Friday, 16 August 2013

Đón Chào Dòng Nhạc Tuổi Trẻ Yêu Nước Đến Hoa Thịnh Đốn - Tâm Đồng


“Toàn dân nghe chăng? Sơn hà nguy biến ….”

Vào lúc 3 giờ chiều ngày Thứ Bảy 3-8 vừa qua, một chương trình ca nhạc đấu tranh đặc sắc với chủ đề “Tất Cả Cho Tinh Thần Tuổi Trẻ Yêu Nước” đã diễn ra tại Trung Tâm Sinh Hoạt Cộng Đồng James Lee, thuộc thành phố Falls Chụrch, với sự tham dự của đông đảo đồng hương trong vùng, quý vị lãnh đạo Cộng Đồng, cùng đại diện các hội đoàn, đoàn thể.

Sau khúc nhạc hiệu Liên Kết Ca do nhóm Liên Kết Văn Nghệ Sĩ, Thanh Niên, Sinh Viên Việt Nam Tự Do trình bày, Hội Nghị Diên Hồng với tiếng hát của danh ca Đoàn Chính, đã mở đầu chương trình ca nhạc đấu tranh, nhắc nhở quan khách tham dự về tinh thần bất khuất trước sự xâm lấn của quân Nguyên thật hào hùng của dân tộc từ ngàn năm trước.
Chương trình được tiếp nói sau đó bởi những ca khúc, những sáng tác đưa người nghe về lại với lịch sử chống ngoại xâm từ phương Bắc của dân tộc, những lời hiệu triệu vùng lên chống ngoại xâm cùng những bài hát nói lên những uất ức, những nỗi đau thương của dân tộc cùng với những đàn áp dã man mà người yêu nước đang phải gánh chịu dưới ách cai trị của cộng sản tại quê nhà.

Trong suốt chương trình dài 3 giờ đồng hồ, đã có khoảng 20 sáng tác của Trần Vũ Anh Bình, Việt Khang, Việt Oan, Vũ Chính Nam, Bích Như, Quốc Nội đã được lần lượt giới thiệu qua các tiếng hát Đoàn Chính, Vivian Huỳnh-13 tuổi đến từ San Jose, Kim Sơn, và Nguyên Thuỷ, tiếng hát đấu tranh của vùng Hoa Thịnh Đốn và Huỳnh Công Ánh. 

Hai người điều hợp chương trình, Lữ Anh Thư và Việt Long, đã dẫn dắt người nghe đi từ quá khứ cả ngàn năm truớc đến hiện tình của Việt Nam ngày nay, khi hiểm họa Hán hóa đang đe dọa từng ngày.

Ta đã nghe tuổi trẻ Việt Nam ray rứt “..lòng tôi yêu nước, đứng ngồi không yên.” Họ nói lên một nghịch lý vô tiền khoáng hậu “giặc Tàu xâm lấn quê hương, anh hùng yêu nước mang thân tù đày” trong nhạc phẩm Giọt Lệ Sầu Cho Quê Hương mà Nguyên Thuỷ trình bày thật hay. Hoặc họ đã hỏi nhà cầm quyền cộng sản VN “…sao anh tàn sát đồng bào, người yêu nước xuống đường, anh đem bắt, đem giam, anh đọa đày”.

Nhưng thay vì những tiếng oán than, Tuổi Trẻ Yêu Nước thúc dục người dân, đặc biệt là thanh niên, sinh viên vùng lên, bất chấp cùm gông, tù ngục để bảo vệ quê hương, để giữ yên bờ cõi.

Khán giả đã cảm phục khi nghe Trần Vũ Anh Bình kêu gọi tuổi trẻ “Hãy Thắp Lửa Lên”, rằng “TTYN vì non sông xin hiến dâng tuổi xuân”, một tuổi trẻ thưa với cha mẹ rằng “thân con một đời nợ nước, nói lên được nỗi lòng chống xâm lược, sá gì ngục tù kia” hay “Mẹ hỡi, xin cho con một lòng vì nước non”. Đó là tâm tình của Trần Vũ Anh Bình, qua tiếng hát trẻ Vivian Huỳnh cũng như Kim Sơn đã làm khán giả xúc động, những tiếng vỗ tay vang rền như không ngớt.

Khán giả càng hừng khí hơn khi nghe một Bích Như thưa với mẹ rằng “mẹ ơi lau nước mắt, đừng khóc, dân tộc mình bất khuất không thể mất…” qua tiếng hát của Đoàn Chính. Đó, đó mới là tinh thần bất khuất của tiền nhân linh hiển, sống lại trong huyết quản của TTYN.

Ông cha ta đã dạy “giặc đến nhà, đàn bà cũng phải đánh” và các phu nhân Võ Bị trong ban đồng ca Phụ Nữ Lâm Viên đã nói lên tinh thần con cháu nhị vị Trưng Nữ Vương trong bài Người Con Gái Việt Nam.

Đồng hành với tiếng nói đấu tranh yêu nước từ quốc nội là những sáng tác, là tiếng hát của Huỳnh Công Ánh. Anh đã nhắc nhở rằng vận mệnh đất nước nằm trong tay dân tộc, rằng “..độc lập, tự do không năn nỉ van xin; độc lập, tự do chẳng có ai cho không”. Huỳnh Công Ánh cũng đã viết những bài hát ca ngợi tinh thần bất khuất, sự dũng cảm nói lên lòng yêu nước của những người bạn trẻ, thể hiện đúng đắn tinh thần can đảm, yêu nòi giống của tiền nhân. Chính tác giả đã Hát Cùng Việt Khang-Trần Vũ Anh Bình và Hát cho Tuổi Trẻ Phương Uyên, Nguyên Kha.

Nhưng có lẽ 2 bài hát kết thúc chương trình, Ngày Mai Tới và Quê Hương Ngày Về đã làm cho cả hội trường phừng khí đấu tranh khi nghe Việt Khang cùng Trần Vũ Anh Bình và Vũ Chính Nam kêu gọi “…kiếp tha phương ta sẽ quay về dựng Cờ Vàng 3 Sọc Đỏ quê hương…” và một Việt Oan vẽ lên ngày sẽ tới huy hoàng khi “đón em về chào đón nắng ấm tự do”.

Trong phần trả lời phỏng vấn, nhóm Liên Kết Văn Nghệ Sĩ cho biết mục tiêu của họ trong lần ra mắt tại vùng thủ đô là chuyển tải dòng nhạc của TTYN để đồng bào có thể hiểu rõ hơn về tinh thần của hai nhạc sĩ Việt Khang và Trần Vũ Anh Bình qua các bài hát của họ, vì đâu họ đã bị bản án 4 năm và 6 năm, thêm 3 năm quản chế. Quan khách tham dự, quá xúc động trước tinh thần yêu nước của 2 người nhạc sĩ trẻ, đã tự nguyện đóng góp, kẻ ít người nhiều, như để cùng chia sẻ và yểm trợ tinh thần cho anh em trẻ đang chịu cảnh lao tù vì dám bày tỏ lòng yêu nước, mặc dù gây quỹ không hề là chủ trương của nhóm Tuổi Trẻ Yêu Nước. 

Ngay tại hội trường James Lee hôm Thứ Bảy 3-8, một số tiền rất khích lệ là $5,701 mỹ kim + đã được đồng bào góp lại và đã được trao tận tay cho đại diện của nhóm TTYN tại hải ngoại. Anh Vũ Trực đã lên tiếng cảm tạ đồng hương và một thành viên từ Việt Nam cũng đã gọi điện thoại sang để lên tiếng cảm ơn sự hỗ trợ của đồng bào hải ngoại cho bước đường mà tuổi trẻ đang đi.

Phần hai của buổi ra mắt nhóm Liên Kết là chương trình văn học, nghệ thuật, giới thiệu tập thơ Ơn Nghĩa Trùng Trùng của sáng lập viên Liên Kết là thi nhạc sĩ Huỳnh Công Ánh vào ngày Chủ Nhật 4-8 tại Mason District Government Center. 

Chương trình văn học nghệ thuật ra mắt tập thơ rất phong phú với sự tham dự của các văn nghệ sĩ tên tuổi của vùng thủ đô như Ngô Tằng Giao, Hoàng Cung Fa, Bạch Mai, Vũ Phương, Đoàn Chính cùng các quý vị văn, thi sĩ của các cơ sở văn hóa như Cỏ Thơm, Kỷ Nguyên Mới như nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Dung, giáo sư Phạm Văn Tuấn. 

Qua lời chào mừng của Hoàng Dung, điều hợp chương trình, buổi sinh hoạt văn học nghệ thuật được mở đầu với một sáng tác do một nhạc sĩ địa phương tặng cho ban tổ chức, nhạc sĩ Nguyễn Tường Vân. Nhạc sĩ Hoàng Cung Fa đã trình bày sáng tác Thầm Gọi Tên Em, Em Việt Nam để dựng một không gian ấm áp tình quê hương mà Hoàng Dung gọi là “rất Huỳnh Công Ánh”. Và để giới thiệu tác giả còn là một nhạc sĩ, Hoàng Anh đã trình bày một sáng tác mang sắc thái rất quê hương của tác giả, Rồi Cũng Có Ngày.

Trong phần giới thiệu tác phẩm, thi tập Ơn Nghĩa Trùng Trùng, nhà thơ, luật sư Ngô Tằng Giao đã nói đến tinh thần đấu tranh, tâm trạng tráng sĩ mài gươm chờ cơ hội cứu quốc của tác giả bàng bạc trong tập thơ. Huỳnh Công Ánh là một chiến sĩ và ông đã chiến đấu bằng ngòi bút và tiếng ca cho quê hương trong bao thập niên qua. Và dĩ nhiên, diễn giả đã nói đến cái Ơn lớn lao mà tác giả đã nói đến rất nhiều trong một tác phẩm dày gần 300 trang, Ơn Tổ Quốc, Ơn Gia Đình, Ơn Tha Nhân, những cái Ơn lớn lao tác giả đã sợ một đời không đủ để đáp trả. Cử toạ sau đó đã được thưởng thức một sáng tác nói lên sự khắc khoải của tác giả trước hiện tình đất nước, Làm Ngơ Không Thể Làm Ngơ Được, qua giọng ngâm của Bạch Mai cùng tiếng sáo của Vũ Phương.

Khi thi sĩ Huỳnh Công Ánh trình diện cử tọa, ông đã trình bày mục tiêu của buổi ra mắt sách. Ngoài hoài bão góp phần bảo tồn văn hóa Việt Nam tự do, “tiếng Việt còn, người Việt còn” như tác giả đã phát biểu, ông dùng những sản phẩm của tâm hồn của ông như một phương tiện để yểm trợ cho một hiện tượng mà ông cho là hiếm quý sau gần nửa thế kỷ: “sự vùng dậy chống ngoại xâm của thế hệ trẻ trong nước”. Và vì thế, ông nhất quyết dồn tất cả nỗ lực để yểm trợ họ. Và trong nỗ lực đó, thi nhạc sĩ Huỳnh Công Ánh giới thiệu một chương trình yểm trợ quy mô và dài hạn, tạm gọi là Hồ Sơ Bảo Trợ. 

Qua chương trình này, đồng hương có thể góp một số tiền, từng tháng hay góp một lần cho một ngân quỹ sẽ được giữ tại địa phương. Vị thủ quỹ địa phương sẽ giúp mời gọi thêm người bảo trợ để quỹ một ngày một mạnh hơn. Số tiền đó sẽ được dùng đến khi có nhu cầu yểm trợ cho anh em trẻ trong nước. Qua chương trình Hồ Sơ Bảo Trợ, ai ai cũng có thể đóng góp mà không phải chờ khi có nhu cầu, và khi có nhu cầu, cũng không cần phải tổ chức gây quỹ. Ngân quỹ của địa phương sẽ do địa phương điều hành với sự phối hợp của nhóm Liên Kết và đại diện của Tuổi Trẻ Yêu Nước. 

Trong nhu cầu hiện tại, ngân quỹ này được dùng để lo cho thành viên TTYN đang gặp nạn và gia đình họ, nhưng trong tương lai, quỹ sẽ mở rộng để yểm trợ cho bất cứ ai đứng lên, chống ngoại xâm, chống độc tài và tay sai bán nước. Đồng hương tại Hoa Thịnh Đốn, có thể liên lạc với chị Bé ở địa chỉmsbedaycare@msn.com để yểm trợ cho kế hoạch yểm trợ TTYN được lớn mạnh.

Trước khi chấm dứt chương trình văn học nghệ thuật , thi nhạc sĩ Huỳnh Công Ánh đã trao đến chị Nguyễn Thị Bé, người thủ quỹ tại Hoa Thịnh Đốn tổng số tiền thu được trong ngày là $1,130 mỹ kim.

Thế là chương trình yểm trợ cho tinh thần Tuổi Trẻ Yêu Nước đã cống hiến cho đồng hương vùng Hoa Thịnh Đốn hai sinh hoạt giá trị trong 2 ngày cuối tuần, đúng như mục tiêu của nhóm Liên Kết Văn Nghệ Sĩ, Thanh Niên, Sinh Viên Việt Nam Tự Do, đó là chuyển tải thông điệp của anh em văn nghệ sĩ, thanh niên, sinh viên trong nước và tạo một nguồn tài chính để yểm trợ cho họ khi họ bị nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đàn áp. 

Mong rằng mọi nơi họ đi đến, nhóm Liên Kết sẽ được đón chào nồng nhiệt và thành công tốt đẹp hơn.

Tâm Đồng
Tháng 8-2013





http://www.thegioimoionline.com/tm.php?recordID=4612