Friday, 1 November 2013

Nạn Gian Lận Trong Giới Sinh Viên Gốc Việt Ở Little Saigon

Tại một số trường đại học và cao đẳng quanh khu vực Little Saigon, việc quay cóp xảy ra khá thường xuyên mặc dù các trường đều có biện pháp mạnh để ngăn chặn vấn nạn này.

Việc quay cóp xảy ra khá thường xuyên tại một số trường quanh khu vực Little Saigon. (Hình minh hoạ: Getty Images)

“Làm ơn thương chính mình đi, đừng quay cóp!” Không hét, nhưng giọng nói giận dữ của thầy Michael Bialecki phá vỡ hoàn toàn sự tập trung cao độ của hơn 50 sinh viên đang chăm chú vào bài thi. Ðó là một sáng Thứ Hai, 1 Tháng Tư, ngày đầu tiên trường Orange Coast College (OCC) mở cửa trở lại sau một tuần nghỉ Spring Break, cũng là ngày thi giữa kỳ cho lớp Sinh Vật 180 của thầy Michael Bialecki.

Người nữ sinh gốc Việt bị phát hiện quay cóp, ngồi đơ một lúc lâu trong góc phòng, sau khi thầy Bialecki tịch thu bài thi của cô. Phải đến lúc chính thầy lên tiếng đuổi ra khỏi phòng thi, cô mới lặng lẽ, cười gượng xấu hổ dưới ánh nhìn của bạn bè, xách cặp vở bước ra cửa. Thầy Bialecki ghi tên cô xuống, chuẩn bị cho thủ tục phạt tội quay cóp của trường OCC. Nhẹ là cảnh cáo, cho rớt, nặng là ghi vào sổ điểm, đuổi học.

Trường hợp quay cóp của cô nữ sinh gốc Việt trên không phải là hiếm tại các trường đại học và cao đẳng quanh khu vực Little Saigon, nơi có đông người Việt Nam theo học.

“Công nhận Việt Nam mình quay cóp nhiều, nhất là mấy cái môn phải học bài,” anh An Lâm, 27 tuổi, một cựu sinh viên trường Cypress College, cho biết. Hay như anh Ánh Vũ, cư dân Westminster, khoe một người bạn mình có “đủ hết đề, lấy A dễ dàng không cần học” cho các lớp Lịch Sử “online” của trường Golden West College.

Thầy Konrad Stein, giảng dạy môn Vật Lý tại trường Golden West College gần 30 năm qua, cho biết: “Khi ít, khi nhiều, kỳ học nào cũng có học sinh gian lận.”  Vào kỳ học hiện tại, vụ quay cóp mới nhất mà thầy Stein bắt được là hai nam sinh viên trao đổi tài liệu trong bài thi đầu tiên của lớp Vật Lý 185. Hai sinh viên này là người Việt Nam.

Thầy kể ra vô vàn ví dụ mà thầy có qua những lần phát hiện học sinh quay cóp. Từ quay cóp “lẻ,” đến quay cóp cùng bạn bè, để giúp bạn hay được bạn giúp... Cách thức quay cóp cũng trăm kiểu ngàn cách, như viết lên người, dùng điện thoại chụp hình đáp án, hay xin đi vệ sinh để coi tài liệu... Bài tập về nhà mỗi tuần hay bài thi cuối khoá, lúc nào sinh viên cũng có thể “ăn gian” được.

“Cũng lớp Vật Lý 185 này vào năm học trước, tôi phát hiện nguyên cả lớp cùng gian lận trong bài vở,” thầy Stein nói. “Tôi đành cho bài kiểm tra thật khó để coi ai có khả năng thực sự. Kết quả là 80% lớp học rớt.”
“Ðáng buồn khi phải thừa nhận rằng, đa số sinh viên quay cóp là người Việt,” thầy Konrad Stein nói. Khi được phóng viên hỏi đâu là sự khác biệt giữa sinh viên gốc Việt và sinh viên các sắc dân khác, thầy chia sẻ: “Tôi không rõ lý do, nhưng có lẽ sinh viên Mỹ không coi trọng điểm số như sinh viên Việt Nam. Nói chung, sinh viên gốc Á chịu quá nhiều sức ép về bằng cấp.”

Thực ra, việc gian lận thi cử không phải là vấn nạn riêng của cộng đồng Việt Nam, hay riêng ở Little Saigon. Trong các câu chuyện của thầy Stein, cũng có một số sinh viên Việt khi thi luôn ngồi bàn đầu để tỏ ra minh bạch, hay như một sinh viên gốc Trung Ðông từng quay cóp, bị bắt, và còn tặng  đồng hồ Rolex để xin thầy bỏ qua.

Ða số học sinh quay cóp trong lớp thầy Konrad Stein, trường Golden West College, là người Việt. (Hình minh hoạ: Getty Images)

Số liệu thống kê của The Educational Testing Service cho thấy nạn quay cóp càng ngày càng gia tăng tại Hoa Kỳ. Không riêng sinh viên gốc Việt, các sinh viên thuộc sắc dân khác cũng dùng các hình thức quay cóp khác nhau để nâng điểm số. Nếu như vào những năm 1940, chỉ khoảng 20%  sinh viên thừa nhận có quay cóp, thì trong những năm gần đây, con số này tăng lên thành 75% đến 98%, tuỳ trường.

Trong khảo sát của Who's Who Among American High School Students, 80% sinh viên nói từng gian lận, hầu hết không bị bắt gặp, và một nửa trong số đó nói “quay cóp là chuyện nhỏ.” Một số liệu khác của The Educational Testing Service cho thấy số sinh viên gian lận rơi vào hai thành phần chính: một là điểm trung bình thấp cần quay cóp để lên lớp, hai là những sinh viên giỏi nhưng quay cóp vì muốn lọt vào hàng 'top'.”
Gian lận thi cử là một vấn nạn chung của học đường hiện nay ở Mỹ. Gần đây nhất, báo chí khắp nơi đưa tin 125 sinh viên Harvard, trường đại học danh giá nhất Hoa Kỳ, và thế giới, bị kỷ luật cũng vì gian lận trong kỳ thi cuối khóa. Hơn một nửa số sinh viên dính líu đã phải nghỉ học, một nửa kia bị cảnh cáo, và được tha. Nay trường Harvard lập một ủy ban chuyên nghiên cứu nhằm gia tăng sự trung thực trong học hành và khuyến khích sinh viên giữ tinh thần đạo đức.

Trở lại với chuyện sinh viên Việt Nam ở Little Saigon, có thể việc học hành của người Việt cũng không khác gì các sắc dân khác; tỉ lệ lớn sinh viên bị bắt khi quay cóp là Việt Nam có thể là do số lượng dân Việt đông đúc tại đây. Nhưng cũng có thể, tỉ lệ này là do nhiều thanh niên vẫn còn suy nghĩ “không quay cóp không phải là học trò!” phổ biến đến mức hầu hết người Việt Nam đều nghe qua.

Sinh viên Việt Nam, bên cạnh nhiều gương sáng với các thành tích cao nhất tại các trường đại học và cao đẳng, là không ít người để lại hình ảnh xấu cho cộng đồng trong việc gian lận thi cử.