Tiêm kích F/A18 Hornet của Hải quân Mỹ trên không phận Biển Đông (ảnh wikipedia) |
Hành động xây dựng các đảo bán nhân tạo như Trung Quốc đang thực hiện tại biển Đông Nam Á không cho phép tuyên bố chủ quyền lãnh hải hay không phận quốc gia.
Với nhận định này, Hoa Kỳ tỏ thái độ và chuẩn bị nhiều biện pháp để đối phó tham vọng bành trướng của Trung Quốc tại vùng biển đảo truyền thống của Việt Nam và Philippines mà Bắc Kinh tranh giành từ 40 năm nay. Đây cũng là con đường huyết mạch của thương thuyền quốc tế và khu vực trách nhiệm của hạm đội 7 Hoa Kỳ.
Về ngoại giao, trong chuyến viếng thăm Bắc Kinh vào cuối tuần này, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry khi gặp gỡ thảo luận với giới lãnh đạo Trung Quốc, kể cả ông Tập Cận Bình, sẽ cảnh báo : Những hành động xây dựng căn cứ trong vùng biển tranh chấp chỉ gây bất ổn trong khu vực và tác hại đến quan hệ với Hoa Kỳ.
Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, sau khi gặp Ngoại trưởng John Kerry, chính quyền Trung Quốc sẽ « không còn mơ hồ về quyết tâm dấn thân » của Hoa Kỳ để bảo đảm quyền tự do lưu thông trên không và trên biển tại khu vực này. Cũng như sau khi đơn phương thành lập vùng « nhận dạng phòng không », bao phủ phần lớn biển Hoa Đông gây căng thẳng với Nhật Bản, Trung Quốc tuyên bố cấm hải thuyền quốc tế và máy bay quốc tế « đi vào hải phận và không phận » (12 hải lý) của Trung Quốc tại biển Đông Nam Á.
Theo AFP, nhiều nhà chiến lược Mỹ lo ngại Trung Quốc sẽ biến các đảo nhân tạo này thành căn cứ quân sự tiền phương và trang bị vũ khí tối tân như ra-đa, tên lửa để khống chế toàn khu vực Biển Đông. Chuyên gia Alexander Sullivan, của Trung tâm nghiên cứu vì An ninh mới CNAS, nhận định: Về chính trị, nếu Trung Quốc kiểm soát được toàn bộ Biển Đông thì đây sẽ là một đòn chí tử cho chính sách khu vực của Mỹ. Về quân sự, Hoa Kỳ sẽ khó có thể huy động lực lượng cấp cứu hai đồng minh Đài Loan và Philippines đang bị Bắc Kinh đe dọa.
Hôm thứ Tư 13/05, Hoa Kỳ khẳng định sẽ huy động tàu chiến áp sát cái gọi là « lãnh hải 12 hải lý » của Trung Quốc ở Trường Sa và cho máy bay trinh sát đi vào « không phận » để chứng tỏ Mỹ không xem tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh là có giá trị. Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter chỉ thị cho Bộ Tham mưu chuẩn bị các khả năng này.
Tiếp theo đó, Hoa Kỳ thông báo đưa tàu tác chiến cận duyên tối tân USS Fort Worth vào Biển Đông hoạt động.
Để đáp lại phản ứng của Mỹ, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh « bày tỏ sự lo ngại » của Bắc Kinh và yêu cầu Mỹ làm « sáng tỏ vấn đề ».
Đại sứ Trung Quốc tại Hoa Kỳ Thôi Thiên Khải (Cui Tiankai) được trao trách nhiệm đáp trả bằng những lời chất vấn và cảnh cáo Mỹ trên Tân Hoa Xã: Ai là kẻ gây căng thẳng tại biển Nam Hải? Ai là kẻ có thái độ hung hăng trong những năm gần đây ? Tại sao các nước khác (hàm ý Việt Nam, Philippines và Đài Loan) lấn chiếm, xây dựng trên đảo « của Trung Quốc » mà Hoa Kỳ không lên án ?
Đại sứ Trung Quốc cho rằng Hoa Kỳ sử dụng « các biện pháp biểu dương võ lực để giải quyết xung khắc như thời chiến tranh lạnh ».
Giới phân tích dự báo chuyến viếng thăm của Ngoại trưởng Mỹ tại Trung Quốc vào hai ngày cuối tuần tới đây sẽ có nhiều sóng gió. Chương trình dự trù là để bàn thảo « hợp tác chiến lược » sẽ trở thành nơi « phơi bày xung khắc ».
Ian Storey, chuyên gia chiến lược hàng đầu của Viện Nghiên cứu Chiến lược Á Châu tại Singapore, nhận định : Những tham vọng của Trung Quốc tại Biển Đông đã làm Hoa Kỳ thức tỉnh. Giờ đây, vấn đề là sẽ đối phó bằng cách nào, vì cho đến nay những lời kêu gọi, khuyến cáo không được Bắc Kinh lắng nghe.