Wednesday, 14 August 2013

Mỹ, Trung Quốc sẽ không đối đầu

Sẽ không có cuộc xung đột nào giữa Mỹ và Trung Quốc trong 20 cho đến 30 năm tới, cho dù hai siêu cường sẽ cạnh tranh nhau quyết liệt, cựu thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu nhận định.
Cựu thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu. Ảnh: Asia One
Cựu thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu. Ảnh: Asia One
Lời nhận xét của ông Lý được đưa ra tại diễn đàn toàn cầu Standard Chartered hôm 20/3 tại Singapore, trước các nhà lãnh đạo chính trị và kinh tế đến từ khắp thế giới. Theo ông Lý, Trung Quốc rất cần thị trường Mỹ cho hàng xuất khẩu, và cần nơi để gửi các sinh viên đi học bậc cao.
"Trong 20 đến 30 năm tới, Trung Quốc không muốn có xung đột với Mỹ... Tôi không thấy có sự đối đầu nào", ông Lý phát biểu. Nhưng về lâu dài sẽ có cạnh tranh quyết liệt giữa hai cường quốc ở phương đông và phương tây.
Quan điểm này từng được ông đưa ra trong cuốn sách Lý Quang Diệu: Bậc thầy hiểu biết về Trung Quốc, Mỹ và thế giới, tập hợp các bài phỏng vấn ông Lý của các ký giả Graham Allison và Robert D. Blackwill, Ali Wyne. Cuốn sách có lời tựa được viết bởi Henry A. Kissinger.
Dưới đây là trích đoạn trong cuốn sách, phần nói về quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc.
- Sự đối đầu cơ bản nhất giữa Trung Quốc và Mỹ sẽ như thế nào?
Tranh đua giữa Mỹ và Trung Quốc là không thể tránh khỏi, nhưng xung đột thì không. Đây không còn là thời Chiến tranh Lạnh nữa. Trước đây Liên Xô và Mỹ cạnh tranh nhau để giành lấy vị trí siêu cường toàn cầu. Nhưng Trung Quốc chỉ hành động dựa trên lợi ích quốc gia. Trung Quốc không có ý muốn thay đổi thế giới.
Sẽ có một cuộc cạnh tranh ảnh hưởng. Tôi nghĩ sự cạnh tranh sẽ không quá gay gắt bởi Trung Quốc cần Mỹ, cần thị trường Mỹ, công nghệ Mỹ, cần các sinh viên đi sang Mỹ để học hỏi cách thức kinh doanh rồi về cải thiện kinh tế Trung Quốc. Quá trình này cần 10, 20, 30 năm. Nếu anh cãi nhau với Mỹ và trở thành đối thủ đáng ghét, tất cả các thông tin và công nghệ đó đều đóng sập cửa trước mắt anh. Sự đối đầu giữa Trung Quốc và Mỹ sẽ ở mức độ sao cho Trung Quốc vẫn có thể tận dụng các lợi thế từ Mỹ.
Không như Mỹ với Liên Xô trước kia, Mỹ và Trung Quốc ngày nay không có sự đối đầu về hệ tư tưởng. Trung Quốc hăng hái chấp nhận nền kinh tế thị trường. Mối quan hệ Mỹ - Trung là vừa hợp tác lại vừa cạnh tranh. Sau khi Liên Xô tan rã, Mỹ và Trung Quốc từng coi nhau như những kẻ cạnh tranh, hoặc thậm chí đối thủ. Nhưng hiện nay, đôi bên hiểu rằng một khi họ không hợp tác được với nhau, họ cũng vẫn cùng tồn tại và để cho các quốc gia Thái Bình dương khác phát triển yên ổn.
Nhân tố ổn định trong mối quan hệ Mỹ - Trung là mỗi nước đều cần có sự hợp tác và cạnh tranh lành mạnh từ nước kia. Nguy cơ xung đột vũ trang Mỹ - Trung là rất thấp. Trung Quốc hiểu rằng sức mạnh quân sự của Mỹ là vượt trội là điều này còn duy trì nhiều năm nữa. Trung Quốc xây dựng quân sự lớn mạnh không phải để đối phó với Mỹ, mà chủ yếu là để gây sức ép trong vấn đề Đài Loan, để gửi đi thông điệp rằng họ nghiêm túc trong quyết tâm thu hồi Đài Loan.
Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng không muốn đánh nhau với bất cứ bên nào trong vòng 15-20 năm tới. Người Trung Quốc tin tưởng sâu sắc rằng sau 30 năm, trình độ tinh vi trong quân sự của họ sẽ sánh ngang với Mỹ. Về lâu dài hơn, họ sẽ không coi mình là thua kém trong cuộc chiến này.
Trung Quốc sẽ không để các tòa án trọng tài quốc tế phân định tranh chấp ở South China Sea (Biển Đông). Vì thế sự hiện diện quân sự của Mỹ ở châu Á Thái bình dương là cần thiết để đảm bảo Công ước của LHQ về luật biển được tôn trọng.
- Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton từng tuyên bố rằng trong thế kỷ 21, các khái niệm về cân bằng quyền lực đã lỗi thời. "Mỹ hay Trung Quốc cũng đều không thể tiếp tục nhìn nhận thế giới thông qua lăng kính cũ kỹ, cho dù lăng kính đó là tàn dư của chủ nghĩa đế quốc, Chiến tranh Lạnh hay lý thuyết cân bằng thế lực chính trị. Cách nghĩ được-mất sẽ dẫn đến kết quả tồi". Vậy thì sự cân bằng quyền lực đóng vai trò gì trong chiến lược của Mỹ đối phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc?
Tư duy thận trọng chỉ ra rằng cần có sự cân bằng quyền lực ở châu Á Thái bình dương. Điều này thường được gán cho sự hiện diện tiếp tục của Mỹ. Hiện diện quân sự có thể đem lại sự ổn định và hòa bình cho khu vực. Sự ổn định này có lợi cho tất cả các bên, kể cả Trung Quốc.
Trung Quốc không muốn đánh nhau với bất kỳ ai, ít nhất là trong 15-20 năm tới. Trong 30 năm tới, quy mô của Trung Quốc sẽ khiến cả phần còn lại của châu Á, kể cả Nhật và Ấn Độ, không thể tạo thế ngang bằng. Vì thế chúng ta cần Mỹ để tạo cân bằng. Vấn đề là liệu Mỹ có còn tiếp tục thực hiện được vai trò là một thế lực quan trọng đối với an ninh và kinh tế ở khu vực Thái bình dương hay không. Nếu Mỹ có thể, tương lai của Đông Á sẽ tuyệt vời. Thế nhưng sẽ có vấn đề nếu nền kinh tế Mỹ không lấy lại được khả năng cạnh tranh của nó.
Mỹ không thể xa rời Nhật Bản nếu nó không muốn mất đòn bẩy đối với cả Nhật và Trung. Hiệp ước an ninh chung Mỹ - Nhật là yếu tố cân bằng có thể giúp duy trì thế chân vạc với hai đồng minh là Nhật và Mỹ với bên kia là Trung Quốc.
Tại sao Mỹ phải tiếp tục hậu thuẫn cho Đông Á tăng trưởng kinh tế, khi mà Đông Á đã có tổng GDP cao hơn của Bắc Mỹ? Tại sao không rũ bỏ đi? Bởi vì quá trình hậu thuẫn này không dễ rũ bỏ. Không một thế cân bằng nào khác có thể tốt hơn hiện nay, khi Mỹ là một thế lực quan trọng. Cân bằng địa chính trị mà không có Mỹ với tư cách là lực lượng chủ chốt sẽ bị khác đi rất nhiều. Thế hệ người châu Á chúng tôi, những người đã nếm trải cuộc chiến cuối cùng, chứng kiến mọi nỗi kinh hoàng và đau khổ của chiến tranh, và vẫn nhớ rõ ràng vai trò của Mỹ trong sự bay lên thần kỳ như phượng hoàng của kinh tế Nhật từ đống đổ nát chiến tranh, trong sự phát triển của các nền kinh tế mới nổi và của ASEAN, hẳn sẽ cảm thấy rõ rệt nỗi nuối tiếc rằng thế giới sao thật quá khác khi mà Mỹ giảm mạnh vai trò trong thế cân bằng mới nào khác.
Tổng thống Mỹ Nixon là một chiến lược gia thực dụng. Ông không bao vây mà can dự với Trung Quốc, nhưng mặt khác ông cũng lặng lẽ đặt những quân cờ đề phòng trường hợp Trung Quốc không muốn hành động như một công dân tốt của hoàn cầu. Trong tình huống đó, khi các nước phải chọn đứng về một bên, Nixon sẽ có Nhật, Hàn, ASEAN, Ấn Độ, Australia, New Zealand và Russia đứng về phía mình trên bàn cờ.
- Liệu ban lãnh đạo Trung Quốc có thực sự nghiêm túc với ý định thay thế Mỹ trở thành cường quốc số 1 ở châu Á và thế giới?
Tất nhiên. Sao lại không? Họ đã biến một xã hội nghèo đói thành điều thần kỳ kinh tế trở thành nền kinh tế số 2 thế giới và đang trên đường trở thành nền kinh tế số 1. Họ đã theo bước Mỹ trong việc đưa người lên vũ trụ và dùng tên lửa bắn hạ vệ tinh. Họ có nền văn hóa 4000 năm và có 1,3 tỷ người, có rất nhiều người tài giỏi. Sao họ lại không mơ đứng đầu châu Á và thế giới?
Ngày nay Trung Quốc đang phát triển với tốc độ mà 50 năm trước không ai có thể tượng tượng. Người Trung Quốc đã nâng cao mong ước và khát vọng. Mỗi người Trung Quốc đều muốn đất nước giàu và mạnh, một quốc gia thịnh vượng, tiến bộ và công nghệ cao cạnh tranh với Mỹ, châu Âu và Nhật Bản. Sự phục hồi nhận thức về sứ mệnh của họ chính là sức mạnh ghê gớm.
Không như các nền kinh tế mới khác, Trung Quốc muốn là Trung Quốc, muốn được công nhận như chính bản thân họ chứ không như một thành viên của phương Tây. Người Trung Quốc muốn chia sẻ thế kỷ này một cách bình đẳng với Mỹ.
- Liệu các chính sách và hành động của Mỹ có gây ảnh hưởng đáng kể tới con đường đi và thái độ của Trung Quốc như một cường quốc hay không?
Có. Nếu Mỹ muốn hạ thấp Trung Quốc, Trung Quốc sẽ trở thành kẻ thù của Mỹ. Nhưng nếu Mỹ chấp nhận Trung Quốc là một quốc gia lớn, mạnh, đang vươn lên và dành chỗ cho Trung Quốc nói tiếng nói của họ, Trung Quốc sẽ nhận lấy chỗ đó trong tương lai.
Vì sao Mỹ phải ngăn chặn Trung Quốc vào bây giờ khi mà họ biết rằng làm như thế sẽ tạo ra mọt đối thủ trong tương lai lâu dài, đối thủ đó sẽ lớn mạnh và đáp lại Mỹ y như họ từng đối xử? Điều này không cần thiết. Mỹ hãy nói thế này: "Chúng ta rốt cục sẽ bình đẳng, và anh rốt cục có thể lớn mạnh hơn tôi, nhưng chúng ta cần làm việc với nhau. Vậy thì hãy ngồi xuống đây, và cùng bàn thảo các vấn đề của thế giới".
Đây là lựa chọn căn bản mà Mỹ cần làm: can dự hay cô lập Trung Quốc. Ta không thể chọn cả hai. Anh không thể nói anh can dự trong một số vấn đề và anh cô lập trong một số vấn đề khác. Anh không thể trộn lẫn các tín hiệu được.
Cái cách mà Trung Quốc thể hiện ưu thế trong tương lai chắc chắn sẽ khác trước nhiều. Hãy lấy ví dụ ở Đông Á, nơi Trung Quốc đã thiết lập được vị trí vững chắc về kinh tế đối với các nước láng giềng và sử dụng vị thế đó cùng với một thị trường mênh mông của 1,3 tỷ dân cùng nguồn tiền đầu tư dồi dào của mình như thế nào. Nếu các quốc gia hoặc doanh nghiệp không chấp nhận quan điểm của Trung Quốc và không có các ứng xử thích hợp, họ có thể đối mặt với nguy cơ bị loại ra khỏi thị trường khổng lồ này.
Ánh Dương (lược dịch)