Báo động: Bắc Kinh xâm lăng Úc !
Trong vòng một thập niên qua, có một điều rất đáng lo ngại đã xảy ra trong các phương tiện truyền thông đại chúng bằng tiếng Hoa hoạt động tại Úc. Cục tuyên truyền của đảng Cộng sản Trung Quốc đã mua lại nhiều đài phát thanh và tờ báo trên khắp nước Úc và qua đó, chuyển tiếng nói chính thức của nhà nước Trung Cộng từ Bắc Kinh vào những bài quan điểm, xã luận của các cơ sở truyền thông này... [Paul Monk, The Age, 11/7/2014]
*
Trước hết xin nhắc lại, hồi tuần trước, khi viếng thăm Úc, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đã có bài phát biểu tại Nghị viện Liên bang Úc, qua đó ông Abe nêu ra những điểm chính trong chính sách mới về ngoại giao và quốc phòng của Nhật Bản, đặc biệt trong tình trạng căng thẳng hiện nay tại hai khu vực Đông Bắc Á và Đông Nam Á vì những hành động của Trung Cộng đơn phương tuyên bố chủ quyền trên không và trên biển, bất chấp nguyên tắc luật pháp và cung cách hành sử quốc tế quen thuộc.
Diễn văn của Thủ tướng Nhật tại Úc như vậy nhằm đáp lại lời cam kết của Thủ tướngUc' trước đó khi đi thăm Nhật rằng luôn sát cánh với Nhật vì lý tưởng “hòa bình, ổn định, thịnh vượng cho thế giới, cũng như cho vùng Á châu Thái Bình Dương trên nguyên tắc triệt để tuân thủ luật lệ quốc tế và bảo đảm quyền tự do lưu thông trên biển cũng như trên không”.
Thủ tướng Shinzo Abe và Thủ tướng Tony Abbott @smh.com.au
Lý do dẫn đến việc 2 chính phủ Úc và Nhật liên tiếp cam kết và đẩy mạnh nỗ lực củng cố, phát triển quan hệ -kể cả về lĩnh vực quân sự- là vì sau các vụ va chạm liên tục giữa Nhật và Trung Cộng quanh chuyện chủ quyền đối với quần đảo Senkaku (mà Bắc Kinh gọi là Điếu Ngư Đài), chuyện Bắc Kinh tuyên bố nới rộng vùng kiểm soát không phận vùng biển Hoa Đông, tiếp theo là hàng loạt những vụ tranh chấp với Phi Luật Tân về bãi cạn Scaborough (Trung Cộng gọi là bãi Hoàng Nham), chuyện giàn khoan Hải Dương Thạch Du (Haiyang Shiyou 981), chuyện Bắc Kinh đẩy mạnh nỗ lực xây dựng công sự kiên cố và phi trường dã chiến để biến hòn đảo Gạc Ma (chiếm của Việt Nam bằng vũ lực năm 1988) thành một căn cứ quân sự cố định trên Biển Đông. Chính phủ Úc đã nhiều lần công khai bày tỏ sự lo lắng về nguy cơ đối đầu và xung đột giữa Trung Cộng với các nước lân bang trong vùng Đông Bắc Á và Đông Nam Á, trực tiếp đe dọa đến an ninh khu vực Á châu –Thái Bình Dương, và do đó ảnh hưởng đến quyền lợi sống còn của nước Úc.
Từ khi lên cầm quyền, chính phủ Liên đảng của Thủ tướng Tony Abbott, mặc dù vẫn thừa nhận “Trung quốc là một bạn hàng đặc biệt giữ vị trí hết sức quan trọng trong quan hệ mậu dịch của Úc” nhưng cũng đã tiếp tục một phần chính sách của chính phủ Lao Động tiền nhiệm và nhanh chóng tái khẳng định, tái củng cố mối quan hệ đồng minh quân sự mang tính chiến lược với Hoa Kỳ.
Đường lối này làm Bắc Kinh không mấy vui ! Đã thế, chuyện mới nhất làm Bắc Kinh giận dữ là Thủ tướng Abbott, trong lúc tiếp đón Thủ tướng Abe đã tuyên dương "tài năng và tinh thần danh dự trong chiến đấu của Hải quân Nhật thời đệ nhị thế chiến"; rồi sau đó đến lượt Ngoại Trưởng Úc Julie Bishop nói một cách cứng rắn rằng “khi giao thiệp với Trung quốc, dù là lúc nào cũng hy vọng có được kết quả tốt đẹp nhất, nhưng phải luôn chuẩn bị để sẵn sàng đối phó với chuyện tệ hại nhất có thể xảy ra”. Bà Bishop thề “sẵn sàng đương đầu với Trung quốc, nếu cần thiết để bảo vệ những giá trị mà nước Úc chủ trương, như lý tưởng tự do, dân chủ cũng như quyền tự do thông thương trên không và trên biển của nhân loại phải được tuyệt đối tôn trọng theo tinh thần công pháp quốc tế”. Ngoại trưởng Bishop còn nhấn mạnh rằng “Trung quốc không bao giờ coi trọng kẻ yếu đuối, bạc nhược”.
Những lời tuyên bố liên tiếp như vậy của Thủ tướng và Ngoại trưởng Úc rõ rệt đã chạm nọc Trung Cộng. Các cơ quan truyền thông chính thức của nhà nước Trung Cộng, từ Tân Hoa Xã, đài Truyền hình quốc gia, đến tờ báo Toàn Cầu (một tờ báo do Nhân dân nhật báo, cơ quan ngôn luận chính thức của nhà nước Trung Cộng sản xuất) đều tung ra lời lẽ đả kích nặng nề. Giới truyền thông Trung Cộng mỉa mai Thủ tướng Abbott nói vậy là để ‘nịnh nọt Thủ tướng Nhật’, chê Ngoại trưởng Bishop là ‘mụ khùng ăn nói quàng xiên’ …
Phản ứng của Trung Cộng cũng được sự hưởng ứng của một nhân vật thuộc hàng có tiếng tăm tại Úc. Đó là Cựu Thủ tướng Malcolm Fraser của đảng Tự Do, người lâu nay đã làm công luận nhiều lần phải nhíu mày ngạc nhiên vì quan điểm của ông ta bênh vực Trung Cộng đến cùng và bài Mỹ kịch liệt.
Trong quyển sách mới xuất bản tựa đề “Dangerous Allies” – Đồng Minh Nguy Hiểm, Cựu Thủ tướng Fraser cho rằng “Úc cần phải cắt đứt ngay mối quan hệ chiến lược - nhất là về quân sự - với Hoa Kỳ; phải mạnh dạn từ bỏ vai trò ‘đồng minh’ nhưng thực chất chỉ là thuộc hạ của Mỹ, không nên để cho Hoa Kỳ lôi kéo vào một cuộc đối đầu vũ lực với Trung Cộng” vì theo ông Fraser thì “nếu đánh nhau, Mỹ nhất định không thể nào thắng được mà sẽ phải thảm bại dưới tay Trung Cộng”.
Chưa hết, để phủ nhận mối quan ngại của đa số chính giới Úc – cũng như Hoa Kỳ và công luận quốc tế- về tham vọng bành trướng bằng vũ lực của Bắc Kinh, ông Fraser nói như đinh đóng cột rằng “lịch sử lâu đời của Trung quốc cho thấy họ chưa bao giờ có dã tâm đế quốc, không như những gì mà các đế quốc Nhật Bản, Âu châu và Hoa Kỳ đã từng thể hiện nhiều lần !” (sic)
Trong lúc đó, tuy không bênh vực Trung Cộng một cách quá lộ liễu như ông Fraser, một số người khác tại Úc, nhất là giới doanh gia, tỏ ý lo ngại cho rằng ‘đường lối ngoại giao không ngại va chạm của chính phủ Abbott có thể gây thiệt hại đến quan hệ giao thương với bạn hàng quan trọng Trung Cộng'. Ngoại trưởng Bishop đã nhanh chóng bác bỏ mối lo này với dẫn chứng là thống kê mậu dịch hai chiều cho thấy trong suốt thời gian qua, chuyện mua bán giữa Trung Cộng và Úc vẫn tiếp tục phát triển đều đặn, không hề bị ảnh hưởng chút nào !
Xem thế thì rõ là đúng như bà Bishop nhận định, Bắc Kinh chỉ dám coi thường những chính quyền tỏ ra khiếp nhược vì e sợ sức mạnh quân sự của Trung Cộng hay vì ham muốn mối lợi tiền bạc trong chuyện làm ăn mà thôi!
Nhân nhắc tới những điều đó thì không thể không đặc biệt chú ý đến lời báo động của một nhân vật có uy tín trong giới tình báo, an ninh Úc và thế giới. Đó là ông Paul Monk, một cựu chuyên viên phân tích tình báo cao cấp; cũng là một nhà bình luận về những vấn đề công quyền và chuyện quốc tế. Ông là tác giả của tác phẩm nghiên cứu sâu sắc về Trung Cộng mang tên “Thunder From the Silent Zone: Rethinking China” [Tiếng Sấm Rền Từ Vùng Im Tiếng: Suy Nghĩ Lại Về Trung Quốc].
Trong bài viết đăng trên nhật báo The Age, số ra ngày 11/7 vừa qua, dưới tựa đề “China's propaganda infiltrating our shores – Bộ máy tuyên truyền của Trung Cộng đang xâm nhập lãnh thổ chúng ta”, tác giả báo động về nguy cơ rất thật của nước Úc hiện nay khi càng ngày hoạt động của các cơ sở truyền thông theo đường lối tuyên truyền y hệt như của nhà nước Trung Cộng xuất hiện càng nhiều và càng mạnh hơn.
Tác giả nhận định:
“Trong vòng một thập niên qua, có một điều rất đáng lo ngại đã xảy ra trong các phương tiện truyền thông đại chúng bằng tiếng Hoa hoạt động tại Úc. Cục tuyên truyền của đảng Cộng sản Trung Quốc đã mua lại nhiều đài phát thanh và tờ báo trên khắp nước Úc và qua đó, chuyển tiếng nói chính thức của nhà nước Trung Cộng từ Bắc Kinh vào những bài quan điểm, xã luận của các cơ sở truyền thông này. Càng ngày càng có nhiều chủ đề mà giới truyền thông tại Trung Quốc bị cấm thảo luận hay nói đến cũng đã biến hẳn khỏi những phương tiện truyền thông bằng tiếng Hoa ở ngay nước Úc chúng ta đây !”
Theo ông Monk, một tập hợp truyền thông đa dạng thể hiện đường lối thông tin và quan điểm cộng đồng (nói tiếng Hoa) lâu đời tại Úc nay trở thành một tập hợp những cơ quan truyền thông cộng đồng có thái độ phục tùng một cách im lặng đến khó hiểu và chuyên chở quan điểm về thế giới hoàn toàn do các nhà kiểm duyệt và biên tập ở một nước ngoài áp đặt.
Ông Monk than rằng “Tất cả những chuyện đó đã và đang diễn ra rất êm thắm ngay trước mũi giới thẩm quyền quy định và giám sát hoạt động truyền thông, trong khi công luận Úc thì hoàn toàn mù tịt !”
Hậu quả của những điều trên đây ông Monk cho rằng “thật đáng hết sức lo ngại và nay đến lúc chuyện đó phải được xem xét cho thấu đáo”.
Dĩ nhiên, ông Monk minh định, chuyện đặt câu hỏi về sự xâm nhập có hệ thống của Bắc Kinh vào giới truyền thông cộng đồng của tập thể công dân Úc gốc Hoa là điều vô cùng phức tạp và tế nhị. Đương nhiên điều quan trọng cần phải nhấn mạnh ở đây là việc này hoàn toàn không dính dáng gì đến quan điểm kỳ thị chủng tộc, và cũng không bao giờ là mối hoài nghi về lòng trung thành với nước Úc của đại đa số công dân Úc gốc Hoa; mà theo ông Monk vấn đề cần phải được xem xét ở đây là “những giá trị tự do và chủ quyền quốc gia của nước Úc”.
Tác giả Paul Monk cho biết ông phân tích chuyện này theo dữ kiện do chính những thành viên rất hiểu biết của cộng đồng người Úc gốc Hoa cung cấp. Những người này hiển nhiên có lý do chính đáng để yêu cầu được ẩn danh.
Dĩ nhiên, chuyện Bắc Kinh đang làm (tại Úc) vốn là một phần trong sách lược cố gắng bành trướng ảnh hưởng trên trường quốc tế và khu vực, bằng cả hai đường lối công khai lẫn kín đáo (quen gọi là thể hiện“quyền lực cứng rắn và quyền lực mềm mại) nhưng điều phải quan tâm là “những gì Trung Cộng đang tiến hành tại Úc (trong lĩnh vực truyền thông cộng đồng) chính là một sự can thiệp trắng trợn vào chuyện sinh hoạt nội bộ của nước Úc, ở mức độ chắc chắn không bao giờ Trung Cộng chấp nhận để cho xảy ra tại Hoa lục (chưa nói là bất khả thi trong đất nước toàn bộ hệ thống truyền thông thuộc độc quyền kiểm soát của Đảng!).
Chuyên viên phân tích tình báo Paul Monk nói thẳng “chuyện này chính là bước đi chiến lược quan trọng của Trung Cộng để tạo ra cái không thể nào gọi khác hơn là lực-lượng-nội-ứng (the fifth colum) nằm phục trong nội địa nước Úc chúng ta ! Chuyện này phải bị phanh phui và cái-hệ-thống-do-Đảng(CS)-chỉ- đạo đó phải dẹp tiệm !”
Tác giả Paul Monk nói thêm là vấn đề này cần phải được hiểu dựa trên cả hai cái nhìn lịch sử và chiến lược.
Theo ông, tại Úc đã có một cộng đồng người gốc Hoa lập nghiệp sinh sống lâu đời, từ những năm 1850. Và cho tới mãi gần đây, các cơ sở truyền thông cộng đồng (của tập hợp người gốc Hoa này) vẫn thể hiện đầy đủ phong thái đa dạng, khác biệt và không bị chi phối bởi sự kiểm soát có tổ chức từ Bắc kinh. Chỉ mới gần đây thôi tình thế đã hoàn toàn thay đổi.
Trong suốt hơn một thế kỷ, các tờ báo tiếng Hoa tại Úc cung cấp cơ hội là những diễn đàn để mọi người công khai, thẳng thắn thảo luận, trao đổi ý kiến về bất cứ đề tài nào mà họ muốn, từ chuyện kỳ thị chủng tộc của chính sách nước Úc da trắng cho tới triển vọng thịnh vượng phát triển và cơ hội thay đổi về chính trị, xã hội tại Hoa Lục!
Thí dụ đơn cử như hồi năm 1901, nhà cách mạng lưu vong Lương Khải Siêu từng có mặt tại Úc và có các buổi diễn thuyết hàng tuần tại trụ sở của tờ báo Tin Trung Hoa ở Sydney để hô hào Trung Quốc phải cải tổ hiến pháp, cũng như ông thẳng thừng phê phán truyền thống tuyệt đối phục tòng tôn ti và quy củ của xã hội Trung Hoa; và mạnh mẽ kêu gọi cải cách đất nước theo đường lối dân quyền bình đẳng và quyền công dân phải được tôn trọng.
Ấy thế nhưng nay, theo Paul Monk thì, "nếu ông Lương Khải Siêu sinh ra vào thời đại hiện nay và đến Úc trong lúc này thì nhất định ông không thể nào có cơ hội phát biểu gì trên các chương trình phát thanh bằng tiếng Hoa hàng đầu ở Úc và nhất định cũng chẳng bao giờ được viết gì cho hầu hết các tờ báo Hoa ngữ ở đây!"
Trong một chừng mực nào đó thì các chế độ cầm quyền ở Trung Hoa trước thời Cộng sản cũng vẫn tìm cách để ảnh hưởng tới sinh hoạt của cộng đồng người Hoa sống ở hải ngoại, thế nhưng những gì mà nhà cầm quyền Trung Cộng hiện hành đang nỗ lực thì bất cứ ai chú tâm tìm hiểu đều thấy là ở vào mức độ vô tiền khoáng hậu.
Về lĩnh vực này, ông Paul Monk chỉ ra một số tổ hợp truyền thông bằng tiếng Hoa tại Úc cần phải chú ý. Đó là Chinese Newspaper Group, đặt bản doanh ở Sydney, hiện làm chủ 9 tờ báo ở các địa phương vùng duyên hải; là tổ hợp truyền thông Austar International Media Group, căn cứ tại Melbourne, hiện làm chủ 8 tờ báo với cơ sở ấn loát và nhiều đài phát thanh tiếng Hoa !
Cả hai tổ hợp này đều là công cụ trực thuộc Hệ thống truyền thanh quốc tế China Radio International và Diễn đàn Truyền Thông Hoa ngữ trên thế giới, cơ quan thay mặt cho Đảng Cộng sản Trung Hoa điều hợp tất cả các chi nhánh truyền thông hải ngoại. Vấn đề cốt lõi của nỗ lực kiểm soát và chỉ đạo của Đảng CS đối với các cơ quan, cơ sở truyền thông tiếng Hoa ở hải ngoại là cấm triệt để không cho xuất hiện trên bất cứ một đài phát thanh hay tờ báo tiếng Hoa nào ở Úc những chỉ trích nhắm vào Đảng, kêu gọi cải tổ chính trị hay đòi hỏi tự do ngôn luận. Rõ ràng là cơ cấu đó tìm cách áp đặt tiêu chuẩn của đảng Cộng sản Trung quốc đề ra cho các cơ sở truyền thông (tiếng Hoa) trên đất Úc !
Dĩ nhiên ngay cả tại Hoa lục hiện nay vẫn có hàng chục triệu người không thèm để ý đến những luận điệu tuyên truyền của đảng Cộng sản vì họ vẫn có khả năng tìm kiếm thông tin trung thực qua nhiều phương tiện khác. Vì thế ở tại Úc Đại Lợi chuyện này còn phổ biến hơn vì người dân có nhiều quyền và phương tiện tự do rộng rãi hơn. Nhưng theo tác giả Paul Monk "điều phải chú ý và phải nói đến là đảng Cộng sản Trung quốc cố hết sức –cả công khai lẫn bí mật hành động- để ngăn chặn tối đa mọi sự chỉ trích và để ảnh hưởng trực tiếp lên những cơ sở truyền thông tiếng Hoa tại đây !
Tất cả những hoạt động vừa lộ liễu, vừa bí mật này tại Úc của nhà cầm quyền Trung Cộng diễn ra trong lúc đang xuất hiện một dàn đồng ca rống lên những tiếng kêu gào đòi Úc phải từ bỏ quan hệ đồng minh với Hoa Kỳ để nhích lại gần với Trung Cộng hơn !
Những hoạt động của bộ máy tuyên truyền này của Bắc Kinh diễn ra song song với luận điệu của nhà cầm quyền Trung Cộng tại các cuộc hội đàm, hội thảo song phương cũng đòi chúng ta phải từ bỏ vị trí đồng minh với Mỹ nếu tính đến chuyện mở mang hơn nữa quan hệ giao thương làm ăn với Hoa lục. Chúng cũng diễn ra trong lúc Trung Cộng gia tăng áp lực đe dọa lên các lân bang của họ bằng những tuyên bố chủ quyền vô lý trên vùng biển cách Hoa Lục thật xa và ra sức xây dựng nhiều tiền đồn mới để mở rộng vòng đai kiểm soát trên cả hai vùng biển Hoa Đông và Nam hải (biển Đông của Việt Nam)".
Cuối cùng tác giả Paul Monk kết luận:
"Suốt hơn một thập niên qua nước Úc đã mở rộng vòng tay đón nhận rất nhiều người bất đồng chính kiến và những người khát khao tìm kiếm một cuộc sống tự do hơn những gì phải chịu đựng ở Hoa Lục. Thế nhưng hiện nay chế độ Cộng sản Trung quốc đã đuổi theo họ đến tận nước Úc này, nỗ lực trồng cấy bộ phận tuyên truyền của nhà nước Cộng sản trong cộng đồng di dân người Hoa đó, kèm theo biết bao là nhân viên mật vụ và điểm chỉ. Với tất cả những diễn biến như vậy, mối thách thức nghiêm trọng nhất đối với nước Úc về mặt an ninh quốc gia là trong vòng vài năm tới làm sao phải bóc trần được toàn bộ mạng lưới tuyên truyền này cho công luận biết rõ, đồng thời cố gắng khuyến khích phục hồi lại truyền thống tốt đẹp nhất, tự do nhất của sinh hoạt truyền thông tiếng Hoa trên đất nước Úc, điều chắc chắn những người như nhà ái quốc cách mạng Trung Hoa Lương Khải Siêu đồng ý chấp nhận và nhà văn khẳng khái, tù nhân lương tâm Lưu Hiểu Ba hết sức hoan nghênh !"