Nhìn qua cửa sổ thấy thành phố Toronto nằm co ro dưới tia nắng sớm của một ngày đầu Thu thì lại chợt nhớ đến Hà Nội nơi tôi sinh trưởng cách đây mấy chục năm.
Nhà tôi hồi đó ở hàng Đẫy nổi dài, nay là đường Nguyễn thái Học, trước bến xe Kim Mã. Ngày ngày đi học tôi băng qua chợ Ngọc Hà, qua chùa Một Cột rồi theo Avenue Brière de l’Isle —đường Hùng Vương— là tới trường Albert Sarraut.Trước cửa trường là một bãi cỏ rộng mênh mông, nay là quảng trường Ba Đình. Bãi này chiều chiều chúng tôi thường rủ nhau ra đánh lộn, phần nhiều là ẩu đả với Tây lai và Ả rập vì cho là tụi này phách lối.
Cầu Thê Húc, đền Ngọc Sơn
Những ngày nghỉ có thể đi tầu điện lên bờ Hồ ,thả bộ theo Tràng Thi Tràng Tiền ,qua vườn hoa Con Cóc. Có khi qua đền Ngọc Sơn, rồi lên tận hàng Đào thăm bà cụ người quen có cửa hàng bán thuốc Bắc và tơ lụa.Lần nào bà cụ cũng gọi cho hai anh em chúng tôi mỗi đứa một mẹt bún chả chợ Đồng Xuân.
Thưc tình mà nói chỉ có ít sợi bún rối, một kẹp chả gồm vài miếng thịt ba chỉ thái mỏng nướng với vài cọng rau muống chẻ và rau thơm cùng chén nước chấm, thế mà ối giời ơi sao nó ngon thế, ăn cứ thòm thèm tới nay nghĩ đến còn rỏ dãi ! Tuy theo học trường Phảp nhưng tôi chỉ thích ăn đồ Việt Nam, nhất là những món qùa vặt. Bún riêu bún ốc tôi đều mê.Nhớ đến tô bún riêu cua đồng nóng hổi, gạch cua chưng vàng ngậy đổ lên sợi bún trắng ngần, tôi thấy ngon bằng năm bằng mười mấy loại soupe vô duyên của Tây phương!
Trường trung học Lycée Albert Sarraut
Trường trung học Albert Sarraut thành lập năm 1919 và giải thể năm 1965.Tôi theo học tại trường này từ năm 1952 cho tới năm 1954 thì di cư vô Nha Trang. Tôi phải thi concours mới vào được trường này ,năm đó chỉ nhận có hai chỗ, tôi dành được một.Kết qủa này là do ý chí của Mẹ tôi, một người đàn bà mảnh khảnh nhưng có một nghị lực phi thường. Khi bố tôi bỏ bà đi lấy người khác , bà ở vậy nuôi hai đứa con trai. Bà thường nói với hai anh em chúng tôi:
”Mẹ không có của cải để lại cho các con, chỉ có học vấn là đường tiến thân của các con, mẹ sẽ làm hết sức để giúp các con ăn học,vậy các con phải chăm lo học hành, đừng phụ công lao của mẹ”
Tôi là con trưởng, nên bao nhiêu chiều chuộng, bao nhiêu ưu đãi, bao nhiêu của ngon vật lạ đều đổ dồn vào tôi . Chú Cường em tôi cũng chấp nhận vai thứ của mình một cách thản nhiên , tôi thấy chú không hề tranh dành với tôi bất cứ điều gì vật gì. Hồi nhỏ hai anh em luôn luôn quấn quít lấy nhau, tôi bảo chú làm gì là chú làm theo không lầu bầu cãi cọ. Hai đứa đều thù ghét bà dì ghẻ thậm tệ, nhưng ngược lại vẫn thương hai đứa em một trai một gái cùng cha khác mẹ.
Tuy không sung túc, mẹ tôi không bao giờ để chúng tôi thiếu thốn chút gì. Nhất là tôi, bà cụ chiều như một công tử con nhà đại phú !Lúc nào trong nhà cụ cũng nuôi một chú nhỏ có nhiệm vụ vác cuốn Larousse nặng chình chịch đưa tôi đên trường. Hồi đó,chưa có cuốn Petit Larousse bỏ túi. Tôi còn nhớ tên các chú: đầu tiên là chú Nhâm, bàn tay có sáu ngón; sau đến chú Tuế,chú này bị hen nặng ,cứ tối tối là chú chui vào một xó ngồi thở rù rì như con mèo.Chót đến là chú Đơ, người to lớn lực lưỡng , mẹ tôi mua chiếc xe cyclo để chú chở tôi đi học. Mẹ tôi gây dựng gia đình cho cả ba chú , họ coi mẹ tôi như má nuôi !
Bà cụ lại còn nuôi thêm một ông thầy dậy tư—một précepteur--để kèm chúng tôi học thêm ở nhà cũng như chỉ bảo làm bài vở của nhà trường. Đây là những học sinh lớp đệ nhị đệ nhất đang sửa soạn thi Tú Tài. Mẹ tôi cho họ ở trọ nuôi ăn nuôi uống , ngược lại họ phải kèm học hai anh em chúng tôi. Tôi nhớ có anh Lý và anh Minh, mấy người này về sau đều thành công trong đời.Chú Cường và tôi mỗi người một thầy, vì chú Cường theo học chương trình Việt, còn tôi thi đỗ vào Albert Sarraut tất nhiên theo chương tình Pháp.Mẹ tôi thường cười khi kể lại:
Mẹ dẫn hai đứa mày đi thi vào Albert Sarraut .Tao đứng chờ trước cổng trường.Chỉ năm phút sau là đã thấy thằng Cường tung tăng đi ra.Thằng Khánh thì cả giờ sau mới ló mặt. Về nhà là tao tống thằng Cường vào trường Việt liền!
Nói như vậy không phài là chê chú Cường học dốt.Chú rất giỏi Pháp văn và cả chữ Nho nữa.Chỉ cái là chú không thích Tây Tầu,chú có lối sống rất Việt Nam, nhà tranh vách đất ăn mặc xuề xòa.Chú là Giáo sư Toán, con trai chú là thần đồng Toán, có Ph.D Toán của Đại học Harvard do học bổng của Gouverneur Général Jean Sauvé.
Chẳng may chú bị bạo bệnh mất sớm, tôi thương tiếc khôn nguôi.Chú mất khoảng 2 năm sau khi bà cụ đi ,tôi thường nghĩ có khi mẹ tôi nhớ chú gọi chú theo.
Chú Cường liên lạc mật thiết với họ hàng ,chú luôn luôn ở bên mẹ tôi, hầu hạ cụ cho đến khi cụ mất. Tôi thường nghĩ thầm:”về chữ hiếu và chữ tình, tôi thua chú xa, không bén gót!”.
Tôi đấu hót với bạn bè thì như pháo rang, nhưng ngồi tiếp chuyện họ hàng thì lại ú ớ, vì không có tài small talk !
Hà Nội có những ngày hè oi bức ác liệt, nhiều đêm phải vác ghế bố ra vỉa đường mới ngủ nổi !Hồi đó chưa ai có máy lạnh.Thế nhưng mùa đông thì rét cóng, nằm ngủ trong chăn bông không muốn dậy , cứ tự hỏi tại sao không nghỉ vacance vào mùa đông? Mùa này thích nhất là dịp Tết,đươc diện quần áo mới, được đi thăm viếng bà con họ hàng để nhận mừng tuổi(trong Nam gọi là lì xì) và được ăn kẹo mứt thả dàn !Tôi nhớ có lần lên chúc Tết ông chú, ông vừa rót mấy ly rượu Cointreau đãi khách,khách chưa uống đã ra về, tôi nếm thử thấy ngọt lừ thơm mùi cam, bèn nốc vội hai ba ly, thế là lăn kềnh ra ói mửa tùm lum! May vào dịp Tết nên không phải đòn.
Mùa đông và mùa thu ở Hà Nội có cái thú ăn qùa vặt vì trời lạnh. Hà Nội nổi tiếng có nhiều món qùa ngon.
Buổi sáng có đủ loại xôi ,bánh giò bánh dầy ép chả quế hoặc bánh cuốn Thanh Trì hay nhân thịt.Buổi trưa có cơm tấm giò chả và đủ loại bún, bún chả bún riêu bún ốc bún thang v…v…Tôi khoái nhất là món bún ốc lạnh chấm dấm bỗng làng Vân.
Buổi tối có phở,ngon nhất là phở gánh đầu đường.Buồn tình thì gọi tô mì hay tô cháo gà “xực tắc”—xực tắc mì gõ bằng hai mẩu gỗ, xực tắc cháo gà gõ bằng hai mẩu tre. Lại thêm món miến gà miến lươn hay cháo lòng với những miếng dồi tiết béo ngậy và những miếng gan luộc thái mỏng thơm bùi.
Còn món chả cá Lã Vọng, trước nổi tiếng thế giới, nay thì lăng ba vi bộ lắm!
Ngoài ra còn một món rất Hà Nội, đó là món rươi. Đây là một loại giun thuộc họ Nereidae. Chúng sinh nở ở những vùng nước lợ nửa mặn nửa ngọt. Đến mùa lúa chiêm—gạo đỏ, một loại wild rice—khi nước biển theo thủy triều tràn vào đồng ruộng thì chúng xuất hiện đầy đồng, người ta lấy thúng vớt gánh về Hà Nội bán. Tôi nhìn chúng đủ mầu xanh đỏ trắng vàng bò lổm nhổm, không hiểu tại sao người ta lại ăn được thứ gớm ghiếc như vậy! Rươi có hai món chính: mắm rươi và chả rươi ,ăn với vỏ quít.
Ca dao ta có câu:”Tháng chín ăn rươi, tháng mười ăn nhộng.”
Tất nhiên còn phải viết về hai đặc sản dữ dằn của Hà thành: trước tiên là tiết canh, sau đến thịt chó (thịt cầy).
Tiết canh thì có tiết canh vịt, tiết canh heo hay tiết canh chó.
Tôi chỉ dám ăn tiết canh vịt làm ở nhà.Tiết canh làm không cẩn thận ăn bị trúng độc thượng thổ hạ tả, ngỏm củ tỉ như chơi!
Còn món thịt chó thì tôi xin kiếu. Bố tôi mê món này lắm, nhưng mẹ tôi chê nên cả hai anh em tôi đều không hẩu món này, chỉ biết ăn món giả cầy là món chân giò heo nấu theo kiểu rựa mận là một trong bẩy kiểu nấu thịt chó.Đi qua mấy nhà hàng bán thịt chó thấy con chó thui nguyên con treo lủng lẳng răng nhe răng trắng nhởn, thấy vừa thương vừa gớm, chẳng còn bụng dạ nào mà ăn với uống!
Tôi nghe nói dân Đại Hàn xực thịt chó còn khiếp đảm hơn dân Việt, đến nỗi chính phủ phải ra lệnh cho dân chúng ngưng ăn thịt chó trong kỳ Thế Vận Hội để khỏi làm mích lòng du khách.
Thời đó Hà Nội còn có xe điện ,có mỗi một toa sơn hai mầu vàng trên đỏ dưới, chạy lịch cà lịch kịch ,đến gần trạm lại kéo chuông kêu leng keng, vui đáo để! Tầu này trông cũng giống chiếc cable car ở San Francisco.
Tầu chạy qua nhà tôi trên đường từ bờ Hồ đến Ô Cầy Giấy và ngược lại. Mẹ tôi là thân chủ trung thành , cụ thường hả hê nói:
—Đi tầu điện vừa rẻ vừa tiện vừa thoải mái, tao đi chơi bằng tầu điện cả ngày được ! Tao chả cần ô tô tầu bò gì hết!
Uổng thay nay không còn tầu điện nữa, mất một sắc thái ngộ nghĩnh đặc biệt của thành phố.
Đi tầu điện lên chơi bờ Hồ—hồ Hoàn Kiếm—mùa Hè tất nhiên phải ăn kem (ice cream), kem ly hay kem cây. Còn nhỏ mà được mút cây kem mát rượi trong những ngày nóng nực là một hạnh phúc thần tiên, về nhà có bị đau bụng đi tháo tỏng thì cũng mặc kệ!
Đôi khi bố mẹ nổi hứng thì dẫn lên đường Cổ Ngư hay qua vườn Bách Thảo cho các con ăn bánh tôm, ôi những chiếc bánh vàng ngậy có con tôm đỏ nho nhỏ nằm trên, cuốn vào lá xà-lách tươi xanh rờn, chấm nước mắm pha sao mà nó ngon thế , mỗi đứa chỉ được một cái, nhẩm bụng lớn lên có tiền sẽ ăn bánh tôm cả ngày thay cơm!
Thế nhưng oái oăm thay, lớn lên nhìn bánh tôm lại chán ngắt, con tôm bây giờ qúa to ,răng lợi đến tuổi lung lay ,miếng bánh lổm nhổm trong mồm khó nhai, thế là tan giấc mơ vàng!
Chợ Đồng Xuân đầu thế kỷ 20
Thưở nhỏ được theo mẹ vào chợ Đồng Xuân ăn qùa thì sướng mê tơi.Hà Nội có 12 chợ cỡ lớn: chợ cửa Đông (Đồng Xuân), cửa Nam, chợ Huyện, Đình Ngang, Bà Đá, Văn Cử, Ong Nước, chợ Mới, Đông Thành, Yên Thọ và Yên Thái (Bưởi). Chợ Đồng Xuân lớn nhất, ở ngay khu phố cổ ,được lập vào năm 1804 và được chính quuền Pháp xây cất năm 1890. Lúc đầu có 5 vòm cửa và 5 nhà cầu dài 52 m cao 19 m ,nay chỉ còn 3. Món bún chả kẹp que tre ăn với rau muống sống chẻ sợi nhỏ là món tôi ưa thích nhất.
Từ chợ Đồng Xuân lang thang qua khu phố cổ thì không bao xa. Khu này ngày nào cũng lúc nhúc những người là người, các phố xá đã được cụ Nguyễn Trãi diễn tả trong Dư Địa Chí.
Tranh Bùi xuân Phái
Phạm vi khu Phố Cổ được ấn định bởi hàng Đậu ở phía Bắc, hàng Bông hàng Gai Cầu Gỗ ở phía Nam, đường Trần quang Khải và Trần nhật Duật ở phía Đông và đường Phùng Hưng ở phía Tây(xin coi bản đồ).
Thật ra hồi đó chỉ đi loanh quanh mấy phố hàng Đào, hàng Bạc hàng Buồm hàng Bồ là đã bở hơi tai rồi. Đi bộ mỏi chân thì tạt vào nhà Thủy Tạ phía Tây Bắc bờ Hồ, uống ly nước chanh đường. Hoặc ngồi xả hơi trên ghế công viên dưới hàng cây sấu hay cây si.
Các bạn còn nhớ bài hát:
Mình ơi có đi bờ HồCùng nhau ăn kem kẹo dừa
Phía đông bắc bờ hồ có rạp Philharmonic chiếu phim rẻ tiền, đặc biệt ghế ngồi là loại ghế fauteuil bằng tre đan, có nệm bông. Khổ nỗi nệm có rệp đốt sưng đít !
Thuở đó thường đi rạp Olympia ở hàng Da, coi các phim Tarzan, Zorro hay phim kiếm hiệp như Les Trois Mousquetaires. Không ông nhóc nào là không đeo mặt nạ và cầm que tre làm kiếm đánh nhau túi bụi.
Rạp hát lớn nhất là rạp Đại Nam ở phố Huế. Rạp này là nơi đầu tiên chiếu phim nói tiếng Việt , một phim tình cảm Trung Hoa do nữ tài tử Lý lệ Hoa thủ vai chính. Người ta dubbing tiếng Việt, mấy ông bà đọc đối thoại như đọc bài, nghe thật buồn cười! Sau đó chiếu phim do người Việt đạo diễn, nữ tài tử là bà chị ruột của Nguyễn tiến Tài, bạn học của tôi — Phim Cô Gái Việt [Việt Ảnh Mỹ Vân (năm 1952), Lan Hương đóng vai chính]… làm náo loạn Hà thành!
Nhà hát lớn Hà Nội — le grand Théatre — đầu thế kỷ 20
Nhà hát lớn Hà Nội le grand Théatre xây cất trong khoảng thời gian từ 1901 đến 1911. Tọa lạc ở phố Tràng Tiền, nhà hát xây cất theo mẫu le grand Opéra de Paris.Tôi được lãnh vé đi xem kịch le Cid do phái bộ Pháp sang trình diễn và được nhận giải thưởng đồng hạng nhất trong lớp tại đây.Tuy hãnh diện được giải thưởng đi xem le Cid nhưng nghe Tây đầm xì xồ trên sân khấu , thật tình chẳng hiểu mô tê gì cả!
Anh Tài vượt biên và chết đắm ngoài biển với cả gia đình.
Hai người anh trai của Tài là Nguyễn tiến Lộc và Nguyễn tiến Đạt.
Anh Lộc cũng mê đóng xi nê lắm , không biết bây giờ lưu lạc nơi đâu?
Còn anh Đạt tự Đạt cồ thì nghe đâu ở Texas. Anh làm luật sư và cũng là cựu học sinh Albert Sarraut. Anh đô con vì tập tạ, mấy thằng nhóc chúng tôi thường đem anh ra hù mấy thằng Tây lai để chúng khỏi bắt nạt. Dạo quanh bờ Hồ tất nhiên phải tạt vào đền Ngọc Sơn.Những công trình kiến trúc đặc thù của đền này gồm cầu Thê Húc, bút Tháp và đà Nghiên. Đền có tên là Ngọc Tường thời nhà Lý,đến đời nhà Trần thì đổi thành đền Ngọc Sơn.
Đền Ngọc Sơn thờ Văn Xương Đế Quân và đức Trần hưng Đạo cùng Quan Công.
Đối diện với đền Ngọc Sơn và chếch lên phía Bằc bên kia đường là đền Bà Kiệu. Cửa Tam quan của đền này ở bên bờ Hồ, ngăn cách với đền bởi đường Đinh tiên Hoàng ! Đền xây từ đời Lê trung Hưng để thờ ba vị nữ thần ,đó là công chúa Liễu Hạnh(còn gọi là Mẫu Phủ Giầy) và hai tì nữ Quỳnh Hoa và Quế Hoa.
Đền Ngọc Sơn và đền Bà Kiệu nằm về phía Đông Bắc của Hồ Hoàn Kiếm hay hồ Gươm. Chu vi hồ khoảng 1750m , tôi đã từng thuê xe cyclo dạo quanh hồ , đi tà tà ngắm phong cảnh thì mất khoảng 3 tiếng đồng hồ.
Giữa hồ lùi về phía Nam là Gò Rùa và Tháp Rùa. Gò Rùa là một gò đất diện tích khoảng 350 thước vuông, trên gò xây Tháp Rùa.Hồi còn nhỏ tôi cứ tưởng Tháp này là do Vua Chúa thời xưa xây lên. Sau này mới biết đây là công trình của ông Nguyễn ngọc Kim tự Bá hộ Kim bỏ công của ra tạo dựng năm 1886, với ý đồ cải táng phần mộ của thân sinh trên gò Rùa. Việc đặt mộ không thành, nhưng Bá hộ Kim vẫn hoàn tất công trình xây Tháp Rùa.
Tháp Rùa & Hồ Hoàn Kiếm
Tháp hình vuông có 3 tầng , cao 8.8m, kết hợp phong cách kiến trúc Tây phương với quy thức kiến trúc Việt Nam. Nay Tháp đã trở thành một biểu tượng (icon) của Hà Nội.
Sinh vật nổi tiếng sống trong hồ là những con Rùa khổng lồ Rafetus leloiithuộc họ Ba Ba Trionychidae.
Hà Nội nổi tiếng là thủ đô có nhiều ao hồ. Ao đẹp nổi tiếng là ao Cầu nằm trong làng An Phú. Các hồ danh tiếng phải kể đến hồ Tây, hồ Trúc Bạch, hồ Thiền Quang hay hồ Ha Le (Halais), hồ Ba Mẫu,hồ Bẩy Mẫu, hồ Linh Đàm, hồ Nghĩa đô, hồ Giảng Võ, hồ Thủ Lệ…
Hồ Tây
Cũng như Hồ Gươm, Hồ Tây là một thắng cảnh danh tiếng được nhiều du khách ưa chuộng.Hồ Tây hay Tây hồ còn nhiều tên gọi khác như Đầm Xác Cáo, hồ Kim Ngưu, hồ Lãng Bạc, hồ Dâm Đàm, Đoài Hồ. Mỗi tên gọi đều dính liền với một sự tích lịch sử ngộ nghĩnh. Một cái thú ở Hà Nội là chiều chiều ngồi ngắm cảnh hoàng hôn trên Hồ Tây.Bên hồ Trúc Bạch không biết bao nhiêu kiến trúc đặc thù, nào chùa Kim Liên, đền Quan Thánh, chùa Trấn Quốc, chùa Châu Long, đền Cầu Nhi, làng đúc đồng Ngũ Xá…
Một số đền lập thành Thăng Long Tứ Trấn :đền Quán Thánh ở phía Bắc (thế kỷ thứ 10); đền Kim Liên ở phía Nam (thế kỷ thứ17);đền Bạch Mã ở phía Đông (thế kỷ thứ 9) và đền Voi Phục ở phía Tây (thế kỷ thứ 11) .
Còn Thăng Long Tứ Quán là nơi tu hành của những người theo Đạo Giáo. Đó là Trấn Vũ quán(chùa Quán Thánh); Huyền Thiên quán (chùa Huyền Thiên,phố hàng Khoai); Đồng Thiên quán (chùa Kim Cổ, phố Đường Thành) và Đế Thích quán (chùa Vua, phố Thịnh Yên).
Đèn Quán Thánh
Khuê văn các là biểu tượng văn học của Thăng Long, được xây cất năm 1805 dưới thời nhà Nguyễn. Đây là một lầu vuông tám mái nằm trong khuVăn Miếu, khu này được xây dựng từ năm 1070 dưới đời Vua Lý thánh Tông.Năm 1076 ,vua Lý nhân Tông cho xây trường Quốc tử Giám bên cạnh Văn Miếu.Quần thể kiến trúc này nằm tại phía Nam thành Thăng Long.
Vườn Bách Thảo Hà Nội nằm ở phía Tây Bắc thành phố. Vườn được khai trương vào năm 1890 và là một công viên có nhiều loại cây cỏ qúy hiếm và những cây cổ thụ khổng lồ.
Những danh lam thắng cảnh của Hà Nội đã được trình bày trong rất nhiều tài liệu gíá trị , tôi không cần viết thêm làm chi cho nhàm. Chỉ nhắc lại một số cảnh vật mà tôi đã có dịp thăm viếng khi còn nhỏ.
Đến đây viết về một số bạn bè đã học chung với tôi từ cours Moyen—lớp Nhì. Những người mà tôi còn giữ liên lạc được cho tới bây giờ chỉ còn cóPhạm gia Thuần, Lưu nguyễn Đạt và Nguyễn thượng Vũ.
Còn mấy người như Quế con nhà Hồng Khê bán thuốc Bắc (không nhớ họ) ,Hoàng bá ước Doanh thì mất liên lạc từ lâu. Quế là học sinh độc nhất đi học bằng xe ô tô có tài xế lái , thỉnh thoảng hắn cũng đưa tôi về nhà bằng xe hơi , cả xóm lác mắt! Không biết bây giờ hắn lưu lạc nơi nao?
Phạm gia Thuần — Nguyễn Trùng Khánh [Tôn Kàn] — Lưu Nguyễn Đat
Phạm gia Thuần làm phù rể cho tôi năm 1973.Hồi ở Saigon, Thuần và tôi cùng Nguyễn vĩnh Đức thường kéo nhau đi ăn cơm Tây uống rượu chát, bởi vậy tháng nào qua kỳ lĩnh lương cả ba thằng đều cháy túi ! Tôi thường đến nhà Thuần xoa mạt chược rồi kéo nhau đi du hí. Gặp nhau ở Paris , chúng tôi mò lên Tour d’Argent bù khú nhậu nhẹt như Tây con !Cậu Thuần nay vui thú điền viên với chị Oanh tại Laguna (Cali),cậu trẻ trung ra , lái xe Porsche Sport chạy ào ào,thấy mà hãi!
Phạm gia Thuần — Lưu Nguyễn Đạt — Nguyễn Trùng Khánh [Tôn Kàn]
Lưu nguyễn Đạt chơi thân với tôi như anh em. Cậu Đạt đẹp trai, lúc nào cũng ăn diện bảnh chọe.Hồi còn ở chung với nhau tại garconnière ở cư xá Đô Thành, tôi thường lấy cravate soie de luxe của cậu làm dây buộc mùng khiến cậu phát khùng lên !Đạt không những là một luật sư tài giỏi, cậu còn là một nghệ sĩ—vừa là họa sĩ lẫn thi sĩ kiêm văn sĩ danh tiếng, cậu đã chủ trương tập san Cỏ Thơm [1996...] và điện báo Việt Thức [2010...] Ngoài ra, cậu cũng đã viết một số bài bình luận chính trị được rất nhiều người huởng ứng. Đạt hiện sống hạnh phúc với vợ là chị Phùng thị Hạnh(cháu gái cụ Phạm Quỳnh) tại Washington D.C.
Tranh Lưu Nguyễn Đạt, Ecstasy, oil
Nguyễn thượng Vũ cư trú tại một biệt thự chảng lồ trên một ngọn đồi nhìn xuống San Francisco Bay. Vũ học cours Moyenchung với tôi , sau đó thi đậu lên 6ème nên vượt tôi một lớp.Tôi nhớ thỉnh thoảng lên chơi nhà Vũ ở phố Huế. Hình như nhà bán vật liệu xây cất và bán sơn. Phu nhân của Vũ là con gái của Bác Sĩ Dương cẩm Chương. Bác Sĩ Chương là bạn rất thân của bố vợ tôi, kiến trúc sư Đào trọng Cương . Cả hai Cụ năm nay đã trên 103 tuổi mà vẫn còn khỏe mạnh minh mẫn. Bác Sĩ Chương là một danh họa tài ba , Cụ đã có nhiều cuộc triển lãm rất thành công trên toàn thế giới.Tôi có đến thăm Bảc Sĩ Chương năm 2008, được Cụ tặng cho một cuốn sách in những bức tranh mà Cụ ưng ý nhất. Tôi đóng khung một vài tác phẩm treo trong phòng làm việc.
Tranh Dương cẩm Chương
Bà giáo đầm đầu tiên trong đời tôi là Mme Delbos.Bà không đánh học trò nhưng có một hình phạt hắc ám:anh nào có lỗi thì bà xé đôi tập cahier de classe, về nhà phải chép lại tất cả bài vở trong một tập vở mới , có khi thức trắng đêm để kịp ngày sau đem nộp, nếu không sẽ bị consigne thứ bẩy chủ nhật ,còn khổ hơn nữa!
Ông thầy dậy cours Supẻrieur—lớp nhất—là ông Thomas. Ông người vạm vỡ nhưng rất hiền lành. Ông viết chữ rất đẹp. Trong lớp ông sắp xếp học sinh ngồi theo thứ hạng.Bàn số một kê gần bàn thầy , học sinh giỏi nhất lớp ngồi ghế đầu bàn này ,đó là anh Lê văn Chương. Tôi ngồi cạnh anh vì đứng thứ nhì , và nực cười là suốt năm như thế không thay đổi vì hai đứa chúng tôi luôn luôn chiếm hạng nhất nhì!
Tuy ngồi cạnh anh Chương suốt năm mà tôi lại không thân với anh. Chương dáng người ỏn ẻn như con gái, tôi không hợp vì tôi nghịch như qủy sứ!
Sau khi di cư , mãi đến khi đi thi Tú Tài 2 thì tôi mới gặp lại Chương. Tôi mò đến nhà anh, gặp mẹ anh khóc sướt mướt nói rằng:
—Cháu ơi, thằng Chương nó khùng rồi !
Bà cụ cho biết Chương học gạo, thi đậu Brevet từ 4ème ,rồi lại thi đậu Bac Un từ Seconde, tối ngày chỉ uống Maxiton để tỉnh mà học nên đầu óc lung tung , bây giờ hàng ngày mặc xà lỏng cởi trần đi lang thang nói lảm nhảm ngoài đường !
Tôi ra về thương tiếc cho một thanh niên xấu số. Nhìn gương của anh , sau này tôi không bao giờ khuyến khích các con tôi thành mọt sách.
Tôi không hiểu vì sao ông Thomas lại đặc biệt qúy mến tôi. Ông dậy tư Phảp văn và Toán , giá 80 piastres một giờ. Số tiền này thời đó khá to lớn. Tuy không khá giả nhưng mẹ tôi cũng bắt tôi học tư.Ông Thomas dậy tư tôi miễn phí ! Mấy đứa thối mồm xì xào rằng ông Thomas muốn bắt tôi làm rể ! Tuy chẳng hiểu mô tê gì nhưng trong bụng tôi cũng khấp khởi mừng thầm !
Sau năm 1954 , các bạn bè của tôi di cư vô Sài Gòn tiếp tục ở Chasselouphay Yersin trên Đà Lạt. Riêng gia đình tôi thì định cư tại Nha Trang , tôi theo học trường Bénilde của các Frères Chrétiens .Tại đây tôi gặp một lô các bạn mới như Nguyễn dũng Chí , Nguyễn tiến Tài , Hoàng đức Nhã , Hà xuân Thao ,Hà xuân Trừng. Anh em Thao Trừng rất dễ thương , thỉnh thoảng mời tôi về nhà nấu chè cho ăn.
Còn ông anh lớn là Hà xuân Du thì tôi không ưa.Tôi có đụng độ với anh này một lần , hình như trong dịp đám cưới con gái Nguyễn thượng Vũ .Gặp tôi anh hỏi:
—Bộ Canada hết người sao mà nó xài mi?
Tôi quạt lại liền:
—Sao anh thở ra câu ngu vậy? Ở Việt Nam tôi là Cố Vấn Tổng Trưởng, trưởng khu Quang tuyển ba Bệnh viện lớn ở Sài Gòn. Sang đây tôi là Giáo sư Đại học, Giám đốc chương trình Hậu Đại học Quang Tuyến, tác gỉa nhiều sách giáo khoa. Còn anh chỉ là một tên FP hạng quèn, anh lấy tư cách gì mà lên lớp tôi?
Hắn câm mồm lỉnh ra chỗ khác. Hắn biết rằng nếu hắn tiếp tục ăn nói cà chớn thì sẽ bị tôi phang cho một trận. Khánh cao bồi mà, đâu có ngán thằng nào?
Ngồi nhớ lại cảnh cũ người xưa,trong lòng không khỏi bùi ngùi xúc động.
Thời gian qua mau , mới ngày nào mà nay đã cổ lai hi , đời người qủa thật như giấc chiêm bao.Càng về già tôi càng tin vào số mệnh. Mỗi người một số , Trời cho ai người nấy hưởng, hưởng nhiều thì nghiệp chướng nhiều , có vay thì có trả, cái triết lý nhà Phật thâm thúy thiệt!
Khơi lại kỷ niệm cũ để thổi sinh khí mới vào dĩ vãng. Gửi đến các người anh em bài hồi ký này, mong các bạn tiếp nhận nó trong tinh thần hoài cổ cũng như với niềm tin vào một tình bạn bất diệt.
Tôn KànMùa Thu 2013