Sunday 2 February 2014

Nơi Tôi Chào Đời - Phan Hạnh


 
 
Hôm nay lại là sinh nhật. 70 năm của thời gian làm thế nào so sánh với cột mốc không gian? Một người đi khoảng cách 70 cây số còn có thể quay trở về điểm khởi đầu. Một người trải qua 70 sinh nhật cũng thử quay nhìn lại, may ra, còn nhớ đôi chút gì về nơi chào đời. Nơi chào đời của tôi ra sao?
 
Một trong những bài tập đọc Pháp Văn đầu tiên tôi học năm đệ thất là một đoạn trích trong chương đầu của quyển tiểu thuyết Le Petit Chose của văn sĩ Pháp Alfonse Daudet (1840-1897), người thường được so sánh ngang tầm với một Charles Dickens (1812-1870) của Anh Quốc. Tác giả mô tả ngôi nhà nơi ông chào đời và kể về kỷ niệm ấu thơ. Lời văn dẫn trí óc tôi nghĩ đến một ngôi nhà khang trang tươm tất trong một khu vườn trồng nhiều hoa kiểng ở miền Nam nước Pháp. Thầy dạy Pháp văn đã cố ý hỏi cả lớp rằng nhóm chữ “ma maison natale” nên dịch ra chữ Việt là gì; nhiều đứa học trò nhanh nhẩu dịch một cách bạch tuộc là “nhà tôi sanh”; thầy bảo nghe không ổn, phải dịch là “ngôi nhà tôi chào đời”.
 
Nơi chào đời của tôi không phải là một ngôi nhà khang trang lịch sự mà chỉ là một cái chòi. Nhưng nào có sá gì, đối với tôi cái chòi đó vẫn là noi chốn đáng trân trọng suốt đời đối với tôi. Căn chòi lá cất bên ngôi nhà lớn của ông bà ngoại tại một làng quê không xa bờ sông Chợ Gạo. Ngôi nhà lớn để cho ông bà ngoại và đám con cháu ở; căn chòi lá là nơi được dùng làm nhà bảo sanh riêng cho gia đình; có khi cho cả những sinh vật khác nữa như những con dơi muỗi, những con cóc, nhện, ong tò vò, v.v. vì không gian ẩm tối kín đáo.
 
Căn chòi nằm bên bờ mương cạnh sàn nước. Mương làm ranh giới ngăn hai khu vườn đất, một của ngoại và một của một gia đình khác. Cách “chòi bảo sanh” (tôi gọi nó là “baby hut” trong một bài văn Anh ngữ) một đỗi là cây cầu gỗ bắt qua mương để dùng làm lối giao thông qua lại. Bờ mương phía bên nhà ngoại được dọn trống trải; trong khi phía bên kia um tùm các bụi tre, nhãn lồng và cây mắm. Dưới mương gần hai bên bờ có dừa nước mọc sum xuê. Lá dừa nước mọc rất nhanh, cao đến ba bốn thước, được cắt đốn thường xuyên để lấy làm vật liệu lợp mái nhà. Nếu không thì chỉ trong vài năm, mương sẽ hoàn toàn bị che khuất bởi đám lá um tùm.
 
Má kể Má sanh tôi ra đời vào một ngày cuối năm nhưng hơn cả tháng sau, tôi mới được làm giấy khai sanh ở dưới làng. Vậy là tự nhiên thằng nhỏ có ngày sanh trùng với ngày lễ Groundhog Day của Bắc Mỹ bây giờ. Groundhog (chuột chũi) con nào cũng mập mạp, còn tôi tù lúc lọt lòng cho đến già vẫn ốm nhom. Má kể ngày thứ nhì trên đời, tôi được bỏ lên một cái cân của ông Chệt bán thịt heo dạo để cân. Trừ ra trọng lượng cái mo cau và miếng vải bao bột mì quấn ngoài, tôi cân nặng được 2.7 kílô, với thân hình thon gọn, đầu nhỏ và tay chân tong teo. Má bảo như vậy là may cho người mẹ.
 
Con hồi nhỏ làm sao hả Má? Rồi sao nữa Má?... Tôi hỏi mẹ tôi về tuổi thơ của tôi, về những tháng năm đầu đời khi mà thằng bé chưa có trí nhớ, câu hỏi này đến câu hỏi khác, tuy có bớt dần theo thời gian nhưng không dứt hẳn, lâu lâu lại hỏi cho đến ngày người mẹ từ giã thế gian. Căn chòi tôi chào đời mãi mãi vẫn còn là một điều gì đầy bí ẩn. Má kểcon trai gì mà khóc tiếng nhỏ nhẹ như con gái. Má kể tóc tôi trong những năm đầu đời quăn quăn sóng lượn.
 
Má kể Dì Năm tôi, em của Má, mất đi mạng sống vì sinh khó đứa con đầu lòng nặng kí trong căn chòi đó. Tội nghiệp cho Dì yểu mệnh chỉ vì nền y tế nước nhà còn quá phôi thai; việc đỡ đẻ chỉ do tay một người mụ vườn lo liệu, lệ thuộc cả vào sự may rủi. Cái chết đó đã khiến cho Dì Bảy tôi khiếp đảm chuyện chồng con, quyết chối từ mọi sự giới thiệu mối mai, sống độc thân cho đến tuổi xế chiều.
 
Các chị họ của tôi sau này hoặc rời quê lên sống trên thành phố hoặc nếu còn ở lại nhà thì cũng hoặc sống độc thân, lấy chồng muộn hoặc không sinh nở được. Căn chòi đâm ra ế khách vắng hoe để trở thành chỗ vui chơi của đám trẻ con như cút bắt, đánh bài cào, đá dế. Những lần đó, tôi có dịp quan sát để nhận thức nơi mình chào đời trông như thế nào: một chiếc giường tre, một cái bàn nhỏ cũng bằng tre bên cạnh, một chiếc lò đất nung ràng khoanh thiếc đặt dưới nền đất dùng thế cho lò sưởi.
 
Tôi hay để cho trí tưởng bềnh bồng trôi về quá khứ để sống lại với những kỷ niệm dịu êm bên căn chòi đó. Cây cầu gỗ bên hông “baby hut” là lối tắt khi tôi đi học ở trường làng về. Dưới dạ cầu, ông ngoại đóng đăng và đặt thời bắt cá. Cá theo con nước lớn từ sông Chợ Gạo lội vào các mương cạn trong vườn cây để kiếm ăn. Khi nước đã đứng, ông ngoại đặt thời xuống để đến khi nước ròng cá ăn no lội trở ra bị lọt vô thời.
 
Trên những cành cây tre, cây nhãn lồng, cây mắm de ra mặt nước thường có các con chim thuộc nhiều loại khác nhau quanh quẩn và vang tiếng hót. Tôi thích nhất chim thằng chài (còn gọi là chim bói cá) vì chúng có bộ lông ngũ sắc óng ánh thật đẹp. Nhanh như máy bay phản lực, chúng nhào xuống sát mặt nước rồi bay vút lên với một con cá còn giãy giụa trên mỏ của chúng.
 
Cây đèn dầu con cóc có nút tròn vặn cho tim đèn ló lên, tim ló lên nhiều đèn sáng thêm, tim thụt xuống thấp thì ánh sáng yếu ớt.

“Ngọn đèn khi tỏ khi mờ,
Khiến người ngồi đó cũng ngơ ngẩn sầu.” (Truyện Kiều)

 

“Baby hut” là nơi chỉ có phụ nữ và trẻ con mới được vào. Khi Má tôi sanh em trai tôi, lúc đó tôi bốn tuổi được vào nhìn mặt em, rờ bàn tay nhỏ xíu của nó, cảm thấy thích thú khi được nó chộp một ngón tay của tôi. Hết ở cữ sau khi sinh, Má bồng em bé về giường ngủ trong ngôi nhà lớn. Đang được ngủ với Má mấy năm nay, bây giờ có em bé, tôi phải xuống nằm dưới chân của Má, ôm chân Má mà ngủ.
 
Rời xa ngôi nhà chào đời từ năm hai mươi tuổi, tôi càng nhớ đến quê tôi thường xuyên hơn. Hình ảnh để gợi nhớ có thể chỉ là một loại trái cây nhiệt đới bày ngoài chợ, một đám nòng nọc nơi ao công viên, tiếng chim bay về chỗ trú vào một buổi chiều, bức tranh sơn mài treo ở phòng khách nhà của một người bạn, hay chỉ là những tranh ảnh chợt bắt gặp trên màn ảnh máy truyền hình, hoặc một bữa ăn gia đình có món canh chua nấu tép và cọng bạc hà.
 
Qua truyện ngắn Quê Hương Qua Chậu Bonsai, nhà văn Nhật Bản Tetsuo Miura (với tác phẩm Shame in the Blood, ông đã  đoạt Giải Văn Chương Akutagawa của Nhật, tương tự như  Giải Pulitzer của Mỹ) kể một thiếu niên bỏ làng quê ra đi để lên thủ đô Đông Kinh tìm việc làm và có ý định sẽ không bao giờ trở lại ngôi nhà chào đời nữa vì bố mất sớm và mẹ lấy người khác. Anh muốn chối bỏ quá khứ. Cho đến khi anh bắt gặp một chậu bonsai có phong cảnh giống như khóm rừng sồi ở làng anh, và nó đã khơi dậy trong lòng anh một nỗi nhớ nhung quê nhà tha thiết. Nhìn nó, anh hồi tưởng biết bao nhiêu là kỷ niệm của tuổi thơ êm đềm:
 
“Anh tưởng tượng những khóm rêu kia là lượt cỏ mượt trên ngọn đồi xanh; còn anh, Aida, là một cậu bé đang nằm trên thảm cỏ êm ái ấy. Hai mắt nhắm nghiền, đầu gối trên hai cánh tay và anh chỉ còn lớn bằng nửa bao diêm. Còn cánh rừng sồi thì lớn mãi lên, mỗi lúc một cao thêm, rồi như sắp nuốt chững cả anh nữa. Bên tai anh vang vọng tiếng gió lao xao trên những ngọn cây cao, tiếng suối róc rách, tiếng chim ríu rít. Từ xa vọng lại tiếng máy đập lúa khua dòn, tiếng chuông đền ngân nga. Anh từ từ mở mắt và nhìn lên. Trên nền trời xanh trong trẻo, những cành sồi đã trút lá đan quyện vào nhau như những mắt lưới. Anh ngồi dậy và lần theo cái lối mòn lẩn khuất dẫn vào rừng.”
 
Tôi đang cư ngụ nơi xứ lạnh Canada; có khi chính vì mùa đông rét mướt dài lê thê khiến cho tôi càng nhớ nhà thêm. Tôi nhớ quê, nhớ ngôi nhà tôi chào đời nhất khi ngồi trước lò sưởi của ngôi nhà kiểu cũ trong mùa đông và nghe mùi khói của gỗ thông tỏa len vào hốc mũi. Ngôi nhà tôi ở có tầng hầm với sàn nhà trải thảm đỏ, cạnh lò sưởi đặt hai chiếc ghế bành. Chất một mớ củi chụm chặt ra từ thân cây thông vào lò, châm lửa cho củi cháy đều xong, đóng hai cánh cửa kính của lò sưởi cho tro than khỏi bắn ra ngoài mặt thảm, tôi có thể ngồi dựa lưng êm ái và khoanh chân trên chiếc ghế rộng rồi nhìn những đóm lửa nhảy múa, tiếng nổ lách tách reo vui. Tôi nhớ quê nhà xa tít về khoảng cách không gian lẫn thời gian.
 
Bếp than dễ làm tôi nhớ nhà nhất là vì khi còn ở nhà quê, tôi là thằng bé có nhiệm vụ ngồi bên bếp canh chừng ấm nước sôi thì châm mấy bình trà. Một bình để nhà dưới, hai bình để nhà trên cho ông ngoại đãi khách. Khách ở đâu sao lúc nào cũng có. Ngày thường đã vậy, ngày có đám nọ đám kia tôi càng bận rộn nấu nước châm trà. Bây giờ cuộc sống tuổi già của tôi được đơn giản hóa tối đa. Tách trà buổi sáng được hâm nóng bằng lò vi ba, túi trà nhỏ có sợi giây thòng thả xuống. Bếp lò bằng mặt khi bật lên chỉ thấy khoanh điện trở cháy đỏ nhưng không có ngọn lửa.
 
Hôm nay, đối với một người mừng sinh nhật, hình bóng của ngôi nhà chào đời với vách lá, giường tre, ngọn đèn dầu leo lét… lại chợt trở về từ đáy sâu ký ức xa xôi.
 
PH - N.T.Hoàng