Saturday, 2 August 2014

Hoài niệm Kiwi - Người Thái Bình


Hoài niệm Kiwi
Người Thái Bình


Kiwi là tên của một loài chim không bay được, có thể đang bị tuyệt chủng chỉ có ở nước Tân Tây Lan (TTL - New Zealand) gồm hai hòn đảo lớn ở Thái Bình Dương, gần nam bán cầu. Kiwi đã được dân chúng TTL chọn làm quốc hiệu, và các sinh viên Việt Nam đã từng du học tại đây, tự gọi mình. Hai chữ "ex-Kiwi" có khi cũng được sử dụng, để phân biệt với các sinh viên Việt Nam đến TTL sau tháng 4 năm 1975.

Hầu hết những người Việt Nam có mặt ở TTL trước năm 1975 theo học ở các đại học trong chương trình học bổng Colombo PlanColombo Plan là tên của một tổ chức viện trợ do một nhóm các nước thuộc Khối Thịnh Vượng Chung Liên Hiệp Anh (the Commonwealth) tài trợ. Cái tên Colombo Plan xuất xứ từ sự kiện trụ sở trung ương của cơ quan đã được đặt tại thủ đô Colombo của xứ Sri Lanka, một đảo nhỏ ở phía đông nam nước Ấn Ðộ. Cũng như tất cả các tổ chức viện trợ quốc tế khác, đối tượng của Colombo Plan là những quốc gia chậm tiến. Không giống như nhiều cơ quan viện trợ khác, Colombo Plan viện trợ bằng cách cấp học bổng cho những thanh niên, thanh nữ xuất sắc ở các nước chưa phát triển như Việt Nam, du học về các ngành kỹ thuật ở các quốc gia tân tiến như Anh, Úc, Gia Nã Ðại, hay TTL, để sau khi tốt nghiệp những chuyên viên này sẽ mang kiến thức chuyên môn đã học hỏi nơi xứ người, về giúp phát triển đất nước của mình.


Bắt đầu từ cuối năm 1957 với chỉ có một người, mỗi năm đã có từ 10 đến 20 học viên Việt Nam được tuyển chọn để du học TTL trong chương trình huấn luyện này. Cho đến năm 1975, tổng số những học viên tốt nghiệp ở TTL đã lên đến trên hai trăm người.

Cuối năm 1965, sau khi đậu xong Tú Tài phần II, tôi đã được tuyển chọn vào chương trình Colombo Plan, cùng với 12 thanh niên/thanh nữ Việt Nam khác, du học TTL. Ngoài ra, còn có một người khác du học tự túc. Như vậy toàn nhóm chúng tôi có 14 người, tạm gọi là nhóm Kiwi ’65.

Khác với cách gọi như Class of ’99 cho những học viên cùng ra trường năm 1999, tức là đã học với nhau nhiều năm trước đó, nhóm Kiwi ’65 chỉ có nghĩa là chúng tôi đã cùng đến TTL năm 1965 và có đi học Anh ngữ với nhau mấy tháng hè ở English Language Institute tại thủ đô Wellington, nhưng rồi đã được phân phối đi các trường đại học khắp TTL để theo học các ngành học không giống nhau, và sẽ tốt nghiệp với các bằng cấp ở các năm khác nhau. Tuy nhiên, vì cùng hoàn cảnh bỡ ngỡ nơi xứ người, thời gian gặp gỡ tuy tương đối ngắn, liên hệ giữa những Kiwi trong nhóm rất gắn bó, và đã kéo dài qua nhiều thập kỷ về sau.

Date: Sat, 21 Jul 2001
To: Nguyen Van Uu <nguyenuu@ … >, Duong Van Tuyet <batuyetngo@ … >, Ngo Tung Huynh <ngoh@ … >, Chu Kim Loan <graceduong@ … >, Le Thien Luan <llesf@ … >, Truong Kim Ngoc <ktruong@ … >, Tran Duc Phong <phongtran_94080@ … >, Duong Chi Thanh <tduong45@ … >, Cao Manh Tien <tien.cao@ … >, Nguyen Vo Tiep <Tiepvonguyen@ … >, Pham Huy Trac <tphamvn@ … >, Le Huy Song <LeHuySong@Heaven.Net>, Do Van Toan <dtoan@ … >,Nguyen Giao <cvakiwi@ … >
"In just five weeks, we have gone from a three lines note from ông Giao to three of us asking for a picture, to a string of notes long enough to go from America to Australia, back all the way to New Zealand, connecting all 14 of us with a click of the computer.
Wow, what a journey! And we are having a great time with this emailing mania, a sizzling article in the making, and a plan for a first class Group Kiwi ’65 Reunion rolling."

Tấm hình được nói đến trong điện thư đã được tìm ra, và in lại dưới đây:

image001

Sinh viên Việt Nam đến du học ở New Zealand năm 1965
Botanical Garden – Thủ đô Wellington
Từ trái: Ngô Tùng Huỳnh, Nguyễn Văn Ưu, Dương Chí Thành, Chu Kim Loan, Phạm Huy Trác, Trương Kim Ngọc, Dương Vân Tuyết, Lê Huy Song (đã qua đời), Nguyễn Anh Giao, Trần Ðức Phong, Cao Mạnh Tiến, Nguyễn Võ Tiếp, Lê Thiên Luân, Ðỗ Văn Toàn.
(Ảnh của Trương Kim Ngọc)

Trong mấy tháng đầu bận rộn làm quen với lối học hành, và những sắc thái hấp dẫn của đời sống mới, ít người trong chúng tôi biết rằng cuộc đời mình sắp trải qua một thử thách lớn. Ðó là sống còn với cái mà các Kiwi gọi là nạn "chổng"!

Có du học ở TTL trước năm 1975 mà không biết chổng là gì thì hoặc là không thành thật, hoặc quá ngây thơ, hay chỉ là du học … giả! Chổng là cảm giác buồn tẻ, trống vắng triền miên và bám chặt (chronic boredom), biết mình phí phạm thời gian, mà không biết nên làm gì để thoát ra, nên đành cứ nằm chổng … ngửa (!) trên giường nhìn trần nhà, trong khi chung quanh lại thấy các thanh niên bản xứ – được gọi là "Tây cồ" – vui hưởng những sinh hoạt thường ngày với thân nhân, bạn bè, người yêu, bạn trai, bạn gái của họ. Một thí dụ tiêu biểu về chổng là "một buổi đẹp trời, không biết làm gì đành mang quần áo … sạch ra giặt!"

Dù có tốn bao nhiêu chữ, chắc không có Kiwi nào có thể lột tả, định nghĩa được đầy đủ thế nào là chổng. Nhưng chổng có thật, và phải sống ở TTL mới thật sự biết chổng là gì.

Chổng bắt đầu khi cuộc sống của du sinh viên tạm ổn định nơi xứ người. Các cơn chổng đã xảy ra từ tốn, không ồn ào, nhưng gia tăng mỗi ngày, ảnh hưởng sâu đậm vào tâm hồn và thể xác các Kiwi. Hàng năm, thời gian những cơn chổng hoành hành dữ dội nhất là hai kỳ nghỉ mỗi lần kéo dài khoảng 3 tuần, rơi vào tháng 5 và tháng 8 của mỗi niên học. Trong suốt những ngày nghỉ này, sinh viên Tây cồ hầu hết rời ký túc xá về xum họp với gia đình, trong khi đám Kiwi tụi tôi chẳng có nơi nào để về, nên đành phải lặng lẽ luẩn quẩn trong ký túc xá vắng như chùa bà đanh, thỉnh thoảng đụng đầu hay cùng với các du sinh viên "đầu đen" (từ Mã Lai, Thái, Singapore, Cam Bốt) khác, nấu nướng cho quan bữa.

Nguyên do bị chổng dễ thấy hơn là định nghĩa thế nào là chổng. Có thể kể ra: vì phải lớn lên trong một khung cảnh văn hóa, lối sống khác lạ, nhiều thứ (như môn thể thao quốc gia là bóng bầu dục - rugby - quá mạnh bạo, uống bia nẫu ruột vì không uống với đồ nhậu) không thích hợp với người Việt Nam. Hàng hóa như quần áo thời trang, dụng cụ điện tử, âm nhạc, điện ảnh phẩm chất dở, mà giá lại mắc. Ngoại trừ các quán bán thực phẩm căn bản (dairy products), các cửa tiệm hàng hóa khác đều đóng cửa sau 6 giờ chiều, và hai ngày cuối tuần, trừ thứ sáu được mở thêm 3 tiếng nữa. Vì vậy, thời gian sinh viên không bắt buộc phải có mặt ở lớp học hay phòng thí nghiệm lại chính là lúc đường phố TTL trông chẳng khác chi thành phố chết.

Thêm nữa, Kiwi chúng tôi ở cái tuổi mới lớn, mà lại phải sống không có thân nhân bên cạnh, thiếu người hướng dẫn, nâng đỡ; Bị cách biệt với quê hương nên không có những tiêu khiển thích hợp với thị hiếu văn hóa của mình; Tỷ lệ giữa trai và gái Kiwi quá chênh lệch - trai thừa, gái thiếu - khiến số lượng cặp kè lứa đôi rất giới hạn. Ðây cũng là lý do tại sao nhiều nam Kiwi bị chổng nặng hơn nữ Kiwi.

So với Tây cồ, rõ ràng Kiwi chúng tôi thiếu những cơ hội, phương tiện, tiết mục, cũng như đối tượng để xả hơi, quân bình đời sống, trong khi vẫn phải cố gắng liên tục lo chuyện học hành, thi cử. Tóm lại, ngoại trừ những phương tiện học hành, TTL không phải là môi trường sinh sống có ý nghĩa, thích hợp cho người Việt Nam cả về vật chất, lẫn tinh thần.

Cho đến giờ này, tôi vẫn còn có thể hình dung ra những ngày tháng 8, trong tiếng nhạc từ máy nghe nhạc phát ra, tôi đã như đang đóng vai:

"Người nằm co, như loài thú, khi mùa đông về
Người nằm yên, không kêu than, buốt xương da mình"
(Trịnh Công Sơn)

có khi cả buổi - trong căn phòng trọ lạnh lẽo, hoang tàn ở số 19 đường Armagh, ngay giữa Christchurch, chỉ cách bờ sông Avon thơ mộng vài phút đi bộ. Bên ngoài cửa sổ là những cành lá xanh lay động theo mưa rơi, và gió quạt, chẳng khác gì những câu ca như:

"Nhiều đêm, cô đơn nhìn cây trút lá
Buồn qúa, cơn mưa hắt hiu
Ðưa hồn về trong cô liêu"
(Lam Phương)
hay:

"Chiều chủ nhật buồn,
Nằm trong căn gác điù hiu”
(Trịnh Công Sơn)

Phải đã từng sống những tháng ngày dài trong những khung cảnh như thế, người ta mới có thể hiểu tại sao bài hát nổi tiếng Dimanche Triste, khi mới được phát hành ở Âu châu, đã khiến cả trăm thanh niên quyên sinh. Kiwi cũng là người, đâu khác gì các thanh niên ở Aâu châu kia. Cho nên có người buồn quá, chịu không nổi cơn chổng hành, đã tự tử. Ở Christchurch, một Kiwi leo lên ôm cột điện chết cháy; Ở Auckland, hai người khác - một treo cổ, một uống thuốc độc - đã được cứu kịp. Bộ Ngoại Giao TTL đã phải hốt hoảng tìm mọi cách làm cho đời sống Kiwi vui tươi hơn. Nhờ vậy có một lần tôi đã được đài thọ vé máy bay từ Christchurch lên Wellington chỉ để mang cái … mồm (!) góp tiếng hát với nguyên một phái đoàn văn nghệ trình diễn khuân vác theo đủ mọi loại đồ nghề, nhạc cụ.

Ngấm cơn chổng hành hạ, có Kiwi đã cay đắng than: "Tưởng được du học Tân Tây Lan là sung sướng lắm, có đâu ngờ đã trở thành những Mít Chổng tu ở … chùa Tân Tây Trúc’!" Dưới mái chùa Tân Tây Trúc, mỗi Kiwi đã phải tự tìm ra những phương cách cầm cự với nạn chổng khác nhau. Riêng tôi đã tận dụng lời ca, tiếng nhạc như phương tiện chính giúp chống đỡ với những cơn bệnh chổng trầm kha. Nhạc Việt trở thành "sợi giây" nối tôi với Nhịp Ðập Của Giòng Chính ở Việt Nam, trong hoàn cảnh sách báo tiếng Việt rất giới hạn. Cùng với lúc cuộc chiến Việt Nam leo thang khốc liệt nhất, những năm 1965 – 1975 đã lại là giai đoạn nhạc Việt Nam phát triển vừa hay, vừa sinh động nhất. Các sáng tác của các nhạc sĩ như Trịnh Công Sơn, Lê Uyên Phương, Ngô Thụy Miên, Nguyễn Trung Cang, được diễn tả qua những giọng ca như Khánh Ly, Lệ Thu, Elvis Phương, Lê Uyên Phương, có khi với nhạc đệm của các ban nhạc như Phượng Hoàng, quả có giúp tôi sống còn qua các cơn chổng.

Liên tục hàng năm, một phần để đáp lại lòng hiếu khách của các người bạn bản xứ, Kiwi chúng tôi đã tổ chức nhiều lần những buổi tiếp tân các khán giả bản xứ được in trên thiệp mời là Vietnamese Evening. Ở đó, các màn trình diễn như ca hát, nhạc cảnh, đàn, múa, cùng với triển lãm y phục cổ truyền, sản phẩm sơn mài, và các món ăn thuần túy Việt Nam được trình làng.

Bây giờ nhìn lại phải công nhận là nghệ thuật trình diễn - nhất là về múa - của Việt Nam thật là giới hạn so với các nước lân bang như Thái hay Lào. Những màn như múa đũa, múa lụa, múa nón, v.v. trình diễn thời Kiwi thật sự chỉ là bịa ra, chế biến bởi các đạo diễn không chuyên nghiệp, chứ không có trong nghệ thuật có bài bản của Việt Nam. Biết thế, tôi lại càng thấy thương và phục hơn những nữ Kiwi đã đổ hơi sức ra tập luyện các nhạc cảnh, và đã có can đảm và tự tin, khơi khơi múa … như thật (?!) trước mắt hàng trăm các quan khách ngoại quốc!

Làm Master of Ceremony cho các Vietnamese Evening là một Kiwi đàn anh rất giỏi tiếng Anh – cả nói lẫn viết. Cuốn sách bằng Anh ngữ đầu tiên và độc nhất viết về các Kiwi xuất bản ở TTL là do Kiwi tài hoa này viết. Tôi vẫn còn nhớ câu mào đầu in ở trang đầu cuốn sách là "Let there be Nights!" Tôi đoán có lẽ tác giả đã soạn tác phẩm đó trong những đêm tối trời ở Christchurch, và bắt chước câu "Let there be Light!" trong kinh thánh.

Riêng với giữa những Kiwi với nhau, những buổi nấu nướng, ăn uống, văn nghệ, hội họp - có khi trang trọng như những "Annual DinnerTây hầu Mít, rót rượu, bưng gà" (TNS) - hay phát hành báo chí cũng đã giúp quên đi một phần nào nạn chổng ở TTL.

Tôi còn nhớ đã có lần tôi đã từ Christchurch bay Air New Zealand lên Wellington, với "sứ mạng" chỉ là để mua cho được … mấy chai nước mắm có mùi vị chẳng khác gì nước muối! Nước mắm chỉ có bán ở một tiệm tạp hóa Trung Hoa nằm ở phiá sau đại lộ Lambton Quay được ruôn ra từ một thùng thiếc, mà tôi để ý, chẳng thấy có nhãn hiệu gì! Tôi đã ôm hộp giấy đựng mấy chai này khư khư trên ghế máy bay như ôm bảo vật! Khi hạ cánh ở phi trường Christchurch, tôi đã được chờ đón bởi một vị Kiwi đàn anh - mới nghỉ hè ở Việt Nam qua, có mang qua bánh tráng khô, miến & nấm khô - và một Kiwi đàn chị, người sẽ sẵn sàn quấn món chả giò hiếm hoi cho nhiều Kiwi khác cùng thưởng thức, ngay khi có nước mắm là chất liệu duy nhất còn thiếu!

Tờ báo đầu tiên của Kiwi là tờ Cảm Thông do tất cả ba sinh viên ở Palmerston North phát hành vào năm 1966. Ít ai không xúc động khi lần đầu tiên được đọc những dòng chữ Việt viết về mình, bởi những Kiwi khác cùng trong hoàn cảnh, đời sống xa nhà như mình. Tuy nhiên vì phương tiện của ba người trong ban chủ trương có giới hạn, nên Cảm Thông đã tự ý đình bản sau vài ba số, để nhường chỗ cho tờ007 Ngàn Dặm.

"Giai Phẩm Tháng Tư" năm 1967 của các Kiwi ở trường kỹ sư Ardmore chỉ ra một lần, rồi không bao giờ thấy tái xuất hiện. Phải đọc cho hết nội dung hơi thô tục, thể hiện một sự xả hơi tối đa của ban biên tập (được đăng lại trên 7ND On-line), người ta mới có thể hiểu nạn nhân của bệnh chổng ở TTL đã bị "trấn thương" trầm trọng như thế nào. Ðáng để ý là hai bài viết bởi hai Kiwi ’65, không đồng ý với các bài viết khác trong Giai Phẩm Tháng Tư: Tác giả "Văn", đã nhận định rằng "Tờ ‘báo’(?!) này có thể mang một gía trị ‘lịch sử’(!) như những con tem xưa, vì in sai nhưng bởi chỉ có một mẫu mà thôi."

Khác với Cảm Thông, và Giai Phẩm Tháng Tư, tạp chí "007 Ngàn Dặm" đã sống lâu nhất, với - như một truyền thống - ban biên tập đã được luân phiên thay đổi từ khi ra đời. Theo ban chủ trương, tên tờ báo tượng trưng khoảng cách đo bằng cây số giữa Việt Nam và Tân Tây Lan; Vì số "7" trùng hợp với số hiệu của điệp viên nổi tiếng James Bond, nên hai số "00" đứng đầu cũng được giữ luôn cho thêm phần kỳ bí!

007 Ngàn Dặm được ra mắt lần đầu tiên vào năm 1966 cũng từ Auckland. Nay sau suốt 35 năm, tờ báo vẫn còn tiếp tục được phát hành, dù có nhiều lúc ngắc ngoải trông thấy, tưởng đã vĩnh viễn ra đi. Trước năm 1975, tòa soạn đã được luân phiên đặt ở Auckland, Christchurch, Wellington là ba thành phố chính của TTL. Sau 1975, 007 Ngàn Dặm đã từng được ấn hành ở Úc, Hoa Kỳ, trở lại Auckland, mới năm ngoái qua lại Úc, và hiện nay trách nhiệm phát hành trong tay một Kiwi ở Montréal, Gia Nã Ðại, người đã không nề hà công sức, đưa 007 Ngàn Dặm lên Liên Mạng điện toán  từ nhiều năm nay.

Nội dung của 007 Ngàn Dặm thay đổi bất ngờ, và có thể gọi là "thượng vàng, hạ cám". Mục lợi ích nhất, có lẽ vẫn là danh sách địa chỉ của khoảng gần 200 các Kiwi sinh sống ở khắp các nơi trên thế giới. Có nhiều thân hữu là cựu sinh viên du học ở các nước khác rất ngạc nhiên và thán phục khi biết tờ tạp chí từ thời còn là sinh viên của các Kiwi vẫn còn được tiếp tục ấn hành. Có lẽ phải đã từng nhiễm … chổng nặng lắm mới có thể duy trì một tập san … chổng lâu như thế!

Ðể tìm cách hóa giải nạn trai thừa, gái thiếu, một Kiwi đã nẩy ra sáng kiến nhờ thân nhân ở Sài Gòn gửi lên mục "Tìm Bạn Bốn Phương" của báo Văn Nghệ Tiền Phong, với nội dung "Sinh viên du học, cao 1 thước 60, (…) đang cô đơn, cần tìm bạn gái, không phân biệt tuổi tác, tôn giáo, sắc diện. Ưu tiên hồi âm cho những thư nào có kèm theo ảnh. Xin liên lạc: Mr. Hoàng Tuấn Vũ, địa chỉ (…) Christchurch, New Zealand." Tên là tên hiệu, và tất cả những đặc điểm hơn người đã được hơi … phóng đại (!), nhưng địa chỉ là có thật - của Kiwi này ở Christchurch. Khoảng hai tuần sau, trước sự kinh ngạc của hàng xóm cũng như chính Tuấn Vũ, mỗi ngày có từ 200 đến 500 lá thư từ Việt Nam nhét tràn cả thùng thư! Tuấn Vũ đọc một mình không xuể, đã phải chia thư cho một nhóm các Kiwi thân tín để mọi người có dịp … điểm thư! Tôi nhớ trong số thư tôi được đọc, có thư của một … gã đực rựa (!) ở Sài Gòn với lời lẽ hơi cộc lốc. Tôi đã có trả lời anh bạn này bằng cách kèm một cái hình chụp tượngThinker nổi tiếng của Rodin với vài chữ như sau: "Tặng bạn cái hình Tuấn Vũ đang ngồi chơi ở viện bảo tàng Christchurch!" Sau một thời gian không khí có được thay đổi, chuyện đọc và viết thư rồi cũng không đi đến đâu, và tình trạng chổng của các nam Kiwi vẫn như chẳng có gì thay đổi.

Kỳ nghỉ tháng 5, năm 1970, trong khi đang chuẩn bị chổng bình thường, tôi được các anh chị Kiwi giao cho công tác lái xe xuống bến tầu Christchurch đón "phái đoàn" một nhóm các cô mới từ Việt Nam qua du học ở Wellington xuống thăm. Làm thế nào mà tôi đã ngủ quên - trong một studio không có điện thoại - qúa giờ hẹn, đến lúc thức dậy thì đành lần đến flat của một đàn anh Kiwi, vì đã đến giờ hội họp ăn tối theo chương trình đã định, trong lòng lo không biết có vị khách nào bị thổ dân Maori bắt cóc ở bến tầu. Tôi đã hú hồn khi được cho biết tất cả mọi người trong phái đoàn đều đã được "tài xế" khác đến đón đầy đủ. Thề mà không ngờ hôm đó lại chính là:

"Ngày đó có em đi nhẹ vào đời
Và đem theo trăng sao, đến với trời thơ nuối"
(Phạm Duy)

Vì đây là lần đầu tiên tôi được gặp trong số các khách từ Wellington xuống, một người con gái mà 5 năm sau, đã trở thành người bạn đời của tôi.

Cuối năm 1971, tôi đã hoàn tất việc học ở đại học Canterbury – Christchurch, và dọn lên Wellington đi làm thực tập trong Nha Ðiện Lực TTL. Ở đây tôi lại có dịp được nếm lại hoạt cảnh gió gào, và mưa lũ trong ánh đèn vàng của Wellington:

"K inh thành … ôi lộng gió
nh tai … tiếng cable car
ellington … ánh đèn vàng mờ ảo
n hình … gái Việt dáng kiêu sa"
(Cali Bê Bê)

Chưa kể gần 200 bậc thang từ đường Willis dốc ngược lên đại học Victoria dễ dàng làm xụm bà chè bất cứ một du khách ngây thơ hay lạc quan nào!

Ngoài ra, tôi cũng đã được gặp lại một Kiwi khác qua sau tôi một hai năm, bắt đầu cũng đã học ở Christchurch, nay đổi trường, cư ngụ trong một căn gác trọ nằm trên một sườn đồi - thơ mộng như Ðà Lạt - ở Wellington. Kiwi này đã khiến tôi phải chú ý ngay từ lúc mới từ Sài Gòn hạ cánh xuống phi trường Christchurch: Một tay khệ nệ - thay vì vali quần áo lỉnh kỉnh như những du sinh viên khác - một cái tapeplayer Akai loại để bàn, vừa nặng, vừa cồng kềnh, thấy rõ là loại đắt tiền; và tay kia: một bọc cả chục những băng nhạc thịnh hành nhất, mang bao nhiêu là hơi hướm của Sài Gòn. Lúc đó tôi đã vừa thích thú - vì thể nào chẳng được nghe ké! - vừa ngạc nhiên hỏi thầm trong bụng: Tên này lần đầu tiên vừa đặt chân đến TTL làm sao đã biết ở đây có bệnh chổng?!

Tôi đã nhiều lần nằm trên sàn gỗ, cùng với gác chủ nghe nhạc, uống cà phê, hút thuốc lá - là ba thứ chẳng bao giờ thiếu ở bất cứ nơi nào Kiwi này ở. Có lần khi đang nghe một bản tình ca của Ngô Thụy Miên, chủ và khách cũng có trao đổi vài câu vớ vẩn như sau:

 Ngô Thụy Miên - chử chi mà lạ qủa! Chặc phải là tên hiệu, hổng biết cỏ nghỉa là gì hông?
 À, cái này thì phải biết chữ Nho, chữ Hán: Ngô là ngộ, tức là Tôi; Thụy có nghĩa là Ngủ; và Miên là Hoài; Ngô Thụy Miên có nghĩa là ‘Tôi Ngủ Hoài’!"
 Uả, dzậy hả, interesting! Mà bạn có ‘sua’ không?
 Tin hay không, tuỳ bạn! Vấn đề là: Người ta nhờ ngủ hoài mà đã sáng tác ra những bản tình ca nghe tê tái như thế; Còn mình cứ chổng tối ngày, chỉ giỏi làm … bố chó xồm (!), vừa tốn cà phê & thuốc lá, vừa nẫu cả người ra, chán thật!"

Cũng trong thời gian làm việc ở Wellington, tôi có theo dõi diễn tiến làm việc của các Kiwi đã về nước, để chuẩn bị cho ngày về của mình. Tôi còn nhớ người mà tôi để ý đến nhất là anh Bùi Hồng Cẩm với chương trình TWI. TWI là chữ viết tắt của Training Within Industry - một chương trình huấn nghệ để phát triển hiệu năng trong các cơ xưởng kỹ nghệ - đã được anh Bùi Hồng Cẩm sau khi tốt nghiệp, mang từ TTL, về phổ biến ở Việt Nam với sự tiếp tay của một số Kiwi khác. TWI đã được công nhận bởi chính phủ Việt Nam Cộng Hoà trong một buổi lễ trang trọng ở khách sạn Majestic ở Sài Gòn. Tôi vẫn mơ tưởng với Việt Nam năm 1970, TWI đã có thể cải biến kỹ nghệ Việt Nam tương tự như phương pháp Statistical Process Control của tiến sĩ Edwards Deming, đã cách mạng phẩm chất sản phẩm kỹ nghệ Nhật Bản thành nổi tiếng trên thế giới từ sau Thế Chiến thứ II. Tiếc thay, bài báo tôi được đọc về buổi lễ ra mắt của anh Cẩm đã là tin tức độc nhất về TWI.

Cuộc sống làm Kiwi của tôi chính thức chấm dứt tháng 8 năm 1972, khi tôi quyết định xin thôi làm ở Nha Ðiện Lực TTL ở Wellington để về Việt Nam.

Tại Sài Gòn, nhiều Kiwi có dịp gặp lại nhau trong các sinh hoạt của hội VANZA. VANZA là tên viết tắt của "Vietnamese, Australian & New Zealander Association". Hội viên của VANZA gồm có các cựu sinh viên đã tốt nghiệp ở các đại học Úc và TTL, cũng như các nhân viên sứ quán Úc, và TTL ở Sài Gòn. VANZA thường tổ chức các buổi họp mặt có trình diễn văn nghệ sống, và ăn uống thường do các sứ quán ngoại quốc đài thọ; Lý do: VANZA cũng là nơi nhân viên các sứ quán có thể thu thập, cũng như trao đổi tin tức với thành phần chuyên viên, trí thức Việt Nam đang giữ những chức vụ quan trọng trong chính quyền cũng như các cơ quan tư nhân. VANZA được thành lập một phần là để đối lại với AUAA (American University Alumni Association, thường được gọi đùa là "hội Ú A Ú Ấ") với các hội viên đã được huấn luyện ở Hoa Kỳ về.

Cho đến tháng 4 năm 1975, Colombo Plan có thể coi như đã đạt được mục tiêu đã đề ra của các quốc gia tiền tiến có lòng tốt muốn trợ giúp Việt Nam. Cả hai, ba trăm chuyên viên kỹ thuật thuộc đủ mọi ngành nghề mà Việt Nam rất cần cho nhu cầu phát triển như kỹ sư cầu cống, kỹ sư cơ khí, kỹ sư điện, kỹ sư hóa học, kỹ sư nông lâm súc, kỹ sư thực phẩm, chuyên viên kế toán, quản trị, tài chánh, kinh tế, điện toán, v.v. đã tốt nghiệp cử nhân, cao học, hay tiến sĩ tại các đại học ở TTL. Ngoại trừ một số đếm được trên đầu ngón tay không về nước, hầu hết đã giữ đúng lời hứa khi nhận học bổng, trở về phục vụ Việt Nam ngay trong những năm cuộc chiến Việt Nam còn đang sôi động nhất.

Những người có sáng kiến lập ra Colombo Plan chắc phải mãn nguyện lắm, vì đã tạo ra một hoàn cảnh mà cả ba phiá đều có lợi: Thứ nhất, các quốc gia viện trợ cụ thể hoá được lòng tốt của mình, đồng thời tránh được tệ nạn thất thoát phí phạm thường thấy trong các chương trình viện trợ như bằng phẩm vật, hàng hóa, dịch vụ, hay tài chánh; Thứ hai, Việt Nam có thêm một số chuyên viên có đủ kiến thức cần thiết cho công cuộc phát triền; Thứ ba, người nhận học bổng tự nhiên có cơ hội và phương tiện du học miễn phí, cho đến khi thành tài, nhờ có sẵn bằng cấp chuyên môn ngoại quốc, lại được nắm giữ những chức vụ quan trọng, do đó dễ có mức sống vật chất đầy đủ hơn những bạn bè đồng lứa.

Trong nhóm Kiwi ’65 gồm 14 người chúng tôi: 1 mất năm 1967 vì bạo bệnh, 12 đã trở về Việt Nam sau khi tốt nghiệp, trước biến cố 1975, và chỉ có 1 đã không về.

Biến cố 1975 đã làm xáo trộn và gián đoạn diễn tiến tốt đẹp của Colombo Plan. Vì tình hình chính trị bất ổn, bất an, và nhất là chính sách phân biệt, kỳ thị thành phần/gốc gác ở Việt Nam, hầu hết những chuyên viên Việt Nam được đào tạo ở TTL đã lánh nạn bỏ nước ra đi, mỗi người theo một phương cách và ở thời điểm do các cơ hội khác nhau.

Hai mươi sáu năm sau biến cố 1975, đa số cựu sinh viên Việt Nam du hoc TTL đã phân tán đi khắp các nơi trên thế giới. Ðông nhất là ở Mỹ, rồi đến Úc. Ngoài một số vẫn còn ở Việt Nam từ 1975, một hai người lại từ ngoại quốc trở về Việt Nam sinh sống.

Riêng cho nhóm Kiwi ‘65 của chúng tôi, từ biến cố 1975, bằng máy bay lớn, trực thăng vận, hay làm thuyền nhân vượt biển, cả 12 người trước đây đã về nước sau khi tốt nghiệp ở TTL, đều đã thoát khỏi Việt Nam, và hiện phân tán tái định cư như sau:
– Mỹ: Trần Ðức Phong, Nguyễn Võ Tiếp, Lê Thiên Luân, Phạm Huy Trác, Dương Chí Thành, Chu Kim Loan, Trương Kim Ngọc, Dương Vân Tuyết, và Nguyễn Anh Giao.
– Úc: Nguyễn Văn Ưu, Ngô Tùng Huỳnh, và Cao Mạnh Tiến.
Những ngày đầu định cư thường rất thảm thương. Hãy nghe một Kiwi trong nhóm, đã tốt nghiệp Ph.D. về civil engineering ở Auckland trước khi về làm việc ở Quốc Gia Thủy Cục của Sài Gòn, rồi di tản qua TTL năm 1975, hồi tưởng lại:

"Date: Sat, 21 Jul 2001

Congratulations on your working memory: The big hotel we stayed in Sydney on the way to Wellington in late 1965 was indeed the Wentworth which was located on Lang Street. But bad news: that hotel was moved to a new site about 26 years ago.

I had another experience at the old site in about the middle of 1976: I fell asleep on the grass park in front of it after walking around town to look for a job after moving from New Zealand (NZ) penniless because I was state-less unqualified for any social benefits. Perhaps I was dreaming of that night back there 11 years before when all 13 of us running around!"

Kiwi này hiện đang hành nghề luật sư ở thành phố Sydney.

Tuy nhóm Kiwi ’65 tuy không thể được coi là tiêu biểu cho các Kiwi khác, nhưng cứ nhìn vào hình thái di cư của các Kiwi trong nhóm, người ta cũng có thể có một khái niệm về những phân tán hay/và tái tụ của hơn hai trăm các Kiwi khác, khởi thủy từ Sài Gòn năm 1957, qua Wellington - TTL, đến nay là khắp nơi trên thế giới.

Sau khi đã ổn định trên xứ người sau biến cố 1975, nhiều Kiwi đã trở thành những giáo sư đại học, giám đốc, chủ tịch, chuyên gia thiện nghệ trong các định chế, cơ xưởng công ty ở khắp nơi trên thế giới. Nhờ có liên lạc lại được với nhau trên xứ người, những tụ tập của Kiwi lại được gầy lại. Tuy nhiên thành phần tham dự đã khác trước. Con cái trong gia đình mỗi Kiwi mỗi năm một gia tăng, trong khi vì bị phân tán khắp nơi trên thế giới, hiếm có cơ hội số đông các Kiwi nguyên thủy có thể dễ dàng gặp lại nhau. Bữa tiệc có hình chụp đưới đây đã qui tụ được 17 Kiwi, không biết có thể coi là một kỷ lục hội họp sau năm 1975 hay không?

image003

Họp mặt cựu sinh viên du học Tân Tây Lan (và gia đình)
Irvine, California, Bắc Mỹ - July 5, 1997

Chú thích: Trong tổng số 17 Kiwi hiện diện, chỉ có 2 Kiwi ’65 là Lê Thiên Luân, và Nguyễn Anh Giao (hàng sau cùng, lần lượt số 6 và 8, từ trái)

Sự vượt biên hỗn độn chạy trốn chế độ cộng sản cũng là những thất thoát chất xám (brain drain) đáng kể. Trong khi nhiều Kiwi tị nạn - sau những khó khăn điều chỉnh ban đầu - đã dễ dàng trở thành rường cột của nước … người (!), Việt Nam bị tụt hậu so với những quốc gia lân bang, trở thành một trong 13 nước nghèo nhất trong tổng số gần 200 các quốc gia trên thế giới. Lúc làm Kiwi ở TTL, tôi đã lần đầu tiên được nghe những câu hát:

"Giọt nước mắt thương đất, đất cằn cỗi bao năm
Giọt nước mắt thương dân, dân mình phận long đong"
(Trịnh Công Sơn)
Hơn 30 năm sau – tức là hôm nay, chưa có dấu hiệu gì cho thấy Việt Nam đã hay sẽ khá hơn: Trong 6 tỷ người trên thế giới, gần 80 triệu người dân Việt Nam vẫn phải tiếp tục kiếp sống nghèo đói triền miên của mình, rõ ràng chưa được hưởng một lợi ích đáng kể nào từ những chuyên viên được huấn luyện bởi các chương trình viện trợ, trong đó có Colombo Plan.

Người ta có thể dễ dàng và tiện lợi đổ thừa cho hoàn cảnh đất nước, nhưng tôi có đọc và cứ nhớ mãi mấy câu Hà Sĩ Phu viết trong tập tài liệu "Ðôi điều suy nghĩ của một công dân" (Ðà Lạt – Tháng 5, 1993): "Tôi cũng toan xé bài viết này đi, vì thấy: nghĩ gì, nói gì cũng đếu vô nghĩa cả! Nhưng chợt nhìn vào những thứ mình đang ăn, đang mặc hàng ngày, nhìn vào cuốn sách đang xem, tôi tự biết mình là kẻ đã được ‘ăn chịu’ ở ‘Quán Ðời’ này qúa nhiều, nếu thản nhiên rũ áo ra đi thì hóa ra thằng ăn quịt!"

Sẽ chẳng có một tòa án nào xét xử, nhưng tôi vẫn cảm thấy một thứ "moral obligation" văng vẳng, ám ảnh đâu đây:

"Những Kiwi đã có ngửa tay nhận học bổng Colombo Plan hãy thử tự xét lương tâm mình: Ai có đã trả, ai đang trả, ai đã lợi dụng hoàn cảnh để quịt nợ, ai đã vô tình chẳng hề nghĩ rằng mình đang mang nợ, ai muốn trả mà chưa nghĩ/tìm ra cách trả nợ - Món Nợ Học Bổng Colombo Plan?"

Trên thực tế, mặc cảm này mỗi năm rồi sẽ mờ yếu đi, vì so với con số phỏng đoán 300 ngàn người Việt ở hải ngoại có bằng cử nhân hay cao hơn, chỉ có hai, ba trăm các Kiwi, nhất là lại đang lần lượt chuẩn bị về hưu, thì có đáng kể gì?

Một nữ Kiwi - có bút hiệu Ðộc Cô Cầu Chổng, từ Palmerston North ở TTL, trong 007 Ngàn Dặm phát hành tháng 6, năm 1999 - đã tóm tắt hoài niệm Kiwi như sau:

"– Anh hỏi tôi: Do we realize that most of us spent only 4-5 years in New Zealand (NZ), lived 20-25 years in Vietnam, have been living at least 20 or many more years outside Vietnam?

Why do we still talk and focus on the short time in NZ?
–Xin trả lời: There are probably many and different reasons why a number of die-hard ex Kiwis want to maintain the memories of their time in NZ. For many that period was the most enjoyable and significant time of their life, that was when they first experience "love", or lost their virginity, or achieved outstanding academic results, or became moderately insane, or all of the above reasons and more.

For me personally, it was the period during which I had to grow up in a hurry and learn how to be part of a wider community called Chổng. I also learned how to enjoy lamb! Today, my "Rack of lamb marinated in fish sauce and crushed garlic" is still unique in this part of the world, and is a favourite meal for the whole family.

It was also a fun time for most of us, when we look back, as we did not have to bear many responsibilities like we do now. And we played sports and we were fairly fit and healthy, and drank NZ beer by the jug full, and attended all those wine and cheese parties! and started a magazine called 7ND."

Có người sẽ hỏi, “Liệu nạn chổng có chấm dứt khi các Kiwi đã chính thức và vĩnh viễn rời mái chùa Tân Tây Trúc hay không?” Ðiện thư dưới đây có thể giúp trả lời thắc mắc này:

“Date: Thu, 30 Oct 1997
From: "thanh" <tnguyen@ … >
To: "Tuan Mai" <tmai@ … >
Cc: "Nguyen Giao" <cvakiwi@ … >
Subject: Still chổng after all these years?

Dear Tuấn:

To answer your curiosity, I am not playing guitar and/or singing again.
It all came about in one afternoon of a sunny day in Sterling, Virginia, USA when our Bác Giao appeared at my door, invited me out to eat dinner, and, then after the dinner, he did something unforgettable.
He stopped at a music store and bought a guitar with my money. He took the guitar back to my apartment (I lived in an apartment for three months, a few months ago) and began his endless series of emotional outbursts by continuously plucking my guitar and singing the songs of love at the top of his lung. He ignored all the door knocking, ceiling stamping, floor scratching and phone ringing from my neighbors above, below and surrounding my apartment.
He started in Vietnamese, switched to French and then English with the final come back in Chinese. He sat down on the couch at first but then he gradually rose to a standing position.
Finally, he began to run around the room on one leg bent at almost 90 degrees plucking the guitar non-stop. HE DID THIS FOR FIVE HOURS.
At 2:00 am in the morning, Bác Giao suddenly stopped. The heavenly quietness brought me back to life, I held my breath looking at him and waiting for the punch line. He looked at me and, with a very serious face, he said: "Thanh, that is what you should do. You must "chổng" again because that is the only way you can find yourself. I brought you this guitar so that you can no longer have excuses!"
That is how I become an owner of a guitar. As for the singing, that is the voice of Bác Giao, which is still ringing in my ears.

Chào,
NV Thanh”
Một cuộc tái hội ngộ các Kiwi sẽ được tổ chức tại Auckland – TTL vào cuối năm 2001. Ðể cổ động cho buổi hội này, nhiều bài thơ đã được phóng tác với mỗi câu được bắt đầu bởi từng mẫu tự kết thành các chữ EX-KIWI REUNION. Bài thơ sau đây của một cựu Mít Chổng ở Montréal – Gia Nã Ðại cũng có thể cho thấy di sản của thời chổng ở chùa Tân Tây Trúc trong tâm hồn Kiwi như thế nào:

É n với sea gull cũng một loài
a, gần, sao cứ bận lòng ai
hông, không, có, có thời không có
(trước,trước, sau, sau, phận đã bài)
m, động, chẳng qua cùng một thể
in, lose, tuy vậy vẫn không hai
Í t, nhiều, ai biết sao nhiều ít
a, vào, thôi cũng việc trần ai
Ê m hay là lộng, tùy tâm lộng
U uẩn, vui cười một dạ thôi
ắng, mưa, âu cũng là thiên tính
n hình rồi cũng sẽ hình phai
 , nếu xưa, nay, tình vẫn trẻ
hư Thiền có Chổng, chẳng hề sai
(TB)

*
* *

Ở San Diego - một thành phố nhỏ, góc tây nam Hoa Kỳ - có xa lộ 163 dẫn vào trung tâm thành phố, xuyên dưới một cây cầu đá, cao và dài, nằm dưới những tầng lá xanh dầy đặc của Balboa Park. Mỗi lần có dịp lái xe qua con đường này, nhìn ngược lên cây cầu, tôi lại có cảm tưởng như đang ở những con đường dốc loanh quanh của Wellington ngày nào. Quá khứ Kiwi lại được lồng vào thực tại, dù thực tại đang được nhắc nhở bằng những lời ca:

"Nói với người, tuổi xanh chóng phai
Khi thức dậy, chợt như lá bay
Nói với chân, đường xa đã đi
Không lối về, biển mù sương che
( … )
Nói với trời, rộng lượng mây qua"
(Phạm Quốc Bảo)

Vẫn biết rằng "Người ta không thể tắm hai lần ở một giòng sông", như một nhà văn nổi tiếng nào đó đã có viết, nhưng chuyện Kiwi dù đã bắt đầu cách đây cả 44 năm rồi, mấy ai có thể, muốn, nỡ, hay dám quên?


Người Thái Bình
San Diego, Hoa Kỳ