Saturday, 16 May 2015

Mầu Thời Gian - Phạm Gia Đại


Nhiều khi chúng ta tự hỏi không biết thời gian mầu gì? Thời gian là trừu tượng, là sự trống không vô hình bao quanh chúng ta cả ngày lẫn đêm mà chúng ta không thể thấy được, vậy mà người ta vẫn gán cho thời gian thật nhiều mầu sắc. Những thương gia, kỹ nghệ, chính trị gia làm ăn thành công tiền rừng bạc biển, công thành danh toại thường nhìn thời gian qua một mầu hồng tươi sáng. Những mảnh đời ba chìm bẩy nổi long đong trên thương trường và lận đận trong tình cảm nhìn thấy thời gian là một mầu xám ảm đạm và u buồn. Ngược lại những cặp uyên ương đang dự tính dệt bao mộng ước cho tương lai thì thời gian là một mầu xanh ngọc biếc.
Đó là nói về con người đang sinh sống trên trái đất xoay vần này, nhưng về vũ trụ quan thì mầu gì sẽ dành cho một quốc gia khi đang đầy sức sống bỗng nhiên bị bức tử? Đó chính là một mầu đen tang tóc, một bóng đen ma quái chợt phủ ập xuống hết vạn vật xóa đi mọi mầu sắc tươi sáng và nhuộm đen toàn thể đất nước. Đó là một miền Nam sau ngày Sài Gòn sụp đổ đúng 40 năm trước. Một trận động đất và sóng thần kinh thiên động địa đã xẩy đến cho một miền Nam VN hiền hòa yêu người, yêu đời và yêu tự do công bình và bác ái. Người dân trong ngày tang thương chết chóc đó chỉ còn biết thúc thủ trước đại nạn của quê hương bởi vì chính họ cũng không hề biết rằng chẳng bao lâu nữa thì hàng triệu triệu người dân lớp bị giết hại bởi chủ nghĩa cộng sản ngoại lai, lớp bị đầy ải trong gông cùm trong những nhà tù mọc lên như nấm trong một đất nước tự hào là “thống nhất” là “độc Lập, tự do”, lớp mất tích hay thiệt mạng trên đường vượt biên tìm tự do. Một quốc gia hùng mạnh thịnh vượng tự do dân chủ đầy tình nhân bản đã không còn nữa và một xã hội hoàn toàn đảo ngược đã được khai sinh để khai tử chế độ nhân bản trước đó.
Thời gian như một khối băng đảo vẫn lạnh lùng trôi và như thờ ơ với mọi biến đổi thăng trầm của dương thế. Nhìn trở lại 40 năm trước, sáng ngày 30 tháng Tư năm 1975, người dân Sài gòn không khỏi bàng hoàng và rúng động khi nghe lệnh đầu hàng của Tướng Dương Văn Minh – Big Minh, vị tổng thống chỉ định tạm thời của chế độ cộng hòa cuối cùng của miền Nam, phát đi trên các làn sóng từ thủ đô Sài Gòn và cảm thấy như thế giới bỗng dưng sụp đổ dưới chân mình. Dù rằng trước đó viễn ảnh đen tối một ngày nào đó sắp đến cộng sản sẽ vào được thành phố vì quân đội Cộng Hòa đã hết súng đạn, máy bay không còn nhiên liệu và pháo binh đã lặng thinh khi không còn đạn pháo. Đồng minh Hoa Kỳ sau khi Tổng Thống Richard Nixon và cố vấn Henry Kissinger bắt tay với Chu ân Lai sau những yến tiệc linh đình dành cho các bậc cung đình vua chúa tại Bắc Kinh năm 1972 chính là ngày họ đã định thời điểm sẽ bức tử miền Nam.
Và một hiệp định Ba Lê được ký kết vội vàng giữa Mỹ và Bắc Việt ngày 27-01-1973 theo kế họach của Hoa Kỳ để tất cả các quân đội đồng minh và Mỹ đang trợ giúp miền Nam sẽ rút hết quân đội của họ về nước, bỏ lại QLVNCH một mình, thiếu vũ khí đạn dược, phải đương cự với cả một khối cộng sản hung bạo, sắt máu và thủ đoạn. Hiệp định Paris đã kéo dài nhiều năm không đi đến một kết quả nào vì phía Bắc Việt vẫn cố tìm những chiến thắng trên chiến trường để làm hậu thuẫn cho những đòi hỏi của họ tại bàn đàm phán. Nhưng thực tế, Bắc Việt đã không tìm được một chiến thắng nào trên chiến trường mà họ thua hết trong các trận chiến lớn, từ Tổng Tấn Công Tết Mậu Thân 1968 khi hầu như toàn bộ lực lượng Việt Cộng của họ trong miền Nam đã bị tiêu diệt sau hai đợt tổng tấn công đó. Rồi hàng trăm căn cứ hậu cần lớn nhỏ tàng trữ vũ khí đạn dược, xăng dầu,v.v.. của Cục “R” tại Campuchia đã bị QLVNCH năm 1970 càn quét qua Miên phá hủy toàn bộ. Quân Bắc Việt cũng đại bại tại Đông Hà và QLVNCH đã tái chiếm lại cổ thành Quảng Trị năm 1972. Cũng cùng trong năm 1972, Hà Nội lại thảm bại tại trận chiến An Lộc, Bắc Việt đã mất gần hai sư đoàn sau 100 ngày vây hãm Sư Đòan 5 BB của QLVNCH và các đơn vị bạn trong quận lỵ An Lộc nhỏ bé. Tinh thần quyết chiến quyết tử của QLVNCH đã bẻ gẫy hết các chiến dịch Xuân Hè qua Thu Đông của Bắc Việt.
Tuy nhiên tại bàn đàm phán phe Bắc Việt vẫn liên tục gây khó khăn cho phái đoàn Hoa Kỳ, cho đến khi Lê Đức Thọ bỏ phòng họp làm yêu sách thì Hoa Kỳ không còn kiên nhẫn được nữa và trận dội bom 12 ngày đêm B-52 rải thảm trên thành phố Hà Nội và phong tỏa cảng Hải phòng vào dịp lễ giáng Sinh năm 1972 đã buộc Bắc Việt phải trở lại vòng đàm phán biết điều hơn và nghiêm chỉnh hơn. Sau đó thì một Hiệp Ước Paris đã ra đời song phương giữa Mỹ-Bắc Việt, bất chấp sự phản đối mạnh mẽ từ phía chính phủ VNCH. Quy luật của chiến tranh là kẻ mạnh sẽ thắng và kẻ yếu sẽ thua nhưng nhìn kỹ trở lại lịch sử chiến tranh Quốc-Cộng trong hai thập niên (1954-1975) thì Bắc Việt không mạnh và QLVNCH không yếu nhưng miền Nam đã mất vì đồng minh đã bán đứng miền Nam cho Nga Tầu. Khi thấy quân lực miền Nam quá hùng mạnh thì “đồng minh” Hoa Kỳ đã cắt dần viện trợ, vào đầu năm 1975 từ một tỷ USD xuống còn 700 triệu và xuống 300 triệu rồi cuối cùng là zero USD để chế độ Cộng Hòa phải sụp đổ. Và khi thấy quân đội miền Nam vẫn can trường ngoài chiến địa và quân Bắc việt vẫn không thể chiến thắng được trên chiến trường và cuộc chiến tranh đã không kết thúc nhanh như người Mỹ mong muốn và chế độ Cộng Hòa vẫn vững vàng thì họ đã sử dụng lại Big Minh để ra lệnh đầu hàng ngay và bức tử ngay chế độ Cộng Hòa và dứt khóat ra đi vào sáng ngày 30-4-1975. Chuyến trực thăng trong đêm 29 về sáng 30 tháng 4-1975 là chuyến cuối cùng chở người di tản rời nóc tòa đại sứ Hoa Kỳ tại Sài Gòn để bay ra Đệ Thất Hạm Đội và kế họach di tản “Frequent Wind” được loan báo đã hoàn tất. Trong thực tế người Mỹ ra đi nhưng đã để lại hầu như toàn bộ chế độ VNCH nòng cốt và những nhân viên ưu tú vào trong tay sinh sát của Cộng Sản Bắc Việt.
Nước Mỹ đã cố tìm cách quên đi 10 năm họ đã chiến đấu ở miền Nam, cố quên đi trên 58 ngàn lính Mỹ  đã hy sinh vì lý tưởng tự do cho miền Nam VN và cho thế giới, cố quên đi để hướng tới phía trước với những hứa hẹn mầu hồng trong giao dịch thương mại với Hoa Lục. Nhưng dân miền Nam lại không thể quên được, hay nói cho đúng ra, dân chúng miền Nam bắt đầu phải ghi nhớ về một chặng đường lịch sử khổ đau mất mát kinh hoàng mới với đầy máu và nước mắt và khổ nhục đang mở ra khi những chiếc xe tăng T-54 của Nga chế tạo do lính Bắc Việt lái đang từ từ lăn bánh vào thành phố Sài Gòn thân yêu vào ngày lệnh đầu hàng được Big Minh tuyên bố. Khi người Mỹ rút đi, có thể họ biết nhưng cũng có thể không thể biết được rằng họ đã để lại một hệ lụy chiến tranh tàn khốc nhất trong lịch sử nhân loại khi hàng chục triệu người dân miền Nam bị cướp hết tài sản qua những chiến dịch đánh tư sản mại bản, qua hai lần đổi tiền, qua kế hoạch đẩy dân thành phố đi kinh tế mới để cán bộ địa phương lấy nhà cửa ruộng vườn ao cá của người dân, khi hàng triệu người phải đi “cải tạo” tập trung, hàng ngàn người bị giết hại ngay sau khi lệnh đầu hàng vừa ban ra, và hàng chục ngàn sĩ quan viên chức chế độ cũ đã gục ngã trong lao tù Cộng Sản. Và điều kinh hãi nhất là các giá trị nhân bản, nếp sống gia đình, lòng nhân ái yêu tự do dân chủ mà chế độ Cộng Hòa đã kiến tạo được tại miền Nam trong hai thập niên đã bị người Cộng Sản lấy chủ nghĩa giáo điều của họ vùi dập lên để xóa sạch các “di tích” của chế độ cũ.
Thời gian như bóng câu qua cửa sổ, vậy mà bốn thập niên hay 40 năm đã lạnh lùng trôi đi trên quê hương Việt Nam. Nhìn lại thì đau thương càng chồng chất, và bất hạnh càng phủ lên trên những khổ đau và chết chóc. Từ một Viên Ngọc Viễn Đông của Sài Gòn ngày trước với một nền kinh tế đang phát triển dù sơ khai nhưng đã vượt mặt các quốc gia trong vùng Đông Nam Á, một miền Nam mà người Đại Hàn lúc đó mong mỏi được sánh vai, bây giờ sau 40 năm đang nằm ở gần dưới tận cùng của tất cả các thứ hạng và phương diện trong thống kê từ kinh tế, chính trị, văn hóa, cho đến tự do tôn giáo, nhân bản và nhân cách.
Có điều kỳ lạ là người Cộng Sản lúc nào cũng tự tôn với chủ nghĩa “anh hùng giải phóng” của họ và thần thánh hóa lãnh tụ của họ, người dân được mỹ tự hóa lên “làm chủ đất nước” nhưng không còn manh áo trong khi lãnh tụ “đầy tớ của dân” thì phút chốc từ trong hang Pắc Bó đi ra bỗng trở thành những kẻ trọc phú nắm trong tay hàng tỷ đô la Mỹ. “Đầy tớ của dân” thì ngồi ngất ngưởng chót vót trên chiếc ngai vàng đè đầu cưỡi cổ lên “người chủ đất nước” nằm dưới đất đen. Đó là hình ảnh rõ nét nhất của một miền Nam sau 40 năm dưới sự cai trị của Cộng Sản.
Chúng ta đừng lấy làm lạ tại sao báo chí Nhật Bản đã tố giác hàng trăm nhân viên phi hành của Việt Nam Cộng Sản và các con cháu các cán bộ gộc qua Nhật du học đã bị bắt vì buôn lậu hay ăn cắp hàng hóa. Đừng ngạc nhiên khi nhiều người Nhật và báo chí họ đã khinh khi người Việt qua nước họ như vậy. Có điều chúng ta cần phải minh xác với người Nhật và nước Nhật rằng dân tộc Việt Nam là một dân tộc có nền văn hóa cao và lâu đời vào bậc nhất thế giới; rằng những người hiện đang chiếm cứ Hà Nội năm 1954 và Sài Gòn năm 1975 không phải là người dân của Hà Thành lịch lãm và Sài Gòn văn minh ngày xưa; rằng họ, và con cháu họ sau này, là những người từ trong rừng đi ra thành phố cho nên vẫn áp dụng luật rừng.

Thời gian vẫn lạnh lùng trôi đi nhưng có bao giờ không, có khi nào không thời gian sẽ quay trở lại chốn cũ để cho tôi có một ngày nào đó được nhìn lại thành phố Sài Gòn thân yêu của tôi ngày nào, để lại được nhìn thấy mẹ tôi với đàn con quây quần chung quanh và thấy lại được niềm tin cho cuộc đời trên quê hương tôi.
Phạm Gia Đại