Thursday 26 February 2015

từ trại giam đến trại guam (1 & 2) - Đinh Từ Thức

Mới đây mà đã 40 năm. Thời gian đi quá mau!
Trong cuộc đổi đời 40 năm trước, hầu như mỗi người có câu truyện riêng, có khi cùng một gia đình, truyện mỗi người một khác. Nhân kỷ niệm 40 năm mất Sài Gòn, xin kể lại sau đây đoạn đầu cuộc ra đi của tôi, Từ Sài Gòn đến Guam. Những gì tôi đã trải qua, được ghi lại theo trí nhớ. Những gì không trực tiếp trải qua, được viết theo những tài liệu đã xuất bản.
Mối lo đảo chánh
Từ tháng Ba, 1975, tin xấu đến dồn dập. Ngày 10, mất Ban Mê Thuột. Bốn ngày sau, Quân Đoàn 2 rút khỏi Cao Nguyên trong kinh hoàng. Ngày 25, Cộng quân tràn ngập Huế. Ngày 26-27, Đà Nẵng hấp hối trong hoảng loạn.
Trong cuốn Decent Interval do Random House xuất bản năm 1977, tác giả Frank Snepp, nhà phân tích chiến lược hàng đầu của CIA ở Việt Nam, sau khi mô tả cảnh hỗn loạn tìm đường sống tại Đà Nẵng vào ngày 27 tháng Ba, 1975, đã viết về buổi chiều hôm đó tại Sài Gòn, như sau:
Vào đầu buổi chiều cùng ngày, Tổng Thống Thiệu lên đài truyền hình quốc gia với bài phát biểu chỉ lâu có năm phút, thúc dục toàn dân hãy “chận đứng đà tiến của địch”. Sự công khai tái xuất hiện của ông cũng đáng chú ý như thông điệp của ông, vì trên hai tuần trước ông hầu như biệt tăm, chỉ xuất hiện hai lần ngắn ngủi trên TV, khiến tin đồn loan truyền trong thành phố rằng ông đã bị giết, hay bị loại.
Sau màn truyền hình, ông Thiệu rời Dinh trong xe limousine chống đạn, tới một nơi ẩn náu riêng tư gần khách sạn Majestic ở bờ sông. Ông ngồi tới khuya thảo luận với những phụ tá thâm niên. Về những chuyện còn kinh khủng hơn cả tin từ mặt trận, đó là những tin đồn đảo chánh do Kỳ manh động, xem chừng vẫn ám ảnh và khiến ông lo ngại. Trước đó trong ngày, Kỳ đã táo bạo công bố lời hiệu triệu quốc dân, một lần nữa kêu gọi Thiệu từ chức. Nhưng Tổng Thống đã sẵn sàng cho chuyện này. Chỉ trong khoảng một tiếng đồng hồ, các sĩ quan chọn lựa từ lực lượng Cảnh Sát Quốc Gia đã bắt giữ nhiều người liên minh với Kỳ, ba nhà báo và bốn “chính khách chầu rìa” (fringe politicians) đã bị tố “âm mưu lật đổ chính quyền”. Không có nhân vật chính nào quanh Kỳ bị đụng tới, ít nhất là chưa, nhưng những vụ bắt giữ này rõ ràng có nghĩa là cảnh báo cuối cùng cho họ (Decent Interval, trg: 242, 243).
clip_image002
Tướng Thiệu nhìn Tướng Kỳ: (Chà … đeo kính đen, mặc áo Mao, đi boots, còn bắt chân chữ ngũ. Muốn đảo chánh hả?)
Vụ bắt người nói trên đã xảy ra tối 26, không phải 27, và số bị bắt hôm đó không phải chỉ có 7 người. Tôi là một trong ba nhà báo bị bắt.
Khoảng nửa đêm 26 tháng Ba, các con đã ngủ yên từ lâu, tôi đang ngồi viết bài cho Chính Luận, bỗng có tiếng chó sủa, rồi tiếng gọi mở cổng để cảnh sát vào xét sổ gia đình.
Trẻ con vẫn ngủ yên. Không hỏi thẻ căn cước nhà tôi, cũng không kiểm điểm người theo sổ gia đình, cảnh sát chỉ mời tôi “ra đầu đường xác nhận lý lịch rồi về”. Bước ra khỏi cổng chừng vài chục mét, người ta ra hiệu cho tôi lên một chiếc xe Jeep đợi sẵn. Vừa ngồi xuống ghế xe, có tiếng nói: “Chúng tôi được lệnh bắt ông”. Cùng lúc, từ đằng sau, hai cánh tay đưa mảnh vải đen qua đầu, bịt mắt tôi. Xe chuyển bánh, tôi bị đưa đi chỉ với bộ quần áo sơ sài trên người, không mang theo bất cứ vật dụng gì. Không đọc lệnh bắt, không nói nguyên do. Ở nhà không biết đi đâu. Với các con, tôi như người bỗng nhiên biến mất; tối đi ngủ còn bố, sáng dậy không thấy bố đâu.
Di chuyển trong giờ giới nghiêm, cảnh vật yên tĩnh, ngoài tiếng nổ đều của động cơ là tiếng gió lật phật tạt vào hông xe mui vải. Xe đi chừng nửa giờ, một người trong bọn lên tiếng bâng quơ “chắc sắp tới Biên Hòa”. Tôi biết họ muốn đánh lạc hướng, có lẽ để gây hoang mang. Biết, vì họ là những người phải rõ đang đi trên con đường nào, và sẽ tới đâu. Họ đâu phải khách du lịch mà phỏng đoán đang ở đâu, hay sắp tới đâu. Hơn nữa, từ nhà tôi đi Biên Hòa, phải qua cầu xa lộ khá cao. Qua cầu này, dù bị bịt mắt, vẫn có thể cảm nhận khi xe lên và xuống dốc. Tôi chưa cảm thấy đã qua cầu này, không thể có chuyện sắp tới Biên Hòa.
Đi chừng mươi phút nữa, xe ngừng. Người ta dắt tôi xuống, lên mấy bậc thềm, đi ít bước nữa, rồi nói có thể gỡ miếng vải bịt mắt. Sau khi hết loá mắt vì ánh đèn, thấy mình đứng trong căn phòng giam, chừng 4×5 mét. Đã có một người ở đó, qua nhân dạng và giọng nói, tôi đoán anh ta là người Tầu. Hỏi đây là đâu? Đáp “An Ninh Quân Đội”. Vừa lúc ấy, tôi nhác thấy bên ngoài bóng dáng của viên Đại Uý mà tôi từng biết là nhân vật số hai của Cảnh Sát Đặc Biệt Đô Thành. Thế là anh Tầu chung phòng lộ tẩy là tay sai cảnh sát, được cài vào theo dõi, không phải tù thường. Tôi không nói gì.
Hôm sau, trời sáng mới có dịp quan sát cảnh vật. Nơi giam tôi nằm ở đầu một dẫy phòng nối tiếp nhau, ngoài cửa ra vào đóng kín, phòng nào cũng có cửa sổ nhìn ra hành lang. Góc phòng có nhà vệ sinh trên bệ cao, không cửa, để tiện theo dõi từ bên ngoài. Quan sát những vết tích quanh phòng, thấy tên “Huỳnh Tấn Mẫm”, cao bằng chiều dầy ngón tay, viết hằn trên một bức tường. Tôi đang bị giam cùng căn phòng trước đây đã giam anh sinh viên y khoa Sài Gòn về tội theo cộng sản. Chính quyền Sài Gòn không phân biệt đối xử, thân cộng hay chống cộng, cũng như nhau.
Tôi không biết bị bắt một mình, hay cùng với ai nữa. Nhân viên trại giam tiếp xúc đầu tiên cho biết: “bị bắt vì lý do chính trị, được đối xử theo quy chế đặc biệt, không phải ăn cơm tù. Cơm được mua đem vào từ bên ngoài. Mỗi ngày, công quỹ đài thọ mỗi người 150 đồng, là tiền ăn uống cho ba bữa. Sáng gồm bao thuốc lá và ly cà phê sữa. Trưa và tối là hai bữa cơm; muốn ăn với thịt, hay cá, phải cho biết trước để đặt cho người ta cung cấp.
Tôi nói trại giam không cần bận tâm về chuyện ăn, vì tôi sẽ không ăn gì cả, chỉ uống nước. Nhân viên này đi kiếm một viên chức cấp trên, tới nói tôi không được làm thế. Nếu không ăn, họ sẽ cưỡng bách bơm thực phẩm lỏng vào dạ dầy. Tôi nói tôi không chủ trương tuyệt thực để phản đối hay làm to chuyện. Lý do không ăn, vì tôi đã từng tập nhịn ăn vài lần, từ một tuần đến hai tuần, không hề hấn gì. Hơn nữa, trời nóng, cơm với thịt cá, mua từ ngoài bỏ bao ni-lông mang vào, dễ bị nhiễm độc. Và lý do thứ ba, tôi muốn nhịn ăn để đỡ phải dùng nhà vệ sinh. Nhưng người ta nhất định không cho nhịn. Cuối cùng, tôi đề nghị: Buổi sáng, chỉ cho tôi ly cà phê sữa, còn bao thuốc lá, ai dùng cũng được, tôi không cần biết. Buổi trưa và tối, thay vì cơm với thịt hay cá, mỗi ngày mua cho tôi một cái bánh mì, và mấy quả chuối. Người ta đã làm đúng như vậy trong suốt thời gian tôi bị giam.
Xong chuyện ăn uống, tôi hỏi nhân viên trại giam về người ở phòng bên cạnh, hy vọng biết thêm có ai quen bị bắt cùng với mình không. Người ấy trả lời, đây là vụ rất bí mật, chúng tôi không được quyền biết. Ngay tên ông, chúng tôi cũng không biết, chỉ được biết qua bí danh là “T1”, người ở phòng bên cạnh là “T2”, tiếp đến là “T3”, thế thôi. Như vậy, ít nhất tôi cũng biết được, cùng bị giam ở đây, ngoài tôi, còn hai người khác, cùng mang bí danh T, chưa biết là ai.
Vì là tù không ăn cơm tù, mỗi lần cung cấp thực phẩm, người ta đưa một tờ giấy để người nhận ký làm bằng. Lần đầu ký nhận, thay vì ngoáy bút ký như thường lệ, tôi viết rõ tên mình, hy vọng ở phòng bên cạnh, nếu là người quen, sẽ nhận ra. Chỉ mấy tiếng sau, dự tính của tôi đã có kết của. Nhìn vào tờ ký nhận khi người ta đem thực phẩm tới vào buổi trưa, thấy người ở phòng bên cạnh, và phòng kế tiếp cũng làm như vậy. Người mang bí danh “T2” ký là “Dương”, “T3” là “Lục”. Thế là tôi biết riêng báo Chính Luận, có ba người bị bắt giam ở đây. Ngoài tôi, là các anh Nguyễn Hữu Dương, từng là chánh án toà sơ thẩm Sài Gòn, chuyên viết tham luận đăng ở trang 2, và Đậu Phi Lục, phụ tá chủ nhiệm.
Lúc đầu, tôi không hiểu tại sao người ta đặt tên cho chúng tôi bằng bí danh mang chữ T, cho đến một hôm, nhìn tấm bìa đựng hồ sơ thẩm vấn, thấy có mấy chữ “Chiến Dịch Trường Giang”. Chúng tôi bị bắt nằm trong khuôn khổ một chiến dịch, không phải một vụ án.
Khi ấy, tôi không hiểu tại sao báo Chính Luận bị bắt tới ba người, và chẳng biết còn ai khác nữa không. Trước đó, chuyện nhà báo bị bắt không hiếm, nhưng thường vì bị coi là làm lợi cho cộng sản. Chính Luận là nhật báo có lập trường chống cộng rõ ràng, Tổng Thư Ký Từ Chung đã bị cộng sản ám sát, vậy chúng tôi bị bắt vì lý do gì?
Buổi trưa, vào lúc hành lang vắng bóng người qua lại, có tiếng đập tường ra hiệu từ phòng bên cạnh. Anh Dương lên tiếng: “Cụ ơi! Bây giờ mình có đòi luật sư theo luật định không?” Tôi trả lời, nếu người ta trọng luật, đã không bắt mình vào đây. Có lẽ cũng nhận thấy hiểu biết luật pháp của một chánh án chẳng giúp được gì trong hoàn cảnh này, anh để tâm trí vào việc khác. Ngoài khả năng xử án và viết báo, anh Dương còn có tài coi tướng số. Chiều hôm sau, anh lại đập tường gọi: “Cụ ơi! Tôi bấm độn xong rồi. Tụi mình không ở đây lâu đâu. Chậm lắm là ngày 28 tháng tới sẽ về.
Lời đoán của anh trễ hai ngày. Chúng tôi ra khỏi trại giam vào ngày Thứ Bảy, 26 tháng Tư.
Ra tù rồi lo ra đi ngay, không còn thời gian tìm hiểu có bao nhiều người bị bắt cùng vụ chúng tôi. Mấy hôm sau, gặp anh Nguyễn Văn Chức trên tầu, được biết anh và các anh Phạm Nam Sách, Thái Lăng Nghiêm cũng bị bắt cùng ngày và bị giam ở Tổng Nha, khác chỗ chúng tôi. Ngoài ra, không biết chắc có thêm ai nữa.
Âm mưu lật đổ
Gần bốn chục năm sau, con trai tôi tìm trong tài liệu đã được giải mật của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, thấy có bức điện văn nói rõ, tất cả mười người bị bắt. Nội dung điện văn như sau:
Điện văn mật SAIGON 03636 272203Z
Đại Sứ Quán Mỹ gửi Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ ngày 27/3/75.
Về việc: Bắt những người bị coi là âm mưu và tin đồn liên hệ tới Nguyễn Cao Kỳ.
1- Tóm tắt: Mười người bị coi là âm mưu chống chính quyền bị bắt hôm 26 tháng Ba có một số liên hệ với Nguyễn Cao Kỳ, người đã mở một cuộc họp đối lập cùng ngày, trong đó, có mặt hai trong số người bị bắt. Những người khác nghĩ rằng vụ bắt này là do Thiệu ra tay để răn đe đối lập, những người gia tăng đòi thành lập chính quyền dân sự. Người đứng đầu ngành cảnh sát quốc gia cho chúng tôi biết bị bắt là những người âm mưu thay thế chính quyền hiện hữu bằng chính quyền khác sẵn sàng thương thảo về nền độc lập của Nam Việt Nam, nhưng Nguyễn Cao Kỳ không can dự, cũng như các nhà đối lập khác được biết đã công khai thảo luận về việc mở rộng chính quyền hiện tại. Tất cả những người bị bắt đều là những khuôn mặt tương đối không quan trọng.
2 – Bộ Nội Vụ ra thông báo ngày 27 tháng Ba nói rằng nhiều người đã bị bắt vì âm mưu chống chính quyền.
Cảnh Sát đã báo cho chúng tôi biết mười người sau đây đã bị bắt đêm 26 rạng 27 tháng Ba: Cụu Nghị Sĩ Nguyễn Văn Chức; Cựu Nghị Sĩ Phạm Nam Sách; Cựu Nghị Sĩ Thái Lăng Nghiêm (tự Phạm Văn Tâm); Thái Trắng; Công giáo ủng hộ Thành phần Thứ ba, Giáo Sư Châu Tâm Luân; Nguyễn Hữu Dương; Đậu Thi (sic) Lục của Chính Luận; Cựu đảng viên VNQDĐ và nhà hoạt động PACM Nguyễn Than (sic) Vinh; Ứng viên Thượng Viện bị loại (1970) Đinh Từ Thức; và khuôn mặt phụ thuộc Hoà Hảo Trần Hữu Duyên (người có thể chưa bị bắt nhưng sẽ bị).
3 – Giới truyền thông (như AP) đã liên hệ những người bị bắt này với Nguyễn Cao Kỳ, người đã cộng tác với vài người trong số này trong qúa khứ, và người đã họp với 22 lãnh đạo đối lập trước đó cùng ngày, trong đó có hai người bị bắt đã tham dự. Các cựu Nghị Sĩ Chức, Sách, và Nghiêm đều đã tham gia vào cuộc vận động tranh cử tổng thống của Kỳ năm 1971. Tuy nhiên, những người khác như Giáo Sư Châu Tâm Luân, không có quá khứ thân cận với Kỳ như chúng tôi được biết. Thiếu Tướng Nguyễn Khắc Bình, người đứng đầu Cảnh Sát Quốc Gia cho chúng tôi biết những vụ bắt người không có liên hệ gì với Kỳ.
4 – Hai trong số người bị bắt – các cựu Nghị Sĩ Phạm Nam Sách và Thái Lăng Nghiêm – đã tham dự cuộc họp 26 tháng Ba của 22 nhà đối lập dưới sự bảo trợ của Nguyễn Cao Kỳ. Thiếu Tướng Bình cho chúng tôi biết vụ bắt giữ không có liên hệ tới cuộc họp, trong đó những người tham dự hoạt động công khai. Bình cho rằng những nhà đối lập này thảo luận về viễn tượng mở rộng chính phủ, thật ra trên thực tế là điều chính phủ có thiện cảm.
5 – Tuy nhiên, một số lãnh đạo chính trị, chúng tôi được biết kể cả Tướng Kỳ, cho rằng vụ bắt giữ này liên hệ tới cuộc họp 26 tháng 3 để làm áp lực trên phe đối lập.
MẬT
Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ giải mật ngày 05, tháng Bảy, 2006.
………….
C O N F I D E N T I A L SAIGON 3636
DEPT PASS IMMEDIATE TO IBS/NCA
NOFORN
E.O. 11652: GDS TAGS: PINT, VS SUBJ: ARRESTS OF ALLEGED PLOTTERS AND RUMORED INVOLVEMENT OF NGUYEN CAO KY
REF: SAIGON 3611, 3/27/75
1. SUMMARY: TEN ALLEGED PLOTTERS AGAINST GOVT ARRESTED MARCH 26 HAVE BEEN LINKED BY SOME WITH NGUYEN CAO KY, WHO HELD MEETING OF OPPOSITION SAME DAY AT WHICH TWO OF THOSE ARRESTED WERE PRESENT. OTHERS THINK ARRESTS ARE ATTEMPT BY THIEU TO INTIMIDATE OPPOSITION, WHOSE DEMANDS FOR FORMATION OF CIVILIAN GOVT
EVER MORE INSISTENT. NATIONAL POLICE CHIEF HAS TOLD US ARRESTED PERSONS WERE PLOTTING TO REPLACE PRESENT GOVT WITH ONE WILLING TO NEGOTIATE AWAY SVN INDEPENDENCE BUT THAT NGUYEN CAO KY NOT INVOLVED NOR ARE OTHER OPPOSITIONISTS PUBLICLY KNOWN TO BE DISCUSSING BROADENING OF PRESENT GOVT. ALL THOSE ARRESTED ARE RELATIVELY MINOR FIGURES.
END SUMMARY
2. MINISTRY OF INTERIOR ISSUED STATEMENT MAR 27 SAYING SEVERAL PERSONS HAD BEEN ARRESTED FOR PLOTTING AGAINST GOVT (REFTEL). CONFIDENTIAL
CONFIDENTIAL
PAGE 02 SAIGON 03636 272203Z
POLICE HAVE INFORMED US THAT FOLLOWING TEN PERSONS ARRESTED
NIGHT OF MAR 26-27: EX-SENATOR NGUYEN VAN CHUC; EX-SENATOR PHAM NAM SACH; EX- SENATOR THAI LANG NGHIEM (AKA PHAM VAN TAM); THAI TRANG; CATHOLIC THIRD FORCE PROPONENT PROF. CHAU TAM LUAN; NGUYEN HUU DUONG; DAU THI LUC OF CHINH LUAN; FORMER VNQDD ADHERENT AND PACM ACTIVIST NGUYEN THAN VINH; DISQUALIFIED SENATE CANDIDATE (1970) DINH TU THUC; AND MINOR HOA HAO FIGURES TRAN HUU DUYEN (WHO MAY NOT YET BE ARRESTED BUT WILL BE).
………
Dù ai nói thế nào mặc lòng, điều chắc chắn là cả ba chúng tôi từ Chính Luận đều không có liên hệ gì tới ông Kỳ, cũng chẳng dính lứu gì tới âm mưu đảo chánh nào.
Không thực sự có âm mưu đảo chánh, cũng không vì cuộc họp 22 nhà đối lập do ông Kỳ triệu tập ngày 26 tháng Ba, tại sao 10 người bị bắt đêm đó?
Thật ra, vào cuối tháng Ba và tháng Tư, nếu có tin đồn đảo chánh, chỉ là chuyện ngoài cửa miệng. Ví dụ, qua hồi ký của Tướng Trần Văn Minh, Tư Lệnh Không Quân hồi đó, có nhắc chuyện ông Kỳ nói tới đảo chánh. Trên thực tế, không có kế hoạch cụ thể nào. Không kế hoạch hành động, không bằng chứng, nên không có người nào thân cận với ông Kỳ bị bắt. Vì “Chiến dịch Trường Giang” bắt người ngay vào buổi tối hôm ông Kỳ có cuộc họp đối lập kêu gọi ông Thiệu từ chức, khiến có dư luận liên hệ hai việc với nhau. Nhưng nếu không vì liên hệ với phiên họp của ông Kỳ, tại sao ông Thiệu ra lệnh bắt những người đã bị bắt?
Tuy là câu hỏi chỉ ông Thiệu mới có thể trả lời chính xác, nhưng có hai sự kiện đáng ghi nhận:
Trước hết, đảo chánh là nỗi ám ảnh khôn nguây của ông Thiệu trong hơn một thập kỷ, từ khi chính ông là người tham gia đảo chánh, đưa đến cái chết thảm của hai anh em Tổng Thống Diệm. Là người rất mê tín, ông Thiệu luôn lo sợ có người sẽ làm cho ông điều ông đã làm cho người khác. Có thể vì nỗi ám ảnh này, đã khiến ông phải hành động ngay, dù chỉ vì một tin đồn. Theo lời kể của Dân Biểu Liên Bang Mỹ Pete McCloskey — thành viên của phái đoàn Quốc Hội Mỹ tới Việt Nam quan sát vào tháng 2, 1975, trước khi quyết định có viện trợ cho VN 300 triệu đô la không – khi thăm Vùng I, ông đã được Tướng Ngô Quang Trưởng cho biết, lực lượng tinh nhuệ của ông đã bị mất, vì ông Thiệu hoảng loạn, đã kéo về phía Nam, để phòng đảo chánh ở Sài Gòn (Tears Before The Rain).
Thứ nhì, tất cả những người bị bắt, đều thuộc thành phần chống cộng. Các cựu Nghị Sĩ Nguyễn Văn Chức, Phạm Nam Sách và Thái Lăng Nghiêm, hồi còn tại chức, các ông chống cộng rất hăng, và với quyền bất khả xâm phạm đối với những phát biểu tại nghị trường, các ông cũng thường chỉ trích chính phủ dữ dội, về nạn tham những và những chính sách sai lầm. Dù không còn làm Nghị Sĩ, dư âm chống đối của các ông vẫn còn.
Thắc mắc còn lại là, trong số mấy chục tờ báo của Sài Gòn bấy giờ, tại sao chỉ có Chính Luận bị bắt, và tới ba người? Và trong số hàng trăm nhà báo xuất sắc của Chính Luận, tại sao bắt ba người chúng tôi?
Anh Đậu Phi Lục, với vai trò Phụ tá Chủ Nhiệm, hầu như không bao giờ viết bài, thường phụ giúp hay thay mặt Bác Sĩ Sung về mặt giao tế, và công việc điều hành tờ báo. Không phải người chịu trách nhiệm về đường lối hay bài vở. Anh Nguyễn Hữu Dương cũng như tôi, không làm việc thường xuyên ở toà báo. Anh là một trong những cây bút viết tham luận, mỗi tuần ghé toà báo một vài lần đưa bài, truyện trò với anh em vài câu, rồi về. Tôi phụ trách mục Sổ tay thường xuyên, lúc đầu ở trang ba, sau chuyển ra trang nhất; viết ở nhà, mỗi ngày ghé toà soạn đưa bài, rồi đi.
Trước khi bị bắt ít lâu, vào thời phong trào chống tham nhũng lên cao, một hôm cuối tuần, khi ghé đưa bài, tôi gặp anh Dương đang nói truyện với anh Lục. Bài vở của số báo trong ngày coi như đã xong, nhân viên toà soạn đã ra về gần hết, chỉ còn lại vài người. Chúng tôi đang vui chuyện, thấy Bác Sĩ Đặng Văn Sung, chủ nhiệm, tiến tới, với một ít giấy tờ trong tay. Ông mới nhận được bản “Tuyên Cáo số 2” của LM Trần Hữu Thanh, tố đích danh ông Thiệu tham nhũng, với lời yêu cầu đăng nguyên văn của Hội Chủ Báo, và Tổng Hội Sinh Viên Sài Gòn.
Bác Sĩ Sung đặt vấn đề với chúng tôi, đại ý: Mình vẫn chỉ trích ông Thiệu độc tài, không tôn trọng tự do báo chí. Nếu bây giờ cúi đầu đăng nguyên văn Tuyên Cáo của Cha Thanh, theo yêu cầu của Hội Chủ Báo và Tổng Hội Sinh Viên, có khác gì chống độc tài này để tuân phục độc tài khác. Bình thường, trong trường hợp này, đăng hay không là quyết định của Tổng Thư Ký Toà Soạn. Hôm ấy, đúng ngày nghỉ hàng tuần của ông Thái Lân, chúng tôi được yêu cầu góp ý kiến và quyết định ngay, trước giờ báo lên khuôn.
Chúng tôi ở thế khó xử. Nếu cho đăng nguyên văn Tuyên Cáo, ngoài việc tỏ ra tuân phục sự đòi hỏi của Hội chủ báo và sinh viên, còn trách nhiệm của nghề báo. Tố tham nhũng là điều tốt, nhưng tố đích danh một viên chức tham nhũng, cũng phải dựa trên sự thật và bằng chứng, huống chi tố đích danh một ông tổng thống. Nhà báo không có trong tay bằng chứng cụ thể, cũng không kiểm chứng được mức độ khả tín của nội dung Tuyên Cáo. Nhắm mắt cho đăng nguyên văn, là vi phạm đạo đức nghề nghiệp.
Nếu không đăng, ngoài việc bị Hội Chủ Báo và Sinh Viên lên án là “báo gia nô”, “tay sai chính quyền”, còn bị dư luận coi là hèn nhát và tham lợi, tránh bị tịch thu để tăng số bán trong khi báo khác bị tịch thu. Cùng lúc, đối với độc giả, bỏ qua một chuyện “động trời” như Tuyên Cáo số 2, là thiếu sót nghề nghiệp.
Cuối cùng, chúng tôi đã dung hoà các yếu tố trên, bằng quyết định: Không đăng nguyên văn Tuyên Cáo mà viết một bản tin phản ảnh sự việc. Tuy nhiên, cả về nội dung và ngôn từ, bản tin phải đầy đủ để dự trù báo cũng sẽ bị tịch thu, như các báo đăng nguyên văn Tuyên Cáo trong số báo ra chiều hôm đó – tất cả các nhật báo ở Sài Gòn thời đó đều ra buổi chiều, đề ngày hôm sau. Bản Tuyên Cáo được trao cho một ký giả vẫn còn ở toà soạn viết thành bản tin. Nhưng anh ký giả này, ngoài Chính Luận, còn làm cho Việt Tấn Xã, cơ quan thông tấn của nhà nước. Có lẽ vì vậy, khi đọc bản thảo của anh, cả ba chúng tôi – anh Lục, anh Dương, và tôi – đồng ý bản tin quá sơ sài, nếu đăng, báo sẽ không bị tịch thu. Như vậy, Chính Luận vẫn sẽ bị lên án là tay sai, hèn nhát, và “xé rào” để thủ lợi.
Thời gian gấp rút, đã gần đến giờ báo lên khuôn, sáu mắt nhìn nhau, bản Tuyên Cáo được đẩy về phía tôi. Anh Lục nói: “Anh vào bàn Anh Sung, đóng cửa lại cho kín đáo và yên tĩnh để viết”. Tôi không làm theo, ngồi ngay xuống cái ghế cạnh bàn viết gần cửa, hối hả viết. Mới viết được vài trang để trước mặt, một anh ký giả trẻ từ ngoài bước vào, chộp mấy trang bài của tôi, cắm đầu đọc, miệng hỏi lấy lệ “ông viết cái gì đấy?” Trước thái độ có vẻ kém lịch sự, nhưng đang cố viết cho xong, tôi không nói gì. Xong việc, anh Lục rầy rà: Tôi đã nói vào phòng anh Sung viết cho kín đáo, anh không nghe. Anh ký giả đó là tay trong của cảnh sát, có nhiệm vụ báo cáo mọi việc trong toà soạn, để đổi lấy tình trạng hợp lệ quân dịch. Tôi vẫn coi thường, nói mình viết bài đăng lên báo cho mọi người đọc, có âm mưu gì đâu mà phải bí bật.
Đúng như dự trù. Chiều hôm đó, Chính Luận cũng bị tịch thu như các báo đăng nguyên văn Tuyên Cáo. Và đúng như sự lo xa của anh Lục, cả ba chúng tôi đã bị bắt. Đến bây giờ, có lẽ anh ký giả này vẫn chưa biết việc làm của mình khiến ba người vào tù. Nay, các anh Lục và Dương đều không còn nữa, riêng tôi không bao giờ, dù chỉ trong lòng, oán trách anh ký giả này, nghĩ rằng anh không chủ tâm hại ai.
Biệt vô âm tín
Trong tù, chúng tôi hoàn toàn không biết gì về tình hình bên ngoài. Ở ngoài, gia đình cũng hoàn toàn không biết chúng tôi bị giam giữ ở đâu. Bác Sĩ Đặng Văn Sung, đã có thời hợp tác với ông Thiệu, cũng không biết được tin tức gì về chúng tôi. Sau này gặp lại gia đình, được biết bên ngoài có rất nhiều tin đồn về số phận chúng tôi. Người đồn chúng tôi đã bị mang ra Côn Sơn, người khác đồn chúng tôi đã bị thủ tiêu. Trong khi ấy, chúng tôi vẫn bị giam ở Sài Gòn, và chuyện thủ tiêu, không phải chỉ là lời đồn bên ngoài, mà cũng được các thẩm vấn viên đề cập tới để gián tiếp đe doạ. Kỹ thuật thẩm vấn trong tù, bao giờ cũng có ít nhất hai vai trò, một người đóng vai “ông ác”, người kia là “ông thiện”. Tuy thủ vai ác, người này chỉ tỏ ra nghiêm nghị, lạnh lùng, không bao giờ có thái độ hung ác với chúng tôi. Riêng vai thiện, bao giờ cũng tỏ ra niềm nở, cứ như bạn thân lâu ngày mới gặp. Một hôm, tỏ vẻ ái ngại cho tôi, ông ta “tiết lộ bí mật”: Mới có thêm nhiều nhân vật quan trọng bị bắt, không hiểu ông có việc gì không, có bị ai khai ra điều gì bất lợi không. Trong số những người bị bắt, có cả Đại Tướng Cao Văn Viên, và Bác Sĩ Trần Kim Tuyến…. Rồi bỗng nhiên ông ta hỏi “Ông bị bắt ở nhà, hay bắt cóc giữa đường?” Tôi nói “Ở nhà”. Ông ta nói: Thế thì không đáng lo. Nhiều người bị bắt giữa đường, không ai biết, ban đêm bị đưa lên trực thăng, chở ra biển, đẩy xuống. Thiếu gì! (Khi ra tù mới biết Đại Tướng Viên và Bác Sĩ Tuyến không hề bị bắt).
Trong tù, người ta thường thẩm vấn vào ban đêm, khiến ban ngày buồn ngủ. Trong giấc ngủ trưa ngày 8 tháng 4, cỡ một hai giờ, trong giấc mơ, tôi thấy hai chiếc phi cơ phản lực sơn rằn ri, một chiếc bỏ bom dinh Độc Lập, nhưng ông Thiệu không việc gì. Giật mình dậy, thấy mọi chuyện vẫn như thường. Tôi giữ kín về giấc mơ, sợ nói ra, nếu nó xảy ra thật, sẽ bị điều tra lôi thôi. Về sau tôi mới biết có chuyện bỏ bom thật, nhưng chỉ có một chiếc máy bay do Nguyễn Thành Trung lái, và nó sẩy ra trước giấc mơ tới năm sáu tiếng.
Tối ngày 8 tháng 4 này, tôi bị chuyển từ phòng giam thường vào xà lim (cellule). Phòng biệt giam giống cái hộp bằng xi măng, rộng hơn một mét, dài và cao mỗi chiều cỡ 2 mét, góc tường đầu phía trong có vòi nước, dưới là chỗ thoát nước; lấy nước uống, tắm rửa và đại tiểu tiện đều ở đó. Từ trước, từng nghe nói “uống nước cầu tiêu” mà không hiểu. Bây giờ, chính mình được trải qua.
Phòng kín và nóng như thiêu, chỉ có một lỗ hình tròn nơi cửa cỡ tầm mắt người đứng, để người canh tù nhìn vào theo dõi và chút ánh sáng heo hắt bên ngoài lọt vào. Người bị giam chỉ mặc đồ lót, hay không mặc gì. Đôi khi có cảm tưởng như đang du lịch miền Ả Rập, tường xà lim là bộ niqab phủ kín người, chỉ còn cái lỗ cửa để đôi con mắt giao tiếp với bên ngoài. Tù ngủ ngay dưới sàn, bốn không: không màn, không gối, không gường, không chiếu. Chuột và cóc tự do thăm viếng bất cứ giờ nào, qua lỗ tiêu nước. Khi đưa tôi xuống nhốt ở xà lim, cả nhân vật số một và số hai của Cảnh Sát Đặc Biệt đều có mặt. Trước khi đóng cửa xà lim, ông Số 2 hỏi ông Số 1: “Có để lại cho ông ấy cái gối không?” – “Không!” là câu trả lời, cùng lúc cánh cửa sập lại. Cũng may, nhờ không có cái gối, thỉnh thoảng chỉ bị chuột liếm đầu ngón chân, không bị rệp làm thịt.
Sau được biết, tôi bị chuyển vào xà lim, không phải vì lý do kỷ luật, mà để lấy phòng giam ông Nguyễn Trân, bị bắt sau tôi. Ông này hồi Đệ Nhất Cộng Hoà là Tỉnh Trưởng Mỹ Tho, chính khách từng gây ồn ào dư luận một thời. Vào một đêm hồi mới vào xà lim, nghe tiếng một người mới bị đem vào, vừa đi, vừa thở hổn hển, vừa ho rũ rượi. Tôi ngó qua lỗ cửa, thấy bóng dáng một ông cụ già, đầu trùm hum, lưng còng, đang khó nhọc cố lê bước giữa hai nhân viên đỡ hai bên, về phía xà lim cuối dẫy. Nghĩ bụng, già thế còn bị bắt, không hiểu chuyện gì. Mấy hôm sau, từ phía xà lim cuối dẫy ấy, cất lên tiếng hát ấm cúng tuyệt vời của Duy Trác, “Em đến thăm anh một chiều mưa”. Duy Trác cũng ra tù cùng ngày với chúng tôi. Hỏi chuyện này, anh xác nhận: “Còn ai vào đấy nữa”.
Tuần lễ cuối tháng Tư, ngó qua lỗ cửa, không còn thấy người mới bị bắt dẫn vào thêm. Dấu hiệu lạ. Một chế độ luôn gắn liền với hai chữ “thắng lợi”, bỗng nhiên không bắt thêm người; chuyện gì đã xảy ra bên ngoài?
Quả nhiên, chiều 24 tháng 4, một viên chức vừa gõ cửa xà lim, vừa chõ mồm qua lỗ: Ông chuẩn bị trở về phòng cũ nghỉ cho khoẻ. Trở lại phòng giam hai tuần lễ đầu, thấy các anh Đậu Phi Lục, Nguyễn Hữu Dương, và cả ông Nguyễn Trân đều đã ở đó. Truyện trò vui như tết. Vẫn không biết gì về tình hình bên ngoài, nhưng chúng tôi đoán sắp được về. Sáng sau, được báo tin một tướng lãnh sẽ tới gặp chúng tôi vào buổi chiều, và chúng tôi có thể về vào hôm sau.
Không có Tướng nào tới gặp như đã loan báo. Sáng sau, Thứ Bảy 26 tháng 4, được báo tin Tổng Thống Thiệu đã từ chức – thật ra, ông Thiệu rời Sài Gòn tối hôm trước – Phó Tổng Thống Hương đã lên thay, “quý vị sửa soạn ra về, hợp tác với tân Chính Phủ để cứu nước”; sẽ có xe của Chính Luận tới đón. Mỗi người chúng tôi được cấp một tờ chứng nhận “Trả tự do”, với lý do bị bắt là “Tình nghi âm mưu lật đổ Chính Phủ”.
clip_image002
Ông Thiệu xuống, ông Hương (trái) lên
Tìm đường tháo chạy
Trên đường về toà báo, điều ngạc nhiên đầu tiên đập vào mắt là cảnh người ta hối hả đi lại trên đường phố, đông hơn cảnh sắm Tết vào mấy ngày cuối năm. Người lái xe cho biết tình hình bi đát lắm rồi, Cộng quân sắp vào tới Biên Hoà, mọi người đổ ra đường tìm lối thoát.
Về tới Chính Luận, Bác Sĩ Sung, gia đình các anh Lục và Dương đợi sẵn. Gia đình tôi không có ai. Người trong toà báo cho biết, sau khi tôi bị bắt, nhà tôi đã đưa các cháu về sống với ông bà ngoại, không biết tin tôi về. Anh Lục còn đưa tôi 50.000 đồng, nói là tiền lương tháng rồi chưa lãnh. Thay vì về nhà, tôi được chở thẳng về nhà ông bà ngoại các cháu. Gõ cửa trong niềm phấn khởi được gặp lại vợ con. Ông anh họ nhà tôi ra mở, báo tin thay lời chào: “Cô và các cháu cùng với ông bà đi rồi! Không biết đang ở đâu”.
Vội về nhà, cảnh vật vẫn y nguyên, dẫy bàn học của tụi nhỏ còn kê chỗ cũ, hàng giầy trẻ con ngay ngắn nằm cạnh chân tường, theo thứ tự từ lớn đến nhỏ. Nhìn những đôi giầy, hình ảnh mỗi đứa lần lượt hiện ra linh động. Đứa nhỏ nhất, mới 6 tháng, chưa biết đi, không có giầy để lại, nhưng cái võng nó thường nằm vẫn còn đó. Nếu không có con chó nhật còn nhớ chủ, cuốn quýt bên chân, khung cảnh yên tĩnh như một phòng trưng bầy trong viện bảo tàng giờ đóng cửa. Vật đó, người đâu? Tôi đứng lặng hồi lâu. Đúng một tháng trước, tôi bỗng biến mất. Bây giờ, đến lượt vợ con tôi biến mất!
Ông ngoại các cháu vốn là thông dịch viên cho DAO. Giữa tháng Tư, DAO khuyên ông ra đi, tránh nguy hiểm tới tính mạng. Trong lúc không biết tôi đang ở đâu, và sống chết ra sao, ông nêu đề nghị: Sẽ chỉ ra đi, nếu nhà tôi và các cháu có thể đi theo. Nếu không, sẽ ở lại. DAO chịu, nhưng ông còn phải đưa lý do “đi khó dễ về” ra thuyết phục, nhà tôi mới chịu đem các cháu đi theo, sợ mang tiếng đem con đi, bỏ rơi chồng trong tù.
Sự giúp đỡ của Nhạc Phụ và quyết định sáng suốt của nhà tôi đã giúp tôi dễ dàng xoay xở khi ra tù. Nếu không, rất có thể đã nằm trong số ra tù nọ vào tù kia. Trong số này, có cả anh Đậu Phi Lục, ít lâu sau khi ra tù Việt Cộng, đã ra đi vĩnh viễn. Sau mấy tiếng đồng hồ tìm hiểu tin tức để biết rõ tình hình, tôi đi đến quyết định: Ra đi bằng mọi cách, càng sớm càng tốt.
Thứ Hai, 28 tháng 4, ghé Chính Luận, Bác Sĩ Sung cho biết Toà Đại Sứ Mỹ hứa sẽ bốc một số, có thể lên tới cả trăm người; những ai bị bắt mới ra tù nằm trong danh sách ưu tiên. Hẹn hôm sau có mặt tại toà báo, đợi xe tới đón.
Trên đường về nhà, đi qua nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi, gặp Nghị Sĩ Nguyễn Đức Quý vừa tham dự lễ trao quyền từ Tổng Thống Trần Văn Hương sang Tổng Thống Dương Văn Minh tại Dinh Độc Lập về tới trước cửa nhà. Anh Quý mời vào chơi. Truyện đang vui, bỗng nghe tiếng máy bay thấp, và tiếng súng nổ như pháo rang ở phía Dinh Độc Lập. Anh Quý nói khi rời Dinh, anh Huyền – Phó Tổng Thống mới Nguyễn Văn Huyền – vẫn còn ở đó, bèn bốc máy gọi ông Huyền, hỏi cớ sự. Ông Huyền cũng chỉ nghe tiếng máy bay và tiếng súng, chưa hiểu chuyện gì. Anh Quý đưa máy, ông Huyền mừng tôi đã ra tù, hẹn gặp lại. Tôi về nhà trước giờ giới nghiêm mới, bắt đầu sớm khi trời vừa tối. Ông cụ thân sinh thở ra nhẹ nhõm “tưởng bố mày không về được”.
Sông dài, biển cả
Trong khi Tổng Thống Thiệu còn bận với Chiến dịch Trường giang (sông dài) lo chống đảo chánh, trong khi chúng tôi còn nằm trong tù, mù tịt về tình hình bên ngoài, trong khi các chiến sĩ Sư Đoàn 18 anh dũng cố giữ Xuân Lộc, chặn đường địch quân tới Sài Gòn, phía Mỹ đã kín đáo lo kế hoạch di tản (evacuation). Ngày bắt đầu kế hoạch này được gọi là “E-day” (Evacuation Day). Có hai E-day: bí mật (Black E-day) và chính thức (Official E-day). Đây là thời gian chúng tôi còn trong tù, nhưng dù ở ngoài, cũng không biết được, vì mọi chuyện diễn ra trong vòng bí mật. Phải mấy chực năm sau, những chuyện này mới lộ dần, nhờ sách báo mà tác giả là những người trong cuộc, và các tài liệu được giải mật.
Dù không trực tiếp trải qua, nhưng nếu không nói tới những gì xẩy ra cùng thời với câu truyện ra đi của tôi, sẽ là một thiếu sót, nên trong phần này, tôi xin ghi lại những gì quanh E-day, theo các tác phẩm đã xuất bản: Decent Interval của Frank Snepp; U.S. Marines In Vietnam, The Bitter End 1973-1975 của Thiếu Tá George Dunham và Đại Tá David Quinlan; và Tears Before The Rain của Larry Engelmann.
E-day thiếu một kế hoạch công khai rõ ràng, vì nhiều lý do:
1- Trước hết, cho đến giữa tháng 4, Quốc Hội Mỹ vẫn chưa bỏ phiếu quyết định có viện trợ cho VNCH 722 MK triệu không. Không thể bắt đầu di tản trong khi vẫn xin viện trợ để giúp VNCH tồn tại.
2- Di tản sẽ gây hoang mang trong dư luận, cả Mỹ lẫn Việt.
3- Về phía Mỹ, từ Washington đến Sài Gòn, đều muốn chiến tranh chấm dứt trong vòng trật tự, êm thấm. Để đạt được điều này, tại Washington, Ngoại Trưởng Kissinger đã gặp Đại Sứ Liên Xô Anthony Dobrynin, nhờ chuyển một thư vắn tắt của Tổng Thống Ford cho Tổng Bí Thư Brezhnev, yêu cầu can thiệp với Hà Nội hầu có một thời gian giống như “hưu chiến”, để di tản hết người Mỹ và một số người Việt. Tại Sài Gòn, trưởng nhiệm sở CIA là Tom Polgar, gốc Hung Gia Lợi, quen một số người Hung trong Uỷ Hội quốc Tế, cũng hy vọng một giàn xếp tương tự. Nhưng ngày 17 tháng 4, CIA nhận được tin tình báo cho biết không có chuyện thoả hiệp, Cộng Sản quyết chiến thắng bằng quân sự, sẽ mừng sinh nhật HCM tại Sài Gòn ngày 19 tháng 5, và mở cuộc tấn công chót trễ nhất vào ngày 1 tháng 5.
Tuy ở Sài Gòn, Ông Đại Sứ vẫn còn hy vọng vào một giải pháp ra đi êm thấm, cuộc di tản lậu (Black E-day, còn được gọi là black-ops) đã bắt đầu.
Trước hết, dựa vào quyết định của Tổng Thống Ford, chi 2 triệu MK công quỹ cho 30 chuyến bay chở khoảng 2.500 trẻ mồ côi khỏi VN (Operation babylift), một số nữ nhân viên của Lãnh Sự Quán Biên Hoà, và DAO Sài Gòn, được cho về Mỹ, đóng vai trò người săn sóc trẻ trên chuyến bay C-5A chở trên 300 người rời Sài Gòn ngày 4 tháng 4. Không may, sau khi cất cánh ít phút, chuyến bay đầu tiên này gặp trở ngại kỹ thuật, phải đáp khẩn cấp xuống một ruộng lúa, làm thiệt mạng khoảng 150 người, trong đó có khoảng 80 trẻ em, và trên 30 nữ nhân viên DAO.
Để báo chí đỡ lên tiếng về kế hoạch di tản, ngày 16 tháng 4, Đại Sứ Martin ra lệnh cho một nhân viên thân tín của mình là John Hogan bí mật dàn xếp với CBS những chuyến “bay đen” (black airlift) bằng máy bay của Air America, trong mấy ngày kế tiếp, di tản khoảng 600 người Việt làm cho các hãng thông tấn ngoại quốc.
Ngoài việc làm thế nào mang hàng ngàn người Mỹ về nước một cách êm thấm, còn phải giải quyết vấn đề người Việt. Có bao nhiêu người sẽ ra đi, sẽ đến đâu, và định cư ở đâu? Vào giữa tháng Tư, tại Bạch Ốc, Tổng Thống Ford đã nói với một phái đoàn Quốc Hội là ngoài việc mang về hết công dân của mình, nước Mỹ còn có bổn phận phải lo cho những người Việt, con số này có thể lên tới 174.000 người. Sau đó, qua những điện văn giữa Washington và Sài Gòn, dự trù số người Việt ra đi là 200.000 người.
Có lẽ nhớ tới kinh nghiệm chế độ Tưởng Giới Thạch di tản qua Đài Loan năm 1949, lúc đầu Washington nghĩ tới di tản người Việt đến các đảo Côn Sơn và Phú Quốc. Nhưng khi thấy giải pháp này không ổn, Cộng Sản sẽ không để yên các đảo này sau khi họ làm chủ cả nước, Mỹ nghĩ tới việc di tản người Việt sang Thái Lan, nhưng cũng thấy không xong, sợ chính quyền mới của Thái chống đối. Trong khi ấy, Đài Loan cho biết sẵn sàng nhận rất nhiều người, với điều kiện mang cả vũ khí, máy bay, tầu thuỷ tới. Kissinger sợ mất lòng Trung Cộng, giải pháp này cũng không được.
Cuối cùng, Washington nhờ quân đội tình nguyện giúp đỡ. Xong ngay!

clip_image004
Vị trí tầu Mỹ sẵn sàng chờ đợi ngoài khơi Vũng Tầu
Tất cả nỗ lực di tản và vớt người ngoài biển do “Đặc nhiệm 76” (Task Force ‘76) phụ trách, dưới quyền chỉ huy của Đô Đốc Donald Whitmire.
Ngày 5 tháng 4, Tư Lệnh Thái Bình Dương (CinCPac–Commander in chief, Pacific) cử Phó Đô Đốc Hugh Benton làm đại diện tại Sài Gòn, chịu trách nhiệm toàn diện về cuộc di tản khỏi Nam VN, chuẩn bị cuộc đón ngoài biển dự trù có thể lên tới hai trăm ngàn người.
Ngày 17 tháng 4, 75, Lữ Đoàn 9 Thuỷ Quân Lục Chiến Hoa Kỳ, căn cứ ở đảo Okinawa, Nhật, được lệnh thành lập Lực lượng Thuỷ bộ An ninh Di tản (AESF –Amphibious Evacuation Security Force). Lực lượng này được lệnh lên đường ngay, tới Vịnh Subic (Phi), tập hợp nhân sự cùng phương tiện cần thiết, tới đợi sẵn ở bờ biển Việt Nam. Nhân sự gồm 720 quân nhân TQLC, chia thành 14 toán, mỗi toán 54 người, phân chia đi các tầu vớt người tị nạn. Họ được huấn luyện rất kỹ, từ bí quyết nấu cơm cho hàng ngàn người ăn trong chốc lát — bằng cách cho gạo vào những bồn chứa lớn, rồi xịt hơi cực nóng từ hệ thống ống dẫn hơi nóng trên tầu, có cơm ngay trong mấy giây đồng hồ — đến những câu chào hỏi bằng tiếng Việt, cùng những điều nên và không nên trong cách giao tiếp với người tị nạn. Nhân viên an ninh và thông dịch viên được chú trọng hàng đầu.
Không Lực Mỹ tham dự Đặc nhiệm 76 bằng cách cử gần 10 trực thăng cỡ lớn từ Thái Lan, tới Đệ Thất Hạm Đội đợi cùng đoàn trực thăng của Không Lực Thuỷ quân Lục Chiến.
Trong khi ấy, bốn kế hoạch di tản được dự trù: đầu tiên bằng máy bay thương mại, thứ nhì là máy bay quân sự, kế tiếp là tầu thuỷ, cuối cùng là máy bay trực thăng bốc người ra Hạm Đội 7.
Kế hoạch đầu không thực hiện được.
Kế hoạch thứ nhì, chuyên chở bằng phi cơ vận tải quân sự C-130, bắt đầu từ ngày 21 tháng 4. Dân di tản được lén lút, qua mặt cảnh sát, đưa tới tập trung tại trụ sở DAO ở Tân Sơn Nhứt, rồi lên máy bay ra đi; cứ nửa tiếng một chuyến. Chỉ có thể hoạt động ban ngày, ban đêm giới nghiêm. Để có sẵn người đi cho những chuyến bay sớm, mỗi tối có khoảng từ 200 đến 600 người dự trữ cho hôm sau, ngủ tại các văn phòng ở DAO.
Về kế hoạch ba, có mấy tầu vận tải và xà lan đậu sẵn ở bến Tân Cảng, gần cầu xa lộ Sài Gòn – Biên Hoà. Kế hoạch này chỉ thi hành được một nửa. Cho đến 25 tháng 4, có hai chiếc chở nhân viên toà Đại Sứ cùng với thân nhân và những người quen thuộc, ra đi suông sẻ. Phần còn lại không thực hiện được trọn vẹn, vì ngày 29 tháng 4, khu Tân Cảng không còn đủ an ninh.
Kế hoạch bốn, trực thăng vận, bắt đầu chuẩn bị vào lúc Tổng Thống Thiệu tuyên bố từ chức, tối 21 tháng 4: Xếp đặt 13 bãi đáp trên nóc nhà tại nhiều nơi ở Sài Gòn – Chợ Lớn. Tất cả công việc như dựng ống gió, trang bị ánh sáng, bảng hiệu và máy truyền tin… đều làm ban đêm, tránh người dân hoang mang. Các quân nhân TQLC phải mặc thường phục, để khỏi lộ liễu vi phạm Hiệp định Hoà Bình Paris – quy định không được có trên 50 quân nhân Mỹ có mặt tại VN.
Tối 25 tháng 4, Tổng Thống Thiệu âm thầm đi Đài Loan, cũng là lúc các bãi đáp đã hoàn tất, sẵn sàng để sử dụng. Nhưng vào lúc này, kế hoạch 2 – vận chuyển bằng máy bay có cánh cố định (fixed wing) – vẫn tiến hành. Các phi công của 70 trực thăng trên ba chiến hạm đậu cách Vũng Tầu vài chực cây số vẫn túc trực chờ lệnh. Lúc đầu phải ngồi sẵn trong trực thăng đợi. Sau vài ngày, được đợi bên ngoài.
Vào ngày chúng tôi ra tù, 26 tháng 4, tầu SS American Challenger đã tới cách Long Hải trong vòng 5 cây số, vớt dân di tản bằng thuyền.
Ngày 28, tuy không có xác nhận từ phía bên kia, Đại Sứ Mỹ Martin vẫn còn hy vọng vào thoả hiệp đình chiến trong ba ngày, và 30 ngày để thành lập chính phủ ba thành phần, khi đó, Mỹ và những người thân Mỹ sẽ ra đi trong trật tự. Bà Đại Sứ vẫn còn ở lại Sài Gòn, cây me trước toà đại sứ vẫn không bị chặt, để dư luận khỏi hoang mang.
Trong khi Đại Sứ Martin muốn giữ tại chỗ đồ trang bị quân đội để Sài Gòn “làm vốn” thương thuyết với Cộng Sản, ông Erich Von Marbod, Phụ Tá Bộ Trưởng Quốc Phòng Mỹ có chủ trương khác. Ngày 28, ông ra lệnh cho người phụ tá là Richard Armitage tới phi trường Biên Hoà, cho một số phi cơ bay đi Cần Thơ và Thái Lan, và mang đi những quân dụng giá trị, rồi định bỏ bom phá huỷ những gì còn lại ở đây. Nhưng không kịp, tin tình báo cho biết VC đã vây Biên Hoà, Armitage bị gọi trở lại Sài Gòn, để tránh nguy hiểm.
Không hoàn thành được kế hoạch đối với không quân tại Biên Hoà, Armitage được lệnh tìm cách đưa cả hạm đội Hải Quân VNCH rời Việt Nam.
Chiều 28 tháng 4, trong khi diễn ra lễ trao quyền từ Tổng Thống Trần Văn Hương cho Đại Tướng Dương Văn Minh ở Dinh độc Lập, có hàng ngàn người kéo tới Tân Sơn Nhứt để được ra đi. Đây là những người thạo tin, qua quen biết hay một đường giây bí mật nào đó, biết được Trung Tâm điều hành di tản đang chuẩn bị một cuộc ra đi khổng lồ cuối cùng bẳng máy bay có cánh cố định vào đêm hôm đó.
Ngay sau lễ trao quyền, khoảng 6 giờ chiều, 5 máy bay phản lực chiến đấu A-37s cộng sản lấy được từ VNCH khi chiếm miền Trung, do phi công Nguyễn Thành Trung – người đã bỏ bom dinh Độc Lập ngày 8/4 – dẫn đầu, oanh tạc phi trường Tân Sơn Nhứt. Các chuyến bay di tản bị gián đoạn.
Lúc 10 giờ đêm, tin loan báo các chuyến đi tái tục vào lúc 11 giờ rưỡi, sẽ có từ 50 đến 60 chuyến bay, chở khoảng trên mười ngàn người. Đợi đến sau nửa đêm, lại có tin giờ khởi hành lùi lại tới 3 giờ rưỡi sáng. Khoảng từ 3 giờ đến 3 giờ rưỡi có ba chếc C-130 tới. Theo dự trù, đó là những máy bay trống, tới đón người. Nhưng không hiểu do đâu, mỗi chiếc chở tới một trái bom BLU-82 khổng lồ. Các quân nhân VNCH phải bỏ ra gần nửa tiếng, thận trọng mang ba trái bom xuống, mỗi trái nặng 15 ngàn cân.
Chỉ ít lâu sau, chính xác vào lúc 3:58 phút sáng 29 tháng 4, Cộng quân tấn công Tân Sơn Nhứt bằng hoả tiễn. Một trong hai trái loạt đầu trúng trạm canh ở cổng DAO, hai hạ sĩ quan TQLC Charles McMahon và Darwin Judge thiệt mạng. Đây là hai quân nhân Mỹ cuối cùng thiệt mạng trong cuộc chiến Việt Nam, xác của họ đã bị bỏ quên tại bệnh viện Seventh Day Adventis gần Tân Sơn Nhứt. Một năm sau, Nghị Sĩ Ted Kennedy can thiệp mang về. Một trong ba máy bay mới đến trúng hoả tiễn, bị phá huỷ. Hai chiếc kia vội cất cánh bay đi, không mang theo người nào, ngoại trừ phi hành đoàn của chiếc bị nạn.
Sau vụ tấn công này, nhiều phi công Việt Nam được lệnh lái máy bay sang Thái Lan. Theo tin New York Times ngày 30 tháng 4, 1975, có 74 máy bay từ Sài Gòn đã chở 2.000 người bay qua Thái Lan.
Trong lúc vội vã, nhiều phi công trút bỏ bom đạn và bình xăng phụ khi ra đi, khiến đường băng trở thành nguy hiểm. Tướng Smith, Tuỳ viên Quốc Phòng Mỹ khuyên Đại sứ Martin bỏ kế hoạch thứ nhì — di tản bằng máy bay có cánh cố định – chuyển sang kế hoạch 4, trực thăng vận. Từng là một Đại Tá Không Quân, Đại Sứ Mỹ tới Tân Sơn Nhứt, tận mắt quan sát tình hình rồi mới quyết định. Theo ông nói lại sau này, đường băng có thể làm sạch trong nửa tiếng, nhưng phải dựa vào phía Việt Nam bảo vệ an ninh để các chuyến bay có thể tái tục. Trong khi ấy, cấp chỉ huy phía Việt Nam không còn ai, máy bay đáp xuống chở người tị nạn có thể bị tràn ngập. Do đó, ông đã chấp nhận đề nghị của Tướng Smith. Đồng thời, ông gọi cho Ngoại Trưởng Kissinger, chính thức từ bỏ quyền chỉ huy cuộc di tản. 20 phút sau, chương trình di tản biến thành một chiến dịch quân sự.
Operation Frequent Wind
Ngày 29 tháng 4, 10:51 sáng, cuộc di tản chính thức bắt đầu bằng Chiến Dịch Năng Phong (Operation Frequent Wind). Vì việc chỉ huy chiến dịch thiếu phối hợp chặt chẽ — giữa Hải Quân và TQLC, cũng như giữa Không Quân và Không lực TQLC – khiến giờ chính thức khởi hành chậm 3 tiếng, thực sự bắt đầu lức 3:15 chiều.

clip_image005
Vượt qua tường rào Toà Đại Sứ, vẫn còn chờ đợi quanh hồ bơi trong sân sau
Chiến dịch bắt đầu, cũng là lúc TQLC khởi đầu bốc người tại các địa điểm tập trung, bằng trực thăng nhỏ của hãng Air America và xe buýt, chở vào trụ sở DAO ở Tân Sơn Nhứt, rồi chở bằng trực thăng lớn (CH 53 & CH 46) ra Đệ Thất Hạm Đội. Ngoài 13 địa điểm bốc bằng trực thăng trên nóc nhà, còn 3 tuyến đường xe buýt. Mỗi xe buýt đều có xe giả Cảnh sát VN dẫn đường. Trong ngày 29 tháng 4, những xe buýt này đã đi tới ba vòng, đón hết thường dân Mỹ, và những người bạn Việt, hoặc ngoại kiều khác, kể cả con chó của ông đại Sứ. Lúc đầu, dự trù những người có mặt tại Toà Đại Sứ cũng được bốc về DAO. Sau đổi lại, có hai đường bay thẳng ra biển: Từ DAO và từ Toà Đại Sứ. Tới khoảng nửa đêm 29 tháng 4, tất cả những người tới DAO đều được chở đi hết. Nửa giờ bước sang ngày 30 tháng 4, trong khi hai chiếc CH-53 bốc lên từ bãi đậu xe, những lựu đạn toả nhiệt (thermite grenades) gắn sẵn tại những địa điểm chủ yếu của trụ sở DAO được kích động, cả cơ sở sụm xuống, chấm dứt vai trò “Lầu 5 góc miền Đông” (Pentagon East).
Tại Toà Đại Sứ, khi các chuyến bay chở người tị nạn chấm dứt vào khoảng 4 giờ sáng ngày 30 tháng 4, còn khoảng trên dưới 400 người kẹt lại trong sân, và hàng ngàn người vẫn chờ đợi bên ngoài. Đại Sứ Martin, sau khi cố trì hoãn để mang đi càng nhiều người càng tốt, đã hạ cờ Mỹ, gấp lại mang theo, ra đi lức 4:58 phút. Chuyến bay cuối cùng từ nóc Toà Đại Sứ chở 10 TQLC cất cánh lúc 7:58 sáng 30 tháng 4.
clip_image007
Tấm hình quen thuộc với thế giới mấy chục năm qua, chụp hàng người leo thang lên chiếc trực thăng đợi trên nóc nhà, không phải tại Toà Đại Sứ như nhiều người tưởng lầm, mà tại một trạm CIA ở 22 đường Gia Long. 
Chiều 29 tháng 4, điệp viên Cộng Sản Phạm Xuân Ẩn đã chở Bác Sĩ Trần Kim Tuyến, trùm mật vụ Đệ Nhất VNCH tới kịp chuyến bay cuối cùng tại địa điểm này.
Tuy căn cứ vào những gì do người trong cuộc kể lại, cũng vẫn khó nắm bắt sự thật. Ví dụ, vào ngày 29 tháng 4, 1975, cả ba người cùng có mặt tại Toà Đại Sứ Mỹ ở Sài Gòn, từ khi E-day chính thức bắt đầu cho đến khi chấm dứt, là Đại Sứ Graham Martin, trách nhiệm toàn diện cuộc di tản; Phó Đại Sứ Wolfgang Lehmann, trực tiếp điều khiển di tản; và Đại Uý Stuart Herrington, xếp người lên trực thăng. Nhưng khi nói về số người bị kẹt lại sau khi chấm dứt các chuyến bay, theo ông Đại Sứ: khoảng 400 người; theo Phó Đại Sứ: chỉ có 250 người; theo Đại Uý Herrington: 420 người.
Cuối ngày 29 tháng 4, tại DAO, cùng với những hồ sơ quan trọng không mang đi được, TQLC đã đốt 13 triệu đô-la, là tiền dự trù phát lương vào đầu tháng Năm. Tại Toà Đại Sứ cũng đốt khoảng 1 triệu, ngay tại nơi gần bãi đáp trực thăng trên sân thượng, khói bốc lên, phát sinh tin đồn Toà Đại Sứ bị cháy.
Ngoài những hoạt động di tản tại DAO và Toà Đại Sứ ở Sài Gòn vào cuối tháng 4, cũng nên ghi lại hoạt động tại các Toà Tổng Lãnh Sự ở Biên Hoà, và Cần Thơ.
Tổng Lãnh Sự Richard Peters ra lệnh đóng cửa Lãnh Sự Quán Biên Hoà từ ngày 24 tháng 4, nhưng cờ Mỹ vẫn còn bay cho đến vài hôm sau. Khi hy vọng thương thuyết giữa chính quyền VNCH và Cộng Sản không còn, Phó Tổng Lãnh Sự và hai quân nhân TQLC trở lại hạ cờ.
Trong bài phỏng vấn dành cho ông Ted Mundorff, chủ nhân Landmark Theatres ở Washington DC vào dịp trình chiếu cuốn phim tài liệu Last Days in Vietnam, hồi tháng Mười 2014, đạo diễn phim này là Rory Kennedy nói ông Tổng Lãnh Sự Cần Thơ, vào ngày chót, chỉ được cấp 2 trực thăng, không đủ để chở 400 nhân viên và thân nhân người Việt, nên vì tinh thần trách nhiệm và lòng nhân đạo, đã bỏ tiền riêng mua hai chiếc tầu, chở tất cả mọi người ra biển an toàn, mặc dầu bị hải quân VN làm khó, và Việt Cộng tấn công.
Tuy nhiên, theo tài liệu của TQLC Mỹ, câu truyện không diễn ra như thế. Cần Thơ chuẩn bị di tản bằng cả ba phương tiện: máy bay, trực thăng, và tầu. Phương tiện đầu tiên không thực hiện được, vì chỉ huy trưởng phi trường Cần Thơ không bảo đảm an ninh. Theo ông, ngay khi chuyến bay đầu tiên hạ cánh, sẽ bị tràn ngập. Về trực thăng, ngày 29 tháng 4, Sài Gòn chỉ cho 4 chiếc, nhưng CIA đã dành 2, không đủ cho nhân viên và thân nhân, tất cả lên tới hơn 300 người, nên phải chọn giải pháp cuối: xử dụng hai trong số bốn chiếc tầu LCM do Tổng Lãnh Sự Quán đã mua từ trước của hãng Alaska Barge and Transport Co. Nhưng chiếc thứ nhì không có người lái. Cuối cùng, chính Tổng Lãnh Sự Francis McNamara, vốn là một sĩ quan Hải Quân, đóng vai pilot. Từ Cần Thơ ra biển, khoảng 100 cây số, phải qua một khúc sông hẹp, khó tránh khỏi bị Việt Cộng tấn công. Đúng chỗ nguy hiểm, nhờ một trận mưa rất lớn, trời đất mù mịt, tầu thoát ra biển an toàn.
Trong khoảng thời gian từ 21 đến 28 tháng 4, trước khi kế hoạch di chuyển bằng máy bay cánh cố định bị huỷ bỏ, Mỹ đã bốc ra khỏi VN 42.910 người qua 170 chuyến bay bằng các phi cơ vận tải C-130, 134 và C-141, đưa tới Căn Cứ Không Quân Clark ở Phi, một số nhỏ được đưa thẳng tới Guam. Nhân viên của các đài phát thanh bí mật, được chở ra đảo Phú Quốc, rồi ít ngày sau được bốc đi.
Trong Chiến Dịch Frequent Wind ngày 29 tháng 4 trực thăng vận, từ Toà Đại Sứ bốc 978 người Mỹ, 1.120 người Việt cùng công dân các nước khác. Từ DAO bốc 395 người Mỹ và 4.475 người tị nạn.
Ngoài những chuyến trực thăng do Mỹ bốc, còn rất nhiều phi công VN đã đi một mình hoạc chở người thân bay thẳng ra Đệ Thất Hạm Đội. Tướng Kỳ chở Tướng Trưởng đã đáp xướng mẫu hạm Midway rất sớm, vào sau buổi trưa 29-4. Vì thiếu chỗ đậu, trên 30 trực thăng nhỏ Huey đã bị đẩy xuống biển.
Tại một địa điểm gần Vũng Tầu hơn, khu trục hạm USS Kirk đối phó với một trường hợp có thể gây đứng tim nhiều người: Phi công Đại Uý Nguyễn Văn Ba lái chiếc trực thăng khổng lồ CH-47, chở vợ và các con, không còn đủ nhiên liệu để bay xa hơn, và quá lớn, nếu đáp xuống có thể đánh chìm tầu Kirk. Cuối cùng, ông đã quần trên tầu, cho vợ con nhảy xuống, để các bàn tay thuỷ thủ đỡ lấy, trước khi cho chiếc trực thăng lật ngửa trên biển, cùng lúc phóng qua cửa, rồi lặn xuống, bơi ra xa, thoát hiểm. Cảnh căng thẳng ngoạn mục này đã trở thành điểm thu hút chính trong cuốn phim tài liệu “Last Days in Vietnam” được đề cử giải Oscar năm nay.
Trong 4 ngày cuối tháng 4, Mỹ đã xử dụng 45 tầu Hải Quân, từ mẫu hạm, chiến hạm, tầu vận tải, tới các tầu nhỏ, vớt tổng cộng 40.000 người. Tổng cộng cả tháng 4, Đệ Thất Hạm Đội và TQLC vớt khoảng 130.000 người. Lúc đầu, họ được cho tạm trú tại đảo Grande Island ở Subic Bay, nhưng chính quyền Phi không cho phép người tị nạn được ở lại trạm dừng chân quá 72 giờ. Ngày 28 tháng 4, Quốc Hội Mỹ chính thức cho phép người tị nạn vào Mỹ tại 3 nơi: Camp Pendleton, CA; Eglin Air Force Base, FL; Fort Chaffee, Arkansas. Sau mở thêm Camp Indiantown Gap, PA., vào đầu tháng Sáu.
Trong khi Mỹ đóng vai chủ động các ngày 28 và 29 tháng 4, phía VNCH làm gì?
Ngày 27, một số nhân vật trọng yếu trong chính quyền, gồm cả cựu Thủ Tướng Nguyễn Bá Cẩn và người đứng đầu cơ quan Cảnh Sát, được Mỹ chở sang Philippines.
Ngày 28 tháng 4, Đại Tướng Cao Văn Viên, Tổng Tham Mưu Trưởng từ chức, mặc thường phục ra đi trên máy bay Mỹ, Tướng Khuyên được chỉ định tạm thay, nhưng Quân Lực VNCH coi như không còn cấp chỉ huy.
Về phía Không Quân VNCH, sau đây là lời của Trung Tướng Tư Lệnh Trần Văn Minh, kể trong cuộc phỏng vấn tại nhà ông, do Blogger LDE thực hiện, đăng trước tiên trên Washington Post, rồi trên San Jose Mercury News vào tháng 4, 1985, và trên Blog lde421.blogspot.com/2012/12:
Ngày 29 tháng Tư, gần buổi trưa, DAO gọi tôi nói rằng sắp có một cuộc họp giữa Hoa Kỳ và các cấp chỉ huy của Không Lục VNCH. Tôi tới DAO với nhiều người của tôi. Chúng tôi được mời vào một căn phòng. Rồi họ bỏ mặc chúng tôi ở đấy khá lâu. Chúng tôi đã nghĩ rằng Đại Sứ Martin hay Tướng Homer Smith (Tuỳ viên Quốc phòng) hoặc nhân vật nào khác sẽ đến với kế hoạch mới để phản công Bắc Việt. Nhưng họ không bao giờ tới. Chẳng có ai tới cho đến lúc xế chiều. Sau khi chúng tôi vào cơ sở (DAO) họ cho một lính gác lấy võ khí chúng tôi. Chuyện này chưa bao giờ có trước đây.
Rồi cuối cùng, một sĩ quan tiến vào phòng, nói: “Chung cuộc rồi, thưa Tướng Minh. Một trực thăng đang đợi bên ngoài đưa quý vị ra đi”. Chúng tôi đi ra, lên trực thăng. Chúng tôi được chở tới Blue Ridge (Soái hạm Đệ Thất Hạm Đội) trên biển Nam Hải.
Một Đại Tá Không Quân Mỹ trên trực thăng với chúng tôi. Ông ấy ngồi cạnh tôi. Ông khóc suốt chuyến bay, đến nỗi không nói được. Nhưng ông ấy viết gì đó trên mảnh giấy và đưa cho tôi. Tôi đọc, “Thưa Tướng Công, tôi rất tiếc”. Tôi vẫn còn mảnh giấy đó. Tôi sẽ giữ nó đến mãn đời, tôi không bao giờ quên chuyến bay buồn thảm tới Blue Ridge.