Wednesday, 18 December 2013

Bắc Triều Tiên : Nhà họ Kim có nhiều người phải lưu vong

Lê Phước

Lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un tới thăm khu nghỉ đông Masik Ryong. (Ảnh do KCNA công bố ngày 15/12/2013)
Lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un tới thăm khu nghỉ đông Masik Ryong. (Ảnh do KCNA công bố ngày 15/12/2013)
REUTERS

Chính quyền Bình Nhưỡng vừa đẩy từ đỉnh cao vinh quang xuống hố sâu tội lỗi nhân vật được cho là có quyền lực số hai, ông Jang Song-thaek. Người này vốn là chồng của cô ruột nhà lãnh đạo Kim Jong-un và được báo chí cho là bị Kim Jong-un thanh trừng để có thể nắm trọn quyền lực.


Điểm đáng chú ý là trong những tội buộc dành cho ông Jang Song-thaek, có cả tội « phản chế độ». Câu hỏi đặt ra : Có phải ông Jang Song-thaek là thành viên duy nhất nhà họ Kim có vấn đề với chế độ ? Nhật báo Sisa tại Hàn Quốc có bài góp phần trả lời câu hỏi này, được tuần san Courrier International dẫn lại với dòng tựa : « Bắc Triều Tiên : Những cuộc đào ngũ của Hoàng gia ».
Tờ Sisa cho biết, hiện có nhiều người bất mãn chế độ Bình Nhưỡng đang sống lưu vong ở nước ngoài. Chỉ tính riêng ở Hàn Quốc, con số này khoảng 25 000 người, tức cứ 1 000 người Bắc Triều Tiên thì có 1 người sống lưu vong ở Hàn Quốc. Và điều đáng ngạc nhiên là gia đình nhà họ Kim lãnh đạo đất nước nằm trong số những dòng họ có nhiều người sống lưu vong nhất.
Gần đây báo chí Hàn Quốc tiết lộ rằng, dì ruột của nhà lãnh đạo Kim Jong-un, bà Ko Yong-suk, hiện đang sống lưu vong ở Mỹ. Khi Kim Jong-un còn đi học tại Thụy Sỹ giai đoạn 1996-2001, chính vợ chồng bà Ko Yong-suk đã đứng ra lo lắng cho Kim Jong-un. Khi ấy, vợ chồng bà ở Thụy Sỹ với tư cách nhà ngoại giao. Sau đó, vợ chồng bà đã đến Mỹ với sự trợ giúp của CIA. Theo báo chí Hàn Quốc, hiện tại, vợ chồng bà Ko Yong-suk đang sống ở bang California và được bảo vệ theo quy chế bảo vệ nhân chứng của Mỹ.
Còn cậu ruột của Kim Jong-un, ông Ko Tong-hun, thì đang sống lưu vong trên lãnh thổ Châu Âu. Sisa Journal không nói rõ là nước nào, nhưng cho biết rằng, mẹ của Kim Jong-un, bà Ko Yong-hi, cho rằng việc « đào tẩu » của anh em bà là « sự phản bội ». Bà đã quyết bắt họ về trừng trị, nhưng chờ không được ngày đó, vì bà đã mất vào năm 2004 tại Pháp vì bệnh ung thư.
Trước khi đến với mẹ của Kim Jong-un, ông Kim Jong-il đã có vợ chính thức là bà Song hye-rim, mẹ của Kim Jong-nam, người từng được cho là sẽ kế vị cha và sau đó bị thất sủng. Sau khi li dị ông Kim Jong-il, bà Song hye-rim đã cùng chị là bà Song Hye-rang và những người thân khác đến « các nước phương Tây » và có tin đồn cho rằng bà đã xin được quy chế tị nạn chính trị tại một nước phương Tây, nhưng không rõ là nước nào. Đến đầu năm 1996, tình báo Hàn Quốc cho biết bà Song hye-rim sống lưu vong ở Nga, còn bà Song Hye-rang và hai con thì lưu vong tại Hàn Quốc. Và một trong hai đứa con này đã bị tình báo Bắc Triều Tiên bắn chết hồi năm 1997 trên lãnh thổ Hàn Quốc.
Sisa Journal nói thêm, từ đầu năm rồi, ông Kim Jong-nam bỗng mất dấu vết. Kim Jong-nam là anh trai cùng cha khác mẹ với Kim Jong-un, từng được cho là sẽ kế vị cha, nhưng sau đó bị thất sủng và mất hết quyền lực. Sau khi em trai lên kế vị, Kim Jong-nam đã không ngần ngại nhiều lần lên tiếng chỉ trích chế độ độc tài nhà họ Kim.
Ngoài ra tờ báo cũng cho hay, hai anh trai và một chị gái cùng cha khác mẹ với Kim Jong-il phải chịu cảnh bị tách khỏi đất nước. Số là sau khi ông Kim Jong-il được cha là Kim Nhật Thành chọn nối ngôi, thì những người anh em nói trên dần bị đẩy đi công tác nước ngoài để tách họ xa trung tâm quyền lực của chế độ. Một người em trai của Kim Jong-il hiện là đại sứ tại Ba Lan. Người em gái thì đang sống ở Áo vì chồng bà là đại sứ ở đó. Còn người em trai kia cũng bị cử đi công tác nước ngoài, và đã mất vào năm 2005 khi mới 45 tuổi.
Tờ báo kết luận : Trong khi Bình Nhưỡng luôn kết tội phản quốc đối với những người bỏ nước ra đi, thì nhiều thành viên gia đình nhà họ Kim lại xin tị nạn chính trị ở phương Tây.
Thái Lan : Vì sao ông Suthep trở thành « người hùng » ?
Liên quan đến bất ổn chính trị đang diễn ra tại Thái Lan, Courrier International dẫn lại bài của tờ The Nation tại Băngkok với dòng tựa : « Suthep Thaugsuban, nhà chính trị dân túy phản dân chủ”.
Tờ báo nhắc lại, cách đây 20 năm, ông Suthep từng lâm vào vụ xì căn đan đình đám về cải cách ruộng đất. Hiện tại, có khoảng 50% người Thái Lan cho rằng ông ta phải chịu trách nhiệm về vụ chính quyền đàn áp đẫm máu người biểu tình Áo Đỏ hồi năm 2010. Và giờ đây, ông lại là người cầm đầu hàng chục ngàn người xuống đường đòi lật đổ cái gọi là « chế độ Thaksin ».
Tuy nhiên, tờ báo thừa nhận : Sau hơn một tháng xuống đường, ông Suthep đã trở thành «người hùng » của người biểu tình và họ đã ra sức ngăn chặn cảnh sát để bảo vệ ông.
Tờ báo đưa ra một số lý giải cho việc ông Suthep được người biểu tình « sùng bái ». Thứ nhất, ông tỏ ra sẵn sàng dấn thân vì người biểu tình, mà biểu hiện cụ thể là ông đã từ nhiệm đại biểu Quốc hội, vị trí giúp cho ông được hưởng quyền miễn trừ tư pháp. Thứ hai, ông Suthep là người cầm đầu biểu tình can đảm. Bằng chứng là trong các cuộc biểu tình, người ta luôn thấy ông bất chấp nguy hiểm dẫn đầu đoàn người, một điều hiếm thấy ở các nhà cầm đầu biểu tình trước đây. Thứ ba, ông là người có kiến thức và có tài ăn nói thu hút đám đông. Thứ tư, ông Suthep tạo ra hình ảnh bình dân để gần gũi quần chúng. Thứ năm, trong cuộc biểu tình, mỗi khi có bạo lực do người biểu tình gây ra, ông đều đứng ra nhận trách nhiệm.
Tuy nhiên, tờ báo cũng nêu ra một yếu tố thiên thời củng cố lập luận của ông Suthep, đó là việc chính phủ Thái Lan thông qua luật ân xá được cho là mở đường cho cựu Thủ tướng Thaksin thoát tội và trở về nước. Luật này đã khiến cả những người ủng hộ và chống Thaksin phản đối. Kế đến, việc chính phủ yêu cầu cải cách Thượng viện đã bị Hội đồng Bảo Hiến cho là vi hiến, từ đó chính phủ bị phe đối lập xem là « phản dân chủ ». Ông Suthep cho rằng, đó chính là lý do cho phép tiến hành lập đổ chính phủ bằng « những biện pháp phi dân chủ ».
Trung Quốc 2014 : Cải cách dân chủ chưa đến
Như thường lệ, trong dịp cuối năm, Courrier International của Pháp phối hợp cùng The Economist của Anh trình làng một đặc san dự báo tình hình thế giới trong năm mới. Trong đặc san dự báo năm 2014 vừa được phát hành có nhiều bài liên quan đến Châu Á đáng chú ý.
Liên quan đến Trung Quốc, đặc san có bài chạy tựa : « Cải cách tất cả, trừ chính trị ». Bài viết của trưởng đại diện tờ The Economist tại Bắc Kinh với nội dung nhấn mạnh rằng, sau khi đã ổn định quyền lực, trong năm 2014, ông Tập Cận Bình sẽ tiếp tục siết chặt dân chủ như tăng cường kiểm soát Internet, dập tắt mọi mầm mống đối lập... Bài viết cho rằng, chính quyền Tập Cận Bình sợ những đòi hỏi dân chủ sẽ tạo ra căng thẳng xã hội trong bối cảnh ưu tiên cải cách kinh tế.
Nhìn sang Nhật Bản, đặc san đăng bài : « Những thử thách của siêu anh hùng ». Tờ báo muốn đề cập đến Thủ tướng Shinzo Abe. Ông này lên nhậm chức hồi cuối năm ngoái, và với chính sách cải cách kinh tế được gọi là Abenomics, ông đã trở thành rất nổi tiếng và rất được lòng dân. Tuy nhiên, bài viết dự báo, trong năm 2014, nhiều thử thách đang chờ đợi Abenomics, nhất là việc tăng thuế tiêu dùng từ 5% lên 8% sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế, và việc tiến hành những cải tổ mang tính cấu trúc vốn không phải dễ dàng thực hiện được.
Trên phương diện chính trị, năm 2014 tình hình trong nước sẽ yên ổn đối với chính phủ Abe vì sẽ không có bầu cử. Trong lĩnh vực ngoại giao, bài viết nhấn mạnh đến tranh chấp giữa Nhật Bản với Trung Quốc về chủ quyền hòn đảo Senkaku-Điếu Ngư. Nhân những căng thẳng tranh chấp với láng giềng, Thủ tướng Abe đã và đang ra sức củng cố sức mạnh quân đội Nhật Bản. Bài viết dự báo : Các nước láng giềng sẽ « gióng chuông cảnh báo về động thái mà họ cho là sự trở lại của chủ nghĩa bành trướng quân phiệt Nhật Bản ».
Vùng nhận diện phòng không Trung Quốc : Khủng hoảng
Tuần san Le Nouvel Observateur nhìn về Châu Á với bài bàn về tranh chấp lãnh thổ trên biển Hoa Đông mang tựa đề : « Bắc Kinh-Tokyo : Khủng hoảng trên biển Hoa Đông ».
Bài viết nhắc lại việc Trung Quốc thiết lập vùng nhận diện phòng không trên biển Hoa Đông đã gây nhiều căng thẳng trong khu vực, bởi nó chồng lấn lên vùng đảo Senkaku/Điếu Ngư-khu vực tranh chấp giữa Trung Quốc và Nhật Bản. Chưa hết, vùng nhận diện phòng không Trung Quốc còn chồng lấn lên vùng nhận diện phòng không của Hàn Quốc.
Trong khi đó, Mỹ là đồng minh của Nhật Bản và bị ràng buộc với Nhật Bản bằng hiệp ước an ninh song phương cho phép Mỹ tham chiến bên cạnh Nhật Bản nếu lãnh thổ nước này bị tấn công. Và hiệp ước có bao gồm luôn cả khu vực Senkaku/Điếu Ngư.
Thế nhưng, Trung Quốc và Nhật Bản là nền kinh tế thứ hai và thứ ba thế giới, bỏi vậy trong bối cảnh kinh tế khó khăn, Mỹ phải tìm giải pháp ít thiệt hại nhất. Bài viết cho biết, đến hiện tại, chính phủ Obama đã chọn cách có cương có nhu. Sau khi Trung Quốc tuyên bố thiết lập vùng nhận diện phòng không, Mỹ đã có động thái cứng rắn là cho hai máy bay ném bom chiến lược B52 bay vào không phận này. Một tuần sau đó, Phó Tổng thống Mỹ Biden đã tới Nhật Bản để trấn an chính phủ Tokyo, rồi sau đó tới Trung Quốc để có động thái xoa dịu với Bắc Kinh.
Thế nhưng, căng thẳng vẫn còn đó. Tuần rồi, Hàn Quốc quyết định mở rộng vùng nhận diện phòng không của mình. Trong khi đó, thì các tàu hải giám Trung Quốc lại tiếp tục xâm nhập khu vực Senkaku/Điếu Ngư do Nhật kiểm soát.
Mùa xuân Ả Rập đã đến với Ukraina ?
Mấy tuần qua, thủ đô Kiev của Ukraina nóng lên với việc người dân xuống đường biểu tình phản đối chính phủ sau khi Tổng thống nước này quyết định đình hoãn ký thỏa thuận liên kết với Liên Hiệp Châu Âu dưới sức ép của Nga. Chủ đề này tiếp tục được các tuần san Pháp quan tâm. Cung cấp thêm một góc nhìn, tuần san Le Nouvel Observateur đăng bài : « Những đứa con mồ côi của nền dân chủ ».
Tờ báo cho biết, mới đầu những người biểu tình chỉ có vài trăm, nhưng đã tăng lên không ngừng, và ước tính lên đến 1 triệu. Biểu tình đã nóng lên khi hình ảnh các sinh viên xuống đường bị cảnh sát dùng vũ lực trấn áp được lan truyền. Tờ báo không đi sâu vào việc Ukraina trong thế kẹt giữa Nga và Liên Hiệp Châu Âu, mà nhấn mạnh đến việc người biểu tình sẵn cơ hội này mới nổi lên vì trước đó đã chịu quá nhiều tiêu cực xã hội, mà nổi trội là tệ tham nhũng.
Tờ báo dẫn lời một kỹ sư biểu tình cho rằng, ở Ukraina cái gì cũng tham nhũng được, từ việc lấy bằng láy xe đến việc mua bằng đại học. Người này cho rằng, khi bạo lực xảy ra, thì người dân mới « bừng tỉnh từ cơn ác mộng độc tài » mà họ đã ngủ vùi trong đó bấy lâu nay. Tờ báo cho rằng, nhiều người Ukraina muốn hội nhập vào Liên Hiệp Châu Âu để Ukraina chịu ràng buộc bởi những tiêu chuẩn Châu Âu hầu giảm bớt tham nhũng. Đi sâu hơn vào tham nhũng, tờ báo chỉ ra rằng, tham nhũng có mặt trên cả chóp bu lãnh đạo đất nước. Theo tờ báo, chỉ trong vòng một năm, mà con trai trưởng của tổng thống Inaoukovitch từ một nha sỹ bình thường đã lọt vào nhóm đầu bảng 5 những người giàu có nhất nước.
Nelson Mandela trong sự ngưỡng mộ của thế giới
Hôm nay là ngày mà thi hài của cựu Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela được đưa về an táng trên vùng đất quê hương ông. Đã 10 ngày sau khi ông ra đi, báo chí quốc tế tiếp tục các loạt bài ca ngợi ông. Các tuần san Pháp số ra tuần này cũng dành ưu tiên đặc biệt cho vị anh hùng chống phân biệt chủng tộc.
Các tờ L’Express, Le Nouvel Observateur, L’Humanité và Courrier International đều dành trọn trang nhất đăng ảnh cựu Tổng thống Mandela với những dòng tựa trang trọng. L’Express dành một hồ sơ đặc biệt dầy đến 35 trang viết về cuộc đời và sự nghiệp của vị anh hùng Nam Phi với dòng tựa : « Mandela thân thiện ». Tờ báo nhận định : Từ khi ông Madela mất, cả hành tinh đều bày tỏ niềm tiếc thương vô hạn và sự ngưỡng mộ đối với người anh hùng chống chủ nghĩa Apartheid ; Mandela đã trở thành « biểu tượng của tất cả những người bị áp bức » ; Nam Phi phải khóc « người cha dân tộc », người đã biết tha thứ cho kẻ thù và cũng biết chinh phục lòng dân; đó là một hình ảnh Mandela « gần gũi hơn » mà hồ sơ 35 trang của L’Express muốn gửi đến độc giả.
Le Nouvel Observateur cũng dành một hồ sơ khá dài với dòng tựa lớn trên trang nhất : «Mandela ngày ấy ». Tờ báo tập trung nhắc lại quá trình đấu tranh chống chế độ phân biệt chủng tộc-apartheid của cựu Tổng thống Mandela. Tờ báo cho rằng, ông Mandela vừa là « một tảng đá » vừa là « một ngọn đèn». « Một tảng đá » bởi vì ông đã đấu tranh bền bỉ cho lý tưởng của mình. « Một ngọn đèn» vì ông luôn tỏa sáng và càng tỏa sáng hơn sau 27 năm bị cầm tù để soi đường cho những người bị áp bức.
Về phần mình, Courrier International đăng tựa lớn trên trang nhất : « Phía sau biểu tượng ». Tờ báo trích dẫn báo chí nhiều nước bày tỏ sự thương tiếc và lòng ngưỡng mộ đối với cựu Tổng thống Mandela. Tờ báo Gazeta Wyborcza của Ba Lan chạy tựa lớn trên trang nhất : «Người biết tha thứ », ca ngợi lòng vị tha và sự cảm thông đối với người khác của cựu Tổng thống Mandela. Tờ To Ethnos của Hy Lạp chạy dòng tựa : « Biểu tượng thế giới », nhận định rằng, sự ra đi của « một huyền thoại » Nam Phi đã làm xúc động sâu sắc cả Châu Phi và cộng đồng quốc tế. Nhật báo La Stampa tại Ý đăng trên trang nhất dòng chữ « Vĩnh biệt » kèm theo bức ảnh của cựu Tổng thống Mandela. Trên trang Twitter của tờ báo này, nhiều nhân vật chính trị Ý đã bày tỏ niềm tiếc thương đối với sự ra đi của ông. Về phần mình, nhật báo As-Saifir tại Liban cũng dành trang nhất chạy tựa : « Vị anh hùng của tự do, người đánh bại chủ nghĩa phân biệt chủng tộc », lượt lại cuộc đời đấu tranh bền bỉ chống chủ nghĩa apartheid.
Nam Phi hậu Mandela ?
Nhìn về thời hậu Mandela, các tờ báo tỏ ra nhiều lo lắng. Tờ báo cộng sản Pháp L’Humanité nhắc lại, sau khi ra khỏi tù và trong nhiệm kỳ Tổng thống duy nhất của mình, ông Mandela đã ưu tiên cho nhiệm vụ loại bỏ chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, hòa hợp dân tộc và mang đến cho đất nước một hình ảnh khác. Tờ báo nhận định : Ông Mandela đã hoàn thành nhiệm vụ. Thế nhưng thời hậu Mandela thì thế nào ? Theo tờ báo, đất nước Nam Phi hiện tại đang chìm trong tham nhũng, bất công và bất ổn.
Chia sẻ quan điểm này, Le Nouvel Observateur cho rằng, cựu Tổng thống Mandela đã tạo được đà rất tốt cho Nam Phi vực dậy, nhưng các đời Tổng thống sau ông đã làm mất đà này. Tờ báo nhấn mạnh, hiện tại Nam Phi đang bị thất nghiệp đe dọa, phân hóa giàu nghèo sâu sắc, tham nhũng tràn lan, bạo lực hoành hành. Bài xã luận của tờ Courrier International thì gặp quan điểm của bài thời luận đăng trên tờ L’Express khi cả hai có cái nhìn rộng ra toàn cõi Châu Phi và cho rằng, tấm gương Mandela đã không được các nước khu vực này học theo, để đến hiện tại nhìn khắp Châu Phi chỗ nào cũng có bất công bất ổn.