Friday, 20 March 2015

Sách Tiếng Việt lớp 5: 'Thánh Gióng đánh giặc xong, ăn cơm rồi tắm hồ Tây'

Cuốn Tiếng Việt lớp 5, tập 2 của NXB Giáo dục có đoạn viết, Thánh Gióng sau khi đánh tan quân giặc “ăn một bữa cơm no rồi nhảy xuống Hồ Tây tắm, xong mới ôm vết thương lên ngựa đi tìm một rừng cây âm u nào, giấu kín nỗi đau của mình mà chết”.

Gần đây, nhiều giáo viên và phụ huynh ở huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa) thắc mắc chi tiết “dị bản” viết về nhân vật dân gian Thánh Gióng trong sách Tiếng Việt lớp 5, tập 2 và cuốn Hướng dẫn học Tiếng Việt lớp 5, tập 2A. Cả hai cuốn đều do Nhà xuất bản Giáo dục ấn hành.
1-JPG-3421-1426519247.jpg
Hai cuốn sách đều do NXB Giáo dục ấn hành. Ảnh: Lê Hoàng.
Cụ thể, sách Tiếng Việt lớp 5 (tập 2, trang 86) trong phần luyện tập thay thế từ ngữ để liên kết câu có đoạn viết: “Nghe chuyện Phù Đổng Thiên Vương, tôi thường tưởng tượng đến một trang nam nhi, sức vóc khác người, nhưng tâm hồn còn thô sơ và giản dị như tâm hồn tất cả mọi người thời xưa. Tráng sĩ ấy gặp lúc quốc gia lâm nguy đã xông pha ra trận, đem sức khỏe mà đánh tan giặc, nhưng bị thương nặng. Tuy thế người trai làng Phù Đổng vẫn còn ăn một bữa cơm rồi nhảy xuống Hồ Tây tắm, xong mới ôm vết thương lên ngựa đi tìm một rừng cây âm u nào, giấu kín nỗi đau của mình mà chết”. Phía dưới đoạn trích ghi tên tác giả là Nguyễn Đình Thi.
Trong cuốn Hướng dẫn học Tiếng Việt lớp 5, tập 2A, tại bài 26C (trang 140) phần thảo luận và trả lời câu hỏi cũng có đoạn trích tương tự. Trang sách còn có hình ảnh minh họa vẽ một thiếu niên đang cưỡi ngựa, hai tay cầm chắc một khóm tre phi về phía trước.
4-JPG-8685-1426519247.jpg
Đoạn trích trong cuốn Tiếng Việt lớp 5 tập hai. Ảnh: Lê Hoàng.
Nhiều phụ huynh cho rằng, chi tiết trong phần kết đoạn văn viết về nhân vật truyền thuyết dân gian Thánh Gióng đã bị xuyên tạc, suy diễn. Theo truyền thuyết, Thánh Gióng sinh ra ở xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm, Hà Nội vào thời Hùng Vương thứ 6. Ông là người trời đã đầu thai xuống trần thế để giúp nhân dân đánh giặc Ân sang xâm lược. Sau khi đánh tan quân giặc, ông đuổi giặc đến chân núi Sóc (Sóc Sơn), rồi lên đỉnh núi cưỡi ngựa bay về trời. Vua nhớ công ơn ông, phong là Phù Ðổng Thiên Vương và lập đền thờ ngay tại quê nhà.
“Tôi chưa từng nghe thấy có tài liệu nào nói đến Thánh Gióng đánh giặc xong còn ăn bữa cơm no rồi nhảy xuống hồ Tây tắm, sau đó ôm vết thương vào rừng giấu kín nỗi đau mà chết cả”, chị Lê Thị Huệ, một phụ huynh thắc mắc.
Cho rằng đoạn văn trên có phần “khó tin”, bà Tạ Thị Ánh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Quang Lộc (Hậu Lộc), cho biết giáo viên ở trường cũng rất bất ngờ. Theo bà, cuốn sách này là tài liệu học tập theo mô hình mới Việt Nam (VNEN). Chương trình được thí điểm ba năm nay trên các tỉnh thành cả nước. Đã có khoảng 2.000 trường tiểu học áp dụng mô hình này.
3-JPG-5579-1426519247.jpg
Một đoạn trích tương tự trong cuốn Hướng dẫn học Tiếng Việt  lớp 5, tập 2A. Ảnh: Lê Hoàng.
Trao đổi với VnExpress, GS Nguyễn Minh Thuyết, chủ biên cuốn sách cho biết, đoạn văn trên được trích dẫn từ tác phẩm "Sức sống của dân Việt Nam trong ca dao và cổ tích", của nhà thơ Nguyễn Đình Thi. Cuốn Hướng dẫn học Tiếng Việt lớp 5, tập 2A là một tài liệu thử nghiệm của mô hình trường học mới Việt Nam (Việt Nam Escuela Nueva, viết tắt là VNEN).
Theo GS Thuyết, nhà thơ Nguyễn Đình Thi từng viết một số bài nghiên cứu về văn học dân gian như "Nguyễn Du và Truyện Kiều", "Thời gian của Thánh Gióng". Khi 20 tuổi, ông viết bài "Sức sống của dân Việt Nam trong ca dao và cổ tích". Tại đoạn trích dẫn sử dụng trong sách giáo khoa, nhà thơ đã dùng nhiều từ để chỉ Thánh Gióng như: trang nam nhi, tráng sĩ ấy, người trai làng Phù Đồng nhằm tránh lặp từ.
"Tôi đã có bài phân tích rất kỹ về ngữ liệu được dùng trong cuốn sách này. Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đang tổng hợp thông tin để làm rõ", GS Thuyết cho hay.
Mô hình trường học mới tại Việt Nam (VNEN) là một dự án về sư phạm nhằm xây dựng và nhân rộng một kiểu mô hình nhà trường tiên tiến, hiện đại, phù hợp với mục tiêu phát triển và đặc điểm của giáo dục Việt Nam. Theo mô hình của trường học mới, quản lý lớp học là Hội đồng tự quản học sinh, các ban trong lớp, do học sinh xung phong và được các bạn tín nhiệm. Giáo viên và phụ huynh sẽ là người tư vấn, khích lệ, giám sát. 
"Hội đồng tự quản học sinh" là một biện pháp giúp học sinh được phát huy quyền làm chủ quá trình học tập, giáo dục. Học sinh có điều kiện hiểu rõ quyền và trách nhiệm trong môi trường giáo dục, được rèn các kỹ năng lãnh đạo, kỹ năng tham gia, hợp tác trong các hoạt động.
Lê Hoàng - Lan Hạ