Tuesday, 5 May 2015

NGƯỜI ÚC GỐC VIỆT - 40 NĂM NHÌN LẠI - Bùi Trọng Cường

LỜI MỞ ĐẦU
Tôi đến Úc khá sớm, ngày 17-5-1975. Những gì tôi sắp viết ra ở đây là những gì đã thấy, đã nghe, thu thập và cảm nhận được sau 40 năm sống và sinh hoạt chung với đồng hương VN tại Úc. Pha vào là những kỷ niệm, ký ức tôi có được khi đến thăm và làm việc cho những thuyền nhân trong các trại tỵ nạn tại Hongkong, trong vùng Đông Nam Á và sau đó là tại Úc. Thêm vào cũng là một vài kinh nghiệm có được sau nhiều năm làm cố vấn cho chính phủ về di dân và tỵ nạn.
Nhưng vì chỉ định cư ở Queensland nên đa số những gì tôi kể ra đều chỉ đã được thu thập ở tiểu bang này dù phần lớn những sinh hoạt đều na ná giống nhau trong cộng đồng người Việt tại những tiểu bang khác trong nước Úc.
Sau cùng tất cả chỉ là những ý kiến, những cảm nhận của một cá nhân, của một người đã bỏ quê hương ra đi tỵ nạn cộng sản và vẫn đang sống lưu vong nên nếu có lỡ lời xúc phạm cũng xin quý độc giả thứ lỗi cho.
Nhân đây tôi cũng xin cảm ơn TSYS đã cho phép tôi có cơ hội được nói về những thành quả của CĐ Úc sau 40 năm.

Cho đến tháng 4 năm 1975 số người Việt định cư tại cả nước Úc chỉ có vào khoảng 1000 người bao gồm 335 sinh viên du học trong chương trình Colombo, 130 sinh viên du học tự túc, 537 cô nhi và vợ con của những nhân viên, quân nhân đã tham chiến ở VN trong những năm 60. (theo SBS Census Explorer based on ABS Census data)

Năm 1975 tại Úc, chính phủ lao động của ông G. Whitlam đã ban hành đạo luật Racial Discrimination Act để xóa bỏ đạo luật White Australia Policy đã được ban hành từ năm 1901. Nhưng vì chính sách thân cộng, chính phủ của ông G. Whitlam không muốn nhận người tỵ nạn VN nên nhóm 39 người đầu tiên đến Úc ngày 17-5-1975 đã chỉ được nhận vào Úc trong diện di dân ‘đoàn tụ gia đình’ chứ không phải dưới diện tỵ nạn. Số 39 người này đã chia thành hai nhóm 30 người đi định cư ở Melbourne và 9 người đi Brisbane.   

Mãi đến cuối năm 1975 khi chính phủ của ông M. Fraser đảng Tự Do lên cầm quyền con số thuyền nhân được nhận đi định cư tại Úc mới tăng lên từ từ nhưng đều đặn. Đắc cử Dân biểu Liên bang năm 1955 khi mới 25 tuổi, cựu Thủ Tướng Fraser đã sớm có niềm tin vững chắc “Chủ nghĩa cộng sản, dưới bất cứ hình thức nào cũng là hiện thân của cái ÁC và là hiểm họa cho nhân loại” Một trong những thành công quan trọng nhất khiến Thủ Tướng Malcolm Fraser và cả nước Úc tự hào là chính sách tiếp nhận và định cư 56,000 người Việt tỵ nạn cộng sản trong thời gian từ năm 1975 đến năm 1982. Quyết định của Thủ Tướng Malcolm Fraser khi đó đã tạo điều kiện thuận lợi cho hằng trăm ngàn người Việt tỵ nạn được Úc chấp nhận cho định cư suốt thời gian 10 năm sau. Vì vậy đông đảo người Việt tỵ nạn cộng sản tại Úc đã coi ông như một Đại Ân Nhân.

Đến cuối năm 1981 trên nước Úc có 49,616 người Việt và đến cuối năm 1991 con số đã tăng lên đến 121,813 người. Hiện nay theo thống kê năm 2011, có 233,390 người khai là có tổ tiên là người Việt Nam. (SBS Census Explorer 2011: Victoria Community Profile 2011).

Theo thống kê, Mỹ là quốc gia đứng đầu sau đó là Úc và thứ ba là Gia Nã Đại, ba nước trong thế giới tự do đã cho định cư nhiều thuyền nhân Việt Nam nhất.

Theo kết luận của bài khảo cứu của Trần Mỹ Vân và Richard D. Nelson thực hiện năm 1980 về lý do đi tỵ nạn thì kết quả là: muốn có Tự Do, không muốn đi cải tạo, tránh cộng sản.

Vì đa số những người tỵ nạn ở Úc là những người ra đi sau ngày 30-4 nên không ít thì nhiều đều là nạn nhân của chính sách trả thù, bóc lột của cộng sản. Nếu không bị bắt đi tập trung cải tạo thì đi kinh tế mới nếu không bị đánh tư sán thì cũng bị kỳ thị vì gia đình ‘ngụy quân, ngụy quyền’ hay ‘gốc Hoa kiều’. Hơn nữa vì vừa mới thoát được những khó khăn khổ ải trong trại tỵ nạn nên cũng giống như người Việt tại các quốc gia khác không ai muốn mang tiếng là ‘qua sông rút cầu’ nên sự giúp đỡ cho những thuyền nhân đi sau đã là một điểm son của CĐ tại Úc.

Những buổi quyên góp tiền bạc, quần áo, sách vở, báo chí đã xẩy ra liên tục từ thập niên 70 đến những năm 90 trước khi các trại tỵ nạn bị đóng cửa ở Hongkong và khắp vùng Đông Nam Á. Đó là chưa kể đến những nhóm người Việt trẻ từ Úc đã cùng với những nhóm người trẻ khác đến từ nhiều các quốc gia trên thế giới vào làm việc thiện nguyện trong các trại tỵ nạn. Họ đã làm rất nhiều từ sáng đến tối, việc gì cũng làm từ hướng dẫn, an ủi vỗ về, điền đơn, thông dịch, hành chánh, dậy học, dậy hát, dậy múa, hộ sinh, cứu thương… Mới đầu các em chỉ định ở vài tuần hay vài tháng nhưng đã có những em ở lại đến năm, bẩy, mười năm.
Tại Phi Luật Tân, một quốc gia có chính sách nhân đạo nhất đối với thuyền nhân VN, chủ trương không cưỡng bách hồi hương đã có một luật sư trẻ TH từ Úc ở đó đến trên 10 năm để giúp đỡ đồng hương VN ngay cả những người có tiền án, rớt thanh lọc.

Từ Úc đã không có được những chiếc tầu đi tìm và cứu vớt người tỵ nạn như Cap Anamur, Ile de lumiere nhưng đến khi cả thế giới đều mệt mỏi vì thuyền nhân VN và đặt ra qui chế thanh lọc trước khi công nhận tư cách tỵ nạn của thuyền nhân thì nếu bên Mỹ có được SOS Boat People thì ở Úc cũng có ‘Ủy ban cứu nguy người vượt biển’  cả hai tổ chức đều đã có người làm việc, tranh đấu khá hữu hiệu cho nhiều trường hợp rớt thanh lọc oan tại Hongkong và ĐNÁ.

Để nhớ ơn những quân nhân Úc và VNCH đã hy sinh trong cuộc chiến VN hầu như trên khắp nước Úc, tiểu bang nào có người Việt định cư là nơi đó có Đài Tưởng Niệm Chiến Sĩ Úc Việt. Riêng tại TB Queensland CĐNVTD/Qld. còn được phép đặt bảng Tưởng Niệm tại ANZAC Square và trong Enoggera Barack nơi xuất phát chính của các chiến sĩ Úc khi họ đến tham chiến tại VN cũng như xây một Công Trường Tự Do để nhớ ơn tất cả các quân đội đồng minh khác như Mỹ, Đại Hàn, Tân Tây Lan, Thái Lan, Phi Luật Tân.

Đối với các đồng bào thuyền nhân và bộ nhân không may đã bỏ mình trên đường tìm Tự Do hiện ở Úc Châu đã có bốn Đài Tưởng Niệm Thuyền Nhân xây tại các tiểu bang lớn là New South Wales, Victoria, Tây Úc và Queensland. Cả bốn ĐTNTN này đều được ghi trong danh sách của Wikipaedia chung với gần 20 ĐTNTN khác trên thế giới. 

Tại những Đài Tưởng Niệm này người Việt tại Úc cũng không quên cảm ơn dân chúng và chính phủ Úc đã mở rộng vòng tay cưu mang và giúp đỡ người tỵ nạn VN trong lúc khốn khó nhất và câu nói của Đại Thi Hào Hy Lạp Eupirides trong vở kịch Medea ghi trên Tượng Đài Thuyền NhânKhông có nỗi đau nào lớn hơn nỗi đau mất nước cũng đã gây được rất nhiều chú ý của dân chúng Úc. 

Bắt đầu từ năm 2000, tổ chức Văn Khố Thuyền Nhân (VKTN) do anh TĐ tại Melbourne chủ xướng đã tổ chức những chuyến đi cầu nguyện và viếng thăm di tích các trại tỵ nạn tại Mã Lai và Nam Dương kể cả Bidong và Galang nơi cả trăm ngàn người tỵ nạn đã đặt chân đến trước khi được đi định cư tại nước thứ ba. Thật là bùi ngùi cảm động khi nhìn thấy những ngôi chùa, nhà thờ trên đồi tôn giáo tại Bidong bây giờ bỏ hoang, tượng Phật và tượng Đức Mẹ đều bị hủy hoại. Ở Galang thì khá hơn vì tọa lạc trên một đảo lớn có đông người địa phương, nhưng tại nơi đây có những miễu nhỏ lập nên để thờ những người vô thừa nhận hay những người đã quẫn trí hủy mình khi bị rớt thanh lọc.

Nhưng công tác đáng nhắc đến ở đây của tổ chức VKTN là việc trùng tu lại những ngôi mộ trên các đảo có trại tỵ nạn kể cả những ngôi mộ chôn tập thể khi xác của các đồng hương xấu số tấp vào bờ, bãi biển. Những ngôi mộ này khá nhiều và đã là nơi yên nghỉ của từ 30 đến 70 người, cái lớn nhất trên 150 người. Công tác chôn cất lúc đó thường do dân chúng địa phương mà đa số là người Hoa đảm trách. Cho đến nay với sự phụ giúp tài chánh của người Việt hải ngoại các nơi, công tác trùng tu này gần đã hoàn tất.

Trở lại vấn đề định cư tại quê hương mới, tập thể người Việt đã thành lập được những cơ chế đại diện rất sớm tại các tiểu bang. Đến năm 1977 đã có cơ chế liên bang và năm 1981 thì chính thức thành lập Cộng Đồng Người Việt Tự Do Liên Bang Úc Châu với các thành viên là CĐNVTD tại các tiểu bang. Công việc của cộng đồng nhiều, phức tạp, đa dạng như công tác điều hành những dịch vụ của một công ty lớn hay một chính phủ nhỏ chỉ có một điều khác là tất cả đều làm thiện nguyện dựa vào mẫu số chung ‘Tỵ Nạn và Xây Dựng Cộng Đồng’. Tất cả thành viên của BCH đều là người ‘ăn cơm nhà vác ngà voi’ và phải giải quyết tất cả mọi công việc nội vụ (tổ chức Tết, Trung Thu, Giỗ Tổ, đóng góp với các hội đoàn tổ chức lễ kỷ niệm Hai Bà Trưng, Trần Hưng Đạo..) sinh hoạt chính trị (đưa đồng hương về Canberra biểu tình mỗi năm nhân dịp Quốc Hận, chống nghị quyết 36, chống việc bán nước của VC và chính sách xâm lăng của TC) hoạt động giáo dục, thể thao (tổ chức các trường dạy Việt ngữ cho khoảng 1000 em từ 6 đến 16 tuổi vào mỗi sáng thứ bẩy, lễ phát thưởng cho các học sinh giỏi các trường trung học, lớp dạy tiếng Anh, máy vi tính cho các bác cao niên, lớp dạy kèm cho các em sắp tốt nghiệp trung học, tổ chức thi đấu các bộ môn thể thao cho các học sinh, sinh viên, thanh niên trong cộng đồng). Công việc của ban ngoại vụ (đại diện CĐ họp thường xuyên với các sở bộ, các sắc tộc bạn, cảnh sát địa phương, thỉnh thoảng họp với các cơ quan truyền thông để ngăn chận những bài báo, chương trình bất lợi cho cộng đồng hoặc cố vấn cho chính phủ mỗi khi có xung đột về mầu da, tôn giáo…) Ngoài những công việc thường niên BCH CĐ còn tổ chức những buổi thuyết trình, gây quỹ yểm trợ hoặc cứu trợ, tiếp đón những chính khách, những nhân vật lớn của CĐHN, các nhà văn nhà thơ, những buổi ra mắt sách, thơ…

Song song với sự lớn mạnh của CĐ dần dần xuất hiện nhiều cơ sở tôn giáo (chùa Phật giáo, PG Hòa Hảo, nhà thờ công giáo, tin lành, thánh thất Cao Đài), tổ chức chính tri, đảng chính trị, các hội cựu quân nhân liên bang và các tiểu bang, các hội CQN tính theo từng quân, binh chủng kể cả hội nữ quân nhân, các tờ báo ngày, tuần san, nguyệt san, các đài phát thanh, hội ái hữu, thân hữu. Tất cả đều công nhận tư cách đại diện của tổ chức CĐNVTD và hoạt động rất vui vẻ hài hòa dưới cái dù của CĐ. Vì làm việc trong một tinh thần dân chủ nên mỗi khi có một công tác lớn CĐ luôn luôn thành lập BTC, lắng nghe những ý kiến đóng góp của các HĐ, ĐT để bảo đảm sự thành công cho tập thể.

Có lẽ vì vây mà CĐ VN đâ đạt được nhiều thành quả được ghi nhận bởi báo chí và giới truyền thông Úc như ngay trong thập niên 80, dù chỉ mới định cư tại Úc trên dưới 10 năm số lượng người Việt mua được nhà đã ngang ngửa với người Ý và Hy Lạp, sự thành công của thế hệ thứ hai dựa vào tổng số sinh viên tốt nghiệp đại học tại các tiểu bang cũng đã được ghi nhận là cao so với các sắc tộc Đại Hàn, Ấn Độ và Trung Hoa tại Úc, sự hiện diện của người trẻ Úc gốc Việt trong mọi ngành nghề từ giảng sư đại học, bác sĩ chuyên khoa các ngành, thẩm phán, luật sư, trạng sư đến tài xế xe buýt, taxi, chủ vườn rau, vườn hoa, trái cây đủ loại. Tỷ lệ thất nghiệp của người Việt giảm nhiều so với thập niên 70 và một điều đã gây ra nhiều ngạc nhiên là sự xuất hiện của những doanh nhân triệu phú người Việt ngay từ thập niên 90.

Năm 2009 khi có nạn cháy rừng ở tiểu bang Victoria làm thiệt mạng 173 người, CĐ chúng ta dù chỉ có 220,000 người nhưng đã quyên góp được 2.2 triệu đô để ủy lạo các nạn nhân. Năm 2011 khi có lụt ở tiểu bang Queensland gây thiệt mạng cho 17 người, CĐVN chúng ta cũng quyên được trên 800,000 đô cho các nạn nhân. Mới đây nhất năm 2013 để giúp đỡ người Phi Luật Tân khi cuồng phong Taiyan gây thiệt mạng cho trên 3,500 người, chỉ trong ba giờ đầu sau khi phát động việc lạc quyên, riêng đồng hương tại Queensland đã góp được 24,000 đô và một tháng sau chuyển được cho Lãnh Sự Phi tổng cộng là 43,000 đô.

Khi nói đến năm 2015 là năm kỷ niệm 40 năm ngày mất nước và cũng là sinh nhật 40 của CĐHN, cựu Thủ Tướng M. Fraser của đảng Tự Do đã rất hãnh diện về sự thành công của CĐNV tại Úc và đa số dân chúng Úc cũng đều nghĩ là họ đã đúng khi họ quyết định cưu mang thuyền nhân VN trong những thập niên 70 và 80. Cựu Thủ Tướng Malcolm Fraser vừa ra đi ngày 20 tháng ba năm nay và ngày quốc táng đã có rất đông người Úc gốc Việt từ khắp các tiểu bang về đưa tiễn rất long trọng với nhiều biểu ngữ ghi ơn, các vị đại diện Cộng Đồng đã lên tiếng bày tỏ lòng tri ân thương tiếc cũng như sau đó tổ chức các thánh lễ cầu nguyện và vinh danh vị Ân Nhân của người Việt tại Úc.

Quả thật chúng ta đã có những thành công nhưng không phải trên mọi lãnh vực và phải thành thật mà nói, có những công tác chúng ta đã bắt đầu nhưng làm chưa đủ, và có thể làm nhiều hơn, khá hơn. Bây giờ chúng ta không nên bỏ thì giờ để bàn về những lý do mà chỉ nên nghĩ về những gì có thể làm được trong tương lai để khẩn cấp tìm giải pháp và hành động ngay vì nếu không sẽ mãi mãi không còn cơ hội nữa.

Theo thiển nghĩ chúng ta, nói chung là cả thế hệ thứ nhất và thế hệ một rưỡi đã không thành công trong việc chuyển đạt được lý tưởng quốc gia, tình yêu quê hương dân tộc, bản sắc tỵ nạn lại cho thế hệ thứ hai. Điều này không phải chỉ thấy ở Úc mà ở mọi nơi, mọi quốc gia có người Việt định cư và đã không phải chỉ xẩy ra cho người Việt mà cũng thấy ở tất cả những sắc tộc khác nhưng đối với người Việt chúng ta tình trạng nó cấp thiết hơn nhiều vì chúng ta là người tỵ nạn cộng sản.

Nguyên nhân chính là vì chúng ta đã không thành công trong việc khuyến khích con em học tiếng mẹ đẻ khi các em còn bé. Khi không nói thông thạo và  hiểu rành rẽ các em thuộc thế hệ thứ hai dần dần mất đi cái hứng thú để học về văn hóa, lịch sử, phong tục, tập quán….Tại Úc dù đã nhìn thấy những khó khăn và cũng đã cố gắng tổ chức những lớp dậy Việt ngữ, những Đại Hội Văn hóa Giáo dục rất sớm nhưng cho đến hôm nay chúng ta phải thành thật công nhận rằng tỷ lệ người trẻ hay nói đúng hơn bây giờ, năm 2015 đã là trung niên (30-50 tuổi) có thể nói, đọc, viết, hiểu và thông thạo tiếng Việt quá thấp (dưới 20%). Vì khả năng nói tiếng Việt không khá nên thành phần này đã ít tham dự những buổi lễ quan trọng như Giỗ Tổ, Hai Bà Trưng, Trần Hưng Đạo…và những sinh hoạt khác như Tết Nguyên Đán, Trung Thu, Quốc Hận…và dần dần sau nhiều năm đã xa dần cội nguồn trở nên lơ là với những hoạt động để phát huy chính nghĩa quốc gia, tỵ nạn mà có người gọi là ‘chính trị’. Đó là không kể những thành phần vì ‘sợ’ bị để ý, bị trả thù nếu sau này du lịch VN, hay vì lập gia đình với những người sắc tộc khác nên không có cơ hội để nói tiếng Việt.

Nếu thế hệ thứ hai đã như vậy thì liệu chúng ta có hy vọng gì ở thế hệ thứ ba, con cháu họ?.
Ngoài việc chống bạo quyền cộng sản Việt Nam, chúng ta còn đang phải đối đầu với nguy cơ bị lệ thuộc bởi Tầu cộng. Nguy cơ bị Bắc thuộc là một thảm họa của cả dân tộc, của nhiều thế hệ trong và ngoài nước, để chống lại bọn độc tài bán nước và bọn Tầu cộng chúng ta cần có một sự phối hợp bền bỉ, lâu dài của mọi tầng lớp mọi lứa tuổi, của nhiều thế hệ.
Theo thiển ý, ở thời điểm này, có lẽ chúng ta không làm được nhiều cho thế hệ thứ hai nhưng đối với thế hệ thứ ba những lớp dậy Việt ngữ mỗi sáng thứ bẩy không nên ngừng lại sau một học trình sáu năm mà nên được tiếp tục như là những lớp VIỆT NGỮ BỔ TÚC TRUNG CẤP cho các em muốn dùng Việt ngữ như một môn thi cuối học trình Trung học (Tú tài) hay muốn học thêm về văn hóa, lịch sử VN..Nếu bận rộn với chương trình học Đại học hay cuộc sống các em có thể nghỉ vài năm nhưng ít nhất khi muốn bổ túc, học thêm các em có chỗ để tìm về, để quay lại.  

Đây là một công tác thấy có vẻ giản dị nhưng cần sự quyết TÂM và nhiều nhân, vật lực vì đây là một kế hoạch lâu dài và cần được tổ chức liên tục trong nhiều, nhiều năm. Chúng ta phải đề cao cảnh giác vì theo nghị quyết 36 của cộng sản VN chúng nó sẽ cố gắng len lỏi vào để nắm lấy việc này hầu có thể tiếp tục truyền bá lịch sử bóp méo, truyền thống bẻ quẹo trong kế hoạch ‘trồng người’ của chúng.

Chúng tôi xin đưa ra đề nghị này và mong đợi sự góp ý của các vị trưởng thượng, những thành viên người Việt quốc gia trên thế giới.

Cộng đồng người Việt sau 40 năm tại các quê hương mới trên thế giới có đủ nhân và vật lực để tổ chức những lớp VIỆT NGỮ BỔ TÚC TRUNG CẤPnày, câu hỏi đặt ra ở đây là ‘Chúng ta có muốn làm hay không thôi?’
Thiển nghĩ sau vấn nạn ‘ngoại tệ’ gửi về VN, đây là một trong vài vấn đề cấp thiết cần được tất cả chúng ta những người quốc gia ưu tiên giải quyết.

Bùi Trọng Cường
Viết cho tháng tư đen 2015

TÀI LIỆU THAM KHẢO
·        Lâm Vĩnh Bình GIÁ TỰ DO Truyền Thông 2014
·        Australian Government Dept. of Immigration and Citizenship. Community Information Summary 2012
·        Trần Mỹ Vân, Nelson Richard D.” A report on the settlement of Indochinese Refugees in Darwin, Northern Territory” In Australia-Asia Papers No 22, Feb. 1980
·        The Vietnamese Community in Brisbane 1975-1995 – Path to Integration.         Desley Goldston
·        “Di tản và vượt biên” Bùi Trọng Cường - 2005