Có lẽ “Bệnh Đau Thắt Lưng” là căn bệnh gây khó chịu và phiền toái nhất của tuổi trung niên và tuổi già. Theo tài liệu trên Internet, ở nước Mỹ có tới 90% người đã từng bị đau thắt lưng. Hơn 50% bị đau nhiều lần và điều phiền nhất là tới 85% người bị đau mà không tìm ra cách chữa bệnh. Mỗi năm, nước Mỹ này tốn tới 50 tỷ đô la cho việc điều trị bệnh đau thắt lưng, từ thuốc uống, thuốc chích, đến “vật lý trị liệu” và giải phẫu. Tuy căn bệnh này không làm chết người và cũng không bắt người bệnh phải uống thuốc hàng ngày như các bệnh cao mỡ, cao máu, yếu tim.. nhưng mỗi khi “trái gió, trở trời”, hoặc vô ý mà vặn mình sai, thì căn bệnh lại ập đến, làm mọi sinh hoạt hàng ngày phải ngưng lại, gây nên một nỗi bực bội, chán đời vô cùng, không kể những phụ nữ mang thai hoặc sau khi sinh, thường bị đau thắt lưng mỗi khi đứng lên hay cử động mạnh.
Những người đau thắt lưng kinh niên lê cái thân đi khám bệnh thì lần nào cũng như lần ấy, chỉ nhận được viên thuốc giảm đau như Tylenol, Ibuprofen, Motrin, Aleve, hoặc Celebrex và lời khuyên phải đi chụp X-Ray hoặc MRI xem có chấn thương hoặc có “gai” nơi đốt xương chữ “L” nào không, có bị “đĩa” xương nào thoát ra khỏi vị trí không. Có người đau lưng lại được cho uống thuốc trị bệnh căng thẳng “Stress” vì buồn bã và lo lắng thường xuyên cũng có thể làm đau thắt lưng. Nếu cơn đau lan xuống mông và chân làm cho mất khả năng đi đứng, thì được đề nghị giải phẫu. Trường hợp phải giải phẫu thì chỉ có 50% hy vọng khỏi đau, và 50% bị liệt, ngồi xe lăn mà vẫn không hết đau. Người đau quá thì năn nỉ “bác sĩ có thuốc gì chích cho tôi một mũi cho đỡ đau không?” Yêu cầu này lúc được đáp ứng, nhưng cũng có lúc không. Có người chấp nhận giải phẫu nhưng Bảo Hiểm lại từ chối vì vẫn đi bộ được một, hai “b-lốc” đường không cần gậy chống. Có người xin làm “Therapy” nhưng đôi khi bảo hiểm hay “Medicare” cũng từ chối. Thôi, vậy chỉ còn cách an ủi “số mệnh đã an bài”. Cố gắng chịu đựng cho đến hết đời. Đau khổ nhất là những ông trung niên và những ông bắt đầu bước vào tuổi lão niên vẫn đang tràn đầy sinh lực yêu đương mà bị đau lưng…
Cá nhân người viết cũng là một “bệnh nhân” của cơn đau thắt lưng kinh niên, mãn tính. Hai đĩa sụn bị chấn thương, lệch ra khỏi vị trí, bởi những lần đấu võ từ hồi trẻ, gẫy lưng nằm bệnh viện hai lần, mỗi lần cả tháng trời. Mấy đốt khác cong cong có thể vì những năm còn thanh niên, thích cong người trên xe gắn máy mà phóng… Các sự lệch lạc đó đã được tuổi xuân cho thông qua, không gây phiền hà nhiều, nhưng khi tuổi già đến, thì chúng nhào lên, đòi lại sự “công bằng” qua những cơn đau tấm tức, hạn chế nhiều loại cử động và đôi khi làm cho chân phải bị tê liệt đi, không nhấc nổi lên nếu ngồi làm việc trước máy ‘computer” khoảng 1 tiếng đồng hồ liên tục mà quên không ngồi thẳng lưng!
Vì thế, bài viết này chỉ mong giúp “giảm đau” cho những quý vị“đồng bệnh tương lân”, biết đâu, với những trường hợp nhẹ, thì sẽ hết đau luôn, tìm lại niềm vui và nụ cười đã tắt “khi cơn đau lên đầy, thì người như chới với”…
1-Điều KHÔNG nên làm:
-Ngồi cong lưng về đằng trước khi đánh máy, làm việc trước “computer”, khi ăn uống, lái xe…
-Ngủ trên nệm mềm, cả cái lưng cong lại, lọt xuống nệm.
-Ngồi trên sa-lông mềm để coi truyền hình, nói chuyện với bạn bè.
-Cúi xuống nhấc đồ vật nặng lên bằng cái lưng, nghĩa là cong người xuống nhấc vật nặng. Các ông đau lưng tuyệt đối không được nổi hứng, cúi xuống bế bổng người yêu lên, cho dù người yêu chỉ dưới 100 lbs!
-Tăng trọng lượng vì càng mập, càng lên cân thì sức nặng của chính cơ thể càng đè xuống các đốt xương đã va chạm vào giây thần kinh, làm đau hoài luôn.
2-Điều NÊN làm:
-Lót một chiếc gối sau lưng khi lái xe, ngồi xe của bạn, để ấn cái lưng mình ra đằng trước cho dù là đi xe đời mới, sang trọng có đủ “nút” để thay đổi vị trí lưng, vì chúng hạn chế, không đủ “support” cho người đau lưng đâu. Nên lót một chiếc gối trên ghế làm việc của mình, sao cho lưng luôn thẳng góc hoặc hơi ngửa về đằng sau.
-Ngủ trên nệm cứng, không cần cứng quá như tấm phản, nhưng phải cứng đủ để lưng không chùng xuống khi ngủ. Nên nằm ngửa, hai tay xuôi hai bên, vừa có lợi là làm cho cơ thể hoàn toàn nghỉ ngơi, vừa làm cho lưng được duỗi ra. Nếu phối hợp với phương pháp thở thì trở thành “Thiền”, lợi cho trí óc rất nhiều. Không bao giờ ngủ ở sa-lông! Nếu “bà chủ” giận thì thà nằm dưới sàn còn hơn là nằm trên sa-lông, sáng dậy không nổi vì đau!
-Nếu phải ngồi ở sa-lông thì chọn chỗ góc ghế, nơi cứng nhất mà ngồi và nhớ luôn ngồi thẳng. Có thêm được một cái gối dưới lưng thì rất tốt.
-Khi cúi xuống nhấc vật nặng lên (bao gạo, bình nước, người yêu..) phải dùng sức mạnh của hai đầu gối và bắp thịt đùi, nghĩa là giữ lưng cho thẳng, từ từ “ngồi” xuống, nhắc vật nặng lên, rồi đứng thẳng lên cũng dựa vào sức của bắp thịt đùi, không phải bằng bắp thịt lưng.
3-Tập luyện:
Người đau lưng phải tập những bài tập này mỗi ngày. Nếu đang bị đau, các cơn đau sẽ dịu ngay sau khi tập chừng 15 phút mà không phải uống một viên thuốc nào.
1-Hu-la-húp:
Hai tay chống vào cạnh sườn, xoay vòng bụng mình như khi chơi vòng Hu-la-húp vậy. Khi xoay vòng như thế, phải cố gắng làm một vòng tròn rộng tối đa, nghĩa là lúc đưa bụng tới trước thì ưỡn hết ra phía trước để cho xương sống được bẻ dãn ra, ngược chiều với khuynh hướng của mình là hay ngồi cong người về phía trước. Chú ý là trong khi đang xoay, nếu có cảm giác đau nhói ở một bên, trái hay phải, thì nương nhẹ bên đó mà làm mạnh hơn bên kia. Thí dụ như thấy đau lói ở bên phải thì khi đưa vòng bụng qua tới cạnh bên phải thì làm nhẹ hơn là khi đưa vòng bụng qua bên trái. Trong khi xoay vòng như thế, nhớ điều quan trọng là hít thở thật chậm. Lý do: Động tác này giúp các khớp xương sống chuyển động đều, kích thích chất dịch tại các đầu xương cũng chuyển động, như khi ta cho dầu nhớt vào những khớp nối máy móc vậy.
2-Vươn người, kéo dãn xương:
Đứng thoải mái, hai chân gần nhau, hít một hơi dài trong khi từ từ đưa hai tay lên trời, hai bàn tay ngửa lên trời, khi lên hết cỡ rồi thì cố đẩy hai bàn tay lên cao hơn nữa, trong lúc hai bàn chân cố bám chặt sàn, tưởng tượng như đang kéo dãn xương sống cho những khớp xương rời nhau ra. Lý do: Người ta càng lớn tuổi, xương càng thoái hóa, và vì sức hút của quả đất, cho nên các khớp xương dần dần sụp xuống, dính vào nhau, các miếng sụn từ từ bẹp đi, cho nên chiều cao của người lớn tuổi bao giờ cũng thấp hơn thời trẻ. Vì sự thoái hóa của xương như thế, nên có thể hình thành các “mụt” xương (spur) nhô ra giống như những mụn nhọt khác trên da, nhưng vì là xương nên chạm đến dây thần kinh gây nên đau nhức. Cũng có thể vì ngồi cong lưng về trước nhiều quá nên xương bị cong về phía trước. Cũng có thể vì té ngã, xương bị lệch, đụng chạm vào thần kinh. Nếu sự nhô ra của mụt xương nhiều thì sẽ kích thích cơn đau ở dây thần kinh chạy xuống đùi, nên thường cảm thấy đau bại một bên đùi, nhất là khi đứng dậy sau khi ngồi lâu. Người ta thường gọi cơn đau này là “đau thần kinh tọa”, rất khó lành, đôi khi phải giải phẫu mới hy vọng khỏi. Kết quả của những cuộc giải phẫu xương sống này cũng không thể được 100%, có trường hợp giải phẫu xong, là nằm liệt luôn.
3-Uốn lại xương lệch:
Đứng thẳng, hai chân bằng nhau. Bước chân trái lên trước với một khoảng cách xa chân còn lại. Hai tay từ từ giơ lên đầu, đồng thời ưỡn bụng ra cho tới hết cỡ thì ngưng lại.
Trong khi đưa hai tay lên đầu thì hít vào. Khi ngưng lại, thì nén hơi, đếm thầm chầm chậm trong miệng: 1, 2, 3. Hết số 3, thì rút chân trái về, buông hai tay xuống từ từ, và thở ra. Lại bước chân phải lên, làm giống như bên kia, ưỡn bụng về phía trước, hai tay để trên cao, hít vào, nén hơi và đếm 1, 2,3. Sau đó thì rút chân lại và đổi bên. Làm cả hai bên như thế, mỗi bên 5 lần sẽ bớt cơn đau ngay.
Mong rằng những bài tập này, nếu được chuyên cần khổ luyện, sẽ làm dứt các cơn đau lưng (từ nhẹ đến vừa) sau vài tháng và tim lại sinh lực đã thất thoát vì mấy cái “đĩa” lệch. Nếu phối hợp với phương pháp Thở dài và sâu, lại còn tăng cường được sinh hoạt óc não, chữa được bệnh Ưu phiền, căng thẳng (stress) một cách nhanh chóng không thể ngờ. Phương pháp này cũng tương tự như Yoga nhưng hiệu quả đặc biệt cho một phần cơ thể bị đau nhức.
Dĩ nhiên bài viết này chỉ là một sự góp ý với quý vị đau lưng, kết quả thì thay đổi tùy theo từng người, vì thế, người viết không mong có sự… đòi bồi thường nếu chẳng may mà việc tập luyện không đem lại kết quả như ý. Mà, nếu khi tập 1 tuần lễ mà không thấy bớt đau thì nên đến Bác Sĩ chuyên môn để chẩn bệnh.
Chu Tất Tiến