Ông Trump và ông Tập tại hội nghị G-20, tháng 12/2018.
Tóm tắt bài viết
- Chính quyền Trump có nhiều lợi thế hơn bất cứ chính quyền tiền nhiệm nào trong đàm phán thương mại với Trung Quốc
- Nền kinh tế Trung Quốc đang suy giảm một phần do kế hoạch phát triển cơ sở hạ tầng và tín dụng, đưa Bắc Kinh vào thế yếu trong đàm phán với Mỹ
- Chính quyền Trump nên nhận thức đầy đủ những ưu thế của mình trong đàm phán với Trung Quốc để tái cơ cấu lại mối quan hệ với quốc gia đầy tham vọng ở châu Á.
Chính quyền Trump đang có nhiều lợi thế hơn bất kỳ chính quyền nào của Hoa Kỳ từng có trong đàm phán thương mại với Trung Quốc. Rõ ràng các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đang rất mong muốn một thỏa thuận thương mại với Hoa Kỳ để tránh gây thêm thiệt hại cho nền kinh tế của mình, theo Bloomberg.
Hai chuyên gia kinh tế J. Kyle Bass và Daniel Babich (B.B) suy đoán nhiều người Mỹ đang muốn sớm kết thúc việc đàm phán để chấm dứt tình trạng biến động của thị trường trong thời gian gần đây, tuy nhiên B.B cho rằng suy nghĩ đó có thể sẽ bỏ qua một cơ hội lịch sử để tái cấu trúc mối quan hệ Mỹ-Trung vào lúc Bắc Kinh đang ở thế yếu.
Và hai chuyên gia kinh tế cộng tác với Bloomberg đánh giá chính quyền Trump đã vượt rất xa, và khó chấp nhận một thỏa thuận dễ dãi với Bắc Kinh.
Trung Quốc sắp “chìm thuyền” ?
“Nước giữ cho thuyền nổi, nhưng cũng có thể đánh chìm nó”, đây là một câu tục ngữ của Trung Quốc nhưng nó cũng là một tóm tắt gọn gàng cho tình hình kinh tế hiện tại của nước này. Khoản nợ đã thấm đầy nước trong hệ thống tài chính Trung Quốc suốt 10 năm qua hiện đang nhấn chìm nó, B.B bình luận.
Trong những ngày đen tối nhất của cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, Trung Quốc đã đưa ra kế hoạch phát triển cơ sở hạ tầng trị giá 4 nghìn tỷ Nhân dân tệ (tương đương 593 tỷ USD hiện nay) được mô tả như một vị cứu tính kéo nền kinh tế toàn cầu thoát khỏi suy thoái. Tuy vậy, kế hoạch phát triển cơ sở hạ tầng này vẫn đang được kéo dài, vào năm 2017, 4 nghìn tỷ đó đã tăng lên 14 nghìn tỷ, theo báo cáo của Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc.
Thời gian đầu, Trung Quốc được hưởng lợi từ các cải cách kinh tế trong những năm 1990, sự tham gia vào Tổ chức Thương mại Thế giới và dòng vốn đầu tư nước ngoài từ các công ty phương Tây. Đến năm 2009, sau hàng thập kỷ tăng trưởng mạnh trước đó đã khiến tiền lương và mức giá tăng lên, làm cho Trung Quốc không còn là môi trường đầu tư có chi phí thấp. Điều này ảnh hưởng tới việc xuất khẩu để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Do đó, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã in tiền để tài trợ cho một chương trình kích thích kinh tế khổng lồ.
Lịch sử cho chúng ta bài học rằng sự tăng trưởng được thúc đẩy bởi tín dụng và việc in tiền gia tăng quá nhanh có thể dẫn đến nhiều bong bóng bất động sản và khủng hoảng tài chính, tín dụng và tiền tệ. Dựa trên dữ liệu từ Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc và các cơ quan khác, có thể thấy tổng tín dụng của Trung Quốc ở mức 48 nghìn tỷ đô la, gấp khoảng 3,7 lần GDP của nước này. Con số này lớn hơn nhiều tổng tín dụng 24 nghìn tỷ đô la của Mỹ, mặc dù quy mô nền kinh tế của Trung Quốc nhỏ hơn Mỹ tới 37%.
Giá trị tài sản tăng vọt sau hàng thập kỷ tăng trưởng nóng của Trung Quốc đã dẫn đến tăng trưởng xuất khẩu thấp hơn và nền kinh tế trở nên trì trệ khi ngành xuất khẩu mất khả năng cạnh tranh, B.B đánh giá.
12 tháng qua đã chứng kiến các chỉ số kinh tế quan trọng của Trung Quốc như sản xuất công nghiệp, lượng tiêu thụ xe hơi, bán lẻ và đầu tư đều giảm xuống mức thấp sau nhiều năm do lực đẩy trước đó giảm và gánh nặng nợ của Trung Quốc tiếp tục gây ra một vòng xoáy kéo nền kinh tế của nước này đi xuống.
Thế giới cuối cùng đã bừng tỉnh trước những rủi ro trước vị thế bấp bênh của hệ thống tài chính Trung Quốc, đó là lý do tại sao chúng ta thấy thị trường chứng khoán của nước này giảm tới 25% so với năm ngoái, theo Hayman Capital Management.
Mỹ nên đánh giá đầy đủ lợi thế của mình
B.B cho rằng có hai vấn đề mà các nhà đàm phán Mỹ yêu cầu Trung Quốc chấp thuận: 1) mua thêm hàng hóa của Mỹ, và 2) từ bỏ chính sách công nghiệp độc quyền, bảo trợ thái quá cho doanh nghiệp trong nước.
Cũng theo hai chuyên gia này, nếu các nhà đàm phán Hoa Kỳ chủ yếu tập trung vào mục tiêu đầu tiên là một sai lầm vì cuối cùng nó sẽ làm xói mòn mặt tích cực của nền kinh tế Hoa Kỳ vốn thúc đẩy những việc làm có giá trị nhất ở Mỹ, điều này không mang lại lợi ích lâu dài cho Mỹ và chỉ là một sửa chữa ngắn hạn cho một vấn đề phức tạp.
Theo ước tính của chính phủ Hoa Kỳ, việc giảm thuế suất và điều chỉnh các quy tắc sở hữu nước ngoài sẽ là một điều tốt, nhưng điều này sẽ không chấm dứt chính sách gián điệp và trộm cắp kinh tế hàng loạt và có hệ thống của Trung Quốc. Nhiều chính quyền Hoa Kỳ trước đây đã tìm cách đàm phán với Trung Quốc vấn đề này trong hơn hai thập kỷ nhưng các cam kết đối của Bắc Kinh với Washington hiếm khi được thực hiện. Nước Mỹ cần một cam kết từ chính phủ Trung Quốc rằng họ sẽ chấm dứt hoạt động gián điệp và trộm cắp, đồng thời đồng ý chịu trách nhiệm pháp lý và tài chính cho hành vi trộm cắp của họ. Chính quyền của ông Trump nên tiếp tục thúc đẩy việc này và không chấm dứt các cuộc đàm phán cho đến khi có sự thay đổi vĩnh viễn trong các biểu hiện sai trái của Trung Quốc, B.B nêu quan điểm.
Để Trung Quốc là thành viên mang tính xây dựng trong hệ thống thương mại thế giới đa phương, họ phải cung cấp cho các công ty nước ngoài, hoạt động bên trong Trung Quốc hoặc bên ngoài, các quyền và đặc quyền tương tự như các tập đoàn nhà nước. Hệ thống trọng thương hiện tại mà Bắc Kinh xây dựng, dựa trên trợ cấp và ưu đãi cho doanh nghiệp quốc doanh, cần phải được dỡ bỏ.
B.B đề nghị rằng, Chính quyền Trump cần thấy được một cách đầy đủ về lợi thế đang có, và lợi thế có được do chính sách thuế sau ngày 1/3, ngày kết thúc đình chiến thương mại.
Để phung phí cơ hội này sẽ là một thảm họa không chỉ đối với chính quyền Trump, mà còn đối với phương Tây, B.B nhận định.
Đặng Trần