Thursday, 16 April 2015

THƯ GỬI BẠN TA của Bùi Bảo Trúc 17-4-2015

THƯ GỬI BẠN TA của Bùi Bảo Trúc

Các bài viết hàng tuần của Nhà Báo Bùi Bảo Trúc trong mục Thư Gửi Bạn Ta

LẠI CỔ TÍCH CHO CÁC CHÁU NGOAN

Các cháu ngoan của bác Hồ kính yêu ở trong nước còn đang thích thú với truyện Thạch Sanh và chi tiết được mẹ cởi quần nhường cho trước khi chết thì lại được đặt vào tay một cuốn truyện cổ tích khác không kém phần hấp dẫn.

Cuốn sách do nhà xuất bản Hải Phòng ấn hành hồi năm ngoái (2014) chắc chắn đã tới tay nhiều độc giả. Trong cuốn cổ tích này có một truyện rất đáng đọc với tựa đề “Thỏ trắng và Hổ xám”. Những truyện về hổ không hiếm trong cổ tích Việt Nam và thường là những lần hổ thua nặng, hết thua trâu lại đến thua bác thợ cầy, rồi lại thua cả cóc một cách thảm hại.
Trong truyện “Thỏ trắng và Hổ xám”, hổ cũng thua thỏ. Hổ tìm đủ mọi cách để biến thỏ thành bữa ăn nhưng chuyện đó không dễ. Thỏ nhẩy lên cây, rồi lại lừa để hổ leo xuống, xong việc lại leo lên cây và dụ cho hổ làm theo lời thỏ để bị thỏ chơi cho một đòn nặng và thoát thân.

Những chi tiết như vừa kể thì cũng chẳng có gì đáng nói. Hổ còn bị những đòn hiểm độc hơn nhiều. Do đó không hề có chuyện độc giả phản đối vì những cảnh tàn ác có thể tạo những ý tưởng không tốt, độc ác, thiếu đạo đức không hợp với tâm hồn thơ ngây, trong sáng của các độc giả tí hon.

Truyện “Thỏ trắng và Hổ xám” bị nhiều ý kiến nói rằng một số chữ nghĩa trong truyện có thể được coi là quá tục tĩu với trẻ nhỏ. Mà thực là như thế. Những chữ đó thô tục đã đành mà lại không cần thiết cho truyện.

Thí dụ truyện kể rằng hổ trong lúc bực bội thỏ đã văng ra một câu chửi rất dân gian liên quan đến mẹ của thỏ. Gần đó là chi tiết thỏ tìm cách lừa hổ, nói với hổ là thỏ phải đi đại tiện nhưng lại dùng một chữ rất ngay tình và không mầu mè riêu cua gì để nói về chuyện bài tiết ấy. Thế rồi người kể truyện kể tiếp rằng thỏ dụ hổ tỏ thiện chí là sẽ không vồ thỏ ăn thịt bằng cách nằm ngửa giơ bốn chân lên trời thì thỏ mới từ trên cây leo xuống. Và khi hổ làm đúng lời thỏ, thì lập tức thỏ nhẩy xuống và … “bắt cọp” ngay tại chỗ. Hổ bị … “bắt cọp” đau quá phải hứa không vồ thỏ nữa.

Dĩ nhiên võ “bắt cọp” được viết xuống ngay tình chứ không hề được bóng gió như trong thơ văn của Hồ Xuân Hương, Trạng Quỳnh … làm gì cho các em khó hiểu.

Như thế, trong có một truyện cổ tích, các độc giả nhỏ tuổi đã đọc được một câu chửi, một động từ nói về một hoạt động của cơ thể mà trong tiếng Việt có ít nhất cả hơn một chục từ ngữ khác nhau để chỉ. Độc giả còn được chỉ mách cho một ngón đòn khá độc để vô hiệu hóa ngay đối thủ. Chỉ trong có một truyện, các em học được ngay ba điều.

Nhưng những điều ấy có cần thiết không, có cần để làm cho câu chuyện lý thú hơn không? Chắc là không.

Không có những chi tiết về câu chửi, về hoạt động bài tiết, về “bắt cọp”, những truyện hổ và cóc thi nhẩy xa, truyện hổ bị lừa ăn no đòn của người thợ cầy… thì những truyện cổ tích vừa kể vẫn hấp dẫn như thường. Truyện thỏ và hổ nếu bỏ bớt mấy chi tiết dùng thứ ngôn từ mất dậy như trong cuốn truyện cổ tích cũng vẫn làm vui được trẻ nhỏ, không cần lối viết như thế.

Có điều không biết kiểu viết sách như thế là phản ảnh của cái xã hội độc địa vô giáo dục hiện nay hay đó là thứ sách vở để dậy dỗ rồi sản xuất ra cái thứ tuổi trẻ mất dậy ở Việt Nam bây giờ.

Sau những ý kiến phản đối, cục xuất bản đã phải ra lệnh ngưng cuốn truyện cổ tích do nhà xuất bản Hải Phòng in ấn. Nhưng chắc chắn cuốn sách cũng đã đến tay một số cháu ngoan của bác, cái thứ con nít được mẹ dậy những câu chửi chồng (dẫu là để đùa giỡn * )  học thêm được những “nghề nghiệp hay”.

(*) internet: bé gái 4 tuổi với clip chửi chồng
https://www.youtube.com/watch?v=3mrquD8dg4U