing… Thuở trước 1975 ở miền nam VN, giữa những thập niên kể từ 1930-1940-1950-1960-1970 v.v… chúng ta có những danh sư và nhiều cao đồ của các võ đường như Hàn-Bái-Đường,Việt-Võ-Đạo,Thất-Sơn Bà-Rịa,Củ-Chi, Sa-Đéc,Tân- Hưng,Tân-Khánh Bà Trà,…Trung Việt có Tây-Sơn,Bình-Định (các làng võ nổi tiếng An-Thái,An-Cựu,nhà họ Diệp văn võ song toàn),và nhiều võ phái nổi danh - một vài người vì cuộc sống quá đổi khó khăn,đã có những đệ tử hành nghề đạo chích.

Miền Nam có nhiều nhà vô địch đả lôi đài ở ngoài trung vào tới Sàigòn,Chợ Lớn,ở miền Tây có khi gởi võ sĩ lên tranh tài.Ngoài bắc còn có vùng Kiến-An nổi tiếng về võ thuật Thiếu-Lâm,chưởng môn của Kiến-An-Đô hiện nay là Grand-master Nguyễn-Lâm ở California. Trở lại trong Nam,nói riêng vùng Sàigòn,Chợ-Lớn,Gia-Định,Khánh-Hội,Hòa-Hưng,… - Các võ sĩ võ tự do đang tại ngũ (quân đội VNCH),cũng tham gia đả lôi đài cùng với những võ sĩ của võ đường ở đô thành và các quận, họ tỷ thí nhau công bình trên võ đài với tinh thần thượng võ cao độ - và không một ai bị tử vong vì quyền cước lôi đài cả.

Ngoài những giải thưởng võ thuật công khai trên võ đài, Thái-Lan là xứ có nhiều cuộc tỷ thí “chui”do hoàn cảnh những võ sĩ bất đắc dĩ, quá chật vật túng thiếu,cần gấp tiền bạc,nên họ đã quên mất sự nguy hiểm của những võ đài chui này là bất hợp pháp,mạng người bị coi rẻ xem thường, qua lối nhìn của những tay đầu nậu (bọn tổ chức muốn thu nhiều tiền cược mau chóng). Đôi khi còn có sự thỏa thuận trước “thắng hay bại” của hai đấu thủ,qua dàn xếp từ đầu cuộc đấu. Mục đích của việc này là bịp dân cá độ dồn tiền cho một đấu thủ có vẻ thắng thế,nhưng kết quả là ngựa về ngược,dân cá cược thua đậm ! Những trận đả lôi đài chui này,đã thường xảy ra những trận đánh gây tử vong cho kẻ yếu nghề (không giỏi võ), còn kẻ tay ngang không có kinh nghiệm đả lôi đài thì bị những võ sĩ sừng sỏ dữ dằn đả thương mang thương tích hay tàn tật suốt đời. Các  võ sĩ chui này sử dụng võ giang hồ (khác với võ của các lò chính thức nói trên), họ pha trộn với Muay-Thai (Thái quyền),Bando (võ Miến-Điện),Bersilat/Pencak-Silat (võ Phi,võ Mã-Lai,võ Nam-Dương).Ngày nay là võ pha trộn MMA/UFC,đánh lấy ăn.

Trước thế kỷ 18,nước Cao-Câu-Ly (Hàn quốc) có một môn võ vũ cổ truyền,gọi là võ Taegyeon.Các lễ lạc hội hè, thường có những cuộc tranh tài biểu diễn,tỷ thí lôi đài công khai – nhưng khán giả không chỉ ngừng lại ở chuyện thưởng ngoạn thán phục – mà còn đi xa hơn là không chỉ việc cá độ hơn thua (bằng tiền bạc) của hai võ sĩ lâm trận - mà họ còn đem vợ con nhà cửa ra đặt làm vật cá cược. Đến đỗi vua Cao-Ly phải ra lệnh dẹp bỏ tệ nạn này (ngày nay mức độ ăn thua ở sòng bài casino gấp trăm lần thảm hại hơn).Cao-Ly bị Nhật bản đô hộ rất lâu đời,cho đến năm 1945 mới thoát ách. Nhật bản đã rất khắc nghiệt và đối xử tàn tệ với người Hàn (phi nhân tính đối với phụ nữ Hàn) – cùng bi cảnh còn có các nước Đông Dương (Hoa,Việt,Phi, Miến,Lào,Thái,…), bị thảm họa tàn khốc do người Nhật mang đến qua cuộc chiến tranh xâm lược với chiêu bài “Đại Đông Á”.

VÕ VŨ : Là những môn võ lúc biểu diễn trông những động tác như múa,cử chỉ thái độ nhẹ nhàng uyển chuyển như khiêu vũ.Nó xuất phát từ tôn giáo hay thờ tự địa phương.Lúc khởi đầu cuộc biểu diễn võ thuật (động tác nhanh mạnh)hay đả lôi đài thì võ vũ là lúc làm lễ Bái Tổ như những võ Muay Thái,Bando (Miến), Bokator-Khomer (quyền Cao-Miên),Muay Lào,Pencak-Silat (võ Phi,Mã-Lai,Nam-Dương), Bersilat (tổ sư là Hang-Tuah),Taegyeon,Capoeira,… - Những võ phái nhu công khác cũng có dạng như võ vũ như Thái-Cực-Quyền, chuyển động hoá giải của Hiệp-Khí-Đạo (Aikido),Dịch-Cân-Kinh,Võ Đang,Khí công (nhiều môn phái)

3 xu hướng tác động lên người học võ

Từ lâu võ thuật được định nghĩa là phương pháp thao luyện thân thể khỏe, y chi manh,thứ đến là biết cách chống đỡ khi bị kẻ ác tấn công đó là thuật tự vệ và thuật sống sót,sau cùng là biết cách phòng chống bệnh tật qua khí công tâm pháp (gìn giữ sức khỏe của cơ thể và tâm thể) và sau lưng của võ học là triết học (huấn tập trở nên hiền lương, khiêm cung, hiệp nghĩa) .Tuy nhiên ba xu hướng sau đây lại xuất hiện một cách thực tế (rất người) ở người biết võ nghệ - tùy theo tâm tính và hoàn cảnh tốt xấu mà có những ý nghĩ :

Tập võ để cường thân kiện thể, tâm não minh mẫn.
Tập võ để biết cách tự bảo vệ hữu hiệu (thuật sống sót).
Tập võ rồi ỷ lại vào võ đi bức hiếp bắt nạt người yếu thế cô.

Xu hướng thứ 1, tập võ xem như lựa chọn một bộ môn thể thao rèn luyện sức khỏe và nuôi dưỡng thân và trí luôn sinh hoạt dẽo dai bền bỉ. Đến lúc trình độ đã cao,thì dạy lại cho môn sinh những chiêu thức, kỹ thuật đòn thế đã học ở những năm xưa,cả những triết lý nhân sinh quan và võ đức bản thân thủ đắc.

Xu hướng thứ 2,tập võ ngoài sự bổ ích như những môn thể thao thể lực khác,võ thuật còn giúp chúng ta lòng tự tin khi đối diện kẻ ác kẻ xấu,vì quả thật chúng ta biết cách chống đỡ (võ tự vệ là thuật sống sót) và phản công. Cao hơn một bậc nữa,vì mang lòng công đạo và nhân đạo,nên chúng ta ra tay giải vây cho người đang bị kẻ xấu tấn công. Ở thời đại hôm nay.chúng tôi khuyên bạn một lời chí tình: Trừ khi kẻ xấu tấn công người thân của mình,thì bạn mới ra tay cứu khốn phò nguy – nếu không biết chuyện gì cả (giữa 2 người) thì chớ nên can thiệp,bạn có thể sẽ gặp rắc rối. Ở đời không nên tốt quá, ách giữa đàng quàng vào cổ.

Xu hướng thứ 3,tập võ giỏi rồi ỷ lại mà diệu võ dương oai ra uy ngang ngược, thậm chí có khi đả thương,đả tử người yếu thế. Xu hướng này,ta có thể xếp chung vào bọn thành phần bất hảo,đầu trộm đuôi cướp,ỷ thế hiếp cô. Võ đức đối với bọn này là điều đáng buồn cười (nếu tôi được phép nói vậy),nghĩa là tâm đức không hề hiện diện trong chúng. Thuở mới học võ,bọn ác tâm hung hăng này ưa sinh sự với những người khác,chúng dư biết họ không đủ sức chống lại.

Đến lúc võ nghệ khá hơn,chúng rất thường phô trương khoác lác múa may khắp nơi: Xuống tấn trên xe buýt,métro,hay quơ tay múa chân như đánh bài quyền ở những chốn đông người (trừ nhóm Sơn-Đông mãi võ) đây là hành vi làm trò khỉ (thiếu công nhã),khiến quần chúng khinh lặng.Một ngày không xa,hành vi thiếu tự kiểm sẽ khiến tai của chúng nghe được âm thanh khinh lặng này.

Xu hướng thứ 3 này, luôn nghĩ tới sinh sự,tìm cớ đánh nhau để khoe võ tài – trong tâm của chúng, luôn nghĩ rằng một mình hắn có thể địch trăm người – nhưng đó là ý tưởng ghi trong kịch bản xi-nê,sự thật chỉ cần đánh nhau với hai người là đã đủ thấy yếu thế và nắm chắc phần bại về mình.

Sàigòn năm 1978 (CSVN cai trị từ tháng 4/1975), ở một chợ sách cũ lộ thiên phía sau Công Quản xe buýt (đối diện chợ Bến-Thành): Có một gã côn đồ giật chiếc đồng hồ của một người đi mua sách, anh ta chạy đuổi theo gã để dành lại – thì ở đầu đường phục sẵn một đồng bọn -  đợi khi nạn nhân lướt ngang qua, tên này tung một cước vòng cầu móc đúng vào thái dương – nạn nhân bị giật chiếc đồng hồ bật ngửa ngã lăn ra chết tốt. Đây là cú đá rất đúng phong cách võ thuật,nhưng lại là một cú đá do một tên vô lại sử dụng để cướp của giết người.

Xu hướng thứ 3 còn sản sinh ra nhiều bi kịch dở khóc dở cười: Những kẻ giỏi võ, đã sử dụng võ nghệ để làm chuyện bỉ ổi hay đi trộm cắp hoặc cướp của giết người (tham khảo thêm ở những truyện võ thuật truyền kỳ), đến những kẻ giỏi võ (mà lại có quyền) vô cớ đánh người đến tàn phế hay tử vong (tham khảo thêm báo chí nói về băng cướp hay đồn bót công an cảnh sát ở bất cứ quốc gia nào). Mặt khác, có một loại võ sĩ giỏi võ làm nghề đánh mướn(rất nhiều),hay bị lời xúi khích mà manh động tác hại cho người nào khác.

Có thể bổ túc thêm một chân dung rất khó coi, của một kẻ giỏi võ mà thích đánh người để thị uy,để khoe tài,khốn thay vì ra tay quá đáng mà người ta bị tàn phế một đời – nạn nhân sẽ tìm mọi cách mọi lúc để trả thù – có thể là cách tấn công lén để đóng dấu ấn lên khuôn mặt kẻ hung đồ đó một vết sẹo trũng sâu bằng một vật dài bén nhọn bằng kim loại. Quả thật hả hê một lúc, rồi biết bao nguy hiểm rủi ro luôn rình rập kẻ hung đồ côn quan mà giỏi võ.

Người Mỹ hay nói: Đừng bao giờ chủ động gây hấn ! Vì có thể ta không hề biết đối phương là ai, làm gì, tánh khí ra sao,đánh trả như thế nào ? Những kẻ thuộc loại xu hướng thứ 3, đích thị là nhân tố gây nguy hại cho đời sống xã hội.Người thân kẻ sơ xa lánh dần trong ruồng bỏ thinh lặng – một ngày đẹp trời nào đó, bọn chúng sẽ nghe được âm thanh thinh lặng này.

Học võ tự vệ của môn phái nào ?

Nếu bạn tập võ thường xuyên ở một võ đường dưới 5 năm,thì thú thật võ của bạn hãy còn non kém – rất có thể bạn đã có đai đen, hay sắc màu đẳng cấp tương đương (với ngần ấy năm) – nhưng thực chất của võ thuật là ở sự khổ luyện,hơn chuyên cần một chút. Nếu không cần phải hội đủ một số đẳng cấp nào đó để mở võ quán (xem như một nghề mưu sinh – mà nghề võ chật vật lắm),thì bạn chỉ cần theo học nhiều môn phái khác nhau để tinh chọn.Mỗi võ phái đều có cái hay cái dở,không có võ nào số 1 cũng không có võ nào số 2. Như vậy là tùy theo sự yêu thích hay sự chọn lựa hợp kích thước của hành giả mà thôi. Như đã đề nghị,bạn nên theo học lớp võ tự vệ ngắn hạn(để biết cách thức hóa giải), và nếu được thì nên theo một lớp võ dài hạn để đòn thế của bạn trông gọn gàng nhanh nhẹn và chính xác hơn (để thoát khỏi sự vụng về và chậm chạp khi ra đòn).

Khi chọn lựa võ đường hay võ sư để theo học, bạn đừng cả tin vào sự quảng cáo hay sự khoác lác (tự phong) cường điệu của đương sự - mà bạn nên quan sát tư cách khiêm tốn,tính khí ôn hòa,thái độ đối tha công nhã,võ tài và võ đức. Những người dạy võ khác có khuynh hướng ngược lại như kể trên, bạn nên cân nhắc đắn đo khi làm môn sinh của một kẻ kém võ tài khiếm võ đức.

Khi muốn học võ tự vệ (có thể gọi là võ giang hồ), bạn ngắm nhìn rồi suy nghĩ phương pháp hay đòn thế đó có áp dụng được không ? Có hợp lý không ? Có vừa sức hay đủ sức để làm không ? Có nô lệ vào may mắn hay đầy ắp rủi ro ? và trong một tác phẩm vô giá về võ thuật ký sự của nhà văn kiêm võ sư John F. Gilbey đã cảnh báo chúng ta như thế này:

”Những tên dao to búa lớn, là những tên ngốc,nhưng cứ dạy người ta rằng: Cướp súng hay cướp dao trên tay kẻ khác là việc dễ như chơi !”  Tác giả võ sư J.F.Gilbey, nhà xuất bản Tuitle ở Nhật 1962.Bạn nên tìm đọc,rất ích lợi.

Từ võ đường đến võ ngoài đường

Dù học võ tự vệ ngắn hạn hay võ thuật dài hạn ở võ đường,bạn phải biết phân biệt sự khả thi và khả dụng. Sự khác nhau của sự biểu diễn hay huấn tập (song thế đối luyện), chỉ là một mớ lý thuyết dựa trên giả thuyết, đã được đặt ra làm đề tài,làm bài bản, để tìm cách hóa giải phản công.

Biểu diễn hay thao dượt chung ở võ đường là những quy ước đã được đặt định trước và được đôi bên (người tự vệ và kẻ tấn công) tôn trọng triệt để - có như thế chiêu thức hay đòn thế vận dụng mới đẹp mắt hoa mỹ.Thí dụ: Anh đánh tôi bằng tay phải đập từ trên xuống (tấn công),tôi đưa tay trái lên đón đỡ, rồi thuận đà tôi dùng nắm đấm phải thụi anh vào giữa ngực (phản công) – nhưng tay trái của anh kịp đẩy nắm đấm của tôi ra ngoài (tấn công),và tiện tay trái anh đấm nương theo (phản công),hướng trả lại vào giữa ngực tôi (tấn công). Rồi cứ thế: Chiêu này tấn công, thức kia phản công, tay bắt cầm-nã-thủ rồi chuyển qua phản cầm-nã-thủ,đòn hóa giải trở thành đòn phản công,đòn phản công lại bị hóa giải (liên hoàn thức,tấn-phản-công tiếp nhau niêm thủ không rời)…Khán giả phục lăn,hoan hô các võ sư,võ sinh biểu diễn nhịp nhàng tuyệt vời quá ! Đây là võ của võ đường.

Nơi công cộng,thường gọi là ở ngoài đường – ta sẽ gặp đủ mọi hạng người tốt xấu chưa biết (dĩ nhiên là kẻ xấu nhiều hơn người tốt),có khi gặp phải những đứa điên khùng dở hơi, hay gặp kẻ ngang ngược,hoặc bọn người giảo quyệt – rồi chẳng may nếu xảy ra vấn đề tranh chấp cãi cọ với chúng và cuối cùng đôi bên đi đến sử dụng võ lực.Bạn hãy nói với tên du côn du kề đó: “ Đánh tôi bằng tay phải như thế này – hay đá tôi bằng thế đá như thế nọ - hoặc chụp bắt tay tôi như thế kia “... Nếu nó nghe và làm theo lời bạn thì quả thật bạn là người tốt số,rất may mắn,không còn gì phải nói thêm kẻo vỡ giấc mộng vàng của bạn.

Đánh nhau ở ngoài đường,hoàn toàn là những thế đấm đá loạn xạ,dĩ nhiên là không hề biết trước. Kẻ tấn công dí dao,chĩa súng từ sau lưng bạn – vậy bạn làm sao biết: Nó đang cầm hung khí bằng tay nào,phản ứng của nó sẽ dữ dằn hơn khi bạn la lớn - hay khi đoán được bạn phản công, nó sẽ không bỏ lỡ cơ hội áp đảo quyết liệt để làm chủ trước tình huống này.

Vị trí ở võ đường và dụng võ ở ngoài đường,lúc lâm trận hoàn toàn khác nhau về hình thể tính chất do bởi thế đất lồi lõm gồ ghề không bằng phẳng (như ở võ đường). Đó là chưa kể môi trường trơn trượt hay đang mưa bão sẽ gây ra sự té ngã hoặc khiến xảy ra tai nạn cho bạn chẳng hạn (vậy không nên dùng cước).

Vậy để chuẩn bị trước,ở võ đường lúc thao dượt,bạn hãy thử nghiệm những hoàn cảnh thế đất và những môi trường khác nhau (như đã kể trên),để cố gắng tìm ra những hóa giải công hiệu và mau lẹ nhất khi lâm trận thật.

Võ giang hồ, là võ tự vệ hữu hiệu dành phần thắng khi đánh nhau ở ngoài đường: Là biết sử dụng hỗn hợp đủ thứ đòn,là biết chộp bắt mọi đồ đạc chung quanh (gần tầm tay)làm vũ khí phản công hay tấn công kẻ xấu đang đe dọa ta. Nói ngay một câu tuyệt chiêu của võ giang hồ,là ngoài những điểm vừa nêu trên thì bạn nên biết chuẩn bị để lúc nào phải ra đòn bất ngờ.

Đòn bất ngờ được bạn tung ra là những lúc: Giả bộ sợ sệt hay khóc lóc để kẻ xấu mất cảnh giác, rồi làm theo đúng lời hắn nói và thừa lúc hắn sơ ý,bạn tấn công quyết liệt vào vị trí nhạy cảm của hắn (vùng mắt,cổ họng,ức,bụng dưới,hạ bộ). Sau đó vừa la lớn,vừa bỏ chạy,hướng về phía có ánh sang hay chỗ đông người.

Vũ khí của đòn bất ngờ của bạn sẽ là những vật dụng mà bạn mang theo, như bút sắt bút chì,dũa móng tay (dùng đâm vào các khớp xương),một nắm đồng xu nhỏ (quăng vào mặt kẻ xấu để tìm ngay cơ hội đánh trả),áo khoác ngoài để đánh phủ mặt.Bạn có thể chộp đại một vật bên đường để làm vũ khí chống đỡ hay phản công như nắp thùng rác,bao đựng rác,thanh gỗ gẫy,sỏi đá,dây thừng,thùng cạc tông,một vật nặng. Điều cần dặn dò khi tính mạng bạn bị đe dọa – bạn phải có tinh thần quyết tử,nếu bạn không làm như thế,bạn có thể là người bị thiệt thòi thậm chí bị chúng cướp của (hay ô nhục) rồi giết mình chết.

Trong Binh Thư của Tôn-Tẫn,có kế sách thứ 36, nhằm bảo toàn lực lượng thì phải “Tẩu vi thượng sách(bỏ chạy là cách tốt nhất). Khi bạn sử dụng đòn bất ngờ là phải có bước kế tiếp là hạ gục hắn,hay chủ ý dọn đường bỏ chạy ngay.

VY-HÙNG.