THƯ GỬI BẠN TA của Bùi Bảo Trúc
Các bài viết hàng tuần của Nhà Báo Bùi Bảo Trúc trong mục Thư Gửi Bạn Ta
CHIA SẺ
Không biết bắt đầu từ bao
giờ, nhưng mỗi năm, đài BBC đều đưa ra một danh sách những chữ bị ghét nhất
trong Anh ngữ. Đó có thể là những chữ bị lạm dụng nhiều nhất, bị dùng sai nhiều
nhất và bạ đâu cũng đem ra dùng nhiều nhất. Có năm danh sách này có chữ
“lovely”, một chữ tôi thấy cũng chẳng có gì đáng để ghét bao nhiêu tuy nó hơi …
phụ nữ một chút, có thể là vì các little old ladies hay dùng nó, theo tờ
New York Times mấy năm trước. Thực ra, chữ “lovely” này quả là được nhiều
người đem ra dùng một cách bạt mạng thật. Bất cứ lúc nào, bất cứ chỗ nào người
ta cũng có thể lôi ra trám đại vào chỗ trống theo kiểu tử vi nam nữ xem chung,
hớt tóc unisex hay thuốc cao đơn hoàn tán trị bách bệnh, bệnh nào cũng chữa
mà chẳng bệnh nào khỏi cả.
Nó đã khiến cho nhiều
người rất khó chịu. Một số editor, những người có trách nhiệm về chữ
nghĩa trong các tòa báo, trong các nhà xuất bản coi danh sách những chữ đáng
ghét này là những chữ phải tránh, phải tuyệt đối tránh hẳn. Thấy những chữ đó là
phải delete ngay lập tức không mảy may thương tiếc.
Thực ra việc lập ra danh
sách ấy không phải là việc của hàn lâm viện hay một cơ quan nào được chính thức
trao cho quyền hạn làm sạch chữ nghĩa, giữ cho ngôn ngữ trong sáng như hàn lâm
viện của Pháp. Nó chỉ là ý kiến của một số người thấy khó chịu cái lỗ tai khi
nghe thấy những chữ ấy, hay thấy gai con mắt khi đọc thấy nó rồi lập ra cái
danh sách đó. Đọc thấy vui, làm theo hay không làm theo là tùy người.
Nếu có một cái danh sách
như thế cho những người dùng tiếng Việt thì tôi tin chắc phải có hai chữ
“chia sẻ”.
Hai chữ “chia sẻ”
này thình lình xuất hiện hình như chỉ mới khoảng một chục năm trở lại đây nhưng
nó lập tức được tiếp nhận một cách nhiệt tình và hết sức rộng rãi. Nó được
dùng một cách bừa bãi để thay thế cho nhiều từ ngữ mà những người sử dụng nó
không dùng những chữ chính xác hơn. Lý do có thể vì lười biếng cũng có, mà cũng
có thể vì khả năng ngôn ngữ hạn hẹp, không có được một kho từ vựng đầy đủ để
dùng cho đúng ý tưởng muốn diễn đạt.
Những tự điển coi hai chữ
“chia sẻ” không mấy quan trong nên có cuốn không thèm đưa nó vào. Thí
dụ các cuốn của Khai Trí Tiến Đức, Lê Văn Đức đều không có nó. Cuốn của Linh
mục Trần Văn Kiệm chỉ dành cho nó vài dòng.
Nhưng nó lại được lôi ra
dùng rất bừa bãi.
Thí dụ thay vì dùng những
chữ như trình bầy, nói thêm, phát biểu, giải thích… thì người ta lôi ngay hai
chữ “chia sẻ” ra dùng cho xong chuyện. Vì thế mới có những hành văn như
thay vì phải nói: tác giả trình bầy… đương sự nói thêm… diễn giả phát biểu… anh
ấy giải thích… thì người ta quăng ngay hai chữ “chia sẻ” vào là xong ngay.
Trong một đoạn quảng cáo
cho một dealer bán xe, muốn người bán xe nói về những chiếc xe trong bãi
đậu thì … yêu cầu ông ta “chia sẻ”. Mời độc giả gửi những hình ảnh,
video cho toà báo thì … xin “chia sẻ”. Một nạn nhân bị đụng xe nằm
gần chết trong bệnh viện nói thều thào về tai nạn cũng “chia sẻ”. Nhà có
đại tang đang bối rối thì gia đình cũng “chia sẻ” tin buồn ấy. Nhận định
về những xáo trộn ở Israel và Gaza thì lại “chia sẻ” luôn. Ông X. lăm le
ra tranh cử cũng “chia sẻ” với các cử tri…
Mở những trang báo trong
nước ra có khi trên có một trang người ta có thể đếm đươc gần hai chục lần
“chia sẻ”. Và ở ngoài nước thì cũng thế. Hai chữ “chia sẻ” đã cứu
nguy được bao nhiêu người là vậy.
Thế rồi sau một hồi, thấy
hai chữ “chia sẻ” bắt đầu xuất hiện hơi nhiều thì người ta đảo ngược hai
chữ này theo kiểu ăn nói của Hồ chủ tịch để thành “sẻ chia” cũng như
“đơn giản” thành “giản đơn”, “khai triển” thành “triển khai”…
Và người ta lại ào ào
“sẻ chia” để cho “chia sẻ” …ngồi nghỉ một chút.
Chỉ sợ rồi quýnh quáng nói
thành “chẻ sia” ra mất thôi. Lúc ấy lại phải mang ra sơi cho hết chứ làm
sao “chia sẻ” cho ai được bây giờ.
Chán hai chữ này quá nên
hôm nay phải “chia sẻ” với quí độc giả vậy.
Bùi Bảo Trúc