Tuesday 6 May 2014

Chưa đến tam bách dư niên... mà đã phải khóc với Tiên Điền!!!

Thực ra, cũng tội nghiệp cho mấy cô giáo và học sinh trong nước. Họ là sản phẩm tất nhiên (chữ VC là "tất yếu") từ nền giáo dục kém cỏi của một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa cà chớn, quái đản, ngu dốt mà lãnh đạo là những thằng bồi tàu, phu cao mủ cao su,  thiến heo, giao liên xã...

Về chữ "canh gà Thọ Xương", nghe nói (chỉ nghe nói, tôi không có tài liệu trong tay) có một dịch giả lão thành ở hải ngoại cũng đã dịch ra Anh ngữ là "chicken soup". So?

Về Truyện Kiều, không phải chỉ có tên VC Đỗ Minh Xuân trong nước mới hỗn láo, một cách ngu ngốc, với đại thi hào dân tộc Nguyễn Du, mà ở ngoài nước còn có ít nhất hai "thợ nổ", một dám cho Truyện Kiều thua bài thơ Con Cóc của dân gian, một vạch ra những lỗi tưởng tượng trong Truyện Kiều.


1) Thợ nổ thứ nhất: Charlatan Nguyễn Hưng Quốc, Giáo sư đại học Úc 

Thơ Con Cóc hay hơn thơ Kiều:

      Như một sự khiêu khích, nếu không nói muốn tỏ ra lập dị, trong quyển Thơ, v.v… và v.v…, (CA, 1996) Thơ Con Cóc và những vấn đề khác (2006, tr.39-53) charlatan Nguyễn Hưng Quốc ca tụng hết cỡ bài thơ bình dân “Con cóc”, mà ai cũng công nhận rằng tác giả vô danh làm ra để chê bai một bài thơ dở, rất dở, như thế:

Con cóc trong hang
Con cóc nhảy ra
Con cóc nhảy ra
Con cóc ngồi đó
Con cóc ngồi đó
Con cóc nhảy đi

     Nhưng ông charlatan lại cho đó là một bài thơ hay, gần như tuyệt tác, vì theo ông a) nó “vượt thời gian”, ai cũng thuộc, và b) nhất là vì tính chất hiện thực, phi lãng mạn của nó.     

     Ông viết: “Bài ‘Thơ con cóc’, ngược lại, trần trụi tuyệt đối. Như một cành gai. Không có đến lá, đừng nói gì là hoa. Nó thô tháp. Nó mạnh bạo. Nó sần sùi. Và cũng có thể nói, nó tàn nhẫn nữa. Nó xoá bỏ hết mọi son phấn và loại trừ hết tất cả cảm xúc thừa thãi để bắt người đọc một mình sững sờ đối diện với sự vô nghĩa của cuộc đời. Không thể có thứ ngôn ngữ nào giản dị hơn thế nữa. Nó có phần giống thứ ngôn ngữ Albert Camus dùng khi viết Người xa lạ: rời, tẻ, lạnh, không chỉ những từ thêu thùa, đẩy đưa mà cả những từ nối, những từ có chức năng diễn giải, phân tích cũng bị tước hết”.
     Thực thế, Nguyễn Hưng Quốc có biệt tài tán nhảm (mắc mớ gì đưa Engels, hay triết lý hiện sinh cũ mèm “một mình sững sờ đối diện với sự vô nghĩa của cuộc đời” vào bài thơ Con Cóc “trần trụi ... sần sùi”?), tán bậy (so sánh lời thơ Con Cóc với văn của Camus trong quyển L’Étranger  –điều chứng tỏ ông chưa đọc nguyên văn Pháp ngữ tác phẩm này), viện dẫn từ Nguyễn Du đến Thị Nở, Engels, Albert Camus đến Vũ Hoàng Chương đến Vũ Trọng Phụng đến Nguyễn Đức Sơn,  bla-bla-bla.

 Còn nữa, và điều này quả tình ông quá lộng ngôn, vì mê bài thơ Con Cóc, ông đã hơn một lần lớn tiếng chê bai, kể cả mỉa mai khinh miệt, Truyện Kiều, với những lời lẽ kém học như sau: 

“[...] Trường-phái-thơ-thúy-kiều đến nay vẫn là dòng chủ đạo [chủ đạo = danh từ VC?] trong nền thơ Việt Nam, đẹp thì cũng có thể gọi là đẹp, nhưng là một cái đẹp rất sáo, rất cũ, đặc biệt, rất ru em và rất dầm dề. Ru em ở nhạc điệu: lúc nào cũng du dương, cũng nhè nhẹ, cũng à ơi. Dầm dề ở cảm xúc: động một chút là thở than, là rơi nước mắt, là ‘Ôi Kim lang, hỡi Kim lang.’”

 Ông muốn nói gì và nói ai trong “trường-phái-thơ-thúy-kiều”? Rồi bảo một người con gái vì chữ hiếu bán mình chuộc cha, dứt cả tình yêu đầu đời là “động một chút là thở than, là rơi nước mắt”... Ông vô cảm, mặc kệ ông, nhưng chê người khác khóc trên nỗi bất hạnh của mình, thì rõ ràng đó là thái độ của một kẻ không phải vô cảm mà thôi, mà còn vô liêm sỉ (cynical).
Trong lãnh vực văn chương, Nguyễn Hưng Quốc có quyền say mê, ca tụng bài thơ Con Cóc, và qua đó người ta chỉ thấy ông là một nhà phê bình lập dị, muốn làm một việc khác đời, và người ta chỉ phì cười, hoặc nhún vai. Nhưng chê bai tác phẩm của đại thi hào dân tộc Nguyễn Du, mà cả thế giới phải công nhận có giá trị tuyệt luân, theo tôi, sự lập dị của ông đã tiến đến mức hỗn xược, mục hạ vô nhân, bệnh hoạn về tâm thần không thể dung túng được. Nói rõ hơn, hoặc ông xấc, hoặc ông dốt, hoặc ông khùng, ông muốn chọn một chữ nào, tùy ý, hay cả ba.

Ta hãy nghe tiếp: 

Việt Nam không phải là dân tộc duy nhất theo ‘đạo’ thuý kiều [sic]. Đó là hiện tượng khá phổ biến trên thế giới ở thế kỷ trước, gắn liền với chủ nghĩa lãng mạn, xuất phát từ cái nhìn duy cảm, thói quen thi vị hoá và niềm say mê gãi những vết mụn âu sầu trong hồn mình. Thoạt đầu, nó là một cuộc cách mạng, chống lại tính chất duy lý, tính chất quy phạm, sự sùng bái cái đẹp vĩnh cửu và bất biến của chủ nghĩa cổ điển, mở ra con đường mới cho văn học bằng cách đưa ra một cái nhìn mới đối với vai trò của trí tưởng tượng, một thái độ mới đối với thiên nhiên, nhưng càng về sau tính chất sáng tạo càng phôi pha dần, các nhà thơ biến thành những chuyên viên đi sụt sùi trước những nấm mồ vô chủ, khóc lặng lẽ dưới mưa, ngẩn ngơ khi hoàng hôn xuống, lâu lâu lại gào lên não nuột: ‘Bữa nay lạnh, mặt trời đi ngủ sớm / Anh nhớ em, em hỡi, anh nhớ em."

     Nhà phê bình văn học charlatan Nguyễn Hưng Quốc, khi viết những dòng trên, tự tố cáo thiếu cái nhìn bao quát về lịch sử của một nền văn chương, văn học, thịnh suy theo từng thế hệ. Thịnh suy ấy là một sự thay đổi, bổ túc, tiếp nối không ngừng. Trong văn chương Pháp, chẳng hạn, thơ trong mỗi thế kỷ có những cảm xúc và cách biểu lộ khác nhau, nhưng đều phục vụ con người, thi sĩ và người đọc. Thơ Ronsard thời Phục Hưng khác với thơ Corneille và Racine thế kỷ XVII cổ điển, khác với thơ Lamartine thế kỷ XIX lãng mạn và khác với thơ thế kỷ XX của một Apollinaire mở đầu khuynh hướng siêu thực, một Saint-John Perse đưa ngữ thơ vào một nẻo mới. Nhưng tất cả tạo dựng nên một nền văn học sử Pháp nhất quán, rực rỡ với đầy đủ màu sắc về cảm xúc cũng như cách diễn đạt. Trong văn chương Latin, từ 43BC đến AD14, có những thi sĩ “trữ tình” (khác với thi sĩ “triết gia” Lucretius, 98 - 55BC), như Virgile, Propertius, Tibullus, Ovide và Horace, mỗi người một vẻ, đã tạo nên một thời đại hoàng kim, với công lao hoàn chỉnh ngôn ngữ Latin của một Cicero, một Catullus vào thời cổ điển trước đó. Cũng vậy, chữ Nôm sau Hàn Thuyên đã phải trải qua nhiều thế kỷ thử thách từ Lê Quý Đôn đến Nguyễn Trãi đến Hồ Xuân Hương đến Chu Mạnh Trinh v.v... để trở thành tuyệt luân với Truyện Kiều của Nguyễn Du. Nguyễn Hưng Quốc có quyền không thích thơ Kiều (hay thơ Xuân Diệu trong đoạn trích trên) bằng thơ Con Cóc của ông, nhưng không thể chê bai, mỉa mai (“nấm mồ vô chủ”, “gào lên não nuột” v.v...) như thế được, nếu không muốn thiên hạ coi mình là vô lễ với bậc tiền nhân.

2) Thợ nổ thứ hai, học giả thật Hồng Huy, với Đọc kỹ Truyện Kiều (Làng Văn, 1988):

       Ông này có lẽ rảnh quá, nên có thì giờ ngồi buồn, thay vì gãi ngứa, bày đặt "đọc kỹ" Truyện Kiều (TK), cứ làm như chưa ai từ truớc đến nay đọc kỹ nó như ông. Và khi đọc kỹ, ông mới tìm ra những lỗi của Truyện Kiều, không thua ngài Đỗ Minh Quân trong nước. Ông phán: "Nhưng TK dài trên ba ngàn câu, lại là thơ kể chuyện, bị vần điệu và những chi tiết cụ thể câu thúc, không thể tránh hết những ý không rõ, những chữ không xứng (cf Lời nói đầu, tr. 5)". Vài ví dụ: 

      Nhân chữ "đồng thân" trong câu "Với Vương Quan trước vốn là đồng thân", ông viết: "Điều đáng tiếc là những nhà chú giải TK, đã vì quá tôn sùng Nguyễn Du, không dám nói rõ đó là một chữ dùng gượng, để giup cho người hậu học phân biệt được chỗ nào là thỏa đáng, chỗ nào miễn cưỡng" (145). 
      Hoặc, bàn về "chữ trinh", Hồng Huy, sau khi trích ý kiến của một số nhà phê bình nổi tiếng, từ Phạm Quý THích, Vũ Trinh đến Trần Trọng Kim, Đào Duy Anh, cũng hiểu "chữ trinh" như họ, nghĩa là về mặt tinh thần, tức thủy chung, danh tiết, nhưng vẫn kết luận: "Tóm lại, vẫn có thể hiểu được được chữ trinh còn một chút này là gì, nhưng ý sâu quá. Và cũng vì sâu quá, có thể thành không thỏa đáng" (170). Nghĩa là gì, hả trời?

         Người đọc hân hoan mong đợi những khám phá tân kỳ từ ông học giả thật, cuối cùng chỉ thấy một số lập luận và dẫn chứng "miễn cưỡng", vô bổ, "không thỏa đáng", có thể bị phản bác dễ dàng. Lại nữa, tuy chê chữ này câu nọ trong TK, nhưng ông không, hoặc không thể, đưa ra chữ và câu khác khả dĩ thay thế để cho "rõ", cho "xứng" hơn, như mục đích quyển sách đề ra.

Mạo muội

Người Lính Già Oregon