Tuesday, 12 February 2019

Úc mua 12 tàu ngầm của Pháp với giá 50 tỉ đô la - Thùy Dương

 media
Bộ trưởng Quốc Phòng Úc Christopher Pyne (T), thủ tước Úc Scott Morrision (G) và bộ trưởng Quân Lực Pháp Florence Parly (P) bắt tay tại lễ ký hợp đồng, Canberra, ngày 11/02/2019.AAP Image/Lukas Coch via Reuters

Ngày 11/02/2019, Úc chính thức ký hợp đồng mua 12 tàu ngầm của Pháp với tổng trị giá 50 tỉ đô la. Thủ tướng Úc Scott Morrison gọi đây là « kế hoạch đầy tham vọng », trong lễ ký kết với sự hiện diện của bộ trưởng Quốc Phòng Pháp Florence Parly.

Thủ tướng Morrison nhấn mạnh hợp đồng mà hai nước ký ngày 11/02 là « sự đầu tư quan trọng nhất của Úc về quốc phòng trong thời bình ». Sau nhiều năm thương lượng, vào năm 2016, tập đoàn Pháp Naval Group (trước đây là DCNS) đã được chọn để ký « hợp đồng thế kỷ », cung cấp 12 tàu ngầm thế hệ mới cho Hải Quân Úc.

Tàu ngầm đầu tiên sẽ được Naval Group bàn giao cho Úc vào năm 2030. Thương vụ khổng lồ này sẽ tạo ra 2.800 việc làm tại Úc và 500 việc làm tại Pháp.
AFP bình luận hợp đồng khổng lồ này phản ánh tham vọng của Úc tại Thái Bình Dương. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia lấy làm tiếc rằng hợp đồng này được ký kết quá muộn : vùng biển phía bắc và đông nước Úc đang là nơi tranh giành ảnh hưởng của Mỹ, Trung Quốc và các cường quốc khác trong khu vực. 

Biển Đông : 12 tàu ngầm Pháp giúp Úc chiếm ưu thế trước Bắc Kinh

media
Xưởng đóng tầu ngầm Cherbourg, vùng Normandie, Pháp. Ảnh chụp ngày 11/09/2018.CHARLY TRIBALLEAU / AFP

Trang nhất các báo Pháp hôm nay 11/02/2019 chú ý nhiều đến nhiều vấn đề thời sự trong nước : Thảo luận toàn quốc tìm lối thoát khủng hoảng Áo Vàng, cải cách giáo dục, hay cải cách hệ thống kiểm soát thuế để thiết lập niềm tin giữa chính quyền với doanh nghiệp. Về thời sự quốc tế, nổi bật nhất là hợp tác quốc phòng Pháp – Úc bước sang giai đoạn mới, sau khi hai bên ký kết hợp đồng 12 tàu ngầm chiến đấu. Các vũ khí mới giúp cho Úc có ưu thế quân sự so với Trung Quốc, đặc biệt tại vùng Biển Đông.

Theo bài « Pháp và Úc khảm vào đá một thỏa thuận trong ngành tầu ngầm », sau gần ba năm đàm phán, Canberra hôm nay, 11/02/2019, chính thức ký hợp đồng mua 12 tàu ngầm của Pháp, do hãng Naval Group sản xuất, với tổng trị giá 50 tỉ đô la. Hợp đồng dày 1.400 trang, quy định một cách rất chi tiết hàng loạt lĩnh vực, như bản quyền công nghiệp, bảo hành, trao đổi công nghệ, cung ứng nguyên liệu hay các quy định về phạt…, cho phép hai bên tránh được các hiểu lầm trong thời hạn hợp đồng kéo dài 50 năm. Paris cũng cam kết sẽ hỗ trợ tập đoàn Naval Group trong hợp đồng đóng tầu ngầm cho Úc.

Hợp đồng nói trên được xác định là bất di bất dịch, bất kể biến động chính trị tại Úc. Toàn bộ 12 tàu ngầm sẽ được lắp đặt trên đất Úc, cho phép tạo thêm 3.000 công ăn việc làm tại chỗ. Khoảng 1.100 doanh nghiệp vừa và nhỏ của phía Úc có thể tham gia sản xuất thiết bị. Chiếc đầu tiên dự kiến hạ thủy vào năm 2032. Tiếp theo đó, cứ hai năm một lần Úc sẽ có thêm một tàu ngầm do Pháp chế tạo.
Đối với Naval Group, việc ký kết hợp đồng với Úc mang lại niềm tự hào lớn cho tập đoàn. Theo một số giới chức của Naval Group, hợp đồng tầu ngầm này sẽ mang lại cho Hải quân Úc ưu thế tại vùng biển Đông Nam Á.

Ưu thế vượt trội của tầu ngầm Pháp

Bài viết « Căn cứ Hải quân Cherbourg hoạt động hết công suất » của Les Echos giải thích lý do khiến Pháp giành thắng lợi trong hợp đồng này trước hai đối thủ nặng ký khác, Đức và Nhật. Theo Les Echos, với ba tầu ngầm hạt nhân tấn công Barracuda đang được chế tạo tại cơ sở đóng tàu Cherbourg (được dùng làm nguyên mẫu cho 12 chiếc tầu hợp đồng với Úc), Paris đã cho Canberra thấy ưu thế vượt trội về tốc độ, về khả năng ít gây tiếng ồn, cũng như thời gian hoạt động độc lập dưới nước. Tàu ngầm mà Pháp dự kiến đóng cho Úc cũng cần đến một tổ lái ít người hơn, 4 thành viên so với khoảng 15 người cho tầu Rubis thế hệ trước.

Bài « Pháp – Úc : Mối quan hệ chiến lược tại Thái Bình Dương » của Les Echos nhấn mạnh : hiện tại Úc đã trở thành đồng minh mật thiết nhất của Pháp tại khu vực Thái Bình Dương. Việc Pháp giúp Úc chế tạo tầu ngầm là một trong các phương tiện để tăng sức mạnh quân sự, nhằm cân bằng lại đà quân sự hóa hiện nay của Trung Quốc ở Biển Đông, cũng như ảnh hưởng gia tăng của Bắc Kinh thách thức liên minh chiến lược do Hoa Kỳ đứng đầu tại khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, như nhận định của nhà phân tích Malcolm Davis, tại Australian Strategic Policy Institute.

Sức mạnh gia tăng của Trung Quốc chính là nhân tố khiến Pháp và Úc xích gần nhau. Vẫn theo nhà phân tích Úc Malcom Davis, Pháp có thể sẽ giữ một vai trò lớn hơn hiện nay tại khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương. Trong trường hợp có các khủng hoảng lớn, ví dụ như « một xung đột quân sự tại Đài Loan, ở Biển Đông, hay trên bán đảo Triều Tiên, Úc có thể yêu cầu Pháp hỗ trợ, trong một hoạt động quân sự hỗn hợp ». Hiện tại, Hoa Kỳ đã có nhiều đồng minh quân sự trong khu vực, như Nhật Bản và Hàn Quốc, và quan hệ đối tác đang được siết chặt với Philippines, Ấn Độ, Singapore và Việt Nam.

Mỹ-Trung : Washington có thể gia hạn, nếu đàm phán tiến triển

Đàm phán Mỹ - Trung nhằm tìm lối thoát cho cuộc chiến về thuế đang bước vào giai đoạn cuối là đề tài thời sự quốc tế trọng tâm khác. Theo Les Echos, sau giai đoạn tạm nghỉ nhân dịp Năm mới âm lịch cổ truyền, Hoa Kỳ và Trung Quốc bước vào vòng đàm phán mới, khai mạc hôm nay 11/02 tại Bắc Kinh. Tham gia phái đoàn Mỹ trong đợt đàm phán này có bộ trưởng Thương Mại Robert Lighthizer và bộ trưởng Tài Chính Steven Mnuchin. Hạn chót cho một thỏa thuận, theo quy ước giữa hai bên, là ngày 02/03. Nếu không thỏa hiệp được với nhau, Washington đe dọa sẽ tiếp tục tăng thuế nhập khẩu 200 tỉ đô la hàng hóa Trung Quốc, từ 10% hiện nay lên 25%.

Cho dù Washington và Bắc Kinh đã nhấn mạnh là có nhiều tiến bộ đạt được trong đàm phán trong chuyến công du Mỹ của phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc (Liu He), cách nay 2 tuần, chính quyền Mỹ trong những ngày gần đây liên tục khẳng định còn nhiều việc phải làm.

Bắc Kinh tỏ ra sẵn sàng nhân nhượng đối với việc mở cửa hơn thị trường Trung Quốc cho hàng hóa Mỹ, nhưng một trong những điểm bế tắc chính trong đàm phán là việc Mỹ đòi hỏi Trung Quốc phải tiến hành « các cải cách thực sự về cơ cấu », cho phép chấm dứt các hoạt động cạnh tranh thương mại bất chính, đặc biệt là chấm dứt cưỡng bức chuyển giao công nghệ, giảm bớt tỉ trọng của khu vực doanh nghiệp Nhà nước.

« Cơ chế kiểm soát » : Chủ đề hết sức nhạy cảm với Bắc Kinh

Chính quyền Mỹ yêu cầu Bắc Kinh phải thiết lập « một cơ chế kiểm soát thường xuyên » đối với các cam kết mà Bắc Kinh có thể đưa ra trong lĩnh vực này. Nhưng đây là điều mà chế độ cộng sản Trung Quốc coi là một « chủ đề hết sức nhạy cảm ». Theo một nhà nghiên cứu thuộc Đại học Nhân dân ở Bắc Kinh, và cố vấn của chính quyền, thì đòi hỏi này thách thức trực tiếp chủ quyền của Trung Quốc.

Báo chí Hoa Kỳ cho hay Washington có thể chấp nhận kéo dài hạn chót đàm phán, nếu các thương lượng đạt tiến bộ trong tuần này. Hôm thứ Năm tuần trước, để gây áp lực lên Bắc Kinh, tổng thống Mỹ tuyên bố không có dự kiến gặp lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình trước ngày 01/03. Tuyên bố của tổng thống Mỹ làm tắt ngấm hy vọng là hai bên có thể đạt đồng thuận đúng thời điểm dự kiến.