Mời các bạn xem Bác Sĩ Hà Ngọc Thuần nói về quyển Tì Bà Hành đang có trong trang Sách Xưa.
Thưa Anh Em QYHD
Trong một bài trước tôi có nói về sách "Tì Bà Hành Diễn Âm" trong "Kho Sách Xưa" của "Quán Ven Đường" mà chủ quán là Giáo-Sư Huỳnh Chiếu Đẳng. Nay xin nói thêm để sửa lỗi-lầm trước, khi đọc vội-vàng, chưa tìm kỹ cho thấy mà đã ngỡ rằng không có.
Bìa sách có vẽ hình chim đại bàng (?) và chữ "Avia". Đây là loại vở học-trò còn thông-dụng tại Hà-nội năm 1948.
Không rõ AVIA là tên của hãng sản-xuất (giấy hay vở học-trò) nào, nhưng hình ảnh này rất quen-thuộc và còn nằm trong trí nhớ. Giấy rất tốt. Sau này là vở học trò của hãng Denis Frères, và các hãng khác.
Ngay bìa có hàng chữ Hán "Nhị Độ Mai Quyển Tam" và "phụ, Tì bà hành Diễn Âm". Bên trong là Nhị Độ Mai, chuyện Lư Kỷ Hoàng Tung và Hạnh Nguyên cống Hồ, khoảng 850 câu cho đến hết, chiếm hết 77 trang; sau đó là Tì Bà Hành Diễn Âm chép bằng chữ Nôm, có chữ quốc-ngữ ghi bên cạnh, từ trang 79 đến trang 88. Sách chép năm Tự Đức Tân Tị (1881), theo Phúc Văn Đường Tàng Bản.
Tì Bà hành nguyên tác chữ Hán của Bạch Cư-Dị, dịch ra tiếng Việt cố nhiên viết bằng chữ Nôm. Bản tiếng Việt có ghi vào chương-trình Việt Văn trung-học. Chúng tôi sanh sau, học sau, nên chỉ căn-cứ vào bản chữ quốc-ngữ trong sách Việt Nam Thi Văn Hợp Tuyển của Dương Quảng Hàm. Dịch giả là Phan Huy Vịnh.
Bàn về Tì bà hành, một cách bất ngờ cho người mới học, lại là Vũ Ngọc Phan, trong cuốn "Nhà Văn Hiện Đại", khi nói về cuốn "Ngâm Khúc" của Nguyễn Quang Oánh xuất-bản tại Hà-nội năm 1930. Vũ Ngọc Phan viết: "Ngâm khúc là một quyển hiệu khảo của Nguyễn Quang Oánh. Quyển này gồm tất cả ba bài ngâm khúc: Cung oán, Chinh Phụ ngâm và Tỳ Bà hành". Chính Nguyễn Quang Oánh là người chủ trương dịch-giả là Phan Huy Vịnh, trong khi " xưa kia người ta thường cho là Nguyễn Công Trứ diễn ra quốc âm". Trong bản Nôm 1881 của Quán Ven Đường có ghi rõ dịch giả là Nguyễn Công Trứ. Vậy là cần tìm cho ra cuốn "Ngâm Khúc" để xét lại.
Hai câu chót của bài Tì bà hành đọc như sau:
Lệ ai chan chứa hơn ngườiGiang Châu Tư Mã đượm mùi áo xanh
Xin bàn thêm vài chi tiết nhỏ:
Cho tới khoảng năm 1950, tại Hà nội, người ta vẫn dùng lẫn lộn "màu" (thị giác) và "mùi" (khứu giác). Trong bản Nôm "Quán Ven Đường" chữ Nôm "mùi" viết bằng chữ Hán "vị", cũng đọc là "mùi" : người ta tuổi ngọ tuổi mùi... Cũng vào khoảng đó, vấn-đề Việt ngữ chính tả được đặt ra, trong đó có bộ sách của Long Điền Nguyễn Văn Minh với rất nhiều phân-biệt và đề-nghị chọn lựa. Sau này có Lê Ngọc Trụ tiếp-tục công việc đó. Có lẽ chúng ta không thể tự-tiện đổi thành "Giang Châu Tư Mã đuợm màu áo xanh" được, nhưng cần giải-thích những thay đổi theo lịch-sử. Một kinh-nghiệm là muốn thay đổi phải bắt đầu từ lớp trẻ, bậc tiểu học.
Trong câu cuối có chữ Nôm "đượm" phiên âm bằng chữ Hán "đạm". Theo Từ Điển Chữ Nôm của Vũ Văn Kính thì chữ Nôm "đặm" cũng viết bằng chữ Hán "đạm". Từ Điển Vũ Văn Kính phân biệt "đặm" và "đậm" thành hai chữ khác nhau, chữ Nôm "đậm" dùng chữ Hán "thậm" để phiên âm. Có lẽ nước mắt rơi xuống áo làm mầu áo xanh đặm hay đậm thêm, nên câu thơ có thể là:
Giang Châu Tư Mã đặm (đậm) màu áo xanh
theo chính-tả của chúng ta thời nay. Chữ "đặm" này khác hẳn với chữ "đượm" đã dùng ở đầu bài thơ:
Nước mênh mông đượm vẻ gương trong. (câu 6)
Xin nhường lại vấn-đề cho quý-vị học giả; niên-học 1954-1955 tôi học Thầy (nhà văn) Doãn Quốc Sỹ, lớp Đệ Tứ trường Trần Lục. Thầy giảng bài này, và cũng thường nhắc, như Vũ Ngọc Phan viết : "Người ta thường nói hai bản dịch Chinh Phụ Ngâm và Tỳ Bà hành hay hơn cả nguyên văn" .Gần đây có nghe Shaman Nguyễn Thượng Vũ nói bài "Si" của André Maurois có phần hay hơn bài "If" của Rudyard Kipling và chính Kipling công-nhận như vậy. Đông Tây không phải không có lúc gặp nhau.
Tuy-nhiên theo Thầy Sỹ, có một câu, duy có một câu này, phải trở về nguyên-văn mới hiểu được:
Buồn em chảy lại lo dì thác
nguyên văn :" Đệ tẩu tòng quân a di tử". Một vết bẩn nhỏ trên một bức tranh đẹp(?).
Riêng Trần Trọng Kim thì dẹp cả Nguyễn Công Trứ và Phan Huy Vịnh qua một bên, làm một bản dịch mới, với hai câu chót:
Riêng Trần Trọng Kim thì dẹp cả Nguyễn Công Trứ và Phan Huy Vịnh qua một bên, làm một bản dịch mới, với hai câu chót:
Khóc nhiều hơn cả là ai?Giang Châu Tư Mã đẫm mùi áo xanh.
Vẫn chữ "mùi" đó, nhưng không đượm, đặm hay đậm mà là "đẫm".
Giang Châu Tư Mã thanh sam thấp.
Hai câu này viết ra chữ Nôm như thế nào, xin tùy quý vị.
Hà Ngọc Thuần QY13HD
HCĐ: Thật là hả dạ! Cám ơn Bác Sĩ Hà Ngọc Thuần.
Lâu nay chủ quán tôi góp nhặt giữ gìn cũng chỉ chờ người mắt xanh. Nay có người ghé mắt thì đâu còn mong ước chi hơn.
Nhớ cách đây trên 15 năm, một bằng hữu (anh Thạch Đầu Đà) cho chủ quán cái biệt danh là "Ông Từ Giữ Tàng Kinh Các", quả không sai. Ông Từ tôi giữ những báu vật trong tay, nhưng chỉ lờ mờ hiểu được giá trị của chúng. So ra cũng giống như người xưa không biết đọc, thấy mảnh giấy vụn có chữ viết rơi xuống đất, thì lượm để lên trang hay nhét vào vách lá để dành.
Nay thấy rằng chỉ có một chữ thôi (chữ "mùi") mà đã giá trị đến như vậy, trong khi Ông Từ tôi trong tay giữ hàng trăm ngàn chữ. Thôi thì chỉ mong được làm Ông Từ góp nhặt lượm từ chữ rơi rớt của người ngàn xưa giữ gìn trao cho người ngàn sau.
Lâu nay chủ quán tôi góp nhặt giữ gìn cũng chỉ chờ người mắt xanh. Nay có người ghé mắt thì đâu còn mong ước chi hơn.
Nhớ cách đây trên 15 năm, một bằng hữu (anh Thạch Đầu Đà) cho chủ quán cái biệt danh là "Ông Từ Giữ Tàng Kinh Các", quả không sai. Ông Từ tôi giữ những báu vật trong tay, nhưng chỉ lờ mờ hiểu được giá trị của chúng. So ra cũng giống như người xưa không biết đọc, thấy mảnh giấy vụn có chữ viết rơi xuống đất, thì lượm để lên trang hay nhét vào vách lá để dành.
Nay thấy rằng chỉ có một chữ thôi (chữ "mùi") mà đã giá trị đến như vậy, trong khi Ông Từ tôi trong tay giữ hàng trăm ngàn chữ. Thôi thì chỉ mong được làm Ông Từ góp nhặt lượm từ chữ rơi rớt của người ngàn xưa giữ gìn trao cho người ngàn sau.
Huỳnh Chiếu Đẳng
Sách Xưa
Kho chứa sách của Quán Ven Đường
Chủ quán: Huỳnh Chiếu Đẳng
Liên lạc: email nầy .Xin mời trở lại vì còn dài dài sách hiếm sẽ bỏ lên.
Chủ quán: Huỳnh Chiếu Đẳng
Liên lạc: email nầy .Xin mời trở lại vì còn dài dài sách hiếm sẽ bỏ lên.
Xe đưa về NHÀ KHO CHÁNH