Monday, 6 October 2014

Thấy gì qua cuộc biểu tình của sinh viên HongKong?



Vì sao giới trẻ Việt Nam thiếu lửa dân chủ

Nam Nguyên, phóng viên RFA 2014-10-06

000_Hkg7848681.jpg
Các bạn trẻ Việt Nam tham gia nhảy flashmob tại thành phố Hồ Chí Minh 
ngày 23 tháng 9 năm 2012

006 27092014.jpg
Phong trào đòi dân chủ của sinh viên học sinh Hong Kong

Phong trào đòi dân chủ của sinh viên học sinh Hong Kong cho thấy ngọn lửa cách mạng hừng hực trong giới trẻ của đặc khu này. Tại sao sinh viên học sinh Việt Nam trong những năm gần đây biểu lộ sự thờ ơ với thời cuộc và đa phần chỉ lo toan cho đời sống riêng?

Thiếu người lãnh đạo ...

Sinh viên học sinh Hong Kong là thành phần tiên phong trong phong trào đòi quyền tự do bầu cử chức vụ Đặc khu trưởng tức lãnh đạo cao nhất ở lãnh thổ này. Bắc Kinh đã từng bước vi phạm nguyên tắc một quốc gia hai chế độ, mà đại lục đã hứa hẹn khi nhận lại nhượng địa Hong Kong từ tay Anh Quốc vào năm 1997. Người Hong Kong phải mất 20 năm tức đến 2017 mới được phép trực tiếp đi bầu Đặc khu trưởng. Nhưng Bắc Kinh lại áp đặt chế độ đảng cử dân bầu, cử tri Hong Kong chỉ có quyền chọn lựa các ứng cử viên được Bắc Kinh sàng lọc trước.

Ở Việt Nam hình thức Đảng cử dân bầu đã được chế độ toàn trị áp đặt từ trước cả khi Việt Nam thống nhất năm 1976. Thế nhưng giới trẻ Việt Nam đặc biệt là sinh viên học sinh chưa hề có một phong trào nào đòi quyền dân chủ như tự do bầu cử ứng cử, thậm chí chỉ riêng một lĩnh vực trực tiếp chi phối đến họ như quyền được tự trị đại học.

Trước các ý kiến cho rằng sinh viên học sinh ngày nay lãnh đạm với thời cuộc vì không có lãnh tụ, người có đủ dũng khí khởi xướng phong trào và dẫn đắt họ như trường hợp Hoàng Chi Phong của Hong Kong.

TS Nguyễn Quang A một nhà phản biện chính sách hoạt động mạnh trong phong trào đòi thực hiện xã hội dân sự  từ Hà Nội nhận định:

“Có một người đứng đầu, một người lãnh tụ có sức thuyết phục là một điều rất là quan trọng. Nhưng tôi hoàn toàn ngược lại với ý kiến là bởi vì không có lãnh tụ cho nên nó mới như thế này, hoàn toàn không phải như vậy.”

Theo TS Nguyễn Quang A, Đảng và nhà nước Việt Nam đã kiểm soát sinh viên học sinh một cách chặt chẽ, nhờ mạng lưới công an dày dặc và kiểm soát luôn con đường tiến thân của họ. Ông nói:

“Phải nói thực trong suốt hơn 30 năm qua thì việc đàn áp về tinh thần về thể chất đủ mọi thứ, họ đã rất thành công trong việc gọi là biến một lực lượng hết sức là năng nổ thành một lực lượng SVHS rất là ngoan ngoãn. Đấy là một trong những kỹ năng rất kinh khủng của những người cộng sản và phải nói thực là họ rất thành công trong việc đó. Tôi nghĩ rằng chỉ có khi động viên vận động thế nào để cho giới trẻ họ hiểu rằng quyền của họ đã bị vi phạm đến như thế nào. Lúc đầu rất là khó khăn chỉ có số ít nhưng mà số ít đó sẽ tăng dần tăng dần thì đến một lúc nào đó nó cũng có trạng thái gọi là như tất cả mọi nơi trên thế giới.”

Giới trẻ sinh viên học sinh Việt Nam không phải hiếm lần đã tập trung đông đảo hàng vạn người nhưng nó lại ở trên một lĩnh vực hoàn toàn khác với những gì gọi là khát vọng dân chủ. Giới trẻ hò hét tham gia những sự kiện giải trí khi có mặt một ngôi sao Hàn Quốc chẳng hạn hay họ rước cờ chạy xe máy khắp phố phường vì một trận thắng của đội tuyển bóng đá Việt Nam. Còn ngay cả trong cao trào biểu tình chống Trung Quốc xâm lăng biển đảo, số sinh viên học sinh tham gia không đáng kể. Có chăng là họ tham gia một vài cuộc biểu tình theo sự điều động sắp đặt của thành đoàn, một biểu ngữ phản kháng Trung Quốc sẽ kèm theo một biểu ngữ ca ngợi Đảng và tỏ lòng trung thành với Đảng.

... hay đã mất lửa?

Cũng một câu hỏi sinh viên học sinh Việt Nam ngày nay thờ ơ với thời cuộc và thiếu vắng vai trò của người lãnh đạo hay nhóm lãnh đạo do họ lựa chọn. Nhà báo Nguyễn Quốc Thái từ Saigon phát biểu:

“Ở miền Nam trước năm 1975 cũng như ở Hong Kong có bầu không khí tự do hít thở của nó mà tất cả những lãnh tụ sinh viên ngày xưa mà tôi có dịp thường gặp gần đây đều công nhận rằng, tất cả phong trào sinh viên học sinh ở miền Nam lúc đó thấm được là do bầu khí tự do tương đối nào đó thì họ mới hoạt động được, nếu không có thì không  thể hoạt động được. Hiện nay ở Việt nam sự kiểm soát SVHS ở trong học đường rất chặt chẽ.

Vì thế việc có một lãnh tụ sinh viên lúc này, tôi nghĩ không phải là không có đâu, họ vẫn liên lạc với nhau âm thầm và họ chờ đợi một lúc nào đó. Nếu nhà nước không thể hiện được những lời cam kết với nhân dân về vấn đề dân chủ, tự do về vấn đề tư hữu thì chuyện gì cũng có thể xảy ra được. Cứ hình dung lại Liên Xô, hình dung lại Cộng hòa Dân chủ Đức, lực lượng quân đội và công an chặt chẽ mạnh đến như vậy, nhưng đến lúc cần họ vẫn im lặng để cho những người đòi hỏi dân chủ đòi hỏi tự do phất cờ đứng lên.”

Nhà giáo Đỗ Việt Khoa ở Hà Nội nhận định về sự nguội lạnh của sinh viên học sinh đối với vận mệnh đất nước và chẳng thể hiện về điều gọi là khát vọng dân chủ của thế hệ tương lai của Việt Nam. Ông nói:

"Nói sinh viên học sinh Việt Nam vô cảm thì cũng có phần đúng mà cũng có phần không đúng. Số học sinh sinh viên trăn trở với tình hình đất nước nhận thức sớm được vấn đề ấy cũng nhiều chứ không phải ít. Thế nhưng cái số đông hơn lại là những học sinh lâu này bị ảnh hưởng nền giáo dục, sách vở hay sự tuyên truyền, nhắc nhở của gia đình, của thầy cô của nhà trường và sự ngăn chặn của chính quyền khiến cho số học sinh ấy không dám xuống đường không dám thể hiện. Ngoài ra một số rất đông lại bận ăn chơi, mải chơi không tham gia vào các hoạt động chính trị xã hội. Có thể nói đó là sự thành công phần nào của một chính sách ngu dân hóa của chính quyền.”

Theo lời nhà giáo Đỗ Việt Khoa chính sách như thế là một thảm họa cho đất nước. Vì ngu dân thì dễ cai trị, đa số nhân dân lảng tránh chuyện chính trị, xem chính trị là chuyện cấm kị không dám thể hiện chính kiến của mình. Ông Đỗ Việt Khoa không tin vào một phong trào dân chủ mạnh mẽ ở Việt Nam có thể trở thành hiện thực, tương tự như các cuộc biểu tình đòi dân chủ ở Hong Kong. Nhà giáo này cho rằng những thay đổi triệt để ở Việt Nam nếu có là từ trên thượng tầng chính trị xuống, chứ không phải là một cuộc cách mạng từ dưới lên.

Với mong muốn giới trẻ, sinh viên học sinh nhìn nhận thời cuộc cho đúng, góp phần mình vào sự phát triển đất nước, đấu tranh cho đất nước công bằng dân chủ văn minh, nhà giáo Đỗ Việt Khoa cho rằng đây là một cuộc đấu tranh lâu dài mà trách nhiệm nằm trong tay giới trẻ, họ làm được thì đất nước sẽ phát triển, ngược lại thì đất nước cứ dậm chân như thế này mãi.