Friday, 24 January 2014

VỪA TỈNH GIẤC LÀ TÀN ĐÔNG - Nguyễn Văn Thông

Qua ngày Ông Táo về Trời còn 7 ngày nữa thì đến Tết. Phần lớn nước Mỹ chìm trong băng giá. Đồng-bào trong nước còn trong cơn âm-ỉ vùng lên đòi nhân-quyền, nhân-phẩm và những giá-trị chiến-đấu gìn-giữ đất-đai biển đảo của các chiến-sĩ và nhân-dân VNCH. Tôi xin gởi chút tâm-tình đến quí bạn-bè thân-hữu và cả lời nhắn đến những người cộng-sản VN về một ngày Tết trên Quê Hương. NVT

VỪA TỈNH GIẤC LÀ TÀN ĐÔNG
Nguyễn Văn Thông

"Một buổi sáng vừa tỉnh giấc là tàn đông,
Liền vội đứng mở tung cánh chào đón Xuân..."

Là bài hát xuân của ông nhạc-sĩ tài-danh Phạm Duy ám-ảnh tôi đã lâu. Kể ra thì cứ mỗi lần báo-chí đăng những lời tuyên-bố của ông nhạc-sĩ ấy thì tôi lại mất đi nhiều sự quí-mến ông. Nhưng nhiều bài hát của ông hay quá, không thể không hát được. Cái hay về lời làm cho nhạc của ông hay hơn. Thế mà không hiểu sao ông lại có những tuyên-bố không ăn-nhập gì với những tác-phẩm bất-hủ ông đã viết ra. Thành ra nhiều lần tôi thở dài đành lòng với cái triết-lí vụn rằng, ai đóng-góp được bao nhiêu quí bấy nhiêu, làm sao mình đòi ai cũng phải hoàn-hảo được? Ông chắc có cả chục bài hát về mùa xuân, mỗi bài diễn-tả một ý, làm cho mùa xuân có những tình-cảm phong-phú. Giữa các ý xuân, tôi cảm thấy bị giao-động nhất về hình-ảnh một buổi sáng vừa vươn vai thức dậy, nhìn ra đã thấy một trời đầy xuân rực-rỡ; mình vội mở tung cửa để xuân tràn vào.


            Bốn giờ rưỡi sáng, chuông nhà thờ đổ, tôi tung chăn bật dậy chui ra khỏi màn, không cần phải chờ bố mẹ gọi thúc đến ba bốn lần. Tiếng chuông ngày Tết nghe như rộn-rã hơn. Chị em tôi ra bờ giếng sau nhà súc miệng rửa mặt. Hồi ấy ở nhà quê còn quê lắm, chưa có kem đánh răng. Giữa nhà chỉ có chiếc đèn dầu để trên bàn mà nó sáng hơn mọi ngày. Ngọn đèn vàng rọi qua chiếc bóng thủy-tinh mới được chùi rửa trong suốt soi chúng tôi vây quanh chiếc bàn, xúng-xính trong những bộ quần áo mới.

            Con đường cát trắng dẫn đến nhà thờ chỉ lờ mờ dưới chân, nhưng tôi nghĩ cành lá hai bờ dậu bên đường đã xôn-xao thức dậy. Nhà thờ hôm nay thắp đèn măng-xông sáng rực, và đông người hơn cả lễ ngày Chúa nhật. Thế nào ca-đoàn cũng sẽ hát "Mùa đông đã tàn phai, mừng Xuân mới về đây...".  Nhưng tôi chưa biết mùa đông như thế nào, chỉ nghe bố mẹ kể rằng, mùa đông ở "bên nhà" rét lắm, có năm rét cá chết nổi trắng mặt đồng. Bên Nam không có mùa đông nhưng vẫn có Tết. Sáng hôm nay mùng một Tết, cả làng chúng tôi xong lễ kéo vào nhà xứ mừng tuổi cha xứ. Cha sẽ mừng tuổi cho trẻ con thiếu-nhi mỗi đứa một đồng. Mấy anh chị lớn cũng ngồi xuống chen vào giơ tay lấy tiền mừng tuổi. Sau đó cả nhà chúng tôi về nhà ông bà nội để mừng tuổi ông bà, các cô bác chú dì, và nhận tiền mừng tuổi.

Chúng tôi đã mong ngày Tết cả tháng nay rồi, nhưng mấy ngày gần đây thì thời-gian đi mau quá, chẳng phải mong. Mới hôm qua cả nhà chúng tôi ở nhà ông bà nội với gia-đình các cô, các chú để Tết ông bà và chuẩn-bị cho ngày Tết. Mẹ tôi và các cô, thím lau, xếp bát đĩa ra những cái nia ở một góc nhà, rồi quay nước, rửa thau, nồi nhộn-nhịp bên bờ giếng. Bố tôi và các bác, chú làm một cái dàn để mâm. Các cháu giúp ông bà bổ cau, têm trầu, và đuổi nhau chạy loanh-quanh. Xong bữa cơm tối thì nồi bánh chưng cũng xong. Mọi người vây quanh chăm-chú nhìn từng chiếc bánh nghi-ngút khói được vớt ra. Mỗi chiếc bánh được giơ lên trước khi được xếp vào chiếc mẹt để ép thì đều có vài lời bình-phẩm. Đâu là chiếc bánh này ai gói, có đầy tay hay không, mối lạt buộc có chắc hay không. Đôi khi có ý-kiến chống-đối nhau nhưng bao giờ cũng chấm-dứt bằng ý-kiến của ông nội tôi. May mà cả nồi thế nào cũng có vài cái bánh xấu nhất nên chúng được bóc ra ngay, ông nội chia cho mỗi người một miếng. Thơm ngon hết sức, chẳng thấy ai chê. Sau bữa cơm tối đầm-ấm là bố mẹ tôi cùng các cô chú bác quây-quần thành từng nhóm. Chỗ này oang oác, cạp cạp tiếng gà vịt trước lúc bị cắt tiết. Chỗ kia những bàn tay thoăn-thoắt nhổ lông chung quanh nồi nước nghi-ngút khói. Chiếc cần quay nước trên miệng giếng quay kẽo-kẹt, nước đổ ào-ạt, rồi chiếc thùng lại được thả xuống vù vù. Ánh đèn chỉ thấp-thoáng từng chỗ trên sân nhưng mặt ai nấy rạng-rỡ tươi cười. Các chị, các cô của tôi nom đẹp lắm dù chưa trang-điểm cho ngày Tết. Khoảng Giao-thừa là mọi sự được chuẩn-bị tạm xong cho ngày mồng một Tết.

Xong bữa cơm ngày mồng một Tết, trẻ con chúng tôi theo mẹ bưng đồ lỡi đi Tết các cụ, các ông bà trong làng. Nhà nào cũng tiệc-tùng vui-nhộn. Chúng tôi chỉ cần tiền mừng tuổi và thích đốt pháo. Con gái cùng lớp tuổi của tôi nhiều đứa hôm nay nhìn đẹp quá chừng nhưng tôi chỉ nhìn chúng nó một tí rồi chạy đi chỗ có tiếng pháo. Giấc trưa, nắng đã vàng mặt đường nhưng không thấy ai than nóng như mọi ngày. Người ta đi lại, chào hỏi nhau trong những bộ quần áo ngày Tết trên khắp đường làng là một cảnh đẹp vô cùng. Làng tôi chỉ có những mái nhà tranh nâu ẩn hiện sau những hàng dậu và tàn cây xanh quen-thuộc, nhưng ngày Tết, nó được tô-điểm bằng những màu trắng, đỏ, vàng, tím... khác gì những bông hoa nở rộ. Xa xa, trên con đường từ ngoài quốc-lộ dẫn vào làng, một vài bóng áo mới di-động giữa cái nền xanh của cánh đồng, đẹp như một bức tranh.

Tôi yêu thương cái không-khí Tết trong làng tôi vì nó đẹp, và cũng vì cái tình thân-ái. Hình như trong làng tôi đều có họ-hàng với nhau. Nếu không mang đồ lỡi đi Tết thì bố mẹ tôi cũng đều ghé tất cả mọi nhà để chúc tuổi và ngồi chơi một chốc-lát. Chẳng có nhà nào mà tôi không nhận được tiền mừng tuổi. Trẻ con chúng tôi thỉnh-thoảng có đánh nhau nhưng đều cố dấu không cho bố mẹ biết. Đến Tết gặp nhau là coi như hòa. Người lớn mà cãi nhau đã là chuyện lớn ở làng. Một là cha xứ sẽ tới khuyên-can, hai là hai bên cùng quên đi để làm hòa. Tôi nghĩ, thiên-đàng hẳn là đẹp, nhưng không biết đẹp thế nào, chứ còn ở làng tôi, ngày Tết là đẹp lắm rồi.
Mong Tết bao nhiêu thì tôi lại sợ hết Tết bấy nhiêu. Sáng mồng hai, mồng ba thức dậy vẫn còn háo-hức, nhưng mùng bốn thức dậy tôi đã thấy hơi buồn. Tôi cầu cho Tết đừng đi, Tết cứ còn mãi. Gặp ai trong làng mặc quần áo lam-lũ ra đồng từ sớm là tôi buồn lắm, biết rằng Tết đang ra đi rồi. Tôi thích những tiếng pháo muộn vào những ngày này để gọi Tết trở lại. Tôi mừng khi thấy  vài người họ-hàng ở xa đến thăm, và bố mẹ tôi lại bắt gà vịt làm bữa ăn Tết. Nếu không phải khách nhà tôi thì khách bất cứ ai ở trong làng cũng được, chỉ cần bóng-dáng họ ở trong làng cũng giữ được cái không-khí Tết ở lại với chúng tôi.

Làng tôi chỉ có mặt và có tên trong một quận-lị Miền Nam từ năm di-cư 54 cho tới khi có biến-chuyển chiến-tranh. Ngôi làng ấy đã trở nên ngôi làng kỉ-niệm, yêu-thương, mơ-tưởng của đời tôi. Tôi đi mãi, qua nhiều mảnh đất quê-hương, cũng đẹp lắm, nhưng trong lòng không bao giờ phai được cảnh làng cũ. Ra khỏi nước, tôi càng nhớ hơn, mặc dù ở nơi đây có mùa xuân rực-rỡ và nhất là có mùa đông rét buốt rất rõ-ràng để tôi cảm-nhận khi hát "Mùa đông đã tàn phai", và "Một buổi sáng vừa tỉnh giấc là tàn đông". Tôi nghĩ phải nói rõ hơn một chút bạn mới tin là có sự thay-đổi nhanh-chóng chỉ qua một giấc ngủ như thế.

Chỗ tôi ở là vùng đông bắc nước Mỹ, mảnh đất định-cư đầu tiên của những người Pilgrims trên chiếc tầu Mayflower đi từ nước Anh tránh bão tuyết cập bến, rồi định-cư luôn, khoảng 400 năm trước. Đó cũng là lí-do vùng này được gọi là New England. Vùng đất này so với những vùng đất sau của nước Mỹ thì nhỏ bé nhưng lại màu mỡ, khí-hậu bốn mùa rành-rẽ, cây-cối xum-xuê. Có lẽ loại cây phổ-thông nhất ở vùng này là cây dương (maple) và bạch-dương (white birch). Mùa hè thì cành lá xum-xuê, và có điều đáng chú ý là từ đầu xuân đến cuối hè, cây-cối phát-triển nhanh như thổi, như ta có thể nhìn thấy chúng lớn lên.

Thu đến, lá đổi màu, cũng ào-ạt như thiên-nhiên được đổ màu lên. Vàng, đỏ, nâu lẫn với màu xanh còn sót lại như trải trên núi đồi tấm thảm hoa mênh-mông màu-sắc, biến những thung-lũng thành vườn hoa rực-rỡ. Đi dưới rừng cây có ánh nắng rọi, màu sắc rực lên lung-linh như lẫn vào không-gian. Một làn gió lay-động rắc những cánh lá chao nghiêng như đàn bướm. Hình như thiên-thai cũng là đây. Nhưng rồi những cơn mưa và những trận bão tuốt hết lá trên cây, chỉ còn cành trơ-trụi.

Bây giờ thiên-nhiên chỉ còn màu nâu ảm-đạm. Mặt trời buổi chiều cũng lặn đi vội-vã. Gió lạnh cắt da. Những trận tuyết đổ về mù-mịt. Thiên-nhiên chết cóng. Nhiều khi cả một rừng cây đóng băng như rừng nước đá. Thế nhưng thiên-nhiên không chết. Thiên-nhiên vẫn sống tiềm-tàng. Cách khoảng giữa những trận tuyết, các cành cây vẫn rung-rinh sức sống dù trơ-trụi. Ở các đầu cành, các búp cứ tròn dần. Một buổi sáng cuối đông, ngoài vườn còn lớp băng tuyết che kín, thế mà những búp thủy-tiên đã chui lên xòe cánh hứng ánh mặt trời.

Lúc này những búp trên đầu cành đã có màu. Cây anh-đào với hàng trăm, hàng ngàn búp loáng-thoáng hồng tạo nên đám mây hồng phủ trên tàn cây. Đám mây trắng trên tàn cây lê. Rồi mây xanh, mây tím đậu đó đây. Bỗng một ngày đầu xuân, một luồng gió ấm đẩy lùi cái lạnh của cuối đông, hàng trăm ngàn búp nụ đua nhau xòe cánh rực-rỡ.

Sự thay-đổi thời-tiết ở đây đột-ngột lắm, mỗi ngày có thể cách nhau đến vài chục độ. Một ngày ấm như mùa hè có thể xảy đến ở cuối đông. Đã có năm hoa thi nhau nở sớm, rồi bỗng bị một trận tuyết đổ xuống làm cả thiên-nhiên run-rẩy. Do những đột-ngột của thời-tiết như thế mà tôi cảm-nhận được rõ-ràng có những "buổi sáng vừa tỉnh giấc là tàn đông". Thay-đổi lắm, rạo-rực lắm. Xung-quanh ta thế-giới cũ như không còn. Chúng ta đang bước vào một thế-giới mới, đang bước vào tương-lai.

Đã bao nhiêu mùa xuân tôi sống trong những cảm-nghĩ đó. Mùa đông, năm cũ, những cay-đắng, thất-bại và buồn-bực chỉ còn thuộc về quá khứ. Nắng xuân và tương-lai rực-rỡ đang ùa vào nhà, vào lòng. Nhưng có nỗi ư-tư như những mành tơ vướng-víu. Quê-hương Việt Nam của tôi có bao giờ, cho tới bao giờ có nắng xuân và tương-lai rực-rỡ tràn vào? Mấy chục năm qua, mấy chục cái Tết nhưng vẫn chỉ là những cái Tết đắng-cay. Con gái xa nhà vì phải bán thân phương xa. Chồng xa vợ xa con vì phải bán sức lao-động cho ngoại-bang. Con nít xa quê vì phải về thành-phố, nếu sống được lương-thiện nhất là đi ăn-xin hay bán vé số.

Tôi mơ một ngày quê-hương vừa tỉnh giấc đã thấy tàn đông, một ngày người cộng-sản đồng lòng tuyên-bố quay về với dân-tộc, quăng đi cái xã-hội chủ-nghĩa. Áp-bức, dối-trá, nghèo-đói, thiếu nhân-phẩm bị đẩy lùi về quá-khứ. Cánh cửa quê-hương mở tung ra để nắng ấm của chân-thực, của nhân-phẩm, tình yêu-thương, tự-do và tương-lai rực-rỡ ùa vào. Đó là cơ-hội duy-nhất và đẹp nhất người cộng-sản có thể làm cho quê-hương dân-tộc. Đồng-bào sẽ mở rộng vòng tay đón họ như đón những người con lầm-lạc trở về. Họ sẽ làm nên lịch-sử, và làm cho thế-giới phải ngưỡng-mộ nếu họ làm được như vậy. Hãy làm đi, những ngày dài tăm-tối, đông-giá trên quê-hương đã quá nhiều rồi. Hãy làm cho cả quê-hương và người Việt khắp năm châu một buổi sáng thức dậy thấy bừng ánh sáng tự-do tràn vào.  Hãy thổi nắng ấm cho quê-hương một mùa xuân. Hãy làm cho khắp đất nước một cái Tết đẹp tình thân-ái.

Để chờ ngày ấy, chúng ta hãy chuẩn-bị những búp sự thật, những nụ nhân-ái, nụ yêu-thương, và đọt mầm nhân-cách chuẩn-bị trong mùa đông để nở tung cánh tạo mùa Xuân cho quê-hương yêu-dấu, một mùa Xuân chắc-chắn sẽ đến.