(Từ trái: Lão Hư, ns Nguyễn Đức, MiMi, Nguyễn Văn Hòa & Nguyễn Tấn Hách.)
Tôi quen biết nhạc sĩ Nguyễn Đức tính đến nay cũng ngót 20 năm. Khởi đầu sự quen biết này cũng khá thú vị. Số là một hôm đang ăn cơm tôi nhận được một cú phone mà đến nay tôi vẫn nhớ hoài.
- Alô! (giọng khàn đục của một ông già miền Nam)
- Alô! Dạ, ai đó (tôi đáp)
- Dạ (ổng dạ), tôi là Nguyễn Đức. Vui lòng cho tôi nói chuyện với nhạc sĩ Phan Ni Tấn.
- Dạ, tôi là nhạc sĩ Nguyễn Đức, người sáng lập Ban Việt Nhi ở Sài Gòn trước 75...
- A! Chào nhạc sĩ. Tôi nghe danh nhạc sĩ Nguyễn Đức trước 75, hồi còn ở trong nước lận. Hân hạnh được quen biết anh. Mà sao anh biết số phone của tôi vậy anh?
- Thì ông Phúc cho. Tuần rồi ông nhà văn Lê Văn Phúc bên Washington, D.C gọi tôi nói về các văn nghệ sĩ ở Toronto, trong đó có nhắc đến tên anh.Tôi có xin số phone của anh để liên lạc. Cuối tuần này rảnh không? Mời anh ghé nhà tôi chơi.
- (...)
- Nè. Nhớ mang theo bản nhạc Lý Con Sáo Bạc Liêu của anh cho tôi xin nghen. (Giọng tuệch toạc, thân tình, trở nên sôi nổi). Bạc Liêu là quê tôi mà. Anh có sẵn viết đó không? Địa chỉ nhà tôi nè...
Nói là nhà chớ thật ra vợ chồng nhạc sĩ Nguyễn Đức sống trong một khu nhà già, cách chỗ tôi ở khoảng 15 phút lái xe. Lần đầu tiên tôi tới gặp lúc anh đang chăm sóc cho chị X, vợ anh. Anh tâm sự tôi mới biết chị bị bệnh sưng chân, thấp khớp kinh niên, lại thêm chứng thần kinh tọa và áp huyết cao. Nhìn cảnh hai ông bà già lụm cụm, nương tựa nhau sống trong một căn phòng sơ sịa, chật hẹp mà thương. Trong hoàn cảnh về chiều, lẽ ra họ đáng được sống an nhàn, hưởng hạnh phúc, vì anh đã cống hiến suốt đời mình cho sự nghiệp đào tạo ca sĩ cho nền âm nhạc Việt Nam từ thời trong nước ra tới hải ngoại. Nhưng trớ trêu thay, về vật chất họ lại chịu sự thiệt thòi, thiếu may mắn. Dù vậy, tánh tình hiền hòa, hiếu khách rất miền Nam của nhạc sĩ Nguyễn Đức luôn luôn tạo cho anh một sự tự tin, một phong cách đứng thẳng, một sức mạnh đề kháng trong cơ thể đang hao mòn, ọp ẹp của anh. Con người này vốn yêu đời nồng nàn, an nhiên và tận tình.
Ra hải ngoại, định cư tại Toronto năm 1991, được sự khuyến khích của cộng đồng người Việt tại thủ phủ này, năm 1993 anh lại hăng hái tiếp tục mở lớp dạy nhạc.
Nhớ có lần tôi tới thăm vợ chồng anh, lại gặp anh đang dìu chị ngồi lên ghế nhìn ra ngoài cửa sổ cho khuây khỏa tinh thần, trong khi ở góc đằng kia có một cô bé đang tập hát. Nhìn đôi môi tròn vo đang hồn nhiên luyện giọng gợi tôi nhớ những mầm non trong Ban Việt Nhi ngày xưa do nhạc sĩ Nguyễn Đức thành lập ở Sài Gòn, nay đã thành danh. Từ Hoàng Oanh, Kim Loan, Thanh Lan, Phương Hồng Quế, Phương Hoài Tâm, Phương Hồng Hạnh, Phương Hồng Ngọc (từ thời trong nước), cho đến Phương Diễm Hạnh, Phương Thảo Ngọc, Phương Minh Nguyệt, Tường Vi, Tuấn Tài, Từ Lê, Xuân Uyên... (ở ngoài nước).
Tôi không phải là phóng viên hay nhà báo gì, nhưng lúc vui miệng tôi hỏi cách thức đào tạo ca sĩ ra sao thì anh cho biết:
"Tôi thích đào tạo những người chưa biết hát, chưa biết gì về âm nhạc. Phương pháp đào tạo một ca sĩ của tôi đòi hỏi, trước hết là cách phát âm cho chuẩn, cho thật đúng. (Nhạc sĩ Nguyễn Đức trở nên sôi nổi, hát) Cuộc đời vẫn đẹp sao. Tình yêu vẫn đẹp sao. Dù đạn bom man rợ thét gào... Ngừng hát, chồm người tới anh cao giọng vui tươi: Cuộc là C thì hát là Cuộc chớ không thể hát Cuột được; cũng như Tình yêu không thể hát Tìn yêu. Hát chữ Thét gào là T..."
Nhạc sĩ tiếp: "Để thu hút cảm quan của người nghe, tôi đã ra sức hướng dẫn ca sĩ học về ký âm pháp để tối thiểu phải biết về nốt nhạc, về trường canh để giữ nhịp cho thật đúng..."
Tôi hỏi tiếp tại sao gọi là "lò Nguyễn Đức", anh cười nói vì phụ huynh của các em học hát thích cách dạy của tôi nên họ vui miệng gọi vậy".
Có lần, ca sĩ Hoàng Lợi mời nhạc sĩ Nguyễn Đức, họa sĩ Hoàng Đức, ca sĩ Nhất Duy và tôi tới club Đêm Màu Hồng nghe nhạc, lai rai vài sợi. Lúc cụng ly, tôi mới phục tửu lượng của anh Nguyễn Đức. Ngần ấy tuổi đời mà nốc rượu như nước lã. Anh không phải là con sâu rượu, cũng không phải là đệ tử của Lưu Linh, nhưng ai qua mặt anh về lượng tửu e cũng khó. Cụng ly bạn bè cùng bàn xong, anh lướt qua mấy bàn khác cụng tiếp với các bạn trẻ. Tay cầm ly rượu, vừa đi anh vừa nhún nhảy theo điệu nhạc kích động yêu đời làm tôi nhớ cái hồi tôi còn độc thân, nhất là cái thời ở lính nhậu nhẹt sanh tử lửa; một mình tôi, nếu không nốc cạn 24 chai bia 33 hoặc 16 chai bia con cọp thì cũng cưa ngã nguyên chai Whisky Ông Già Chống Gậy (Johnny Walker). Cái thuở ngang tàng, hống hách không giống ai đó không còn nữa.
Bẳng đi một thời gian không liên lạc, tôi nghe anh đưa chị về Việt Nam rồi được tin chị qua đời. Tại Hội Chợ Tết Ất Mùi năm rồi do cộng đồng người Việt North York tổ chức, tôi lại gặp anh và họa sĩ Hoàng Đức. Đó là lần cuối cùng tôi gặp anh cho đến khi nghe tin anh về Việt Nam khoảng một tháng sau thì anh mất.
Nhạc sĩ Nguyễn Đức tên thật là Nguyễn Đại Đức, sanh năm 1930 tại Bạc Liêu. Mất ngày 25 tháng 05 năm 2015 tại Sài Gòn. Linh cửu sẽ hỏa táng tại Trung Tâm Bình Hưng Hòa. Hưởng thọ 86 tuổi.
Nhạc sĩ Nguyễn Đức mất đi để lại niềm thương tiếc cho gia đình nói riêng và cho người Việt trong và ngoài nước nói chung.
NHỚ VỀ
NHẠC SĨ NGUYỄN ĐỨC
VÀ LÒ ĐÀO TẠO CA SĨ
Dù dòng thời gian đã thấm thoát đã bốn thập niên qua, âm hưởng trẻ trung ngọt ngào của ba giọng ca mầm non trong Ban Tam Vân vẫn còn vang vang trong lòng giới thưởng ngoạn văn nghệ của Sài Gòn năm xưa.
Nhắc đến Bích Vân, Phước Vân, Ngọc Vân tức là nhắc đến bước đầu của một công trình đào tạo cam go và một đóng góp lâu dài cho nền Tân nhạc Việt Nam của một tên tuổi quen thuộc: Nhạc Sĩ Nguyễn Đức.
Quê quán tận miền Tây (Bạc Liêu, Cà Mau), nhạc sĩ Nguyễn Đức đã bước chân vào ngưỡng cửa âm nhạc vào lúc tuổi đời còn rất trẻ. Năm lên 8, Nguyễn Đức đã biết sử dụng Mandoline và đến năm 15 tuổi, đã biểu diễn sử dụng hai nhạc khí Mandoline và Harmonica cùng một lúc trong chương trình chọn lựa tài tử do ông Hoàng Cao Tăng (Đài phát thanh Pháp Á) tổ chức. Vào năm 1953, Nhạc sĩ Nguyễn Đức bắt đầu dạy hát và thành lập nhóm Rạng Đông.
Trong bước đầu dấn thân vào việc thực hiện công trình tuy lý thú nhưng đầy khó khăn này, nhạc sĩ Nguyễn Đức chú trọng đến các em thiếu nhi (đa số là các em gái tuổi từ 12-13) và đã lựa chọn 3 em để thành lập Ban Tam Vân (Bích Vân, Phước Vân và Ngọc Vân). Ban Tam Vân có lối trình diễn rất đặc biệt, vừa nhảy thiết hài (Claquette), vừa sử dụng maraccao, Guiero, Tambourin và hát ba bè.
Bộ “tam ca kích động nhạc” này đã từng trình diễn trong các chương trình Đại Nhạc Hội và vài khiêu vũ trường tại Sài Gòn. Song song với việc thành lập ban Tam Vân, nhạc sĩ Nguyễn Đức còn đào tạo thần đồng Phương Lan và ca sĩ Thanh Phong lúc ấy mới 12 tuổi. Sau này, chính nhạc sĩ Nguyễn Đức đã đưa Thanh Phong về hợp tác với Phương Đại và Duy Mỹ để thành lập ban Sao Băng đã một thời vang tiếng trên Đài Phát Thanh và Đài Truyền hình Việt Nam trước 1975.
Vào những năm vàng son của nền Tân nhạc Việt Nam, giới yêu nhạc Sài Gòn không ai là không biết đến những giọng ca nổi tiếng một thời như Hoàng Oanh, Thanh Lan, Kim Loan, Quốc Dũng, Anh Thoại… và một số ca sĩ bắt đầu bằng chữ “Phương” như Phương Hồng Hạnh, Phương Hồng Quế, Phương Hoài Tâm, Phương Hồng Ngọc (Cẩm Hồng)… Đó đều là những công trình đào tạo của nhạc sĩ Nguyễn Đức từ năm 1960.
Cũng trong năm này, nhạc sĩ Nguyễn Đức đã thành lập Ban Việt Nhi ở Đài Phát Thanh Quốc Gia vào năm 1962, cho ra đời ban Nhi Đồng Sao Băng, cả 2 qui tụ khoảng 40 em thiếu nhi. Về sau, vì số lượng quá đông, anh có lập thêm “Ban Gia Đình Văn Nghệ Nguyễn Đức” trên làn sóng của đài Truyền Hình VN (Đài số 9). G.Đ.V.N.N.Đ gồm có 4 ban hợp ca nữ, mỗi ban có 14 ca sĩ và mỗi năm đều có mặt trên màn ảnh thời sự chiếu ở các rạp chiếu bóng để mừng xuân.
Sự đóng góp của nhạc sĩ Nguyễn Đức vào lãnh vực văn nghệ hết sức đa dạng. Ngoài việc đào tạo ca sĩ và hướng dẫn tài năng trẻ, nhạc sĩ Nguyễn Đức còn đào tạo xướng ngôn viên cho các đài truyền thanh và truyền hình như: Bạch Yến, Xuân Kiều, Phương Hồng Trinh. Anh cũng từng là cố vấn văn nghệ cho các đài truyền thanh và truyền hình như Tiếng Nói Thủ Đô, Chương trình Nha Động Viên, Chương trình Người cày có ruộng của Phòng Nông Nghiệp.
Người nghệ sĩ đa tài này rời khỏi quê hương và đến định cư tại Toronto vào tháng 11 năm 1991. Sự có mặt của nhạc sĩ Nguyễn Đức tại Toronto đã thổi một luồng gió mới sinh động vào những hoạt động văn nghệ của thành phố thương mại này. Kiếp tằm phải tiếp tục nhả tơ, mặc dầu tuổi đời đã cao, sức khỏe kém, nhạc sĩ Nguyễn Đức vẫn tiếp tục con đường đã định sẵn: phục vụ âm nhạc, phục vụ giới trẻ, lòng thiết tha mang tâm hồn của tầng lớp trẻ Việt Nam ở hải ngoại trở về với nét đẹp quê hương qua cung đàn tiếng nhạc.
Trong niềm hòai vọng đó, nhạc sĩ Nguyễn Đức đã tham gia trong chương trình Việt Ngữ (Heritage Languages Program) để hướng dẫn cho một số giáo viên về ký âm pháp để tập hát cho học sinh Việt Nam. Ngòai ra, nhạc sĩ còn giúp đào luyện một số tài năng trẻ say mê âm nhạc có cơ hội trở thành ca sĩ chuyên nghiệp. Trong chiều hướng đó, nhạc sĩ Nguyễn Đức đã qui tụ được một số giọng ca đầy triễn vọng vào năm 1993, nhóm Bừng Sáng ra đời tại Toronto với tiếng hát Hòan Vũ, Minh Nguyệt, Tử Lê, Lan Hương, Ái Ly, Huy Khang, Thùy Trang, Xuân Hằng và Thái Hòa. Được sự hướng dẫn tận tình của người nhạc sĩ và cũng là bậc thầy giàu kinh nghiệm, nhóm Bừng Sáng đã hoạch định cho mình một hướng đi trong tương lai:“Đòan kết, luyện tập chu đáo với những tiết mục mới lạ mong đem lại cho giới mộ điệu một làn gió mới cho không khí văn nghệ ở Toronto”.
Bước thời gian sẽ không bao giờ ngưng đọng và mỗi ngày qua đi sẽ để lại trong lòng người nghệ sĩ nhiều kỷ niệm khó quên. Giờ đây, với tuổi đời cao, mái tóc phai màu, nhìn lại quá khứ, suốt đoạn đường dài, nhạc sĩ Nguyễn Đức đã sống và cống hiến từng hơi thở mình cho giới trẻ và cho tiền đồ của nền Tân Nhạc Việt Nam.
Rồi đây, nếu có lúc nào “đốt lò hương cũ, so phím tơ xưa”, người nghệ sĩ lão thành chắc sẽ cảm thấy mãn nguyện vì trong những công trình và những gắn bó yêu thương đã ràng buộc đời nghệ sĩ theo từng bước hưng vong của làng âm nhạc Việt Nam. (bài viết của cố ký giả Trường Kỳ – 12/9/2005)