Sunday 15 June 2014

Tưởng nhớ những người bạn đã ra đi - Đoàn Thanh Liêm

(bài viết nhân kỷ niệm 60 năm Di cư vào miền Nam của Đoàn Sinh viên Đại học Hanoi : 1954 - 2014)
 
Sau Hiệp định Genève được ký kết vào ngày 20/7/1954 quy định việc chia đôi nước Việt Nam thành hai miền Nam/Bắc, thì tính ra có đến con số 1 triệu người từ miền Bắc di cư vào miền Nam. Trong số này, thì có đến khỏang gần 1,000 sinh viên thuộc Đại học Hà nội di cư vào miền Nam. Nhưng chỉ có độ 300 sinh viên đến cư ngụ trong các trại tiếp cư dành riêng cho sinh viên - mà bắt đầu tại trường Nữ Trung học Gia Long, rồi sau đó chuyển ra Khu Lều trên nền đất của Khám Lớn Saigon cũ – và sau cùng thì đến cư ngụ tại Đại học xá Minh Mạng ở Chợ Lớn.
 
Đến năm 2014 này, thì lớp người trẻ nhất trong số sinh viên di cư năm 1954 đó cũng đã ở vào lứa tuổi 78 – 80 cả rồi. Còn số lớn tuổi hơn thì đã bước vào tuổi cữu tuần, điển hình như nhà văn Dõan Quốc Sĩ, giáo sư Nguyễn Tư Mô hiện sinh sống tại miền Nam California. Và trong 60 năm đó với bao nhiêu tang thương do chiến tranh lọan lạc, do tù đày kham khổ và cũng do theo quy luật “Sinh, Lão, Bệnh, Tử”, thì cũng đã có khá nhiều thành viên trong số sinh viên di cư chúng tôi đã ra đi từ giã cõi đời trên dương thế này rồi.
 
Vì lý do chưa có một tổ chức nào đứng ra thâu thập tin tức về số người đã quá vãng để có thể liệt kê cho thật đày đủ trong một danh sách những bạn đã qua đời – nên trong bài viết này, với tư cách cá nhân tôi chỉ xin ghi lại tên tuổi của một số người mà tôi biết rõ đã ra đi lúc nào, trong hòan cảnh nào.
 
I – Những người ra đi sớm nhất : trước năm 1975.
 
1 – Anh Đàm Quang Khuyến sinh viên Luật là người ra đi sớm nhất vì tai nạn khi đi tắm biển ở Vũng Tàu.
 
Lúc đó sinh viên ở Đại Học Xá Minh Mạng hết thảy đều rúng động trước nỗi mất mát đau buồn này. Anh Khuyến là anh em bà con với anh Đàm Quang Hưng hiện ở Houston Texas.
 
2 – Hai bác sĩ tử trận, đó là các anh Đoàn Mạnh Hoạch và Đỗ Vinh.
 
Anh Hoạch là anh của Đoàn Trọng Cảo là người cùng miền quê trong tỉnh Nam Định với tôi. Hồi năm 1954, anh Hoạch tham gia viết báo trong Nội san của Đoàn Sinh viên Di cư, còn anh Cảo thì chuyên kéo accordéon trong Ban Văn nghệ. Bác sĩ Hoạch là vị quân y sĩ tử trận sớm nhất như tôi còn nhớ. Anh Cảo thì vừa mất năm 2013 ở California.
 
Anh Đỗ Vinh cùng với người em song sinh là Đỗ Kỳ học chung với tôi tại Trường Chu Văn An Hanoi hồi năm 1952 – 53. Tốt nghiệp y khoa ở Saigon, anh Vinh phục vụ trong binh chủng Nhảy dù và đã tử trận vào năm 1965. Vì thế mà có một bệnh viện Đỗ Vinh tại Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn Dù.
 
3 – Người bị kẻ gian sát hại : Bác sĩ Ngô Văn Hiếu.
 
Anh Hiếu học Y khoa, sau này làm Dân biểu thời Đệ Nhị Cộng Hòa. Vào cuối năm 1970, anh Hiếu bị kẻ gian sát hại ngay tại phòng chuyên giải phẫu thẩm mỹ ở Saigon giữa lúc anh đang rất thành công về nhiều mặt.
 
II – Những người mất tại Việt Nam sau năm 1975.
 
1 – Người chết vì tai nạn xe  : Giáo sư Nguyễn Xuân Nghiên.
 
Anh Nghiên ở chung lều với tôi tại Khu Khám Lớn cũ trên đường Gia Long vào cuối năm 1954 sang đầu năm 1955. Sau này anh là một vị giáo sư rất nổi tiếng dậy môn Lý Hóa. Vào năm 1977, anh bị xe đụng trên xa lộ Biên Hòa và mất khi mới được 45 tuổi
 
2 – Người mất vì bệnh tim : Bác sĩ Lương Trọng Cửu.
 
Hồi năm 1954, anh Cửu là một trong những người rất tháo vát trong việc giao dịch với văn phòng Viện Đại học Hanoi lúc đó còn do người Pháp phụ trách. Vào năm 1978, được biết anh Cửu đau bệnh tim, các bạn đến thăm anh ở bệnh viện thì anh Cửu lấy tay chỉ vào lồng ngực và nói : “Cela ne marche pas”. Và không lâu sau, anh đã qua đời ở Saigon ở vào tuổi chưa đày 50.
 
3 – Người ở chung phòng tại Đại Học Xá : Giáo sư Trần Văn Thảo.
 
Anh Thảo ở chung phòng với tôi và các bạn khác như Vũ Hữu Bao, Trần Cư Uông v.v… hồi năm 1955. Anh rất giỏi tiếng Anh và sau này chuyên dậy môn Anh văn. Có thời anh Thảo bị cơ quan an ninh bắt giữ để điều tra vì có liên hệ sao đó với Việt cộng. Sau năm 1975, tôi hay gặp anh, thì thấy anh cũng chẳng có gì được ưu đãi trong chế đô mới. Không may, cũng vì tai nạn xe cộ mà anh Thảo đã mất vào năm 1988 lúc mới có ngòai 50 tuổi.
 
4 – Người mất vì bệnh viêm gan : Giáo sư Nguyễn Đăng Đại.
 
Anh Đại cũng là một giáo sư dậy môn Tóan rất thành công trước năm 1975. Vào cuối thập niên 1980, anh dậy luyện thi miễn phí cho mấy con và cháu của tôi. Nhưng vào năm 1994, lúc tôi đang bị tù ở Hàm Tân, thì các con báo cho tôi biết là : “Bác Đại mới mất vì bệnh viêm gan !”. Anh chị Đại có hai cháu là bác sĩ mà đã không thể nào cứu được người cha thóat khỏi căn bệnh hiểm ác này.Anh mất trong năm 1994 ở vào tuổi 61.
 
III – Những người mất ở Âu châu : Giáo sư Phạm Huy Ngà, Luật sư Vương Văn Bắc, Giáo sư Đặng Vũ Biền.
 
1 – Anh Ngà cùng theo học với tôi tại Trường Chu Văn An ở Hanoi năm 1953 – 54. Sau này, anh là giáo sư dậy môn Tóan có tiếng ở Saigon từ  cuối thập niên 1950. Sau khi qua định cư ở Pháp được ít lâu, thì anh Ngà đã qua đời vì bệnh vào giữa thập niên 1980 ở vào tuổi 50.
 
2 – Anh Bắc là một sinh viên xuất sắc tại trường Luật ở Hanoi. Vào kỳ hè năm 1952, tôi được anh Bắc hướng dẫn cho học môn văn chương Pháp. Vào Saigon, anh là một luật sư rất thành công và còn tham gia chánh quyền với chức vụ Đại sứ, rồi Bộ trưởng Ngọai giao. Anh mất ở Paris năm 2011 ở tuổi 84.
 
3 – Anh Biền cũng là một sinh viên xuất sắc ở Đại học Hanoi. Vào năm 1954, anh vừa tốt nghiệp văn bằng Dược sĩ, vừa đậu cả 5 chứng chỉ về Tóan Lý Hóa tại Đại học Khoa học. Sau đó, anh còn đậu văn bằng Tiến sĩ Khoa học tại Pháp, rồi về dậy tại Trường Dược ở Saigon. Anh Biền vừa qua đời tại Pháp năm 2013, ở tuổi 86.
 
IV – Những người qua đời ở Canada và Mỹ : Rất đông, có đến cả chục người bạn.
 
1 – Người bạn qua đời tại Canada : Luật sư Nguyễn Phượng Yêm
Bạn Yêm cùng tốt nghiệp Luật khoa năm 1958 với tôi. Sau đó anh làm luật sư và có thời làm Nghị sĩ Thượng nghị viện thời Đệ nhị Cộng hòa. Mùa hè năm 1996, Yêm và tôi đã gặp lại nhau ở California. Nhưng vào cuối năm đó, anh đã mất tại Canada vì bệnh ung thư vào tuổi 65.
 
2 – Người bạn ở chung lều khu Khám Lớn : BS Nguyễn Văn Thiệu.
 
Anh Thiệu có biệt danh là “Thiệu Cốp”, vì anh có dáng điệu giống hệt ông Malenkov của Liên Xô thời kỳ hậu Stalin. Hồi giữa thập niên 1960, anh là Bác sĩ Tổng Giám Đốc Cơ quan Bài trừ Sốt rét.  Khi qua định cư tại Mỹ năm 1996, tôi đã có vài ba lần gặp lại anh lúc đó đang định cư tại Fresno California. Nhưng không may do bệnh họan, anh Thiệu đã qua đời vào năm 2004 ở vào tuổi 72.
 
3 – Người họat động kiên trì với Hướng Đạo : Nha sĩ Phạm Thị Thân.
 
Chị Thân là người suốt đời cống hiến cho phong trào Hướng Đạo và Thanh niên Thiện chí. Vào giữa thập niên 1950, tôi đã theo chân chị đi sinh họat với nhóm Thanh niên Thiện chí (TNTC) của sinh viên Đại học Saigon. Qua Mỹ, tôi cũng đã mấy lần đến cùng họp các bạn cựu TNTC tại nhà của chị ở gần Los Angeles. Nhưng không may do bệnh ung thư, chị Thân đã ra đi vào năm 2007 ở vào tuổi 75.
 
4 – Vị Chủ tịch đầu tiên của Đòan Sinh viên Di cư : Bác sĩ Phan Văn Đương.
 
Lúc còn tạm trú tại Nữ Trung học Gia Long, sinh viên chúng tôi đã bàu cho anh Phan Văn Đương sinh viên Y khoa vào chức vụ Chủ tịch. Sau đó ít lâu, thì lại bàu cho anh Trần Thanh Hiệp sinh viên Luật khoa để thay thế cho anh Đương. Vào năm 2000,  nhờ anh BS Bùi Minh Đức đứng ra tổ chức, tôi đã có dịp gặp gỡ cả hai anh Đương và Hiệp trong một bữa ăn cơm chung để mà hàn huyên tâm sự. Nhưng do tuổi già sức yếu, anh Đương đã qua đời tại California ở vào tuổi 90.
 
5 – Người được ví như là Nghị sĩ McCarthy : BS Võ Tư Nhượng.
 
Anh Nhượng học Y khoa, xuất thân từ Nghệ An là người có tinh thần kiên quyết chống cộng sản đến cùng. Vì thế hồi đó mà bạn bè gắn cho anh cái biệt hiệu là một “McCarthy Việt Nam” - đó là tên tuổi của Nghị sĩ Joe McCarthy người từng gây sôi nổi khắp nước Mỹ với việc tố cáo và truy lùng những người thân cộng sản hồi đầu thập niên 1950 giữa thời cao điểm của chiến trạnh lạnh. Anh Nhượng rất thân thiết với hai anh em Hòang Cơ Long & Hòang Cơ Minh. Anh qua đời ở California vào năm 2002 ở vào tuổi ngòai 70.
 
6 – Vị Trưởng phòng Y tế của Lữ Đòan Liên Binh Phòng vệ Phủ Tổng thống : Bác sĩ Nguyễn Tuấn Anh.
 
Thời Đệ nhất Cộng hòa, BS Tuấn Anh phụ trách chăm sóc y tế cho Lữ Đòan Liên Binh Phòng vệ Phủ Tổng thống. Vào thời Đệ nhị Công hòa, anh làm Dân biểu đại diện cho Tỉnh Gia Định. Vào năm 1978, anh đưa gia đình vượt biên qua Mỹ, định cư và hành nghề y khoa ở tiểu bang Louisiana. Sau khi nghỉ hưu, thì anh dọn về miệt San Jose California và từ trần tại đây vào năm 2007 ở vào tuổi 75.
 
7 – Một kiểm sóat viên ngành Tài chánh Ngân hàng : Chuyên gia Nguyễn Hữu An.
 
Anh An học luật, rồi vào làm việc tại Ngân hàng Quốc gia. Năm 1962 anh cùng theo học khóa 13 Sĩ quan Trừ bị Thủ Đức và được bổ nhiệm về làm việc tại Tổng Nha Hành Ngân Kế Bộ Quốc Phòng. Qua Mỹ từ năm 1975, anh An định cư tại tiểu bang Oregon. Tôi chưa kịp gặp anh mà chỉ có vài dịp chuyện trò với anh qua điện thọai, thì anh An đã qua đời vì bệnh ung thư phổi ở vào tuổi 70.
 
8 – Người bạn “độc thân kiên định” : Giáo sư Đinh Tiến Lãng.
 
Anh Lãng là dân Thái Bình, anh cũng dậy môn Tóan nhiều năm. Sau năm 1975, anh bị đi tù cải tạo như mọi người. Ra tù, anh vượt biên và định cư tại San Jose California. Vào năm 2000 trở đi, tôi đã nhiều lần gặp lại anh ở đây, được anh chở đi chỗ này chỗ nọ. Anh không chịu lập gia đình, nên bạn bè gọi anh là một ông “Độc thân kiên định” (célibataire endurci). Nhưng do bệnh ung thư, anh Lãng đã ra đi vào năm 2005 ở vào tuổi ngòai 70.
 
9 – Người sinh viên học rất giỏi : Giáo sư Tô Đồng.
 
Hồi chúng tôi còn ở tại khu Lều trên đường Gia Long, thì anh Tô Đồng thường xuyên đến chơi với anh Bùi Đình Nam vì hai anh cùng học chung lớp bên trường Dược với nhau. Cũng như anh Biền, anh Đồng sau này qua Pháp du học và đậu bằng Tiến sĩ Khoa học và về dậy ở trường Dược. Qua Mỹ, anh tìm cách giúp các dược sĩ thi lại để được cấp bằng hành nghề mới. Do bệnh ung thư, anh Đồng đã qua đời vào năm 2012 ở tuổi 80.
 
** Trên đây là một số trường hợp của các bạn trong số sinh viên di cư từ miền Bắc vào miền Nam hồi năm 1954 đã ra đi từ giã cõi đời – mà tôi quen biết và được thông tin tương đối rõ ràng về hòan cảnh của mỗi người. Nếu mà làm thống kê cho thật đày đủ chính xác, thì con số người đã qua đời có thể lên đến cả vài trăm người.
 
Vì thế mà với sự hiểu biết rất hạn chế của một cá nhân đơn độc, tôi chỉ xin tạm thời vắn tắt ghi lại trong bài này như thế, với sự ước mong rằng  sẽ có nhiều người nữa viết bổ túc thêm những chi tiết cho thật đày đủ chính xác hơn nữa – để rồi có thể tập hợp tất cả lại thành một tài liệu và cho công bố trong một cuốn Kỷ Yếu chung của Đòan Sinh Viên Đại Học Hà Nội Di Cư vào miền Nam năm 1954. Mong lắm vậy.

Và cuối cùng, tôi xin được đốt nén hương lòng để bày tỏ sự thương nhớ và yêu mến đến tất cả các bạn đã ra đi trước anh chị em chúng tôi

Rồi ra, thì theo đúng với quy luật Sinh, Lão, Bệnh, Tử - chúng ta tất cả cũng sẽ gặp lại nhau trên cõi Vĩnh Hằng vậy thôi.
 
Costa Mesa California ngày 14 tháng Sáu 2014

Đoàn Thanh Liêm