Monday, 4 November 2013

TRONG NIỀM TƯỞNG TIẾC KHÔN NGUÔI - kim thanh


      Mùa thu Portland có những cơn mưa bất chợt, lạnh hắt hiu, vừa đủ cho hồn buồn bã tìm về kỷ niệm và tình người. Như chiều nay, thứ bảy 2/11 –lễ Các Đẳng Linh Hồn (Fête des Morts). Tôi nhớ, ôi biết bao là nhớ, ba mẹ quý yêu đã lìa bỏ cõi trần từ bao thu rồi, nhớ những người thân gia đình đang nằm sâu dưới huyệt lạnh, nhớ những đồng đội thân thương đã gục ngã ở chiến trường xưa hay ngục tù cải tạo. Nhớ dung nhan và dư hương của một cuộc tình đã lỡ, chôn vùi trong một nghĩa trang nào xa lắc lơ bên phương trời cũ.

      
Cơn mưa bất chợt, tái tê. Như chiều nay. Tôi đến nhà thờ La Vang, NE Alameda Dr., cách vùng SE của tôi khoảng 30 phút, đúng 6 giờ khi Lễ Các Linh Hồn sắp bắt đầu, nhưng phải loanh quanh tìm chỗ đậu xe mất chừng mười phút, và xa trên bốn blocs, vì parking nhà thờ và dọc hai bên con đường dài chật ních, hơn thường lệ. Phải chăng giáo dân biết trước chiều nay sẽ có buổi tưởng niệm cố tổng thống Ngô Đình Diệm, như mỗi năm, nên đã đến đông hơn, mặc dù không có thông cáo trên các báo địa phương, khác với những buổi tổ chức văn nghệ dạ vũ, gây quỹ, từ thiện, hội thảo này nọ? Lễ tưởng niệm, như thế, sẽ diễn ra âm thầm, không gọi mời ai. Ngay cả danh tánh những người tổ chức cũng không được nêu. Chỉ chuyền tin cho nhau. Ai biết và có lòng mến mộ cụ sẽ đến, một cách âm thầm như cái chết thảm thương và cô đơn của cụ cùng với bào đệ, trong chiếc xe thiết giáp, một trưa nào, cách đây đúng nửa thế kỷ. Tôi biết, nhờ một người bạn gọi điện thoại báo cho.

      Trong thánh đường, không còn ghế trống. Tôi vào dự lễ trễ, dĩ nhiên, và phải đứng, lưng dựa vào bức tường gần cửa. Từ xa và mắt kém, tôi vẫn thấy trên cung thánh bốn linh mục đồng tế, nhưng không nhận rõ mặt ai, vì không quen và rất ít khi đi lễ tại La Vang, họa chăng chỉ vào dịp này –mỗi năm một lần.
      Trên bục giảng, cha phó xứ, còn trẻ, mà tôi không biết tên, đang đọc Phúc Âm thánh Luc kể về việc Chúa Giêsu, trên đường đi Jerusalem, đã ghé thăm nhà ông Zacchaeus (Gia-Kêu) tại thành phố Jericho, mặc dù ông ta bị dân chúng khinh ghét như một người giàu có tội lỗi, vì là nhân viên sở thuế, bị tố tham nhũng và gian manh, công bộc của chính quyền Roma, kẻ đô hộ. Nhưng Chúa nói với dân chúng rằng Người đến để cứu kẻ có tội, chứ không kết tội ai. Cảm kích trước tấm lòng nhân hậu của Chúa, ông Zacchaeus hứa  sẽ cúng một số tài sản cho người nghèo khó, và trả lại đồng hương phần nào của cải phi pháp.
      Sau đó là bài giảng của linh mục, bàn rộng về lời giáo huấn của Chúa. Gần cuối, cha mới cố gắng kết nối (một cách có vẻ gượng ép, vì quả tình việc kết nối khá khó khăn) chuyện ông Zacchaeus với chuyện cụ Diệm –mà giáo xứ muốn tưởng niệm chiều nay. Cha nói, đại khái, tôi không nhớ nguyên văn: “Trong thánh lễ hôm nay, chúng ta cũng tưởng niệm ngày chết lần thứ 50 của cố tổng thống Gio-an Bao-ti-xi-ta Ngô Đình Diệm, đã bị sát hại trong cuộc đảo chánh 1963. Năm ngài mất, tôi chỉ mới bảy tuổi, không hiểu gì về chính trị. Nhưng sau này, lớn lên, tôi biết rằng ngài là một người đạo đức, ái quốc, có tài lãnh đạo đã vượt qua bao nhiêu khó khăn lúc đầu, để mang đến cho đất nước một thời kỳ thanh bình, thịnh vượng, dù ngắn ngủi. Chúa đã ghé thăm và chúc phúc nhà cụ Ngô. Thân phụ ngài là tế tướng của triều đình, chính trực, liêm khiết, dạy con cái nên người. Về mặt đạo, anh ruột của ngài là một tổng giám mục, cháu ruột của ngài là một hồng y. Về mặt đời, bản thân ngài cũng hai lần giữ chức thủ tướng dưới triều Bảo Đại trước khi trở thành tổng thống tiên khởi của Việt Nam Cộng Hòa. Trong cuộc đảo chánh 1963, ngày 2/11, ngài lánh nạn tại nhà thờ cha Tam, và trước khi bị giết, ngài đã xưng tội, xem lễ, rước lễ, và như vậy, tôi tin rằng ngài đã lên thiên đàng. Xin toàn thể quý ông bà, anh chị em, trong thánh lễ hôm nay, tưởng nhớ đến và cầu nguyện cho linh hồn của ngài và của tất cả chiến sĩ quốc gia vị quốc vong thân.”

      Bài giảng của linh mục phó xứ chỉ tóm gọn bấy nhiêu. Nhưng đây tính nhân bản và quãng đại. Không một lời kết án công khai, hay ám chỉ, những kẻ đã gây nên cuộc binh biến và thảm sát, Mỹ hay Việt. Không một lời biện minh bào chữa cho cụ Diệm (không cần), mà chỉ ca tụng. Không một lời vu khống, thóa mạ, bịa đặt, gian dối, gây chia rẽ, như đã được phát ra tại những buổi tưởng niệm trước đó dành cho những kẻ chống cụ, hoặc từ những bài viết trên báo giấy và mạng, sau 50 năm vẫn ngùn ngụt lửa hận thù, vẫn chưa hiểu nghĩa của bốn chữ “từ bi hỉ xả”. Ở đây, trong thánh đường này, tất cả toát lên một sự thành kính, thánh thiện, trang nghiêm, thanh thoát. Nghe thản nhiên, dửng dưng, mà sao lòng thấy xót xa bởi những kỷ niệm bi thương.

      Thánh lễ kết thúc. Một đại diện của Nhóm Phát Huy Tinh Thần Ngô Đình Diệm tại Portland, Oregon, bước lên bục phát biểu. Với giọng từ tốn và vẻ trang trọng ông cám ơn linh mục chánh xứ đã tổ chức lễ cầu nguyện cho linh hồn của cố Tổng thống Ngô Đình Diệm, những bào đệ (Ngô Đình Nhu, Ngô Đình Cẩn) bị thảm sát của cụ, và của các chiến sĩ đã hy sinh cho đất nước. Một cách ngắn gọn, ông kể ra những thành tích và công ơn của cụ đối với đất nước và đồng bào, nhất là đồng bào di cư từ Miền Bắc, cũng như những đức tính tuyệt hảo của cụ mà tất cả người quốc gia công chính đều biết: đạo đức, liêm sỉ, lòng ái quốc, tinh thần độc lập, không chịu lệ thuộc vào quyết định của bất cứ ngoại bang nào, Pháp hay Mỹ.    
                                                                          
      Cũng như trong bài giảng của linh mục phó xứ, người ta không nghe từ bài phát biểu của đại diện Nhóm Phát Huy Tinh Thấn Ngô Đình Diệm một câu hằn học kết án bất cứ thủ phạm của cuộc thảm sát man rợ năm 1963 –cuộc thảm sát mà lịch sử, chỉ mới sau nủa thế kỷ, đã vén màn cho thấy Sự Thật phũ phàng, không phải chờ đến mấy trăm năm nữa.

      Ở góc phải, dưới cung thánh, là một kệ nhỏ dùng làm bàn thờ, phía trước là những chậu hoa rực rỡ màu, hai bên cắm hai ngọn cờ vàng, chính giữa đặt một lư hương lớn nhang khói tỏa ngát, quyện theo bóng sáng lung linh của những hàng nến thắp. Phía trong là di ảnh của cụ Ngô được treo trên nền một lá cờ vàng ba sọc đỏ hình chữ nhật dài, giữa hai câu đối: “Tổ quốc ghi ơn / Muôn dân mến mộ”. Khi dùng chữ “muôn dân” thay vì “toàn dân”, tác giả câu đối có lẽ đã nghĩ đến vô vàn những thế hệ tiếp nối mai sau.

      Tôi nhìn quanh. Giữa những đồng hương Công giáo, như đương kim Chủ tịch Cộng đồng Oregon Trần Quang Đệ cổ quấn lá cờ Vàng, và Chủ tịch hội đồng Giáo xứ La Vang Phạm Hoàng Ân, tôi thấy nhiều khuôn mặt đồng đạo thân quen. Và đặc biệt một ông bạn Tin Lành nổi tiếng, Mục sư Huỳnh Quốc Bình, cựu chủ tịch Cộng đồng Oregon và hiện là một radio talk show host rất hot, người đã lớn tiếng măng thủ tướng VC Phan Văn Khai là “đồ nói láo” trong một cuộc họp báo tại Seattle năm 2006, tác giả những bài viết rất cảm động vế bà Ngô Đình Nhu, và qua đó, chế độ Ngô Đình Diệm –mà vào năm 1963 ông chưa hề là “công bộc” nhận lãnh ân huệ nào, vì tuổi còn quá nhỏ.


      Rồi tất cả xếp hàng lần lượt đến dâng hương trước bàn thờ cụ Ngô, bắt đầu là cha chánh xứ Phạm Hữu Đạt và các linh mục hiện diện, tiếp theo, các chức sắc, giáo dân và quan khách. Đến phiên tôi thì hết nhang. Tôi đứng lặng yên trước bàn thờ cụ vài giây, cúi đầu thầm khấn xin Chúa đưa linh hồn cụ về thiên đàng, vái cụ ba lần, rồi nhường chỗ cho người khác.

      Khi ra về, mưa vẫn còn rơi, lả chả. Như những giọt nước mắt thấm ướt và xoa dịu tâm hồn –giờ đây bỗng thấy bình an một cách kỳ lạ. Suốt buổi lễ, tôi đã suy nghĩ về cố tổng thống Ngô Đình Diệm và những vĩ nhân trên đời, Julius Caesar, Napoléon... cũng đã chết trong cô đơn và hoàn cảnh nghiệt ngã nhất. Ngậm ngùi nghĩ đến kiếp đời mong manh, một ngày rồi cũng sẽ phai úa như hoa, tàn lụn như cọng nhang kia. Như hương sắc mỹ nhân, như quyền lực, như danh vọng, như tiền tài. Như vinh quang tột đỉnh. Ôi, phù vân của những phù vân! Vanitas vanitatum! Biết thế, nhưng người ta chóng quên, hối hả chạy theo ảo ảnh, bon chen, đố kỵ, mưu toan triệt hạ, hãm hại những người công chính bằng những lời vu khống, bịa đặt.

      Lầm lũi đi trong mưa đến chỗ đậu xe, tôi thấy lòng vui mừng đã được gặp lại, hôm nay, Lễ Các Linh Hồn, từ bên kia cõi chết, hình bóng chập chờn, mờ ảo của ba mẹ, người thân, đồng đội, và của cụ Ngô Đình Diệm, thần tượng của lòng tôi.

      Trong niềm tưởng tiếc khôn nguôi.

Kim Thanh

Portland2/11/201311 PM