Thursday, 23 April 2015

Một Tia Hy Vọng Cho Cộng Hòa? - Vũ Linh

...một nửa dân Mỹ nghĩ bà Hillary không thành thật và không đáng tin, nhất là... hơi già
Ngày Thứ Hai 23/3, cuộc chạy đua vào Toà Bạch Ốc chính thức bắt đầu khi TNS Ted Cruz của Texas loan tin ông ra tranh cử. Hơn hai tuần sau, TNS Rand Paul thông báo ông cũng ra tranh cử. Một tuần sau nưã, bà Hillary Clinton và TNS Marco Rubio cũng xác nhận nhẩy vào cuộc. Còn khoảng 10 tháng nữa thì tiểu bang Iowa sẽ mở màn với cuộc bầu sơ bộ đầu tiên trong nội bộ cả hai đảng để tuyển ứng viên đại diện cho đảng ra tranh cử tổng thống tháng 11, 2016.

Về bà Hillary thì không có gì để bàn. Bất kể những màn kịch “lưỡng lự, chưa quyết định”,... cả thế giới đều biết bà sẽ ra tranh cử. Và bà đã chính thức tranh cử. Ngoài ra chưa một người nào khác lên ghi danh trong đảng Dân Chủ.


Cả ba ông Cruz, Paul và Rubio đều là thượng nghị sĩ mới trong nhiệm kỳ đầu, đắc cử năm 2012, do làn sóng Tea Party đẩy lên. Có thể nói thuộc thành phần cực hữu của đảng CH tuy ông Rubio tương đối ôn hoà nhất.

Trong Thượng Viện liên bang, có ba ông nghị sĩ gốc Cuba, là Ted Cruz của Texas, Marco Rubio của Florida, và Bob Menendez, Dân Chủ của New Jersey. Bây giờ hai ông Cruz và Rubio ra tranh cử tổng thống.

Nhiều người tỵ nạn Việt sẽ thắc mắc, chừng nào ta mới có ba thượng nghị sĩ gốc Việt trong Thượng Viện Liên Bang và hai ông tranh cử tổng thống? Nhưng đó là vấn đề khác.

Cả ba ông CH đều trẻ. Ông Cruz 45 tuổi, ông Paul, 52 tuổi, và ông Rubio 44 tuổi. Bà Hillary xấp xỉ tuổi cổ lai hy. Ông Paul là con của cựu dân biểu Texas, Ron Paul, một người đã liên tục ra tranh cử tổng thống hai ba lần nhưng đều thất bại. Cả hai cha con đều thuộc khuynh hướng Tự Do cực đoan, libertarism, chủ trương một chính phủ càng nhỏ càng tốt và tự do cá nhân là mục tiêu tối hậu của mọi chính sách.

Cả ba ông thượng nghị sĩ này hiển nhiên muốn theo gương TT Obama, vừa được bầu làm thượng nghị sĩ, mới ngồi có hai năm, đã nhẩy ra tranh cử tổng thống.

Quan điểm chính trị của ba ông không có gì mới lạ: bảo thủ tuyệt đối. Chống Obamacare, không chấp nhận phá thai và hôn nhân đồng tính, đòi hỏi tự do cá nhân tối đa, kể cả quyền sở hữu súng, chống di dân bất hợp pháp. Cổ võ việc tôn trọng những giá trị căn bản của văn hoá Mỹ và thiên chúa giáo. Về kinh tế, chủ trương cân bằng ngân sách, giảm thuế, cắt chi tiêu. Ông Cruz còn chủ trương đóng cửa sở thuế IRS, chỉ có một mức thuế duy nhất, không lũy tiến.

Không lũy tiến tức là nhà giàu hay nhà nghèo cũng đóng thuế cùng một tỷ lệ. Nghe có vẻ không công bằng. Nhưng trên thực tế, bỏ hết các loại khấu trừ sẽ khiến mấy ông nhà giàu không trốn thuế được, vì thông thường chỉ nhà giàu mới hưởng được đủ loại khấu trừ và khấu trừ chính là chỗ mấy ông đó khai thác kẽ hở để trốn thuế. Không còn cảnh mà TT Obama than vãn, là ông tỷ phú đóng thuế ít hơn cô thư ký. Việc giản dị hoá này giúp giảm giấy tờ, giảm cách trốn thuế, do đó đóng cửa IRS cũng được. Đề nghị thuế này hiển nhiên không thực tế, rất ít hy vọng thực hiện được.

Ông Rubio có đặc điểm là đã đề ra một giải pháp cho vấn đề di dân bất hợp pháp, tương đối ôn hoà hơn hai ông Cruz và Paul nhiều. Nhưng cũng như những đề nghị trước đó của TT Bush hay TT Obama, đều thất bại. Chỉ vì đại đa số dân Mỹ vẫn không chấp nhận bất cứ hình thức ân xá nào.

Chưa biết chạy đua sẽ như thế nào, chỉ thấy các anh em bảo thủ song sinh giống hệt nhau, con đẻ của Phong Trào Tea Party, tranh nhau rồi. Chắc phải đổ xí ngầu hên xui may rủi mới biết bầu cho ông nào. Tỷ lệ hậu thuẫn của ông Cruz trong nội bộ đảng CH vẫn chưa tới 5%, trong khi ông Paul và Rubio lảng vảng khoảng dưới 10%. Con đường còn dài lê thê.

Ngoài ba ông CH, Cruz, Paul, và Rubio ra, cho đến nay còn có ít nhất một chục ông bà CH khác đang ngắm nghé. Sao nhiều người thế? Lý do khá giản dị: TT Obama đang gặp quá nhiều rắc rối và bất mãn, trong khi phe Dân Chủ không có ai ngoài bà Hillary Clinton, mà bà này cũng đang gặp khó khăn. Việc bà Hillary đắc cử dường như không còn là chuyện chắc ăn 100% nữa. Một cánh cửa hé mở cho CH?

Trước hết nói về những khó khăn của TT Obama.

Một thăm dò dư luận mới toanh của đài truyền hình phe ta CNN đã đưa ra những con số làm nhiều người... chưng hửng!

Được hỏi ứng viên tổng thống lý tưởng nhất là người như thế nào, trong 10 người thì có 6 (59%) chọn một nhà lãnh đạo có kinh nghiệm hành pháp, hay kinh nghiệm điều hành cụ thể, chẳng hạn như Thống Đốc một tiểu bang hay Tổng Giám Đốc công ty kinh doanh lớn nào đó, thay vì một nghị sĩ hay dân biểu chỉ giỏi … võ miệng.

Ở đây, ta thấy hệ quả của việc bầu TT Obama, một thượng nghị sĩ giỏi võ miệng nhưng không có chút kinh nghiệm hành pháp gì hết. Hiển nhiên cử tri Mỹ đã ớn cuộc thử nghiệm này rồi.

Điểm này sẽ gây bất lợi cho cả ba ông ứng viên CH Ted Cruz, Rand Paul, và Marco Rubio, đều là thượng nghị sĩ không có kinh nghiệm hành pháp gì hết. Ông Cruz là giáo sư luật, ông Paul là bác sĩ chữa mắt, ông Rubio trước khi làm nghị sĩ thì lại là dân biểu. Nhưng mang lợi thế cho các thống đốc hay cựu thống đốc như Jeb Bush, Scott Walker, Chris Christie tuy ba ông này chưa ông nào chính thức ghi danh.

Nhưng thăm dò với kết quả “động trời nhất” là trong 10 người, cũng có gần 6 người (57%) cho rằng tổng thống hoàn hảo cho tương lai phải là người sẽ... thay đổi phần lớn các chính sách của TT Obama! (57% say their perfect Obama successor would change most of the policies enacted by Obama's administration.)

Câu hỏi không rõ ràng cũng như không chi tiết, nên không ai hiểu những chính sách của TT Obama cần phải được thay đổi là gì. Chính sách đòi tăng thuế “nhà giàu”, tiêu xài vung vít mắc nợ như chúa chổm, obamacare, hay chính sách chống khủng bố đã thất bại hoàn toàn, mâu thuẫn ngày càng lớn với đối lập, việc lấn quyền quốc hội hay gì gì khác? Chỉ biết đại khái gần 60% cử tri Mỹ muốn tổng thống mới phải bỏ các chính sách của TT Obama. Một tin không lấy gì làm phấn khởi cho ông tổng thống đang lo vun xới gia tài của mình. Nhưng là một đại họa cho các ứng viên Dân Chủ muốn ra tranh cử dựa trên các thành quả của TT Obama, đặc biệt là Obamacare. Chắc chắn bà Hillary sẽ phải nghiên cứu kỹ kết quả thăm dò này.

Đã vậy, TT Obama lại còn đang gặp vấn nạn lớn với quốc hội về vụ Iran mà bài viết tuần rồi đã bàn qua. Để cập nhật vấn đề, Tiểu Ban Ngoại Giao của Thượng Viện đã biểu quyết 19-0 dự luật đòi hỏi hiệp ước với Iran phải được phê chuẩn bởi quốc hội mới có hiệu lực. Tất cả các nghị sĩ CH và DC đều bỏ phiếu thuận. Lần đầu tiên trong 6 năm dưới TT Obama mà Thượng Viện đã có được một biểu quyết lưỡng đãng thuần nhất 100% như vậy, mà lại là biểu quyết chống TT Obama. Một thông điệp không thể nào rõ hơn cho TT Obama. Những khó khăn của TT Obama là tia hy vọng đầu tiên của Cộng Hoà.

Tia hy vọng thứ hai là bà Hillary đang vướng mắc vào hai chuyện càng ngày càng rắc rối.

Trước hết, chuyện email. Bộ Ngoại Giao loan tin bà Hillary, khi rời chức Ngoại Trưởng đã không ký giấy cam kết đã trao cho bộ tất cả giấy tờ hồ sơ liên quan đến công tác ngoại giao của bà, trong khi bà Hillary lại nói đã ký. Cả hai đường dù đã ký hay không ký đều mang lại rắc rối cho bà. Nếu bà không ký mà lại nói đã ký thì đã là nói láo. Nếu bà ký mà lại vẫn giữ cả mấy chục ngàn email trong dàn máy ở nhà thì bà đã vi phạm luật.

Theo các chuyên gia, hệ thống riêng của cá nhân không thể nào có bảo đảm an toàn chống gián điệp quốc tế xâm nhập hiệu quả như hệ thống của chính quyền.

Hạ Viện đã ra lệnh bà phải nộp dàn máy của bà cho quốc hội xem xét. Vấn đề là dàn máy do bà trả tiền túi, thành ra là vật tư hữu, quốc hội không có quyền tra cứu. Đó là chuyện bà Hillary đã tính toán ngay từ đầu, chịu bỏ tiền túi làm nguyên hệ thống để Nhà Nước không xiá vào được.

Hơn nữa, luật sư của bà Hillary đã thông báo cho quốc hội biết, bà Hillary đã xóa hết tất cả thư tín trong dàn máy, không còn gì để coi nữa. Nghiêm trọng hơn nữa, dường như bà đã xoá ngay sau khi Bộ Ngoại Giao hỏi về emails của bà. Bà in ra và trao cho Bộ Ngoại Giao khoảng 55.000 emails, rồi xóa khoảng hơn 30.000 dữ liệu còn lại trên máy. Tính toán của bà Hillary rất giản dị. Nếu làm chuyện sai, có email thì là có bằng chứng không chối cãi được, không có email thì luật sư vẫn cãi chầy cãi cối được vì không có bằng chứng cụ thể rõ ràng.

Ngày xưa TT Nixon không dám xoá hết các băng ông đã thu các cuộc thảo luận với phụ tá về vụ Watergate, chỉ xoá có 18 phút thôi. Vậy mà vẫn bị áp lực nặng phải từ chức trước khi bị quốc hội lột chức. Bây giờ bà Hillary tự ý xoá không biết bao nhiêu chục ngàn emails mà chẳng ai biết có gì trong đó, không biết tình trạng này sẽ đi đến đâu.

Chuyện thứ hai rắc rối không kém là chuyện gây quỹ cho cái qũy phước thiện riêng của hai ông bà Clinton.

Trước khi bổ nhiệm bà Hillary làm Ngoại Trưởng, TT Obama đã kỹ lưỡng yêu cầu bà Hillary ký giấy cam kết sẽ công khai hoá tất cả mọi hoạt động, và danh sách các người yểm trợ tiền cũng như việc sử dụng những số tiền này, để tránh xung khắc quyền lợi, cũng như tai tiếng liên lụy đến chính quyền Obama.

Bây giờ lòi ra chuyện bà đã không khai hết như đã cam kết, chỉ khai một số, do bà lựa chọn công khai hóa. Đã vậy, bà còn thành lập một quỹ con, tách ra từ quỹ chính. Một số lớn tiền yểm trợ được chuyển vào quỹ con này. Vì bà Hillary đã ký giấy cam kết công khai hóa hoạt động của quỹ mẹ, nhưng không ký gì liên quan đến quỹ con, thành ra những hoạt động của quỹ con hoàn toàn bí mật, mà vẫn không thể bị truy tố là đã vi phạm cam kết. Một cách lách luật hay qua mặt TT Obama không thể nào lộ liễu hơn.

Điều làm cho các chính khách Dân Chủ lo lắng hơn nữa là cách bà Hillary xử trí những khủng hoảng trên.

Sau khi im lặng một thời gian mấy tuần, tức là mấy thế kỷ trong chính trị Mỹ, bà họp báo tại trụ sở Liên Hiệp Quốc để giải thích và phân trần. Theo tất cả các chuyên gia chính trị Mỹ, cuộc họp báo đã là một đại họa. Bà đã chứng tỏ khả năng chính trị và ứng phó rất kém, thua xa TT Obama, cũng như thua xa ông chồng. Có thể thua xa luôn các ứng viên Cộng Hoà như Cruz, Paul, Rubio,...

Năm 2008, bà nắm chắc trong tay Tòa Bạch Ốc, nhưng vì những sai lầm lớn trong cuộc vận động tranh cử, đã bị ông tay mơ Obama hạ sát ván. Bây giờ, 8 năm sau, dường như bà không có tiến bộ, mà trái lại, có lẽ vì lớn tuổi, nên đã tỏ ra tệ hơn nữa. Sự gượng ép của bà, kèm theo chuyện sử dụng email riêng để khỏi lộ bí mật, đã trưng bày ra một hình ảnh của dàn xếp, dàn cảnh, đóng tuồng, một cái gì không thật nơi bà. Dàn xếp đến độ trong những cuộc họp mặt với cử tri hồi năm 2008, một số người đã đứng lên đặt câu hỏi thật dễ dàng cho bà. Để rồi lòi ra những người này đều là nhân viên của bà, được chỉ định giả làm cử tri đặt những câu hỏi do ban tham mưu của bà đặt ra từ trước. Nôm na ra, bà là một chính trị gia già dặn kinh nghiệm, nhưng là một ứng viên rất tệ trong nghệ thuật tranh cử.

Cái tin không vui cho bà là trong cái chế độ dân chủ kiểu Mỹ này, khả năng tranh cử quan trọng hơn khả năng điều hành quốc gia. Ta nhìn vào TT Obama sẽ thấy ngay. Một tay mơ không chút kinh nghiệm đáng kể nào, thua rất xa bà Hillary cũng như thua cả các ông McCain và Romney, nhưng thắng cử tổng thống hai lần chỉ nhờ khả năng vận động tranh cử hơn người. Cái khả năng thiên phú nói năng làm sao để thu hút cảm tình tự nhiên của cử tri, để hứa trăng hẹn biển mà thiên hạ vẫn tin,... đó là những điều kiện tất yếu để thắng cử mà các ông Clinton và Obama có thừa, nhưng bà Hillary lại không có.

Điều làm cho nhiều chuyên gia của đảng Dân Chủ lo ngại là bà Hillary có vẻ không quan tâm lắm đối với những yếu điểm này. Bà coi như đó là những “chuyện nhỏ”, và chuyện quan trọng hơn là đã đến lúc dân Mỹ muốn một phụ nữ làm tổng thống và bà sẽ được bầu, bất kể yếu điểm cá nhân nào. Có thể không sai. Cho dù bà luôn khẳng định bà không ra tranh cử vì lý do bà là phụ nữ. Cũng như TT Obama được bầu phần lớn vì màu da mặc dù ông luôn khẳng định ông không ra tranh cử với tư cách một người da màu.

Bà Hillary cũng còn vài yếu điểm nữa. Bà sẽ không bao giờ huy động được sự hăng hái tích cực mà cử tri da đen đã dành cho TT Obama. Rồi bà Hillary cũng không được truyền thông dòng chính phủ phục trước mặt như họ đã phủ phục dưới chân Đấng Tiên Tri. Thái độ này của truyền thông có lẽ là một trong những lý do quan trọng nhất khiến bà thua Obama năm 2008.

Cách đây vài ngày, bà Hillary đi vận động tại Iowa, nói về chuyện di dân. Bà tuyên bố tất cả ông bà nội ngoại của bà đều là di dân. Đài CNN mau mắn tố ngay là bà … xạo. Chỉ có ông nội của bà là di dân thôi, còn bà nội và ông bà ngoại đều sanh ở Mỹ. Lại một bằng chứng là khả năng tranh cử của bà rất dở, phiạ một chuyện mà báo chí có thể kiểm chứng là xạo rất dễ dàng.

Chưa kể bà Hillary đã bắt đầu bị đánh từ ngay trong nội bộ, từ ba chuẩn ứng viên Dân Chủ, các cựu thượng nghị sĩ Jim Webb của Virginia và Lincoln Chafee của Rhode Island, và cựu thống đốc OMalley của Maryland.

Những rắc rối của TT Obama và bà Hillary là những tin mừng cho các ứng viên CH. Ánh sáng cuối đường hầm? Chút hy vọng hạ bà Hillary trong năm tới?

Chưa ai biết rõ, chỉ biết cho đến nay, bà Hillary vẫn còn chễm trệ ngồi trên ngôi vị cao nhất. Cách đây vài tuần, các ứng viên CH nhiều hy vọng nhất để hạ bà như Jeb Bush, Chris Christie, và Scott Walker, đều thua bà cỡ 15 điểm trở lên. Nhưng cái ghế của bà Hillary bắt đầu lung lay. Tại Florida, thăm dò mới nhất cho thấy bà thua ông Jeb Bush; tại Pennsylvania, bà thua ông Rand Paul; tại North Carolina, bà thua ông Walker; tại Colorado, bà thua ông Rubio. Cả bốn tiểu bang đều là tiểu bang xôi đậu, tối cần thiết để vào Tòa Bạch Ốc. Nguy hại hơn cả, nói chung một nửa dân Mỹ nghĩ bà Hillary không thành thật và không đáng tin (“not honest and trustworthy”), và nhất là... hơi già. Ông Rubio gọi bà Hillary là người cũ của một thời đại cũ.

Ở đây, quý độc giả vừa đọc được một tên mới lạ: Scott Walker. Ông đi Iowa vận động, bất ngờ được ủng hộ kịch liệt. Nổi đình nổi đám, qua mặt các ông tên tuổi như Bush và Christie dễ dàng. Ngôi sao mới, sáng rực của CH? Tuy chưa chính thức ra tranh cử.

Ông này là đương kim Thống Đốc Wisconsin. Đây là một tiểu bang thành đồng của Dân Chủ, nhất là của giới lao động do các nghiệp đoàn hoàn toàn kiểm soát. Nhưng lại bầu ông Cộng Hoà Walker, chứng tỏ ông này có khả năng thu phiếu của độc lập và cả Dân Chủ luôn.

Ông Walker đã ra một loạt biện pháp hết sức bất lợi cho các nghiệp đoàn, như không cho phép các nghiệp đoàn tự động thu niên liễn trực tiếp qua lương, hay không cho các nghiệp đoàn ép nhân công phải gia nhập nghiệp đoàn. Các nghiệp đoàn chống, vận động đủ chữ ký bắt tiểu bang phải tổ chức bầu thống đốc lại. Kết quả, ông Walker vẫn đắc cử lại. Đã vậy, mới đây, tháng 11 năm ngoái, ông ra tranh cử nhiệm kỳ hai, lại thắng nữa.

Ngày này cách đây 4 năm, người ta cũng thấy một tình trạng tương tự trong phe CH. Cả chục chuẩn ứng viên, rồi sau đó thành ứng viên, một lô chẳng ai biết ai là ai. Để rồi các ngôi sao CH đua nhau sáng mọc tối lặn. Trong khi ứng viên DC, khi đó là TT Obama, rung đùi ngồi coi hát xiệc.

Bây giờ cũng không khác gì mấy. Cả chục chuẩn ứng viên CH đang ngắm nghé chuẩn bị đấu đá nhau, trong khi ứng viên DC, bà Hillary ngồi xem hát, tuy ngồi trên cái ghế đang bị lung lay. (19-04-15)

Vũ Linh