Hưng Đạo Vương: Trần Quốc Tuấn -- www.HoPhap.Net |
Trang Sử Việt: Hưng Đạo Vương: Trần Quốc Tuấn
Nguyễn Lộc Yên
(Lời tâm tình: Bài viết về “Sử Việt-Đất Việt” chỉ khái quát, không đi sâu từng chi tiết của đề tài. Cuối mỗi bài viết, phần “Thiết nghĩ” nếu có chỉ là góp ý của tác giả, không ngoài mục đích làm sáng tỏ thêm về nội dung đã biên soạn. Trang “Sử Việt-Đất Việt” được đăng hằng tuần, luôn mong mỏi nhúm nhen tình tự dân tộc, niềm yêu thương quê hương và giữ gìn Việt ngữ cùng văn hóa Việt.)
HƯNG ĐẠO VƯƠNG: TRẦN QUỐC TUẤN
(1226 - 1300)
Trần Quốc Tuấn quê Nam Định, văn võ song toàn, phụ thân là Trần Liễu, khi sắp mất trăng trối: “Con không vì cha lấy thiên hạ, thì cha chết dưới suối vàng cũng không nhắm mắt được”. Do Lý Chiêu Hoàng chưa có con nối dõi, Trần Thủ Độ bắt vợ Trần Liễu có thai 3 tháng về làm vợ Trần Cảnh.
Khi vua Trần phong ông chức Tiết Chế (như Nguyên soái), binh quyền trong tay. Vương luôn đặt quyền lợi quốc gia, trên quyền lợi gia đình, quên thù nhà, một lòng sắt son lo quốc gia.
Năm 1284, quân Nguyên sắp sửa xâm lăng nước ta lần thứ 2, thế giặc quá mạnh, vua thử hỏi: “Trẫm muốn hàng để tránh binh đao cho muôn dân bá tánh”. Vương thưa: “Nếu bệ hạ muốn hàng, xin chém đầu thần trước đã”. Ông còn chủ trương “Tận dân vi binh” (mỗi người dân là một người lính), ông huy động toàn dân kháng chiến, trên dưới một lòng, cùng chống giặc cứu nước.
Năm 1287-1288, quân Mông Cổ xâm lược nước ta lần thứ ba. Dưới lòng sông Bạch Đằng, Vương cho đóng cọc, khi thuỷ triều lên đem quân khiêu chiến, thủy triều xuống, cho quân sĩ đồng loạt phản công, giặc Nguyên đại bại.
Vương là vị tướng tài đức lỗi lạc:
- Là tướng nhân, thương quân và dân như ruột thịt.
- Là tướng nghĩa, vì nghĩa nước mà quên thù nhà.
- Là tướng trí, Vương có kế sách đánh đuổi quân Nguyên xâm lăng Đại Việt. Vương thấy rõ nếu ngành trưởng (Trần Liễu, Trần Quốc Tuấn) và ngành thứ (Trần Cảnh, Trần Quang Khải) mà bất hòa, thì kẻ có lợi là quân thù, nên Vương đã chủ động giao hảo hòa hiếu với Trần Quang Khải, tạo nên sự thống nhất ý chí vương triều nhà Trần, nhờ vậy mới đánh đuổi được quân Nguyên rất hung hãn. Vương sáng suốt đề cử hiền tài ra giúp nước, không phân biệt thành phần xã hội, nên những vị ấy đã hăng hái góp sức rất lớn trong việc đánh đuổi quân Nguyên, như: Dã Tượng, Yết Kiêu, Phạm Ngũ Lão. Người có tội đang bị phạt, mà có tài như Trần Khánh Dư, cũng được Vương xin vua xá tội, để hợp sức chống giặc. Vương luôn hộ giá vua, tay chống gậy đầu bịt sắt, người ta xầm xì sợ Vương giết vua, Vương cho tháo bỏ phần bịt sắt ở đầu gậy, để tránh hiềm nghi, nên vua quan, quân dân đều yên lòng và kính trọng Vương hơn.
- Là tướng tín, Vương luôn giữ lời hứa và thưởng phạt nghiêm minh, chỉ bảo điều hay lẽ phải cho tướng sĩ biết, như hịch Tướng sĩ...
Trần Hưng Đạo là vị tướng phi thường, Vương soạn cuốn “Binh thư yếu lược” và “Vạn Kiếp bí truyền thư” để chỉ dẫn cho các thuộc tướng cầm quân đánh giặc. Vương còn viết “Hịch tướng sĩ” để truyền dạy tướng sĩ biết thế nào là nhục nhã nếu giống nòi bị ngoại xâm cai trị, khích lệ lòng can trường để đánh đuổi quân Nguyên đang xâm lược nước ta. Lời lẽ hào hùng, ai nghe xong lòng cũng cảm kích và sôi sục, từ đó khẳng định văn chương của Hưng Đạo Vương là một bậc đại bút.
Khi Vương sắp mất, vua Trần Anh Tông đến thăm và hỏi: “Nếu chẳng may ông mất, rồi giặc phương Bắc lại sang xâm lấn Đại Việt, thì ta phải dùng kế sách gì”. Vương trăng trối lời tâm huyết sâu sắc mà những người đang lèo lái quốc gia nên nghiền ngẫm: “Quân địch ào ạt tràn đến như lửa, như gió, thế ấy dễ trị. Nếu chúng dùng chước như tằm ăn lá dâu, không cần mau thắng, không cướp bóc của dân, thì phải lựa lương Tướng, như đánh cờ vậy, cốt Binh và Tướng phải như cha con. Thời bình phải khoan thư sức dân, vun bồi đất nước, là phương sách sâu gốc bền rễ, đấy là thượng sách để giữ nước”. Vương căn dặn trước khi mất: “Thi hài hỏa táng chôn trong vườn An Lạc, gần cánh rừng An Sinh, không xây lăng mộ, lấp đất bằng phẳng, rồi trồng cây như cũ”. Vương mất ngày 20-8 năm Canh tý (5-9-1300), ai ai cũng tiếc thương. Triều đình cho lập đền thờ ở Kiếp Bạc, huyện Chí Linh, Hải Dương. Dân chúng tôn kính gọi: Hưng Đạo Vương, Hưng Đạo Đại Vương, Đức Thánh Trần, đây là điều đặc biệt trong lịch sử. Ngày lễ chính thức tổ chức vào ngày ông mất là ngày 20 tháng 8 ÂL.
Vương là danh nhân quân sự thế giới; vào năm 1984 tại London (Anh quốc) trong cuộc họp bình chọn 10 người tài xuất sắc (top ten) bầu chọn 10 nhà quân sự lỗi lạc và 10 nhà bác học giỏi nhất thế giới, Hoàng gia Anh làm chủ trì. Hưng Đạo Vương được chọn là một trong 10 vị Đại Nguyên soái quân sự lỗi lạc nhất thế giới.
*- Thiết nghĩ: Quân Mông Cổ, đầu thế kỷ thứ XIII, Hồi quốc là đế quốc gồm Ba Tư, Tiểu Á Tế Á, bề ngang kéo dài từ Ấn Độ đến Bagdad; quân Mông Cổ đánh phá 40 vạn binh của Mohamed tan tành và kinh đô cũng thành tro bụi. Tháng 12-1237 tới tháng 5-1238, Mông Cổ chiếm 4/5 nước Nga. Các quốc gia Tây Âu lo sợ. Giáo hoàng Innocent IV và vua Louis nước Pháp cử người cầu hòa với Mông Cổ. Tại Á Đông, vào năm 1226, Tây Hạ đầu hàng và bị sáp nhập vào đế quốc Mông Cổ. Nhưng tại Việt Nam, vào năm 1285, Trần Hưng Đạo đã thống lãnh 20 vạn quân Đại Việt đánh tan tác 50 vạn quân Nguyên xâm lược nước ta. So sánh, Hưng Đạo Vương và ông Quan Công (Quan Vân Trường) của Trung Hoa. Hưng Đạo Vương không có sai lầm, mà Quan Công có nhiều lầm lỗi, như:
1- Thiếu lập trường, thả giặc nơi Hoa Dung: Sau khi Tào Tháo thua trận Xích Bích, tơi tả chạy trốn, gặp Quan Công phục binh. Trong Tam Quốc Chí, tác giả La Quán Trung, dịch giả Phan Kế Bính, viết: “Vân Trường xưa nay vẫn là người trọng nghĩa, nhớ đến ân tình Tào Tháo khi xưa đãi mình rất hậu và việc qua năm ải, chém sáu tướng, không khỏi động lòng...” Viết tiếp: “Quan Công quay ngựa lại, bảo quân sĩ rằng: Bốn mặt dãn cả ra, Tháo thấy vậy cùng các tướng sĩ kéo ồ cả đi”. Quan Công tự ý thả giặc, nói sao với Lưu Bị vừa là chúa công vừa là anh em kết nghĩa, nói sao với quân dân Hán hay quân dân Tây Thục?!
2- Nói năng lỗ mãng, tự cao: Gia Cát Cẩn (anh ruột Khổng Minh) vâng lệnh chúa Đông Ngô, đến kết thân với Kinh Châu, Cẩn thưa: “Tôi đến đây, có ý kết hiếu hai nhà, chúa công tôi (Ngô hầu) có con trai thông minh, nghe tướng quân có cô con gái, đến cầu hôn, để hai nhà kết hiếu với nhau, hiệp lực lại đánh Tào đó là việc vui, xin tướng quân xét cho”. Con của chúa Đông Ngô, muốn cầu hôn với con của một tướng quân; mà Quan Công, trả lời lỗ mãng: “Con gái ta ví như loài hổ, lại thèm gả cho loài chó à!”. Vừa vụng về vừa lỗ mãng, Ngô hầu nghe thuật lại, nổi giận đùng đùng, cử binh đánh Kinh Châu. Do đó Quan Công mới bị mất Kinh Châu và bị quân Ngô giết chết, từ đó Lưu Bị bắt đầu bị thất bại và đưa đến mất nước.
3- Chết rồi còn mê: Sau khi Quan Công, bị Đông Ngô bắt và giết. Nhà sư Phổ Tĩnh, đang ngồi trong am tụng kinh, bỗng nghe tiếng gọi to trên không: “Đem trả đầu ta đây!” Phổ Tĩnh trông lên thấy Quan Công, nhà sư hỏi: “Vân Trường ở đâu?”. Linh hồn Quan Công, xuống trước am đứng chấp tay. Phổ Tĩnh nói: “Nhân trước quả sau, nay tướng quân bị Lã Mông làm hại, kêu rằng: Đem trả đầu ta đây!. Thế thì đầu Nhan Lương, Văn Sú và đầu 6 tướng ở 5 ải, và bao nhiêu đầu nữa thì đòi vào đâu?” Quan Công tỉnh ra, lạy tạ rồi biến mất.
Sự thật Quan Công được thờ là có lòng trung tín. Nhà Thanh cai trị nước Tàu, nhiều người muốn phù Minh diệt Thanh, nhà Thanh phải tương kế tựu kế, thổi phồng những chuyện huyền hoặc của Quan Công, để biến từ những cuộc họp nơi Quan Công miếu vì chính trị, thành hội họp để cúng kính vì mê tín.
Ông Quan Công được dân chúng Tàu và VN, thờ phụng rất long trọng. Suy gẫm Đức Thánh Trần đều hơn hẳn Quan Công về tài và đức. Người Tàu thờ ông Quan Công là quyền của họ. Nhưng dân VN phải thờ Đức Hưng Đạo mới đúng?! Giả sử Đức Thánh Trần và ông Quan Công đều hiển thánh, thì ai sẽ thương và lo cho dân Việt Nam hơn???!
Cảm phục: Hưng Đạo Vương
Quân Nguyên hung hãn, gây đau thương
Giúp nước, gia cừu phải nhịn nhường
“Hịch Tướng Sĩ”, miệt mài nhiệt huyết
“Cuốn Binh Thư”, dẫn dắt sa trường(a)
Bạch Đằng hiển hách, tan hồn giặc(b)
Cọc trận lẫy lừng, giữ thổ cương
Khí thế bừng bừng, lời “Sát Thát”(c)
Anh hùng, rạng rỡ hiếu trung gương
____________
(a)- Sa trường: Sa là cát. Trường là bãi đất rộng.
Đường thi:
“Tuý ngọa sa trường quân mạc tiếu
Cổ lai chinh chiến kỷ nhơn hồi”
(Say nằm trận địa đừng cười. Xưa nay chinh chiến mấy người hồi hương)
Sa còn lấy ý của chữ sa bàn là hình mẫu đắp bằng đồ vật thu nhỏ (thảo luận chiến trận trên sa bàn). Từ đấy chữ sa trường chỉ nơi trận địa.
(b)- Sông Bạch Đằng, năm 938 Ngô Vương diệt quân Nam Hán lần thứ nhất.
(c)- Sát Thát: Có nghĩa là “Diệt quân Nguyên Mông”.
Nguyễn Lộc Yên
Source: VietBao.Com