Saturday, 2 August 2014

Mợ tôi - Nguyên Giao



Mợ tôi



Nguyên Giao





Giống như nhiều gia đình khác ở Bắc Việt, anh, chị & em trong nhà chúng tôi gọi bố & mẹ tôi là Cậu & Mợ.

Sinh năm 1924 tại Thái-Nguyên, cuộc đời của Mợ tôi đã trải qua nhiều nơi từ Bắc, xuống Nam Việt-Nam, và sau cùng là Hoa Kỳ:

Mợ tôi là con gái ở Lạng-Sơn, nơi ông ngoại tôi làm Kiểm tra Giáo học;
Tôi có tìm được tấm hình chụp Cậu & Mợ tôi trong lễ cưới năm 1942 - lúc Mợ 18 tuổi - tại Hà Nội:



image002


Năm 1947, Mợ tôi - lúc 23 tuổi - ở Thái-Bình, nơi tôi được sinh ra.

Mợ tôi ở Hà-Nội năm 1953, nơi tôi được đi học trường mẫu giáo Sainte Marie, thuộc lòng như cháo những câu hát & học như, “Voici ma main! Elle a cinq doigts; En voici deux, en voici trois …”

Năm 1954, cùng với Cậu, Mợ mang cả gia đình di cư vào Sài-Gòn; Tại đây, những năm sau, lần lượt đàn gà 7 trai & 2 gái, tíu tít chung quanh Mợ;

Năm 1974, Mợ tôi thành quả phụ, khi Cậu qua đời vì bạo bệnh;Từ năm 1986, Mợ tôi định cư tại San Diego, ở với con gái thứ.

Như một đàn gà có nhiều nhu cầu của tuổi mới lớn, tính tình ngỗ nghịch, không ai hợp với ai, chẳng ai nhịn ai, 9 con gà con đã làm gà mẹ có lúc bị khốn đốn với khả năng & phương tiện giới hạn của Mợ. Suốt những năm lớn lên ở Sài-Gòn, tôi chưa bao giờ thấy Mợ mặc một chiếc áo nào đẹp hơn, hay ăn một bữa cơm ngon hơn 9 đứa con. Thế nhưng lòng thương con của Mợ chẳng bao giờ thiếu, trải đều cho cả 9 đứa con - trong khi đứa nào cũng tưởng mình được Mợ yêu thương nhiều nhất - nên đã được, như người ta thường nói, “nên thân”.

Năm 1967 khi tôi đang du học năm thứ hai ở một trường đại học bên Tân Tây Lan,  Mợ đã đan tay một cái áo len mầu gạch cua, với trang trí nét Hy Lạp mầu trắng trên ngực, từ Sài Gòn nhờ người cầm tay mang qua, để tôi mặc ấm nơi xứ người. Đã bao đêm trường giá buốt, ngồi nhớ nhà Bảy Ngàn Dặm bên kia quả địa cầu, tôi - 20 tuổi - mang chiếc áo len ra, lật qua & lật lại, ướm lên ngực, ngắm nhìn trong gương, mường tượng thấy những ngón tay yêu thương của Mợ trong từng nút sợi len.

Năm 1987, lúc mới được qua Mỹ, em trai tôi có xích mích với một thanh niên hàng xóm, đưa đến vật lộn nhau trên vườn cỏ trước nhà ở khu Linda Vista; Trong khi mọi người có mặt chung quanh chưa biết nên phải làm gì, Mợ nhỏ nhẹ & nhưng rất rõ ràng:  "Ơ kìa … ; Không được đánh con tôi!" Gà mẹ 63 tuổi đã xòe hai cánh ra bao che cho con 32 tuổi, khi thấy diều hâu tấn công.

Trong những buổi hội họp có đông người, trông như chẳng để ý hay chú ý, nhưng Mợ tôi biết hết chung quanh: Ai tốt & ai xấu; Ai hay & ai dở; Ai trái & ai phải; Ai đúng & ai sai, … Nhưng Mợ nói chỉ vừa đủ, khi có ai hỏi. Tôi chưa bao giờ thấy Mợ tôi to tiếng với ai – người bên ngoài, cũng như với Cậu, và các anh, chị & em tôi trong nhà. Mợ là người bình dị, hòa nhã, có lúc với cái giá phải nhún, hay phải chịu thiệt & lép vế với nhiều người, có khi cả với con cái. Tôi cũng đã thấy Mợ tôi nhiều lần tận tình, giúp đỡ họ hàng & láng giềng.

Cuối năm 2013 Mợ có đi cruise rất vui với tiểu gia đình chú út; Thế mà sáu tháng sau, thật bất ngờ, Mợ tôi bị tai biến mạch máu não khi đang tưới cây & tỉa hoa trong vườn sau nhà. Suốt 5 tuần, hầu hết 30 con, cháu & chắt của Mợ đã từ khắp nơi trên nước Mỹ hàng ngày trực đêm, chăm sóc Mợ. Biết là mình bị bạo bệnh, có một lúc Mợ đã khóc rấm rức trên giường bệnh,  "Mợ không nỡ … “, mà tôi đoán, đã không nói cho hết câu, là: “ … lợi dụng sự chăm sóc, làm khổ con cháu!”

Qua hai giấc mơ Mợ tôi kể lại, tôi tin Mợ tôi đã có qua & lại ranh giới âm & dương. Một tối trong phòng bệnh viện, chú út có đệm đàn Tây Ban cầm cho tôi hát bài Làng Tôi, do nhạc sĩ Chung Quân – sau này là thầy dạy nhạc của tôi ở trường trung học Chu Văn An - phổ biến năm 1952 ở Hà Nội; Mợ tôi giơ hai cánh tay gầy yếu ra khỏi chăn, khều khào vỗ tay. Sáng sớm một ngày giữa tháng Sáu, năm 2014, trong tay chú út, Mợ tôi đã bước qua chặng cuối của “Sinh Lão Bệnh Tử”. Năm mươi bốn năm trước, chú út khi ra đời, là người con độc nhất được đặt tên đệm giống của Cậu.

Trước giờ di quan, trong lễ an táng – có sự tham dự của rất đông các anh & chị em hai họ nội & ngoại trong đại gia tộc - cho Mợ, tôi đã xin được thay lời Mợ, cám ơn chính phủ Mỹ đã cấp dưỡng đầy đủ & chu đáo Mợ suốt 27 năm sống trên xứ người.

Đồng thời tôi cũng đã xin được thưa với Mợ, và cầu với Trời:

Bao la như biển Thái Bình
Đàn gà chín đứa mới nên thân người
Hôm nay, Trời gọi Mợ đi
Chúng con thương tiếc, tiễn đưa Mẹ hiền
Ai không mất mẹ một lần
Nhưng sao nước mắt hai hàng cứ tuôn
Cầu xin Thượng đế trên trời
Thiên đàng mở cửa, Mợ tôi được vào

Khi Thế chiến thứ II chấm dứt, hầu hết thành phố Luân Đôn tan tành thành bình địa vì các trận mưa bom của máy bay Đức Quốc Xã. Ở một giáo đường, giữa đống gạch vụn, người ta thấy chơ vơ chỉ còn sót lại một bức tượng Chúa Jesus bằng đá cẩm thạch trắng, có hai cánh tay đưa ra bị gẫy mất. Trở lại ngày hôm sau, có ai đã cột vào cổ bức tượng mất tay một bảng gỗ, trên có nguệch ngoạc giòng chữ, “Từ nay, chúng ta sẽ chỉ còn có cánh tay của chúng ta mà thôi … “.

Mợ đi rồi, liệu tôi có mất đi xuất thân – tức là xuất xứ của thân thể/thế? Tôi chắc là “Không!”  vì nơi sinh của Mợ - tỉnh Thái Nguyên - cũng là nơi người bạn đời của tôi chào đời 26 năm sau. Liệu có phải chỉ là tình cờ khi Mợ tôi qua đời trong căn phòng có cửa sổ nhìn qua bệnh viện Pomerado, nơi con trai lớn của vợ chồng chúng tôi, ra đời 36 năm năm trước?

Vả lại, chỉ cần luồn tay vào giữa bụng, cuống rốn của tôi lúc nào cũng vẫn còn ở
đó, đâu có biến đi đâu mất …

Nguyên Giao
San Diego, Hoa Kỳ

July 4, 2014