Nghề phu xe, có lẽ đó là cái nghề khá cũ kĩ và buồn trong thời đại người ta chạy đua tốc độ bằng những phương tiện vận chuyển hiện đại, phân khối lớn và đầy đủ tiện nghi. Về miền Tây, chỉ cần đi bộ vài chục bước chân ra các đường phố hoặc các thị trấn, dường như bất kì nơi đâu cũng có thể bắt gặp những phu xe tưởng chừng như cổ tích. Hình ảnh người phu xe phải cong oằn lưng đạp chiếc xe lôi hoặc khom người lấy đà kéo cho được chiếc xe bò chở đầy dừa, trái cây băng qua đường luôn khiến cho người chứng kiến cảm thấy bùi ngùi trước thân phận con người, trước nỗi buồn mang tên chén cơm manh áo.
Những cuộc đời gà trống nuôi con
Những phu xe tuy làm lụng cật lực suốt ngày này qua ngày khác, tháng này qua tháng khác, năm này qua năm khác, không quản nắng mưa, sức người héo mòn dần theo thời gian nhưng khổ vẫn hoàn khổ, có người tạm đủ ăn, có người thiếu trước hụt sau và cũng có người nợ nần ngập đầu.
Xe ôm không ổn định bằng xe kéo, thu nhập mỗi ngày khoảng vài chục, nhiều khi trăm ngàn cũng có. Vợ em thì đã năm, sáu năm nay rồi, điện thoại cũng không gọi chứ đừng nói nó quay về.
-Anh Hiếu
Một phu xe tên Hiếu ở Long Xuyên, An Giang, chia sẻ:
“Xe ôm không ổn định bằng xe kéo, thu nhập mỗi ngày khoảng vài chục, nhiều khi trăm ngàn cũng có. Vợ em thì đã năm, sáu năm nay rồi, điện thoại cũng không gọi chứ đừng nói nó quay về. Dạo này hình như nó cơm ngon, canh ngọt với người ta rồi. Trước thì lên Bình Dương làm thuê cả vợ chồng, thấy cảnh khổ quá nên nó bỏ chồng đua theo người khác liền, ở đây như thế nhiều lắm!!”
Kể thêm về câu chuyện đời mình, Hiếu nói rằng anh chỉ vừa thoát kiếp phu xe được hai tháng nay, những tưởng thoát được luôn ai dè đứa con đầu lòng của anh bị bệnh, anh lại phải cầm chiếc xe gắn máy để chữa bệnh cho con và thuê lại chiếc xe lôi mà trước đây anh đã bán cho người khác để chạy xe lôi vừa kiếm tiền trả thuốc men, ăn uống cho con lại vừa trả tiền lãi cho tiệm cầm đồ. Cuộc đời anh chưa bao giờ hết lẩn quẩn trong cái nghèo.
Và cũng bởi cái nghèo, người vợ mà Hiếu hết mực thương yêu, chiều chuộng đã lạnh lùng bỏ Hiếu cùng hai đứa con nhỏ thui thủi chốn quê, đi theo một tiếng gọi khác đầy đủ và sung túc. Suốt bảy năm nay sống với cảnh gà trống nuôi con, Hiếu chỉ biết lăn lóc, chật vật khắp mọi nơi để làm thuê kiếm tiền mua gạo. Cuộc đời đã cho Hiếu rút ra một kết luận cay đắng rằng các cô gái miền Tây đi làm gái điếm khắp mọi miền đất nước chỉ vì họ quá nghèo, thiếu học và thiếu suy nghĩ. Vợ của Hiếu trước đây cũng không nằm ngoài trường hợp này.
Một người đàn ông khác tên Cán, ở Long Xuyên, Ang Giang, chia sẻ thêm rằng đa phần các cô gái đã có chồng ở Tây Nam Bộ đều không hạnh phúc bởi vùng đất này ai giàu thì nứt đố đổ vách, ai nghèo thì nghèo đến mức mò tro móc trấu mà kiếm cái ăn. Chính vì thế mà khi đã ý thức được cái nghèo của gia đình, đa phần các cô gái ở đây chấp nhận đi thật xa làm gái điếm để có tiền giúp gia đình.
Nhưng nghiệt nỗi chưa có cô gái nào nuôi được gia đình một cách tử tế nhờ tiền làm gái. Và nghiệt ngã hơn là những năm trước 1975, hầu như ít tai dám nghĩ rằng những cô gái miền Tây có thể là gái điếm.
Phu xe kiếm sống
Một người kéo xe lôi ở vùng ngoại ô thành phố Long Xuyên, tên Củng, chia sẻ:
“Thu nhập một ngày cao nhất khoảng một trăm rưỡi ngàn, trừ chi phí thuốc, nước thì khoảng một trăm ngàn một ngày, không đủ tiền lo cho vợ con. Nếu mà hên thì gặp ngày người ta mướn kéo đồ khi họ di dời nhà đó, thì được hai – ba trăm ngàn, trung bình chật vật hằng ngày thì khoảng một trăm ngàn.”
Thu nhập một ngày cao nhất khoảng một trăm rưỡi ngàn, trừ chi phí thuốc, nước thì khoảng một trăm ngàn một ngày, không đủ tiền lo cho vợ con.
-Anh Củng
Khác với Hiếu, ông Củng cho rằng người Tây Nam Bộ, đặc biệt là các cô gái Tây Nam Bộ vẫn tốt bụng và hiền hòa như ngày nào, chỉ có lựa chọn của họ là khác xưa mà thôi. Điều này sở dĩ diễn ra như vậy bởi vì càng ngày, lằn ranh cách biệt giữa giàu và nghèo nới càng rộng ra, người nghèo thì nghèo rớt mùng tơi, kẻ giàu thì không biết bỏ tiền đâu cho hết, hễ kẻ nào có thế lực, có quyền bính thì ắt hẳn có tiền tài, sống xa hoa. Chính vì không thể chịu nổi cái nghèo và cuộc sống cay đắng của một người mang số phận nghèo, các cô gái miền Tây buộc phải ra đi tìm đường cứu gia đình. Và với thân phận không có chữ nghĩa, lại không có vốn liếng gì ngoài nhan sắc, các cô chỉ còn biết bán nhan sắc.
Đương nhiên không phải ai cũng là nạn nhân của việc buôn hương bán sắc, đa phần các cô gái miền Tây đều có số phận buồn, đáng thương, nhưng có cũng không ít các cô gái do đua đòi cộng với tính cách hời hợt đã đẩy các cô đến chỗ ham phú phụ bần, sẵn sàng bỏ chồng, bỏ con chạy theo tiếng gọi đồng tiền. Và, dường như số đông trong các phu xe miền Tây Nam Bộ đều là nạn nhân của vấn đề này.
Ông Củng cho biết thêm là nghề phu xe miền Tây, hiện tại, vẫn là một trong những nghề nổi cộm. Nói đây là nghề nổi cộm bởi bất kì người đàn ông miền Tây nào khó khăn cũng nghĩ đến nghề này mặc dù thu nhập của nó rất thấp, hơn nữa, mặc dù số lượng người làm nghề phu xe kéo, xe lôi, xe bò không phải là ít nhưng công việc vẫn luôn có cho mọi người làm.
Sở dĩ có những chuyện nghe ra rất mâu thuẫn như vậy bởi vì cước phí của các phương tiện xe lôi, xe ôm, xe bò ở miền Tây rất thấp so với những miền khác và giới phu xe tự chia phiên với nhau để làm, không có ai quá nhiều phiên cũng không có ai không có phiên nào. Với thu nhập mỗi ngày từ 100 ngàn đồng đến 150 ngàn đồng và làm việc quần quật từ tờ mờ sáng cho đến 11 giờ đêm, có thể nói rằng số tiền kiếm được đủ để mua gạo, muối, dầu, thức ăn và tích lũy phòng khi đau ốm cho một gia đình nghèo nhưng chẳng bao giờ bù đắp được sự lao lực của giới phu xe.
Trong giai đoạn hiện tại, nền kinh tế Việt Nam có nhiều bất ổn, người làm phu xe càng đông ra thêm, khách đi lại giảm xuống, cuộc sống của người phu xe trở nên co cụm hơn bao giờ hết. Mọi chuyện vẫn còn đang ở phía trước, không biết đến bao giờ người phu xe Việt Nam nói chung và phu xe xứ Tây Nam Bộ nói riêng bớt được nỗi khổ. Nhất là nỗi khổ tinh thần khi gia đình tan vở vì đồng tiền bát gạo!
Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam.