Saturday, 30 May 2015

Hàng rong và văn hóa

Bán hàng rong không phải là một khái niệm mới mẻ. Người bán khuân món hàng đi khắp nơi, hoặc dừng chân tại một điểm nhất định hàng ngày nơi thu hút người mua.
Ngày xa xưa ta có các gánh hàng rong, người bán kĩu kịt trên vai đôi quang gánh, cuốc bộ và chuyên chở những thứ để bán, thường là thức ăn. “ Sang” hơn một chút, người bán chở hàng trên xe đạp đi khắp phố phường, ngừng chân vào giờ ra chơi bên sân trường tiểu học, trung học. Nhiều vốn hơn chút nữa người ta có những chiếc xe đẩy, chuyên chở được nhiều hàng hóa hơn; những chiếc xe này thường đậu một chỗ hơn là đi rong. Và những chiếc xe đẩy kia bán thức ăn khắp nơi từ Âu sang Á qua trăm năm nay.
Tại Huê Kỳ, ngay trong quận Manhattan, trên những con đường lớn quanh khu Time Square ta thường thấy những chiếc xe bán hot dog, pretzels… thường trực như hàng quán có bảng hiệu McDonald, Taco Bell. Ðây là những chiếc xe đẩy, thường là xe ba bánh, hiếm lắm mới thấy hình ảnh một chiếc vận tải với đầy đủ đồ nghề nấu nướng, tủ lạnh. Ấy là chuyện hơi cũ, chuyện của những năm một ngàn chín trăm hồi đó, chứ bây giờ một thập niên sau, thì xe vận tải bán hàng rong đã xuất hiện khắp nơi, kể cả những thành phố lớn dù không nổi tiếng như thành phố New York. Và loại xe vận tải bán rong này có tên đàng hoàng, “food truck”.
0giansong
Xe hàng rong Kogi Korean BBQ-To-Go của ông Roy Choi - NGUỒN NBCNEWS.COM
Một điểm khác lạ nữa là ngày nay các xe vận tải bán hàng rong kia không chỉ bán thứ thức ăn giản dị, chế biến sẵn như kem, hoặc các món nấu nướng nhanh lẹ, dễ hâm nóng mà họ rao bán cả những món mà trước đây thường chỉ xuất hiện trong nhà hàng, quán ăn; thực khách theo thực đơn mà chọn lựa, đặt món ăn, nhất là những món cổ truyền có tính cách địa phương. Chính nhờ yếu tố này mà food truck trở nên vô cùng hấp dẫn thu hút bá tánh nhanh chóng.
Dường như qua cách buôn bán ấy mà thức ăn Triều Tiên trở thành phổ thông hơn. Chỉ trong vòng mấy năm, bulgogi, sườn nướng ướp kimchi bỗng dưng trở nên quen thuộc với thực khách Huê Kỳ như taco, như hotdog.
Nổi tiếng nhất trong lãnh vực food truck có lẽ là xe hàng rong Kogi Korean BBQ-To-Go. Ðầu bếp không chỉ nấu nướng mấy món Triều Tiên theo kiểu cổ truyền mà họ pha chế bạn ạ! Họ dọn mấy món như taco, từa tựa như bánh tráng giòn của ta nhưng chế biến bằng bột bắp và nhỏ cỡ bàn tay, gốc gác từ nước láng giềng Mexico. Áo (vỏ) Mễ nhưng ruột lại là món thịt nướng ướp gia vị Triều Tiên, ăn chung với những thứ đi kèm khác như salad thái sợi, cà chua… và ớt! Mấy món ăn được hâm mộ quá xá, đến nỗi miệng truyền miệng, tay gõ bàn phím trên Twitter người ta bảo nhau đón xem xe hàng rong ấy đã đi đến đâu, dừng ở bãi đậu xe nào mà bu về chờ mua! Người ta xếp hàng rồng rắn chờ đến phiên mình, có người chờ cả tiếng nhưng vẫn hoan hỷ thì đủ hiểu mấy món ăn nọ hấp dẫn đến mức nào!
Ðầu bếp đứng sau xe hàng rong lẫy lừng kia là ông Roy Choi, 38 tuổi, hành nghề nấu nướng nhiều năm tại các nhà hàng nổi tiếng ở New York và cả Los Angeles nhưng chuyện không may xảy ra, ông ấy thất nghiệp và hết tiền xài. Trong lúc buồn bực ngồi tán chuyện với bạn bè đồng cảnh ngộ, ông bạn Mark Manguera đưa ra ý kiến bán hàng rong, món taco độc đáo với hương vị Triều Tiên! Ngẫm nghĩ về đề nghị ấy rồi ông Choi thấy hợp ý quá vì ông này là người thích mày mò, thí nghiệm để tìm ra bản sắc riêng mình. Thế là một tổ hợp ra đời với 7 người chung vốn.
Làm ăn trong thời @ nên tổ hợp ấy có đầy chương trình hoạch định, kẻ lo về chuyện quảng cáo, người tập trung chuyện đưa công ty lên liên mạng để bá tánh biết đến [mà mua hàng] cũng như “thử” thị trường qua những lần nấu nướng và ăn thử. Chiếc xe vận tải bán hàng rong đầu tiên ra đời chỉ sau hai tháng kể từ lúc thành lập công ty Kogi.
Thế là ông Choi hoa dao múa đũa, đêm đêm nướng thịt và pha chế các loại nước sốt ăn chung với món taco mới keng. Thực khách xếp hàng chờ đợi, có người chờ đến 2 tiếng cho món taco có một không hai ấy!
Ông đầu bếp nổi tiếng qua đêm giải thích rằng món taco mới mẻ nọ là một sự phối hợp giữa gốc rễ Triều Tiên cổ truyền với sinh hoạt của một vùng đất nhiều giống dân sống quây quần như Los Angeles; Koreatown nằm ngay sát các thôn xóm của người Huê Kỳ gốc Latino sống đông đảo. Tại nơi này các thói quen, cổ tục của các giống dân đã hòa lẫn với nhau từ lâu nay! Các hàng quán bán thức ăn Mễ đã trở thành quán Triều Tiên nhưng vẫn bày bán burritos, và công nhân Mễ xoay trở nấu nướng cho nhà hàng Triều Tiên. Ông Choi cho rằng ông ấy và bạn bè đã làm công việc kết hợp hai nền văn hóa, pha trộn những món ăn giản dị nhưng ngon lành để chiêu đãi khách hàng.
Phổ thông quá, được yêu chuộng quá nên chiếc xe vận tải bán rong nọ đã trở thành một hiện tượng về ẩm thực, kim chi chua chua trộn lẫn với vị thơm ngọt của thịt nướng vừa chín tới, thêm chút cay nồng của ớt bột và cả ớt jalapeños khiến bá tánh hít hà, say sưa thưởng thức rồi đăng đàn khen rối rít. Ông Choi lại thích chọn mấy địa điểm đặc biệt để mời gọi thêm khách hàng mới, từ sân trường đại học, vỉa hè bên ngoài các quán rượu đông người tụ họp, đến các rạp xi nê… Thế là thực khách gọi nhau, báo tin qua Twitter, chiếc xe bán rong kia đã rong ruổi đến đâu mà chờ đón! Nôm na là công ty Kogi đã “dùng” khách hàng để quảng cáo dùm họ, hiệu quả vô cùng mà chả tốn đồng keng nào!
Chiếc xe hàng rong đã nghiễm nhiên trở thành một hiện tượng văn hóa xã hội! Biểu hiệu của cả thành phố Los Angeles nằm gọn trong miếng ăn thức uống pha trộn từ các nền văn hóa ẩm thực khác nhau!
Kogi thành công quá xá nên các tay nấu nướng khác cũng nô nức theo chân, và các món ăn cổ truyền khác cũng được trình bày theo cách tương tự, sushi, dim sum, thịt nướng kiểu Brazil, xúc xích Hy Lạp, bánh mì Việt Nam, dosa Ấn Ðộ, halo-halo của Phi Luật Tân… và cả trăm món độc đáo khác.
Sự thành công rầm rộ của đầu bếp Choi khiến những phụ huynh gốc Triều Tiên “nghĩ ” lại; nấu nướng giỏi cũng có thể nên danh và kiếm khối bạc như các nghề “sĩ ” và “sư ” quen thuộc! Họ bắt đầu cảm thông và chấp nhận việc lựa chọn của con em trên đất mới, nên thế hệ thứ nhì sinh sống tại Huê Kỳ nhất là Los Angeles, Korean Angelenos, đã tiến khá xa trong việc tìm kiếm lựa chọn nghề thích hợp. Nấu ăn là một nghề đã được cha mẹ chấp nhận và chịu trả tiền cho con em đi học. Chứng minh? Học viên gốc Triều Tiên, trước đây hoàn toàn vắng bóng, đã có mặt tại the California School of Culinary Arts, mỗi ngày một đông. Họ nói rằng theo văn hóa Triều Tiên, quý ông không vào bếp nên bà mẹ không mấy khi bằng lòng cho con trai theo nghề nấu ăn, nhưng đến nay thì sự việc đã thay đổi. Việc phản đối nọ đã nguội dần! Hàng quán Triều Tiên mở cửa rầm rộ tại California, hiện diện trên các đường phố ngay cả những nơi giàu có.
Sự thành công của kỹ nghệ food truck cho ta thấy vài yếu tố. Trong giai đoạn kinh tế khó khăn, tiền bạc không mấy rủng rỉnh, ngay cả tại những địa phương không mấy đắt đỏ, muốn mở một quán ăn mới cũng phải đầu tư bạc triệu. Yếu tố này khiến những người mới khởi nghiệp nản lòng. Kế đến là thị hiếu của khách hàng. Thực khách bắt đầu chán ngán các hàng quán mở cửa theo kiểu dây chuyền, phố nào cũng có một cửa tiệm giống nhau, như Panera Bread chẳng hạn. Nơi nào cũng bấy nhiêu món, hương vị in hệt nhau. Thế là bá tánh đi lùng những thứ mới lạ, hợp khẩu vị và ít tốn kém. Food truck, nhất là chiếc vận tải bán rong của tổ hợp Kogi, là một đáp ứng đúng lúc và thích hợp.
Thế là các food truck khác theo sát đằng sau. Tại sao? Ðầu tư vào một chiếc xe hàng rong tốn ít vốn, ta lại có thể đi loanh quanh tìm địa điểm thích hợp mà buôn bán. Con đường nào vắng khách thì ta qua nơi khác, đất lành chim đậu. Lâu lâu lại đổi chỗ để thực khách biết… nhớ mà đi tìm, trông ngóng như cư dân Los Angeles đang theo chân chiếc xe Kogi và ông Choi để chờ mua thức ăn!
Hóa ra câu chuyện “cùng tắc biến” của ông Choi và bè bạn lại trở thành một hiện tượng xã hội mới mẻ, một cách làm ăn buôn bán tương đối dễ dàng và nhanh chóng so với các chương trình đầu tư khác. Ta chỉ cần một giấc mơ, óc sáng tạo cũng như sức chịu đựng thử thách, và… voilà!
0giansong
Những chiếc xe bán hot dog, pretzels… tại Manhattan - NGUỒN ALLPOSTERS.COM
TLL