Tuesday, 3 March 2015

Nhìn lại năm qua: Những kẻ “quậy phá” nhất - Mai Loan


Một trong những tạp chí hàng đầu ở Hoa Kỳ là tuần báo TIME có truyền thống phát hành một ấn bản đặc biệt vào cuối năm với hình bìa và cũng là chủ đề cho số này, nhấn mạnh đến một nhân vật đặc biệt nhất trong năm: Person Of The Year. Đó có thể là một người hay một nhóm, thậm chí kể cả một ý tưởng hay một đồ vật (chiếc máy điện toán computer) đã tạo nên những ảnh hưởng lớn lao nhất trong năm đó.

Truyền thống này bắt đầu từ năm 1927 cũng do một sự tình cờ khi ban chủ biên của tạp chí Time đã sơ ý nên bỏ quên việc đăng tấm hình phi công Charles Lindbergh lên trang bìa khi tường thuật về thành quả ly kỳ và lịch sử của ông: đó là người đầu tiên thành công bay vượt xuyên qua Đại Tây Dương. Vào cuối năm đó, để bù lại sự thiếu sót đáng trách này, ban chủ biên quyết định ra một ấn bản đặc biệt với hình bìa là viên phi công tài hoa này, và đồng thời cũng tặng ông danh hiệu là Nhân Vật Của Năm (Man of the Year).

Từ đó, truyền thống này được tiếp tục đều đặn mỗi năm, phần lớn là nhằm vinh danh những nhân vật đã đóng góp những thành tựu lớn lao gây ảnh hưởng sâu rộng và tốt đẹp cho nhân loại trong năm đó. Tuy nhiên, thỉnh thoảng cũng đã có những “hung thần” được phong “tước hiệu” đặc biệt này không phải vì những cống hiến tốt đẹp cho xã hội, mà vì những tên tuổi đó cũng đã một phần nào làm thay đổi lịch sử trong năm. Đó là những lãnh tụ như Adolf Hitler (1938), Joseph Stalin (1939 & 1942), Nikita Khrushchev (1957) và Ayatollah Khomeini (1979) bởi vì ảnh hưởng kinh thiên động địa của họ.

Tuy đôi lúc cũng có một số phụ nữ được chọn vào danh sách này nhưng mãi đến năm 1999 thì tạp chí Time mới đổi danh hiệu sang thành “Person of the Year” cho nó đúng và thích hợp hơn theo tinh thần nam nữ bình quyền. Ngoài ra, vào năm 1989, tờ tuần báo này cũng chọn Mikhail Gorbachev, lãnh tụ của Liên Bang Sô Viết lúc bấy giờ, là “Nhân Vật của Thập Niên” (Man of the Decade), có lẽ do ảnh hưởng của ông đã làm thay đổi cục diện thế giới với sự xoay chuyển quan trọng của khối cộng sản đi theo một chiều hướng tích cực hơn. Đến cuối năm 1999, tạp chí Time lại chọn nhà bác học Albert Einstein là “Nhân Vật của Thế Kỷ” (Man of the Century), có lẽ là để vinh danh những thành quả khai phá về khoa học tiêu biểu của thế kỷ vừa qua.

Giống như tất cả những chọn lựa hay giải thưởng được trao tặng, kết quả này bao giờ cũng dễ gây ra nhiều sự chống đối hoặc chỉ trích từ nhiều phía, với đủ loại lý do khác nhau. Sau sự kiện chọn lựa lãnh tụ Hồi-giáo Ayatollah Khomeini của Ba Tư (Iran) vào năm 1979, dư luận chống đối của dân chúng Mỹ dâng cao do bởi nhà cầm quyền tại Tehran đã bắt giữ cả trăm con tin người Mỹ tại toà đại sứ ở thủ đô của Ba Tư. Từ đó, tạp chí Time đã tránh né không muốn chọn những nhân vật gây nhiều tranh cãi hay tai tiếng bất lợi cho Hoa Kỳ. Chính vì thế mà sau biến cố 9/11 vào cuối năm 2001, nhân vật đáng lý ra phải được chọn là Osama bin Laden, lãnh tụ của tổ chức khủng bố al-Qaeda chủ mưu vụ tấn công thần sầu quỷ khốc này, nhưng ban chủ biên của tờ Time lại chọn ông Rudolph Giuliani, thị trưởng của New York vào thời ấy, nhân vật được coi như là đại diện cho thái độ chống trả của người Mỹ lúc bấy giờ.

Mới đây, tạp chí Time đã chọn những người đối phó với căn bệnh truyền nhiễm Ebola là “Nhân Vật của Năm”. Quyết định này nhằm vinh danh tất cả mọi thành phần, từ các bác sĩ, y tá cho đến các nhân viên xã hội cũng như viên chức chính quyền đã không quản ngại công sức và thì giờ để góp phần vào việc chữa trị cũng như ngăn ngừa không cho căn bệnh này phát tác một cách nhanh chóng khắp nơi, gây kinh hoàng cho nhiều người trên thế giới.

Thật ra, cơn bệnh Ebola không gây ra con số các nạn nhân thiệt mạng to lớn như các bệnh dịch cúm khác, kể cả cúm gà và cúm heo, cũng như không có nguy cơ truyền bệnh nhanh chóng qua đường hô hấp với không khí hít thở hàng ngày như căn bệnh nhiễm trùng đường phổi SARS trước đây. Nhưng sự kiện Ebola cho đến nay vẫn chưa có thuốc chữa trị, và các loại thuốc chủng ngừa (vaccine) cũng còn trong vòng thử nghiệm chứ chưa hẳn được bào chế một cách quy mô với hiệu năng tốt đẹp để đem lại an tâm cho mọi người, cũng đủ khiến mọi người phải lo ngại và tránh né nó không khác gì tránh bệnh cùi hủi.

Những biến động cách nay vài tháng khi một bệnh nhân tại Dallas bị phát giác mắc bệnh rồi sau đó tử thương, tiếp theo đó là hai nữ y tá chăm sóc cho ông ta (trong đó có 1 người Việt) cũng lây bệnh theo khiến cho cư dân tại vùng này phải rúng động, đã cho thấy là nhiều người cũng đã phải hoảng sợ trước căn bệnh này, dù rằng sự lo sợ đó có phần hơi thái quá. Sự kiện này cũng đủ chứng minh là những người bác sĩ và y tá thiện nguyện, đến từ nhiều quốc gia khác, sẵn sàng bỏ công sức và thì giờ để đến những vùng nghèo nàn thiếu thốn ở các nước Tây Phi để chăm sóc cho các nạn nhân bệnh Ebola, quả đúng là một hành động can đảm đáng kính trọng và nể phục.

Cũng trong truyền thống ôn lại những chuyện vừa mới xảy ra trong năm để lựa chọn những nhân vật đáng nhớ nhất, tạp chí Foreign Policy đã dành chủ đề cho ấn bản mới nhất (tháng 11 + 12) để nói về những nhân vật đáng ghi nhớ nhất trong năm. Với tựa đề là “Một Thế Giới Đảo Điên” (A World Disrupted), ban chủ biên của tạp chí này đã soạn ra một lô những nhân vật thuộc đủ mọi ngành nghề, với những ảnh hưởng đa dạng và sâu đậm trong xã hội mà họ gọi là “Những Nhà Tư Duy Hàng Đầu Trên Hoàn Vũ trong Năm 2014” (The Leading Global Thinkers of 2014).

Theo lời giải thích của ban chủ biên thì khi nhìn lại lịch sử, nhiều người sẽ nói rằng năm 2014 là một năm rất đáng nhớ khi mà nhiều nhân vật đã phá vỡ tất cả cái trật tự quen thuộc của mọi người trên thế giới, với những kết quả tai hại cũng như tốt đẹp. Trong lúc một vài người đã để lại những hoang tàn đổ nát sau bước chân giẫm đạp của họ, thì một số khác cũng chứng minh rằng thế giới này sẽ khá hơn nếu chúng ta chấp nhận dẹp bỏ tất cả những nền móng cũ để từ đó thay thế bằng một cái khác mới mẻ và tốt đẹp hơn.

Danh sách khá dài của những tên tuổi đáng ghi nhớ trong năm 2014 được chia thành nhiều mục đa dạng: Từ những kẻ quấy rối (The Agitators), tức là những lãnh tụ gây chiến chuyên gieo tang tóc cho mọi người, cho đến những kẻ nắm quyền quyết định (The Decision-Makers), thường là những vị nguyên thủ quốc gia hay những viên chức cao cấp có tầm ảnh hưởng rộng lớn. Từ những kẻ thách đố (The Challengers), chẳng hạn như những kẻ dám đứng lên chống lại bạo quyền, cho đến những kẻ sáng tạo (The Innovators) với những khám phá có thể khai mở một hướng đi mới hiệu quả và tốt đẹp hơn trong nhiều lãnh vực. Từ những người đấu tranh (The Advocates), lúc nào cũng nghĩ đến quyền lợi cho những tập thể nhỏ bé hoặc thiệt thòi, cho đến những kẻ xoa dịu (The Healers), tương tự như những vị bác sĩ và y tá của Hội Y Sĩ Không Biên Giới sẵn sàng lao mình vào những nơi khốn khó như tại các nước ở Tây Phi để chăm sóc cho các nạn nhân của bệnh Ebola. Từ những nghệ sĩ (The Artists) đem lại sinh khí và ý nghĩa của cuộc đời, cho đến những ông trùm (The Moguls) có thể ảnh hưởng một cách sâu đậm và nhanh chóng lên nhiều ngành nghề do bởi sự thông minh và táo bạo của họ.

Danh sách dài của khoảng gần 100 nhân vật với tiểu sử được tóm gọn để giúp cho người đọc được hiểu biết nhiều hơn cho thấy đây đúng là một công trình biên tập của một tạp chí chuyên môn đáng nể phục, khiến cho kẻ viết bài này có lúc cảm thấy mình như là một kẻ khù khờ, chẳng biết gì về nhiều nhân vật được liệt kê với những việc làm và thành tựu của họ khiến mình phải nghiêng mình cảm phục. Nó cũng khiến con người dễ trở nên khiêm cung hơn khi thấy rằng chung quanh mình còn có rất nhiều người tài giỏi và kiến thức uyên thâm khiến mình lúc nào cũng phải cố gắng học hỏi, thay vì có thể ti toe tự mãn trong cái thế giới nhỏ hẹp của những người cùng trang lứa hoặc cùng ngành nghề.

Trong phạm vi của bài viết hôm nay, kẻ này chỉ muốn điểm qua những nhân vật trong danh sách đầu tiên, có lẽ cũng là danh sách được nhiều người chú ý đến nhất, do bởi những việc làm do họ gây ra đã tạo chấn động trên nhiều phần đất trên thế giới. Đó là Những Kẻ Quấy Rối (hay Quậy Phá) – The Agitators – mà các diễn đàn truyền thông đã tốn khá nhiều bút mực để tường thuật trong thời gian qua.

Có thể nói năm 2014 là một năm đầy biến động và xáo trộn về mặt chính trị địa dư ít thấy xảy ra, trải dài từ vùng Trung Đông cho đến Âu Châu và kéo sang đến tận Phi Châu. Cái gọi là Vương Quốc Hồi Giáo (Islamic State) bắt đầu nổi lên bằng bạo lực tàn ác để đòi vẽ lại bản đồ ranh giới của các nước Syria và Iraq. Còn nước Nga thì bỗng dưng sát nhập chiếm đảo quốc Crimea và sau đó còn ngang nhiên đòi giành lấy nhiều phần đất ở phía đông của nước láng giềng Ukraine. Ở Phi Châu, tổ chức khủng bố của nhóm Hồi giáo quá khích Boko Haram lại chuyên bắt cóc, hãm hiếp và sát hại nhiều thường dân và phụ nữ, kể cả các em nữ sinh vô tội, gây kinh hoàng cho người dân tại vùng phía bắc của nước Nigeria.

Chỉ trong vòng vài tháng ngắn ngủi, những tay lãnh tụ “chọc trời khuấy nước” tại những vùng này đã làm đảo lộn tất cả cái trật tự của thế giới mà mọi người đã quen thuộc từ lâu, khiến cho hàng triệu người dân bỗng nhiên phải sống trong cảnh phập phồng lo sợ, và tương lai của nhiều vùng đất bỗng dưng phải trở thành bất ổn.

Ba nhân vật đầu não tại 3 vùng đất riêng biệt này xứng đáng được gọi là những kẻ quậy phá nhất trong năm 2014: Đó là Abu Bakr Al-Baghdadi, thủ lãnh của tổ chức Islamic State, tự xem mình như là một ông hoàng của vương quốc Hồi giáo mới được hình thành từ những phần đất trên hai nước Syria và Iraq, vì thế nên tổ chức IS có khi còn được gọi là ISIS hoặc ISIL; rồi đến Vladimir Putin, lãnh tụ độc tài của Nga kể từ ngày được đàn anh Boris Yeltsin chọn lựa để trao quyền tổng thống hồi đầu thiên niên kỷ; và sau cùng là Abudakar Shekau, một thủ lãnh Hồi-giáo cực đoan của tổ chức Boko Haram, thoạt đầu ít được biết đến, nhưng chỉ sau có một vụ bắt cóc hàng trăm em nữ sinh trong một trường học ở Nigeria cũng đủ biến mình trở thành một tên tuổi gây kinh hoàng cho nhiều người trên thế giới.

Đúng ra ban chủ biên của tạp chí Foreign Policy còn thêm một nhân vật nữa cho đủ bộ “tứ nhân bang”: đó là Alexander Dugin, một “triết gia” với những tư tưởng chính trị đầy tham vọng muốn đẩy mạnh trở lại chủ nghĩa bành trướng nước Nga như những thời kỳ hoàng kim trong quá khứ. Nếu những người ngày xưa thường thích đọc truyện kiếm hiệp của Kim Dung và say mê theo dõi những tình tiết khi tác giả mô tả về 4 nhân vật “cùng hung cực ác” trong Thiên Long Bát Bộ như Đoàn Diên Khánh, Tôn Nhị Nương v.v. . . thì giờ đây người dân trên thế giới đang thực sự chứng kiến hoặc phải chịu đựng những hành động kinh thiên động địa của những lãnh tụ tàn ác không kém.

ABU BAKR AL-BAGHDADI
Có thể nói là cuộc đời của Al-Baghdadi đúng là “lên voi xuống chó”, vì chỉ trong một thời gian ngắn chưa tới 10 năm, ông ta đã trải qua nhiều thăng trầm thay đổi, từ một đạo sĩ Hồi-giáo tầm thường chuyên giảng đạo với những lời lẽ cuồng tín để rồi trở thành một tù nhân bị giam giữ trong các trại lính Mỹ tại Iraq, và sau cùng trở thành thủ lãnh của một tổ chức khủng bố khét tiếng với tham vọng vẽ lại bản đồ các nước tại vùng Trung Đông.

Vào thời kỳ cao điểm của cuộc chiến Hoa Kỳ tấn công Iraq bắt đầu từ năm 2003, tổ chức al-Qaeda đã bị đánh cho tơi tả cùng chung số phận với nhiều lực lượng dân quân khác tại Iraq do bởi các đợt không kích với hoả lực hùng hậu của quân đội Mỹ. Trong lúc các tay trùm của tổ chức như phải trốn chui trốn nhủi hoặc lần lượt bị thiệt mạng (như Abu Musab al-Zarqawi) thì al-Baghdadi leo dần lên nấc thang quyền lực của al-Qaeda tại địa phương, để rồi sau đó đã khôn ngoan chuyển dần các hoạt động bí mật sang nước Syria để tránh bị thiệt hại. Trong những năm gần đây, Syria lâm vào cơn nội chiến tương tàn giữa nhiều phe phái Hồi-giáo trong lúc Hoa Kỳ và Tây Âu gần như khoanh tay đứng ngoài, và do đó coi như đã trở thành một vùng đất cho tổ chức của al-Baghdadi tha hồ phát triển một cách nhanh chóng mà lại ít bị dòm ngó đến.

Vì thế nên khi tổ chức này bùng lên vào đầu năm nay với cái danh xưng mới là IS (Islamic State), nó đã gây ngạc nhiên cho nhiều người khi tiến chiếm như vũ bão nhiều vùng đất tại Iraq có dân gốc Sunni (nhưng bất mãn với chính quyền tại thủ đô Tehran thiên vị cho dân gốc Shiite). Đáng ngại hơn nữa, nhất là đối với người dân và các chính quyền Tây Phương, là những hình thức hành xử các tù nhân mà phe IS đã bắt giữ được như chặt đầu các nạn nhân và hành quyết tập thể, với những hình ảnh được quay hình video để phát tán sau đó hầu tạo ấn tượng kinh hoàng dữ dội hơn nữa.

Có thể nói là những tay thủ lãnh này đều có đầu óc cách mạng đáng nể để nảy sinh ra những tư tưởng sáng tạo rất tinh khôn, dù rằng nó chỉ được đem ra để phục vụ cho những mục tiêu không tốt lành. Trước đó, Osama bin Laden cũng đã có đầu óc sáng tạo độc đáo khi nghĩ ra một phương thức mới để có được những vũ khí hữu hiệu nhằm tấn công Hoa Kỳ mà không sợ bị phát giác trong vụ khủng bố 9/11: đó là dùng ngay các phi cơ dân sự chứa đầy xăng lúc mới cất cánh, và cướp nó đi để biến thành những hoả tiễn có sức công phá kinh hồn, sẵn sàng đâm vào các toà cao ốc một cách chính xác do bởi nó được điều khiển bởi những tên không tặc gan dạ trong sứ mạng cảm tử của mình.

Lần này, al-Baghdadi cũng có đầu óc cách mạng trong phương thức gây quỹ để trang trải cho những hoạt động của tổ chức. Thay vì dùng tiền riêng (như trường hợp của Osama bin Laden) hoặc sống nhờ vào tiền trợ cấp của nhiều giới giầu có tại một số các nước ở Trung Đông có cùng quan điểm với mình, al-Baghdadi đã biết cách tự kiếm ra tiền bằng cách dùng số dầu hoả kiếm được tại những vùng chiếm đóng để đem bán trên thị trường chợ đen. Ngoài ra, bọn chúng còn tổ chức những vụ bắt cóc nhiều thường dân hoặc các nhà báo Tây Phương để làm con tin và đòi chuộc mạng với những món tiền rất lớn. Chính vì thế mà tổ chức IS đã lớn mạnh và có đủ tiền bạc dồi dào để nuôi quân trong nhiều tháng trời mà không cần phải chịu sự chi phối của những quan thầy chu cấp tiền bạc như trước kia.

Giờ đây, al-Baghdadi được thế giới phương Tây phong cho danh hiệu là “đệ nhất hung thần” trên thế giới (the world’s most dangerous man). Trong một buổi giảng đạo tại nhà nguyện lớn ở Mosul, ông ta đã không thay đổi cái nhìn của thiên hạ với lời kêu gọi như sau: “Người là đấng tối cao đã phán rằng: chúng ta hãy chiến đấu cho đến khi bọn chúng không còn nổi loạn, và cho đến khi toàn thể tôn giáo đều phải thần phục đấng Allah.” (Trong mắt nhìn của người Hồi-giáo quá khích, tất cả mọi người trên thế gian đều phải tuân phục một đấng Thượng đế mà thôi, đó là đấng Allah của họ.Nếu ai làm ngược lại thì đó là một trọng tội, và tất cả những người Hồi-giáo đều có quyền giết hại kẻ đó vì đây là sứ mạng bảo vệ đạo pháp!)

VLADIMIR PUTIN
Đối với lãnh tụ Putin, được TT Boris Yeltsin lựa chọn để lên kế vị khi bất ngờ tuyên bố từ chức vào cuối năm 1999, thì sự sụp đổ của Liên Bang Sô Viết không những chỉ là sự giải tán của một hệ thống chính trị mà còn là một sự tan rã của một nền văn minh, văn minh của một nước Đại Nga (Great Russia).

Thật vậy, trong bài diễn văn đọc hồi tháng 3 vừa qua để biện minh cho hành động của Nga khi ngang nhiên cho sát nhập bán đảo Crimea của nước Ukraine vào lãnh thổ của Nga, ông Putin đã phát biểu: “Người dân Nga (sau ngày tan rã của Liên Sô) đã trở thành người dân của một nước bị chia rẽ, phân tán lớn lao nhất trên thế giới.

Trong mắt nhìn của nhà lãnh tụ độc tài này, nước Nga có một nền văn minh thành danh, với một đế quốc xứng đáng là đại cường quốc bá quyền là Đại Nga (tương tự như tư tưởng của những người Tầu với tham vọng chủ nghĩa Đại Hán). Do đó, Nga Sô không phải chỉ được định nghĩa bởi những lằn ranh ngăn chia biên giới hiện nay giữa các nước sau ngày chế độ Sô Viết tan rã, mà nó phải được xác định bởi những thứ chung như văn hoá, ngôn ngữ và lịch sử của những người dân gốc Nga. Và đó là sứ mạng mà mọi người dân Nga đều phải đeo đuổi, với lãnh tụ Putin là người giương cao ngọn cờ khởi xướng, để kết tụ lại tất cả những giống dân tại các vùng đất khác. Thành ra, trong nhiệm vụ cao cả kết hợp lại những khối dân đa dạng để tạo lại một nước Đại Nga như cũ, chuyện gọi là chủ quyền của những nước như Crimea, Ukraine v.v. . . có lẽ cũng chỉ là chuyện không đáng quan tâm, kiểu như “chuyện nhỏ như con thỏ”, nói theo ngôn ngữ thời thượng hiện nay trong các phim bộ tại VN.  

Cũng trong chiều hướng tạo lại một nước Đại Nga hùng mạnh, dù chỉ là thứ hùng mạnh tạm thời và không vững bền vì chỉ biết dựa vào việc xuất cảng tài nguyên thiên nhiên là dầu hoả và khí đốt, ông Putin cũng cho tiến hành một chính sách cai trị độc tài trong nước để củng cố cho chế độ và quyền hành của mình. Vì thế nên các đối thủ chính trị đều bị ông tận tình tiêu diệt, các tổ chức tranh đấu nhân quyền, các nhóm sắc dân thiểu số như Chechen đòi tự trị v.v. đều bị chính quyền Moscow thẳng tay đàn áp và được che đậy bằng cái chiêu bài bảo vệ những giá trị truyền thống của Nga khỏi sự xâm lấn của phương Tây và những thế lực thù nghịch.

Thật ra thì từ những ngày đầu Putin mới lên cầm quyền, Hoa Kỳ và các quốc gia Tây Âu đã sớm thấy rõ tham vọng cao ngạo cũng như những phương thức cầm quyền bá đạo của ông ta. Rất tiếc là vào lúc đó Hoa Kỳ đang bị ám ảnh với cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu dưới thời TT Bush Con nên đã mặc nhiên làm ngơ trước những việc làm sai trái và chà đạp nhân quyền của Bắc Kinh và Mạc Tư Khoa vì muốn được sự ủng hộ của hai nước Trung Cộng và Nga tại diễn đàn Liên Hiệp Quốc, nhất là sau khi những hành động vụng về, thiếu khôn ngoan nhưng háo thắng của các viên chức Mỹ thời đó như Bush, Cheney, Rumsfeld đã khiến cho các đồng minh lâu đời như Đức, Pháp phải lánh xa.

Thậm chí, ông Bush Con cũng còn bị giới truyền thông Tây Phương cười chê về tính “ngây thơ” đến mức gần như khờ khạo khi cho rằng ông đã có dịp nhìn sâu vào đáy mắt của người đối diện (trong những lần hội kiến giữa hai lãnh tụ) để có thể nhìn thấu suốt tâm can của ông Putin và nghĩ rằng ông ta không phải là một người xấu.

Nhưng đến năm 2014 thì cộng đồng thế giới đã không còn kềm hãm sự kiên nhẫn của mình nữa và đã chính thức lên án những việc làm của chính quyền Putin trên cả hai mặt quốc nội và quốc ngoại. Ngoài những việc như loại bỏ Nga ra khỏi những cuộc họp thượng đỉnh cao cấp như khối G7, Hoa Kỳ và Tây phương cũng cho áp dụng các biện pháp cấm vận nhắm vào các tay chân thủ hạ vây quanh ông Putin cũng như các đại công ty quốc doanh do những người này và phe phái đang nắm giữ. Vận may lại không kéo dài lâu cho Putin khi mà giá dầu thô bỗng nhiên tụt dốc thê thảm từ mùa hè năm nay, khiến cho mức thu nhập của Nga cũng bị ảnh hưởng tai hại theo, và có lẽ chỉ trong một thời gian ngắn thì đa số dân chúng Nga sẽ bắt đầu cảm nhận và từ đó có lẽ sẽ có cái nhìn hết còn thiện cảm đối với lãnh tụ của họ.

ABUDAKAR SHEKAU 
Tên tuổi của tay trùm khủng bố này bỗng dưng được mọi người trên thế giới chú ý hồi tháng 5 khi ông ta xuất hiện trong một đoạn phim video và không ngần ngại nhận mình là kẻ chủ mưu vụ bắt cóc 276 em nữ sinh tại một trường học ở Chibok phía đông bắc Nigeria. Tên của tổ chức là Boko Haram, dịch sát nghĩa là “Giáo dục Tây Phương bị nghiêm cấm”, một phong trào khủng bố Hồi-giáo mới nổi lên sau này, nhưng với những hành động đàn áp dã man không thua gì nhóm IS và đang gieo rắc kinh hoàng cho người dân tại một quốc gia giầu có và đông dân nhất ở Phi Châu.

Cái tên chính thức của nó rất dài dòng, tạm dịch là “Những Người Trung Thành với Giáo Điều của Đấng Tiên Tri Để Truyền Bá và Thánh Chiến”. Mặc dù được thành hình từ năm 2002, nhưng đến năm 2009 thì tổ chức này mới lớn mạnh với những đợt tấn công và thảm sát khiến hơn 5,000 thường dân bị thiệt mạng và hàng trăm ngàn người khác phải bị sơ tán.

Bắt đầu từ năm 2014, tổ chức Boko Haram đã lớn mạnh nhờ vào tài dụng binh khôn ngoan của lãnh tụ Shekau, và cũng vì quân đội Nigeria lại ở trong tình trạng tham nhũng lâu năm cũng như đã bách hại, ức hiếp người dân trong nước nên đã tỏ ra không hiệu quả trong việc ngăn chặn sự bành trường của các nhóm phiến quân nổi loạn tại nhiều nơi.

Với giáo điều cuồng tín nhằm áp đặt người dân phải tuân thủ theo những điều luật khắt khe của Hồi giáo (Sharia law) như dưới thời Trung Cổ, tổ chức Boko Haram sử dụng vũ lực một cách thô bạo để uy hiếp các nhóm dân quân cũng như thường dân cô thế tại nhiều vùng đất xa rời chính quyền trung ương để từ đó tạo nên một vùng mới nằm dưới quyền cai trị của bọn chúng.

ALEXANDER DUGIN
Ông này là một triết gia và cũng là một tư tưởng gia chính trị với những quan điểm cực đoan sặc mùi phát-xít. Với những quan hệ mật thiết với Điện Cẩm Linh (Kremlin) cũng như giới lãnh đạo quân đội tại Nga, ông ta cũng còn là cố vấn chính trị cho Chủ tịch Hạ Viện Nga (viện Duma). Lý thuyết của ông phổ biến là nhằm vào việc thống nhất lại những vùng đất nói tiếng Nga, tương đương như việc thống nhất lại các quốc gia chư hầu cũ dưới thời Liên Bang Sô Viết (trong đó có các nước đã được độc lập như Georgia, Ukraine v.v.)

Tự so sánh đế quốc Nga giống như đế quốc La Mã trước đây, ông Dugin cho rằng Nga và các quốc gia chư hầu khác cần phải cảnh giác trước những sự suy thoái và sa đoạ của các quốc gia phương Tây. Tư tưởng của ông đề ra được coi như là động lực chính để thúc đẩy và biện minh cho những hành động của chính quyền Mạc Tư Khoa ngang nhiên sát nhập bán đảo Crimea của Ukraine trở thành lãnh thổ của Nga hồi đầu năm nay, gây sự chống đối mãnh liệt của Hoa Kỳ và các quốc gia Âu Tây.

Chưa hết, ông ta còn đẩy mạnh phong trào chấn hưng lại nước Đại Nga khi cho rằng những phần đất phía nam và đông của Ukraine đáng lý ra phải gọi là nước Novorossiya (tức là New Russia, nước Nga Mới), và do đó những người dân quân tại các vùng đất này đã kêu gọi sự can thiệp của chính quyền Moscow để giúp họ giành lại chủ quyền. Ông ta cũng có những liên hệ rất thân cận với thủ lãnh của nhóm phiến quân đòi ly khai của Ukraine là Igor Strelkov, thậm chí còn có lúc đưa ra nhiều hiệu lệnh cho các nhóm phiến quân này.

Nếu như phong trào đòi khôi phục tinh thần “Đại Nga” có được là do những toan tính ma quỷ và mưu mô thâm độc của một lãnh tụ độc tài như Vladimir Putin thì nó cũng cần có những đầu óc và tư tưởng như Alexander Dugin để có thể làm nền tảng khích động cho nhiều người dân Nga tin theo, trong bối cảnh họ không muốn nhìn thấy thế giới ngày nay chỉ còn có một đại siêu cường là Hoa Kỳ.

Sau cùng, ban chủ biên của tạp chí Foreign Policy cũng còn liệt kê thành tích của 3 nhân vật nữa trong số những kẻ “quậy phá” trên thế giới trong năm qua. Đó là Alexander Borodai, thủ lãnh và cựu thủ tướng tự xưng của quốc gia tân lập Donetsk đòi tự trị ở phía đông Ukraine, được coi như là một trong những khuôn mặt khuấy động các phong trào quốc gia cực đoan ở Nga với lý tưởng phục hương lại chủ nghĩa đế quốc Nga.

Rồi đến hai tay kinh tài của tổ chức IS và nhóm al-Nusra, một chi nhánh của al-Qaeda tại Syria: đó là Hajjaj al-Almi và Abd Al-Rahman Khalaf al-Anizi. Đây là những kẻ đã biết sử dụng những phương pháp mới trong việc gây quỹ, khác với những truyền thống cũ: đó là việc bán lậu các nguồn dầu thô trên thị trường chợ đen, cũng như việc đòi tiền mãi lộ hoặc bảo kê, giữ an ninh cho tất cả các dịch vụ kinh doanh tại những vùng kiểm soát bởi nhóm IS. Almi còn có khả năng khai thác phương tiện liên lạc bằng Twitter qua hệ thống điện thoại tinh khôn để phổ biến tin tức đến gần nửa triệu cảm tình viên trải rộng trên nhiều quốc gia trong vùng Vịnh Ba Tư.

Sau hết là những “chiến binh quốc ngoại” (foreign combatants) đến từ các quốc gia khác để gia nhập vào các lực lượng phiến quân Hồi giáo. Điều này thật ra cũng không có gì mới lạ vì từ trước tới nay các phong trào Hồi giáo cực đoan đều nhận được sự tình nguyện tham gia của nhiều công dân các nước lân cận đổ về. Đa số là những người trẻ, không có nghề ngỗng tại quê quán hay nước mình, nên sẵn sàng lao mình vào các cuộc phiêu lưu, nhất là khi bị tuyên truyền để say mê theo chủ thuyết tôn giáo quá khích và tin tưởng vào lý tưởng thánh chiến để bảo vệ đạo giáo của mình. Từ đó, những người trẻ cuồng tín này đã không ngần ngại lao mình vào những cuộc phiêu lưu gọi là “thánh chiến” chết người này. Nhưng điều đáng nói hơn là lần này con số các chiến binh Hồi giáo quốc ngoại này lại đến từ một số các nước Tây Phương, vốn thường được xem như là không mấy có thiện cảm với Hồi Giáo.

Sự kiện này được ghi nhận lần đầu khi trong đoạn phim video của IS chiếu cảnh chặt đầu một nhà báo Mỹ là James Foley, các chuyên gia tình báo đều cho rằng hung thủ ra tay là một người Anh, với giọng nói phát âm rặt tiếng của dân Anh chính cống. Từ đó, tay này được đặt cho biệt hiệu là “Jihadi John”, tức là anh John Thánh Chiến. Theo sự tìm hiểu của các tổ chức nghiên cứu về đề tài này, con số các chiến binh ngoại quốc tham dự vào cuộc chiến tại Syria hiện nay lên đến hơn 15,000 tay súng và trong đó có đến 15%, tương đương với khoảng 2,000 người, phần lớn đến từ các quốc gia Âu Châu như Pháp, Anh, Đức, Bỉ và Hoà Lan (với số lượng từ gần 200 đến hơn 400 công dân của những nước này).

Các viên chức chính quyền cho rằng họ đã nhận diện khá rõ tung tích của anh Jihadi John, cho dù anh ta có bịt mặt trong các đoạn băng video. Nhưng điều đáng ngại hơn hết là cho dù có bắt được anh ta sau này và đem ra để xét xử, thì cũng sẽ còn có nhiều tay chiến binh ngoại quốc khác sẵn sàng đứng lên để thay thế chỗ đứng của anh ta.

Và đó có lẽ là nỗi ám ảnh, và cũng là nỗi đau của người dân và chính quyền tại nhiều quốc gia, không hiểu vì sao mà tinh thần tôn giáo cực đoan lại tiếp tục có sức thu hút đối với nhiều con dân trong nước của họ. 

MAI LOAN
Houston, Texas ngày 03/01/2015