Kính thưa quý thính giả, nhà văn học nổi tiếng, đồng thời cũng là một vị tướng hết lòng vì nước trấn thủ thành Bình Định và khi thành mất ông đã uống thuốc độc tự vận để giữ tròn tiết tháo. Trong tiết mục “Danh Nhân Nước Việt” tuần này, chúng tôi xin gởi đến quý thính giả bài “Danh Tướng Ngô Tùng Châu” của Việt Thái qua giọng đọc của Tam Thanh để kết thúc chương trình phát thanh tối hôm nay
*****
Ngô Tùng Châu ra đời tại thôn Thái Thuận, xã Cát Tài, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định. Ông vào sống ở Gia Định sau khi Tây Sơn khởi nghĩa. Ông là môn sinh tâm đắc của cụ Võ Trường Toản.
Biết được tài năng và đức độ, chúa Nguyễn Phúc Ánh giao cho Ngô Tùng Châu làm Chế Các ở Viện Hàn Lâm. Và sau đó, cùng với Trịnh Hoài Đức, Lê Quang Định, Hoàng Minh Khánh và 9 người nữa, được chúa Nguyễn cử làm Điền Tuấn Quan để đôn đốc dân khai khẩn ruộng đất ở Gia Định.
"Sự thực, Ngô Tùng Châu là tay văn học kiệt suất, tiếc rằng chết sớm, nên đời sau ít nói tới. Là học trò tâm đắc của Võ Trường Toản, ông được Nguyễn Phúc Ánh phục tài và tin dùng. Bởi vậy, sau khi được thăng chức Tham tri bộ Lễ, ông còn được cử làm phụ đạo dạy Đông cung Nguyễn Phúc Cảnh mà lâu nay do thầy Bá Đa Lộc kèm dạy. Ngô Tùng Châu đã nhận lời và làm tròn trách nhiệm một cách khó khăn và tế nhị".
Năm Kỷ Mùi 1799, Ngô Tùng Châu theo chúa Nguyễn đem quân ra Bắc đánh nhau với quân Tây Sơn.
Đến tháng 5, quân của chúa Nguyễn đến vây thành Quy Nhơn. Vua Cảnh Thịnh sai Trần Quang Diệu và Vũ Văn Dũng đem binh vào cứu viện, nhưng mới đến Quảng Nghĩa thì bị đánh bại. Quan trấn thủ là Lê Văn Thanh thấy viện binh đến không được, mà lương thực ở trong thành hết cả, bèn cùng các tướng mở cửa thành ra đầu hàng. Chúa Nguyễn đem quân vào thành, cho đổi tên là thành Bình Định, giao cho Võ Tánh và Ngô Tùng Châu ở lại trấn giữ.
Đến tháng Giêng năm Canh Thân (1800), quân của Trần Quang Diệu và Vũ Văn Dũng đến vây thành Bình Định. Võ Tánh cùng Ngô Tùng Châu chỉ phòng thủ, không ra đánh. Hay tin, chúa Nguyễn liền mang đại binh ra, nhưng vì bộ binh và thủy binh không phối hợp được, nên việc giải cứu không thành.
Đến tháng giêng năm Tân Dậu (1801), sau khi đốt được gần hết thủy trại cùng tàu thuyền của Tây Sơn ở cửa Thị Nại, khiến cho tướng Vũ Văn Dũng bỏ vùng biển chiến lược này về hợp binh với Trần Quang Diệu, thì thành Bình Định càng bị vây ngặt hơn.
Liệu không thể đánh phá được, chúa Nguyễn cho người lẻn vào thành bảo Võ Tánh và Ngô Tùng Châu bỏ thành. Nhưng Võ Tánh phúc thư lại rằng: ...quân tinh binh của Tây Sơn ở cả Quy Nhơn, vậy xin đừng lo việc giải vây vội, bệ hạ hãy ra đánh lấy Phú Xuân thì hơn".
Nghe lời Võ Tánh, chúa Nguyễn dẫn đại quân tiến đánh và chiếm được Phú Xuân vào ngày 15/6/1801.
Nhận được tin dữ, Trần Quang Diệu và Võ Văn Dũng cử quân ra cứu viện nhưng bị quân của Lê Văn Duyệt chận đánh nên phải lui binh.
Võ Tánh sai người ra trao cho tướng Trần Quang Diệu một bức thư có câu: "Phận ta là chủ tướng, đành chết dưới cờ. Còn quân sĩ không tội tình gì, xin đừng giết hại".
Sách sử viết:
"Ngô Tùng Châu trở về mặc triều phục chỉnh tề, vái vọng về phía kinh đô Phú Xuân, đọc một bài thơ. Đọc xong, ông uống cạn chén thuốc độc. Võ Tánh nghe tin báo, đau buồn nói: Thế là Ngô tướng quân đã đi trước ta rồi... đoạn đi ngay đến công dinh của Ngô Tòng Chu, lo việc khâm liệm mai táng..."
Năm 1802 vua Gia Long truy tặng Ngô Tùng Châu là Tán trị Công thần đặc tiến Kim tử Vinh lộc đại phu, Trụ quốc Thái sư, tước Châu Quận Công thụy là Trung Ý. Cho xây lăng mộ để tưởng nhớ công lao và cho lấy lầu Bát Giác làm nơi hương hỏa cho họ Võ và họ Ngô.
Trong bài Văn tế Phò mã Chưởng hậu quân Võ Tánh và Lễ bộ Thượng thư Ngô Tùng Châu do Đặng Đức Siêu soạn, được đọc trong lễ truy điệu, có đoạn:
Miền biên khổn, hai năm chia sức giặc, vững lòng tôi bao quản thế là nguy.
Cõi Phú Xuân, một trận thét uy trời, nặng việc nước phải lấy mình làm nhẹ.
Sửa mũ áo lạy về Bắc khuyết, đuốc quang minh hun mát tấm trung can.
Chỉ non sông giã với cô thành, chén tân khổ nhấp ngon mùi chính khí...
Đến năm 1831 vua Minh Mạng truy phong cho Ngô Tùng Châu chức Tá vận công thần, Hiệp tá đại học sĩ, Thiếu sư, Ninh Hòa Quận Công, đổi thụy là Trung Mẫn.
Ở Sài Gòn trước năm 1975 có 2 con đường mang tên Ngô Tùng Châu. Đường Ngô Tùng Châu ở quận 1 và đường Ngô Tùng Châu ở tỉnh Gia Định. Điều đặc biệt là cả hai con đường mang tên Ngô Tùng Châu này đều bị tập đoàn cộng sản Việt Nam xóa tên cùng ngày 4/4/1985.
Chắc chắn một ngày không xa, khi chế độ cộng sản độc tài phi nhân bị sụp đổ, cái tên Ngô Tùng Châu sẽ một lần nữa được đặt tên cho những con đường ở khắp các tỉnh thành để nhớ đến một vị tướng đã tuẩn tiếc theo truyền thống bất khuất và hào hùng của dân tộc Việt.
Việt Thái