Monday, 6 August 2018

Trung Cộng xâm lăng bằng kinh tế - Ngô Nhân Dụng

“Đi chỗ khác! Phi cơ Philippines nghe đây. Tôi cảnh cáo lần nữa! Hãy rời khỏi chỗ này ngay lập tức! Nếu không sẽ lãnh hậu quả nghiêm trọng!”
Trong nửa năm trước, Cộng Sản Trung Quốc đã ra lệnh cho máy bay quân sự Philippines phải “đi chỗ khác” tất cả 46 lần. Khác với những lần trước đây, những lời xua đuổi không do các tàu “hải giám” tuần tiễu trên mặt biển, mà xuất phát từ những căn cứ trên các hòn đảo nhân tạo mà Trung Cộng đã xây dựng trong quần đảo Trường Sa, theo tin AP ngày Thứ Ba, 31 Tháng Bảy, dựa trên tin tức của Bộ Quốc Phòng Philippines.

Chính phủ Philippines bỏ qua ngoài tai các lời cảnh cáo của Trung Cộng, theo lời tướng tư lệnh Không Quân Philippines, Galileo Gerard Rio Kintanar Jr. nói với AP. Máy bay thuộc Đệ Thất Hạm đội Mỹ cũng vậy. Chỉ có chính quyền Cộng Sản Việt Nam không dám cưỡng lệnh.

Mấy tháng gần đây, Trung Cộng đã đưa tới các hòn đảo nhân tạo các hệ thống quân sự mới, gồm các máy phá sóng, hỏa tiễn từ đất bắn lên trời, hỏa tiễn chống hỏa tiễn, và pháo đài bay hạng nặng. Bộ Trưởng Quốc Phòng Mỹ Jim Mattis tháng trước đã báo động Bắc Kinh đang dùng chiến thuật “đe dọa và cưỡng bức.”
Chính phủ Mỹ cần quay trở lại với chủ trương “Chuyển trục qua Châu Á” của chính quyền Obama. Nếu không, Trung Cộng sẽ tiếp tục bành trướng chiếm hết vùng biển Đông Nam Á.

Nhưng mặt trận quân sự không phải là mối đe dọa duy nhất của Cộng Sản Trung Quốc. Cùng lúc đó, Bắc Kinh đã khai diễn một chiến dịch tấn công kinh tế, đặc biệt sử dụng chương trình “Nhất Đới Nhất Lộ” mà Tập Cận Bình đã công bố sau khi nhậm chức, năm 2012.

Image result for con duong to lua trung quoc


“Một Vòng Đai Một Con Đường” (Belt and Road Initiative, BRI) bên ngoài là một chương trình hợp tác phát triển. Nhưng bên trong là một âm mưu bành trướng và lũng đoạn các quốc gia khác để tạo một thế giới nằm dưới ảnh hưởng của Trung Quốc. Hiện nay đã có 70 quốc gia tham dự, với số dân lớn bằng 65% dân số toàn cầu.

Lúc đầu, Tập Cận Bình chỉ nói tới một “Vòng Đai” nối nước Tàu với các nước Trung Á, qua tới Trung Đông và Châu Âu, và một “Đường Tơ Lụa trên Biển” đi vòng xuống Nam Châu Á qua Địa Trung Hải. Nhưng ngày nay, trên mạng chính của “Nhất Đới Nhất Lộ” còn nói tới “Đường Tơ Lụa xuyên Thái Bình Dương” (Pacific Silk Road); “Đường Tơ Lụa Mã Số” (Digital Silk Road); và “Đường Tơ Lụa trên Băng Tuyết” (Silk Road on Ice) chạm tới vùng địa cực.
Vũ khí do Trung Cộng sử dụng là TIỀN.

Trung Cộng sẵn sàng bỏ ra hàng trăm triệu, hàng tỷ đô la, mời gọi các quốc gia thực hiện các công trình xây dựng hạ tầng cơ sở. Nhiều nước đã hoan nghênh đồng tiền Bắc Kinh đưa tới vì Trung Cộng không đòi hỏi những điều kiện như các ngân hàng và cơ quan cấp viện quốc tế cũng như của các nước giàu có khác. Những nước Âu, Mỹ hoặc Ngân Hàng Thế Giới thường đòi hỏi quốc gia vay nợ phải minh bạch công khai, bác bỏ những chính quyền đàn áp dân và vi phạm nhân quyết định. Trung Cộng không bao giờ đặt ra các điều kiện như vậy.
Bên ngoài, mục đích của “Nhất Đới Nhất Lộ” là phát triển giao thông và thương mại để thúc đẩy kinh tế. Nhưng bên trong, Bắc Kinh gieo rắc hai tai họa, hai thứ trùng độc, giống như “cấy sinh tử phù” vào cơ thể các dân tộc khác.
Một thứ trùng độc là nạn tham nhũng. Tiền Trung Cộng đi tới đâu là tham nhũng tới đó; gia tăng hoặc khởi động nạn ăn tiền hối lộ trong các quốc gia nhận hợp tác. Thứ trùng độc thứ hai là nợ. Các quốc gia bị dụ dỗ vay nợ đầu tư vào những công trình không sinh lợi đủ để trả nợ, có khi hoàn toàn vô ích. Hậu quả là con nợ sẽ không đủ sức trả tiền lãi và vốn khi đáo hạn. Cuối cùng, chỉ còn một con đường thoát là bị xiết nợ. Các công trình hạ tầng cơ sở biến thành sở hữu của các công ty quốc doanh Trung Cộng, có thể được biến cải thành những “đặc khu kinh tế” hoàn toàn do Trung Cộng thao túng. Và trong tương lai, Trung Cộng có thể biến những đặc khu kinh tế đó thành đặc khu quân sự!
Hải cảng Hambantota của Sri Lanka là một thí dụ. Trung Cộng đã dụ dỗ được chính quyền của Tổng Thống Mahinda Rajapaksa vay nợ đầu tư vào hải cảng này mặc dù nước này chưa sử dụng hết khả năng của hải cảng Colombo gần đó. Các ngân hàng Ấn Độ đã từ chối không cho vay vì thấy dự án sẽ không sinh lời. Nhưng Trung Cộng đã đem tiền tới, và tiếp tục cho vay tiếp khi chính phủ Sri Lanka thiếu tiền tiếp tục làm dự án. Cho đến khi Sri Lanka không thể trả được đồng nào nữa, năm 2015, ông Mahinda Rajapaksa bị dân lật đổ bằng lá phiếu, và qua năm 2017 chính phủ mới đành phải nhường việc quản trị hải cảng cho công ty xây dựng Harbor Engineering Company của Trung Cộng, với gần 4,000 mẫu (ha) đất, và thời hạn 99 năm – giống như thời hạn 99 năm mà chính quyền Cộng Sản Việt Nam tính trao cho các công ty Trung Cộng ở các đặc khu. Trung Cộng cũng được quyền khai thác 69 km vuông đất đai chung quanh! Ấn Độ đang lo có ngày Hải Quân Trung Cộng sẽ có mặt thường xuyên tại Hambantota!
Một chiến thuật mà Trung Cộng áp dụng khi thi hành kế hoạch trên là bảo toàn bí mật. Khi các sứ giả của Bắc Kinh tới thương lượng hợp tác, họ chỉ làm việc với những viên chức chính quyền mà không hợp tác với các công ty tư nhân. Mọi cuộc thương thuyết hợp đồng diễn ra trong bóng tối, không bị giới truyền thông nhòm ngó, nhất là ở những nước độc tài đảng trị không cho phép tư nhân làm báo. Đó là một khung cảnh thuận tiện để hối lộ. Tổng Thống Sri Lanka Rajapaksa đã được chính công ty Trung Cộng xây dựng hải cảng đóng góp tiền cho ông tranh cử; nhưng cuối cùng dân chúng đã đủ thông minh mà lật đổ ông ta.
Một chiến thuật khác Trung Cộng luôn luôn dùng là bắt buộc nước chủ nhà phải cho các công ty xây cất bên Tàu trúng thầu thực hiện kế hoạch. Đây là một cách xuất cảng lao động mà không cần xin phép làm việc; thứ nhất là tạo công việc cho những công nhân Trung Cộng dư thừa, thứ nhì là để khi nước chủ nhà thất bại thì phải trao tất cả dự án cho các công ty Trung Cộng quản trị. Pakistan mới trải qua một kinh nghiệm “suýt chết” vì mang nợ Trung Cộng; chính phủ nước này đã bị dân lật đổ, chính quyền mới sẽ phải nhờ Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế cứu, nếu không đất nước sẽ bị Trung Cộng thao túng.
Dân chúng Myanmar đang tranh luận về việc cho Trung Cộng xây dựng và khai thác cửa biển đáy sâu ở Kyaukphyu, bên bờ Vịnh Bengal, nhìn sang Bangladesh và Ấn Độ. Bắc Kinh muốn bỏ ra $7.3 tỷ xây dựng một hải cảng ở Kyaukphyu, công ty Trung Cộng CITIC sẽ đầu tư 70% vào dự án và sẽ được quyền khai thác hải cảng này trong 50 năm. Với hy vọng Kyaukphyu sẽ tiếp nhận được gần 5 triệu “công” (container) mỗi năm, đây sẽ là một cảng cất hàng bằng container lớn bậc nhất thế giới. Mối lợi chiến lược lớn nhất của Trung Cộng sẽ là thiết lập một đường ống dẫn dầu từ Kyaukphyu đi qua xứ Myanmar lên tới tỉnh Vân Nam bên Tàu. Đường ống này sẽ cung cấp 10% số lượng dầu nhập cảng của Trung Quốc. Nhưng quan trọng hơn cả là Trung Cộng sẽ có thể mua thẳng dầu từ các nước Trung Đông mà các tàu chở dầu không phải đi qua eo biển Malacca của Singapore mà Hải Quân Mỹ kiểm soát dễ dàng!
Cùng với việc khai thác hải cảng Kyaukphyu, Trung Cộng còn đòi quyền thiết lập một đặc khu kinh tế!

Muốn nếm thử mùi vị của “đặc khu kinh tế” do Trung Cộng làm chủ, có thể đến thăm đặc khu Boten ở nước Lào ở gần vùng Ba Biên Giới Lào, Thái, Myanmar, mà một du khách Việt Nam mới có kinh nghiệm. Đặc khu này được chính quyền Cộng Sản Lào nhượng cho Trung Cộng trong thời hạn 65 năm.
Ông Trương Hữu Lượng, trên đường đi đã nhận thấy những chiếc xe nhà binh Trung Cộng đi hộ tống các quan chức người Tàu. Hỏi chuyện dân Lào, ông biết những chiếc xe hơi Trung Cộng này “đến đây thường xuyên để công tác và kiểm soát Đặc Khu Kinh Tế BOTEN mà chính phủ Lào đã đặc nhượng cho họ 65 năm.”
Bên trong đặc khu là “nhà cửa nguy nga, casino bậc sang quốc tế, khách sạn bốn sao, nhà hàng ăn, hàng quán đầy đường…” Ông Lượng mô tả, “Tất cả đều của người Tàu, mọi nơi viết bằng tiếng Tàu, giao thiệp, buôn bán bằng tiếng Tàu, chỉ xài đồng tiền Tàu; ăn mặc, đi đứng, nói năng chẳng khác gì ở xứ Quảng Đông, Vân Nam… và phong cách là đúng loại tàu Hán tộc. Người bản xứ (Lào) không được vào nếu không có lý do được người Tàu quy định.”
Chương trình “Nhất Đới Nhất Lộ” của Trung Cộng sẽ thiết lập những “đặc khu kinh tế” khắp nơi, để bành trướng ảnh hưởng. Từ Myanmar, Lào, Cambodia, qua Sri Lanka, Pakistan, ông Tập Cận Bình đang thiết lập một đế quốc mới, vượt trên giấc mộng của Tần Thủy Hoàng hay Hán Võ Đế!
Chính phủ Mỹ không thể chỉ lo bảo vệ an ninh trên đường biển đi qua Biển Đông nước ta và vùng Đông Nam Á. Mỹ là cường quốc kinh tế mạnh nhất, phải lo đương đầu với Cộng Sản Trung Quốc trên mặt trận kinh tế. Hiệp ước Hợp Tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã bị xé bỏ khi Tổng Thống Trump lên nắm quyền. Nhưng nước Mỹ trước sau sẽ phải phục hoạt lại TPP và mở thêm công việc hợp tác kinh tế với các nước Châu Á khác. 

Ngô Nhân Dụng