1.
Cách
đây đúng bốn năm, cũng vào mùa World Cup, tôi đã đến Clermont, FL, thăm thầy
Nguyễn Quốc Quỳnh, vị chỉ huy trưởng kính mến của trường Đại Học CTCT Đà Lạt.
Tôi nhớ lần ấy, thầy đã bảo tôi, sang năm, nghĩa là 2011, “em hãy trở lại thăm
anh cùng với Loan và hai cháu nhé!”. Tôi dạ, không hứa, nhưng lòng thầm nhớ và trân trọng lời mời như một đặc ân thầy dành
cho. Thời gian trôi qua, bao nhiêu chuyện đời xảy đến, tôi chưa kịp tính gì cho
chuyến đi thứ hai có cả vợ con –đã được diện kiến và yêu mến thầy khi thầy đến nghỉ
tại tệ xá, Portland, năm 2008– thì nào ngờ, ngày 13/6/2014, tin dữ báo về, và dù
đang bị từng cơn đau cột sống tái hành hạ, tôi gấp rút lên Mạng mua vé và giữ
phòng khách sạn. Đồng hành có Đào Mỹ, cựu SVSQ Đại Học CTCT, khóa 1 Nguyễn Trãi
(NT1), người cũng đã đi thăm thầy từ Portland ,
năm nào. Để gặp lại thầy trong một khung cảnh khác có nước mắt đầy vơi và một
trời sao úa tàn –như trong những câu thơ buồn bã tôi đã viết lâu rồi, từ đảo tỵ
nạn Palawan :
Mây xa đưa hờn viễn xứ khôn
nguôi
Cùng nhận tin thầy qua đời, ba người bạn thân
Oregon của tôi, Thiếu tá Trịnh Đình Bội, Tổng Cục CTCT, Đại úy Dương Xuân Kính,
NT2, và Thiếu úy Nguyễn Đức Lai, NT4, đã gọi điện thoại để hỗ trợ tinh thần và
tự nguyện giúp đỡ tiền bạc cho chuyến đi. Tôi cảm động, cám ơn họ, nhưng không chịu
nhận tiền, cho đến khi bị thuyết phục bởi câu: “Anh
đi thay cho chúng tôi và đây cũng là cách chúng tôi biểu lộ phần nào tấm lòng
thương mến đối với cụ Quỳnh”. Ngoài ra, có Trung tá Vũ Mạnh Hùng, cựu sĩ quan cơ
hữu trường Đại Học CTCT, cựu Tiểu đoàn trưởng TĐ 20 CTCT, đã email hỏi tôi có cần
thêm ai vào danh sách phân ưu sẽ đăng trên báo Sài Gòn Nhỏ, và chúc tôi lên đường
bình an. Đại úy Vũ Ngọc Hải, NT1, gọi phôn cám ơn tôi về quyết định đi viếng thầy.
Anh Vương Thế Hạnh, cựu chỉ huy trưởng Lực Lượng Thám Sát tỉnh Tuyên Đức, gửi thư
nhắc đến thầy với nỗi niềm thương tiếc. Và Mục sư Huỳnh Quốc Bình, cựu chủ tịch
Cộng đồng Oregon ,
người đã từng gặp và ngưỡng mộ thầy, cũng chúc tôi ra đi may mắn.
Rồi tôi gọi Nguyễn Đức Toàn, Orlando , báo tin sẽ đến đó
dự lễ an táng của thầy Quỳnh. Toàn, học trò cũ quý mến của tôi tại Collège
Français Nha Trang hơn nửa thế kỷ, người mà tại nhà tôi đã ở lại hai đêm, bốn năm
trước, đã chở tôi đến thăm thầy tại quận lỵ Clermont, cho biết “em đang tu nghiệp
Bưu điện ở Oklahoma, tiếc quá, nhưng mời thầy cứ về ở nhà em có vợ và con gái
em tiếp thầy thay em”. Tôi rất xúc động, cám ơn, nói rằng tôi đã mướn phòng ở hôtel cùng với một người bạn rồi.
2. Trưa thứ năm, 19/6, chuyến bay United
Airlines từ Portland , OR chở tôi và Đào Mỹ khởi hành trễ gần ba tiếng.
Đến Houston , TX , phi cơ chuyển tiếp đã bay đi Orlando từ
lâu. Phải đợi đến sáng sớm hôm sau. Hãng United “không có lệ mướn khách sạn cho
hành khách lỡ chuyến bay vì bất cứ lý do gì”, một nhân viên lạnh lùng trả lời, “quý
vị chỉ có thể nghỉ ngơi tại chỗ thôi, sorry”.
Nhìn quanh, các khu đợi gồm toàn ghế đơn. Nghĩa là phải ngủ ngồi, chân duỗi dài
trên những túi xách. Không làm sao chợp mắt, tôi đổi hoài tư thế “nằm” không giống
ai, mà lưng vẫn nhức, dù đã uống hai viên thuốc giảm đau loại mạnh, trong khi Đào
Mỹ ngồi lim dim, bất động. Thỉnh thoảng, tôi đứng lên, đi tới đi lui cho chân bớt
mỏi, và đến bên khung cửa kính, nhìn ra ngoài. Tôi nhớ thầy vô cùng, và tự dưng
thấy hồn lạnh đầy. Bao nhiêu kỷ niệm buồn vui với thầy lũ lượt kéo về. Mong sao
đến kịp lịch trình ngày mai để nhìn thấy mặt thầy khi nắp quan tài còn mở. Trên
cao, đêm tối đen, không trăng sao. Ánh đèn vàng vọt tỏa soi sân bay, trông hắt
hiu giữa trời mênh mông, và có những dòng mưa mỏng chạy ngòng ngoèo trên mặt kính.
Những chiếc phi cơ đậu bến im lìm, như bầy cá khổng lồ đủ màu nằm phơi mình bên
cát đại dương.
Hôm sau, đến phi trường Orlando, đúng 11
giờ trưa, chúng tôi được NT1 Phạm Hữu Hùng, đồng môn của Đào Mỹ, sĩ quan Khối
Khóa sinh, mà tôi đã từng quen biết khi làm việc chung tại Chi Lăng, đón về khách
sạn Ramada Downtown –cũng là nơi tá túc của một số cựu SVSQ các khóa Nguyễn Trãi
đến viếng thầy từ các tiểu bang. Tại đây hai chúng tôi lại phải ngồi chờ cho đến
3PM mới có phòng. Mặc nguyên
bộ quần áo hai ngày đường nằm lăn ra giường, ngủ vùi. Ba giờ sau, như đã sắp xếp,
NT5 Lê Văn Tích, thổ công Orlando, tính tình dễ thương và tướng tá gồ ghề, tóc dài
như một Beatles chính hiệu –được thầy Quỳnh gọi đùa là “tài xế kiêm cận vệ” của
thầy– đến đón ra nhà quàn, bên hồ Ivanhoe.
Từ hai năm nay, thầy sống ở Apollo
Beach , cách Orlando một giờ xe, với con
trai Nguyễn Quốc Huy và vợ chồng con gái Ngọc Huyền. Nhưng thầy muốn được chôn tại
Orlando , nơi thầy
đã mua sẵn hai huyệt mộ. Đại tang quyến, vì thế, cũng phải thuê khách sạn tạm
trú, gần nhà quàn, như mọi người.
Chúng tôi đến nơi hơi trễ, nhưng tang gia và khách viếng còn đông.
May quá. Cụ bà quả phụ, 92, cũng hiện diện, như trong mọi nghi thức sau này. Cụ
ngồi không cử động trong xe lăn, vẻ mặt buồn khổ, nước mắt còn đọng trên hàng mi.
Tôi đến nắm hai bàn tay cụ, nói lời phân ưu, nhưng cụ không nhận ra tôi là ai. Nắp
quan tài chưa đóng, nghĩa là Đào Mỹ và tôi –đã hai hôm nay phải vật lộn với thời
gian, vượt bao dặm không gian và trở ngại từ các phi trường– còn kịp được nhìn
thấy mặt thầy lần cuối. Đứng xếp hàng chờ phiên mình, lòng bỗng nghẹn ngào, tôi
cố ngăn dòng lệ, vì biết không có gì khó coi cho bằng hình ảnh một người đàn ông
khóc giữa đám đông. Ngày mẹ tôi mất cũng thế, nước mắt không rơi dù hồn tan nát,
chỉ òa đổ như mưa sau khi mọi người ra về. Tôi đến quỳ bên quan tài, kế bên Đào
Mỹ. Mặt thầy thanh thản, bình an. Mắt thầy nhắm nghiền, say ngủ. Trong một giấc ngủ cũng dịu êm như nỗi chết
–giấc ngủ mà thi sĩ Baudelaire đã khát khao kiếm tìm qua những vần thơ chán chường,
sầu não:
Je veux dormir! dormir plutôt que vivre!
Dans un sommeil aussi doux que la mort
Dans un sommeil aussi doux que la mort
Ngủ, hơn là sống! Dormir plutôt que vivre, tôi thầm đọc lại. Thầy đang ngủ, hay phiêu
bồng ở một thế giới khác, tốt đẹp hơn, thảnh thơi, không còn những nhọc nhằn,
khổ lụy? Một thiên đường diễm ảo thầy đang trở về, có những thảo nguyên thơm mùi
hoang dại và mây ngàn xanh biếc cho giấc mơ tang bồng hồ thỉ chắp cánh bay xa,
có vầng trăng rực rỡ và tiếng nguyệt cầm huyền diệu mang đến lời thề hẹn của hạnh
phúc và tình yêu từ buổi thanh xuân? Còn gì nữa trên mắt môi khép kín, ngàn năm,
cùng với vinh quang phù du và những ngày bèo hợp mây tan, từ quân trường Đà Lạt
sương mờ, đến Bình Tuy trên chặng đường di tản gian nguy, đến Sài Gòn của buổi
sáng 30/4 oan nghiệt, đến những trại tù khổ sai Vĩnh Phú, Thanh Phong, Z30, đến
miền quê hương tạm dung Florida nắng ấm... Ôi, biết bao vinh quang và tủi nhục.
Biết bao ngọt ngào và cay đắng. Biết bao mộng ước trùng phùng và nẻo biệt ly vời
vợi. Và nước mắt và nụ cười, yêu thương và thù hận, ngăn cách và sum vầy, tất cả,
thầy đã trả lại hết cho đời. Từ đây.
Tôi làm dấu thánh giá, thầm thì đọc kinh, nguyện cầu xin Thiên Chúa nhân từ sớm rước thầy về nước thiên đàng. Tôi cũng chuyển gửi đến thầy tấm lòng trân quý của bạn bè Oregon –các anh Hùng, Bội, Kính, Lai, Hải, Hạnh, Bình... Rồi cúi xuống ôm hôn quan tài. Rồi nắm lấy bàn tay, lạ lùng thay, còn chút hơi ấm của thầy, chào vĩnh biệt. Rồi mấy phút sau, linh cữu được đưa đến nhà thờ giáo xứ Việt Nam để các linh mục cử hành lễ Vọng An Táng. Tại đây, sau thánh lễ, tang quyến, gồm người em gái và những ái nữ của thầy (Hiền, con cả, Đức Hạnh, Trung tá Quân y Hoa Kỳ, và Quỳnh Hoa, con út), các quan khách, và đại diện các hội đoàn quân nhân và dân sự... lần lượt lên bục phát biểu cảm tưởng hoặc đọc điếu văn. Những lời chân tình, đầy xúc động và làm xúc động, xuất phát tự đáy lòng thương mến vô bờ đối với thầy, đặc biệt của cựu Thiếu tướng Biệt Động Quân Trần Bá Di, xuất thân khóa 8 Võ Bị, sau thầy bốn khóa, đã kính cẩn gọi thầy: “Thưa niên trưởng ... ”. Cũng như, tôi còn nhớ, năm 2008, cựu Trung tướng Phạm Quốc Thuần, khóa 5 đàn em, đã chào thầy như thế, tại Portland, khi thầy đến tư gia thăm ông, và thầy chào lại: “Thưa Trung tướng...”. Truyền thống của những cựu SVSQ trường Võ Bị Đà Lạt thật tuyệt vời, kính trên nhường dưới, tôn ti trật tự, không có cảnh bát nháo, cá mè một lứa –mà sau cuộc đổi đời, người ta thường gặp ở những nơi khác, kể cả tại Portland.
3. Sáng thứ bảy 21/6, chúng tôi thức dậy sớm, vì là ngày an táng
thầy và các cựu SVSQ trường ĐH/CTCT được tang quyến dành trọn hai giờ, từ 8AM đến
10AM, để tổ chức nghi lễ rước quân quốc kỳ và phủ cờ cho thầy.
Có trên năm mươi anh em trong Tổng hội
CTCT, đại diện sáu khóa, đã đến từ những tiểu bang xa, cộng thêm thành viên Hội
Florida, cả thảy khoảng bảy mươi người. Trong số, tôi thấy có NT4 Nguyễn Gia Hưng,
người học trò, người em, người bạn thân thiết của tôi trong toán công tác Nghĩa
Hành, Quảng Ngãi, đầu năm 1973, đến từ Yukon, Canada. Có NT4 Tôn Tiến Khang, người
hùng Québec. Có hai NT2 Trần Gia Hiếu và Trịnh Tùng, những người bạn không thể
nào tôi quên, không bao giờ để mất, cách đây mười chín năm, đã đến Portland dự đám
cưới của vợ chồng tôi. Có hai NT1 Nguyễn Đức Luận, vẫn hiền như ma sơ, và Phạm Đức
Vượng, bạn đồng tù trại Vĩnh Phú. Còn nhiều anh khác, nhưng tôi chỉ mới gặp,
hay gặp lại, lần đầu, như các NT1 Trần Kim Khôi, Nguyễn Mậu Lộc, Phạm Ngọc Hòa
(tự nguyện đưa đón Mỹ và tôi nhiều lần), các NT2 Phạm Phú Hoan, Nguyễn Công An,
đến từ Dallas, TX, và Đỗ Đăng Khôi, tự Hai Lúa, đương kim hội trưởng Hội ĐH/CTCT
Florida, các NT4 Vũ Quý Ngọc và Nguyễn Thanh Bình (cháu thầy) v.v... Còn ai nữa?
À, một vài anh em khóa 4, 5, 6, từng học văn hóa với tôi ở trường, có lẽ không
nhận ra ông thầy cũ (mà bóng đời đã nghiêng xế quá chăng?), trong khi NT1 Đào Mỹ
lại được chào, và phong, là sĩ quan cán bộ –điều làm chúng tôi cười thích thú. Thời gian,
cũng như cơn gió, vô tình làm quên, thế thôi. Tổng Hội trưởng Nguyễn Tiến Đạt,
NT4, đã đến Orlando trước mấy hôm để phối hợp chương trình tổ chức với các hội đoàn,
đoàn thể địa phương. Lần đầu tiên gặp lại Đạt, tôi nhận không ra dù đã thường nói
chuyện trên điện thoại. Trông phong thái như một nhà ngoại giao thứ thiệt, khác
với vẻ rất thư sinh ngày còn ở trường...
Lễ rước quân quốc kỳ và phủ cờ bởi anh em
trường ĐH/CTCT được cử hành một cách trọng thể, nhắc nhớ thời họ còn là SVSQ oai
hùng ở quân trường. Tiếp theo là phần phát biểu cảm nghĩ về thầy bởi các đại diện
sáu khóa. Đặc biệt của chị Đặng Hiếu Sinh, NT3, trong tư cách một “nàng dâu”
Nguyễn Trãi, với lời lẽ mượt mà, thắm thiết ân tình. Ai nấy tỏ bày lòng kính mến
sâu xa đối với thầy, một vị chỉ huy trưởng sáng ngời tài đức. Đến lượt mình, thay
mặt các sĩ quan và quân nhân các cấp đã từng phục vụ tại ĐH/CTCT, tôi ca tụng và
tiếc thương thấy bằng những đoạn trích như sau:
. . . “Người xưa có câu: ‘Cái quan định luận’.
Nghĩa là khi nắp quan tài đóng lại rồi mới
có thể phán xét giá trị đích thực của một người. Riêng ngài, ngay khi còn sống,
tôi đã tôn vinh ngài như một vị anh hùng, nếu không muốn nói một vị thánh trong
lòng tôi, đúng theo nghĩa rộng, thường tình, phi tôn giáo.
Quả
vậy, ngài là vị thánh đối với tôi, bởi tấm lòng nhân hậu ngài luôn tỏ bày khi đối
xử với mọi người, dù là chỉ huy, đồng đội, hay thuộc cấp. Lúc nào ngài cũng lịch
thiệp, tươi cười, ân cần, ôn tồn, lắng nghe, giúp đỡ. Đối với các thuộc cấp,
ngài có lòng thương mến đặc biệt. Riêng tôi, tại Portland, năm 2008, bị kiện vì
một bài viết chống Cộng, được tin, đang ngồi xe lăn, sau bao nhiêu vất vả, ngài
đã từ Florida bay đến Oregon, kêu gọi đồng hương và anh em cựu SVSQ trường Đại
Học CTCT yểm trợ gây quỹ pháp lý cho tôi. Nhà binh có câu, ‘huynh đệ chi binh’. Nghĩa là quân nhân các cấp
đối xử với nhau như anh em một nhà. Riêng về ngài, tôi phải nói thêm ‘phụ tử
chi binh’, như lời dạy của Ðức Trần Hưng Ðạo và Thánh Tổ CTCT Nguyễn Trãi: chỉ
huy đối xử với thuộc cấp như cha đối với con, và ngược lại. Đối với tôi và nhiều
sĩ quan khác cùng lứa tuổi ở trường cũ, ngài vừa là một người thầy cao cả vừa
là một người cha khả kính.
Ngài là một anh hùng, trong nghĩa của
tôi. Bởi những việc làm của ngài tuy không phi thường, xuất chúng, nhưng biểu lộ
một khí phách và sự giáo dục bản thân, nhân cách hơn người. Trong cảnh dầu sôi
lửa bỏng của đất nước, ngài chứng tỏ một tinh thần trách nhiệm cao độ. Ngày
quân trường CTCT và Võ Bị di tản từ Đà Lạt, ngài từ chối không leo lên trực
thăng ra đón các chỉ huy trưởng tại Bình Tuy để được bốc về Sài Gòn trước,
nhưng vẫn lầm lũi, chân nặng nhọc bước đi cùng với đoàn quân mệt mỏi rã rời.
Trưa 30/4/1975, khi tướng Dương Văn Minh ra lệnh đầu hàng, ngài vẫn còn đang
chiến đấu cùng với một số sĩ quan và SVSQ của trường tại doanh trại Tiểu đoàn
50 CTCT, đường Phan Đình Phùng. Trong trại tù Vĩnh Phú, nơi tôi có cơ duyên được
giam chung với ngài và làm nhân chứng để viết trung thực về ngài, ngài bày tỏ đầy
đủ đức tính và đức độ của một anh hùng sa cơ: không hề than van, oán trách ai
hay số phận, không hề buông lời thù hận, vẻ ngoài lúc nào cũng bình thản như
không, không biểu lộ cá tính tầm thường của một người tầm thường trước nghịch cảnh
và bao nhiêu bất hạnh bủa vây. Trái lại, gặp thuộc cấp, ngài vui mừng, ân cần
khuyên nhủ hãy giữ gìn sức khoẻ để chịu đựng và nhất là không bỏ quên lý tưởng
quốc gia mà tại Portland ngài đã tuyên bố ‘quyết giữ vững cho đến sau hơi thở
cuối cùng’… Ngài là một anh hùng đúng nghĩa theo Shakespeare trong vở kịch Julius
Caesar:
Những kẻ hèn nhát chết nhiều
lần trước khi chết
Người dũng cảm chỉ nếm cái chết một lần thôi”. . .
Người dũng cảm chỉ nếm cái chết một lần thôi”. . .
Tôi soạn bài “điếu văn” trước khi được nghe anh bạn đồng hành Đào Mỹ, người
ở cùng đội (lán) với thầy tại trại Thanh Phong, những năm ‘80, kể thêm nhiều
chi tiết về đức độ của thầy, như một nhân chứng gần gũi, trực tiếp. Chẳng hạn: “Khi
nhận quà, ông chia các thức ăn vào nhiều gói, chỉ giữ lại một ít cho mình, rồi tự
tay đem tặng cho tất cả những người trong đội đang đói, hoặc không được gia đình
thăm nuôi”. Điều này phù hợp với lời kể của ái nữ Quỳnh Hoa, tối thứ sáu 20/6,
tại nhà thờ: “Bố luôn dặn mẹ gửi nhiều quà đế bố còn chia cho các bạn tù…” Về tư
cách của thầy, Đào Mỹ nói, thầy “không bao giờ run sợ trước cai tù, luôn trả lời
một cách lịch sự, điềm đạm, nhưng rất khẳng khái, luôn giữ gìn khí tiết của một
sĩ quan và tù binh VNCH, khiến bọn cán bộ rất nể phục”. Tôi mừng, vì qua Đào Mỹ,
những điều tôi phát biểu sáng nay có thêm chứng cớ cụ thể, hùng hồn. Trong quyển
Hồi ức tù cải tạo Việt Nam , tác giả
Đại tá CTCT Nguyễn Hữu Hùng cũng viết những điều tốt đẹp tương tự về thầy.
Xong lễ phủ cờ tại nhà quàn, linh cữu lại được đưa đến nhà thờ làm lễ cầu
hồn, trước khi di chuyển về nơi an nghỉ cuối cùng. Nghĩa trang cách khá xa thành
phố, có cảnh trí nên thơ, yên tĩnh, với những hàng liễu rũ bao quanh, khẽ rung
mình theo từng cơn gió thoảng qua, với những hồ nước trong xanh dưới ánh nắng
trưa gay gắt và cái nóng nung người của một Orlando bắt đầu vào hạ. Huyệt mộ thầy được
che mát phía trên bởi một lều vải rộng. Tôi bước theo dòng người tiễn đưa, buông
nhẹ một đóa hoa vàng trên quan tài của thầy giờ đây đã nằm khá sâu dưới lòng đất.
Tự dưng, tôi thấy cay ở bờ mắt, một nỗi buồn mênh mang xâm chiếm tâm hồn. Ngậm
ngùi nghĩ đến xác thân thầy dưới mộ sâu một ngày cũng sẽ phai úa như những đóa hoa
kia, tàn lụn như những ngọn nến đang thắp. Như quyền lực, như danh vọng, như tiền
tài. Như kiếp con người. Phù vân của những phù vân, hỡi ôi! Vanitas vanitatum!
4. Buổi trưa, ngay sau lễ an táng, tang quyến có nhã ý khoản
đãi quan khách và anh em CTCT một bữa ăn gọi là “cảm tạ” trong nhà hàng buffet ngoài phố. Tại đây, tôi có dịp gặp
gỡ, nói chuyện lâu hơn với Huy, với các ái nữ và giai tế (Dỏ, Cương, Tuấn,
Thanh) của thầy. Dỏ đến bàn chúng tôi, đọc cho nghe những bài thơ thầy làm và
thơ họa của chính anh. Đặc biệt Võ Chánh Cương, đồng hương Nha Trang, mà tôi đã
gặp năm 1974 trong đám cưới của anh với con thầy Quỳnh, Đức Hạnh, tại khuôn viên
Viện Đại Học Đà Lạt, có Lê Uyên Phương gảy đàn và hát. Cương bây giờ khác hẳn với
Cương ngày đó, chững chạc và dáng dấp rất “đại gia”. Tôi cười bảo Cương: “Khác
quá, ra đường không nói trước, chú cháu mình dám đánh lộn với nhau lắm”. Đức Hạnh
và Ngọc Huyền vẫn trẻ như những năm xưa. Thanh, chồng Huyền, lần đầu tôi mới gặp,
trông thật lịch sự, dễ thương. Huy thay mặt tang gia, lúc nào cũng bận rộn tiếp
khách.
Buổi chiều, anh em Hội CTCT Florida đứng ra tổ chức một bữa tiệc cho tất
cả đồng môn tại tiệm Phở Hòa. Tiệc vui, được xem như một mini-đại hội, và anh
em, nhân ngày thầy mất, như đàn con trong đại gia đình Nguyễn Trãi đã tìm về quây
quần bên nhau, tỏ tình đoàn kết, xóa bỏ mọi bất đồng, đến nỗi có người gọi đùa là
“bữa tiệc sám hối”, khiến tôi thấy cảm động và hãnh diện lây. Dịp này tôi được làm
quen với những cây bút sáng giá của trường Đại Học CTCT: NT2 Nguyễn Bá Thuận, bút
hiệu Thảo Nguyên, ăn nói nhỏ nhẹ và dáng vẻ khiêm nhường, NT3 Trương Văn Vấn, và
NT3 Đặng Hiếu Sinh –cả ba là những nhà văn mà tôi mới gặp lần đầu nhưng đã đọc,
qua sách xuất bản hoặc bài trên đặc san Ức
Trai, và rất ngưỡng mộ văn tài.
5. Mới đó mà tất cả đã trở thành kỷ niệm rồi
sao? Tôi xót xa thầm hỏi khi hai hôm trước, tại nhà quàn, tôi đã lần giở xem quyển
album về cuộc đời thầy, từ khi còn trẻ
với nụ cười rạng rỡ chào đón tương lai. Một bức ảnh cũ, ố vàng, của ngày cưới,
có những đóa hoa tươi ngát. Thời gian ngừng lại, trong một khoảnh khắc vĩnh cửu,
để chụp lấy hạnh phúc và tình yêu gửi về thiên thu. Cho nên tình yêu tươi mãi cùng
hoa, như tóc người xanh mãi.
Tất cả, mới đó, mà đã trở thành kỷ niệm. Thôi
hết rồi, từ nay. Trở về Portland ,
tôi chỉ còn tìm thầy Quỳnh yêu quý của tôi qua hình bóng. Âm dương đôi ngả, thầy
đã vĩnh viễn thuộc về thời gian của Tuổi, thời gian hằng hữu, như một nhân vật tiểu
thuyết bất tử tuyệt vời, như ba mẹ tôi từ ngày xa lìa dương thế –mà tôi, hồn vẫn
chơi vơi trong nỗi nhớ vô vàn, sẽ chỉ còn được nắm tay, ôm hôn, qua những giấc
chiêm bao mà thôi.
Vĩnh biệt thầy Nguyễn Quốc Quỳnh. Chúc thầy hãy ngủ một giấc ngủ bình an
trên cõi Vĩnh Hằng.