Sau ngày 30 tháng Tư cuộc sống của cả miền nam Việt Nam đã đổi đời, đổi từ sướng sang khổ, đổi từ tự do sang kềm kẹp, đâu đâu cũng là những cuộc sống dè dặt và khó khăn, gia đình chị Bông cũng nằm trong cảnh ấy.
Món tiền của cha mẹ chị dành dụm gởi trong ngân hàng Việt Nam Thương Tín kể như mất toi, món tiền của vợ chồng chị cũng gởi trong Việt Nam Thương Tín thì chị may mắn hơn, tháng 8 năm 1975 chị sinh thằng con thứ hai, chị đã viết đơn ra ủy ban phường xin xác nhận hoàn cảnh vừa mới sinh con nên ngân hàng Việt Nam Thương Tín lúc này do nhà nước quản lý đã cho chị lãnh 10 ngàn đồng.
Tiền của mình bỗng bị cướp trắng trợn, phải nằm trong diện khó khăn, ma chay, sinh đẻ hay hoạn nạn gì đó mới được nhà nước cứu xét trả lại 10 ngàn đồng cho dù tổng số tiền gởi là bao nhiêu, và rồi số tiền còn lại chết yểu, chết oan ức không bao giờ trở về với chủ.
Vài năm sau khi chị Bông đi thăm chồng tù cải tạo tại trại Z30C rừng lá Hàm Tân Thuận Hải, chị gặp bà vợ ông Nguyễn Văn Mão giám đốc ngân hàng Việt Nam Thương Tín cũng đi thăm chồng, người nổi tiếng đi đến đâu ai cũng biết. Ông giám đốc ngân hàng còn sa cơ thê thảm thế kia thì xá chi món tiền nhỏ nhoi của mình.
Với chế độ mới người ta phải cẩn thận từng lời ăn tiếng nói kẻo bị tù oan. Một thằng bé hàng xóm chị Bông trong lúc chơi đùa với các bạn ngoài đường nó hát nhại câu hát trong bài “Túp lều lý trưởng” là “Từ ngày giải phóng vô đây mình khổ thật nhiều” anh bộ đội đi đường nghe thấy, chẳng biết anh đang đi đâu vậy mà cũng mất thì giờ bắt nó đưa lên uỷ ban phường nhờ giáo dục lại., bố mẹ nó phải làm giấy cam kết dạy dỗ con để bảo lãnh nó về, cũng may nó tuổi vị thành niên, nếu lớn hơn chắc đi tù cải tạo vì tội phản động, xuyên tạc chế độ.
Có hôm chị Bông đi chợ đang mua bó rau muống, bà bán rau người miền Nam thấy hai anh bộ đội xách giỏ đến gần bà đã vồn vã mời chào :
- Mời hai đồng chí mua rau.muống….
Hai anh đã không mua mà khó chịu gắt gỏng:
- Ai đồng chí với bà, ăn nói phải cẩn thận nhé
- Bà đã đi bộ đội đã chiến đấu với chúng tôi ngày nào chưa mà gọi chúng tôi là đồng chí, hả?
Hai anh bộ đội mặc quân phục đội nón cối chân đi dép râu làm từ lốp xe chắc là “anh nuôi” lo việc bếp núc cho đơn vị hay cơ quan tập thể nào đó, hình ảnh các bộ đội mặc quân phục đi chợ, hai ống quần xắn lên khỏi mắt cá chân cho gọn thật khôi hài, thật ngứa mắt trông như người đi cày đi cấy nhưng nhìn mãi thành quen mắt không ai còn ngạc nhiên nữa.. Các anh đi chợ bằng xe đạp thồ, rau cỏ chất đầy, thời ấy bếp ăn tập thể hay tư nhân thì rau luôn là thức ăn chủ yếu.
Bà bán rau xưng hô hai từ “đồng chí” với hai anh bộ đội là bày tỏ sự thân thiết, tưởng lấy lòng họ lại bị họ mắng...Khi hai anh bộ đội đi xa bà bán rau buông câu nói hậm hực:
- Bộ tao ham làm đồng chí với mày sao, tao chỉ muốn bán cho mày mấy bó rau thôi, đừng có chảnh nghe con.…
Người thắng cuộc miền Bắc vui mừng háo hức tràn vào miền Nam đủ mọi hình thức, làm việc, công tác, thăm thân nhân hay đi cho biết miền Nam, ngắm cảnh miền Nam để ăn mừng cho bao công lao của họ đã hi sinh chiến đấu.
Nhưng người dân miền Nam chẳng mấy ai muốn ra thủ đô Hà Nội của bên thắng cuộc cả.
Bố chị Bông cũng không có ý định về thăm quê cũ, ông không lạ gì Việt Cộng, thời buổi sau 1975 tranh tối tranh sáng, trong miền Nam cũng đã có kẻ thời cơ hại người rồi, bố chị đã bị công an đến nhà “mời” lên ủy ban phường “làm việc”, cả nhà rất lo ngại không biết chuyện gì đã xảy ra và sẽ xảy ra. Từ phường bố chị bị chuyển lên ủy ban huyện và biệt tăm biệt tích hơn 1 tháng mới được tha về.
Thì ra có kẻ hàng xóm nào đó đã tố với ủy ban quân quản bố chị là “mật vụ chìm”của “ngụy quân nguỵ quyền” trong khi ông chỉ là cảnh sát viên bình thường trong phủ thủ tướng ...
Trong Nam đã thế nói gì đến miền Bắc của phe chiến thắng, những người di cư 1954 nay trở về thăm miền Bắc sẽ bị để ý, bị “nhân dân” khinh miệt trả thù.
Bố chị chỉ gởi cầu may một lá thư về quê cũ cho người em họ để hỏi thăm họ hàng quyến thuộc, gọi là “cầu may” vì sau bao nhiêu năm ly tán kể từ 1954 chẳng biết thân nhân còn ở quê không. Thế mà lá thư vẫn có người nhận và người em họ của bố đã trả lời thư.
Ban đầu chị Bông không tin, một mực nói:
- Làm gì một lá thư không số nhà lại đến tay người nhận được? Có chắc đây là thư của chú Côi không?
Bố chị giải thích:
- Chú ấy đã kể về những họ hàng nội ngoại, bên nội và bên ngoại các con cùng quê mà, chú Côi còn kể về những kỷ niệm giữa bố và chú ngày xưa thì chính là chú còn ai vào đây nữa .. Ở phố thì bố không biết chứ ở quê thì cả làng cả xã ai cũng biết nhau, lá thư gởi tên người nào thì sẽ đến đúng tay người ấy, chẳng cần số nhà ngoài tên làng tên xã.
- Nhưng lạ ở chỗ cả một thời gian dài từ 1954 đến giờ mà họ vẫn không rời khỏi làng quê…
- Vì tình quê cha đất tổ, vì luật lệ hành chính xã hội ràng buộc nên họ vẫn bám lấy làng quê. Biết đâu vài chục năm sau nữa chúng ta gởi thư về người thân ở làng quê này vẫn không cần số nhà, tên đường..
Sau lá thư của bố thì gia đình chị Bông nhận được những lá thư của các thân nhân khác, chắc chú Côi đã khoe thư của bố chị với mọi người. Thư viết trên trang giấy học trò, có thư chữ viết nắn nót, có thư chữ viết như gà bới nhưng thư nào cũng đầy ắp nhớ thương và không bao giờ thiếu câu mở đầu nghiêm chỉnh trên mỗi lá thư là :” Công hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam . Độc lập tự do hạnh phúc”, xong “thủ tục” với nhà nước rồi nhân dân mới viết riêng tư gì thì viết.
Chị Bông đã ngạc nhiên hỏi bố:
- Thân nhân của bố viết thư như viết tờ đơn, họ làm việc cho chính quyền nên quen tay chăng?
Bố chị chép miệng:
- Họ là nông dân thôi, nhưng là ai thì cũng là người của miền Bắc bao nhiêu năm sống với xã hội chủ nghĩa.
Không ngờ chỉ một lá thư bố chị gởi về hỏi thăm những thân nhân nội ngoại ấy mà đã nhận lại những tình cảm qúa đổi thắm thiết, sau những thư từ là những người khách không mời đã lần lượt từ Bắc vào Nam thăm gia đình chị Bông..
Năm 1978 gia đình chị đón một khách đầu tiên từ miền Bắc vào. Lúc này xe lửa Thống Nhất Bắc Nam đã thông, gía vé bao cấp còn rẻ.
Một hai đứa trẻ con hàng xóm chạy xộc vào nhà chị Bông hí hửng báo tin:
- Chị Bông ơi, nhà chị có khách ngoài Bắc kìa. .Bà ấy gánh hai bao tải to lắm
Chị Bông cũng vui mừng thông báo ngay với bố:
- Bố ơi khách Bắc này chắc giàu lắm, họ gánh hai bao tải qùa vào cho nhà mình.
Bà cô ruột của chị Bông đã gồng gánh từ Bắc vào Nam , bà hỏi thăm từ đầu đường đến cuối xóm nên cả khu xóm ai cũng biết nhà chị đang có khách Bắc.
Bố chị dặn dò:
- Đây là em ruột của bố, chúng ta “giấy rách phải giữ lấy lề” tiếp đãi cô hậu hĩ . Ngày xưa khi bố theo ông nội đi làm ăn xa quê cô Cam đã mấy lần dẫn mẹ các con từ làng quê đi Hà Nội đến Bắc Giang rồi Móng Cái thăm bố...
Thời điểm lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm đều phải mua bằng sổ hạn chế theo từng đầu người không đủ ăn đủ dùng nên bố chị đã cẩn thận dăn dò thế, kể lể ân tình thế để phòng xa vì đã từng có cảnh khách đến nhà người ta không muốn mời ăn ở sợ hao tốn. Miếng ăn cái mặc bỗng lên ngôi, gía trị tình cảm con người bị chà đạp xuống thấp.…
Vào đến nhà cô Cam đòi thắp hương cho ông nội chị và mẹ chị, cô nước mắt ngắn dài khóc thương người cha xa cách từ năm 1954 và bà chị dâu hiền lành vắn số.
Mấy đứa em háo hức thì thầm với chị Bông:
- Chị ơi, cô Cam mua những gì mà nhiều thế?
Chị Bông sốt ruột:
- Không biết, đợi cô thắp hương xong sẽ mở qùa…
Các em và hai con chị Bông tò mò và nao nức chờ cô Cam cho qùa, không biết là những qùa gì trong hai cái bao tải to tướng bằng vải ấy. Cô mở cái tay nải nhỏ trước, lấy ra mấy quả chuối tiêu chín nẫu đã nhũn mềm và tiếc rẻ:
- Chưa kịp ăn thì nó chín cả rồi, trong Nam nắng nóng qúa, mấy qủa chuối này cô mua ăn lúc đi đường, vẫn còn ăn được các cháu ăn đi…
Thấy chẳng đứa nào muốn nhận mấy qủa chuối thâm đen cô Cam lại moi trong tay nải ra mấy bịch bỏng, mỗi nắm bỏng to tròn bằng nắm tay, cô Cam hớn hở mời mọc::
- Đây là qùa cô mua cho các cháu, bỏng ở làng quê ta trẻ con nào cũng thích, gạo rang thành bỏng trộn với đường mật và gừng thơm ngon lắm.
Đứa em gái út của chị Bông thất vọng:
- Ở đây cũng có bỏng này, thế còn món gì trong hai cái bao kia hả cô?
Thằng Bi 3 tuổi con của chị Bông cũng bắt chước dì nó vòi vĩnh:
- Bi muốn cô mở cái bao to kia cho cháu qùa…
- Này con, dì út gọi là cô Cam nhưng con phải gọi là bà Cam , từ từ bà Cam sẽ cho con qùa mà..
Chị Bông mắng con đừng nóng lòng mà lòng chị vẫn chờ mong hai bao tải kia được mở ngay ra.
Cô Cam trả lời con cháu út nhưng nhìn chị Bông để giải thích:
- Cái món này các cháu không ăn được, không phải qùa cháu ạ, đây là tỏi vườn cô thu hoạch, năm nay tỏi ở quê ta được mùa nên mất gía, bán rẻ như cho mà người ta còn chê không muốn mua, nhân thể chuyến đi cô mang vào Nam may ra bán khá hơn, thu đồng vốn nào hay đồng vốn ấy..
Tội nghiệp cô Cam đã mang cả gánh tỏi từ Bắc vào Nam .
Chị Bông thất vọng thì ít nhưng các em và hai con chị thất vọng thì nhiều, chúng đành nhận mấy nắm bỏng đặc sản của làng quê cô Cam còn hơn không có món gì.
.Cô Cam bảo chị:
- Mai cháu dẫn cô ra chợ bán tỏi nhé, ở đây cô xứ lạ quê người.
Chị Bông bùi ngùi thương cô:
- Vâng, cô muốn chợ gần chợ xa gì cũng được…
Cô Cam đã gánh tỏi ra chợ tìm các bạn hàng và bán sỉ cho họ với gía rẻ bèo nhưng cô bảo cũng đỡ hơn gía ở quê rồi cô buồn rầu kể:
- Những mùa bội thu lại là mùa mất tiền cháu ạ, công sức mình như đổ sông đổ biển, có năm thu hoạch khoai tây gía qúa rẻ, vừa bán đổ bán tháo vừa tranh thủ luộc khoai tây ăn trừ cơm ngao ngán đến tận cổ thế mà vẫn ăn không kịp, khoai tây mọc mầm tua tủa…
Thấy cô Cam tiêu thụ được gánh tỏi bố chị rất vui, chỉ sợ cô em nghèo khổ phen này mất hết vốn liếng trồng trọt.
Những ngày cô ở chơi mấy chị em chị Bông đã đưa cô đi chơi Sài Gòn, đi sở thú và đến thăm vài nhà họ hàng hay người làng người nước, đến nơi nào cô Cam cũng thích. Cô cảm động nói:
- Cám ơn anh và các cháu đã cho em đi tham quan nhiều nơi, xưa nay em chỉ quanh quẩn bên ao làng, bên ruộng nương..Sao mà đường phố Sài Gòn hoành tráng thế cơ chứ..
Đời cô Cam là một bể khổ, lấy phải người chồng vũ phu lại phụ bạc, ăn ở với vợ có 3 con rồi bỏ đi lấy vợ bé, cô làm lụng ruộng vườn quần quật mà nuôi con vẫn bữa đói bữa no. Ông chồng bệnh chết, người vợ bé hiền lành nhu nhược chẳng biết nương tựa ai mang 2 con về nhà vợ cả xin ở chung. Hai bà vợ của ông chồng qúa vãng cùng ở chung nhà thuận hòa như hai chị em ruột và nuôi 5 đứa con, nếu không biết thì chẳng ai phân biệt những đứa trẻ ấy là con bà nào vì hai bà đều thương yêu chúng như nhau, hai bà đều cật lực làm việc để nuôi chúng...
Ông chồng thật tốt số, lấy hai bà vợ cùng hiền lành phúc hậu, hai bà vợ góa cùng yên phận thờ chồng, ông tha hồ sung sướng yên nghỉ nơi chín suối..
Có lẽ giai đoạn cuộc đời cô Cam sống chung với “tình địch” lại bình yên hạnh phúc hơn khi sống với người chồng.
Bà vợ bé cũng đoản mệnh như chồng, hiện 5 con vẫn sống với một bà mẹ là cô Cam ..
Ngày cô trở về Bắc bố chị đã mua vé tàu cho cô và tặng cô món tiền nhỏ, cô đã rưng rưng nước mắt trách anh trai từng xông pha theo cha buôn bán khắp phương Bắc, giỏi giang nhanh nhẹn thế mà cái ngày di cư cha và anh đi thoát sao không dẫn cô theo để đời cô bao nhiêu năm nghèo khổ cho đến bây giờ.…
Sau cô Cam những năm sau đó chị Bông không thể nhớ theo thứ tự những ai đã từ Bắc vào Nam thăm gia đình chị, họ hàng gần, họ hàng xa đều được bố chị tiếp đãi thân tình và cho tiền tàu xe lượt về quê, có người chỉ là người làng, họ đi buôn hàng vào Nam cũng “quá cảnh” nhà chị để có chỗ tạm trú ăn ở không mất tiền và ít nhiều cũng có qùa mang về, những bộ ly tách đẹp ngày nào chị Bông đã mua trong các cửa hiệu trong thương xá Tax trưng bày trong tủ chè cũng mang ra tặng cho khách vì họ khen đẹp và khao khát được một bộ tách như thế, cả những tấm khăn lông to đẹp chị vẫn cất để dành trong tù chưa dám dùng đến cũng là món qùa tặng cho khách. để làm kỷ niệm. Cuối cùng tủ chè và tủ quần áo của nhà chị rỗng dần chẳng có gì đẹp hay đáng giá nữa.
Chị Bông lo xa::
- Bố ơi, nếu cứ cái đà này thì ….cả làng sẽ vào thăm nhà mình, gạo mua theo sổ thì ít , gạo chợ đen thì đắt đỏ..…
Bố chị luôn an ủi:
- Người ta có qúy mình mới vào thăm, một giọt máu đào hơn ao nước lã…cao lắm mỗi người chỉ vào thăm một lần, đừng để bố mang tiếng cả đời.
Một hôm có chiếc xe xích lô máy đậu xịch ngay trước cửa nhà chị Bông, trên xe bước xuống là một bà Bắc kỳ quần đen ống quần ngắn lấc cấc, chân đi đôi dép nhựa màu trắng, tay xách một cái làn mây. Bà nhớn nhác nhìn số nhà chị rồi lao vào nhà gọi to:
- Anh ôi, các cháu ôi…
Bố chị chạy ra ngỡ ngàng:
- - Chào chị, chị đây là ai nhỉ…..??
- Em là vợ Côi đây, Côi và anh hay chơi đùa với nhau ngày xưa ấy.. Nhà em kể rằng.hai anh em họ mà cứ thân thiết hơn cả anh em ruột.
Và thím Côi òa khóc như mưa :
- Ôi anh ôi, ối các cháu ôi…!!
Bố chị luống cuống:
- A, thím Côi đây hả… nhưng chuyện gì thế thím Côi? Nhà quê có tin gì xấu chăng?… mong thím bình tĩnh kể tôi nghe…
Chị Bông cũng ái ngại hỏi thăm:
- Hay thím vừa bị kẻ cắp móc túi ở bến xe ??
Thím vẫn nước mắt tuôn rơi::
- Ôi anh ôi, ôi các cháu ôi. Chẳng có việc gì xảy ra cả, em vào thăm anh và các cháu đây, chỉ vì cảm động quá khi găp nhau em không sao cầm được nước mắt….
Thì ra thế. Một bà thím họ xa cách cả không gian và thời gian thậm chí chưa biết mặt các cháu sao mà tình cảm tha thiết đến thế, làm chị Bông cũng cảm động theo.
Thím Côi khác hẳn với cô Cam, thím mang cho các cháu nhiều qùa bánh và luôn âu yếm xoa đầu nắm tay các em chị Bông và hai con chị Bông làm như chúng từng quen thuộc với thím, từng ở trong vòng tay của thím. Thím còn móc túi lấy ra những đồng tiền lẻ cho các cháu để muốn mua gì thì mua, trẻ con thích thím Côi ra mặt.
Khách Bắc nào cũng được gia đình chị Bông tiếp đón tương tự, dẫn đi thăm chợ Bến Thành, đi chơi sở thú và đi thăm họ hàng làng nước.
Bố của bố chị và bố của chú Côi là hai anh em ruột, thím Côi đã tha thiết nói với bố chị:
- Anh cho em xin một tấm hình của ông để em mang về Bắc thờ cúng với ông em., bây giờ đất nước ta hòa bình nhà nhà đoàn tụ, hai anh em ông ấy cũng đoàn tụ trên bàn thờ hương khói anh nhá.
Thế là hình ông nội chị Bông được trao cho thím Côi, ông sẽ trở về quê cũ, ngồi trên bàn thờ với ông em ruột sau những thăng trầm bể dâu của thời cuộc, của cuộc đời.
Một tuần sau thím Côi bảo chị Bông:
- Thím vào Nam thăm gia đình cháu nhân thể muốn mua món đồ điện tử mang về nhà dùng, nghe nói hàng điện tử ở Sài Gòn có nhiều loại xịn lắm…
- Vậy thím muốn mua gì cháu sẽ dẫn thím ra đường Huỳnh Thúc Kháng bán đủ thứ hàng điện tử tha hồ cho thím chọn lựa.
- Chỉ còn 2 ngày nữa thím về Bắc mà còn bận đi thăm mấy người nhà bên thím ở Khánh Hội và đi mua sắm thêm nhiều món quần áo nên bận rộn lắm. Cháu là người thành phố rành rẽ hơn thím, cháu cứ mua hộ thím 1 cái đài cát sét loại nào hiện đại nhất là được, bao nhiêu tiền không thành vấn đề. Thế thôi, cháu nắm bắt được ý của thím chưa? Cháu quán triệt chưa?. .
- Vâng cháu hiểu rồi…
Thím Côi rộng rãi và xài sang qúa, chị Bông ngầm nể nang thím. Như đọc được ý nghĩ của chị Bông, thím Côi khoe:
- Cháu ơi, nhà nước ta đang từng bước xóa đói giảm nghèo, chẳng mấy chốc mà ai cũng có điều kiện như thím mua đài nghe tin tức khỏi cần nghe loa từ uỷ ban thông tin văn hoá xã nữa. Loa đọc ra rả rát cả tai..
Chị Bông vui vẻ vì được thím tin cậy:
- Cháu sẽ mua 1 cái đài cát sét bảo đảm thím sẽ vừa ý.
Thím Côi nói xong không đưa tiền hay nói năng gì thêm, chắc là thím quên, chị Bông không dám nhắc sợ thím buồn thím giận người nhà không tin cậy nhau trong khi thím đến nhà chị đã bộc lộ bao nhiêu là tình cảm, đã xin hình ông nội chị để thờ cúng, đã móc túi cho các em chị cho con chị tiền mua quà vặt.
Chị Bông bàn với bố:
- Thím đi cả ngày thăm họ hàng bên thím mà ngày về quê cận kề hay là con cứ bỏ tiền ra mua cái radio cassette rồi về thím trả sau bố nhỉ?
Bố chị gật gù:
- Phải đấy, chắc thím ấy bận rộn nên quên chưa đưa tiền hoặc là thím chẳng biết gía cả bao nhiêu mà đưa nên đợi con mua hàng về thím mới trả tiền sau ...
Chị Bông đã đi đến mấy con đường nổi tiếng chuyên bán hàng điện tử để chọn mua 1 máy cassette ưng ý nhất giá tương đương 5 chỉ vàng, mang về nhà chị khoe thím món hàng đẹp nhưng thím chỉ nói cám ơn vẫn không đá động gì đến tiền bạc dù chị đã mấy lần nhấn mạnh cháu phải bán đi mấy chỉ vàng để mua cái máy này.
Ngày mai thím Côi sẽ ra ga Hòa Hưng về Bắc, chị Bông thấp tha thấp thỏm đợi chờ thím trả tiền từng giờ, từng phút, chị đã vờ nhắc nhở:
- Thím xem lại hành lý có quên gì không.?
- Đủ cả cháu ạ…
Thím ngọt ngào như đường như mật :
- Các cháu có quên thím thì quên chứ thím chẳng bao giờ quên các cháu.
- Thế …thế…cái máy cát sét thím lên tàu phải cẩn thận đề phòng kẻ cắp nhé, những 5 chỉ vàng đấy……
- Cháu vô tư đi, kẻ cắp nào dám đụng đến thím? Thím từng đi buôn mạn ngược rừng xanh núi đỏ thím còn không sợ nữa là…
Cuối cùng chị Bông chịu đựng hết nổi bèn ngượng ngùng nói:
- Thím ơi, còn tiền cái máy cát sét của cháu thím chưa đưa…..
- Ấy chết thím quên chưa báo cáo với cháu là thím đã mua hàng hết tiền rồi, thím mua một mớ quần áo may sẵn về quê bán kiếm tí lời tí lãi bù lỗ tiền tiêu vặt chuyến đi này cháu ạ.
Chị Bông thót cả tim:
- Vậy là….??
- Thím cháu mình đi đâu mà mất, về quê thím sẽ gom tiền gởi trả cháu ngay, cháu muốn tính tiền lời thím cũng trả.
- Cháu mua bao nhiêu thím trả bấy nhiêu là được rồi.
Năm chỉ vàng thời điểm này và trong hoàn cảnh của chị Bông thật lớn lao vậy mà thím đã khơi khơi mượn nợ chị một cách nhẹ nhàng và tài tình qúa.
Những gia đình Bắc kỳ di cư 1954 như gia đình chị Bông đều có khách từ Bắc vào thăm, phần nhiều chủ nhà đều phải tiếp đón và cho qùa tùy theo hoàn cảnh gia đình.
Nhà chị Mai bạn thân của chị Bông thì may mắn hơn, bà bác ở Hà Nội mang vào Nam rất nhiều qùa cho em và các cháu, bà mang vải hợp tác xã, bát đũa và cái phích nước Trung Quốc thịnh hành thời đó…
Vào đến Sài Gòn bà chị Hà Nội mới ngã ngửa khi thấy căn nhà 3 tầng lầu nguy nga của gia đình em ngay trên con đường lớn gần bệnh viện Từ Dũ
Bà Hà Nội nói với bà Sài Gòn:
- Chị nghe tuyên truyền trong miền Nam đói khổ thiếu ăn thiếu mặc nên chị đã mang vải và mua chợ đen mấy ký lương khô cho nhà em bồi dưỡng đây. Ai ngờ..
Bà em Sài Gòn thành thật:
- Vải hợp tác xã toàn mùi dầu mua về các con em không chịu may mặc em phải bán lại con buôn, còn lương khô thì có ngon lành gì đâu, ăn vào chỉ tổ khát nước.…
- Ừ, nhưng lương khô tổng hợp nhiều chất bột bổ dưỡng, bộ đội chiến trường nếu mất nguồn liên lạc có lương khô và nước thì vẫn sống và chiến đấu đấy em….
Bà chị Hà Nội đi dạo khắp nhà và trầm trồ khen nhà em gái to lớn còn hơn cả cơ quan nhà nước ở Hà Nội. Bà bùi ngùi :
-.Chị cứ tưởng đời chị là yên ổn sung sướng hơn người, hai vợ chồng đều là cán bộ, chế độ tem phiếu đầy đủ, chính phủ cấp nhà ở ngay Hà Nội dù chật hẹp và chung hộ với gia đình khác nhưng khối kẻ mơ mà không có. Vào miền Nam thấy nhà em chị tủi thân qúa., 3 tầng lầu có 3 cái chuồng xí, còn nhà chị phải dùng chuồng xí tập thể..…
Để đáp lễ bà chị, mẹ Mai đã tặng chị nhiều hàng hóa gía trị gấp mấy lần món qùa bà đã nhận.
Gia đình chị Bông đã sang Mỹ định cư, không còn ai ở lại Việt Nam dĩ nhiên không kể những thân nhân miền Bắc. Mối liên hệ tình cảm vẫn tiếp tục, những người khách không mời năm xưa vẫn nhận qùa mỗi cuối năm.
Bố chị nói đúng, cho tới bây giờ gia đình chị vẫn gởi thư về thân nhân miền bắc chỉ cần ghi tên người nhận và địa chỉ vẫn không có số nhà, vẫn là tên làng tên xã không hề thay đổi.. Thật bền bỉ đến kinh ngạc và thán phục khi hơn 3/4 thế kỷ mà người ta vẫn ở yên một chỗ nếu tính những người cùng trang lứa với bố chị sinh từ năm 1927 tại làng quê này.
Sau vụ biến cố September 11, 2001 gia đình chị Bông nhận được lá thư từ miền Bắc của chú Côi, chữ chú vẫn gà bới như xưa, phần đầu thư vẫn trịnh trọng tuyên truyền giùm nhà nước như xưa:
“Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam .. Độc lập tự do hạnh phúc.
Anh kính nhớ và các cháu luyến nhớ, trước tiên em có lời hỏi thăm sức khỏe cả nhà, được tin cả nhà ta bên ấy bình an không bị ảnh hưởng gì trong vụ khủng bố chúng em bên này vui mừng lắm…”
Và cuối thư chú Côi đã bày tỏ cảm tưởng:
“Nghe đài thấy vụ khủng bố toà nhà cao tầng ở Mỹ vào ngày mồng 11 tháng 9 chúng em cực kỳ kinh hãi. Em xin gởi lời chia buồn đến tất cả nhân dân Mỹ và chúc nhân dân Mỹ kiên cường phấn đấu vượt qua giai đoạn khó khăn này.”.
Những câu văn này chắc là chú Côi bắt chước những bài viết trên báo, trên đài, sặc mùi nhà nước..
Bây giờ những thân nhân ngoài Bắc của gia đình chị Bông có muốn đến thăm nhà chị cũng không được, ai bán vé xe lửa cho họ từ Bắc…sang nước Mỹ như ngày nào họ mua vé xe lửa từ Bắc vào Nam.
Từ Bắc vào Nam năm 1975 những đoàn quân miền Bắc đã vơ vét bao nhiêu “chiến lợi phẩm” nhà cửa, đất đai ruộng vườn, của cải của dân miền Nam bỏ lại hay bị cưỡng chế.
Từ Bắc vào Nam những người dân miền Bắc dù bất cứ thành phần nào, thăm thân nhân họ hàng sau bao nhiêu năm xa cách cũng nhặt nhạnh xin qùa, xin của mang về.
Người bên thua cuộc là kẻ cho và người bên thắng cuộc là người nhận. Điều nghịch lý lại là sự thật, thế nên trong thời điểm đó nhân gian miền Nam đã có câu “Người miền Bắc thích “cua bể” miền Nam.”.
Nguyễn Thị Thanh Dương
( March, 13, 2015 )
* “Cua Bể” : Bê của