Năm 1969, thời điểm cuộc chiến tranh Việt Nam khốc liệt nhất, bác sĩ trẻ người Mỹ Bob Shirley cùng đồng đội chữa bệnh cho người bị thương ở Chơn Thành (Bình Phước). Trong thời gian làm việc ở đây, ông đã chụp ảnh một nhóm trẻ em Việt Nam. Gần 50 năm sau, Larry Johns - người muốn tìm ký ức về anh trai từng chiến đấu ở Việt Nam - vô tình tìm thấy những bức ảnh của Bob Shirley. Tò mò về số phận của những đứa trẻ trong ảnh, ông đã liên hệ với Bob Shirley và nhiếp ảnh gia Reed Young cùng lên đường tìm lại những đứa trẻ ngày xưa ấy. Ảnh Bob Shirley.
Cuộc tìm kiếm khá khó khăn bởi ngay sau khi những hình ảnh được chụp, nhóm trẻ đã sơ tán khỏi ngôi làng của họ. Quá trình tìm kiếm mất khoảng 2 năm và đã tìm được 16 đứa trẻ trong ảnh năm xưa. "Có rất nhiều tiếng cười và nước mắt. Đó là trải nghiệm tuyệt vời nhất cuộc đời tôi", Larry chia sẻ. Trong hành trình này, ông cũng tìm được nơi chôn cất anh trai mình. Ảnh: Reed Young.
Sau gần nửa thế kỷ, những bức ảnh của bác sĩ Bob vẫn còn nguyên vẹn, sắc nét. Trong bức hình này, cậu bé tên Trường là người thứ ba từ trái qua, sau đó là Thành (thứ tư từ trái qua) và bên cạnh là Cường. Ảnh: Bob Shirley.
Khi Trường là một đứa trẻ, ông thường cùng các bạn nhặt nhạnh đồ đạc bên ngoài các căn cứ quân sự Mỹ. Một hôm, ông tìm thấy một hộp kim loại được dùng để bảo quản đạn cho súng máy và cha ông nghĩ rằng nó rất tốt để đun nấu. Chẳng ngờ lần đầu tiên dùng luộc ngô, nó phát nổ và đốt cháy gần như cả cơ thể cha ông. May mắn cha ông được cứu. Hiện tại, vợ chồng ông Trường và 6 người sống trong trang trại của họ gần Phan Thiết. Ảnh: Reed Young.
Ông Thành và ông Cường là người miền Bắc Việt Nam. Họ di cư vào Nam từ năm 1954 và sống trong trại tị nạn, được chăm sóc và giúp đỡ tìm việc làm. Ngày nay, ông Thành có vợ con và hy vọng một cuộc sống tốt đẹp hơn sẽ đến với họ. Còn ông Cường có vợ và 4 người con. Ông làm việc chăm chỉ, nuôi dạy con ăn học đầy đủ. Cả gia đình sống ở Vũng Tàu. Ảnh: Reed Young.
Cậu bé Diệm, áo sọc đỏ lúc 9 tuổi. Thời ấy Diệm thường mang cơm trưa cho chị gái bán nước gần căn cứ quân sự Mỹ và thường chơi với các bạn khi về. Ảnh: Bob Shirley.
Hiện tại Diệm sống cùng gia đình tại Vũng Tàu và gia đình ông có một cửa hàng bán phở. Trong ảnh ông đứng ở một gian phòng của nhà mình, nơi mở một salon tóc. Ảnh: Reed Young.
Cậu bé Hải ngồi một mình trên băng ghế bên trái, trong áo sơ mi trắng và quần short. Ba năm sau khi chụp bức ảnh này, Hải mồ côi bố. Ảnh: Bob Shirley.
Ngày nay ông Hải và vợ sống ở Vũng Tàu, họ có trang trại nuôi gà và lợn. Hai người con đang học và làm ở TP HCM. Ảnh: Reed Young.
Khi bức ảnh này được chụp, Thế lên 8 tuổi, mặc áo sọc, đội mũ. Ảnh: Bob Shirley.
Ông Thế ngày nay có vợ và 4 người con. Gia đình ông có một trang trại trồng điều. "Những bức ảnh đó mang lại rất nhiều kỷ niệm về tuổi thơ. Bây giờ tôi rất hạnh phúc, không phải vì được họ giúp đỡ mà vì họ đã trở lại và muốn biết về chúng tôi", Thế nói. Theo Larry Johns, Thế có công rất lớn trong cuộc tìm kiếm này bởi ông nhớ khá rõ những người bạn trong các bức ảnh và giúp liên lạc lại với họ. Ảnh: Reed Young.
Ngày còn ở trại tị nạn Chơn Thành, Sa và em trai cô tên Lộc được những người lính Mỹ chăm sóc. Một vụ nổ tại căn cứ quân sự ở đây đã làm Sa tàn tật suốt đời. Ảnh: Bob Shirley.
Gần 50 năm sau, bà Sa và chồng sống trong một trang trại thanh long ở Phan Thiết. "Cuộc sống vẫn còn khó khăn nhưng tôi cảm thấy xúc động vì những gì mà những người lính nhớ đến chúng tôi", bà Sa bộc bạch. Ảnh:Reed Young.
Cậu bé Tuấn (bên phải) thường đi xin thuốc và thực phẩm từ những người lính Mỹ khi hình ảnh này được chụp. Ảnh: Bob Shirley.
Trong ảnh là ông Tuấn và vợ. Ông Tuấn là một bệnh nhân ung thư. "Tôi không biết về những bức ảnh đã được chụp. Sau hơn 40 năm, tôi đột nhiên có chúng. Tôi rất hạnh phúc", ông nghẹn ngào. Ảnh: Reed Young.
Phan Dương
Theo: TheGuardian