Tuesday, 6 January 2015

Kẻ Thù Giấu Mặt Khoảng Cách Nhận Thức Giữa Hai Thế Hệ

Đỗ Văn Phúc

Có những tình huống từng tái diễn trong lịch sử một cách một cách thú vị mà nếu chúng ta chịu khó nghiên cứu thì cũng giúp rút ra những bài học quý báu để tránh những sai lầm của người đi trước.

Năm 1954, ngay sau khi Hiệp Định Geneve được ký kết chia nước Việt Nam ra làm hai miền với hai chế độ chính trị đối nghịch, Hồ Chí Minh và phe đảng ở miền Bắc đã âm thầm chuẩn bị nhân sự, cơ sở cho một cuộc chiến tranh mà chờ đến tháng 9 năm 1960 họ mới loan báo trong Đại Hội lần thứ ba của Đảng Lao Động Việt Nam (là Đảng Cộng Sản Đông Dương được đổi tên vào Đại Hội 2 năm 1951 để che đậy, đánh lừa công luận. Sau kỳ Đại Hội 4 năm 1976, lấy lại tên là Đảng Cộng Sản Việt Nam). 

Đúng 60 năm trước đây, người Mỹ đã đến Việt Nam trong vai trò đồng minh để viện trợ cho nước Việt Nam Cộng Hoà sơ sinh về tất cả mọi mặt, trong đó quân sự là trọng tâm nhằm xây dựng một Quân Đội Quốc Gia - thành lập năm 1950 từ những đơn vị manh mún do Pháp huấn luyện và trang bị một cách nghèo nàn, lạc hậu.

Đại Tướng John O’Daniel cầm đầu cơ quan MAAG (Military Assistance and Advisory Group) và người kế nhiệm là Đại Tướng Samuel William cũng đã ngửi thấy mùi chiến tranh sẽ xảy ra không xa, nên đã cật lực tái trang bị và huấn luyện cho một đạo quân chính quy theo mô hình Quân Đội Hoa Kỳ. Họ muốn đó là một đạo quân với nhiều sư đoàn mạnh về hoả lực và tiếp liệu để dùng trong chiến tranh quy ước. Trong khi đó, các giới chức cao cấp ở Bộ Tổng Tham Mưu Quân Đội Việt Nam bất đồng phương thức này, vì biết trước rằng miền Nam sẽ phải đối phó với cuộc chiến mang hình thái một chiến tranh bạo loạn (insurgent war) hơn là cuộc tấn công chủ lực (conventional war). Phía Việt Nam chủ trương xây dựng một quân đội nhẹ, có tính cơ động, uyển chuyển để thay đổi theo từng tình huống. Chính cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm đã phản đối khảo hướng của Hoa Kỳ khi ông nói với Tướng William vào đầu cuộc chiến năm 1955: ”Chúng ta nên khởi sự chiến tranh du kích về phía chúng ta…” và sau này lại được Trung Tướng Ngô Quang Trưởng đồng tình: “Trong hoàn cảnh chiến tranh khuynh đảo, Quân Lực VNCH đã không thích ứng được với lối đánh mà chúng ta đã không được huấn luyện.”

Đảng Cộng Sản Việt Nam học hỏi từ cuộc chiến Trung Hoa và cuộc kháng chiến chống Pháp, đã triệt để áp dụng các sách lược về Chiến Tranh Nhân Dân (People’s War) do Mao Trạch Đông đề ra. Thực chất đó là cuộc chiến tranh du kích, lấy nông thôn làm chỗ tựa để bao vây thành thị; dùng những đơn vị nhỏ quấy rối làm tiêu hao sinh lực đối phương; dùng khủng bố để áp đảo tinh thần dân chúng. Khi cần thì bôn tập những lực lượng đông gấp 5, 10 lần để công đồn và đả viện. Họ đánh lén rồi đi, phân tán trong những căn cứ địa hoặc  để lại cán bộ nằm vùng, ẩn náu trong quần chúng. Muốn đối đầu trong loại chiến tranh này, miền Nam cần chú trọng vào việc ổn định ở nông thôn là chính; mà trong đó vai trò của các đơn vị quân nhỏ, lấy tài nguyên nhân lực ngay từ địa phương và cũng bám trụ tại địa phương. Ngoài ra phải song hành với các chương trình để cải thiện đời sống nông thôn để cho người dân có một chỗ dựa đáng tin cậy về an ninh và tin tưởng vào chính nghĩa quốc gia. Chương trình Ấp Chiến Lược đã thực sự có hiệu quả, nhưng sớm bị xoá bỏ khi Tổng Thống Diệm bị lật đổ và không được Hoa Kỳ quan tâm yểm trợ.

Một quân đội chính quy như Quân Lực VNCH hùng mạnh, thành công về mặt chiến thuật, có thể chiến thắng, giết nhiều địch quân trong một trận chiến. Nhưng sau đó lại rút đi hành quân nơi khác để lại nông thôn cho du kích Cộng Sản quay trở lại thì rõ ràng bao nhiêu công lao, máu xương chiến sĩ đổ ra đã không đạt được mục tiêu bình định. Cần nhớ rằng trong giai đoạn đầu cuộc chiến Việt Nam, lực lượng diện địa (Bảo an, Dân Vệ) bị coi rẻ và rất yếu kém vừa về phương diện tổ chức, huấn luyện và trang bị. Đến khi sáp nhập vào Quân Lực VNCH để có được sự cải thiện thì đã quá muộn.

Nước Mỹ, vừa chiến thắng Nhật Đức trong Đệ Nhị Thế Chiến, ngoi lên hàng cường quốc vô địch, đã tự đứng ra lãnh đạo khối Thế Giới Tự Do. Dựa vào khả năng kinh tế tài chánh khổng lồ, Hoa Kỳ đã ban bố viện trợ cho hàng chục quốc gia từ Âu sang Á; do đó, không tránh khỏi tính tự phụ, tự mãn, coi thường ý kiến của các lãnh tụ đồng minh khi xem xét đến những vấn đề chính trị địa phương.

Đó là sự cách biệt trong cách nhìn về cuộc chiến, mà hoá ra phía Việt Nam Cộng Hoà đã đúng; nhưng do thế yếu mà đã không xoay chuyển được nhận thức của người bạn Hoa Kỳ khổng lồ vừa là người ban ơn.

Hậu quả của lối đánh giá khác biệt giữa Hoa Kỳ và VNCH đã dẫn đến thất bại trong chiến tranh Việt Nam khi Hoa Kỳ cắt viện trợ quân sự và đội quân thiện chiến VNCH - từng lệ thuộc nặng nề về không yểm, pháo yểm, tiếp vận kiểu nhà giàu - đã không có khả năng thích ứng với hoàn cảnh chiến đấu trước những làn sóng tấn công vũ bão của quân chính quy miền Bắc ở giai đoạn cuối cùng của cuộc chiến.
Dĩ nhiên, có hàng loạt những nguyên nhân khác cũng quan trọng không kém đã dẫn đến sự mất miền Nam. Nhưng trong đó, sự thất bại về chiến lược quân sự phải kể là hàng đầu.

Bốn mươi năm sau khi chiến tranh quân sự chấm dứt, vẫn còn tiếp diễn cuộc chiến âm thầm giữa người Việt Quốc Gia và bạo quyền Cộng Sản. Dù Cộng Sản không thay đổi trong bản chất, nhưng những hình thái chiến tranh đã mang những màu sắc khác. Ngày trước thì ba mũi giáp công (quân sự, chính trị, binh vận); ngày nay thì hàm chứa trong Nghị Quyết 36 là văn hoá vận, quần chúng vận, xâm nhập lũng đoạn để tiến tới nắm lấy sự kiểm soát cộng đồng Việt Nam hải ngoại. Ngày trước thì nón cối, dép râu; ngày nay là những nhà ngoại giao lịch lãm ngồi trên những limousine láng bóng. Ngày trước là hàng loạt đạn hoả tiễn, trọng pháo; ngày nay là những cuốn video, những bản nhạc, những bài viết ve vuốt tình tự dân tộc để dần dần chiếm những tình cảm, sự quen thuộc  để có thể bắt đầu gài vào những tuyên truyền chính trị về sau.

Việt Cộng ngu dốt, yếu kém trong kinh bang tế thế; nhưng rất thành thạo và kinh nghiệm về các hoạt động khuynh đảo. Ngày trước Cộng Sản đã thành công trong việc gài người trong làn sóng di cư vào Nam, điển hình qua Cụm Tình Báo Chiến Lược A-22 làm xôn xao dư luận trong và ngoài nước năm 1969. Ngày nay, Cộng Sản tổ chức một mạng lưới tình báo gián điệp từ trong các toà Đại Sứ, Lãnh Sự ra đến những cơ sở kinh tài với kinh phí khổng lồ để xâm nhập vào cộng đồng hải ngoại. Họ nhắm vào sử dụng các thành phần chính:

1.      Những người gài vào trong những chuyến vượt biên.

2.      Những người gài trong các chương trình đoàn tụ, ngay cả chương trình HO cũng không ngoại lệ.

3.      Những người có quyền lợi gắn bó tại nội địa, như những thương nhân từng đem tiền về nước đầu tư, những người còn nặng nợ gia đình còn lại ở VN. Việt Cộng chắc phải dùng những tình trạng này như giữ con tin để áp lực, mua chuộc.

4.      Những kẻ ham tiền, háo danh sẵn sàng phản bội lý tưởng. Những kẻ háo sắc lại càng dễ bị gài bẫy tạo scandal để sai khiến.

5.      Những người vô tư không quan tâm hay thiếu ý thức chính trị dù họ mang lý lịch tị nạn. Đây là đối tượng mà Việt Cộng nhắm vào trong các hoạt động văn hoá vận.

Có những người đã tự công khai lộ diện. Có những người đã bị phanh phui qua các trang sách, tài liệu khả tín. Nhưng còn vô số người đang hoà lẫn trong tổ chức chúng ta mà sự nhận diện kể ra không khó qua hành tung nhưng đòi hỏi bằng cớ cụ thể là điều bất khả trong điều kiện của chúng ta. Chúng ta đang ở ngoài ánh sáng, và kẻ thù thì vẫn núp trong bóng tối. Vì thế, người Quốc Gia phải thật tỉnh táo, tự chế để không nói, viết ra những điều suy diễn tuy hợp tình hợp lý, nhưng có tính cách mơ hồ dễ gây phản ứng bất lợi, bị giới trẻ mất lòng tin vì họ coi đó là chụp mũ, vu khống.

Trong cuốn sách Mặt Trận Đại Học Thời Việt Nam Cộng Hoà mới xuất bản, tác giả Bạch Diện Thư Sinh cũng đề cập đến việc Toà Án VNCH đã phải thả các đảng viên Cộng Sản nòng cốt lãnh đạo những phong trào sinh viên đấu tranh vào thời điểm gay cấn nhất của miền Nam chỉ vì tôn trọng căn bản luật pháp dân chủ và bị áp lực của những thành phần thiên tả. Đó cũng là nỗi khổ tâm hiện nay của những người Quốc Gia chính trực khi nhận biết kẻ thù, nhưng không thể nói ra công luận trong xã hội thượng tôn pháp luật. Bọn này sau 1975 đã nắm giữ những vai trò quan trọng trong Đảng Cộng Sản và hệ thống nhà nước như Dương Văn Đầy, Lê Công Giàu, Hùynh Tấn Mẫm, Lê Văn Nuôi…

Và so với sự khác biệt về nhận thức giữa Hoa Kỳ và VNCH ngày xưa;  hiện nay, giũa hai thế hệ già trẻ ở hải ngoại cũng nổi bật lên sự cách biệt về nhận thức trước một kẻ thù chung vô cùng nham hiểm, đầy thủ đoạn lừa bịp. Sự xung đột này đã và đang diễn ra trong các sinh hoạt hội đoàn, tổ chức cộng đồng mà chưa có một nhịp cầu thông cảm đúng mức để hoá giải.

Khi bàn về cách nhìn, đánh giá cộng đồng Việt Nam hải ngoại sự việc, chúng ta thường gặp vô vàn ý kiến khác nhau, có khi chỉ nhẹ nhàng, nhưng cũng có khi gay gắt dẫn đến mâu thuẫn và chia rẽ.

Người trẻ ở Mỹ, được giáo dục từ nhỏ tính chân thật, ngay thẳng. Do kinh nghiệm sống trong một xã hội văn minh, dân chủ, họ nhìn và đánh giá mọi vật như nó đang hiển hiện mà không xét đến những yếu tố phức tạp bên trong. Nếu có hiểu biết chút nào về Cộng Sản, thì cũng chỉ là những kiến thức đơn giản qua những trang sách vở mà chưa từng được trải nghiệm như lớp cha chú của họ. Họ chỉ khẳng định điều gì đúng sai đòi hỏi những dữ kiện chứng minh cụ thể mà không đi theo lối suy luận diễn dịch từ quan sát, tổng hợp thường được áp dụng trong các môn khoa học xã hội.  Cũng có trường hợp vài người trẻ quá tự phụ về bằng cấp khoa bảng mà coi thường thế hệ cha chú mình. Họ quên rằng cha chú có thể thua kém về kiến thức khoa học chuyên môn, nhưng chắc không thua về kiến thức khoa học xã hội và kinh nghiệm chính trị. Và cả hai phía đều có những điều cần học hỏi nhau.

Chỉ nói về một tỉnh vật  đơn giản, chúng ta mỗi người cũng đã có cách nhìn khác nhau từ những góc độ hay tâm lý khác nhau. Đến con người thì rõ ràng rất phức tạp. Vì ngoài hình thể còn có trí tuệ và tâm lý. Ngay cái vẻ bên ngoài cũng có thể được che đậy khéo léo bằng hoá trang, giải phẩu để lừa gạt con mắt người. Nói chi đến bên trong thiên biến vạn hoá. Con người là sản phẩm của xã hội. Một sự nhận xét về con người phải được nhìn từ nhiều yếu tố: hành tung, quá trình giáo dục, xuất thân, ảnh hưởng xã hội, điều kiện sống… Mỗi một giây, một phút, những yếu tố trên đều tác động để biến chuyển tâm lý con người một cách sâu sắc. Chúng ta không thể hời hợt chỉ nghe qua lời phát biểu hay một hành vi nhất thời để kết luận về một người. Trong luật học thì một người phải coi vô tội trước khi toà xét có tội; trong chính trị thì người ta có thể đánh giá con người hay sự việc một cách gần đúng sau khi xét qua những yếu tố như đã nói ở trên. Ví dụ, khi nhận xét về những nhân vật “phản tỉnh” từ chế độ Cộng Sản, chúng tôi phải truy tìm từ những bài văn, lời phát biểu. Đọc từng câu, từng chữ để tìm thấy trong sơ hở của họ cái lập trường quan điểm thật thay vì nghe đọc những lời mị dân vừa phát biểu hôm nay. Có điều là chúng ta không vồn vập, tâng bốc; cũng như không mạt sát đả kích nặng lời đối với những người mà chúng ta chưa thật sự hiểu rõ sự biến chuyển trong quan điểm lập trường của họ. Dù sao, thêm một người bạn vẫn tốt hơn thêm một kẻ thù.

Ngày nay, thế hệ một đã qua tuổi thất thập cổ lai hy, không còn năng lực để tiếp tục gánh vác trọng trách lãnh đạo cộng đồng nên đã có khuynh hướng chuyển giao cho giới trẻ. Nhưng những cách biệt, bất đồng về cách nhìn, đánh giá vấn đề và cung cách sinh hoạt vẫn là trở ngại chính. Nếu không hoá giải được, sẽ tạo một khoảng trống lâu dài trong sinh hoạt chung; là khe hở để kẻ địch nhảy vào lợi dụng.

Học hỏi kinh nghiệm đối phó với Cộng Sản trong thời chiến tranh, chúng tôi mong muốn thế hệ cha chú mềm dẻo tinh tế hơn trong cư xử với thế hệ 2, 3. Đó là biết phục thiện và chấp nhận bất đồng, không tự coi mình là trưởng thượng để áp đảo. Ngược lại, cũng mong thế hệ con cháu tạm đứng thoát ra khỏi khung cảnh xã hội dân chủ văn minh để thừa nhận rằng trong chính trị không đơn giản là cách nhìn trực diện, và con người không phản ảnh trung thực qua hình dáng, lời nói bên ngoài mà còn nhiều yếu tố nội tại dược khéo léo che đậy để lừa gạt những người thiếu kinh nghiệm và dễ tin. Lối suy nghĩ, đánh giá cách văn minh chỉ đúng để đối phó với địch thủ ngang tầm văn hoá; nhưng sẽ là con cừu non trước kẻ thù Cộng Sản có một lịch sử gần thế kỷ đầy thủ đoạn man trá, dối bịp.

Chúng ta cùng đặt mục tiêu chính lên hàng đầu mà cởi mở, cảm thông những dị biệt nhỏ mới mong có cơ hội cùng hợp tác chân thành để sớm thành công.

Đỗ Văn Phúc
Giáng Sinh 2014

Tài Liệu Tham Khảo

 
Bạch Diện Thư Sinh. Mặt Trận Đại Học Thời Việt Nam Cộng Hoà. Hoàng Sa, 2014.
Catton, Phillip E., Diem’s Vietnam Failure: Prelude to American’s War in Vietnam (Lawrence: University Press of Kansas,  2002) 87.
Do, Michael P., Polwar in the Republic of Vietnam Armed Forces. Vietnam Archive, Lubbock, TX. http://www.vietnam.ttu.edu/events/2002_Symposium/2002Papers_files/do.php
Lansdale, Edward G., In the Midst of the War: An American's Mission to Southeast Asia, NY: Harper & Row, 1972.
Page, Tim and John Pimlott, eds. The Vietnam Experience 1965-1975, NY: Barnes & Noble Inc., 1995.
Shaplen, Robert. The Lost Revolution: The U.S. in Vietnam, 1946-1966. NY: Harper and Row, 1966
Spector, Ronald H. Advice and Support: The Early Years, The U.S. Army in Vietnam. Washington, DC: U.S. Army Center of Military History, 1983.
Truong, Lt. Gen. Ngo Quang, Indochina Monographs. Territorial Forces (Washington, DC; Center of Military History, 1980) 25.
Wiest, Andrew. The Vietnam’s Forgotten Army. NY: New York University Press, 2009