Thursday, 17 April 2014

NHỮNG SỰ THỰC VỀ NGUYỄN NHÃ, TẬP SAN SỬ ĐỊA VÀ BẢN TỰ KHAI CỦA NHÂN VẬT NÀY - Mai Thanh Truyết


 
            Trong những ngày đầu Tháng Tư dương lịch, 2014 vừa qua, trên báo chí và qua các điện thư được phổ biến, người đọc có nhận được một bản tự khai viết từ năm 1977 của Tiến Sĩ Nguyễn Nhã, một “trí thức” từ trong nước được gửi ra hải ngoại từ nhiều năm qua để diễn thuyết về vấn đề các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.  Bài “tự khai” này cho thấy là đương sự đã nằm vùng và hoạt động cho Cộng Sản ngay từ năm 1966 khi ông làm công việc nhận thư từ bài vở cho tờ Tập San Sử Địa do Nhóm Sinh Viên Sử Địa Đại Học Sư Phạm Saigon chủ trương với sự bảo trợ về ấn loát của Nhà Sách Khai Trí.  Vì là một nhân viên của Ban Giảng Huấn của trường Đại Học Sư Phạm Saigon và là một người luôn luôn đọc và theo dõi Tập San Sử Địa, tôi thấy trong bản tự khai này ông Nguyễn Nhã đã đưa ra nhiều điểm sai lầm cần phải được làm sáng tỏ, đặc biệt là những gìông tự nhận là đã làm trong những ngày đầu sau năm 1975 có phương hại tới danh dự của Đại Học Sư Phạm, trường tôi đã giảng dạy. 

Tiến sĩ Nguyễn Nhã - Ảnh: Trung Hiếu
Tiến sĩ Nguyễn Nhã
 
Mở đầu tôi sẽ nói tới tiểu sử của ông Nguyễn Nhã do chính ông ghi ra và phổ biến trong cuốn Những Bằng Chứng Về Chủ Quyền Của Việt Nam Đối Với Hai Quần Đảo Hoàng Sa, Trường Sa do Nhà Xuất Bản Giáo Dục Việt Nam xuất bản năm 2013 và những sự bất thường của bàn tiểu s này. Tiếp theo là chuyện ông Nhã tiếm danh Chủ Nhiệm kiêm Chủ Bút  của Tập San Sử Địa mà nhiều người đã nêu ra và sau đó là những công lao ông tự nhận là đã làm trong thời gian từ năm 1966 đến năm 1975 như một người nằm vùng trong tờ Sử Địa.
 
Cuối cùng là chuyện tại sao Nguyễn Nhã lại cho phổ biến bản tự khai ông viết từ năm 1977 vào thời điểm 2014 này, cũng như Nguyễn Nhã muốn gì khi làm việc phổ biến này?
 
Và nhà cầm quyền Cộng Sản muốn gì khi để Nguyễn Nhã làm công việc này?
 
Cá nhân Nguyễn NhãTrong bản tiểu sử ghi trên bìa sau của sách viết về hai quần đảo Hoàng Sa,Trường Sa kể trên, Nguyễn Nhã khai là Tốt nghiệp Trường Quốc gia Sư phạm Saigon (1962-1965). Cử nhân Văn khoa Saigon (1966). Cao học giáo dục Saigon (khóa 1). Tiến Sĩ Sử Học (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, 2003). 
 
           Đọc bản tiểu sử này, những ai đã biết ông thời trước năm 1975 đều có ngay nhận xét là ông đã ghi sai tên của trường ông đã theo học ba năm (1962-1965) và tốt nghiệp từ đó, vì tên chính thức của trường này là Đại Học Sư Phạm Saigontrường đào tạo giáo sư trung học, chứ không phải là Quốc Gia Sư Phạm, vì Quốc Gia Sư Phạm, trường kế bên của trường Đai Học Sư Phạm, là trường đào tạo giáo viên tiểu học.
           
            Tại sao lạo có sự lầm lẫn vô cùng tệ hại như vậy?
 
Có ba lý do:
  • Thứ nhất, Nguyễn Nhã đã không biết hay đã quên tên trường mình đã trải qua cả ba năm theo học;
  • Thứ hai, Nguyễn Nhã đã cố tình chối bỏ nền giáo dục mà ông đã nhận được trong thờii còn đi học ở miền Nam trước đó, mà sau này trong bản tự khai ông đã mạt sát lên án;
  • Thứ ba, Nguyễn Nhã cố tình thêm hai chữ “quốc gia” với ý nói là trường này là trường nhà nước mà không biết là còn có trường kế bên mang tên này.
 
Tại sao Nguyễn Nhã lại thêm hai chữ quốc gia như vậy?
 
Lý do là vì Nguyễn Nhã muốn nói trường ông tốt nghiệp có tầm vóc quốc gia khác với các trường Đại Học Sư Phạm khác, giống như trường sau này ông lấy bằng tiến sĩ (Đại Học Quốc Gia Thành Phố Hồ Chí Minh) để lòe bịp người không biết. 
 
Nhưng dù vì lý do nào đi chăng nữa cả ba đều không thể chấp nhận được nếu người ta dùng chúng để định giá bản tự khai viết năm 1977 của Nguyễn Nhã, vì nó chứng tỏ sự vừa tối dạ, vừa kém trí nhớ, vừa gian trá, lừa đảo, khôn mà không ngoan và thiếu lương thiện của nhân vật này.
 
Tất cả làm cho những gì ông viết trong bản tự khai của ông trở thành bất khả tín, từ đó vô giá trị, coi khinh người đọc, trong đó có những cán bộ Cộng Sản cao cấp. Đó là chưa kể tới văn bằng Cử Nhân Văn Khoa của ông, vì muốn được bằng này ông phải lấy bốn chứng chỉ kể từ năm ông học năm thứ hai ĐHSP vì một sinh viên xuất sắc học hai trường một lúc mỗi năm học và đậu thêm một chứng chỉ ở trường kia là rất giỏi. Sau đó, năm 1965, khi ra trường rồi, vừa đi dạy toàn thời gian, vừa đi học, Nguyễn Nhã, như một sinh viên sức học tầm thường, ngoại ngữ kém, khó có thể lấy hai chứng chỉ để được cấp bằng Cử Nhân Văn Khoa được. 
 
Vì vậy chuyện ông có bằng Cử Nhân Văn Khoa cũng là nhiều điều cần phải được phối kiểm.
 
            Cũng nên để ý là việc thi Tú Tài của Nguyễn Nhã rất trắc trở. Ông phải thì rớt Tú Tài I rồi Tú Tài II rất nhiều khóa (mỗi năm hai khóa) nên mãi đến năm 1962 ông mới vào được ĐHSP (Nguyễn Nhã sinh năm 1939, mãi đến năm 1962 mới đỗ Tú Tài II và thi tuyển vào trường Đại học Sư Phạm Saigon). Học lực kém, trí nhớ không tốt hay thiếu lương thiện là ba yếu tố khiến người ta không thể tin vào lời khai của Nguyễn Nhã được. Đó là chưa kể tới những lỗi lầm sơ đẳng về văn phạm mà ông mắc phải khi liệt kê các tác phẩm bằng ngoại ngữ trong tác phẩm về Hoàng Sa và Trường Sa mà ông rất hãnh diện. Chỉ có việc chép tên tác giả và nhan đề sách thôi mà Nguyễn Nhã còn làm không xong thì nói chi đến chuyện đọc và hiểu các văn bản, nói riêng, nội dung của tác phẩm, nói chung cũng như chuyện ông khoe làm Chủ Bút Tập San Sử Địa từ năm 1966, năm ông mới ra trường mà ta sẽ bàn ở phần dưới.
 
Tiếm nhận vai trò Chủ Nhiệm kiêm Chủ Bút Tập San Sử Địa:
           
            Trong lời tự khai cũng như trong video riêng của mình và ở nhiều nơi, Nguyễn Nhã luôn luôn tự nhận mình là Chủ Nhiệm kiêm Chủ Bút Tập San Sử Địa, một tập san do các sinh viên ĐHSP Saigon thực hiện với sự cố vấn của các giáo sư trường này và các học giả nổi tiếng đương thời, dưới sự bảo trợ ấn loát của Nhà sách Khai Trí, ngay từ năm 1965-1966, lúc ông mới có 26 tuổi.  Điều này hoàn toàn không có vì nhiều lý do:
 
            Thứ nhất:  Trong phần liệt kê nhân sự của tờ báo in ở trang sau, bìa trước, Nguyễn Nhã không có tên trong danh sách Ban Chủ Biên và những người cộng tác,  Ông chỉ có tên trong Ban Trị Sự và là người liên lạc (Thư từ, bài vở, ngân chi phiếu, xin đề: NGUYỄN NHÃ).  Không có tên trong Ban Biên Tập, Nguyễn Nhã không thể là Chủ Bút được.  Lý do là vì chủ bút phải rành về chuyên môn và bài vở, người không đủ hiểu biết để đọc và định giá trị tài liệu, bài vở không thể làm được. Còn danh vị Chủ Nhiệm, tên Nguyễn Nhã có ghi một cách kín đáo ở mặt trong bìa sau.Điều này có thể được vì tờ báo cần có người đứng tên để xin phép và lo những chuyện ngoài chuyên môn và bài vở.
 
            Thứ hai: Nguyễn Nhã lúc đó mới ra trường, học lực không được là bao làm sao dám nhận là Chủ Bút khi ban biên tập gồm có những học giả lão thành như các Giáo Sư Hoàng Xuân Hãn, Nguyễn Khắc Kham hay các thày dạy của chính ông Nguyễn Nhã như các Giáo Sư Nguyễn Thế Anh, Lâm Thanh Liêm, Bửu Cầm… Không những thế, ngay trong danh sách ban biên tập và cộng tác viên, Nguyễn Nhã cũng không dám ghi tên mình vào giống như các bạn cùng lớp thời đó như Trần Anh Tuấn, Trần Quốc Giám…
 
            Thế nhưng, trong lời tự khai năm 1977 và luôn luôn trong những năm sau này, Nguyễn Nhã không những đã khai hay tự nhận là Chủ Nhiệm kiêm Chủ Bút mà còn giải thích thêm “tức là Tổng Biên Tập” của Tập San Sử Địa để loè bịp người các cán bộ Cộng Sản một cách thiếu lương thiện.
 
Nguyễn Nhã khoe khoang và kể công những gì với “Cách Mạng” trong bản tự khai 1977?
 
        Ngoài chuyện khoe khoang bằng cấp và chức vị Chủ Nhiệm kiêm Chủ bút Tập San Sử Địa một cách hồ đồ, thiếu thận trọng đến nỗi để lộ chân tướng của mình như trên, Nguyễn Nhã còn khoe và kể công với “Cách Mạng” nhiều thành tích khác khiến những ai quen hay biết ông thời trước phải nhăn mặt.  Chỉ cần đọc sơ qua bàn tự khai năm 1977 của ông mà ông mới cho phổ biến, người ta có thể thấy ngay chân tướng của một kẻ nằm vùng của ôngmột chân tướng chưa chắc đã có thật.
 
Xin đan cử:
 
        Thứ nhất: Với tư cách góp phần làm Tập San Sử Địa, Nguyễn Nhã đã được móc nối và hoạt động cho Mặt Trận từ rất sớm, từ năm 1965-66, đã mời GS. Tôn Thất Dương Kỵ, người đã bị Chính Phủ VNCH bắt và tống xuất qua Sông Bến Hải vì tội thân Cộng làm Chủ Bút cho tờ Tập San Sử Địa.  Nguyên văn lời Nguyễn Nhã:“Về chủ biên, lúc đầu nhờ giáo sư Tôn Thất Dương Kỵ phụ trách chủ bút, nhưng báo chưa ra, thì giáo sư Dương Kỵ bị chính phủ Sài Gòn trục xuất ra Miền Bắc và tham gia cách mạng”
 
        Thứ hai: Nguyễn Nhã đã can đảm nhận và giữ hàng ngàn tài liệu cộng sản ở trong nhà bất chấp sự thắc mắc của cán bộ Việt Cộng . Nguyên văn lời Nguyễn Nhã: Tôi cũng đã trao đổi tư tưởng, chủ yếu là phạm vi văn hóa với Ông Đông Tùng, một người được phái khiến vào Nam hoạt động năm 1954, bị  bắt đến năm 1963 được thả ra, tiếp tục hoạt động cách mạng. Chính tôi đã tàng trữ nhiều tài liệu về lịch sử cách mạng (hàng ngàn trang đánh máy/) do Ông Đông Tùng trao, cũng như tôi cũng từng cho ông mượn các sách xuất bản ở Miền Bắc do tôi mua được từ Paris. Vào năm 1974, tôi đã trao một số thuốc men cho ông khi Ông từ biệt tôi vào khu giải phóng một thời gian lâu mà ông nói về Bắc”.
 
        Thứ ba: Nguyễn Nhã đã đăng thơ của Hồ Chí Minh trên Tập San Sử Địa. Nguyên văn lời Nguyễn Nhã:“Khi sửa soạn số 16, đặc khảo về Việt Kiều tại các lân bang Miên Thái Lào, ông Đông Tùng đưa đăng một số bài, trong đó ông cho biết có đoạn kể chuyện và trích thơ của Hồ Chủ Tịch (dưới bí danh Tín Thầu ở Thái Lan), nếu tòa báo sợ liên lụy thì cứ đục bỏ. Tôi (Nguyễn Nhã) đã quyết định giữ đăng đoạn đó (Sử Địa số 16, trang 333)”.
 
            Thứ tư: Nguyễn Nhã đã khóc khi thấy bộ đội chết nhiều trong Tết Mậu Thân. Nguyên văn lời Nguyễn Nhã:  Tôi đã xúc động không cầm được nước mắt khi thấy xót xa nhục nhã, khi lần đầu tiên thấy nhiều xác chết của bộ đội giải phóng hồi tết Mậu Thân, tôi cũng không cầm được nước mắt. 
 
        Thứ năm: Nguyễn Nhã làm Trưởng Ban Ủy lạo đón tiếp các chiến sĩ cách mạng của tập thể giáo sư ĐHSP Saigon. Nguyên văn lời Nguyễn Nhã:  “vào những ngày đầu tiên Miền Nam hoàn toàn giải phóng, tôi đã phấn khởi và hoạt động tích cực trong chức vụ Trưởng Ban ủy lạo đón tiếp các chiến sĩ cách mạng của tập thể giáo sư Đại học Sư Phạm Sài Gòn”. ( Xin nhớ: Nguyễn Nhã không phải là nhân viên của Đại học Sư Phạm Sài Gòn, mà chỉ là giáo sư trường Trung Học Kiểu Mẫu Thủ Đức, được trình diện tại Trường Đại học Sư Phạm Saigon để “học tập chính trị” )
 
        Thứ sáu: Khi ra Tập San Sử Địa  số 29 về Hoàng Sa - Trường Sa, Nguyễn Nhã đã lái cho tập san này có chủ trương gần với CS Hà Nội hơn, không chống lại Trung Quốc, từ đó khác với chủ trương của Chính Phủ VNCH, chống lại Trung Quốc. Nguyên Văn lời Nguyễn Nhã:
“Trong khi chính quyền ngụy khai thác Hoàng Sa về chính trị, đả kích miền Bắc, Tập San Sử Địa lại chủ trương ngược lại, đặt vấn đề Hoàng Sa nghiêm chỉnh hơn. Đừng đổ lỗi cho nhau, đừng xa cách.
Trong khi chính quyền ngụy có những luận điệu khích bác với Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa, tập san Sử Địa trình bày một cách khoa học, khách quan vấn đề chủ quyền qua các công trình nghiên cứu giá trị, không bôi bác, đả kích.”
Điều nên biết là trong tác phẩm mới xuất bản năm 2013 về Hoàng Sa và Trường Sa kể trên, khi đề cập đến văn thư Phạm Văn Đồng gửi Châu Ân Lai, Nguyễn Nhã chỉ dành cho có hơn hai dòng trong bản Niên Biểu (Phụ Lục 1) như một liệt kê mà thôi mà không có một lời nhận định nào cả trong khi Trung Cộng luôn luôn viện dẫn văn thư này của Phạm Văn Đồng để chứng tỏ chủ quyền của họ về hai quần đảo này.
Thứ bảy:Trong bản tự khai, Nguyễn Nhã viêt: “Chính quyền ngụy (VNCH) không bảo trợ, lại gây khó dễ việc tổ chức triển lãm tài liệu chứng minh chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa. Nguyên văn:“Đơn xin mở phòng triển lãm nộp trước đúng một tháng (20/12) mà 23 hôm sau, phải năn nỉ mới được giấy phép của Bộ Giáo Dục, Văn Hóa và Thanh Niên” “Ngoài ra, ngay sáng sớm hôm khai mạc, chính quyền ngụy đã sai mật vụ giả làm ký giả nhật báo Chính Luận đến dò xét”.
 
Cuối cùng Nguyễn Nhã kết luận, lên án miền Nam thối nát, học đường miền Nam lạc hậu. Nguyên văn“Tôi xuất thân từ một sinh viên nghèo, thích sống tự lập, đã từng phải đi bán báo (nhật trình) rong để kiếm sống. Khi trưởng thành bắt đầu lăn lộn vào đời năm 1965, đúng vào lúc đất nước đang ở tình trạng chiến tranh đẫm máu, khốc liệt, tôi hoang mang, xót xa, băn khoăn về tình trạng trên, và lúng túng xử trí. Bất mãn với xã hội băng ngoại, thối nát và học đường lạc hậu, với sự hạn chế hoàn cảnh bản thân lúc bấy giờ, tôi đã dấn thân, hoàn toàn chủ động tự tạo cho mình một môi trường hoạt động đúng đắn, không xa đọa, bê tha như thanh niên cùng lứa tuổi, hoạt động văn hóa dân tộc thuần túy tại học đường và ngoài xã hội. Chẳng ai dẫn dắt tôi, xui khiến tôi khi còn làm sinh viên hay đi dậy học. tự mình mò mẫm tìm một con đường để phục vụ đất nước, dân tộc tôi, từ một sinh viên khi ra đời với bàn tay trắng hoạt động văn hóa đến chủ nhiệm một tạp chí, chắc hẳn có những vấp váp, nhưng đấy là cả một thành tâm, thiện chí của một con người muốn sống cho ra sống.
 
“Đến nay dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác-Lênin, tôi lại còn nhận ra những vấp váp, mà trước đây, trong hoàn cảnh hạn chế, tôi không thể nhận ra.”
Nói cách khác Nguyễn Nhã với những cán bộ Cộng Sản đứng sau lưng đã biến Tập San Sử Địa thành tờ báo của Cộng Sản từ đầu đến cuối và người Quốc Gia chẳng có công lao gì hết.
 
Cộng Sản Hà Nội muốn gì?
Và Nguyễn Nhã muốn gì khi cho công khai phổ biến      những lời khai từ 34 năm trước này?
 
Để trả lời câu hỏi thứ nhất, ta cần phải hiểu là từ ngày 14 tháng 9, 1958, ngày Phạm Văn Đông ký văn thư gửi cho Châu Ân Lai, công nhận hải phận mới của Trung Cộng, đặc biệt là trong những ngày hiện tại, CSVN đã bị lên án nặng nề là đã bán hai quần đảo Hoàng Sa và trường Sa cho Trung Cộng. Ngược lại Quốc Gia Việt Nam và VNCH lại được tiếng là đã bảo vệ hai quần đảo này ngay tư đầu. Để rửa mặt cho mìnhCSVN đã phải làm ngược lại và cho công bố lời tự khai của Nguyễn Nhã về Tập San Sử Địa 34 năm trước là Tập San này đã bị Cộng Sản ảnh hưởng và làm theo sự chỉ đạo của Cộng Sản, bảo vệ chủ quyển của đất nước theo lối của Cộng Sản Hà Nội không lên án và mạt sát Trung QuốcĐồng thời qua lời của chính Nguyễn NhãTập San Sử Địa là do các cán bộ CS làm, Nguyễn Nhã chỉ là bề nổi mà thôi. Nói cách khác CSVN đã làm hết còn VNCH chẳng làm gì cả mà nếu làm thì thiếu khôn ngoan, khích bác kẻ thù và ngăn cản người khác.
Còn câu hỏi thứ hai: Nguyễn Nhã muốn gì? Ta cũng cần hiểu là trước đây Nguyễn Nhã đã được phép cùng với vợ đi khắp thế giới, từ Mỹ qua Âu Châu rồi Úc Châu, đến đâu cũng được toà lãnh sự Hà Nội tại chỗ và những người thân Cộng lo liên lạc, tổ chức cho đương sự nói chuyện về Hoàng Sa, Trường Sa hay thăm bà con, gia đình.Bây giờ đương sự đã già, 75 tuổi rồi, có nhà có cửa do gia đình nhạc gia để lại, có Viện Ẩm Thưc để hoạt động kiếm thêm chút tiền còm, sống thoải mái nhàn nhã, không cần ra nước ngoài nữa, nên đi tìm cái khác.
Cái khác đó là cái gì?
Ta khó mà đoán được. Có thể đó là một tước vị nào đó như Nhà Giáo Ưu Tú, Nhà Giáo Nhân Dân, hoặc như Chủ Tịch Hội Nghiên Cứu Khoa Học Lịch Sử, vị trí của Giáo Sư Phan Huy Lê hiện tại, sắp về hưu, hoặc Giải Thưởng Văn Học Hồ Chí Minh… chẳng hạn. 
Và cũng có thể, đó là Trường Đại Học Hùng Vương đã bị chiếm mất. Nhưng cũng có thể chẳng có gì hết mà là vì, nếu đương sự không công bố bản tự khai 1977, thì Đảng sẽ công bố, vì thế, đương sự đã công bố để được tiếp tục hưởng những ân huệ đã đươc Đảng ban cho và…yên thân hưởng tuổi già.
Nhưng dù gì đi chăng nữa, điều đáng buồn và đáng chê trách là sau ngót bốn chục năm trời sống dưới chế độ Cộng Sản hiện thời, trong khi biết bao nhiêu học giả, trí thức, chuyên viên, sinh viên, cựu tướng lãnh, cựu chiến binh trong quân Đội Cộng Sản…đã công khai lên tiếng tố cáo chế độ về đủ mọi phương diện, nhiều người đã bị tù đầy và bỏ mạng, trong khi bao nhiêu người đã bị mất nhà, mất đất để trở thành dân oan… thì một người tự nhận là tiến sĩ, là người nghiên cứu sử, luôn luôn chê bai những người không đồng ý với ông là “thiếu hiểu biết… thì Nguyễn Nhã lại hãnh diện kể công của mình đối với Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam và Đảng Cộng Sản, và cho phổ biến lại tờ tự khai của mình.
Chưa hết, trên trang nhà của mình, Nguyễn Nhã, trong bộ đồ các đại gia của chế độ mặc lúc nhàn nhã may rất đẹp, màu sắc rất bắt mắt, với bộ mặt kiêu căng, tự đắc, đề cao ngày 30 tháng Tư, coi là ngày quan trọng, trọng đại ngàn năm mới có và rất vui đã giữ được những tài liệu liên hệ mà truyền thông quốc tế và người Việt Hải Ngoại đã phổ biến từ lâu rồi.
Không lẽ Nguyễn Nhã đã hoàn toàn không biết về cuộc di cư tị nạn của hàng triệu người Việt tị nạn, trong đó có gia đình nhạc gia của chính ông, với không dưới nửa triệu người đã vùi thân đáy biển hay làm mồi cho cá.
Trên đây, tôi chỉ đơn cử một vài nhận định sơ khởi về bản tự khai hay tự thú của Nguyễn Nhã và những khía cạnh bất khả tín của nó. Là một người luôn luôn tự nhận là chuyên nghiên cứu về lịch sử, có bằng tiến sĩ sử học nhưng Nguyễn Nhã vì những lý do nào đó đã không tôn trọng sự thực, không chịu trau giồi sở học, không chịu mở mắt ra mà nhìn, lóng tai mà nghe và làm việc nghiêm chỉnh.  Đó là một điều vô cùng đáng tiếc và đáng chê trách, chưa kể là phải lên án, đặc biệt là vì có một thời ông đã được thụ huấn ở Trường Đại Học Sư Phạm, nơi đào tạonhững người thày cho tuổi trẻ và phục vụ tại Trường Trung Học Kiểu Mẫu Thủ Đức, ngôi trường được coi là kiểu mẫu cho các trường khác như tên gọi.  
Vì danh dự của toàn thể giáo chức, nhân viên và cựu sinh viên Đại học Sư Phạm Saigon, với tư cách một người đã có mặt trong trường ngay những giây phút đầu ngày 1 tháng 5 năm 1975 khi những “chị” du kích với khăn rằn và áo bà ba đen thực hiện công việc “tiếp quản” trường, tôi có trách nhiệm phải nói lên sự thực. Tôi cũng cần nói thêm là Giáo sư Khoa trưởng Trần Văn Tấn, cũng có mặt ở trường lúc đó. Sau này Giáo Sư Tấn đã rất hãnh diện về tư cách của các giáo chức và nhân viên Đại Học Sư Phạm của ông sau ngày 30 tháng Tư năm 1975. Rất tiếc Giáo Sư Trần Văn Tấn hiện nay không còn nữa.
 
Chúng tôi, người con Việt đã được đào tạo trong một môi trường giáo dục đặt  nền tảng Nhân bản – Dân tộc – Khoa học – Khai phóng, nhận thấy cần phải nêu lên những sự thực kể trên vì danh dự của trường Đại học Sư Phạm Saigon.
 
Mai Thanh Truyết
Tiến sĩ - Giảng sư
Trưởng ban Hóa học ĐHSP Saigon (trước 30/4/1975)