Tin này liên quan đến cây giống, hạt giống và có ý kiến của một Exryu là ông Võ Tòng Xuân.
VN xuất cảng được 1 tỉ đô la nông sản thì đã tốn khoảng 50% số tiền đó để mua giống, còn tiền mua phân, nước, tiền ăn chia giữa các đầu nậu, con buôn, tiền lời mượn nhà băng, tiền công... Cần phải có con số chính xác để xem có phải:
Gánh vàng đi đổ sông Ngô
Đêm về tơ tưởng đi mò sông Tương
hay vẫn tiến nhanh tiến mạnh trên con đường XHCN, với một lý tưởng không tuyệt vọng không cần ai tội nghiệp?
Sau những vụ pin chạy bằng nước, kỹ thuật nano xuất cho NASA... càng ngày càng thấy, "ta" càng chạy "tốt", mà vẫn không sao bắt kịp "thằng Thái Lan" loạn tối ngày vì "dân chủ, đa đảng", mà lại tiến gần và có thể bị vượt xa bởi các nước "bạn" Lào và Căm Bốt
Dĩ nhiên, "ta" vẫn có nhiều tin tích cực như sự trưởng thành đột xuất của một thành phần tuổi trẻ VN, con cháu của bác Hồ, thế hệ sinh ra và lớn lên từ những hạt giống đỏ (cũng nhập từ ngoại qua trung gian của BAK): 14 tuổi đã đủ tâm và tầm, nắm bắt cơ hội làm kinh tế, bằng cách tổ chức bắt cóc bạn mang qua Căm Bốt để tống tiền phụ huynh.
Buồn cho câu chửi mất gà
Sợ rằng mất giống mới là oái oăm
Đinh Thế Dũng
VN xuất cảng được 1 tỉ đô la nông sản thì đã tốn khoảng 50% số tiền đó để mua giống, còn tiền mua phân, nước, tiền ăn chia giữa các đầu nậu, con buôn, tiền lời mượn nhà băng, tiền công... Cần phải có con số chính xác để xem có phải:
Gánh vàng đi đổ sông Ngô
Đêm về tơ tưởng đi mò sông Tương
hay vẫn tiến nhanh tiến mạnh trên con đường XHCN, với một lý tưởng không tuyệt vọng không cần ai tội nghiệp?
Sau những vụ pin chạy bằng nước, kỹ thuật nano xuất cho NASA... càng ngày càng thấy, "ta" càng chạy "tốt", mà vẫn không sao bắt kịp "thằng Thái Lan" loạn tối ngày vì "dân chủ, đa đảng", mà lại tiến gần và có thể bị vượt xa bởi các nước "bạn" Lào và Căm Bốt
Dĩ nhiên, "ta" vẫn có nhiều tin tích cực như sự trưởng thành đột xuất của một thành phần tuổi trẻ VN, con cháu của bác Hồ, thế hệ sinh ra và lớn lên từ những hạt giống đỏ (cũng nhập từ ngoại qua trung gian của BAK): 14 tuổi đã đủ tâm và tầm, nắm bắt cơ hội làm kinh tế, bằng cách tổ chức bắt cóc bạn mang qua Căm Bốt để tống tiền phụ huynh.
Buồn cho câu chửi mất gà
Sợ rằng mất giống mới là oái oăm
Đinh Thế Dũng
Tốn cả tỉ USD nhập giống rau quả
(PL)- Thậm chí những giống đơn giản như bầu bí, cà chua, lúa chúng ta vẫn phải nhập khẩu.
GS Võ Tòng Xuân, một chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp, cho biết năm 2014 ước tính Việt Nam (VN) xuất khẩu khoảng 1,2 tỉ USD rau củ quả thì cũng phải bỏ ra khoảng 50% số tiền này để nhập khẩu giống.
Miếng bánh ngon cho doanh nghiệp ngoại
Theo GS Xuân, thị trường hạt giống rau trong nước hiện do các công ty nước ngoài chi phối với hơn 80% thị phần. Trong 10 doanh nghiệp (DN) hàng đầu chiếm 70% thị phần hạt giống rau thế giới thì sáu công ty đã có mặt tại VN. Các DN này đều đánh giá VN là thị trường tiềm năng. Có DN trung bình mỗi năm bán ra thị trường VN hơn 1 tỉ USD tiền hạt giống các loại.
Theo GS Xuân, bầu bí, cà chua… là loại cây dễ trồng, dễ lưu trữ giống nhưng thật đáng buồn là VN cũng phải nhập giống. Thật xót ruột khi hằng năm VN tốn hàng trăm triệu USD để nhập phần lớn hạt giống rau từ Mỹ, EU, Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc, Indonesia, Thái Lan...
Bà Nguyễn Thị Ánh Ngọc, Chủ nhiệm HTX Rau an toàn Thỏ Việt, cho hay hiện nay các trang trại trồng rau đều mua giống từ các công ty giống trong nước. Nhưng thực tế, những công ty này cũng nhập giống từ nước ngoài hoặc nhập về rồi tự lai tạo nhân giống bán. Giống rau quả ngoại nhập tỉ lệ nảy mầm cao, phát triển nhanh hơn giống nội nên người trồng ưa chuộng lựa chọn.
GS Võ Tòng Xuân cho rằng Nhà nước mà cụ thể là Bộ NN&PTNT cần đặt hàng hạt giống chất lượng cho nhóm nhà khoa học tự làm để tránh rơi vãi kinh phí làm giống khi rót xuống các trung tâm, viện.Trong ảnh: DN giới thiệu các giống rau, quả tại hội chợ triển lãm nông nghiệp. Ảnh: QUANG HUY
Không chỉ rau, nhiều giống lúa lai, bắp lai đang được gieo trồng trong nước cũng đều phải nhập khẩu. TS Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, cho biết ước tính tỉ lệ giống ngô lai VN nhập là 90% và nhập 70%-80% giống lúa lai. Hằng năm chúng ta phải chi khoảng 46 triệu USD để nhập khẩu 15.000 tấn giống lúa lai, 30-40 triệu USD mua gần 10.000 tấn hạt giống bắp lai. Lúa lai chủ yếu trồng ở miền Bắc, còn các tỉnh phía Nam vẫn chủ động được nguồn giống lúa thường.
TS Võ Mai, Phó Chủ tịch Hội Làm vườn VN, cho biết nước ta nhập hạt giống bắp, rau củ quả và cả lúa nữa một phần vì trình độ chọn tạo giống trong nước còn kém phát triển, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế sản xuất. Trong khi đó các DN giống nước ngoài giàu tiềm lực về kinh tế và công nghệ có thể tạo ra giống lai F1 chất lượng cao. Giống lai ngày càng chiếm ưu thế ở VN vì năng suất cao, đem lại giá trị kinh tế cao. Giống ngoại nhập cho rau quả thành phẩm có chất lượng đồng đều, phù hợp cho việc chế biến công nghiệp và xuất khẩu. Vì vậy dù cả nước có hàng trăm DN sản xuất, kinh doanh hạt giống nhưng phần lớn trong số đó là công ty thương mại, chủ yếu nhập khẩu giống từ Trung Quốc, Thái Lan về bán lại cho người dân.
Đừng để rơi vãi kinh phí làm giống
Ông Trần Đình Long, Chủ tịch Hội Giống cây trồng VN, cho hay trình độ nghiên cứu giống của nước ta mới chỉ dừng lại ở nhập khẩu giống ngoại về rồi chọn lọc, lai tạo, nhân giống. Giống sử dụng và phát triển trong vài năm sẽ bị thoái hóa và chúng ta tiếp tục phải nhập khẩu. Hơn nữa, kinh phí đầu tư để nhà khoa học nghiên cứu phát triển giống lại không đủ. Một nghịch lý là nghiên cứu xong, làm ra giống nhưng giá thành lại cao hơn so với giống ngoại bán tại VN.
Theo ông Long, muốn giảm nhập khẩu hạt giống, bớt lệ thuộc DN nước ngoài thì VN phải có những DN chịu đầu tư đứng ra sử dụng nhân lực chất lượng, trả lương cao, thậm chí thuê nhà khoa học đầu ngành để họ làm ra giống, sản phẩm trong nước đang cần với chất lượng tốt hơn, giá rẻ hơn.
Đồng quan điểm, GS Võ Tòng Xuân cho rằng các tập đoàn nông nghiệp của Thái Lan, Malaysia, Mỹ có viện nghiên cứu phát triển giống. Họ thuê hàng chục nhà khoa học quốc tế, trả lương hậu hĩnh, tạo mọi điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị để có những thành tựu khoa học về giống về công nghệ sản xuất giống. Trong khi đó ở nước ta, ví dụ hạt giống, viện nào cũng làm dẫn đến không tập trung được nguồn nhân lực.
“Nhiều năm nay chúng ta chủ yếu đi khai thác công nghệ, tiến hành nghiên cứu, hạt giống của VN không ra được đồng ruộng trên diện rộng. Chúng ta sai ngay từ cách đặt đề tài, cách tổ chức thực hiện. Phần lớn đề tài do các nhà khoa học tự đề xuất, hội đồng khoa học xét duyệt rồi làm. Do không xuất phát từ nhu cầu của thị trường nên các đề tài này manh mún, chỉ đơn thuần là ý tưởng đơn lẻ. Việc đặt hàng giống không tập trung và không ai chịu trách nhiệm. Có tiền tỉ nhưng rốt cuộc rơi vãi hết, đến cán bộ nghiên cứu thì chẳng còn tí nào” - GS Xuân chia sẻ.
Theo GS Xuân, hiện nay Nhà nước đã tạo điều kiện về vốn vay, thuế nhưng DN cần được hỗ trợ hơn nữa. Muốn có những sản phẩm hạt giống tầm quốc gia, Nhà nước nên đặt hàng cho các nhóm nhà khoa học hay công ty giống, trung tâm nghiên cứu đủ năng lực. Nhà nước phải cấp tiền, chủ nhiệm đề tài được tự chủ hoàn toàn trong hoạt động tài chính, tự thuê nhân lực ngoại, miễn làm sao có giống chất lượng. Bên cạnh đó nên có một giải pháp cung ứng và quản lý giống. Chẳng hạn, quy định các nhà nhập khẩu buộc phải sản xuất hạt giống trong nước sau hai năm khi bắt đầu nhập khẩu.
QUANG HUY
Coi chừng giống biến đổi gen
Nhiều nhà khoa học về cây trồng cho biết cuối tháng 8 VN đã mở cửa cho nhập một số giống bắp biến đổi gen (có chứng nhận an toàn sinh học) làm thức ăn chăn nuôi, thực phẩm. Tuy nhiên, các nhà khoa học cũng đã cảnh báo về nguy cơ lệ thuộc hoàn toàn vào các công ty nước ngoài về nguồn giống. Các nhà khoa học cho rằng giống bắp biến đổi gen có giá rất cao, gấp bảy lần so với giống bắp người nông dân trong nước đang trồng. VN có thể tốn hàng trăm triệu USD mua giống từ công ty nước ngoài. Đáng lo khi giống bắp biến đổi gen đã chiếm ưu thế, việc quay trở lại với giống truyền thống sẽ rất khó nếu không muốn nói là không thể. Đó là chưa ai chắc chắn về sức khỏe người dân và việc tác động đến môi trường của giống bắp biến đổi gen.
0o0
Con gì, cây gì cũng phải nhập: Heo, gà ngoại lấn át giống nội
Thứ năm, 02/10/2014 20:46
- Giá bò giống tăng và nguồn thức ăn của bò ít dần
- Nhu cầu cá giống tăng mạnh
- Nguồn cung cây giống dồi dào
Mỗi năm nước ta tốn khoảng 6 triệu USD nhập giống gia súc, gia cầm.
“Ngành chăn nuôi đang phải nhập khẩu heo giống và phụ thuộc hoàn toàn về giống gà từ các công ty nước ngoài tại Việt Nam!” - ông Nguyễn Đăng Vang, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam, chia sẻ.
Bên cạnh việc hỗ trợ giống cho người chăn nuôi, Nhà nước cũng cần có chính sách hỗ trợ ngành này đột phá đưa công nghệ cao vào lai tạo giống, khai thác triệt để nguồn con giống đầu dòng ngoại nhập. Ảnh: Q.Huy
Có con heo giống giá 5.116 USD
Dù là nước nông nghiệp nhưng mỗi năm Việt Nam phải tốn hàng trăm triệu USD để nhập khẩu hạt giống, con giống. Từ giống heo, gà, bò… đến hạt giống lúa, bí bầu, cà chua… đều phải nhập và phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn cung từ các công ty nước ngoài tại Việt Nam. Thực trạng trên đã và đang làm gia tăng chi phí sản xuất, dẫn đến những thiệt hại lớn cho nông dân lẫn doanh nghiệp nếu nhập nguồn giống kém chất lượng.
|
Cũng trong tám tháng đầu năm 2014, cả nước nhập gần 1 triệu con gia cầm giống. Giá nhập khẩu bình quân 3,93 USD/con giống. Giống nhập từ New Zealand và Mỹ đều tăng mạnh.
Theo ông Vang, không tính giống bò sữa thì mỗi năm nước ta tốn khoảng 6 triệu USD nhập giống gia súc, gia cầm. Trong đó, tốn khoảng 2 triệu USD nhập giống heo, 4 triệu USD giống gia cầm.
Như Nhật, Mỹ, Canada phải mất hàng trăm năm họ mới tạo ra được những con giống chất lượng. Việt Nam vẫn phải nhập giống cụ kị nước ngoài đem về chọn lọc, nhân thuần thích nghi mới có con giống đưa vào sản xuất. Hằng năm nước ta đã nhập khẩu bình quân khoảng 1-1,2 triệu con giống gia cầm, hơn 1.000 heo giống, 7.000-8.000 bò giống sữa và thịt. Đấy là chưa kể một lượng giống nhập lậu khổng lồ từ Trung Quốc đổ vào nước ta.
Ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, thông tin: “Hằng năm các trang trại cùng với các hợp tác xã, doanh nghiệp (DN) liên kết lại mới đủ tiền để nhập heo giống từ Mỹ. Heo đực giống có giá khoảng 2.600 USD/con, heo nái có giá 1.800 USD. Phải nhập giống vì năng suất, chất lượng giống heo ngoại tốt hơn hẳn giống ở các cơ sở trong nước. Một con heo nái giống ngoại đẻ được 28 con/năm, trong khi con giống Việt Nam chỉ có 18 con/năm. Chưa kể để nuôi con giống nội tiêu tốn lượng thức ăn nhiều hơn. Để được 1 kg thịt, giống heo nội cần tới 2,8 kg thức ăn, trong khi giống heo ngoại chỉ cần 2,4 kg thức ăn”.
Theo ông Công, các công ty giống trên thế giới đều áp dụng công nghệ khai thác giống bắt đầu từ cấp cụ kị - ông bà - cha mẹ - thương phẩm nên chất lượng, năng suất, khả năng chống chịu bệnh tật tốt. Nhưng Việt Nam, các công ty giống lại bắt đầu từ giống cha mẹ sản xuất ra con thương phẩm. Ngay cả con heo giống cụ kị nhập khẩu về cũng chỉ khai thác được 3-4 năm, những trang trại tự làm cũng được vài năm là thoái hóa giống, năng suất, chất lượng giảm nên rốt cuộc năm nào cũng phải nhập giống.
Mối nguy phụ thuộc
Ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam, cho biết nguồn cung gà giống dùng nuôi để đẻ trứng trong nước hiện do các công ty có vốn đầu tư nước ngoài như C.P Việt Nam, Japfa và Emivest cung cấp. Thị phần của các đơn vị này chiếm hơn 90% cả nước. Mỗi tháng ba đơn vị này cung cấp ra thị trường khoảng 6,2-6,5 triệu con giống. Gà lông trắng thì không phải bàn vì 100% phụ thuộc DN ngoại nhưng giống gà lông màu, vốn là giống thế mạnh của nước ta cũng đang bị DN ngoại lấn át.
Ông Phạm Đức Bình, Giám đốc Công ty Cổ phần Thanh Bình, cho rằng DN nước ngoài nắm hoàn toàn thị phần gà giống khiến ngành chăn nuôi trong nước bị động, phụ thuộc. Đã từng xảy ra chuyện DN dùng “vũ khí” con giống để điều khiển thị trường. Chẳng hạn với gà giống lông trắng, thời gian qua đã có dấu hiệu cho thấy các DN nước ngoài tung chiêu tăng giá khiến các chủ trang trại khốn khó. Vốn đầu tư cho một trại gà 10.000 con phải hơn 1 tỉ đồng, tiền gà giống đã ngốn hơn 1 tỉ đồng. Chỉ cần DN ngoại tăng giá giống là trang trại lại tốn thêm cả đống chi phí đầu vào. Cũng có trường hợp các DN ngoại bắt tay nhau giảm nguồn cung giống gà đẻ cho các trang trại để tăng giá trứng. Khi đó chỉ những trang trại của các DN ngoại hưởng lợi.
Cần chính sách hỗ trợ cho các cơ sở giống trong nước
Theo ông Nguyễn Đăng Vang, việc phát triển giống vật nuôi ở nước ta hạn chế do cơ sở vật chất, thiết bị của nhiều trung tâm giống không được đầu tư đúng mức, chưa đáp ứng yêu cầu cho các thí nghiệm có độ chính xác cao. Ngoài ra, nguồn kinh phí dành cho các đề tài nghiên cứu về giống còn hạn chế.
Ông Vang cho rằng cần ứng dụng công nghệ cao trong việc tạo và nhân nhanh các giống mới có năng suất, chất lượng cao để đưa ra sản xuất. Đối với giống heo, cần chọn tạo giống đặc trưng cho Việt Nam nhằm khai thác gien quý, chọn lọc nâng cao hiệu quả con giống.
Còn theo TS Nguyễn Thanh Sơn, Viện Chăn nuôi, việc nhập khẩu giống vật nuôi là cần thiết, nước nào cũng phải nhập. Quan trọng là chúng ta khai thác và sử dụng có hiệu quả các giống vật nuôi ngoại, tránh tình trạng nhập khẩu giống vật nuôi kém chất lượng hoặc nhập khẩu ồ ạt nhiều nguồn gien không có chọn lọc. TS Sơn cho rằng nên có chính sách ưu tiên cho lĩnh vực tư nhân tham gia vào nghiên cứu phát triển con giống thay vì đầu tư quá nhiều cho các cơ sở nghiên cứu của Nhà nước nhưng hiệu quả thấp. Nhà nước cần nghiên cứu cơ chế, chính sách phù hợp để hỗ trợ cho các cơ sở giống trong nước về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, ưu đãi thuế.
Bộ NN&PTNT sẽ tăng cường công tác quản lý, kiểm tra giám sát chất lượng giống, chỉ cấp chứng chỉ giống cho những cơ sở sản xuất có uy tín và công khai những cơ sở không bảo đảm chất lượng. Liên doanh liên kết với các cơ quan, địa phương, DN nhằm huy động các nguồn vốn để phát triển và đầu tư cho đàn giống theo yêu cầu và thực tế sản xuất của Việt Nam, từng bước hạn chế nhập khẩu con giống như hiện nay.
Ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi
Năm nào tôi cũng mua giống vịt của một DN nước ngoài tại Việt Nam là do giống ngoại ổn định, chất lượng đồng đều, tăng trọng nhanh và có nhiều chính sách hỗ trợ tốt.
Ông Châu Nhật Trung, Giám đốc Công ty Huỳnh Gia Huynh Đệ
Ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi
Năm nào tôi cũng mua giống vịt của một DN nước ngoài tại Việt Nam là do giống ngoại ổn định, chất lượng đồng đều, tăng trọng nhanh và có nhiều chính sách hỗ trợ tốt.
Ông Châu Nhật Trung, Giám đốc Công ty Huỳnh Gia Huynh Đệ
0o0
Bắt cóc cả bạn để lấy tiền ăn chơi thác loạn
17/10/2014 00:21 UTC+7
(Công lý) - Những bị cáo lấy tay ôm mặt trước vành móng ngựa đều một thời là những “cậu ấm cô chiêu”, trong đó có hai nữ bị cáo đang ở độ tuổi cắp sách tới trường.
Tuy “trẻ người” nhưng các bị cáo lại lên một kế hoạch bắt cóc rất bài bản nhằm tống tiền để nướng vào những trò ăn chơi sa đọa. Phiên tòa cho thấy, khi các bậc phụ huynh thiếu quan tâm, giáo dục con cái thì hậu quả để lại luôn nặng nề và đáng tiếc…
Cáo trạng của vị đại diện VKSND thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương công bố tại phiên tòa khiến nhiều người lắc đầu ngán ngẩm vì sự “hư sớm” của các nữ bị cáo. Nguyễn Thị Mỹ Nguyên (16 tuổi), Nguyễn Thị Như Linh (16 tuổi), Tô Hồng Thắm (14 tuổi) cùng ngụ tỉnh Bình Dương là bạn bè thân thiết. Dù đang tuổi cắp sách đến trường nhưng Nguyên, Linh, Thắm không tha thiết gì với việc học hành, thường xuyên giao du với Nguyễn Xuân Cường (23 tuổi), Hồ Minh Trung (24 tuổi) và Võ Văn Lắm (31 tuổi) cùng ngụ tỉnh Bình Dương. Các bị cáo hẹn hò nhau tại các nhà nghỉ thuộc phường Mỹ Phước, thị xã Bến Cát để cùng sinh hoạt, ăn chơi sa đọa.
Hình minh họa
Việc chơi bời nhanh chóng nướng cạn số tiền bố mẹ chu cấp khiến các bị cáo rơi vào cảnh cháy túi. Đầu tháng 3/2013, các bị cáo tụ tập, nghĩ cách kiếm tiền để tiếp tục cuộc vui. Thắm ít tuổi nhất nhóm nhưng tỏ ra “lanh trí”, bàn bạc với Cường, Trung, Nguyên và Linh lên kế hoạch dụ dỗ các thiếu nữ đưa sang Campuchia, sau đó tống tiền gia đình họ nhằm chiếm đoạt tài sản. Thắm kể có quen với em Nguyễn Xuân Hoa, học sinh lớp 8 tại thị xã Bến Cát. Thắm từng học chung khối với Hoa nên có thể hẹn hò, dụ dỗ nạn nhân đi chơi để cả nhóm bắt cóc đưa sang Campuchia. Để kế hoạch trót lọt, Cường, Trung tìm gặp một người quen ở huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh là Phan Thị Kim Oanh (40 tuổi) nhờ giúp đỡ. Oanh đồng ý giúp Cường, Trung thực hiện kế hoạch đưa người sang Campuchia, thậm chí còn sốt sắng ứng trước cho chúng 1,5 triệu đồng làm lộ phí.
Cùng lúc này, Thắm tiếp cận em Nguyễn Xuân Hoa, tâm sự về việc Thắm sắp phải chuyển lên TP. Hồ Chí Minh ăn học nên muốn đi chơi với Hoa một ngày làm kỷ niệm chia tay. Em Hoa thấy Thắm thuê xe taxi đến đón cũng không hề nghi ngờ vì cùng là bạn thân. Thắm giải thích đi Tây Ninh xa nên thuê taxi sáng đi chiều về. Sau đó, bọn chúng đã đưa em Hoa vượt biên giới sang Campuchia. Trên đường đi, Cường, Trung đã cùng nhau canh gác, khống chế người bị hại. Chúng điện thoại cho mẹ em Hoa là bà Nguyễn Thị Xuân thông báo, Hoa sang Campuchia đánh bạc thua nhiều tiền nên đã bị giam giữ và hăm dọa sẽ chặt tay nạn nhân gửi về nếu không nhận được tiền chuộc.
Bọn chúng khủng bố tinh thần bà Xuân bằng cách thay nhau gọi điện liên tục, sau đó cho em Hoa nói chuyện trực tiếp với mẹ, yêu cầu phải đưa 3.000 đô la. Bà Xuân đã vay mượn tiền đến cửa khẩu Mộc Bài giáp biên giới Campuchia chuộc con. Sau khi nhận tiền, Lắm đã đưa em Hoa về trả lại cho bà Xuân. Từ tố giác của người bị hại, Cơ quan điều tra nhanh chóng truy xét, bắt gọn Oanh, còn Cường, Trung và Lắm tìm cách lẩn trốn nhưng sau đó đã ra đầu thú. Dù Thắm là người trực tiếp thực hiện hành vi bắt cóc nhưng vào thời điểm gây án, Thắm chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự nên không bị khởi tố.
Các bị cáo khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội và tỏ thái độ hối hận khi đứng trước vành móng ngựa. Bị cáo Nguyễn Xuân Cường khai, do thiếu tiền ăn chơi nên “túng quá hóa liều”, trước đây, chính bị cáo đã từng dựng kịch bản tự “vẽ” chuyện bị giam giữ tại sòng bài Campuchia do thua bạc để cha bị cáo phải mang 60 triệu đồng đến chuộc về. Bọn chúng lấy khoản tiền đó chia nhau tiêu xài. Bị cáo Hồ Minh Trung khai cũng từng cùng đồng bọn dựng chuyện bị thua bạc và thiếu nợ để bố mẹ phải cống nộp tiền chuộc. Tuy nhiên, do gia cảnh Trung quá khó khăn nên chúng không thực hiện được ý định. Trong vụ bắt cóc em Nguyễn Xuân Hoa; Trung, Cường chia nhau mỗi tên 12 triệu đồng, Lắm hưởng 5,5 triệu đồng, còn Linh, Nguyên và Thắm nhận 2,5 triệu đồng. Có tiền, các bị cáo lại tiếp tục ăn chơi thác loạn.
Tại phiên tòa, mẹ em Hoa là bà Nguyễn Thị Xuân nhớ lại: “Gia đình tôi rất nghèo, chồng lại vừa qua đời, chỉ mình tôi nuôi hai con nhỏ ãn học. Khi nghe chúng đòi 3.000 đô la, tôi bàng hoàng nhưng vẫn cố gắng vay nóng nhiều người được 43 triệu đồng. Ðến nay, người thân các bị cáo mới khắc phục được 25 triệu ðồng, hiện tôi còn đang nợ hơn 20 triệu đồng, điều may mắn là con tôi vẫn an toàn”. Những người dự khán đồng cảm với gia đình người bị hại và tỏ ra ngán ngẩm cho sự vô cảm của gia đình các bị cáo. Chính sự thờ ơ, thiếu quan tâm, giáo dục của các bậc làm cha mẹ đã gây ra bi kịch. Trong vụ án, Thắm mới 14 tuổi nhưng suốt ngày lêu lổng, thoải mái tụ tập với các thanh niên thuê khách sạn ăn chơi. Các nữ bị cáo khác cũng vừa đủ 16 tuổi nhưng đã sớm đua đòi, ăn chơi sa đọa. HĐXX tuyên phạt Nguyễn Xuân Cường, Hồ Minh Trung và Phan Thị Kim Oanh mỗi bị cáo 6 năm tù; Võ Văn Lắm 5 năm 6 tháng tù; Nguyễn Thị Mỹ Nguyên 3 năm tù, Nguyễn Thị Như Linh 30 tháng tù.
(Tên người bị hại đã được thay đổi)