Từ lâu tôi théc méc: “Ông cha tôi hơn một trăm năm xưa phiên âm tiếng “Dame, La dame, Madame” ra tiếng “Đầm, Cô Đầm, Bà Đầm..” tuyệt hay, rất đúng, rất gọn, tại sao ông cha tôi không gọi các ông Monsieur là “Ông Mông, ông Sừ” mà lại gọi họ là “Ông Tây?” Tôi thường nghe mấy ông chủ tiệm giầy đường Lê Thánh Tôn, Sài Gòn, dùng tiếng “Giầy Sừ” để gọi giầy đàn ông, tiếng “Giầy Đầm” để gọi giầy đàn bà.
Thằng cha Phủ Vĩnh thế mà thâmNịnh Bố Cu Tây, cõng Mẹ Đầm.
Tại sao không là:
Thằng cha Phủ Vĩnh thế mà thâmNịnh Bố Cu Mông, cõng Mẹ Đầm.
“Ông Mông, Bà Đầm” nghe đúng, gọn, dễ hiểu, dễ nhớ.
Tháng Sáu, Tháng Bẩy 2014 trên một số bài Viết ở Rừng Phong tôi thường có câu: “Tôi buồn đến cái độ tôi không còn muốn viết gì nữa.”
Không muốn viết và không thể viết giống nhau.
Một nguyên nhân chính trong những nguyên nhân làm tôi không còn tinh thần, đúng ra là hào hứng, để viết là việc tôi thấy nước Việt Nam của tôi sắp mất. Có cả trăm nguyên nhân làm nước Việt của tôi sắp trở thành một tỉnh của Tầu, tôi kể một nguyên nhân thôi:
Tất cả những cuộc bọn Tầu xâm lăng nước tôi trước đây đều theo cách thức: chúng cho quân sang đánh chiếm, bắt, giết vua quan nước tôi, đặt quan cai trị, chiếm xong chúng rút quân về Tầu, chỉ để lại một số quân Tầu nhỏ, chúng dùng người bản xứ làm quan, dùng người bản xứ làm tay sai cai trị dân. Khi nước Tầu loạn, người Việt nổi dậy, bọn quan Tầu bỏ chạy, người Việt dành lại quyền độc lập. Nhưng “bỉ nhất thời, thử nhất thời.” Đó là chuyện ngày xưa. Nay, những năm 2000, bọn Tầu bành trướng theo cách thức gọi là “Thực dân Tầu mới.” Dân Tầu không cần bọn Tầu Cộng chỉ cách hay ra lệnh, hay kêu gọi, tự đông di cư sang Việt Nam. Đó là việc chúng đang làm hiện nay. Dân Tầu sang Việt Nam tự do, không cần xin phép vào nước Việt, ở đâu, làm gì không cần khai báo. Sang Việt Nam, bọn Tầu vừa kiếm sống vừa thực hiện cuộc xâm lăng nước Việt. Tới ngày nào đó lực lượng dân Tầu ở Việt Nam sẽ mạnh hơn dân Việt. Cứ cái đà này thì, theo tôi, chỉ 50 hay 70 năm nữa là Việt Nam trở thành một tỉnh của Tầu.
Tôi thấy bọn Tầu chiếm nước Việt Nam dễ hơn chúng chiếm Tây Tạng. Nhớ đến Tây Tạng, tôi thêm buồn cho nước Việt Nam. Năm 1948 khi bọn Tầu Mao mới chiếm nước Tầu, chúng còn yếu trên trường quốc tế, chúng đã đưa quân sang chiếm Tây Tạng, ngang nhiên làm Tây Tạng thành một tỉnh của Tầu. Từ năm 1948 tới nay – 2014 – hơn 60 năm, Tây Tạng nằm im dưới ách Tầu Cộng và chết dần trong sự lạnh nhạt của người thế giới. Có thể từ ngày bị mất nước đã có đến 100 người Tây Tạng tự thiêu, Đạt Lai Lạt Ma đi nhiều vòng quanh thế giới, tới đâu Ngài cũng chắp tay lậy, ngỏ lời nhắc những vị nguyên thủ các nước nhớ đến Tây Tạng, cứu nước, cứu dân Tây Tạng, nhưng cả thế giới đã bỏ quên Tây Tạng.
Việc “Chắp Tay Lậy” không đuổi được bọn Tầu Cộng ra khỏi nước Tây Tạng.
Tôi nhắc lại: Với kế sách cho dân Tầu sang sống ở Việt Nam, bọn Tầu thực hiện cuộc xâm lăng Việt Nam mà không cần cho quân đội sang Việt Nam. Người Việt mất nước mà không sao tự cứu.
o O o
Tôi tìm quên trên những trang sách cũ. Tác phẩm “..Mấy chàng trai thế hệ trước” hồi ký của tác giả Dương Thiệu Thanh, xuất bản và phát hành tại Sài Gòn Tháng 5, 1969, gợi tôi nhớ đến chuyện trong cả trăm năm, từ ngày người Pháp đến Việt Nam, chỉ có những cặp vợ chồng “Chồng Tây, Vợ Việt.” Tôi không thấy có những cặp “Chồng Việt, vợ Đầm.” Những cặp Chồng Việt, Vợ Đầm tôi viết ở đây là những cặp vợ chồng Việt-Đầm sống vợ chống với nhau ở trong nước Việt Nam.
Hoàng Anh Tuấn, người từng du học ở Pháp năm, bẩy năm, kể:
“Khi trong bọn tao có thằng về nước, chúng tao xuống Marseille đưa tiễn. Thằng nào chưa vợ hay có vợ Việt thì cười toe, thằng nào có vợ đầm thì khóc mướt. Khóc vì biết mình sẽ không bao giờ về nước được, con vợ đầm nó không chịu về.”
Tôi tìm được chuyện Vợ chồng Việt-Đầm về nước Việt trong hồi ký của ông Dương Thiệu Thanh.
Mấy chàng trai thế hệ trước:
Nguyễn Bỉnh Nam ở trong ban biên tập Le Cri de Hanoi. Anh không viết thông thạo chữ Việt vì anh học vỡ lòng ngay chương trình Anh ngữ tại Hong Kong. Đậu Bachelor ở Hong Kong, anh sang Bỉ học và đậu Tú Tài Pháp ở Bruxelles, rồi anh qua Paris học văn khoa, xã hội học ở Sorbonne. Bằng Tú Tài Bỉ được coi như bằng Tú Tài Pháp.
Khi sống ở Pháp, bạn Nam và tôi, kẻ viết bài này – ( Dương Thiệu Thanh ) – thường đến một tiệm cà-phê do người Bạch Nga làm chủ, nơi tụ họp của những người Nga Trắng tránh nạn cộng sản sang Pháp sống tự do. Tại tiệm cà-phê này, Nam gặp và kết thân với một thiếu nữ Nga Trắng, tóc vàng, làm nghề cắt may y phục. Đôi lứa yêu nhau, trở thành vợ chồng.
Những năm bạn Nam của tôi và người vợ Nga Trắng sống ở Paris rất đẹp, tràn đầy hạnh phúc. Rồi hai người đưa nhau về Hà Nội. Bà vợ Nam mở nhà may tên hiệu là Gris-Mauve.
Được một năm, phần thì cuộc làm ăn thua lỗ, phần thì gia đình Nam sa sút, đi đến phá sản. Ông thân của Nam qua đời, để lại cho Nam hai người em gái còn nhỏ tuổi. Hai cô này em cùng cha, khác mẹ với Bà mẹ hai cô là người Tầu, bà mất từ lâu. Ngoài việc phải nuôi em, Nam còn phải lãnh mấy món nợ phải trả.
Trong hoàn cảnh bị đát ấy, bà vợ Nam rơi lệ trở về Paris. Nam và hai cô em xuống tóc vào tu ở chùa Thanh Sam, làng Bật, làng của ông Nguyễn Thượng Hiền. Việt Minh cướp chính quyền, nhà sư Nguyễn Bỉnh Nam bị Việt Mình kết tội Việt gian, đem ra bắn chết.
Viết đến đây kẻ viết rơi lụy: Nhà sư Nguyễn Bỉnh Nam là người làm lễ chay cho ông thân của kẻ viết khi ông tạ thế. Bạn chết trong những giờ đầu khi Việt Minh nổi lên. Họ tìm thấy trong phòng của nhà sư trong chùa một quyển Album trong có ảnh nhà sư khi ở Paris chụp với bà vợ Nga Trắng, nhiều ảnh có hàng chữ đề “Nga Trắng, Chống Cộng Sản.” (Lời ghi bằng chữ Pháp.)
Kẻ viết lấy làm lạ trước những cuộc gặp nhau của người đời. Cái tiệm cà-phê Koupok sau đổi tên là Nichevo là nơi gặp nhau của chàng thanh niên Việt và cô thiếu nữ Bạch Nga. Koupok tiếng Nga có nghĩa là La Coupe tiếng Pháp – La Coupe: Cái Cốc, Cái Ly – Nichevo tiếng Nga có nghĩa sắc sắc, không không. Đôi người gặp nhau tình cờ, yêu nhau, thành vợ chồng, sống hạnh phúc với nhau được mấy năm, rồi hạnh phúc tan tành: người vợ trở về Paris, người chồng vào chùa tu, rồi chết.
Nichevo: Sắc Không!.
Hết bài trích về cuộc Tình Nguyễn Bỉnh Nam.
CTHĐ: Tôi nhớ chuyện một cặp vợ chồng “Chồng Việt, vợ Mỹ.” Chuyện xẩy ra ở Sài Gòn những năm 1956, 1957.
Những năm 1956, 1957 anh bạn Lâm của tôi – hiện sống ở Virginia — là nhân viên Phòng Motion Picture của USIS Sàigon – Phòng Điện Ảnh Sở Thông Tin Hoa Kỳ — Trưởng Phòng tất nhiên là người Mỹ nhưng ông Phụ Tá Đỗ Lệnh Thông được coi như Trưởng Phòng – Motion Picture những năm ấy ở đường Gia Long, trước Bộ Kinh Tế. Tôi thường đến đó gặp Lâm. Khi làm nhân viên USOM tôi đến Motion Picture nhiều hơn.
Tôi gặp Thanh Bình ở Motion Picture USIS. Anh là nhân viên Motion Picture. Chúng tôi dễ thân nhau vì Thanh Bình làm thơ, làm nhạc, trạc tuổi tôi, công tử Bắc Kỳ. Tôi nhớ hai câu đầu trong một bài thơ của Thanh Bình những năm xưa khi tôi mới biết anh:
“Sao ơi, sao ơi là sao ơi..“Sao Ngô Đình Diệm đã lên rồi..”
Anh là tác giả bản nhạc tôi chỉ nhớ mấy câu đầu:
“Em thơ ơi.. Có còn học hành sớm tốiTiếng sáo diều có còn reo vui lưng đồi..Xa quê rồi, nhớ lắm bé thơ ơi..”
Năm 1957 Tổng Thống Ngô Đình Diệm được nhiều người ca tụng. Bài thơ “Sao Ngô Đình Diệm” của Thanh Bình đăng trong Tạp Chí Văn Nghệ. Chủ bút Văn Nghệ là ông Nguyễn Đăng Thục nhưng báo là của Bộ Thông Tin. Văn Nghệ ra được chừng năm, sáu số là chết không kèn, không trống.
Đến Motion Picture tôi không còn gặp Thanh Bình. Lâm cho tôi biết Motion Picture có cô nhân viên Mỹ. Cô Mỹ này – tất nhiên – từ Mỹ mới sang. Cô Mỹ và Thanh Bình yêu nhau. Tôi có gặp cô Mỹ này vài lần. Thoáng gặp và không để ý. Tôi nhớ cô trạc ba mươi tuổi. Nhan sắc bình thường. Cô yêu Thanh Bình và – dường như – trong những điều Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ khuyến cáo nhân viên Mỹ đi làm việc ở những cơ quan Hoa Kỳ ở ngoại quốc có điều “Không sống vợ chồng với người bản xứ.” Tôi không biết rõ về điều tôi vừa kể. Lâm không kể nhiều về chuyện cô nhân viên Mỹ và Thanh Bình. Tôi cũng không tò mò hỏi nhiều. Nay tôi chỉ còn nhớ là cô Mỹ yêu Thanh Bình, cô bỏ sở làm để sống vợ chồng với Thanh Bình. Thanh Bình cũng bỏ việc ở Motion Picture. Họ có với nhau một đưá con, tôi nhớ là con gái. Như vậy ít nhất cô Mỹ cũng sống vợ chồng với Thanh Bình ở Sài Gòn một năm. Chắc cô không thể sống được ở Sài Gòn nên cô phải dứt tình, cô về Mỹ, để con lại cho người cô yêu nuôi. Vì cô bỏ hợp đồng cô ký với Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ khi cô đi làm việc ở ngoại quốc nên cô không sao có thể tìm được việc làm ở Sở Mỹ khác, dù là Sở Tư Mỹ, Nhà Buôn Mỹ, ở Sài Gòn. Cô không có tiền để sống ở Sài Gòn. Tôi biết con của họ là con gái vì một buổi chiều tôi gặp Thanh Bình chở con trên xe đạp dạo chơi trên phố. Lần gặp khoảng năm 1958, 1959. Từ lần ấy tuy cùng sống ở Sài Gòn đến 40 năm – 1954-1975 – không một lần tôi gặp lại Thanh Bình, không một lần tôi nghe ai nói đến Thanh Bình, tôi không biết trong 20 năm – từ 1954 đến 1975 — Thanh Bình làm việc gì để sống. Để rồi 20 năm sau nữa – 1975-2014 – sống ở Kỳ Hoa tôi được tin Thanh Bình qua đời ở Sài Gòn, tôi thấy ảnh Thanh Bình trên Internet. Ảnh Thanh Bình, đăng cùng bài viết này, cho tôi thấy những năm 1951, 1952 Thanh Bình com-lê ca-vát đúng kiểu công tử Hà Nội.
Nhạc sĩ Thanh Bình trên Internet:
Thanh Bình (tên khai sinh: Nguyễn Ngọc Minh, 1932-2014) là một nhạc sĩ người Việt Nam, nổi tiếng qua những ca khúc nhạc vàng và tình khúc 1954-1975 như “Tình Lỡ,” “Những nẻo đường Việt Nam”,…
Thanh Bình sinh năm 1932, nguyên quán tại tỉnh Bắc Ninh, Việt Nam.
Trong những năm từ 1950 đến 1954, ông xuôi ngược trong những tỉnh Bắc Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Sầm Sơn, Hà Nội rồi di cư vào miền Nam Việt Nam.
Đầu thập niên 1950, khi còn sống ở miền Bắc, ông có viết một số truyện ngắn và đưa tin văn hóa văn nghệ cho nhiều tờ báo với bút danh Thanh Bình. Từ 1950 đến 1970, ông sáng tác nhiều ca khúc nổi tiếng trong thời kỳ đó. Ca khúc đầu tay của ông là “Những nẻo đường Việt Nam”, còn ca khúc nổi tiếng nhất của ông là “Tình Lỡ;” bài hát được nhiều ca sĩ biểu diễn.
Thanh Bình sống trong gia cảnh nghèo lại cô đơn một mình. Cuối năm 2013, ca sĩ Ánh Tuyết tổ chức một đêm nhạc từ thiện để giúp đỡ ông. Tiền thu được từ đêm ấy cùng với tiền quyên góp là 230 triệu đồng được gửi vào sổ tiết kiệm để ông dùng dần.
Ông qua đời tại nhà riêng vào hồi 4h sáng, ngày 23 tháng 5 năm 2014, hưởng thọ 82 tuổi.
Thanh Bình từng kết hôn ba lần và có một con gái.
Ngưng trích Internet.
Lời ca bản nhạc Tình Lỡ.
Thôi rồi còn chi đâu em ơi
Có còn lại chăng dư âm thôi
Trong cơn thương đau men đắng môi
Yêu rồi tình yêu sao chua cay
Men nào bằng men thương đau đây
Hỡi người bỏ ta trong mưa bay
Có còn lại chăng dư âm thôi
Trong cơn thương đau men đắng môi
Yêu rồi tình yêu sao chua cay
Men nào bằng men thương đau đây
Hỡi người bỏ ta trong mưa bay
Phương trời mình đi xa thêm xa
Nghe vạn mùa thu sau lưng ta
Em ơi, em ơi! Thu thiết tha
Ơi người vì ta qua phong ba
Có còn gì sâu trong tâm tư
Mắt lệ mờ hoen dư âm xưa
Nghe vạn mùa thu sau lưng ta
Em ơi, em ơi! Thu thiết tha
Ơi người vì ta qua phong ba
Có còn gì sâu trong tâm tư
Mắt lệ mờ hoen dư âm xưa
Một vầng trăng vỡ đã thôi không theo nhau
Cuộc tình đã lỡ với bao nhiêu thương đau
Hết rồi thôi đã không còn gì thật rồi
Chỉ còn hiu hắt cơn sầu không nguôi
Cuộc tình đã lỡ với bao nhiêu thương đau
Hết rồi thôi đã không còn gì thật rồi
Chỉ còn hiu hắt cơn sầu không nguôi
Con đường mình đi sao chông gai
Bước vào đời nhau qua bao nay
Em ơi, em ơi! Sao đắng cay
Thôi đành vùi sâu tâm tư thôi
Hết rồi còn chi đâu em ơi
Hết rồi còn chi đâu em ơi …
Bước vào đời nhau qua bao nay
Em ơi, em ơi! Sao đắng cay
Thôi đành vùi sâu tâm tư thôi
Hết rồi còn chi đâu em ơi
Hết rồi còn chi đâu em ơi …
*
Hoài niệm
Đã xa nhau rồi một mình tôi bước chân âm thầm
Lòng chợt nghe nhói đau con tim
Kỉ niệm xưa làm tôi xao xuyến
Lòng chợt nghe nhói đau con tim
Kỉ niệm xưa làm tôi xao xuyến
Phố xưa âm thầm một mình tôi lặng đứng trong chiều mưa
Tôi vô tình gọi mãi tên ai
Cõi lòng mặn đắng nỗi đau lặng thầm
Tôi vô tình gọi mãi tên ai
Cõi lòng mặn đắng nỗi đau lặng thầm
Ngày ấy bây giờ chỉ là giấc chiêm bao
Những con đường chở bao thương nhớ
Những hàng cây lao xao kỉ niệm
Quán xưa u buồn vì thiếu bóng hình ai
Những con đường chở bao thương nhớ
Những hàng cây lao xao kỉ niệm
Quán xưa u buồn vì thiếu bóng hình ai
Còn đâu những chiều vàng cùng sánh bước bên nhau
Còn đâu những ngọt ngào nụ hôn say đắm
Cho tôi giữ lại một chút hương xưa
Của một thời kỉ niệm ai đón đưa
Giấc mơ nào chết lịm giữa đơn côi
Người xa tôi kỉ niệm cũng xa rồi.
Còn đâu những ngọt ngào nụ hôn say đắm
Cho tôi giữ lại một chút hương xưa
Của một thời kỉ niệm ai đón đưa
Giấc mơ nào chết lịm giữa đơn côi
Người xa tôi kỉ niệm cũng xa rồi.
*
Những nẻo đường Việt Nam
Những nẻo đường Việt Nam
Suốt từ Cà Mâu thẳng tới Nam Quan
Ôi những nẻo đường Việt Nam
Ôi những nẻo đường Việt Nam
Suốt từ Cà Mâu thẳng tới Nam Quan
Ôi những nẻo đường Việt Nam
Ôi những nẻo đường Việt Nam
Những nẻo đường về đâu?
Bóng chiều chậm rơi bờ lúa nương dâu
Ôi những nẻo đường về đâu?
Ôi những nẻo đường về đâu?
Bóng chiều chậm rơi bờ lúa nương dâu
Ôi những nẻo đường về đâu?
Ôi những nẻo đường về đâu?
Ôi ta đắp đường làng ta
Nhắc ai đi chớ quên quê nhà
Con đường về thôn vui quá
Nhắc ai đi chớ quên quê nhà
Con đường về thôn vui quá
Ôi ta hát trên đồi cao
Ánh trăng đón đưa soi lối vào
Những nẻo đường gặp gỡ duyên nhau.
Yêu là yêu là yêu không bờ bến rồi
Yêu là yêu là yêu những nẻo đường mới
Yêu là yêu là yêu chúng mình yêu nhiều
Yêu là yêu là yêu chúng mình quá yêu.
Ánh trăng đón đưa soi lối vào
Những nẻo đường gặp gỡ duyên nhau.
Yêu là yêu là yêu không bờ bến rồi
Yêu là yêu là yêu những nẻo đường mới
Yêu là yêu là yêu chúng mình yêu nhiều
Yêu là yêu là yêu chúng mình quá yêu.
CTHĐ: Tôi thấy Thanh Bình là văn nghệ sĩ Việt Nam duy nhất có người tình là Đầm Mỹ, người văn nghệ sĩ Việt chung sống vợ chồng với người vợ Mỹ ở Sài Gòn trong ít nhất là một năm.
Cô Đầm Mỹ Motion Picture USIS tất nhiên phải rất yêu chàng thanh niên Việt Thanh Bình. Cô phải dứt tình vì cô không thể sống được với Tình Yêu bằng nước phông-ten Sài Gòn.
Đặng Trần Huân từng viết: “Tại sao người Việt lại tự hạ phẩm giá của mình, tự gọi mình là Mít, là Việt Cừu..”
Tôi định nói với ông: “Người Pháp chỉ trích, chế nhạo những tật hư, thói xấu của người Pháp trước khi họ cười nhạo người những nước khác, người Mỹ cũng vậy. Người Pháp chế nhạo người Pháp nhiều nhất, người Mỹ chế nhạo người Mỹ nhiều nhất. Người Việt gọi người Tầu là Tẫu, gọi người Pháp là Tẩy, gọi người Mỹ là Mẽo, người Việt tự gọi mình là Mít . Đúng thôi.”
Tôi chưa kịp nói câu trên với Đặng Trần Huân thì Huân đã qua đời.
Hôm nay khi viết những dòng chữ này tôi nhớ Lâm, người bạn tôi được quen năm 1951 khi chúng tôi cùng vào xem một phim cô đào Pier Angeli trong vai chính ở rạp xi-nê Olympic, Sài Gòn, tôi nhớ anh Đỗ Lệnh Thông, ông đàn anh của Lâm và tôi, anh luôn vui vẻ khi anh tiếp tôi mỗi lần tôi đến Motion Picture, nhớ Thanh Bình chở con trên xe đạp dạo chơi trên đường Tự Do, nhớ Đặng Trần Huân lần cuối tôi gặp anh trong phòng lãnh đồ ngoại ở Bưu Điện Sài Gòn. Hôm ấy người đông, Huân và tôi ngồi xổm nói chuyện trên lối đi. Chúng tôi gặp nhau lần cuối khoảng những năm 1982, 1983 khi cuộc sống của những ông sĩ quan đi tù miền Bắc về đen hơn mõm chó. Khi ấy chưa có chuyện HO. Huân cho tôi biết anh ngày ngày mang một số báo thiếu nhi cũ đền bầy bán ở cổng trường học, những tập báo tranh vẽ Lucky Luke, Charlot, Tintin, Strum..vv..vv.. Huân đưa gia đình sang Mỹ trong chương trình HO từ năm 1990, 1991. Đến Hoa Kỳ sau Huân 14 năm tôi không có dịp gặp lại Huân.
Cảm khái cách gì.