Monday 23 April 2018

40 năm nhìn lại những khuôn mặt phản chiến miền Nam - Nguyễn Quang Hồng Nhân

Bên sau núi là núi và vẫn còn trùng điệp núi non, hòn đá mang từ mặt trăng về và xa hơn nữa với bao thiên thạch từ những vụ nổ không ngừng trong vũ trụ, không thiếu những hạt bụi va lại chính nơi xuất phát.
Một cách ví von, người ta cho rằng cuộc di cư sau Hiệp định Geneve, 1954, đó là những cuộc bỏ phiếu bằng chân dành cho chế độ Cộng sản, mà nếu được tự do, đến cây trụ đèn cũng ra đi. Những người trí thức miền Nam hơn ai hết hiểu biết biến cố này nhưng một thiểu số, không nhiều họ đã hành động khác người, họ vẫn luôn trong ý nghĩ mình yêu nước, cho đến khi lương tâm bừng thức tỉnh cho dù quá muộn.
Một trong những trí thức trẻ theo Cộng sản vào thời điểm ấy, lãnh tụ sinh viên phản chiến Đoàn Văn Toại đã phát biểu như sau: 
Khi cộng sản chiếm miền Bắc Việt Nam năm 1954, hàng triệu người đã lũ lượt di cư vào Nam. Tôi đã tận tai nghe nhiều câu chuyện về sự đau khổ tột cùng của họ. Nhưng cũng như nhiều người miền Nam lúc ấy, tôi đã không tin vào những câu chuyện đó. Cả về sau này, tôi cũng đã không tin về những câu chuyện được kể trong tác phẩm Quần Đảo Ngục Tù (The Gulag Archipelago) của văn hào Nga Solzhenitsyn. Tôi không tin vì cho rằng đó là những luận điệu tuyên truyền chống Cộng.” (ĐVT, Quần đảo ngục tù Việt Nam – The Vietnamese Gulag).